VÀO ĐỀ
Xin chia sẻ bản tin của Vatican về việc Tòa Thánh kêu gọi cổ võ sự hiện diện vui tươi sáng tạo và chuyên nghiệp của Truyền Thông Công Giáo:
“Trong bài diễn thuyết cho các tham dự viên Hội Nghị Thế giới Truyền Hình Công Giáo, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone nói Đức Thánh Cha Bênêđictô gửi thông điệp khuyến khích và hy vọng và nhận định rằng sức mạnh của ngành Truyền Hình và những cách thế mà Giáo Hội có thể sử dụng như là phương tiện hoàn thiện sứ mạng truyền giáo của mình.
Hội Nghị Quốc Tế được Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội tổ chức, đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục John Foley, nhận chức từ năm 1984. Hội Nghị Quốc Tế Truyền Thông khai mạc ngày hôm nay (10.10.2006) tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha và sẽ kết thúc vào ngày thứ năm này.
Đức Hồng Y Bertone nói: “Giáo Hội không còn đặt vấn đề là có nên sử dụng Phương Tiện Truyền Thông hay không mà là Giáo Hội phải sử dụng chúng thế nào để hoàn thành tốt hơn và trung thành thi hành mệnh lệnh truyền giáo của chính Chúa Giêsu và làm thế nào có thể đáp ứng một cách thích hợp cho nhu cầu của thời đại chúng ta”.
Đức Hồng Y Bertone nhấn mạnh thêm rằng: “Cần phải có sự hiệp nhất lớn lao giữa Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục địa phương hầu khích lệ và ủng hộ những tổ chức hay công ty Truyền Hình khác nhau, và giúp cho những tổ chức khác sẽ tham gia vào truyền hình, để họ trung thành với danh tính Công giáo đang khi vẫn giữ được sắc thái, sự nhậy cảm và đặc tính văn hóa khác nhau của họ”.
“Giáo Hội có trách nhiệm hơn bao giờ hết dấn thân và trợ giúp và nhất là có sự hiện diện hài hòa và rộng rãi vào các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau. Điều này có nghĩa là Giáo Hội cung ứng và đề nghị những mô thức văn hóa và nếp sống cho phù hợp với tôn chỉ của Giáo Hội hầu giúp hình thành những quyết định trong những môi trường khác nhau”.
“Trong ý hướng này, những Phương Tiện Truyền Thông Mới cung ứng một khung hình rất thuận lợi cho việc tham dự tích cực hơn vào đời sống công cộng, cùng với truyền thông xã hội, Giáo Hội cổ võ để những thành phần ít được may mắn hay yếu thế có thể dự phần và chia sẻ những kinh nghiệm đặc thù, vì thế sự thông hiệp với họ chính là trái tim cốt lõi của Giáo Hội vậy”.
Đức Hồng Y Bertone kết luận rằng: “Đừng nên sợ dấn thân vào k ỹ thuật mới, hãy tham phần vào với niềm hy vọng và tin tưởng, cần phải cổ võ sự hiện diện vui tươi, sáng tạo và chuyên nghiệm vào truyền hình. Chúng ta phải là những người thợ đồng hành của sự thật hầu có thể cung cấp Tin Mừng của Chúa trong những hình thái nhiều mặt của truyền thông: nghe, nhìn, đang khi làm chứng cho vẻ đẹp của tạo dựng” (1).
Vậy để tiếp nối các đề tài về Ðường Lối Truyền Giáo tại Việt Nam, trong bài 13 này chúng ta sẽ nói về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội.
TRÌNH BÀY
I. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI.
Có thể nói từ khoảng 40-50 năm nay Giáo Huấn của Giáo Hội Công giáo về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội là cả một kho tàng rất phong phú. Công Ðồng Vatican II đã có riêng một trong 16 Văn Kiện là Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (2). Trong các triều đại Giáo Hoàng hậu Công Ðồng, nhất là của Ðức Gioan Phaolô II, tầm quan trọng của các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Sau đây tôi chỉ nêu hai trích dẫn quan trọng, một của Công Đồng Vatican II, một của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:
1.1 Của Công Ðồng Vatican II:
“Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật, mà tài năng con người, nhờ Thiên Chúa trợ giúp, đã từng khai thác từ tạo vật, thì Giáo Hội là mẹ, đặc biệt ân cần tiếp đón và theo dõi từ những phát minh liên quan đặc biệt tới tinh thần con người, đến những phát minh tạo thêm những phương thế mới để truyền thông một cách hết sức dễ dàng đủ các loại tin tức, tư tưởng và mệnh lệnh. Tuy nhiên giữa các phát minh này, trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có thể liên hệ và ảnh hưởng đến từng người, mà còn đến chính đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại như báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương tự. Do đó những phương tiện này đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã hội. ” (3).
1.2 Của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II:
Xin trích dẫn hai đoạn văn:
(1) “Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, «các phương tiện truyền thông xã hội trở nên quan trọng tới mức mà nhiều người cho đó là phương tiện chính yếu để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và gợi hứng cách sống của cá nhân, gia đình và xã hội nói chung. Cách riêng, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị tùy thuộc vào các phương tiện thông tin đại chúng». Thế giới hiện nay chứng kiến một nền văn hóa mới đang hiện lên rõ nét, nét văn hóa mới này không chỉ bắt nguồn từ nội dung mà văn hóa sẽ có thể diễn tả, nhưng cũng bắt nguồn từ những cách thông tin mới, những ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và một tâm lý mới». Các phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò rất đặc biệt trong việc hình thành khuôn mặt thế giới, hình thành các nền văn hóa và cách suy tư; vai trò đó đã đưa tới những thay đổi nhanh chóng và rộng rãi trong các xã hội Á châu.
Sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội cũng không khỏi chịu tác động sâu xa của các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì các phương tiện ấy càng ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn, ngay tại những vùng xa xôi của Châu Á¨, nên chúng cũng có thể hỗ trợ rất nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng, tới hết mọi miền của lục địa. Tuy nhiên, «sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến sứ điệp Kitô Giáo và giáo huấn chân chính của Giáo Hội mà thôi thì chưa đủ. Nhưng còn cần phải đưa sứ điệp ấy vào trong nền «văn hóa mới» do các phương tiện thông tin hiện đại tạo ra». Muốn vậy, Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với toàn cả các dân tộc, đưa các giá trị của Nước Trời thâm nhập vào các nền văn hóa của Châu Á¨ (4).
(2) “Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc đẩy Giáo Hội phải xem xét lại về mục vụ và văn hóa để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhập vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận sứ điệp của Tin Mừng” (5).
II. THỰC TẾ NGHÈO NÀN VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY.
Trên VietCatholic News ngày 23.08.2005 có bài “Vài nhận định về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội tại Việt Nam hiện nay” của linh mục Nguyễn Ngọc Sơn, thư ký Văn Phòng thường trực Hội Ðồng Giám Mục, trong đó phần hai trình bày về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội của Giáo Hội Việt Nam. Tôi sẽ điểm nhanh các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội của Giáo Hội Việt Nam hiện nay, một phần dựa vào hiểu biết cá nhân, một phần dựa vào bài viết nói trên của cha Nguyễn Ngọc Sơn (6).
2.1 Sách Công Giáo
Từ năm 1975 việc in sách đạo rất khó khăn và thậm chí trong thời gian vài chục năm đầu gần như là việc không thể. Cho đến ngày 29-4-1999, Nhà Nưóc mới lập ra Nhà Xuất Bản Tôn Giáo để in các sách kinh, tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hóa phẩm thuần túy tôn giáo của các tôn giáo. Riêng năm 2004, Công giáo có 58 ấn phẩm so với 150 của Phật giáo, 2 của Cao Đài, 5 của Phật giáo Hoà Hảo và 1 của Hồi giáo.
Trong lĩnh vực sách Công giáo, những sách xuất bản chính thức chỉ là một phần rất nhỏ so với các sách in không chính thức. Nhiều tác giả hay tập thể chỉ muốn in với số lượng nhỏ, trong thời gian rất ngắn để đáp ứng nhu cầu của công việc hay của cộng đồng nên đã dùng cách photocopy, in bìa, đóng xén như một cuốn sách in và lưu hành nội bộ để tránh thời gian xét duyệt bản thảo, sửa chữa bản văn, nộp các phí xuất bản.
Trong tình trạng hiện nay hầu hết những sách Công giáo không thông qua sự kiểm duyệt của Giáo Hội về mặt giáo lý để có Nihil Obstat và Imprimatur, cũng là một vấn đề đặt ra cho các Tòa Giám Mục.
2.2 Báo Công Giáo
Cả nước hiện nay có gần 6 triệu người Công giáo nhưng số lượng phát hành của báo Công giáo có thể nói là rất ít so với báo chí nói chung. Miền Bắc có tuần báo Người Công giáo Việt Nam với số lượng in khoảng 2.500 bản. Miền Nam có tuần báo Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành từ 13.000-15.000 bản và Nguyệt san Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành 3.500 bản. Cả ba tờ báo này đều do Uỷ ban Đoàn Kết Công Giáo chịu trách nhiệm (7).
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có một bản tin chính thức với giấy phép của Cục Báo Chí, tên là Bản Tin Hiệp Thông, phát hành hai tháng một kỳ với số lượng rất hạn chế (2000 bản). Bản tin này vừa mới được giao cho Ủy Ban Giám Mục về Văn Hóa chịu trách nhiệm và cũng vừa mới được đưa lên mạng dunglac.net.
Một số Tòa Giám Mục cũng phát hành nội bộ những bản tin vắn gồm thư mục vụ của Giám Mục giáo phận, một số tin tức quan trọng, những bài giảng Chúa nhật và những thông báo cần thiết và số lượng từ vài chục đến vài trăm bản mỗi tháng.
2.3 Nhà In Công Giáo
Trước năm 1975, ở Miền Nam có một vài cơ sở in lớn của Công Giáo nhưng thì bị Nhà Nước cấm hoạt động sau ngày 30.4.1975. Vì thế hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không còn cơ sở in nào cả.
Trong tình hình ấy một số người Công giáo liên kết với các công ty in để thực hiện các ấn phẩm Công giáo, một số khác mở các cơ sở đóng sách, photo-copy, in lụa.
2.4 Thư Viện Công Giáo
Ở Việt Nam hiện nay, Giáo Hội Công Giáo chưa có thư viện chính thức về thần học Công Giáo. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có dự án xây dựng tại Sài-gòn một thư viện loại này với các sách chuyển từ Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X (Đà Lạt) xuống, khoảng 40.000 đầu sách và nhận thêm các sách báo khác sau năm 1975, cả loại sách điện tử. Nhưng dự án này chưa được thực hiện.
Ngoài ra, một số dòng tu như dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Don Bosco và các Đại Chủng viện đều có những thư viện với số sách khá lớn. Trong đó phải kể đến Dòng Đa Minh và Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn với lượng sách tới 10.000-20.000 tựa.
2.5 Phim Ảnh Công Giáo
Ở Việt Nam hầu như chưa có phim ảnh chính thức của Giáo Hội Công giáo. Ngay trong phạm vi toàn cầu, cũng có rất ít sản phẩm loại này dù rằng việc thực hiện các cuốn phim bằng các phương tiện nghe nhìn hiện đại ngày nay dễ hơn xưa rất nhiều. Người ta vẫn thu hình những cuộc lễ lớn của giáo phận hay Giáo Hội như Đại Hội La Vang, tang lễ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và bán những băng đĩa này cho giáo dân một cách không chính thức.
Ngoài ra, một vài cá nhân cũng chuyển dịch hay lồng tiếng Việt các phim ảnh có giá trị như Cuộc đời Đức Giêsu, Mẹ Têrêsa Calcutta hoặc các phim Kinh Thánh có nội dung giáo lý. Các phim này được phổ biến nội bộ với số lượng phát hành không nhiều, vì việc sao chép, in lại một cách bất công vẫn còn xảy ra hoặc do không muốn mất thời gian chờ đợi để có giấy phép chính thức.
2.6 Truyền Thanh Công Giáo
Giáo Hội Việt Nam không có đài phát thanh riêng. Tuy nhiên, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể theo dõi những thông tin qua các chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Vatican và Đài Chân lý Á Châu (Veritas of Asia) phát đi từ Phi-lippines.
Ở một số xứ đạo có hệ thống phát thanh nội bộ, có thể lên chương trình tiếp sóng với đài Chân lý Á Châu cho thính giả trong xứ. Nhưng đây là việc làm tế nhị.
2.7Truyền Hình Công Giáo
Kể từ khi đài truyền hình Đắc Lộ, do các linh mục Dòng Tên tại Sàigòn điều hành, ngưng hoạt động vào năm 1975, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, người Công Giáo Việt Nam vẫn có thể tác động gián tiếp lên các chương trình truyền hình của Nhà Nước bằng cách nêu những ý kiến nhận xét về các chương trình ấy. Họ cũng có thể tác động tích cực hơn bằng cách cộng tác với các nhân viên của các đài truyền hình để xây dựng những chương trình có giá trị về mặt đạo đức, nghệ thuật, văn hoá.
2.8 Internet Công Giáo
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chưa thực hiện được một website chính thức để giới thiệu những hoạt động của Giáo Hội cho tín hữu và cả những người ngoài Công Gáo như nhiều Hội Đồng Giám Mục trên thế giới cũng như trong khu vực đã làm. Trên mạng Internet hiện nay chúng ta thấy có một vài trang chủ của giáo phận, một số tổ chức dòng tu và cả cá nhân. Nhiều tín hữu Việt Nam hiện đang truy cập những mạng thông tin Công giáo ở nước ngoài.
Việc thiết lập và duy trì một website cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chịu trách nhiệm là một nhu cầu cần thiết. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu nhân sự hiện nay vẫn cần có một dòng tu hay một vài cá nhân chuyên nghiệp nhận lãnh trách nhiệm thực hiện.
III. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ VỀ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG LÃNH VỰC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Thực tế nghèo nàn về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có hai nguyên nhân chính, một do bên ngoài áp đặt, một do bên trong là chính mình tạo nên. Vì thế tôi thấy có ba việc quan trọng sau đây, xin nêu lên để mọi người suy nghĩ và hành động cách thích hợp tùy theo khả năng và trách nhiệm của mình:
3.1 Đòi Nhà Nước: Trong bài 6 về các Phương Tiện cần thiết cho việc Truyền Giáo tại Việt Nam, tôi đã nêu ý kiến là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có quyền đòi Nhà Nước trả lại cho mình và cho các tôn giáo khác quyền sở hữu và điều hành các cơ sở y tế, giáo dục, xã hội và thông tin đại chúng. Đây là vấn đề hết sức tế nhị, cần khôn ngoan, kiên trì và cả dũng cảm nữa của các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam.
3.2 Gây ý thức: Một việc làm quan trọng khác là gây ý thức cho người Công giáo về tầm quan trọng và tính hữu hiệu của các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội trong đời sống và công cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam. Trong lãnh vực này có nhiều tài liệu cần được chuyển dịch sang tiếng Việt, và Giáo Hội nên tổ chức các đợt học hỏi, tọa đàm, hội thảo để tạo nên một nhận thức đúng đắn và thức thời. Hơn nữa, nếu Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có Thư Mục Vụ về Sống Lời Chúa, thì cũng có thể có Thư Mục Vụ về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội. Rất tiếc là trong Thư Mục Vụ mới nhất của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về “Sống Đạo Hôm Nay” không nhắc gì đến các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (8).
3.3 Trọng dụng và chuẩn bị nhân sự chuyên môn: Giáo Hội Việt Nam có truyền thống bảo thủ và chậm tiến nên thường đi sau, về trễ trong hầu hết các lãnh vực. Vì thế trong lãnh vực Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội là một lãnh vực tương đối mới mẻ, Giáo Hội Việt Nam, cụ thể là Hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ, cần phải nỗ lực thật nhiều trong việc TRỌNG DỤNG & CHUẨN BỊ NHÂN SỰ CHUYÊN MÔN, tránh hai tình trạng:
* một là lãng phí “có người đó mà không xài”
* hai là chậm chân “nước đến chân mới nhẩy”
(có lẽ phải nói là nước đến chân vẫn chưa chịu nhẩy mới đúng).
THAY LỜI KẾT
Chủ đề của Hội Nghị về Truyền Giáo do Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc của Tòa Thánh Vatican và Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tổ chức tại Chiêng Mai (Thái Lan) vào ngày 18-22.10.2006 là “Kể Chuyện Chúa Giêsu cho các dân tộc Á Châu.”
Ngày nay mà kể chuyện về Chúa Giêsu cho người đương thời thì chắc chắn các nhà Truyền Giáo và mọi tín hữu Á Châu không thể không dùng đến các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội là sách báo, phim ảnh, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, ca nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, v.v…
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Forth Worth (TX/USA) ngày 12.10.2006
…………………….
Chú thích
(1) Lm Trần Công Nghị (Vietcatholic News ngày 10.10.2006)
(2) Sắc lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội được các Nghị Phụ bỏ phiếu và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 04 tháng 12 năm 1963.
(3) Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Lời mở đầu, số 1.
(4) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 48.
(5) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Thư gửi giới hữu trách Truyền Thông về “Sự Phát Triển Nhanh Chóng về Công Nghệ Truyền Thông”, số 8, ngày 24-1-2005 (xem Vietcatholic News ngày 24.02.2005).
(6) Xin mời đọc bài Vài nhận định về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội tại Việt Nam hiện nay của linh mục Nguyễn Ngọc Sơn, thư ký Văn Phòng thường trực Hội Ðồng Giám Mục, đăng trên VietCatholic News ngày 23.08.2005.
(7) Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo là một tổ chức có tính quần chúng, thuộc hệ thống mặt Trận Tổ Quốc của Nhà Nước Việt Nam.
(8) Thư Mục Vụ này được ký và phổ biến ngày 08 tháng 09 năm 2006 sau Hội Nghị Thường Niên diễn ra tại Huế từ ngày 04 đến ngày 08.09.2006.