Lễ Hiển Linh
(Mát-thêu 2: 1-12)
Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là một kế hoạch được chuẩn bị, loan báo và thực hiện hoàn hảo. Phụng vụ của Giáo Hội trình bày kế hoạch ấy theo từng bước. Mùa Vọng giúp ta nhận ra Thiên Chúa chuẩn bị kế hoạch như thế nào. Đêm Giáng Sinh là khởi điểm của kế hoạch được thực hiện ngay trong lịch sử nhân loại. Rồi sứ thần đã loan báo trước hết cho người Do-thái: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa” (Lc 2:10-11). Trong lễ Hiển Linh, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi ta suy ngắm việc Chúa loan báo ơn cứu độ cho dân ngoại.
1) Thiên Chúa tỏ mình ra “trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng”
Hiển Linh nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra. Thánh Phao-lô đã gọi việc Chúa tỏ mình ra cho ta là “kế hoạch ân sủng”, tức là kế hoạch để Thiên Chúa ban cho ta “mầu nhiệm Chúa Ki-tô”, hoặc nói theo thánh Gio-an là Thiên Chúa ban cho ta “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14). Ngôn từ khác nhau, nhưng tất cả đều nói về duy một Chúa Giê-su Ki-tô. Người vừa là nội dung vừa là hình thức của những gì Thiên Chúa muốn cho ta biết. Chúa Ki-tô là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa, như ta đọc trong lời mở đầu thư gửi tín hữu Do-thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:1-2).
Chính thánh Phao-lô đã ý thức ngài và các tông đồ khác đã được Thiên Chúa cho biết kế hoạch ân sủng và Người trao cho các ngài sứ mệnh phải rao giảng cho muôn dân về mầu nhiệm Đức Ki-tô. “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa tỏ cho ta biết rằng Người muốn cho tất cả nhân loại, dân ngoại cùng với Do-thái, được “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”, nghĩa là cùng được lãnh nhận ơn cứu độ.
Động lực khiến Thiên Chúa muốn cứu độ ta là vì Người yêu thương ta. Tình yêu ấy được biểu hiệu bằng một ngôi sao dẫn đưa các vị đạo sĩ từ phương Đông đến chiêm bái Tình Yêu bằng xương bằng thịt là Hài Nhi Giê-su. Nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa đối với ta, đó là mục tiêu cốt lõi của việc Hiển Linh. Cho nên các vị đạo sĩ trong nỗ lực nhận biết tình yêu của Chúa, “họ mừng rỡ vô cùng, vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người”. Tâm tình mừng rỡ ấy cũng phải là tâm tình của ta hôm nay. Thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, đã chia sẻ: “Anh em thân mến, được biết các mầu nhiệm ân sủng này của Thiên Chúa, chúng ta hãy hân hoan mừng ngày khởi đầu của chúng ta, ngày Chúa bắt đầu kêu gọi các dân tộc. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa nhân hậu, vì theo lời thánh Phao-lô tông đồ, Người đã làm cho chúng ta nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Con yêu quý của Người” (Kinh Sách, lễ Hiển Linh).
2) Đón nhận và đáp trả tình yêu Thiên Chúa “trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng”
Chúa Giê-su là môi trường giao lưu giữa Thiên Chúa với ta. Trong Người, Thiên Chúa hiến mình cho ta thì trong Người, ta cũng phải mở lòng đón nhận Thiên Chúa như vậy. Cử chỉ dâng tiến của các vị đạo sĩ mang một ý nghĩa hết sức sống động. Những lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược không phô trương sự sang trọng giàu có của họ, nhưng là những biểu hiệu họ dùng để tôn vinh Hài Nhi Giê-su là Thiên Chúa thật làm người. Họ muốn dùng chút lễ mọn ấy để biểu dương sứ mệnh và chức phận của Chúa Ki-tô. Mở bảo tráp cũng giống như mở rộng hết tâm hồn, là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn (Mt 22:37).
Nhân loại vẫn thắc mắc: Làm sao tôi nhận biết Thiên Chúa? Thiên Chúa là ai? Thiên Chúa làm gì cho tôi? Thiên Chúa muốn tôi làm gì?… Bao nhiêu câu hỏi như thế, ta chỉ có thể trả lời với điệp khúc: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng. Chẳng vậy mà Chúa Giê-su đã khẳng định với tông đồ Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).
Chúa Ki-tô là mức đo lường tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Do đó, thánh Gio-an luôn hãnh diện lập đi lập lại cùng một tư tưởng thâm sâu này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
Sau lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, ta lại bước vào Mùa thường niên. Phụng vụ Lời Chúa sẽ cho ta cơ hội để nhìn xem những việc Chúa Giê-su làm, lắng nghe những lời Người giảng, học làm môn đệ Người và thay đổi lối sống của ta theo lối sống của Người. Cũng trong bài giảng lễ Hiển Linh, thánh giáo hoàng Lê-ô Cả đã nhắn nhủ ta: “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân. Chúng ta biết rõ rằng những điều nói trên đã được thực hiện khi một ngôi sao dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh… Ngôi sao này khích lệ chúng ta noi theo gương vâng phục: tức là nỗ lực sống theo ơn thánh, ơn mời gọi mọi người đến với Đức Ki-tô”. Đến với Đức Ki-tô là lời gọi của ánh sao. Cũng như các nhà chiêm tinh đã theo ánh sao, ta sẽ cố gắng đáp lại lời gọi hãy đến với Đức Ki-tô để bước vào hành trình cứu độ Người muốn ta đồng hành tiến về quê hương vĩnh cửu.
3) Suy nghĩ và cầu nguyện
Trong Hài Nhi Giê-su, Thiên Chúa yêu thương nhân loại vô điều kiện. Đứng trước tình yêu ấy, tôi đã có những tâm tình nào? Tôi thực sự cảm nghiệm Chúa thương và muốn cứu độ tôi? Hay chỉ là một điệp khúc chữ nghĩa quá quen thuộc đến nỗi lập đi lập lại như vẹt mà không hề để ý đến ý nghĩa sâu xa và thực tế của nó? Lễ Hiển Linh có thực sự là cơ hội để tôi xác tín lại rằng Chúa thương tôi và muốn cứu tôi không?
Trước khi gặp được Hài Nhi, các nhà chiêm tinh đã gặp vua Hê-rô-đê. Sau khi gặp Hài Nhi, họ được báo mộng đừng trở lại gặp Hê-rô-đê nữa. Vậy Hê-rô-đê biểu tượng cho điều gì? Gặp gỡ với Chúa Giê-su, lối sống của tôi có còn “ngựa theo đường cũ” nữa hay không?
Tôi đã sẵn sàng lên đường làm môn đệ Chúa Giê-su chưa? Tôi có chương trình nào để nghe và sống Lời Chúa trong Mùa thường niên này?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giê-su,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 2)