Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, đã có thói quen thu thập các khoản thánh luật thành bộ sưu tập, để việc nghiên cứu, sử dụng và thi hành được dễ dàng hơn, nhất là đối với các thừa tác viên có chức thánh, vì “không một linh mục nào được phép không biết luật” như Đức Giáo Hoàng Celestino đã viết trong tông thư đề ngày 21-06-429 gửi các Giám mục miền Apulia và Calabria (x. Jaffe n. 371; Mansi IV, col. 469); Công đồng Toledo IV (năm 633), đồng thuận với các lời trên đây, sau khi kỷ luật của Giáo Hội được tái lập thoát khỏi ảnh hưởng của giáo phái Ariô trong vương quốc Wisigoth, đã chỉ thị: “Các linh mục phải biết Thánh Kinh và giáo luật” bởi vì “sự dốt nát là mẹ sinh ra các sai lạc, phải được loại bỏ nhất là nơi các linh mục của Thiên Chúa” (can. 25 – Mansi X, col. 627).
Thực tế, trong mười thế kỷ đầu, những bản sưu tập giáo luật đã xuất hiện nhiều hầu như không đếm xuể, phần nhiều là do sáng kiến riêng tư, những bản sưu tập này chứa đựng những quy tắc đã được các Công đồng và các Đức Giáo Hoàng ban bố, cũng như những quy tắc xuất phát từ các nguồn ít quan trọng khác. Giữa thế kỷ XII, cũng do sáng kiến riêng của tu sĩ Gratianô, cái khối sưu tập và những quy tắc nhiều khi mâu thuẫn nhau ấy đã được thu góp lại thành một tổng hợp sưu tập và luật lệ. Bản tổng hợp ấy sau này được gọi là Sắc luật Gratianô (Decretum Gratiani), làm thành phần một của một sưu tập lớn các luật lệ Giáo Hội, và được gọi là Bộ Giáo Luật (Corpus Juris Canonici), bắt chước tên Bộ Luật Dân Sự (Corpus Juris Civilis) của hoàng để Justinô, và gồm chứa các luật lệ trong gần hai thế kỷ, do quyền tối thượng của các Đức Giáo Hoàng đã thiết lập, với sự trợ giúp của các chuyên viên giáo luật, gọi là các nhà chú giải. Ngoài Sắc luật Gratianô là bản sưu tầm những luật lệ cổ xưa, Bộ Giáo Luật gồm sách Extra của Đức Grêgôriô IX, Đệ Lục Thư (Liber VI) của Đức Bônifaciô VIII, sách Clementinis, tức là bộ sưu tập của Đức V do Đức Gio-an XXII công bố, thêm vào đó, bộ Extravagantes và bộ Extravagantes communes, cũng của ngài, tức là các tập tông thư của nhiều vị Giáo Hoàng chưa bao giờ được thu thập lại thành một sưu tập chính thức. Luật Giáo Hội, mà Bộ Luật này thu thập, làm nên luật cổ điển của Giáo Hội Công Giáo và thường được gọi bằng danh xưng này.
Tương ứng một cách nào đó với Bộ Luật của Giáo Hội La-tinh là Bộ Sưu Tập Luật (Syntagma Canonum) hay là Bộ Giáo Luật Đông Phương của Giáo Hội Hy Lạp.
Các luật lệ sau này, nhất là những luật lệ do Công đồng Tri-den-ti-nô ban hành vào thời cải cách Công Giáo, cũng như những luật lệ do các Thánh Bộ Rô-ma ban hành tiếp theo, mà chưa bao giờ được sắp xếp lại thành bộ sưu tập duy nhất; đó là lý do tại sao các luật lệ tản mát ngoài giáo luật, với thời gian đã trở thành một “khối khổng lồ những luật lệ chồng chất lên nhau”. Tính cách hỗn tạp, mập mờ, vô bổ và thiếu sót như thế của rất nhiều khoản luật đã làm cho chính kỷ luật Giáo Hội ngày càng lâm vào tình trạng nguy kịch.
Vì lẽ đó, ngay trong thời chuẩn bị Công đồng Va-ti-ca-nô I, nhiều Giám mục đã đòi có một sưu tập mới và duy nhất các khoản luật để việc chăm sóc dân Chúa được thể hiện cách chắc chắn và hữu hiệu hơn. Công cuộc ấy đã không thể thực hiện được trong thời gian Công đồng họp, nên sau đó Tòa Thánh đã quyết định sắp xếp lại theo thứ tự mới chỉ những gì xem ra cấp bách hơn và có liên quan gần với kỷ luật hơn. Sau cùng, Đức Pi-ô X, ngay từ đầu triều đại của mình, đã đảm nhận công việc ấy, khi ngài có ý định sưu tập, tu chỉnh các luật lệ Giáo Hội, và ấn định công việc phải được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng y Phê-rô Gasparri.
Để thực hiện công cuộc lớn lao và cam go như thế, việc trước tiên là giải quyết vấn đề nội dung và hình thức của bộ sưu tập mới. Cách sao chép các khoản luật lòng thòng y nguyên như bản gốc không được chấp nhận, nên phương cách biên tập pháp điển hiện nay đã được chọn, nghĩa là bản văn chứa đựng và trình bày một điều luật, phải được soạn lại dưới một hình thức mới và gọn hơn; còn tất cả tài liệu thì được chia thành năm quyển, về căn bản giống như hệ thống luật Rô-ma liên quan đến con người, sự vật và hành vi.
Công việc được thực hiện trong 12 năm với sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, các cố vấn và các Giám mục của toàn thể Giáo Hội. Đặc tính của Bộ Luật mới được trình bày rõ ràng trong phần mở đầu, ở điều 6 như sau: “Bộ Luật giữ lại hầu hết kỷ luật vẫn hiện hành cho đến nay, tuy có những sửa đổi”. Như vậy, không phải là làm luật mới, nhưng chỉ là sắp xếp lại cách mới mẻ luật vẫn hiện hành đến nay. Đức Pi-ô X qua đời, bộ sưu tập phổ quát, chuyên nhất, chính thức này được đấng kế vị là Đức Bê-nê-đích-tô XV công bố ngày 27-5-1917, và có hiệu lực từ ngày 19-5-1918.
Luật phổ quát của Bộ Luật Pi-ô – Bê-nê-đích-tô này được mọi người đồng thuận và ngay cả trong thời đại ngày nay, đã giúp thúc đẩy cách hữu hiệu công cuộc mục vụ trong toàn thể Giáo Hội, và trong thời gian qua Giáo Hội đã tiếp nhận được những sức tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, một phần vì những hoàn cảnh ngoại tại của Giáo Hội trong thế giới hiện nay, một thế giới chỉ trong ít thập niên đã chứng kiến bao xáo trộn mau lẹ, bao đổi thay quan trọng trong phong tục; phần khác vì sự biến chuyển của những hoàn cảnh nội tại trong Giáo Hội, nên việc duyệt lại giáo luật ngày càng trở nên cấp bách và cũng đã được yêu cầu.
Đức Gio-an XXIII đã sáng suốt nhận thấy những thời triệu, khi vào ngày 25-1-1959, ngài loan báo triệu tập Công Đồng Rô-ma và Công đồng chung và một trật tuyên bố rằng những biến cố này là một chuẩn bị cần thiết cho việc canh tân giáo luật đã từng được mong đợi.
Thực ra, khi Công đồng chung đã khởi sự, mặc dù Uỷ ban duyệt lại giáo luật đã được thiết lập ngày 28-3-1963 với Đức Hồng y Phê-rô Ciriaci làm chủ tịch và Đức ông Giacomo Violardo làm thư ký, nhưng trong phiên họp ngày 12 tháng 11 cùng năm, các Đức Hồng y thành viên của Uỷ ban này đã thỏa thuận và đồng ý với vị chủ tịch rằng công việc duyệt lại thực sự và chính thức phải hoãn đến sau, và chỉ khởi sự một khi Công đồng bế mạc, vì việc tu chỉnh phải được thực hiện phù hợp với những khuyến dụ và nguyên tắc do chính Công đồng chỉ định.
Mặt khác, Uỷ ban do Đức Gio-an XXIII thiết lập đã được Đức Phao-lô VI bổ sung thêm 70 cố vấn vào ngày 17-4-1964, và sau này ngài đặt thêm các thành viên Hồng y khác, với nhiều cố vấn từ khắp hoàn cầu để hợp tác hoàn thành công việc. Ngày 24-2-1965, Đức Giáo Hoàng đã chỉ định linh mục Raymundo Bidagor S.J. làm tân thư ký Uỷ Ban, còn Đức ông Violardo được thăng nhiệm thư ký Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích, và ngày 17 tháng 11 cùng năm, ngài đặt Đức ông Guilelmo Onclin làm thư ký phụ tá Uỷ ban.
Đức Hồng y Ciriaci qua đời ngày 21-2-1967, một vị quyền chủ tịch được chọn là Đức Tổng Giám mục Pericles Felici, trước đó là tổng thư ký Công đồng Va-ti-ca-nô II, ngày 26 tháng 6 cùng năm lại được gia nhập Hồng y đoàn, và từ đó nhận trách nhiệm chủ tịch Uỷ ban. Nhưng ngày 1-11- 1973, linh mục Bidagor thôi nhiệm vụ thư ký, vì đã trọn 80 tuổi, nên ngày 12-2-1975, Đức Cha Rosalio Castillo Lara S.D.B., Giám mục hiệu tòa Praecausense và phụ tá Truxilense bên Venezuela được bổ nhiệm làm tân thư ký Uỷ ban, rồi ngày 17-5-1982 làm quyền chủ tịch Uỷ ban thay Đức Hồng y Pericles Felici mới qua đời.
Công đồng Va-ti-ca-nô II sắp bế mạc, và để công khai khởi sự công cuộc duyệt lại giáo luật, ngày 20-11-1965, trước sự hiện diện của Đức Phao-lô VI, đã diễn ra một phiên họp long trọng của các Hồng y thành viên, các thư ký, các cố vấn, các nhân viên văn phòng đã được tuyển chọn vào thời kỳ đó. Trong bài huấn từ của Đức Giáo Hoàng, một cách nào đó ngài đã đặt nền móng cho tất cả công trình và đã thực sự nhắc nhớ rằng Giáo Luật phát xuất từ bản tính Giáo Hội, rằng nguồn gốc luật lệ là quyền tài phán Chúa Ki-tô đã trao cho Giáo Hội nhằm chăm sóc các linh hồn, để họ đạt tới ơn cứu rỗi đời đời; đàng khác, bản chất luật Giáo Hội được sáng tỏ, tính cách cần thiết của luật được minh chứng để đương đầu với những lời phản đối ngày càng phổ biến, lịch trình tiến triển của luật và các sưu tập được trình bày, nhưng nhất là nhu cầu khẩn thiết duyệt mới lại được nêu ra ánh sáng, để kỷ luật Giáo Hội phù hợp với các hoàn cảnh đã thay đổi.
Lại nữa, Đức Giáo Hoàng cũng chỉ cho Uỷ ban hai nguyên tắc phải hướng dẫn toàn thể công trình. Thứ nhất, không phải như trong việc hình thành Bộ Luật Pi-ô-Bềnêdictô, chỉ xếp đặt lại các khoản luật, nhưng nhất là sửa lại các khoản luật cho thích hợp với cách suy nghĩ mới, với những nhu cầu mới, dù có lấy luật cũ làm nền tảng. Thứ hai, trong công việc duyệt lại này, phải đặt trước mắt tất cả các sắc lệnh, các văn kiện Công đồng Va-ti-ca-nô II vì trong đó có các nét riêng biệt cho việc lập pháp mới, bởi lẽ các luật lệ đã được ban bố có liên quan trực tiếp đến các thiết lập mới và kỷ luật của Giáo Hội, hoặc bởi lẽ các giáo huấn dồi dào của Công đồng đã giúp rất nhiều cho đời sống mục vụ, thì cũng đem lại nhiều hiệu lực và sự bổ túc cần thiết cho việc lập pháp.
Trong những năm sau, qua các huấn từ, huấn lệnh và khuyến cáo, Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhớ lại hai nguyên tắc này cho các thành viên của Uỷ ban, và thực sự ngài đã không hề ngừng hướng dẫn toàn bộ công việc tiến tới và ân cần theo dõi.
Để các tiểu ban hay nhóm làm việc có thể bắt đầu công việc một cách có tổ chức, trước tiên cần đưa ra và chấp thuận một số nguyên tắc vạch ra con đường phải theo trong việc duyệt lại toàn Bộ Luật. Theo lệnh Đức Giáo Hoàng, một nhóm trung ương các cố vấn chuẩn bị văn bản tài liệu và trình cho cuộc họp chung của Thượng Hội đồng Giám Mục xem xét vào tháng 10 năm 1967.
Với sự đồng thuận hầu như trọn vẹn, các nguyên tắc sau đây đã được thông qua: 1) Trong luật canh tân, tính cách tài phán của luật mới mà bản chất xã hội của Giáo Hội đòi buộc, phải được tuyệt đối bảo toàn. Vì thế việc của giáo luật là trình bày những quy tắc, để các Ki-tô hữu trong cuộc sống đạo được thông phần các thiện ích mà Giáo Hội thông ban, hầu dẫn tới ơn cứu rỗi đời đời. Vì vậy, để đạt được mục đích ấy, giáo luật phải quy định và canh chừng, để quyền lợi và nghĩa vụ mỗi người đối với nhau và đối với cộng đồng Giáo Hội, hướng tới việc tôn thờ Thiên Chúa và phần rỗi linh hồn. 2) Có sự phối hợp giữa tòa ngoài và tòa trong, đó là một đặc điểm của Giáo Hội và đã có từ ngàn xưa, nên phải tránh xung đột giữa hai tòa. 3) Để tán trợ việc chăm sóc mục vụ các linh hồn, trong luật mới, ngoài đức công bằng, cũng còn phải dành chỗ cho đức ái, tiết độ, nhân đạo, chừng mực, nhờ đó không những giữ được trung dung trong việc các mục tử áp dụng luật, mà còn trong chính việc lập luật, và vì thế nên loại bỏ các khoản quá cứng nhắc; hơn nữa, mỗi khi không cần có những khoản luật nhặt nhằm phục Vụ công ích và kỷ luật chung của Giáo Hội, thì nên sử dụng khuyến dụ, khuyến cáo. 4) Để nhà lập luật tối cao và các Giám mục hành động hài hòa trong việc chăm sóc các linh hồn, và để trách nhiệm mục tử tỏ ra có tính tích cực hơn, thì các năng quyền cho đến nay vốn là ngoại thường để chuẩn các luật chung, từ nay sẽ là thông thường, chỉ giữ lại cho quyền tối thượng của Giáo Hội phổ quát và các thẩm quyền thượng cấp khác những đòi buộc ngoại lệ vì công ích. 5) Chú ý cách riêng đến nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc trên đây, và gọi là nguyên tắc phụ đới; nguyên tắc này càng phải được áp dụng nhiều hơn trong Giáo Hội, vì chức năng của Giám mục cùng với các quyên hành kèm theo, là thuộc thần quyền. Do nguyên tắc này, và miễn là khi sự thống nhất luật pháp và quyền phổ quát được bảo toàn, thì trước hết nên và cần bảo vệ những thiện ích của mỗi tổ chức qua các quyền riêng và qua Sự độc lập chân chính về quyền hành pháp riêng đã được công nhận cho các tổ chức ấy. Vì thế, cũng dựa vào nguyên tắc ấy, luật mới trao cho các quy luật riêng hoặc cho quyền hành pháp phần Vụ chuyên lo về những gì không cần thiết cho sự thống nhất của kỷ luật Giáo Hội toàn cầu, để gầy dựng cách thích hợp điều được gọi là “sự tản quyền” lành mạnh, nhưng tránh nguy cơ gây phân hóa hoặc làm phát sinh các giáo hội quốc gia. 6) Vì sự bình đẳng căn bản giữa các Ki-tô hữu cũng như sự khác biệt giữa các chức vụ và trách nhiệm dựa trên chính trật tự phẩm trật của Giáo Hội, nên các quyền lợi của mỗi người cần được minh định và bảo vệ chắc chắn. Điều đó làm cho việc thi hành quyền bính tỏ ra cách rõ ràng hơn như là một việc phục vụ thực sự, và việc sử dụng quyền bính được bảo đảm và tránh được các lạm dụng. 7) Để những nguyên tắc ấy được đem ra thực hành cách thích hợp, thì cần chú tâm cách riêng đến việc điều chỉnh thủ tục tố tụng để bảo vệ nhân quyền. Vì thế, trong việc canh tân luật, cần chú ý đến những gì người ta rất mong đợi trong vấn đề này là quyền kháng cáo hành chính và quản lý tư pháp. Để đạt điều đó, cần phân biệt rõ ràng các thẩm quyền trong Giáo Hội, như quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, lại phải chỉ định rõ ràng cơ quan nào đảm trách nhiệm vụ nào. 8) Một cách nào đó, phải nhìn nhận nguyên tắc duy trì tính cách địa hạt trong phạm vi thi hành quyền quản trị trong Giáo Hội; vì việc tông đồ ngày nay hình như đòi hỏi việc thiết lập các đơn vị tài phán tòng nhân. Vì vậy, trong luật mới sẽ có nguyên tắc, theo đó, cứ luật chung quyền quản trị dân Chúa được hạn định theo địa giới; tuy nhiên, khi vì lợi ích, thì không gì ngăn cản việc chấp nhận các tiêu chuẩn khác, ít nhất là cùng lúc với tiêu chuẩn địa hạt, để thiết lập các cộng đoàn tín hữu. 9) Giáo Hội, xét là một xã hội ngoại tại, hữu hình và độc lập, không thể từ bỏ quyền cưỡng chế, nhưng các hình phạt thường là hậu kết và chỉ được tuyên và tha ở tòa ngoài. Hình phạt tiền kết còn dành cho một số ít trường hợp, và chỉ dành cho những tội ác nặng nề. 10) Sau cùng, như mọi người đồng ý, cách xếp đặt mới và có hệ thống của Bộ Luật như công cuộc duyệt lại đòi buộc, đã được phác họa ngay từ ban đầu nhưng không thể xác định và giải quyết cách chính xác được. Công việc đó chỉ được hoàn thành sau khi duyệt lại mỗi phần, hơn nữa, chỉ sau khi hầu như toàn bộ đã hình thành.
Những nguyên tắc trên đây vạch ra con đường phải theo trong công cuộc duyệt lại luật này, và cho thấy rõ sự cần thiết phải áp dụng giáo lý mà Công đồng Va-ti-ca-nô II đã trình bày về Giáo Hội trong mọi lĩnh vực, tất nhiên không những phải chú ý đến các lý do ngoại tại và xã hội của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, mà cũng và nhất là chú ý đến đời sống nội tâm nữa.
Và thật sự, trong việc soạn thảo văn bản Bộ Giáo Luật mới, các cố vấn đã được các nguyên tắc hướng dẫn.
Trong khi đó, ngày 15-01-1966, Đức Hồng y chủ tịch Uỷ ban đã gửi thư đến các Chủ tịch Hội đồng Giám mục, xin tất cả các Giám mục toàn thế giới Công Giáo cho biết ước nguyện và gợi ý liên quan đến Bộ Luật phải hoàn thành cũng như phương cách mà các Hội đồng Giám mục và Uỷ ban có thể dễ dàng liên lạc với nhau, nhất là trong vấn đề này, để có thể kiến tạo một sự hợp tác chặt chẽ hết sức vì công ích của Giáo Hội. Đàng khác, cũng xin gửi cho văn phòng thư ký Uỷ ban, danh sách các người thông thạo giáo luật, mà các Giám mục trong miền nhận định là những người có học thức nổi hơn, cũng chỉ rõ ngành chuyên môn của họ, để trong số ấy có thể lựa chọn và đặt làm cố vấn. Thực ra, từ đầu và trong quá trình biên soạn, ngoài các thành viên, cũng đã tuyển lựa làm cố vấn cho Uỷ ban nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân thông thạo giáo luật cũng như thần học, mục vụ và luật dân sự để hợp tác vào công cuộc soạn thảo Bộ Giáo Luật mới. Qua suốt thời gian làm việc của Uỷ ban, từ năm châu và 31 quốc gia, đã có 105 Hồng y, 77 Tổng Giám mục và Giám mục, 73 linh mục triều, 47 linh mục dòng, 3 nữ tu, 12 giáo dân đã góp phần với tư cách là thành viên, cố vấn và cộng tác viên.
Ngay trước phiên họp cuối cùng của Công đồng Va-ti-ca-nô II, ngày 6-5-1965 các vị cố vấn của Uỷ ban đã được triệu tập trong một phiên họp riêng, trong đó, với sự đồng ý của Đức Thánh Cha, chủ tịch Uỷ ban đã trao cho các vị 3 câu hỏi để nghiên cứu, đó là: có nên soạn thảo hai bộ luật không, tức là một bộ luật La-tinh và một bộ luật Đông Phương; việc soạn thảo phải theo phương pháp nào, nghĩa là Uỷ ban và các cơ quan phụ thuộc phải tiến hành ra sao; sau cùng phân chia công việc cho các tiểu ban thế nào cho thích hợp để cùng làm việc một trật.
Các báo cáo về các câu hỏi này đã được 3 nhóm làm việc soạn thảo và đã gửi đến tất cả các thành viên.
Về các câu hỏi ấy, các Hồng y thành viên của Uỷ ban đã họp phiên thứ hai, ngày 25-11-1965, trong đó các ngài được yêu cầu giải đáp một ít thắc mắc đã phát sinh chung quanh vấn đề.
Về cách xếp đặt nội dung Bộ Giáo Luật cho có hệ thống, ban cố vấn trung ương họp từ ngày 3 đến ngày 7-4-1967, đề nghị những gì thu thập được về vấn đề này phải được trình lên Thượng Hội đồng Giám mục. Sau phiên họp của Thượng Hội đồng, vì thấy thích hợp, nên một ủy ban cố vấn riêng biệt để nghiên cứu về nội dung đã được thành lập trong tháng 11 năm 1967.
Trong phiên họp của Uỷ ban này vào đầu tháng 4 năm 1968, mọi người đều đồng ý không đưa vào Bộ Giáo Luật mới các luật phụng vụ và những quy tắc về án chân phước và hiển thánh và cả những gì liên quan đến ngành ngoại giao của Giáo Hội. Mọi người cũng đồng ý rằng trong phần bàn về Dân Chúa, sẽ đưa quy chế cá nhân của mọi Ki-tô hữu vào và sẽ bàn riêng biệt về các quyền bính và các năng quyền liên quan đến việc thi hành các giáo vụ và bổn phận khác nhau. Sau cùng, mọi người đồng ý rằng cách xếp đặt của Bộ Giáo Luật Pi-ô-Bềnêdictô không thể được giữ nguyên vẹn trong Bộ Giáo Luật mới.
Trong phiên họp thứ ba của các Đức Hồng y thành viên vào ngày 28-5-1968, về căn bản, các ngài đã chấp thuận các đề mục nghiên cứu đã được tạm thời sắp xếp trước đây, sẽ được xếp lại theo thứ tự mới: “Về sự sắp xếp Bộ Luật theo phương pháp”, “Về những quy tắc tổng quát”, “Về hàng giáo phẩm”, “Về các tổ chức hướng tới sự hoàn thiện”, “Về giáo dân”, “Về thể nhân và pháp nhân nói chung”, “Về hôn nhân”, “Về các bí tích, trừ hôn nhân”, “Về huấn quyền Giáo Hội”, “Về quyền tài sản của Giáo Hội”, “Về tố tụng”, “Về hình luật”.
Nội dung đề mục “Về thể nhân và pháp nhân” (đó là danh xưng từ đây) được cho kết hợp với quyển “Về những quy tắc tổng quát” Đàng khác, thật là thích hợp nên đặt thành một mục “Về nơi chốn, về thời gian thánh cũng như việc phụng tự”. Vì tính cách bao trùm rộng hơn, mấy mục khác cũng được đổi tên: mục “Về giáo dân” được đổi là “Về quyền lợi các tín hữu và về các hiệp hội cũng như về giáo dân”; mục “Về các tu sĩ” được đổi là “Về các tổ chức hướng tới sự hoàn thiện” và sau cùng là “Về các tổ chức đời sống thánh hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm”.
Về cách thức làm việc duyệt lại trong hơn 16 năm qua, nên nhắc lại những điểm chính yếu – các cố vấn của mỗi nhóm đã tận tâm tận lực thể hiện một công việc thật tốt đẹp, chỉ nhắm đến công ích của Giáo Hội, hoặc trong việc soạn thảo các kiến nghị về các phần lược đồ riêng của nhóm, hoặc trong các thảo luận suốt các phiên họp ở Rô-ma theo thời biểu, hoặc trong việc xem xét các lưu ý, nguyện vọng, ý kiến gửi đến Uỷ ban về chính lược đồ.
Cách tiến hành công việc như sau – một lược đồ dựa trên giáo luật hiện hành được trao cho mỗi cố vấn trong một nhóm nghiên cứu từ tám đến mười bốn vị, để duyệt lại. Sau khi nghiên cứu vấn đề, mỗi vị viết ý kiến gửi đến văn phòng Uỷ ban, và bản sao gửi đến thuyết trình viên, và nếu có thì giờ, thì gửi đến mọi thành viên nhóm nghiên cứu. Trong các phiên họp tại Rô-ma theo lịch trình làm việc, các cố vấn quy tụ lại và sau khi thuyết trình viên trình bày, tất cả các thắc mắc, các ý kiến được cân nhắc kỹ lưỡng cho đến khi bản văn Bộ Luật từng phần được bỏ phiếu chấp thuận và soạn thành sơ đồ. Trong phiên họp, thuyết trình viên được một thư ký phụ giúp.
Số các phiên họp của mỗi nhóm nhiều ít tùy sự việc cụ thể, và công việc đã kéo dài nhiều năm.
Trong thời gian tiếp theo, có nhiều nhóm hỗn hợp đã được thành lập, mục đích để các cố vấn các nhóm khác nhau cùng thảo luận về các luận chứng trực tiếp liên hệ đến nhiều nhóm, và cần phải được ý kiến chung chấp thuận.
Sau khi một vài phác thảo lược đồ nào đó được nhóm nghiên cứu hoàn thành, thì xin Đức Thánh Cha ban các chỉ dẫn cụ thể để tiếp tục công việc; đường lối tiếp tục theo các quy tắc sau đây.
Các lược đồ cùng với bản giải thích được trình lên Đức Thánh Cha, ngài sẽ quyết định xem có cần tổ chức hỏi ý kiến chung hay không. Sau khi được phép tổ chức hỏi ý kiến chung, các lược đồ được in và gửi đi xin ý kiến các Giám mục và các cơ quan tư vấn khác (đó là các Bộ của Giáo Triều Rô-ma, các đại học và phân khoa giáo sĩ, liên hiệp các Bề Trên tổng quyền) để các cơ quan ấy cho ý kiến sau thời gian vừa đủ đã ấn định trước, nhưng không bao giờ dưới sáu tháng. Các lược đồ cũng được gửi đến các Hồng y thành viên Uỷ ban, để các ngài cho nhận xét tổng quát hay chi tiết về giai đoạn này của công việc.
Đây là thứ tự các lược đồ đã được gửi đi để tham khảo ý kiến: năm 1972; “Thủ tục hành chính tố tụng”; năm 1973: “Về chế tài trong Giáo Hội”; năm 1975: “Về các bí tích”; năm 1976: “Về cách bênh vực quyền lợi hay về các án vụ”; năm 1977: “Về các tổ chức đời sống thánh hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm”; “Về các quy tắc tổng quát”; “Về Dân Thiên Chúa”; “Về quyền giáo huấn của Giáo Hội”; “Về nơi chốn và thời gian thánh cũng như về việc phụng tự”; “Về quyền tài sản của Giáo Hội”.
Không thể nghi ngờ rằng việc duyệt lại Bộ Giáo Luật đã không thể thành hình đúng mức nếu không có sự cộng tác quý báu liên lỉ qua vô số những nhận xét có giá trị, nhất là trên phương diện mục vụ do các Giám mục và các Hội Đồng Giám mục gửi đến Uỷ ban. Thực ra, các Giám mục đã gửi đến rất nhiều nhận xét, hoặc chung về các lược đồ, hoặc riêng về từng khoản luật.
Đàng khác, cũng thật là hữu ích các nhận xét dựa trên kinh nghiệm quản trị trung ương của các Thánh Bộ, các tòa án, các cơ quan của Giáo Triều Rô-ma, các đề nghị và gợi ý có tính cách khoa học và chuyên môn của các đại học, các phân khoa giáo sĩ liên quan đến nhiều trường phái và nhiều lối suy tư.
Nghiên cứu, xem xét và thảo luận tập đoàn về tất cả những nhận xét chung và riêng gửi đến Uỷ ban, là một công việc thật bao la nặng nề kéo dài suốt 7 năm. Văn phòng thư ký Uỷ ban hết sức lưu tâm để các nhận xét, đề nghị, gợi ý được sắp xếp trật tự và đặt thành từng chủ đề, gửi đến các cố vấn để được xem xét can thận, rồi được nghị luận trong các phiên họp chung của 10 nhóm nghiên cứu.
Không một nhận xét nào mà không được chú tâm cân nhắc hết sức cẩn thận. Cũng thế, các nhận xét mâu thuẫn nhau (không phải là ít), không những được cân nhắc vì thế giá xã hội học (nghĩa là theo số các cơ quan tư vấn và số người đề nghị), mà nhất là vì giá trị giáo lý và mục vụ, và vì tính cách phù hợp với giáo lý và các quy tắc áp dụng của Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng như với quyền giáo huấn; còn đối với những gì liên quan đến lĩnh vực thuần túy chuyên môn và khoa học, tính chất phù hợp tất yếu với hệ thống giáo luật cũng được xem xét. Hơn nữa, mỗi khi có nghi ngờ hay một vấn nạn quan trọng nổi lên thì lại xin ý kiến của các Hồng y thành viên của Uỷ ban họp trong một phiên họp toàn thể. Còn trong các trường hợp khác, tùy theo đề mục tranh luận mà hỏi Thánh Bộ Đức Tin hoặc các Bộ khác của Giáo Triều Rô-ma. Sau cùng, nhiều sửa đổi hay thay thế trong các khoản của các lược đồ trước, đã được đặt để theo yêu cầu hay gợi ý của các Giám mục và các cơ quan tư vấn khác, cho nên nhiều lược đồ đã được hoàn toàn đổi mới hay sửa chữa.
Duyệt lại mọi lược đồ xong, văn phòng thư ký Uỷ ban và các cố vấn lại miệt mài bắt tay vào công việc nặng nhọc sau cùng. Đó là phối trí tất cả các lược đồ lại với nhau, bảo đảm sử dụng thuật ngữ đồng nhất, cách riêng về phương diện chuyên luật, về cách biên thảo các khoản luật cô đọng, và sau cùng, quyết định dứt khoát về một bố cục có hệ thống, để tất cả và từng lược đồ do các nhóm khác nhau biên soạn, trở nên Bộ Luật duy nhất hoàn toàn ăn khớp với nhau.
Như tự hình thành từ một công việc dần dần chín muồi, cách xếp đặt có hệ thống mới này đáp ứng được hai đòi hỏi, một là trung thành với những nguyên tắc tổng quát do nhóm trung ương ấn định từ đầu; hai là thực dụng, nên Bộ Giáo Luật mới có thể dễ sử dụng không những đối với các nhà thông thạo, mà cả đối với các mục tử, hơn nữa đối với cả các tín hữu.
Như vậy, Bộ Giáo Luật mới gồm bảy quyển với tiêu đề: Về những quy tắc tổng quát, Về Dân Thiên Chúa, Về nhiệm vụ giáo huấn của Giáo Hội, Về nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội, Về tài sản vật chất của Giáo Hội, Về chế tài trong Giáo Hội, Về tố tụng. Mặc dù tiêu đề khác nhau của Bộ Luật cũ và Bộ Luật mới đã cho thấy sự khác biệt giữa hai hệ thống luật, nhưng nếu xét đến các phần, các phân đoạn, các tiêu đề, các chỉ dẫn thì tính cách mới mẻ trong hệ thống xếp đặt càng tỏ rõ hơn. Nhưng chắc chắn rằng cách xếp đặt mới thì hơn cách xếp đặt cũ, không những vì cách xếp đặt mới đáp ứng với nội dung và bản chất của giáo luật hơn, mà điều quan trọng nhất là vì cách xếp đặt này ăn khớp với Giáo Hội học của Công đồng Va-ti-ca-nô II hơn, cũng như với các nguyên tắc của Công đồng đã được đề xuất từ lúc khởi đầu công cuộc duyệt lại này.
Ngày 29-6-1980, lễ trọng kính các thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, lược đồ toàn Bộ Giáo Luật đã được in và trình lên Đức Giáo Hoàng, ngài truyền gửi đến từng vị Hồng y thành viên của Uỷ ban để xem xét và cho ý kiến chung cục.
Để biểu lộ rõ ràng hơn sự tham gia của toàn thể Giáo Hội trong giai đoạn cuối cùng của công việc, Đức Giáo Hoàng đã quyết định đặt thêm các thành viên mới cho Uỷ ban, các Hồng y và cả các Giám mục được lựa chọn từ trong toàn thể Giáo Hội theo đề nghị của các Hội đồng Giám mục hay các liên hiệp Hội đồng Giám mục, và như vậy lần này được bổ sung đến 74 thành viên.
Đầu năm 1981, các vị này đã gửi một số lớn nhận xét về văn phòng thư ký Uỷ ban, và nhờ sự hợp tác nhiệt tình của các cố vấn đặc biệt thông thạo trong từng ngành chuyên môn, các nhận xét ấy đã được trình duyệt, nghiên cứu và thảo luận chung. Bản tổng hợp tất cả các nhận xét, cùng với các giải đáp do văn phòng thư ký và các cố vấn gửi đến đều được chuyển đến các thành viên Uỷ ban vào tháng 8 năm 1981.
Theo lệnh Đức Giáo Hoàng triệu tập để thảo luận và bỏ phiếu về bản văn Bộ Giáo Luật mới, một đại hội đã họp từ 20 đến 28-10-1981 trong đại sảnh Thượng Hội đồng Giám Mục, và đại hội đặc biệt thảo luận không những về 6 vấn đề lớn quan trọng hơn, mà còn về các vấn đề khác, theo yêu cầu của ít là 10 vị Hồng y.
Sau phiên đại nghị này, một nghi vấn được đặt ra là các Nghị Phụ có hài lòng về lược đồ của Bộ Giáo Luật vừa được xem xét trong đại nghi với các tu chính đã được thêm vào, dĩ nhiên với những sửa đổi theo đa số trong đại nghị và những chú ý đã được nêu lên, và cũng hiểu ngầm rằng cách hành văn và La ngữ phải được chỉnh lại (công việc này được trao cho chủ tịch và văn phòng thư ký), và các vị ấy có cho rằng lược đồ này đáng được trình lên Đức Thánh Cha sớm hết sức để ngài công bố thành Luật tùy lúc và tùy cách ngài cho là xứng hợp không? Tất cả các Nghị Phụ nhất trí trả lời đồng ý.
Toàn thể văn bản Bộ Luật được sửa chữa và chấp thuận, với các khoản lược đồ Luật cơ bản của Giáo Hội được thêm vào vì tính chất thích hợp, và cũng được gọt giũa về phương diện La ngữ, sau cùng được in lại và trình lên Đức Giáo Hoàng ngày 22-4-1982.
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của một ít chuyên gia, và sau khi nghe vị quyền chủ tịch Uỷ ban giáo hoàng duyệt Bộ Giáo Luật trình bày, Đức Giáo Hoàng đã đích thân xem xét lại tất cả lược đồ sau cùng này, và sau khi cẩn thận cân nhắc mọi điều, ngài đã ấn định Bộ Giáo Luật mới sẽ được công bố vào ngày 25-1-1983, tức là ngày kỷ niệm lần đầu tiên Đức Gio-an XXIII loan báo dự án duyệt lại giáo luật.
Vì Uỷ ban giáo hoàng được thành lập cho công việc này đã hoàn thành tốt đẹp công việc đã được trao phó sau gần 20 năm làm việc cam go, nên các chủ chăn và Ki-tô hữu có sẵn được Bộ Giáo Luật mới đơn sơ, rõ ràng, thanh nhã và không thiếu tính cách luật học; hơn nữa, vì không xa đức bác ái, công minh, nhân bản, lại được thấm nhuần tinh thần Ki-tô Giáo chân chính, nên Bộ Luật này thích ứng được với bản chất ngoại tại và nội tại Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, và một trật đáp ứng được các hoàn cảnh và nhu cầu của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.
Nếu vì những thay đổi quá mau lẹ của xã hội trần thế ngày nay, một số sự việc ngay trong thời gian duyệt luật đã trở nên ít thích hợp và cần duyệt lại nữa, thì Giáo Hội cũng có đủ năng lực, không thua kém các thế kỷ qua, để lại chọn được con đường canh tân luật sống của mình.
Giờ đây không còn được phép không biết luật nữa; các mục tử có được những quy luật chắc chắn để điều hành đúng đắn công việc mục vụ; từ nay mỗi người có đủ cách thế để nhận biết quyền lợi và nhiệm vụ riêng mình, và cái lối làm theo ngẫu hứng đã được bít lại; những lạm dụng xâm nhập vào đời sống kỷ luật Giáo Hội vì thiếu luật, có thể dễ dàng được tẩy trừ và ngăn chặn; và sau cùng, tất cả các việc tông đồ đã được thiết lập hay khởi sự, chắc chắn có được chỗ dựa để tiến triển và bành trướng, vì một trật tự pháp quy lành mạnh là tuyệt đối cần thiết để cộng đoàn Giáo Hội cường thịnh, thăng tiến và triển nở.
Xin Thiên Chúa vô cùng lân ái phù trì, nhờ rất thánh Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Giáo Hội, và Bạn trăm năm của Ngài là thánh Giuse, quan thầy Giáo Hội, cùng thánh Phê-rô và thánh Phao-lô cầu thay nguyện giúp.