SỰ LIÊN HỆ
CỦA NGƯỜI CHURU VỚI NGƯỜI CHĂM
Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc
Nhập đề :
Xét về mặt ngôn ngữ và hình thể, người Churu có nhiều liên hệ vói người Indonesia, Philipphine, Malaisia… vùng Đông nam Châu Á, người Raglai, Êđê, Jarai… vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam.
Nhưng gần gũi hơn cả, sâu đậm hơn cả, là sự liên hệ của người Churu với người Chăm.
Sự liên hệ này được nhìn thấy qua những điểm sau :
1. Những giả thuyết về nguồn gốc của người Churu
2. Ngôn ngữ
3. Niềm tin
4. Phong tục tập quán
5. Hát Aria – Tục ngữ – Truyện cổ dân gian
6. Trang phục
7. Những liên hệ khác
I. NHỮNG GIẢ THUYẾT
VỀ NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI CHURU :
Ngay từ những giả thuyết về nguồn gốc của người Churu, ta đã thấy có những liên hệ giữa người Churu với người Chăm.
1. Giả thuyết “Căm bruh” :
Theo các “già làng” Churu [1] : Tên gọi Churu bắt nguồn từ chữ “Căm bruh” của tiếng Chăm. Căm : người Chăm – bruh : đi trốn. Căm bruh : người Chăm đi trốn. Người Churu là người Chăm đi trốn.
Ngày nay Anh em Churu còn hát một bài hát theo ý nghĩa này, với chữ “Chăm bruh” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc, vừa hát, vừa múa, vừa thổi “rơkel”, vừa đánh trống “pơnơng”, một loại trống của người Chăm.
2. Giả thuyết “xâm đất” :
Trước đây người Churu vốn là một nhóm con cháu thân thuộc của người Chăm, đã từng sinh sống ở vùng duyên hải Trung Bộ nước ta hiện nay. Nhưng khi các vua chúa Chăm gây chiến tranh với người Khơme và người Việt, để phục vụ cho các cuộc chiến tranh liên miên đó, tầng lớp quý tộc Chăm đã tiến hành bóc lột những người nông dân lao động đồng tộc của mình hết sức thậm tệ. Chúng buộc họ phải vào rừng sâu tìm ngà voi, sừng tê giác và các lâm sản quý nộp cho chúng, hoặc bắt họ xuống sông đãi cát tìm vàng… Lại thêm nạn bắt phu, bắt lính liên miên làm cho đời sống của người nông dân lao động Chăm hết sức cực khổ. Để tránh được sự áp bức bóc lột nặng nề đó, một số người Chăm buộc lòng phải rời bỏ quê hương để tìm nơi đất mới. Chính những người di dân đầu tiên đó đã tự đặt cho mình tên gọi Churu như ngày nay. [2] Họ là những người đã mang theo nghề làm ruộng nước và nghề làm đồ gốm của người Chăm. Vì thế tại những địa bàn cư trú chính của người Churu hiện nay thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn lưu tồn nhiều địa danh chứng tỏ điều đó. Ví dụ, như những làng cổ truyền của nguời Churu : Krangọ, Krangchớ, B”Kăn… là những làng Churu biết làm ruộng và làm đồ gốm… [3]
3. Giả thuyết “Cha Moussay” :
Linh mục Gerard Moussay là người Pháp, thuộc Tu Hội Thừa Sai Paris, đã ở nhiều năm với người Chăm, có nhiều tìm hiểu nghiên cứu về người Chăm, cách riêng về ngôn ngữ Chăm, với cuốn tự điển Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais.
Cha Moussay cho rằng : Người Churu là giới hoàng tộc của người Chăm và những ngươì Chăm hầu hạ giới hoàng tộc, chạy lên vùng cao nguyên.
Cũng theo Cha Moussay : Người Chăm còn lại vùng Phan Rang ngày nay, là những người dân ở lại tại chỗ, không có điều kiện bỏ đi, cũng như không đến nỗi phải sợ bị bắt bớ giết chóc như giới hoàng tộc. Họ ở lại cấy lúa nước để sống, và trồng bông dệt vải để mặc.
Và người Raglai là người Chăm trốn lên rừng. “Ra” bởi chữ “aràng” có nghĩa là : người, “glai” có nghĩa là : rừng. “Raglai” có nghĩa là : người rừng, người trốn lên rừng
4. Giả thuyết “Cha Quang” :
Người Churu là những dân thường người Chăm đi theo lên vùng Dran (Đơn Dương) để hầu hạ vua quan người Chăm. Sau một thời gian dài, khi vua quan người Chăm không còn nữa, những người này nói một thứ ngôn ngữ, phát xuất từ tiếng Chăm, nhưng không phải là tiếng Chăm chính gốc. Đó là tiếng Churu và họ được gọi là người Churu.
5. Giả thuyết “Cha Trọng” :
Người Churu là những người Koho bị bắt hoặc tình nguyện làm nô lệ, hầu hạ cho vua quan người Chăm, khi vua quan người Chăm đến vùng Đơn Dương. Vì phải ở với vua quan người Chăm nên những người Koho này phải nói tiếng Chăm nhiều hơn. Sau một thời gian dài, khi vua quan người Chăm không còn nữa, họ nói một thứ ngôn ngữ mới, phát xuất từ tiếng Chăm có pha lộn nhiều tiếng Koho. Đó là tiếng Churu và được gọi là người Churu.
6. Giả thuyết Pô Dharma :
Pô Dharma là người Pháp gốc Chăm, học trò của Cha Moussay. Tiến sĩ Sử học về người Chăm. Giáo sư Sử học Đại học Sorbonene.
Theo Pô Dharma : Người Churu là người Chămpa. Vì không có người Churu , người Raglai, người Êđê, người Giarai, người Chăm. Chỉ có người Chămpa.
7. Ngoài những giả thuyết trên, tác giả Marcel Ner trong cuốn “Au pays du droit maternel” đã viết : “Chính những người Churu đã phân biệt có ba nhóm Churu : Nhóm Churu – Raglai. Nhóm Churu – Chăm. Nhóm Churu – Koho, nói tiếng Koho”.[4]
Kết luận : Những giả thuyết về nguồn gốc của người Churu có những chi tiết khác nhau, nhưng có một điểm chung : Nguời Churu có một sự liên hệ rất gần gũi với người Chăm. Hầu hết các giả thuyết, sự liên hệ này bao gồm sự liên hệ về huyết thống.
II. NGÔN NGỮ :
Với những giả thuyết trên, cùng với thực tế cho thấy rằng : trong ngôn ngữ hàng ngày của người Churu có nhiều từ gần giống với tiếng Chăm và có nhiều từ giống hoàn toàn với tiếng Chăm. Chúng ta có cơ sở để đồng ý với một số tác giả, tiêu biểu là tác giả Maspéro (một tác giả có nhiều nghiên cứu về các dân tộc Việt Nam), khi xếp tiếng Churu vào hệ ngôn ngữ Malayo – Pôlinêsiên (Mã Lai – Đa Đảo) cùng với người Chăm. [5]
Khi đối chiếu tiếng Churu với tiếng Chăm trong cuốn Dictionnaire Căm – Vietnamien – Francais của Linh mục Gerard Moussay chúng ta lại càng thấy rõ hơn nữa :
1. Những từ Churu gần giống tiếng Chăm
Churu Chăm Pháp
Apăn păn tenir (cầm)
bơng băng manger (ăn)
buh bôh voir (thấy)
glòng klong haut (cao)
glòng akhăr klong akhăr lettré (có học thức)
go ko marmite (nồi)
bràh prah riz (gạo)
…
2. Những từ Churu giống hoàn toàn tiếng Chăm
Churu Chăm Pháp
ako ako tête (đầu)
akhăr akhăr lettre (chữ)
ala ala serpent (con rắn)
alăh alăh paresseux (lười)
alăk alăk alcool (rượu)
bă bă salé (mặn)
bù bu” cheveux (tóc)
halêi haley comment (thế nào)
halun halun serviteur (nô lệ)
…
Vì tiếng Churu có những từ gần giống tiếng Chăm cũng như hoàn toàn giống tiếng Chăm, nên một người Churu có thể nói chuyện được với một người Chăm. Ban đầu có hơi khó, nhưng sau một lúc nghe quen, có thể nói chuyện dễ dàng.
III. NIỀM TIN :
Cũng như các dân tộc thiểu số khác. Người Churu có niềm tin riêng của mình. Thế nhưng, niềm tin của người Churu, như là niềm tin của một dân tộc lớn, với một văn hoá lớn, hơn là niềm tin của một dân tộc thiểu số.
Dựa theo sự bày tỏ niềm tin của một số “già làng” Churu, cho thấy rằng : người Churu có một niềm tin khá phong phú. Họ có niềm tin : về thế giới, về Đấng Tạo Hoá, về con người, về số phận con người sau khi chết… và niềm tin này đã được hình thành từ thời xa xưa, có lẽ từ thời người Chăm đến ở vùng đất của người Churu ngày nay. Niềm tin này được truyền lại do Cụ Hàn Đăng, “ông Vua Churu”, một người Churu mang họ Chăm và có vợ là người Chăm.
Đáng ngạc nhiên hơn cả, niềm tin của người Churu ngày xưa rất gần gũi với niềm tin Kitô giáo. Hay nói theo ngôn ngữ Công Đồng Vaticanô II : Trong niềm tin của người Churu ngày xưa đã có Semina Verbi : Hạt giống Lời Chúa mà chúng ta cần sung sướng, kính cẩn tìm hiểu [6] có sẵn những gì mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi nơi Anh em Churu để chuẩn bị họ đón nhận Tin Mừng. [7]
Từ xa xưa người Churu tin : Thế giới này có “pà tăl” (4 tầng).
Tầng 1 : “Lơngì” (trời) có “Pô sapơjiơng”. “Pô sapơjiơng” tạo dựng nên tất cả mọi loài : Con người, con trâu, con gà, con nai, con cọp , cây lúa,cây bắp, rừng, núi, sông, suối…
“Pô sapơlai” không biết từ đâu đến, luôn tìm cách phá hoại những gì “Pô sapơjiơng” làm. “Pô sapơjiơng” tức giận đạp “Pô sapơlai” xuống trần gian. Thịt xương của “Pô sapơlai” thành ra những thứ xấu xa ở trần gian : cọp, đỉa, rắn, rết, “jin ràk” (ma quỷ)… làm hại con người.
Niềm tin “Pô sapơjơng” của người Churu phù hợp với quan điểm của Cha Đaminh Trọng : “Anh em Dân tộc (Koho và Churu) không phải đa thần, nhưng là độc thần”.
Cũng thế, tác giả Nguyễn Văn Diệu và Phan Ngọc Chiến trong bài viết “Người Koho” của sách “Vấn đề Dân Tộc ở Lâm Đồng” do Mạc Đường chủ biên, trang 264 đã viết : “Người Koho tin có nhiều thần, nhưng vẫn tin có một vị thần tối cao, chúa tể các vị thần khác. Đó là “Nđu” vị thần khai sáng vũ trụ và là vị thần bảo hộ tối cao của con người. Phần đông người Koho có ý niệm mờ nhạt về vị thần tối cao này. Thế nên trong việc thờ cúng, thường chỉ cúng các vị thần ở cấp thấp như : thần sông, thần núi, thần ruộng… ít cúng vị thần tối cao này.”
Tầng 2 : “Tơnahria” (đất) có con người và các loài do “Pô sapơjiơng” tạo dựng nên. Lúc đầu tất cả mọi loài do “Pô sapơjiơng” tạo dựng đều tốt. Thế nhưng những gì bị “Pô sapơlai” phá hoại, thì trở nên xấu. Muốn khỏi bị phá hoại, muốn có điều tốt lành phải cúng vái với các thần : Thần núi, thần sông, thần rừng, thần ruộng, thần lúa… bằng con trâu, con dê, con heo, con gà…
Tầng 3 : “Lơgăr atơu” là nơi ở của con người sau khi chết (gần giống như “sheol” của người Do Thái). Có đủ mọi nhu cầu như người sống : ăn uống, quần áo, nhà cửa…
Tầng 4 : “Rơlồng ala” là nơi ở của những người xấu sau khi chết.
Người Churu tin con người có “bơngă” (hồn) và có “rùp, rùp phàp” (xác). Khi “bơngă” bay ra khỏi “rùp” thì con người chết. Khi con người chết thì trở thành “phùt phòng” (ma)
Sau khi chết, ai sống tốt sẽ được vào “lơgăr atơu” được gặp “Pô sapơjiơng”. Ai sống không tốt, sau khi chết sẽ phải vào “rơlồng ala” gặp “Pô saplai” ở với “jin ràk” (ma quỷ) nóng nực, khổ sở đời đời.
IV. PHONG TỤC TẬP QUÁN :
Phong tục tập quán của người Churu mang nhiều dấu ấn của người Chăm. Nhưng rõ nét hơn cả qua : việc cúng vái, ông thày cúng, cách thức cúng vái.
1. Cúng vái :
Một trong những tập quán quan trọng của người Churu là cúng vái. Việc cúng vái được thực hiện trong hầu hết những sinh hoạt của người Churu, từ sinh cho đến tử : sinh con, đau ốm, cưới hỏi, dựng nhà, làm ruộng, ma chay…
Từ đâu, người Churu có thói quen cúng vái ? Câu chuyện dân gian “Người Churu ăn cắp cây nêu của người Chăm” mà những người già Churu kể lại, trả lời phần nào cho câu hỏi này :
Người Churu khi xuống Phan Rí đổi mắm muối, thấy người Chăm : Đêm hôm trước giết heo, giết dê ăn uống nhảy múa vui vẻ. Ngày hôm sau giết trâu, nấu nướng, bày ra mâm cúng vái, lại ăn uống no say, trai gái đàn ông đàn bà nhảy múa vui vẻ ! sau đó đem cây nêu ra ruộng cắm, rồi trở về nhà lại tiếp tục ăn uống nhảy múa vui vẻ !
Thấy cây nêu đẹp, thấy ăn uống nhảy múa vui vẻ. Người Churu bèn ăn cắp cây nêu đem về vùng Churu. Từ đó người Churu làm cây nêu, giết trâu… cúng vái, ăn uống no say vui vẻ ! Thấy hay hay, nhà này bắt chước nhà kia, và cứ thế trở thành tục lệ cúng vái của người Churu.
Theo một số người già Churu nói tếu : Người Churu khờ quá, bắt chước người Chăm cúng vái mất công, tốn của ! Giá cứ như trước, không cúng vái, đâu có vất vả tốn kém như vậy !
2. Thày cúng :
Nói đến việc cúng vái của người Churu, không thể không nói đến ông thày cúng Churu, và khi nói đến ông thày cúng Churu, không thể không nói đến ông thày cúng Chăm. Có thể nói được rằng : Ông thày cúng Chăm là “sư phụ” của ông thày cúng Churu.
Không như cái nhìn ngày nay cho rằng : Ông thày cúng là phù thuỷ, là ma quỷ… vì chính các ông “thày cúng dzổm” đã tạo cho người ta cái nhìn không cảm tình đó ! Ngày xưa vai trò ông thày cúng rất quan trọng và rất đáng trân trọng trong xã hội người Churu. Thày cúng là người thay mặt dân để tiếp xúc với các thần, để cầu xin những điều tốt lành cho dân, để làm trung gian giữa thế giới người sống và thế giới người chết.
Thời xa xưa, trong vùng của người Churu sinh sống, có “bơmùng” của người Chăm. “Bơmùng” là nơi cúng vái của người Chăm. Trong “bơmùng” có ông “bơsềh” (thày cúng chính) và ông “bơcar” (thày cúng phụ) để cúng vái các vua Chăm ; cũng như cúng vái cầu xin những điều tốt lành cho dân. Trong “bơmùng” có “klong” đựng hài cốt của vua Chăm, có kho tàng của vua Chăm : quần áo của vua, hoàng hậu, súng ống, cung kiếm, ngà voi… [8]
Sau này người Chăm giao “bơmùng” lại cho người Churu chăm sóc giữ gìn. Hàng tháng phải có 04 người Churu thay phiên nhau đến ở “bơmùng” trông coi, quét dọn. Mỗi “bơmùng” có ông “cơmlêi” (thày cúng chính) và ông “pơlă” (thày cúng phụ) thường xuyên lo việc cúng vái, theo cách cúng vái của người Chăm
Bắt chước người Chăm, trong các làng của người Churu cũng có “bơmùng” để cúng vái; có ông “bơsềh”, ông “bơyơu” , ông “gơnuar yàng” :
· Ông “bơsềh” : chuyên cúng cho người chết, theo cách cúng của người Chăm, để đưa “bơnga” (linh hồn) người chết về “lơgăr atơu”, về với ông bà tổ tiên, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở… (vì thế cạnh mộ của người Churu thường có những vật dụng : Choé, gùi, cốc, chén… tất cả đều bị làm hư để khỏi bị lấy cắp) Nếu không có ông “bơsềh” cúng thì “bơngă” không biết đi đâu, bơ vơ thất thểu… [9]
· Ông “bơyơu” (thày cúng chính) và ông “gơnuar yàng” (thày cúng phụ) : không cúng cho người chết, nhưng chuyên cúng những việc khác : cúng thần ruộng, thần nhà, cúng đau ốm, cúng làm ăn…
· Thế nhưng cũng có những ông thày cúng đóng cả hai vai vừa “bơsềh” vừa “bơyơu”. Vừa cúng cho người chết vừa cúng đủ thứ. Vừa tiện vừa “lợi nhuận cao”… !
3. Cách thức cúng vái :
Khi cúng, người ta giết một con vật. Nếu có cây nêu người ta lấy máu bôi vào cây nêu, để làm bằng chứng có lễ vật . Sau đó nấu nướng bày ra trên mâm gỗ và cúng. Thày cúng ngồi dưới đất, đầu đội khăn trắng của người Chăm, một tay giật dây chuông của người Chăm (dây nhiều chuông nhỏ bằng đồng như dây lục lặc) để gọi hồn, gọi thần về. Miệng đọc những câu thần chú bằng tiếng Chăm, nói chuyện với hồn với thần. Tay kia cầm “cây phép” (thường làm bằng rễ cây tre) để đánh đuổi ma quỷ, đánh đuổi bệnh tật. Cúng xong mọi người ăn đồ cúng vui vẻ.
V. HÁT ARIA, TỤC NGỮ, TRUYỆN CỔ DÂN GIAN :
Không chỉ trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, niềm tin, phong tục tập quán. Trong những bài hát Aria, những câu tục ngữ, những truyện cổ của người Churu cũng mang đậm dấu ấn của người Chăm.
A. Hát Aria (adoh Aria) :
Hát Aria là một giai điệu dân ca của người Churu. Aria có nghĩa là : phổ thông, quần chúng, dân gian.
Theo các “già làng” : Lối hát Aria của người Churu là một lối hát của người Chăm. Vì thế, cách hát và những câu hát trong bài, ảnh hưởng người Chăm rất nhiều.
1. Cách hát :
Dựa theo âm nhạc Tây phương, ta có thể nói rằng : Lối hát Aria của người Churu là một lối hát ngẫu hứng, tùy theo “bụng” người hát. Nhưng dựa trên 4 nốt chính :
– Nốt thứ nhất là nốt cơ bản
– Nốt thứ hai cách nốt cơ bản quãng hai trưởng đi lên
– Nốt thứ ba cách nốt cơ bản quãng bốn thứ đi lên
– Nốt thứ tư cách nốt cơ bản quãng bốn thứ đi xuống.
– Thường nốt cơ bản được sử dụng nhiều nhất
Như vậy :
– Nếu lấy nốt MI làm nốt cơ bản
– Nốt thứ hai là FA thăng
– Nốt thứ ba là LA
– Nốt thứ tư nốt SI.
– Thường nốt MI được sử dụng nhiều nhất.
Khi hát : mỗi chữ tương đương với một nốt đen ; thường ngắt ở cuối chữ, cuối câu; thỉnh thoảng thêm chữ “ơ” cuối câu, để ngân nga, nhưng cuối chữ “ơ” cũng ngắt…
Những bài hát Aria thường được kết thúc một cách nhẹ nhàng, cứ như chưa muốn kết thúc, cứ lơ lửng, hay hay !
2. Câu hát :
Những câu hát trong bài hát Aria là những câu tục ngữ (pơnuăi pơđik), có cùng một chủ đề : Anh em sống yêu thương, hiệp nhất với nhau. Con cái hiếu thảo kính trọng cha mẹ… Những câu hát trong bài hát Aria, cũng có thể là một câu truyện dân gian.
Những câu hát này “quyện” lại với nhau một cách nhịp nhàng, bởi những câu hát được lập lại, nhưng thay đổi chút ít : cũ mà mới, mới mà cũ như cách triển khai dòng nhạc của âm nhạc Tây phương. Hoặc về hình thức (thay đổi từ) hoặc về nội dung (thay đổi ý tưởng)
Những bài hát Aria thường được những người già Churu hát trong những bữa tiệc : đám cưới, đám tang, cúng vái… (thường phải có vài tô rượu, mới có cảm hứng để hát) để dạy con cháu những điều tốt lành, hay để kể một câu truyện.
3. Hai loại hát “Aria” :
a. Bài hát “Aria” dạy dỗ con cháu :
Bài hát “Aria” dưới đây, có chủ đề : Anh em sống chung với nhau. Người già Churu hát bài hát “Aria” này, để dạy con cháu : sống yêu thương hiệp nhất với nhau.
1. Adêi sơng sơ-ai bơyiai sa lơtă
Em và anh suy nghĩ một hướng
2. Akàn juôi mă, ia juôi sơkơl.
Cá đừng bắt, nước khỏi đục
(đừng ham lợi lộc mất tình anh em)
3. Adêi sơng sơ-ai bơyiai sa h’tiàn
Em và anh suy nghĩ một bụng
4. Nau tơ jơlàn, juôi juă rơ-ia
Đi trên đường, chớ đạp cành khô
(trong cuộc sống, chớ làm thiệt hại đến anh em)
5. Bù sa kơtun le, ba
Một sợi tóc rơi xuống, hãy nhặt
(anh em có gì sai trái, hãy giúp nhau sửa sai)
6. Nau rim athua, sì jiơng kơjàng,
Đi khắp nơi, khâu cho đẹp
(đi đâu, cũng hãy đoàn kết yêu thương nhau)
7. Bù sa kơtun le, brêi,
Một sợi tóc rơi xuống, hãy cho
(anh em có gì sai trái, hãy tha thứ)
8. Nau rim pơlêi, sì jiơng kơjàng.
Đi khắp làng, khâu cho đẹp
(đi đâu, cũng hãy đoàn kết yêu thương nhau)
9. Klà aràng, rơnăm gơu drêi,
Bỏ người ta, thương anh em mình
10. Aràng sêi brơlêi, gơu drêi akhàn.
Ai chê cười, anh em mình sẽ nói lại
11. Kla gơu drêi, rơnăm aràng,
Bỏ anh em mình, thương người ta
12. Tơbiă mưng sàng, aràng klau brơlêi.
Ra khỏi nhà, người ta cười chê.
Trong bài hát Aria này : câu 1 quyện với câu 3. Câu 2 quyện với câu 4. Câu 5 quyện với câu 7. Câu 6 quyện với câu 8. Câu 9 quyện với câu 11. Câu 10 quyện với câu 12.
b. Bài hát “Aria” kể truyện :
Người Churu có bài hát “Aria”, kể truyện trai gái “pơnuăi đăm dra” bồ bịch, hẹn hò nhau tếu tếu như sau :
Nàng hẹn chàng đến ban tối, chẳng may nhà nàng nuôi nhiều chó. Chàng đến chó sủa. Tức quá chàng chửi chó : tao đã không đến nếu chủ mày đã không hẹn. Nghe chửi chó, từ trong nhà nàng nhắc chàng : hãy đi im lặng như cột nhà, như cây đa vì nhà nuôi nhiều chó.
Câu 1 : Chó vừa sủa vừa đuổi chàng
Hơk hơk asơu wàng ke,
(tiếng chó sủa) chó đuổi cắn
Câu 2 : Chàng mắng chó
bu kơu je soh pô hư pơgon
tao đã không đến nếu chủ mày đã không hẹn
Câu 3 : Chó tiếp tục sủa và đuổi
Hơk hơk asơu wàng groh
(tiếng chó sủa) chó đuổi sủa
Câu 4 : Chàng tiếp tục mắng chó
bu kơu m”rai soh pô hư pơgon
tao đã không đến nếu chủ mày đã không hẹn
Câu 5 : Từ trong nhà vọng ra tiếng nàng mắng yêu chàng
Nau be sòr sơng gơng,
hãy đi yên lặng như cột nhà,
Câu 6 : nau pơkơđơng thàng lô asơu,
đi yên lặng nhà nhiều chó
Câu 7 : Nau be sòr sơng gih,
Hãy đi yên lặng như cây đa,
Câu 8 : nau pơ-alih thàng lô asơu
đi cẩn thận nhà nhiều chó
Trong bài hát này : câu 1 quyện với câu 3. Câu 2 quyện với câu 4. Câu 5 quyện với câu 7. Câu 6 quyện với câu 8.
c. Kết luận : Với cách hát và với cấu trúc của hai bài hát Aria trên. Những câu hát như “quyện lại” với nhau một cách rất nhịp nhàng về từ cũng như về ý. Cho thấy hai bài hát này ở một “tầm cỡ cao”. Một tầm cỡ chỉ có thể phát xuất từ một dân tộc có nền văn hoá cao : Dân tộc Chăm
B. Tục ngữ (pơnuăi pơđik) :
Những câu tục ngữ của người Churu đa phần là những câu tục ngữ của người Chăm, được người Churu lấy lại và “Churu hoá”. Vì thế, những câu tục ngữ của người Churu, có những dấu vết của người Chăm qua ý tưởng cũng như qua những chữ được dùng. Chẳng hạn hai câu tục ngữ sau :
1. Tục ngữ 1 :
Ngoài ý tưởng ra, những chữ được dùng trong câu tục ngữ này, cho thấy rõ “gốc gác” Chăm. Những chữ đậm là những chữ của người Chăm; những chữ còn lại, hầu hết có gốc từ tiếng Chăm
Pơtu pơje. Ia blàn pơtài
Ngôi sao đến gần. Mặt trăng tránh xa
Pơtu ngă sơkrài. Bơngư harum
Ngôi sao làm điều xấu. Như hoa rau dền
Nghĩa bóng : Đàn ông đến gần. Đàn bà tránh xa. Đàn ông làm điều xấu. Sẽ “đổ nợ” nhiều như hoa rau dền ! [10]
Thường người già dùng câu tục ngữ này để dạy con cái mình, nhắc nhở đàn ông đã có vợ, đàn bà đã có chồng, đừng “léng phéng” với nhau.
Theo phong tục người Churu : một người đã có chồng có vợ mà bồ bịch với một người khác cũng đã có vợ có chồng. Nếu sự việc bại lộ, người đó sẽ bị dòng họ hai bên bắt bồi thường : cho chồng hay vợ của mình, cũng như cho chồng hay vợ của tình nhân, là những người đã bị thiệt hại về tình cảm, danh dự… Thế nên rơi vào trường hợp này rất là tốn kém ! phải bồi thường nhiều phía, tốn rất nhiều trâu, có khi đến vài chục con trâu. Do đó phải bán nhà cửa, đất đai để trả nợ, thành ra sạt nghiệp ! Đây là một sự răn đe của người Churu, giúp cho vợ chồng người Churu, chỉ một vợ một chồng, không dám léng phéng, lung tung…
2. Tục ngữ 2 (ý tưởng gần giống câu 1) :
Sơdiu aràng pleh sa tơpa
Vợ người ta tránh một sải tay
Dăm dra pleh sa hăn.
Trai gái tránh một cẳng tay
(từ cùi chỏ đến đầu ngón tay)
Nghĩa bóng : Thanh niên thanh nữ gần nhau không đến nỗi. Nhưng gặp vợ người ta phải tránh thật xa.
C. Truyện cổ dân gian :
Người Churu có nhiều truyện cổ dân gian hay, sâu sắc, dí dỏm…, và trong những câu truyện cổ này thường có sự hiện diện của người Chăm. Điều này cho thấy rõ hơn : ngay từ xa xưa, người Churu đã có những liên hệ với người Chăm. Chẳng hạn câu truyện : “Chàng Churu và vua Chăm”
Khi xưa, có một anh chàng người Churu đến xin ở chăn trâu cho vua Chăm. Ngày nào cũng thế, anh làm việc rất chăm chỉ lại hiền lành. Thấy chàng trai siêng năng chịu khó, cô công chúa Út của vua Chăm đem lòng yêu thương.
Ngày nào cũng vậy, cô đều lẻn ra đồng chăn trâu với chàng Churu, trong khi đó bao nhiêu người trai trẻ, tài giỏi khắp nơi đến cầu hôn đều bị từ chối. Chàng Churu và nàng công chúa Út chơi đùa với nhau như một cặp chim xanh. Họ hết trèo me hái trái lại rủ nhau xuống suối mò cua bắt cá. Tối đến, cô lẻn xuống với chàng Churu. Ngày qua tháng lại, họ càng gắn bó và yêu thương nhau hơn.
Một hôm, vua Chăm biết chuyện liền nổi giận đùng đùng, ông cho người gọi con gái và chàng Churu đến hỏi tội. Trước mặt vua cha, cô công chúa Út không hề sợ hãi và thú nhận với cha tất cả. Thấy con khờ dại từ chối lời cầu hôn của các bậc công tử con của quan lại quý tộc để lấy chàng Churu dân thường, nay lại còn ngoan cố và cả gan thú tội, vua cha giận dữ tột bậc. Ông sai người cậu của nàng Út đưa cả hai vào rừng giết rồi mang tim, gan về cho ông. Vâng lời anh rể, người cậu đưa hai cháu vào rừng sâu. Dọc đường, chàng Churu và nàng công chúa vẫn như hai đứa trẻ hồn nhiên đùa nghịch với nhau mà không hề tỏ ý sợ chết. Thấy sự hồn nhiên trong sáng của hai người, ông cậu không nỡ giết chết họ, ông bèn giết một cặp thú hoang rồi đem tim, gan về cho vua Chăm.
Trong rừng, chàng Churu bắt đầu chặt cây dựng lều và phát hoang làm rẫy. Nhưng hàng ngày phát được bao nhiêu đám, thì qua hôm sau cây cối đều mọc lại như cũ. Một hôm, thấy chàng hiền lành chăm chỉ Vua khỉ mang tặng chàng chiêng thần ước gì được nấy. Dù có được chiêng thần, nhưng chàng Churu vẫn không hề nghĩ đến việc trả thù vua Chăm. Chàng chỉ có hai điều ước : thứ nhất là phát được rẫy, trồng được lúa để có cái ăn và thứ hai là có được nhà để ở. Thế là chiêng thần liền làm toại nguyện chàng Churu, thậm chí hai vợ chồng còn được ở trong một ngôi nhà lớn tận trên đầu nguồn nước, có gia súc đầy đàn, tôi tớ hầu hạ, cùng vô số đồ đạc sang trọng trong nhà. Từ đó, hai vợ chồng chàng Churu sống bên nhau hạnh phúc.
Một hôm, quân lính của vua Chăm biết được chàng Churu và công chúa còn sống sót và rất giàu có đang ở tận nơi rừng sâu. Nhà vua hay tin bèn sai người đến ngôi nhà lớn trong rừng sâu tìm cách hãm hại họ. Khi biết quân lính vua kéo đến, chàng Churu liền ra tiếp họ, anh nói : Chính tôi là chàng Churu chủ ngôi nhà này. Tôi xin mời mọi người vào nhà nghỉ ngơi và ăn uống.
Chàng sai tôi tớ giết trâu bò làm tiệc thiết đãi quân lính rất linh đình. Ăn uống xong, chàng tặng mỗi người nhiều trâu bò mang về. Chàng còn gởi biếu vua Chăm một bầu nước thật trong thật sạch, như để chuộc lỗi : bấy lâu nay chàng ở đầu nguồn nước bên trên đã làm bẩn nguồn nước bên dưới nơi nhà vua đang ở.
Quân lính trở về kể lại cho nhà vua nghe mọi chuyện. Nửa tin nửa ngờ, nhà vua bèn đích thân đến nhà chàng Churu xem sự thể ra sao. Quả đúng như lời quan quân báo. Gặp lại nhà vua, chàng Churu sai người làm tiệc thết đãi thật linh đình và nồng hậu. Thấy chàng Churu nay có thừa sức mạnh và thừa uy quyền để trả thù mình nhưng chàng lại không làm điều đó, vua Chăm thấy hổ thẹn và xin hai con tha thứ. Sau đó, ông quyết định giao quyền kế nghiệp cho chàng Churu. Từ đó, họ sống với nhau thật hoà thuận và hạnh phúc. [11]
VI. TRANG PHỤC :
1. Đàn ông :
Ngoại trừ những người đàn ông Churu “quý tộc”, giàu có, có khả năng mặc như người Chăm cả ngày, ngày này qua ngày khác “cho giống Tây”. Đa số người đàn ông Churu chỉ có thể mặc như người Chăm khi múa (tamya) trong những dịp ma chay, cưới hỏi, cúng bái…
Lúc đó thay vì đóng khố, người đàn ông Churu quấn váy trắng (khăn pơtih) của người Chăm (theo Giáo sư Nhân chủng học Nghiêm Thẩm cái váy của anh em Dân tộc phát xuất từ “sà rông” của người Ấn Độ), mặc áo trắng không có tay (ao là pơk) đầu quấn khăn trắng (cơnră ako)
Thời xưa những trang phục này quý như vàng, vì người Churu không dệt được, phải mua của người Chăm. Có điều tếu tếu là : Lúc đầu màu trắng (người Chăm hay dùng màu trắng, vì đó là màu tự nhiên của cây bông vải, đỡ phải nhuộm tốn kém, vả lại nếu nhuộm lúc đi gặp trời mưa thì đổ nợ !) càng ngày càng ra màu cháo lòng ! càng đen thùi lùi ! vì đi chơi, đi múa về không giặt (cũng không có xà bông để giặt) rũ bụi 3 cái, đặt trong “tiêt” (thùng nhỏ làm bằng tre để đựng quần áo…) ; thêm vào đó, trong nhà đốt củi nấu nướng, sưởi ấm… khói bay vào “tiêt” ! càng đen thùi lùi ! Khi cần, lại mang ra, rũ bụi 3 cái ! mặc đi múa tiếp !
2. Đàn bà :
Ngoại trừ những người đàn bà Churu quý tộc, giàu có có thể ăn mặc và trang điểm như người Chăm cả ngày. Đa số người đàn bà Churu, chỉ có thể ăn mặc và trang điểm như người Chăm khi múa, trong những dịp ma chay, cưới hỏi, cúng vái…
Người đàn bà Churu quấn váy trắng, đen, hồng… của người Chăm với những hoa văn của người Chăm (khăn bơi) mặc áo dài tay, đủ màu (ao to) của người Chăm.
Cổ đeo dây đá quý loại ngắn sát cổ (kơcing ke) hay loại dài (anu ke) do người Chăm đem từ Đà Nẵng (vùng có người Chăm ngày xưa : Trà Kiệu, Mỹ Sơn) đem vào bán cho người Churu.
Trên trán dán miếng vải “mơnà thu dàn” cho đẹp cũng như để chữa bệnh đau đầu (“mơnà thu dàn” là một miếng vải màu đen có tẩm dầu, một loại dầu chữa bệnh). Thói quen này phát xuất từ người đàn bà Chăm, thường chỉ dán để chữa bệnh đau đầu. Người đàn bà Churu thấy đẹp, bắt chước dán, một công hai việc, nhưng đẹp là chính !
Người đàn bà Churu rất thích miếng vải dán này. Thế nên khi các ông chồng Churu xuống Phan Rí trao đổi hàng hoá, nếu không mua “mơnà thu dàn” là “hết giờ với vợ” ! Nghe kể, các ông chồng Churu có thể bị vợ nhốt trong chuồng heo ! Nhất là đối với đàn bà vùng K”răngọ, K”răngchớ, Karái, Kađê.
Đàn ông Churu các vùng khác như Diom, Kađô, Tutra… rất thích con gái vùng K”răngọ, K”răngchớ, Karái, Kađê, vì con gái vùng này đẹp ! Nhưng không dám lấy, vì sợ bị nhốt chuồng heo, chuồng gà (ngày xưa chuồng heo, chuồng gà người Churu làm chắc chắn, kín để ngăn ngừa cọp bắt heo). Có những đàn ông Churu vùng khác đã từng thề không lấy con gái vùng K”răngọ, K”răngchớ, Karái, Kađê !
Người Churu có câu nói : “Iơm ao là, mơnà thu dàn”.
“Iơm ao” là một loại áo nhỏ che ngực đàn bà. “Mơnà thu dàn” là miếng vải đen dán trán. Đối với người đàn bà Churu hai thứ này quý nhất, vì giúp cho người đàn bà Churu đẹp hơn.
VII. NHỮNG LIÊN HỆ KHÁC :
1. Có những người Churu mang họ Chăm :
a. Họ “Hàn” :
Như ông “Hàn” Đăng, “Ông Huyện Mọi” (cách gọi của người Kinh thời ông Hàn Đăng). Một khuôn mặt tiêu biểu của người Churu, một ông “Vua Churu” đã từng làm “Sous-chef de la province Haut Donnai”, chỉ sau quan lớn Pháp, điều khiển cả vùng Đồng Nai Thượng. Không những mang họ Chăm, ông Hàn Đăng còn có vợ là người Chăm (Mò Phum). Vì có gốc gác Chăm, nên con cháu ông Hàn Đăng như : Touneh Hàn Thọ, Touneh Hàn Đinh… thông minh, giỏi, có học vị cao, chức vị cao trong xã hội.
Ông Hàn Thọ đã dọn luận án cao học về người dân tộc (đặc biệt về người Churu) và đã có học vị Tiến Sĩ. Ông từng giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Sắc Tộc. Sau đó làm Chủ Tịch Hội Đồng Sắc Tộc… Ông Hàn Thọ là người Churu đầu tiên đã được rửa tội năm 1955 tại Nhà thờ Đàlạt. Trong cuốn sổ rửa tội của Nhà thờ Chánh Toà Đàlạt vẫn còn giữ hồ sơ rửa tội của ông.
Ông Hàn Đinh là “Directeur de l”Ecole primaire complementaire Franco – Koho de Kade”. Sau này làm Phó quận trưởng quận Lạc Dương.
Con gái ông Hàn Đinh học bên Mỹ, lấy chồng Mỹ làm việc tại Viện Ngôn Ngữ của Mỹ, đặc biệt về tiếng Churu.
Ông Hàn Tinh là sĩ quan quân đội.
Ông Hàn Thạch làm Thông dịch viên tiếng Mỹ.
b. Họ “Chăm yàng in” :
Như “Chăm yàng in” Ya Breng. “Chăm yàng in” Ma Deng ở vùng Preh Tùng Nghĩa
c. Họ “Curu yàng” :
Như “Curu yàng” Ma Sia ở vùng B” Kăn gần Diom. “Curu yàng” Ma Thàm ở làng La Bui gần Lạc Viên. “Curu yàng” Ma Lim ở làng Tà In.
2. Những dấu vết của người Chăm ờ vùng Đơn Dương, Đức Trọng :
a. Cách đây vài năm tại Proh, người ta đã tìm thấy một móng nhà bằng gạch, độ sâu 1m50, rông 5m, dài 10m. Theo các nhà khảo cổ Việt Nam đó là móng nhà một “đền thờ” của vua người Chăm.
b. Cũng tại Proh, người ta đào được những vật dụng của người Chăm : tô, chén, cốc… Và theo dân địa phương kể lại, tại một gốc tre trong vùng, người ta khám phá có khá nhiều vũ khí của người Chăm chôn dấu (kiếm, dao nhỏ…). Ngày nay vào những nhà anh em Dân tộc vẫn còn thấy những vũ khí của người Chăm.
c. Vùng Ka Đơn đã từng có một thời, anh em Kinh cũng như Dân tộc rủ nhau đi kiếm kho tàng người Chăm. Họ bảo nhau tìm cho bằng được những cái choé làm rượu, đáy có miếng đồng đen.
Vì trong dân gian có câu truyên : Có một người Chăm vẽ bản đồ kho báu của vua Chăm vào miếng đồng đen lớn. Sau đó cắt thành 10 miếng nhỏ và lát vào đáy 10 cái choé, trao lại cho 10 người con, mỗi người con một cái choé, và nói với các con rằng : Khi nào có điều kiên, sẽ gặp lại nhau, ráp lại 10 miếng đồng đen đó, để tìm lại kho tàng. Còn nếu bán, cứ tính mỗi đời là 10 con trâu. Bao nhiêu đời thì bấy nhiêu con trâu cho một cái choé.
Cũng thế, để tìm kho tàng, người ta rủ nhau đi đào những ngôi mộ của người Chăm ở rải rác trong vùng, nhiều ngôi mộ người Dân tộc bị “đào oan”, đem đến kiện tụng. Sau này mới biết, đó là những ngôi mộ giả. Dường như người Chăm làm nhiều ngôi mộ giả là để đánh lừa những người đi tìm kiếm kho tàng của người Chăm.
Việc đi tìm kho tàng này phù hợp với tài liệu “Đi thăm kho tàng của các Vua Chàm” của nhà Nhân chủng Học Nghiêm Thẩm, cũng như theo lời kể của các “già làng” Churu : ngày xưa đã từng có hai kho tàng của các Vua Chăm một ở Sop (Sopmadronghay) vùng xã Loan và một ở Krayo vùng xã Tà Năng. Hiện nay vẫn còn móng nhà của kho tàng vua Chăm ở Sop.
Cũng trong tài liệu “Đi thăm kho tàng của các vua Chàm”, trang 1, Giáo sư Nghiêm Thẩm đã viết : “Hai nhà bác học Henri Parmentier và Linh mục E. M. Durand có viết một bài khảo cứu đầy đủ về các bảo vật của vua Chàm trong Kỷ yếu của Pháp quốc Viễn Đông Học Viện, tập V (1905) trang 146. Sau đó J.Y. Claeys cũng viết về mấy kho tàng ở Bình Thuận, tập XXVIII (1928), trang 607 – 610. Năm 1929 – 1930. M. Ner có tới thăm các kho tàng đó và có ghi trong tờ tường trình in trong tập XXX (1930), trang 533 –576 ; Linh mục J. Dournes cũng có nói qua đến vài kho tàng đó trong cuốn sách “En suivant la piste des hommes sue les Hauts Plateaux du Việt-Nam” (René Julliard Paris, 1955) trong những trang 24, 25 và 158, 160.”
d. Có những người Chăm ở vùng Phan Rang, Phan Rí bỏ lên vùng người Churu. Để cho an toàn, họ đã đổi tên, đổi họ sang tên họ Churu, bắt vợ bắt chồng người Churu. Hiện nay con cháu của họ đang ở trong những làng của người Churu.
3. Người Churu đã học làm đồ gốm và làm ruộng nước từ người Chăm. Chính vì thế, từ xa xưa người Churu đã biết làm đồ gốm và làm ruộng nước . Hiện nay làng K”răngo (go : nồi), một làng Churu vùng Đơn Dương, vẫn giữ nghề truyền thống làm đồ gốm
4. Ngày xưa, người Churu và người Chăm xử dụng hai con đường để liên hệ với nhau :
a. Con đường từ Xã Loan Tà In xuống Phan Rí.
b. Con đường từ Diom ngang qua Ma Nới xuống Phan Rang.
Qua hai con đường này, người Churu liên hệ với người Chăm về nhiều mặt, nhưng chủ yếu là trao đổi hàng hóa : Người Churu đổi trâu, dê, heo, gà… lấy mắm muối, cá khô, khăn áo, vải vóc… của người Chăm
5. Đi làm sâu cho người Chăm (nau duh) :
Người Churu từng đi làm sâu cho người Chăm (làm việc không trả công, chỉ cho ăn) : Những người lớn có sức khoẻ trong làng Churu, thay phiên nhau, mỗi đợt vài người, cùng đi với các làng khác, cứ 15 ngày đổi “ca” môt lần, để đi làm sâu cho người Chăm, phục vụ cho những quan lại người Chăm: qúet nhà, gánh nước, chăn dê, chăn trâu, đi cày… nhất là làm thuỷ lợi, đào mương, đắp đập. [12]
Ngươi già churu có kể lại một câu chuyện tếu đi làm sâu như sau : Để đào mương có kết quả, người Chăm chia người Churu ra làm hai nhóm thi đua nhau : Nhóm đàn ông đào mương đàn ông (rơbòng lơkêi), nhóm đàn bà đào mương đàn bà (rơbòng kơmêi) (những mương này vẫn còn). Cuối cùng, tuy khoẻ hơn, nhưng đàn ông vẫn thua ! Lý do rất đơn giản : khi gãy cán cuốc, đàn bà không biết sửa, nhờ đàn ông, đàn ông cứ vui vẻ sửa ! còn thì giờ đâu nữa để mà đào ! Thế là đàn bà thắng !
Chính vì đi làm sâu cho người Chăm. Nên hiện nay, vùng người Chăm, có một số người Chăm lai Churu. Họ là con cháu của những người Churu đi làm sâu cho người Chăm, những người này, quen phụ nữ Chăm và ở lại bắt vợ Chăm.
Kết :
Những điều trình bày ở trên, cho chúng ta thấy rằng : Người Churu có một sự liên hệ đậm đà với người Chăm. Với sự liên hệ này, người Churu đã tiếp nhận phần nào văn hoá “rực rỡ” của người Chăm (những dấu tích của người Chăm còn lại như đền Mỹ Sơn, cổ viện Chàm Đà Nẵng, tháp Bà Nha Trang… cho thấy phần nào của sự “rực rỡ” đó). Di sản này giúp cho cuộc sống của người Churu “văn hoá” hơn, nhất là giúp cho người Churu có thêm những hạt giống Lời Chúa [13] để chuẩn bị họ lãnh nhận Tin Mừng. [14]
Di sản này thiết tưởng đang mời gọi chúng ta : phải lấy làm sung sướng và kính cẩn khám phá ra [15] tìm lại, giữ gìn và phát huy để làm cho cuộc sống đời thường của anh em Churu phong phú hơn nữa, và nhất là để cho công việc Truyền giáo cho anh em Churu sinh hoa kết quả hơn nữa.
Phải chăng di sản này cũng đang mời gọi : một sự liên hệ “ngày nay” giữa Anh em Churu và Anh em Chăm. Một sự liên hệ “mới mẻ” hơn, “nhà đạo” hơn ?
Những tài liệu tham khảo chính :
1. Les Missionnaires et les Montagnards. Marius Boutary
2. Les Kon Cau de la Dà-Nying – contribution à l”étude ethnologique des Cru et Cil du district de Đơn Dương Tuyên Dưc Viêt Nam. Albina Ferreirós
3. Dictionnaire Căm – Vietnamien-Francais. G. Moussay
4. Tìm hiểu đồng bào Thượng. Giáo sư Nhân chủng Học Việt Nam – Nghiêm Thẩm
5. Nguồn gốc đồng bào Thượng. Quốc Khánh
6. Đi thăm kho tàng của các Vua Chăm. Nghiêm Thẩm
7. Sự tồn tại của bản chất Anh-Đô-Nê-Diêng trong nền văn hoá Việt Nam. Gs. Nghiêm Thẩm
8. Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam. Thạc sĩ Phan Xuân Viện.
9. Lịch sử Vương Quốc Champa. Luơng Ninh
10. Nghi lễ vòng đời người Chăm Islam Vũ Hồng Thuật
11. Người Churu. Nguyễn Văn Diệu
12. Truyện cổ Churu. Thạc sĩ Phan Xuân Viện
13. Niềm tin, phong tục, tập quán người Churu. Ya Phêrô
14. Ca dao tục ngữ người Churu. Ya Phêrô
15. Học tiếng Churu. Ya Phêrô
16. Từ vựng Churu Phổ Thông – Phổ Thông Churu. Ya Phêrô
17. Và một số tài liệu khác.
Bài viết cũng được thực hiện nhờ những trao đổi với :
1. Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Minh. Gp. Nha Trang
2. Lm. Giuse Phùng Thanh Quang. Nguyên quản xứ Di Linh Giáo phận Đàlạt, đã ở nhiều năm với anh em Dân tộc ; đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều về anh em Dân tộc.
3. Lm. Đaminh Nguyễn Huy Trọng. Quản xứ Kala Giáo phận Đàlạt, đã ở nhiều năm với anh em Dân tộc ; đã tìm hiểu, nghiên cứu, và có sưu tập quý giá về anh em Dân tộc.
4. Lm. G.B. Trần Minh Cương. Nguyên phụ trách người Chăm Giáo phận Nha Trang
5. Lm. Gioan Nguyễn Hoài An. Dòng Ngôi Lời, phụ trách người Chăm Giáo phận Nha Trang
6. Ông Thanh Ngọc Trào. Con cái Cha Moussay. “Già làng” người Chăm.
7. Thạc sĩ Phan Xuân Viện. Giáo sư Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Tp. HCM. Chuyên nghiên cứu về các Dân tộc Việt Nam.
8. Ông Philippe Yangoh Ya Hiêng
9. Ông Gabriel Bơnahria Ya Minh
10. Ông Micae Nguyễn Văn Quỳnh
11. Cô Maria Touneh Nai Chanh
12. Và một số người khác…
[1] “già làng” ở đây xin được hiểu là những người Churu lớn tuổi và hiểu biết nhiều.
[2] (Curu có nghĩa là : những người “xâm đất”)
[3] Trích bài viết “Người Churu” của Nguyễn Xuân Diệu, trong sách “Vấn đề Dân tộc ở Lâm Đồng” do Mạc Đường chủ biên, trang 272.
[4] Trích sách “les kon Cau de la Dà-Nying contribution à l”étude ethnologique des Cru et Cil du district de Đơn Dương Tuyên Đức Viêt Nam” của Albina Ferreirós, trang 55.
[5] Giáo sư Nghiêm Thẩm trong bài viết “Tìm hiểu đồng bào Thượng” tr. 2.
[6] số 11 của Ad Gentes – Sắc lệnh Về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội…
[7] số 16 Lumen Gentium – Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội.
[8] Trích tài liệu “Đi thăm kho tàng của các vua Chàm” của Giáo sư Nghiêm Thẩm, trang 4.
[9] Trước đó người Churu không biết cúng. Mỗi khi có người chết, chỉ biết lấy 8 cục than, cúng với ông thần cục than và nhờ ông thần cục than đưa “bơnga” về với ông bà tổ tiên.
[10] hoa rau dền, là loại hoa có nhiều hột, sẽ sinh ra nhiều cây rau dền khác.
[11] Câu truyện này được trích ra từ “Truyện Cổ Churu” do Nguyễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh và Tiến sĩ Phan Xuân Viện sưu tầm và biên soạn, trang 93
[12] Đập nước Cơrlàng do người Churu đi làm sâu vẫn còn.
[13] (số 11, Ad Gentes)
[14] (số 16, Lumen Gentium)
[15] (số 11, Ad Gente)