Bài 9:
LÒNG MẾN CỦA THIÊN CHÚA
” Không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta ” (Rm 8,31-39)
Dù thế nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô đã đi từ những ghi nhận trong Lịch sử cứu độ mà khẳng định với chúng ta như thế, bằng những lời lẽ thật xúc động, trong Thư Rôma.
Lm. FX. Vũ Phan Long, ofm
Khi nói đến những tư tưởng của thánh Tông đồ Phaolô về tình yêu, chúng ta có ấn tượng là có nhiều. Tuy nhiên, khi khảo sát các thư của ngài, chúng ta mới thấy chỉ có nhiều các lời khuyên về tình yêu phải có đối với Chúa Kitô, hay đối với Thiên Chúa hoặc đối với nhau mà thôi. Còn tình yêu của Chúa Kitô hoặc của Thiên Chúa (Cha) đối với chúng ta thì sao? Một bài thánh ca hay như bài thánh ca của Thư 1 Côrintô (1 Cr 13,1-7) dường như được dùng để mô tả dung mạo của Chúa Kitô dưới 15 nét của đức mến, để cho các tín hữu xét mình và bắt chước. Thật ra, muốn nói về tình yêu của Chúa Kitô hay của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, mà chỉ đi tìm các từ ngữ hoặc các công thức chuyên biệt, thì dường như không đủ [1]. Chúng ta phải tìm cả những đoạn văn trong đó thánh Tông đồ trình bày về tình yêu của Thiên Chúa hay của Chúa Kitô đối với loài người, dù không có các từ ngữ chuyên biệt.
Hôm nay, chúng ta sẽ làm công việc đó với đoạn Rm 8,31-39.
Đọc từ đầu chương 8 của Thư Rôma, chúng ta ghi nhận được phương diện tích cực của công trình cứu chuộc được Chúa Kitô thực hiện. Một câu như Rm 8,16 thật rất an ủi: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn chúng ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa” (x. Ga 4,6), bởi vì chính Thần Khí đã được ban vào lòng chúng ta để giúp ta kêu lên: “Abba, lạy Cha!” (Rm 8,15; x. 5,5). Trong chương 8, thánh tông đồ cho thấy rằng chương trình của Thiên Chúa rất mạch lạc: Nếu Thiên Chúa gọi loài người đến nhận đức tin và ơn công chính hoá trong bí tích rửa tội, là vì Người nhắm ban cho họ hưởng phúc vinh quang; ngài như thấy họ đã được nhận lấy vinh quang ấy trong Chúa Kitô Phục sinh: “Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng đã kêu gọi; và những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng đã giải án tuyên công; những ai Người đã giải án tuyên công, thì Người cũng đã tôn vinh” (8,30). Các câu 31-39 nói đến đỉnh cao của công trình này, bằng cách ca tụng bằng giọng điệu trữ tình sự tuyệt vời của tình huống mới.
Lời biện hộ cuối cùng để bảo vệ tình yêu Thiên Chúa
Tuy nhiên, các câu 31-39 không phải là một bài “thánh ca” chúc tụng tình yêu của Thiên Chúa (Lyonnet), bởi vì từ vựng thánh Phaolô chọn không phải là từ vựng của một bài ca chúc tụng trong Phụng vụ, nhưng là ngôn ngữ của ngành tư pháp (Légasse). Toàn bản văn mang dấu ấn pháp lý do bốn từ ngữ: cáo tội, giải án tuyên công, lên án và chuyển cầu. Ngoài ra phương pháp diễn từ là phương pháp tiêu biểu của lối văn “công kích” (diatribe) trong văn chương Hy-lạp; trong lối văn này, tác giả ngỏ lời với một người đối thoại tưởng tượng, liên tục đặt ra cho người ấy những câu hỏi và đề nghị những câu trả lời rõ ràng.
Thật ra, toàn Thư Rôma vẫn có ngôn ngữ pháp đình lẫn phương pháp đặt vấn đề thôi thúc độc giả; nhưng riêng ở đây, thánh Tông đồ đưa giáo huấn của ngài lên tới đỉnh cao.
Như vậy, bầu khí được gợi ra bởi bản văn là bầu khí của một phòng xử án (Fitzmyer) trong đó thánh Phaolô, như là luật sư đại tài, nêu lên lời biện hộ cuối cùng nhằm bảo vệ tình yêu Thiên Chúa, một kiểu “tóm kết” (peroratio), trong đó sau khi đã giải thích cho thấy vị “Thiên-Chúa-cho-chúng-ta” đã làm gì, ngài vận dụng tất cả xác tín cá nhân mạnh mẽ của ngài mà nhắc lại quyền chúa tể tuyệt đối của Thiên Chúa.
Bản văn được dẫn nhập bằng một câu hỏi mang tính tu từ đơn giản (c. 31a).
Sau đó, toàn bản văn được cấu trúc thành ba thì:
– trước tiên, tác giả triển khai một lập luận nhằm chứng minh (cc. 31b-32);
– rồi ngài đề nghị ba câu hỏi và cống hiến ba câu trả lời tương ứng (cc. 33-37);
– cuối cùng, ngài trình bày kết luận long trọng của cá nhân (cc. 38-39).
1.- Dẫn nhập
“Vậy đã thế, ta sẽ nói sao (= sẽ nói gì về những điều ấy)?” (c. 31a)
Dùng lối hành văn quen thuộc là một câu hỏi đặt ra cho độc giả bằng câu hỏi, thánh Tông đồ chuyển sang một thì văn chương mới và lôi kéo sự chú ý của người đang lắng nghe lập luận của ngài.
Công thức: “Ta sẽ nói sao?” rất thường xuất hiện trong Thư Rôma (3,5; 4,1; 6,1; 7,7; 9,14.30), và lại không có mặt tại chỗ nào khác trong Tân Ước. Nói chung, công thức này được dùng để đưa vào một ý tưởng sai lạc mà tác giả sẽ minh giải với mục tiêu là phi bác. Chẳng hạn sau khi đã nói rằng ân sủng càng dồi dào gấp bội tại nơi nào tội lỗi gia tăng (5,20), độc giả dễ mà rút ra một hệ luận sai lầm, kiểu: “Ta hãy ở lại trong tội, để ơn được gia tăng” (6,1). Với một sai lầm như thế, Phaolô đưa ra một phản ứng cứng rắn để đối lại: “Đừng nói gở (= Tuyệt đối không! Ước gì đừng có bao giờ như thế! (mê génoito)” (3,6; 6,2; 7,7; 9,14).
Ngược lại, trong trường hợp ở đây, công thức ấy được dùng để tạo ra một dây liên kết giữa những gì đã được nói đến và những sẽ được thêm vào liền sau đó để làm kết luận.
Công thức “những điều ấy” vừa nêu bật sự tiếp nối của bài diễn từ với phần trước, vừa cho thấy là tác giả có ý thêm vào một điều gì đó nữa. Quả thế, Phaolô lấy lại và kết luận bài diễn từ về tình yêu (agapê) của Thiên Chúa “đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta” (5,5): bây giờ, sau phần trình bày đời sống Kitô hữu hoàn toàn được Thánh Thần hướng dẫn, thánh Tông đồ nhắc lại rằng Thiên Chúa ban bằng chứng về tình yêu của Người đối với chúng ta trong sự kiện là Chúa Kitô đã chết “vì chúng ta”, trong khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi (5,8). Nhưng ngài thêm, như là đỉnh cao cuối cùng, rằng sự can thiệp của tình yêu này là tuyệt đối, thường hằng và phổ quát.
2.- Lập luận chứng minh
“Nếu Thiên Chúa phò ta, ai sẽ chống lại ta? Người đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy, làm sao Người lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Người?” (8,31b-32).
a) “Thiên Chúa phò ta”
Phần suy tư bắt đầu với một câu hỏi, nhưng trong thực tế đây là một khẳng định có tính khoa trương. Quả thế, điều kiện được diễn tả ra ở đầu thật ra là nền tảng của xác tín Phaolô và là nguyên nhân của tất cả những gì vừa được nói đến. Để nêu rõ hơn nữa sự kiện này, chúng ta thử thay đổi cách diễn tả, để lối lập luận của Phaolô là như sau: “Bởi vì Thiên Chúa ở về phía chúng ta, ai còn có thể chống lại chúng ta?”. Rõ ràng là không có ai cả!
Vậy, công thức đầu tiên đáng được quan tâm đặc biệt, bởi vì nó đề nghị một ý tưởng nền tảng: “Thiên Chúa là cho/vì (hyper) ta (= phò ta)”. Trong bối cảnh này, trên môi miệng Phaolô, đây không phải chỉ là một công thức văn chương, mà lại có phần ngạo mạn vì cho rằng mình có lý [2]. Thật ra thánh Tông đồ có trong trí niềm tin Kinh Thánh được diễn tả ra như thế là để nói lên xác tín của người tín hữu là được Đức Chúa đồng hành với và giúp đỡ; và từ sự chắc chắn này, phát sinh sức mạnh đề đương đầu với các khó khăn:
“Dẫu phải qua ghềnh u tối,
hoạ tai tôi chẳng sợ.
Vì đã có Người ở với tôi,
Côn của Người, gậy của Người làm tôi an dạ”.
(Tv 23,4).
“Có Yavê ở với tôi, tôi không sợ,
người phàm có làm gì được tôi ?
Có Yavê với tôi trong đám người hộ vực,
tôi sẽ nhìn thẳng những kẻ ghét tôi”.
(Tv 118,6-7).
Tuy nhiên, cách sử dụng giới từ hyper có phần độc đáo: với giới từ này, dường như thánh Phaolô muốn đi xa hơn ý tưởng là “sự đồng hành” diễn tả bởi giới từ meta (với), để nêu bật sự kiện là Thiên Chúa “chiếu cố đến”, nghĩa là đứng về phía chúng ta, lấy lập trường mà bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, hai giới từ ở trong một văn cảnh tương tự thì có ít nhiều giá trị như nhau, như truyền thống Nhất Lãm về các lời Đức Giêsu nói đã cho thấy: Quả thế, bản văn Máccô: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ (hyper) chúng ta” (Mc 9,40) tương ứng với bản văn Mátthêu: “Ai không đi với (meta) Ta, tức là chống lại Ta” (Mt 12,30).
Vậy điểm khởi hành là hình ảnh thánh Phaolô đề nghị về Thiên Chúa: Người “chiếu cố đến con người”. Quả thật, đại từ “[chúng] ta” không quy chiếu về một nhóm nào riêng biệt, như chẳng hạn dân tộc Do-thái hoặc cộng đồng Kitô hữu: ngữ cảnh của bài diễn từ đưa chúng ta đến chỗ nhận ra có một quy chiếu phổ quát về toàn thể nhân loại. Thay vì giới thiệu một thần linh dửng dưng hoặc thù nghịch với con người, thánh Tông đồ mạnh mẽ nhắc lại rằng Thiên Chúa ở về phía con người và không phải chỉ là về lý thuyết: tất cả những gì Người đã làm trong lịch sử thì Người đã làm “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”.
Vậy, không một ai có thể “chống lại” (kata) chúng ta! Không phải theo nghĩa là không có điều gì xấu có thể xảy ra, nhưng theo nghĩa là không một sức mạnh nào có thể chống lại ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Ngôn ngữ thuộc về pháp đình và dường như nhắm đến các chứng từ đứng ra “chống lại chúng ta” để đưa chúng ta đến chỗ bị kết án trong khi xét xử, đúng y như chuyện đã xảy ra trong cuộc xử án chống lại Đức Giêsu (x. Mt 26,62; 27,13; Mc 14,60). Nhưng Thiên Chúa, là vị Thẩm phán, Người không để mình bị lung lạc: Người muốn chúng ta được cứu độ và Người sẽ thành công! Không trở ngại nào có thể ngăn cản được Người.
b) Thiên Chúa “đã phó nộp Con của Người”
Làm thế nào mà thánh Phaolô có thể chắc chắn như thế? Sức mạnh của lập luận của ngài dựa trên những gì đã xảy ra: quả vậy, đây không phải là một việc lấy lập trường kiểu ý thức hệ, nhưng là một suy nghĩ về lịch sử cứu độ. Nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm người, đã chết và đã sống lại, thánh Tông đồ nhận ra bằng chứng là “Thiên Chúa phò chúng ta”: chính hoàn cảnh lịch sử và cá nhân của Đức Giêsu vén mở cho thấy ý định sâu xa của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại. Quả vậy, đàng sau hoàn cảnh sống của Đức Giêsu (Chúa Con), có kế hoạch của chính Thiên Chúa (Chúa Cha).
Hành động của Thiên Chúa được trình bày trước tiên dưới phương diện tiêu cực (“không tha cho”), rồi dưới phương diện tích cực (“nhưng đã phó nộp”). Trong trường hợp thứ nhất, Phaolô gợi ý mơ hồ tới truyện Ysáac là người được truyền thống Do-thái gọi là Aqedah, nghĩa là “sự trói”: vào dịp ấy, Thiên Chúa đã ca ngợi đức tin của Abraham vì ông đã không ngại từ khước đứa con một (x. Kn 22,12.16); nhưng trong cách diễn tả của thánh Phaolô, ta không thể khẳng định rằng đây là một việc đọc lại truyện Ysaác dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô.
Tất cả sự chú ý của tác giả đúng ra nhắm vào việc diễn tả sự kiện cách tích cực, tập trung vào động từ “phó nộp” (paradidomi). Một giáo huấn tương tự đã được trình bày ở cuối ch. 4 trong một công thức Kitô học rất đậm đặc:
“Ngài (= Đức Giêsu, Chúa chúng ta) đã bị phó nộp (paredothe) vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại vì là để ta được giải án tuyên công” (4,25).
Hình ảnh rất có thể dẫn xuất từ việc đọc lại Is 53 theo cách Kitô giáo theo Bản dịch LXX, coi đó là biến cố nói về Đấng Mêsia Giêsu, chết để đền tội cho dân:
“Yavê để ngài phải lụy (paredoken) vì tội vạ hết thảy chúng tôi” (Ys 53,6);
“Ngài đã thí mạng (paredothe) không màng cái chết … đã mang lấy (paredothe) tội lỗi nhiều người” (Ys 53,12).
Bằng cách đó, Phaolô muốn nhắc lại sáng kiến của Thiên Chúa trong cái chết cứu chuộc của Đức Giêsu, là con “riêng” (idios) của Thiên Chúa, chứ không phải là dưỡng tử như tất cả những người được cứu chuộc: thập giá không phải là một chuyện ngẫu nhiên, một tai nạn, nhưng là sự hoàn tất của một kế hoạch Thiên Chúa muốn có. Tuy nhiên, ta không thể nói rằng Chúa Cha đã trực tiếp muốn có cái chết của Con: trách nhiệm của việc giết người này thuộc về một vài người xấu, đã gây ra một sự bất công lớn nhất. Thế nhưng trong biến cố bi thương này, ta nhận ra “ân ban” của Chúa Cha, như là bằng chứng về tình yêu vô biên của Người đối với nhân loại: Thiên Chúa không làm sao có thể làm hơn thế nữa, để chứng tỏ cho loài người thấy là Người yêu thương họ, để cho họ thấy là Người “yêu thương họ đến chết”, chịu để người ta sát hại mình mà không dùng vũ lực để đối phó.
Ngoài ra, thánh Tông đồ nhận xét, Chúa Cha đã phó nộp Con “vì (hyper) chúng ta”, nghĩa là do chiếu cố đến chúng ta, để đền tạ các tội lỗi chúng ta: thật thú vị khi thấy tác giả nhắc lại giới từ hyper để xác định phẩm chất của hành động của Thiên Chúa. Bằng các sự kiện, Người đã cho thấy rằng Người ở về phía chúng ta.
Thánh Tôma đã giải thích cách thuyết phục: “Chắc chắn Chúa Cha đã không “trao nộp” Con của Người, như kiểu Philatô hay Giuđa; Người đã “trao nộp” Con theo nghĩa là Người “đã quyết định rằng Chúa Con sẽ nhập thể và chịu đau khổ”, và như thế không phải bằng cách như từ bên ngoài áp đặt một cái chết mà Người không sẵn sàng chấp nhận, điều này sẽ là “bất công và độc ác”, nhưng bằng cách “chuyển thông cho ý chí nhân loại của Chúa Con một mức độ tình yêu sao cho Chúa Con hoàn toàn sẵn sàng chịu khổ nạn”. Hoặc, ở chỗ khác: “Chúa Cha đã không ép buộc Con mình chết trái ý Người, nhưng Chúa Cha đã thoả ý khi Chúa Con vui lòng chấp nhận chết vì yêu thương, một tình yêu mà chính Chúa Cha thực hiện trong tâm hồn của Đức Kitô” [3].
Vậy, suy tư của thánh Phaolô dựa trên một lập luận a fortiori, rất quen thuộc, được ngành chú giải Do-thái gọi là qal wahomer [4], tiến hành từ một sự kiện to lớn hơn để chứng minh một điều tương tự nhỏ hơn. Điều lớn lao nhất mà Người có thể cho, Thiên Chúa đã cho rồi; thế nên thật lô-gích nếu suy ra là Người cũng sẽ cho cả phần còn lại.
Tư tưởng liền mở ra thành một câu hỏi tu từ, có giá trị như một khẳng định chắc chắn: “Làm sao Người lại không gia ân (charisetai) vạn sự cho ta làm một với Ngài?” (c. 32). Trong trường hợp này, động từ Hy-lạp được sử dụng để diễn tả ân ban là động từ nói về “ân huệ” (charis): Người Con Giêsu là ân sủng, là quà tặng cao quý nhất; không những thế, Người còn trở thành nguồn suối thường xuyên trao ban các các ân sủng, bởi vì chính là do ở-với-Người mà phát xuất ra cho người tín hữu mọi điều thiện hảo.
3.- Ba câu hỏi và ba câu trả lời
a) Câu hỏi – trả lời đầu tiên
“Ai sẽ cáo tội những kẻ Thiên Chúa đã chọn? – Thiên Chúa đã giải án tuyên công” (8,33).
Đến đây tác giả thay đổi giọng, chuyển đi từ lý luận sang đối thoại với thính giả; nhưng ngài tiếp tục triển khai cùng một tư tưởng. Với ba câu hỏi thúc bách, thánh Phaolô muốn nhắc lại sức mạnh chung quyết mà công trình cứu chuộc có được.
Không một ai, lúc này hoặc mãi mãi, sẽ dám “cáo tội” (en-kaleô) những người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn (x. 8,30): động từ này là tiêu biểu của toà án và cho thấy việc việc gọi ra toà. Phaolô dùng động từ này, trong khi vẫn theo lược đồ tư pháp, để mạnh mẽ loại trừ mọi khả năng mới là quy trách con người, sau công trình giải án tuyên công.
Công thức ngắn gọn tiếp theo như là câu trả lời có tính hàm hồ. Trong cách diễn tả Hy-lạp, tên Thiên Chúa có kèm theo phân từ dùng như danh ngữ của động từ “giải án tuyên công” nên có thể dịch sát chữ là “Thiên Chúa là Đấng giải án tuyên công”. Thì hiện tại nêu bật một sự kiện quan trọng: công trình của Thiên Chúa tiếp tục trong thời gian và được đổi mới liên tục trong kinh nghiệm của mỗi người.
Bây giờ công thức này có thể được hiểu như là một khẳng định loại bỏ mọi khả năng cáo tội: kể từ khi Thiên Chúa đã “làm cho nên công chính”, thì không còn ai có thể tuyên bố “có tội”. Hoặc có thể hiểu công thức này như là một câu hỏi tu từ, rõ ràng là không thể xảy ra: phải chăng lại chính Thiên Chúa sẽ cáo tội? Nhưng nếu Thiên Chúa “là Đấng giải án tuyên công”, thì làm sao Người lại có thể kết tội? Trong cả hai trường hợp, ý nghĩa không thay đổi.
b) Câu hỏi – trả lời thứ hai
“Ai sẽ là người lên án? – Phải chăng là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và là Đấng đang chuyển cầu cho ta?” (8,34).
Câu hỏi thứ hai song song chặt chẽ với câu hỏi đầu. Tương ứng với động từ “cáo tội” là động từ “lên án” (kata-krinô), diễn tả một lời tuyên án chống lại (kata) bị cáo: không một ai có thể làm chứng chống lại chúng ta đến độ đạt được một án xử bất lợi cho chúng ta.
Ngược lại, trong câu trả lời có một điểm mới, tuy vẫn tôn trọng sự song song: thêm vào công trình của Thiên Chúa, nay có công trình của Đức Kitô. Cả trong trường hợp này nữa, ta thấy lặp lại hai khả năng giải thích là khẳng định hoặc là câu hỏi tu từ: nhưng ý nghĩa vẫn y nguyên. Đức Kitô Giêsu là bằng chứng sống động cho thấy Thiên Chúa chiếu cố đến chúng ta: Người muốn chúng ta được cứu độ chứ không phải là bị lên án.
Để nêu cho thấy công việc Đức Giêsu đã làm thì sinh lợi cho chúng ta, thánh Phaolô vận dụng bốn động từ, quy về những phương diện khác của can thiệp ban ơn cứu độ của Đức Giêsu. Trước tiên, Đức Kitô được giới thiệu như là “Đấng đã chết”: cái chết của Người, được thần học Kitô giáo hiểu như là hy lễ đền tội cho tội lỗi của nhân loại, là nguyên nhân đưa tới cứu độ, tức là điều ngược lại với việc kết án.
Thế rồi với một can thiệp sửa chữa (“hơn nữa”, mallon de), thánh Tông đồ gọi Đức Kitô là Đấng đã sống lại, nghĩa là Đấng mà Chúa Cha đã nâng lên và tôn vinh: quả vậy, cuộc phục sinh của Người được liên kết chặt chẽ với việc giải án tuyên công cho chúng ta (4,25).
Ngoài ra, tác giả nói rằng Đức Kitô Phục sinh hiện nay (“là”) đang ở bên hữu Thiên Chúa: bằng gợi ý tới hình ảnh của Tv 110,1, Phaolô muốn nhắc đến vai trò của Người là vai trò danh giá và quyền thế, đề ra nhiệm vụ của Người là chúa tể vũ hoàn, cho thấy Người là Đấng đại diện toàn quyền của Thiên Chúa và thực hiện chương trình cứu độ vũ hoàn.
Cuối cùng, xuất hiện công thức gần với gốc hơn và, do văn cảnh, quan trọng hơn: Đấng chịu đóng đinh, sống lại và được tôn vinh, “chuyển cầu” (en-tynchanô) cho nhân loại. Cả động từ này cũng là tiêu biểu của ngành tư pháp, diễn tả việc chống án, nại lên toà trên, để đạt được công lý (x. Cv 25,24): áp dụng cho Đức Kitô, ý tưởng này không xuất hiện ở nơi nào khác trong Phaolô, nhưng được Yoan và tác giả thư Hípri vận dụng (x. 1 Ga 2,1; Dt 7,25; 9,24). Lần thứ ba, trong vòng vài câu, công thức hyper hêmôn (vì chúng ta) lại được nhắc lại: lời chuyển cầu của Đấng Phục sinh nơi thiên quốc là một cam kết rằng Thiên Chúa ở về phía chúng ta. Điều mà ở Rm 8,27 đã được nói về Chúa Thánh Thần (“chuyển cầu cho các thánh rập theo ý Thiên Chúa”), bây giờ được gán cho chính Chúa Kitô: không những theo nghĩa là Người nói để biện hộ cho những kẻ có tội bị tố cáo, nhưng theo nghĩa là Người nâng đỡ và yểm trợ những người đã được làm cho nên công chính. Vậy, không một ai có thể kết án nữa, bởi vì Chúa Phục sinh đang năng nổ hoạt động để gìn giữ họ trong các thử thách và bảo vệ họ trong các nghịch cảnh, bằng cách ban cho những kẻ được gọi khả năng đi đến vinh quang (x. 8,30).
c) Câu hỏi – trả lời thứ ba
“Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư? như đã viết: “Vì Người chúng tôi bị sát phạt suốt ngày, chúng tôi bị kể như chiên lò sát” (Tv 43,23). Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (8,35-37).
Lần thứ ba, thánh Phaolô nêu ra cho người đối thoại một câu hỏi tu từ để xác nhận lần cuối giáo huấn của ngài: trong trường hợp này, công trình cứu chuộc được gợi lại như là “lòng mến (agapê) của Đức Kitô”, để cho thấy sự kiện là Đức Giêsu đã yêu thương con người cách cụ thể và tiếp tục yêu thương con người. Thánh Tông đồ đã dùng kinh nghiệm này như là bản lề cho cuộc sống Kitô hữu của ngài:
“Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến (agapô) tôi và phó nộp (paradidomi) mình vì (hyper) tôi” (Ga 2,20).
Ngoài ra, ngài còn vận dụng trong câu hỏi một động từ đặc biệt, chôrizô: Tân Ước dùng động từ này để nói về hành vi chia lìa các đôi vợ chồng (Mc 10,9 // Mt 19,6; 1 Cr 7,10.11.15) hoặc những người thân thương (Plm 15), việc phân biệt với một hạng người (Dt 7,26) và việc rời xa một nơi nào về thể lý (Cv 1,4; 18,1.2). Như thế thánh nhân gợi lại một sự hợp nhất sâu xa đang liên kết “chúng ta” với Chúa Kitô trong sức mạnh của tình yêu Người; dây liên kết này có thể sánh ví với dây liên kết vợ chồng (x. Rm 7,1-5) và không thể bị phá hủy bởi bất cứ nhân tố nào, hoặc loài người hoặc siêu phàm.
Để làm ví dụ, thánh Tông đồ liệt kê ra bảy “thứ”, như là tất cả (“bảy”) những nguyên nhân có thể gây ra sự chia lìa: đây là những hoàn cảnh khó khăn trong đó nổi lên một hành động của con người nhằm chống đối hoặc gây khó khăn.
Ba từ đầu tiên gợi lên những hoàn cảnh tổng quát với các thử thách các Kitô hữu tiên khởi phải chịu vì đức tin: 1) gian truân (thlipsis), 2) bĩ cực (stenochôria), 3) bắt bớ (diôgmos). Ngược lại, các từ khác lại nêu lên những trường hợp đặc biệt khó khăn mà các tông đồ phải chịu khi đi chu toàn thừa tác vụ: 4) đói khát (limos), 5) trần truồng (gymnotês), 6) hiểm nguy (kindynos) (x. 2 Cr 11,26-27). Từ ngữ thứ bảy (machaira, gươm [giáo]) là đỉnh cao của tất cả, vì là vũ khí được sử dụng, không phải chỉ cho các binh đoàn giao chiến, mà cho cả việc xử tử. Và đúng là một lưỡi gươm, vài năm sau, sẽ chém đầu Phaolô; nhưng khi viết thư này, tác giả chưa biết gì cả! Và cũng chính là một thanh gươm sẽ trở thành biểu tượng quen thuộc nhất trong ngành thánh tượng để giúp nhận ra dung mạo của thánh Tông đồ.
Tất cả những khó khăn có thể có và những bách hại do con người không thể chia cắt người tín hữu với Chúa Kitô: câu hỏi vẫn có tính tu từ và dùng để diễn tả một sự chắc chắn sống động. Sẽ không có ai có thể chia cắt vị Tông đồ khỏi tình yêu của Chúa Kitô, cho dù là người ta có chém đầu ngài bằng một thanh gươm! Xác tín ấy lại được nhấn mạnh với câu trích Tv 44, diễn tả thân phận của các tín hữu bị bách hại và bị giết, bị đối xử như con chiên đưa tới lò sát và tất cả những điều đó là do chính sự trung thành của họ với Chúa: thánh Phaolô ở đúng trong hoàn cảnh ấy của các vịnh gia ngày xưa và nay ngài hiện tại hoá hoàn cảnh cho những người nhận thư.
Tiếp câu hỏi là một câu trả lời rõ ràng trong đó thánh nhân nhắc lại những gì đã nói ở Rm 8,18 liên hệ đến các “đau khổ đời này”, và muốn tránh mọi sự không chắc chắn: mỗi loại khó khăn mà các Kitô hữu có thể gặp trên đường đời không phải là một trở ngại, mà là một cơ hội để cho thấy quyền lực của tình yêu của Đức Kitô.
Chính là trong các cuộc “chiến đấu” mà ta có thể đạt được chiến thắng và trong tất cả các hoàn cảnh khó khăn – thánh Phaolô nói – mà chúng ta toàn thắng (hyper-nikômen), nghĩa là chúng ta đạt được một thành công phi thường và không thể tiên liệu về phương diện con người. Quả thật, nguyên nhân không phải là sự khéo léo của con người, nhưng là công trình của chính Chúa Kitô, Đấng yêu thương và đã nối kết chúng ta với mình bằng một dây liên kết yêu thương bền chặt đến nỗi không cái gì có thể bẻ gãy.
4.- Kết luận riêng
“Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách (chôrisai) chúng ta ra khỏi lòng mến (apo tês agapês) của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta!” (8,38-39).
Đến cuối phần lý luận khách quan, thánh Phaolô thêm vào xác tín riêng của ngài: như thế ch. 8 đạt tới đỉnh cao của nó về tính trữ tình và về xúc cảm, diễn tả sự dấn thân say mê của thánh Tông đồ. Động từ pepeismai là một thì hoàn thành bị động [5] cho thấy sự kiện “mình đã xác tín”; do đó, nó cũng có nghĩa là một điều kiện hiện tại và thường hằng: “Tôi xác tín và tôi vẫn chắc chắn!”.
Để tạo dây liên kết chặt chẽ với những gì đã được nói, tác giả nhắc lại chính động từ “tách ra”, danh từ “tình yêu” (agapê) và lại nêu ra một danh mục các ngăn trở có thể có, nhưng với ít ra là hai điều mới. Tình yêu được liên kết trực tiếp với Thiên Chúa (Cha) và được xác định là “trong” Đức Kitô Giêsu, tình yêu ấy đã được bày tỏ ra trong lịch sử. Ngoài ra, danh sách các trở ngại lần này được nới ra thành mười từ và muốn gợi đến các sức mạnh siêu phàm: 1) sự chết (thanatos), 2) sự sống (zôê), 3) thiên thần (angeloi), 4) thiên phủ (archai), 5) hiện tại (enestôta), 6) tương lai (mellonta), 7) quyền năng (dynameis), 8) chiều cao (hypsôma), 9) chiều sâu (bathos), 10) bất cứ tạo vật nào khác (tis ktisis hetera).
Thánh Tông đồ không muốn nêu lên một danh mục đầy đủ, và hẳn cũng là ý nhưng chỉ là một mẫu các ví dụ. Phải chăng ngài có ý khai thác ý nghĩa của số 10 như là một con số tuy lớn nhưng vẫn giới hạn (x. Kh 2,10; 12,3)? Danh mục bắt đầu bằng một lời nói tổng quát để nhắc lại đe doạ của cái chết, có thể làm cho các tín hữu sợ hãi và đi đến chỗ khước từ đức tin để cứu lấy sự sống. Rồi danh mục tiếp tục với ngôn ngữ huyền bí khó hiểu tiêu biểu của môi trường Êphêxô, mà nhắm đến hoạt động xấu xa của các mãnh lực ma quỷ (thiên thần, thiên phủ, các lực lượng), rất có thể tạo ra một loạt những khó khăn cho các cộng đoàn Kitô hữu. Kế đó, danh mục nêu ra thời gian được nhân cách hoá (hiện tại và tương lai), để chỉ bất cứ hoàn cảnh nào có thể xảy ra dọc theo năm tháng và các thời đại, làm đảo lộn đời sống của các tín hữu. Cuối cùng, danh mục nới rộng cái nhìn ra toàn vũ trụ, nhắc đến các thần linh thiên quốc (chiều cao) và dưới âm phủ (chiều sâu), cũng như mọi thọ tạo, để hết sức mạnh mẽ nhắc lại tính tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa: không có gì và không một ai, không bao giờ! Tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô đối với chúng ta chống lại được với bất cứ khoảng cách nào và mạnh hơn thậm chí cái chết.
Như vậy, bằng một lời tuyên xưng tuyệt mỹ riêng tư nói lên tính lạc quan tôn giáo, thánh Phaolô kết luận phân đoạn quan trọng này của Thư Rôma, như thế là để lại ở cuối chương, như trong các chương trước (5,21; 6,23; 7,25), một cách diễn tả vẫn có tính cách một “vinh tụng ca phụng vụ”. Sau tất cả những suy tư đậm đặc thần học về công trình cứu độ, thánh Tông đồ nồng nhiệt chúc mừng đức tin Kitô giáo vì tin được nơi “Thiên Chúa vì chúng ta” và niềm tin tưởng mang tính giải thoát vào tình yêu của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta!
* * *
Như thế, trở ngại duy nhất về phía chúng ta chính là không muốn được yêu thương, bởi vì Thiên Chúa tôn trọng chúng ta đủ để không bao giờ áp đặt tình yêu của Người cho chúng ta. Nhưng ở đây, cũng như ở trong những câu trước nói về tiền định (Rm 8,28-30), thánh Phaolô vẫn hoàn toàn đặt mình ở quan điểm của Thiên Chúa mà thôi. Cho các Kitô hữu từ ngoại giáo trở lại, tới nay vẫn quen coi mình như bị loại khỏi vòng những lời Thiên Chúa hứa, là những lời được dành riêng cho Israel, thánh Tông đồ tuyên bố rằng các lời hứa ấy cũng liên hệ tới họ nữa, rằng tình yêu của Chúa Kitô đủ mạnh để chiến thắng bất cứ ai muốn chống lại việc thực hiện các lời hứa ấy.
Với lại tình yêu ấy của Chúa Kitô chỉ là “chính tình yêu của Thiên Chúa”, tình yêu đã trở nên người hữu hình “trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Tới cuối chương 8 này, thánh Phaolô dùng lại một công thức mà ngài không hề coi là tầm thường, ngài đã dùng lần đầu trong phần mở đặc biệt long trọng (Rm 1,4), và kể từ ch. 5, ngài dùng lại để đánh dấu mỗi chặng trong lập luận của ngài. Chúng ta đã thấy, công thức này xác định chính đối tượng của Tin Mừng mà ngài rao giảng: một nhân vật mang một tên, như mọi nhân vật trong lịch sử: “Đức Giêsu”, có chức năng là làm Đấng Mêsia được Chúa Cha sai phái, tức “Đức Kitô”, và nhờ sự sống lại, đã được đặt làm “Chúa chúng ta” (1,4; 5,1.11; 5,21; 6,23; 7,25; 8,39).
Do đó, ta hiểu câu nói của cha Faber: “Vào ngày phán xét, tôi muốn được xét xử bởi Đức Kitô hơn là bởi mẹ tôi!” (trích Lyonnet).
Câu hỏi thảo luận:
Cha Faber đã bày tỏ niềm vui dạt dào khi khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mình qua câu nói trên. Riêng cha, cha có những tâm tình nào?
————————————————————-Sách tham khảo
Aletti, J.-N., Comment Dieu est-il juste? Clefs pour interpréter l’épître aux Romains, Seuil, Paris 1991.
Doglio, C., “Niente ci può separare dall’amore! (Rm 8,31-39)”, Parole di vita 4 (2006) 31tt.
Lyonnet, S., Le message de l’épître aux Romains, Cerf, Paris 1971.
Pitta, A., Lettera ai Romani, Figlie di san Paolo, Milano 2001.
[1] Nói trực tiếp về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta (agapê tou Theou), chúng ta có thể ghi nhận một số đoạn như (x. Rm 5,5 (5,8); 5,39; 2 Cr 13,11.13; (x. Ep 2,4; 6,23; Cl 1,13 (?). Nói về tình yêu của Chúa Kitô đối với chúng ta (agapê tou Christou), thì lại càng ít hơn, với một số đoạn như 2 Cr 5,14; x. Ep 1,4; 3,19; (Ep 5,2; 6,23).
[2] Chúng ta không thể quên rằng trên các dây thắt lưng của lính SS Đức quốc xã, có ghi “Gott mit uns” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).
[3] Th. Tôma, Đọc thư Rôma, ch. VIII, bài 6; Tổng luận chống Dân ngoại, q. IV, ch. LV.
[4] Qal wahomer (luật điều hành lập luận lô-gích): điều đúng cho một trường hợp thì có thể áp dụng cho một trường hợp quan trọng hơn.
[5] Thì perfect passive của động từ peithô.