VÀ ĐỜI SỐNG THÁNH CỦA LINH MỤC
Lm.Micae Trần Đình Quảng
Một trong những mục tiêu được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh khi quyết định mở Năm Linh Mục chính là hướng các linh mục về sự trọn lành thiêng liêng, tức về sự thánh thiện, vì hiệu năng của sứ vụ linh mục tùy thuộc vào đó[1].
Công đồng Vaticanô II dạy rằng chủ yếu của sự thánh thiện là kết hợp với Đức Kitô (GH 39 ; 50). Vì “chỉ có Chúa là Đấng Thánh”, là nguồn mạch của sự thánh thiện, nên sống thánh là cố gắng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Rm 8,29), đồng hóa mình với Ngài, mặc lấy não trạng và tâm tình của Ngài, nhất là tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và mọi nguời. Đó là đòi hỏi đầu tiên của sự thánh thiện kitô giáo. Đó cũng là định hướng cơ bản chung cho mọi kitô hữu.
Riêng linh mục, do bí tích truyền chức thánh, còn phải đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu và Mục Tử.[2] Linh mục không chỉ sống thánh thiện cho riêng mình, nhưng sống thánh trong chính bổn phận làm đầu và mục tử, để vừa thánh hóa bản thân, vừa giúp đào tạo đời sống thánh của dân Chúa.
Có nhiều phương tiện giúp cho linh mục thực hiện điều trên đây, trong đó quan trọng nhất phải là những gì liên hệ tới Thánh Thể. “Mọi dấn thân vào sự thánh thiện phải múc lấy nơi mầu nhiệm Thánh Thể sức mạnh cần thiết, và phải hướng về đó như chóp đỉnh.”[3]
Ở đây, chúng ta giới hạn vào việc cử hành Thánh Thể hay Thánh Lễ, xem việc cử hành này có liên hệ thế nào với đời sống thánh của linh mục.
Theo Chỉ Nam Linh Mục, cử hành Thánh Lễ là tột đỉnh của đời sống thiêng liêng của linh mục. Qua việc dâng lễ hiến tế, linh mục đem mầu nhiệm Thánh Thể vào trung tâm đời sống của mình. Một cách tổng quát hơn, Chỉ Nam viết : “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm và cội rễ của của toàn bộ đời sống linh mục, và tinh thần tư tế là cố lo sao để nội tâm hóa những gì được thực hiện trên bàn thờ. Linh mục phải có một đời sống Thánh Thể tràn đầy và sốt sắng, để từ đó tìm được đà tiến và sức lực cho đời sống thiêng liêng của mình. Việc cử hành Thánh Lễ… cũng như việc hằng ngày viếng Đức Kitô nơi Bí tích Thánh Thể không chỉ là những bổn phận mục vụ, nhưng đây chính là những thời khắc đầy ý nghĩa, và là một trợ lực không thể thay thế cho đời sống thiêng liêng.”[4]
Những lời của Chỉ Nam không những nói lên tầm quan trọng của Thánh Thể và cử hành Thánh Thể trong đời sống thiêng liêng của linh mục, mà còn đặc biệt nhắc nhở linh mục phải làm sao cho cử hành Thánh Thể thực sự sinh ích cho mình.
Chúng ta thử suy nghĩ dựa vào lời khuyên rất có ý nghĩa mà Đức Giám mục nhắc cho tân chức linh mục trong nghi thức trao bánh rượu : “Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thập Giá Chúa.” Tức là linh mục phải biết gì, làm gì và sống thế nào cho phù hợp với việc cử hành Thánh Thể. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, linh đạo linh mục tự bản chất là Thánh Thể, và lời khuyên của Đức Giám Mục chính là những hạt mầm của linh đạo này[5]. Chúng ta đã có dịp đề cập lời khuyên này trong một bài thuyết trình mấy năm trước[6]. Xin được nhấn mạnh lại và khai triển thêm.
I. Ý THỨC ĐIỀU MÌNH LÀM
1. Ý thức tầm quan trọng
của Thánh Thể và Thánh Lễ
Lời của Chỉ Nam Linh Mục trên đây chỉ là lặp lại những gì truyền thống và nhất là Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định. Đọc những văn kiện của Công Đồng, trong những chỗ liên hệ tới Thánh Thể, ta thấy Công Đồng sử dụng – đúng ra là sử dụng lại – những kiểu nói siêu cấp, có giá trị nền tảng, cho thấy Thánh Thể và cử hành Thánh Thể trọng đại như thế nào, và đem lại kết quả phong phú cho đời sống thiêng liêng ra sao. Thánh Thể là “nguồn mạch, cội rễ, trọng tâm, tột đỉnh” của đời sống và hoạt động của Giáo Hội (GH 11 ; GM 30), của phụng vụ và bí tích (PV 10 ; TG 9), của đời sống thiêng liêng và đời sống linh mục (DT 6 ; LM 14) của công cuộc tông đồ và rao giảng Phúc Âm (GH 26 ; LM 5)…
Ngay cả khi không sử dụng những từ trên, thì cách trình bày của Công Đồng cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của Thánh Thể và cử hành Thánh Thể : Thánh Thể làm cho Giáo Hội được sống và tăng trưởng không ngừng (MK 26) ; Thánh Thể chứa đựng tất cả tài sản thiêng liêng của Giáo Hội (LM 5), là bảo chứng vinh quang thiên quốc (PV 47)… Cử hành Thánh Thể là nhiệm vụ chính của linh mục (LM 13), thừa tác vụ riêng của linh mục (TG 39) ; linh mục thi hành thánh vụ của mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ (LM 5) ; linh mục xây dựng Thân Thể Đức Kitô nhờ hy tế Thánh Thể, trong đó ngài chủ sự (LM 5), hành động in persona Christi (trong tư cách của Đức Kitô) (GH 28 ; LM 13).[7]
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi “Thánh Thể là một mầu nhiệm vĩ đại.”[8]. Cha Thánh Gioan Maria Vianney có cách giải thích đơn sơ về sự vĩ đại này như sau : “Mọi công việc tốt trên thế giới này cũng không bằng Hy Tế Thánh Lễ, vì đó là công việc của con người, còn Thánh Lễ là công việc của Thiên Chúa. Ngay cả sự tử đạo cũng không là gì so với Thánh Lễ, vì đó là sự hy sinh của con người cho Thiên Chúa, còn Thánh Lễ là sự hy sinh của Thiên Chúa cho con người.”[9]. Chính vì sự vĩ đại của Thánh Lễ, một công việc của Thiên Chúa, mà cũng Thánh nhân còn nói : “Nếu người ta hiểu thế nào là Thánh Lễ, hẳn người ta sẽ chết.”[10]
Dĩ nhiên, những gì nói trên đây mới chỉ là những xác quyết tổng quát, những nét phác họa, những hình thức tóm lược. Chúng ta còn phải học hỏi suy niệm nhiều về Thánh Thể và Thánh Lễ, để có thể gây ý thức cho mình, như một thứ chuẩn bị xa.
Để ý thức điều mình làm, còn phải có sự chuẩn bị gần, như Chỉ Nam Linh Mục, số 24b, nhắc nhở. Sancta sancte tractanda (Những việc thánh phải được làm cách thánh thiện). Thánh Gioan Kim Khẩu đã thốt lên lời đáng cho chúng ta suy gẫm trước khi cử hành Thánh Lễ : “Ai có thể nói được những bàn tay chu toàn một phận vụ thánh như vậy, miệng lưỡi đọc lên những lời như vậy, phải như thế nào, và tinh thần đón nhận nơi mình hơi thở mạnh mẽ của Thần Khí càng phải trong sạch và thánh thiện biết bao !”[11]
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cảnh báo : “Ngày nay có nguy cơ tục hóa đang lan tràn cả trong Giáo Hội, khiến cho việc cử hành Thánh Lễ trở thành hình thức trống rỗng, những cử hành trong đó không có sự tham dự đích thực trong nội tâm, một sự tham dự được biểu lộ qua sự tôn kính và tôn trọng phụng vụ. Luôn có một cám dỗ rất mạnh là biến kinh nguyện thành những giờ phút hời hợt và vội vã, để cho mình bị những hoạt động và lo lắng trần tục đè bẹp.”[12]
Những nguy cơ như vậy đòi hỏi linh mục phải chuẩn bị thực sự trước khi cử hành Thánh Lễ. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây lời khuyên chung chung của Giáo Luật, điều 909 : “Linh mục đừng quên cầu nguyện để dọn mình thích đáng hầu cử hành Hy Tế Thánh Thể.”
Hãy xem gương cha thánh Gioan Maria Vianney. Ngài đã từng nghiêm khắc mà bảo : “Linh mục nào làm lễ mà làm như một công việc bình thường, thì thật đáng phàn nàn. Lý do khiến linh mục sống buông thả là vì đã không quan tâm tới Thánh Lễ.” Bản thân ngài, như các chứng nhân thuật lại, thì khi làm lễ, ngài chuẩn bị bằng cách quỳ ở bậc thềm cung thánh, trong tư thế bất động, chắp tay, mắt đăm đăm nhìn lên Nhà Tạm. Không gì có thể làm ngài chia trí lúc ấy.[13]
2. Ý thức khi cử hành Thánh Lễ
Chỉ Nam Linh Mục, số 22c, nói : “Linh mục phải có một đời sống Thánh Thể tràn đầy và sốt sắng, để từ đó tìm được đà tiến và sức lực cho đời sống thiêng liêng của mình.” Đời sống Thánh Thể tràn đầy và sốt sắng tiên vàn phải thể hiện trong chính Thánh Lễ. Khi chịu chức linh mục, chúng ta đã hứa trước mặt Đức Gám mục là “muốn cử hành cách đạo đức và trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô… nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải.”
Chúng ta cử hành với tất cả lòng đạo đức, sốt sắng. Cho dù hiệu quả chính yếu của bí tích mà người ta lãnh nhận không tùy thuộc vào lòng đạo đức cá nhân của linh mục chủ sự, vì chính Chúa Kitô hành động qua lời nói và cử chỉ của linh mục, nhưng không vì vậy mà không đòi linh mục phải hòa hợp lòng trí với việc đang làm. Chúng ta không phải là người máy, thuần túy làm theo chỉ thị, nhưng là những con người có lý trí và tự do, được Chúa cho cộng tác vào hành động của Ngài. Hơn nữa chúng ta không chỉ có nhiệm vụ thánh hóa người khác, mà còn phải thánh hóa chính mình qua việc cử hành bí tích nữa.
Chúng ta cũng cử hành với tinh thần đức tin. Mầu nhiệm đức tin phải được cử hành với tất cả lòng tin, sao cho người khác nhìn ta như chính Đức Kitô đang cử hành. Cha Jean-Jacques Olier, người sáng lập tu hội Xuân Bích, đã nói như vậy.
Cử hành thiếu đạo đức sốt sắng có thể vì lương tâm chưa trong sạch ; có thể vì coi đó chỉ như một bổn phận phải làm cho người khác, nhất là khi phải làm nhiều lễ một ngày, do nhu cầu mục vụ đòi hỏi ; có thể vì một chuyện gì đó đang chi phối tâm trí ; có thể vì hay chia trí, nhất là khi có chuyện xẩy ra trong cộng đoàn, mà vì làm lễ quay xuống nên dễ bị ; có thể do thái độ giả hình.
Muốn cử hành cho đạo đức, sốt sắng, không thể không lưu ý đến những khuyết điểm đó.
Ngoài việc cử hành cho đạo đức, Đức Giám Mục còn nhắc nhở phải cử hành cho trung thành. Có lẽ khía cạnh trung thành đáng để ý là trung thành với luật phụng vụ của Giáo Hội. Đừng quên lời hứa của linh mục được ghi trong Sách Lễ Rôma, phần Phụ lục : “Ego volo celebrare Missam… iuxta ritum Sanctae Romanae Ecclesiae.”[14] Có rất nhiều văn kiện nhắc chúng ta phải trung thành với luật phụng vụ. Gần đây hơn, trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói : “Tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải lên tiếng một cách cương quyết để trong cử hành Thánh Thể, những quy luật phụng vụ được tuân giữ một cách trung thành”. Ngài cho biết ý nghĩa của những quy luật này như sau : “Những quy luật này là một cách diễn tả tính giáo hội đích thực của bí tích Thánh Thể. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của chúng.” Ngài cũng ca ngợi những ai trung thành giữ : “Linh mục nào trung thành cử hành Thánh Lễ theo những quy luật phụng vụ và cộng đoàn nào tuân theo đó, chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt.” Và cuối cùng ngài cảnh báo : “Không ai được phép đánh giá thấp mầu nhiệm được trao trong tay chúng ta : nó cao cả đến nỗi không ai có thể đối xử với nó theo ý mình, không tôn trọng tính cách linh thánh và chiều kích phổ quát của nó.”[15]
Chỉ Nam Linh Mục, số 24b cũng như Giáo Luật, đ. 909 còn nhắc : sau Thánh Lễ, nhớ để một lúc cám ơn riêng, nối dài hành vi tạ ơn trong Thánh Lễ.
Tất cả đều nhằm giúp chúng ta ý thức việc mình làm, một việc làm trọng đại giúp ích rất nhiều cho việc thánh hóa đời sống của chúng ta và của dân Chúa.
II. NOI THEO ĐIỀU MÌNH THỰC HIỆN
Trong số những việc chính mà linh mục thực hiện trong Thánh Lễ, chúng ta đề cập ở đây việc chúc tụng tạ ơn, và loan báo làm chứng.
1. Chúc tụng, tạ ơn
Eucharistia có nghĩa là tạ ơn, nhưng cũng nói lên việc ca ngợi, chúc tụng, vì Thánh Lễ được coi là hy tế ca ngợi và tạ ơn (Sacrificium laudis et gratiarum actionis)[16]. Khi cầm lấy chén cứu độ để thực hiện vai trò tư tế và tế vật, Chúa Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha.
Có thể dễ dàng thấy chiều kích tạ ơn này trong mọi phần của Thánh Lễ, chẳng hạn :
Nghi thức thống hối đầu lễ không những bày tỏ hành vi hối lỗi của cộng đoàn tham dự, mà còn là một hành vi ca ngợi Thiên Chúa về lòng nhân từ của Ngài. Chúng ta có thể nhớ đến lầm lỗi của mình mà không thất vọng, vì biết có Đấng cứu chuộc ta, hòa giải ta.
Trong suốt Thánh Lễ, chúng ta dâng lên những lời kinh, những lời khẩn nguyện cầu xin, trong tinh thần tạ ơn (Pl 4,6), khi biết rằng đó là những kinh nguyện kết hợp với kinh nguyện của Chúa Kitô và của các thần thánh.
Sau khi nghe lời Chúa, mọi người tung hô : Tạ ơn Chúa (Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa), vì không thể lãnh nhận hồng ân là lời Thiên Chúa được công bố cho ta, mà không bày tỏ tâm tình biết ơn, chúc tụng.
Đặc biệt Kinh Nguyện Tạ Ơn (Kinh Nguyện Thánh Thể) nói lên tâm tình tạ ơn vì toàn thể công trình cứu độ. Tâm tình này được diễn tả ngay từ lúc khởi đầu Kinh Tiền Tụng : Chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc…
Tuy việc tạ ơn không rõ nét bằng việc ca ngợi, chúc tụng, nhưng thực ra luôn hàm chứa trong lời ca ngợi chúc tụng, bàng bạc trong đó. Là vì, tạ ơn phải đi đến tột đỉnh là ca ngợi, chúc tụng. Chúng ta dùng lời ca ngợi chúc tụng để tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn theo cách đó là thực sự hướng tới Đấng ban tặng, chứ không chỉ hướng tới điều được ban tặng, hướng tới Thiên Chúa là Đấng cứu độ, chứ không chỉ hướng tới ơn cứu độ.
Việc tạ ơn trên đây trong Thánh Lễ phải được chúng ta lặp lại trong đời sống hằng ngày, và lặp lại không ngừng như lời thánh Phaolô nói : “Hãy tạ ơn trong mọi dịp” (1Cr 1,4). Cụ thể, chúng ta sốt sắng tạ ơn hợp với lời của hai bài ca vãn Benedictus và Magnificat đọc mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều. Về kinh Magnificat, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bảo chúng ta hãy đọc trong viễn tượng Thánh Thể[17]. Chúng ta không giống như dân ngoại mà cũng thánh Phaolô đã khiển trách : “Họ đã biết Thiên Chúa, nhưng lại đã không tôn vinh Người như Thiên Chúa, hay không tạ ơn Người.” (Rm 1,28)
Nếu trong đời sống hằng ngày, cám ơn là hai tiếng phát ra dễ dàng trên vành môi cửa miệng, khi nhận được một ân huệ nào của ai, thì càng phải tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành cao quý gấp bội Ngài ban cho ta, nhất là việc Ngài cứu độ ta. Cách riêng chúng ta tạ ơn vì hồng ân chức linh mục, qua đó chúng ta được thánh hiến hoàn toàn cho sứ vụ cứu độ. Tạ ơn nói lên ý thức của ta về các hồng ân của Thiên Chúa. Nó phải là là sự bộc phát chân thành của một tâm hồn kinh ngạc trước lòng nhân từ và quảng đại của Thiên Chúa. Thậm chí phải kết hợp với Đức Kitô tạ ơn cả trong những lúc đau khổ và giờ chết, vì chính Đức Kitô đã dâng lời tạ ơn Chúa Cha lúc sắp chịu khổ và chịu chết để cứu chuộc ta.
2. Loan báo, làm chứng
Trong mỗi Thánh Lễ, sau phần truyền phép, cộng đoàn long trọng tung hô : “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Thế nhưng, chúng ta không chỉ loan truyền mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Chúng ta loan truyền chính Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, mà trọng tâm là sự chết và sự sống lại của Ngài.
Thế mà chính Đức Kitô lại là Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian để loan báo và làm chứng về Chúa Cha, về tình yêu của Chúa Cha, làm chứng và thực hiện công trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt bằng mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, là mầu nhiệm được cử hành trong Thánh Lễ.
Cho nên, Thánh Lễ chính là hệ quả cuối cùng từ sứ mệnh của Đức Kitô, làm cho con người và hành động của Chúa có ý nghĩa sâu sắc. Đồng thời Thánh Lễ cũng trở thành một chứng từ loan báo tuyệt hảo : Loan báo lời hứa cứu độ của Chúa Cha, chứa đựng ơn cứu độ này, và cho ta nếm thử ơn cứu độ viên mãn.
Linh mục cử hành Thánh Lễ đặc biệt tham dự và làm sống lại chứng từ loan báo ấy. Mỗi khi lặp lại lời ‘Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội’, linh mục trở thành sứ giả ưu tuyển của mầu nhiệm cứu độ.
Chúng ta vẫn thường nghe một câu hát quen thuộc : “Đời ta là Thánh Lễ nối dài.” Không chỉ nối dài trong đời sống cụ thể việc chúc tụng tạ ơn, mà còn nối dài việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Trong ba nhiệm vụ thuộc thừa tác vụ linh mục mà sắc lệnh của Công Đồng Vaticanô II về linh mục nêu ra, thì tiên vàn là nhiệm vụ rao giảng lời Chúa (LM 4)[18].
Loan báo còn phải gắn liền với làm chứng. Khởi đầu thư I của thánh Gioan cho thấy : những chứng nhân trực tiếp – các Tông Đồ – về thực tại mầu nhiệm con người Đức Kitô, đã ý thức về sự làm chứng này như thế nào : “Điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã cung chiêm, và tay chúng tôi đã sờ thấy, về Lời Sự Sống, chúng tôi làm chứng cho anh em.” (1Ga 1,1). Với những chứng nhân này, loan báo không phải là công bố một giáo lý, tuy đây cũng là điều cơ bản, cho bằng nói lên sự hiện diện vô hình của Đấng còn ở mãi với Giáo Hội cho đến tận thế.
Linh mục hằng ngày như thấy được, sờ được sự hiện diện bí tích của Chúa trong Thánh Lễ, phải tiếp tục làm chứng sự hiện diện cứu độ này giữa lòng đời. Đó cũng là một trong những cách làm gia tăng đời sống thiêng liêng của chúng ta.
III. RẬP ĐỜI SỐNG MÌNH THEO KHUÔN MẪU
MẦU NHIỆM THẬP GIÁ CHÚA
Đây là lời nhắc nhở có liên hệ nhất với đời sống thiêng liêng của linh mục, “nội tâm hóa những gì được thực hiện trên bàn thờ”, như Chỉ Nam Linh Mục nói (số 22c).
Chúng ta chỉ ghi nhận ba điểm chủ yếu đòi linh mục phải làm gì và sống thế nào để chứng tỏ là rập theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thập Giá Chúa : việc truyền phép nhắc cho linh mục bổn phận phải biến đổi mình nên giống Chúa Kitô Linh Mục ; mầu nhiệm tế sát nhắc cho linh mục bổn phận phải tế sát chính mình để phục vụ Chúa Kitô ; sự tự hiến của Chúa Kitô trong việc ban mình cho ta nhắc cho linh mục bổn phận phải hiến thân cho người khác.
Để có thể làm những việc trên đây, linh mục dĩ nhiên phải có những tâm tình của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thập Giá. Những tâm tình này, đặc biệt thánh sử Gioan trong Bữa Tiệc Ly, cũng như thánh Phaolô trong bài thánh thi trong thư Philipphê (2,6-8), đã nêu bật. Đó là : yêu thương, khiêm nhường, vâng phục, hy sinh, phục vụ…
1. Biến đổi mình
Trong nghi thức truyền phép, Đức Kitô nói qua môi miệng linh mục : Này là Mình Thày, Này là Máu Thày. Lập tức, bánh biến thể thành Mình Chúa, rượu thành Máu Chúa. Mầu nhiệm này gợi ý cho ta phải biến đổi mình thành như Đức Kitô-Linh Mục.
Chắc hẳn mỗi người kitô hữu, nhờ phép Rửa Tội, đều trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nhưng linh mục phải đồng hình đồng dạng với Ngài cách đặc biệt và hoàn hảo hơn, do ơn gọi cao cả của mình và do ấn tích của chức linh mục thừa tác. Chúng ta được ghi ấn tích không phai mờ của chức tư tế muôn đời của Đức Kitô. Và chính sự đồng hình hữu thể học này (configuration ontologique) với Chúa qua ấn tích của bí tích truyền chức thánh đòi chúng ta phải không ngừng đồng hình với Ngài bằng chính đời sống cụ thể của mình, nghĩa là phải cố gắng biến đổi đời sống của mình nên giống Chúa Giêsu.
Đương nhiên, so với sự biến thể của bánh và rượu, sự biến đổi của ta có khác.
Trước hết, bánh và rượu là những vật chất vô tri, còn ta là những con người tự do. Không một lời nào, một quyền lực nào có thể buộc chúng ta biến đổi. Thế nên phải bắt sự tự do của ta quy phục và đón nhận ơn Chúa cũng như hoạt động của Thần Khí, vì chỉ có ơn Chúa mới giúp ta biến đổi tư tưởng, ý muốn và tâm hồn của ta dần dần trở thành giống như Chúa.
Tiếp đến, sự biến thể của bánh rượu xẩy ra ngay lập tức sau lời truyền phép, còn sự biến đổi của ta không như thế, nhưng được thực hiện dần dần, ngày này qua ngày khác. Mỗi Thánh Lễ có thể được coi như một điểm phát xuất cho sự biến đổi của ta, như một cột mốc nhắc nhở ta.
Cuối cùng, sự biến đổi của bánh rượu được thực hiện đầy đủ, hoàn toàn, còn sự biến đổi của ta lại không hoàn toàn như vậy. Nhân cách của ta vẫn còn đó. Ta không cần phải hy sinh nó. Nhưng ngần nào có thể bắt nó rập theo nhân cách của Đức Kitô, sao cho nói được như thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Và nói được cho người khác, như cũng thánh Tông Đồ còn viết : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1).
2. Tế sát mình
Cha J.B. Henri Lacordaire định nghĩa ơn gọi linh mục là “một sự tế sát của con người thêm vào sự tế sát của Thiên Chúa” (une immolation de l’homme ajoutée à celle de Dieu).
Trên Thánh Giá, Đức Kitô là Linh Mục và Tế Vật trong nhân tính tự nhiên. Còn trên bàn thờ, trong nhân tính vinh quang, Ngài là Linh Mục vô hình được làm cho hữu hình nhờ thừa tác vụ của linh mục, đồng thời cũng là Tế Vật được làm cho hiện diện cách bí tích.
Vậy chúng ta, khi cử hành Thánh Lễ, không những là linh mục mà còn là tế vật, cùng với Đức Kitô Linh Mục và Tế Vật. Linh mục phải kết hợp với Đức Kitô Tế Vật thì mới làm cho Thánh Lễ có được tất cả ý nghĩa và chiều sâu.
“Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Chúng ta đã dấn thân vào cuộc Vượt Qua này. Trong cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta đã vượt qua cách tiềm tàng về với Chúa Cha, trong Đức Kitô chịu tế sát và sống lại. Trong cuộc Vượt Qua Thánh Thể, chúng ta về với Chúa Cha, trong sự kết hợp với Đức Kitô chịu tế sát nhưng đã được vinh quang. Còn trong cuộc vượt qua của đời sống kitô giáo, chúng ta không ngừng về với Cha trên trời bằng một đời sống thánh thiện và từ bỏ, một đời sống mà trọng tâm là Đức Kitô.
Chính vì vậy, thánh Phaolô đã có thể coi đời sống kitô giáo như một phụng vụ khi viết : “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Chúng ta hãy coi lời khuyên trên đây là dành đặc biệt cho linh mục. Linh mục phải tế sát cả cuộc đời mình cho Đức Kitô, Linh Mục đời đời.
Ngày Gioan Bosco chịu chức linh mục, mẹ ngài đã nói : “Nay con đã là linh mục. Con hãy nhớ điều này : Bắt đầu dâng Thánh Lễ là bắt đầu chịu khổ.”
Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là mỗi lần nhắc cho ta rằng : “Tôi chết lên chết xuống mỗi ngày” (1Cr 15,31), “Thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6,14). Bàn tay ta được xức dầu thánh không chỉ để làm các việc thánh, mà còn phải bị đâm thủng như bàn tay của Chúa trên Thánh Giá. Hoặc nói tắt : Đức Kitô phải tìm lại được các dấu thánh khổ nạn của Ngài nơi ta.
Cũng như một vài hình thức lây nhiễm chỉ có từ vết thương này sang vết thương khác, chúng ta cũng cần có vết thương khổ nạn nơi ta, để Chúa Giêsu có thể liên kết ta vào trong hy tế của Ngài. Thánh Paulin de Nole đã diễn tả ý tưởng này rất hay khi viết : “Chính Chúa là lễ vật của mọi linh mục… và đến lượt mình, các linh mục phải là lễ vật cho Chúa.”[19]
3. Ban mình
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã ban mình cho các môn đệ khi nói với họ : “Hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thày” (Mt 26,16). Thánh Thể Ngài thiết lập vừa là hy tế vừa là bữa ăn, là lương thực. Trên Thánh Giá, Ngài đã tôn vinh Chúa Cha khi hiến mình làm giá cứu chuộc con người. Ngài còn tiếp tục ban mình cho ta trong bí tích Thánh Thể, làm lương thực nuôi ta cho tới tận thế. Chúng ta ăn uống chính Mình Máu Chúa.
Qua đó, Chúa chờ đợi gì nơi các linh mục của Ngài ? “Không thể nào lặp lại những lời truyền phép mà không cảm thấy chính mình rúng động trong cử chỉ thiêng liêng này. Trong một nghĩa nào đó, khi đọc những lời : ‘Hãy cầm lấy mà ăn’, linh mục phải học biết cách áp dụng những lời này cho chính mình, và nói lên những lời này trong sự thật và lòng quảng đại.”[20]
Chúa muốn linh mục cũng bị ăn, muốn họ trở thành lương thực cho các linh hồn. Cha Antoine Chevrier nói : “Linh mục là một con người bị ăn.” (Le prêtre est un homme mangé). Nói ‘bị ăn’ ở đây là theo nghĩa bóng, khác với trường hợp Thánh Thể Chúa được người ta ăn. Nhưng ý nghĩa và kết quả thì như nhau : hiến mình cho người khác. Thánh Thể được chúng ta nuốt vào lòng dạ, không bị chúng ta tiêu hóa, nhưng tiêu hóa chính chúng ta. Trong việc rước lễ, không phải ta làm biến đổi Đức Kitô trong ta, như khi ta dùng những của ăn vật chất, nhưng chính Đức Kitô làm biến đổi ta trong Ngài.[21] Như vậy là Ngài hiến mình phục vụ ta, trong một hành vi có ý nghĩa sinh tử đối với ta. Linh mục cũng vậy, được người ta ăn tức là hiến mình cho họ, phục vụ họ như người tôi tớ. Chúng ta phải sẵn sàng và can đảm nói được như thánh Phaolô : “Phần tôi, tôi vui lòng… tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (2Cr 12,15). Linh mục không còn là người thuộc về mình, nhưng thuộc về người khác.
Và cũng như Chúa Kitô Thánh Thể ban cho ta không những nhân tính mà cả thần tính của Ngài, linh mục cũng phải ban cho người khác không chỉ yếu tố nhân loại, mà còn phải ban những gì thuộc Thiên Chúa nữa. Phải ban cho họ tất cả Đức Kitô. Và chắc hẳn chính những gì thuộc Thiên Chúa là những điều người ta mong đợi nhất nơi linh mục, đặc biệt tình yêu của Thiên Chúa, sự sống của Thiên Chúa, chân lý của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa…
***
Để kết thúc, xin mượn lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói với các linh mục không lâu trước ngày khai mạc Năm Linh Mục :
“Các linh mục thân mến, tôi đặc biệt ngỏ lời với anh em là những người được Chúa Kitô tuyển chọn để, cùng với Chúa, anh em có thể sống cuộc đời của mình như hy tế chúc tụng vì phần rỗi của thế giới.
“Chỉ từ sự kết hợp với Chúa Giêsu, anh em mới có thể kín múc sự phong phú thiêng liêng mang lại hy vọng trong công tác mục vụ của anh em. Thánh Lêô Cả nhắc rằng “sự tham phần của chúng ta vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều gì khác hơn là trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận” (Sermo 12, De Passione 3,7 ; PL 54). Nếu điều này đúng đối với mỗi kitô hữu thì càng đúng đối với các linh mục chúng ta. Trở nên Thánh Thể, đó chính là ước muốn liên lỉ và quyết tâm của chúng ta, để việc dâng hiến Mình và Máu Chúa chúng ta cử hành trên bàn thờ có kèm theo sự hy sinh trong cuộc sống chúng ta. Mỗi ngày chúng ta kín múc từ Mình Máu Chúa tình yêu tự do và tinh tuyền làm cho chúng ta trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô và thành những chứng nhân về niềm vui của Chúa.”[22]
[1] ĐGH Bênêđictô XVI nói với các thành viên tham dự phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo Sĩ, 16/3/2009.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 25/3/ 1992, các số 21-22 ; ĐGH Bênêđictô XVI, ibid.
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 17/4/2003, số 60.
[4] Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, Chỉ Nam Linh Mục, 01/10/1989, các số 24b ; 8d ; 22c.
[5] ĐGH Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, 13/3/ 2007, số 80
[6] Lắng nghe Thông Điệp Deus Caritas est, Tài liệu thường huấn cho các linh mục Giáo Phận Đàlạt 2006, bài “Đôi điều về bác ái mục vụ”
[7] Theo ĐGH Gioan Phaolô II, in persona Christi có nghĩa mạnh hơn là nhân danh hay thay thế Đức Kitô. Nó có nghĩa là trong sự đồng nhất đặc biệt, có tính bí tích, với vị Thượng Tế của Giao Ước vĩnh cửu, Đấng là tác giả và chủ thể chính của hy tế, trong đó không ai thay thế được (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, 17/4/ 2003, số 29). Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của linh mục trong Thánh Lễ, và phải giúp linh mục ý thức hơn về vai trò của mình.
[8] ĐGH Gioan Phaolô II, ibid., số 48
[9] trích lại trong Timothy M. Dolan, Priests for the Third Millennium, Indianna 2000, pp. 218-219.
[10] Georges Buraud, Le drame du Curé d’Ars, La Colombe, 1947, p.113. Dường như lời nói chính thực của thánh Gioan Maria Vianney là : “Người ta sẽ chỉ hiểu được linh mục ở trên trời… Nếu hiểu được linh mục ở trần gian, người ta hẳn sẽ chết, không phải vì sợ hãi, nhưng vì yêu mến.” : x. Francis Trochu, Le Curé d’Ars, Emmanuel Vitte, 1927, p.110
[11] Thánh Gioan Kim Khẩu, De Sacerdotio, VI, 4.
[12] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ Mình Máu Thánh Chúa, 11/6/2009, tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô.
[13] Bernard Nodet, Le curé d’Ars, sur la foi du serment, éd. Xavier Mappus, 1959, p.124.
[14] Missale Romanum, ed. typica 1970, Appendix, Praeparatio ad Missam, Formula intentionis, p.905. Tiếc rằng không có trong bản dịch Sách Lễ tiếng Việt.
[15] ĐGH Gioan Phaolô II, ibid., số 52.
[16] Công Đồng Trentô, Sess. XXII, can. 3.
[17] ĐGH Gioan Phaolô II, ibid., số 58
[18] Chắc chắn Công Đồng không đánh giá thấp nhiệm vụ cử hành bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Vả lại, Công Đồng nói rõ cử hành Thánh Thể là nhiệm vụ chính (munus praecipuum) của linh mục (LM 13). Sở dĩ Công Đồng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa là cốt để phục hồi nhiệm vụ này đã từng bị coi nhẹ, và để cho hợp với tiến trình tự nhiên của việc mở rộng và xây dựng nước Chúa : được nghe rao giảng → tin → tham dự lãnh nhận bí tích.
[19] Paulin de Nole, Epist. XI ; P.L. 61, col. 196
[20] ĐGH Gioan Phaolô II, Thư gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 2005, số 3.
[21] x. Thánh Augustinô, Confessions, I, 7, 10
[22] Bài giảng lễ Mình Máu Thánh Chúa, 11/6/2009, tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô.