Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB chuyển dịch
Đây là những bài giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào những buổi triều yết chung ngày Thứ Tư từ 15 tháng 3 năm 2006 cho đến ngày 24 tháng 2 năm 2007 và đã được tập họp lại trong cuốn Pope Benedict XVI, The Origins of the Church, (Our Sunday Visitor, Inc, USA, 2007). Sách gồm hai phần : Phần I nói tổng quát về Giáo Hội của các Tông Đồ. Phần II nói về từng vị Tông Đồ. Bài sau đây dịch từ phần I
I. ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH[1]
Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các tông đồ như là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. Qua các Tông Đồ, chúng ta đến được với chính Đức Giêsu. Giáo Hội bắt đầu được thiết lập khi một số ngư phủ miền Galilê gặp Đức Giêsu, bị khoé nhìn, giọng nói, và lời mời gọi thân tình của ngài chinh phục : “Hãy theo tôi, và tôi sẽ làm cho anh em thành kẻ đánh lưới người.”[2]
Ngay từ đầu thiên niên kỷ thứ ba, vị tiền nhiệm yêu kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi Giáo Hội chiêm ngắm Dung Mạo của Đức Kitô.[3] Tiếp tục hướng đi này, tôi muốn trình bày trong tập sách đây làm sao ánh sáng của Dung Mạo ấy lại được phản ánh trên dung mạo của Giáo Hội,[4] dù có những giới hạn và bóng tối của nhân tính mỏng dòn và tội lỗi của chúng ta. Sau Đức Maria là phản ánh tinh tuyền của ánh sáng Đức Kitô, thì chính từ các Tông đồ, qua lời dậy và chứng tá của các ngài mà chúng ta nhận được chân lý về Đức Kitô. Tuy nhiên, sứ mệnh của các ngài không tách rời mà là được đặt trong một mầu nhiệm hiệp thông bao gồm toàn bộ Dân Thiên Chúa và được thực hiện qua từng giai đoạn từ trong Giao Ước cũ sang Giao Ước mới.
Nhìn như thế, ta phải nói rằng sứ điệp của Đức Giêsu sẽ hoàn toàn bị hiểu sai lạc nếu như sứ điệp ấy bị tách rời khỏi bối cảnh đức tin và đức cậy của Dân Được Tuyển Chọn. Như Gioan Tẩy Giả, Đấng trực tiếp loan báo ngài, Đức Giêsu giảng trước tiên là cho dân Israel[5] để “tập họp” họ lại vào thời cánh chung vốn đã đến nơi bản thân Ngài. Và như Gioan rao giảng, lời rao giảng của Đức Giêsu cùng một lúc vừa là lời mời gọi ân sủng và là dấu chỉ cho sự mâu thuẫn cũng như là đức công chính cho toàn thể Dân Thiên Chúa.
Vì thế, ngay từ giây phút đầu của hoạt động cứu rỗi của Ngài, Đức Giêsu Nagiarét nỗ lực quy tụ Dân Thiên Chúa lại. Ngay cả khi lời rao giảng của Ngài luôn là lời mời gọi cá nhân hoán cải, thì thực ra Ngài liên tục nhằm xây dựng Dân Thiên Chúa mà Ngài đến để quy tụ, thanh tẩy và cứu rỗi.
Do vậy, một lối giải thích mang tính cách duy cá nhân về lời công bố Vương Quốc, đặc biệt là trong loại thần học tự do, là lối giải thích một chiều và không có nền tảng, như nhà thần học vĩ đại của Tin Lành theo phái tự do trên là Adolf von Harnack đã tóm tắt trong năm 1900 qua các bài giảng về Yếu Tính của Kitô giáo.[6] “Nước Thiên Chúa, khi đến với từng cá nhân, đã có thể đi vào trong linh hồn họ và được họ đón nhận. Hẳn chắc Nước Thiên Chúa là vương quyền của Chúa, nhưng đó còn là vương quyền của Thiên Chúa thánh thiện nơi cõi lòng của từng cá nhân.”[7]
Thực vậy, chiều hướng duy cá nhân của loại thần học tự do này tiêu biểu cho điều mà thời hiện đại nhấn mạnh : theo nhãn quan truyền thống kinh thánh và theo chân trời của Do Thái Giáo, nơi mà toàn bộ sự nghiệp của Đức Giêsu được diễn ra trong tất cả sự mới mẻ của nó, rõ ràng là toàn thể sứ điệp của Chúa Con-Nhập Thể có một mục tiêu mang tính cộng đồng. Ngài thực sự đến để hiệp nhất nhân loại đang bị tản mác ; Ngài thực sự đến để hiệp nhất Dân Thiên Chúa. Một dấu chỉ rõ rệt về ý định nhân vật Nagiarét đó muốn quy tụ cộng đoàn Giao Ước, muốn minh chứng nơi cộng đoàn ấy việc hoàn thành các lời đã hứa cho Cha Ông, là những người luôn nói đến việc quy tụ, hiệp nhất, kết hiệp, đó là việc thiết lập nhóm Mười Hai. Chúng ta nghe biết việc thành lập Nhóm Mười Hai này trong Tin Mừng : “Và Ngài đi lên trên núi và gọi lại với Ngài những ai Ngài muốn ; và họ đến với Ngài. Ngài đặt nhóm mười hai ở lại với Ngài và sai họ đi rao giảng ban quyền cho họ xua trừ ma quỷ.”[8]
Nơi mạc khải, tức “núi cao”, khi chủ động cho thấy ngài tuyệt đối ý thức và quyết tâm, Đức Giêsu thành lập nhóm Mười Hai, để rồi cùng với Ngài, họ là chứng nhân và những người loan báo việc Nước Thiên Chúa đến.
Không hề có nghi ngờ gì về tính cách lịch sử của lời kêu gọi này, không những vì các chứng nhân đã có ngay từ đầu và có rất nhiều, nhưng còn bởi lý do đơn giản này là còn có cả tên của Giuđa, vị Tông đồ đã phản bội ngài, mặc dù những khó khăn do sự hiện diện của ông có thể gây ra cho cộng đoàn mới mẻ này.
Con số mười hai, hiển nhiên là quy chiếu về mười hai chi tộc Israel, đã bộc lộ ý nghĩa của hành vi mang tính tiên tri-biểu tượng một cách mặc nhiên qua sáng kiến mới mẻ là tái lập lại dân thánh. Khi cơ chế mười hai chi tộc dần dần bị phai nhạt đi, niềm hy vọng của Israel mong đợi sự phục hồi là dấu chỉ của thời cánh chung (như đã được nói tới trong phần cuối sách ngôn sứ Egiêkien : 37, 15-19 ; 39, 23-29.40-48).
Khi tuyển chọn Nhóm Mười Hai, đưa họ vào thông hiệp với đời sống của chính ngài và cho họ tham dự vào sứ mệnh loan báo Vương Quốc qua lời và hành động,[9] Đức Giêsu muốn nói rằng thời đại chung cuộc đã tới, trong đó Dân mới của Thiên Chúa sẽ được thành lập, dân của mười hai chi tộc giờ đây trở thành dân phổ quát, tức Giáo Hội của ngài.
KÊU GỌI ISRAEL
Qua sự hiện hữu của mình, Nhóm Mười hai-được gọi đến từ những bối cảnh khác nhau-trở thành lời mời gọi toàn thể dân Israel hoán cải và để mình được quy tụ vào trong một giao ước mới, hoàn thành và thành toàn trọn hảo giao ước xưa. Sự kiện là trong Buổi Tiệc Ly và trước cuộc Khổ nạn, ngài đã uỷ thác cho các Tông đồ, bổn phận cử hành lễ Vượt Qua, minh chứng cho thấy cách thức Đức Giêsu muốn chuyển cho cộng đoàn mới mẻ này, nơi nhân vật làm đầu này, nhiệm vụ trở thành dấu chỉ và khí cụ trong cuộc quy tụ cánh chung mà ngài đã khởi sự. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng chính Bữa Tiệc Ly là hành vi thành lập Giáo Hội, bởi lẽ ngài trao ban chính bản thân ngài và như thế tạo nên một cộng đoàn mới, một cộng đoàn hiệp nhất trong hiệp thông với ngài.
Trong ánh sáng này, ta hiểu được là cùng với việc thông ban Thần Khí, Đấng Phục Sinh trao ban trên họ, quyền năng tha thứ tội lỗi.[10] Như thế, Mười Hai Tông Đồ là dấu chỉ hiển nhiên nhất về ý muốn của Đức Giêsu liên quan tới sự hiện hữu và sứ mệnh của Giáo Hội ngài, về sự bảo đảm là giữa Đức Kitô và Giáo Hội không hề có sự đối kháng : dầu những con người làm nên Giáo Hội có tội lỗi, họ và Đức Kitô không thể tách rời nhau. Vì thế, câu nói được quảng bá mấy năm trước đây, “Đức Giêsu thì được chứ còn Giáo Hội thì không” hoàn toàn không thể quan niệm được theo ý định của Đức Kitô. Một Đức Giêsu được lọc lựa theo kiểu cá nhân như thế chỉ là một Đức Giêsu theo trí tưởng tượng mà thôi.
Chúng ta không thể nào có được Đức Giêsu mà lại không có thực tại ngài đã tạo nên và trong thực tại đó ngài thông ban chính ngài. Giữa Con Thiên Chúa-làm-người và Giáo Hội ngài, có một sự liên tục mầu nhiệm, sâu xa, không thể dứt đoạn qua đó Đức Kitô hiện diện trong ngày hôm nay nơi dân ngài. Ngài luôn đồng thời với chúng ta, ngài luôn đồng thời với Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và sống động trong sự kế tục các Tông Đồ. Và chính sự hiện diện của ngài trong cộng đoàn, trong đó ngài luôn ở với chúng ta, là lý do để chúng ta được vui mừng. Thực vậy, Đức Kitô ở cùng chúng ta ; Nước Thiên Chúa đang ngự đến.
“CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC KITÔ”[11]
Thơ gửi tín hữu thành Êphêsô trình bầy cho chúng ta Giáo Hội như là một toà nhà “được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và ngôn sứ, mà chính Đức Kitô Giêsu là tảng đá góc”.[12] Trong Sách Khải Huyền, vai trò của các Tông Đồ, đặc biệt hơn, vai trò của Nhóm Mười Hai, được giải thích trong nhãn giới cánh chung về thành Giêrusalem thiên quốc, được trình bày như là một thành phố mà các tường thành “có mười hai nền tảng, và trên đó có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên.”[13]
Tin Mừng đồng thuận khi nhắc lại rằng lời kêu gọi các Tông Đồ đã đánh dấu những bước đầu tiên trong sứ vụ của Đức Giêsu, sau khi ngài đã lãnh nhận phép rửa từ Gioan Tẩy Giả trong dòng nước Giođan. Theo Marcô[14] và Mathêu tường thuật,[15] khung cảnh lời kêu gọi các Tông Đồ đầu tiên ấy là Biển Galilê. Đức Giêsu vừa mới bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa khi mắt ngài để ý tới hai cặp anh em : Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Họ là những ngư phủ bận bịu với công việc hằng ngày, thả lưới và vá lưới.
Nhưng còn có một loại đánh lưới khác đang chờ đợi họ. Đức Giêsu chủ ý gọi họ và họ lập tức đi theo ngài : sau đó, họ trở thành “những người chài lưới con người.”[16] Trong khi theo cùng một truyền thống ấy, Luca lại tường trình một cách chi tiết hơn.[17]
Tường thuật của Luca cho thấy bước tiến triển đức tin của các môn đệ đầu tiên, giải thích rằng Đức Giêsu lên tiếng mời họ đi theo ngài sau khi họ đã nghe những lời rao giảng đầu tiên và đã nhìn thấy những dấu chỉ lạ lùng ngài thực hiện. Cách riêng, mẻ lưới lạ lùng là bối cảnh trực tiếp, và nó đem lại biểu tượng cho sứ mệnh những người chài lưới con người được trao phó cho họ. Số phận của những người “được kêu gọi” đó từ đây liên kết chặt chẽ với số phận của Đức Giêsu. Một người tông đồ là người được sai đi, nhưng ngay cả trước khi được sai đi, người ấy là người đã “nghiệm” được Đức Giêsu (“expert” : chuyên gia ; cùng gốc với từ ngữ “experience” : kinh nghiệm).
Khía cạnh này được Thánh sử Gioan làm nổi bật qua việc lần đầu tiên Đức Giêsu tiếp xúc các vị Tông Đồ tương lai. Ở đây, bối cảnh thật khác. Cuộc gặp gỡ diễn ra trên bờ sông Giođan. Như Đức Giêsu, họ cũng đến từ Galilê để lãnh nhập phép rửa Gioan cử hành. Chính sự hiện diện của các môn đệ tương lai cho thấy thế giới tinh thần của họ.
Họ là những con người đang chờ đợi Nước Thiên Chúa, lo lắng nhận biết Đấng Thiên Sai đã được loan báo là sắp đến. Chỉ cần Gioan Tẩy Giả chỉ về Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa là đủ cho họ,[18] khơi lên nơi họ niềm khao khát được gặp gỡ trực tiếp với vị Tôn Sư ấy. Lời chuyện trò của Đức Giêsu với hai Tông Đồ đầu tiên trong tương lai thật có ý nghĩa. Khi ngài hỏi “Anh em tìm gì đấy ?”[19], họ trả lời bằng một câu hỏi khác : “Rabbi” (có nghĩa là Thầy), “thầy ở đâu ?”[20] Câu trả lời của Đức Giêsu lại là một lời mời gọi : “Hãy đến mà xem.”[21] Hãy đến để rồi anh em có thể xem thấy.
Hành trình của các Tông Đồ đã được khởi sự như thế. Đó là một cuộc tiếp xúc giữa những con người mở lòng cho người khác. Đối với các môn đệ, đó là khởi đầu của một sự tiếp xúc trực tiếp với vị Tôn Sư, xem nơi ngài ở và bắt đầu học biết ngài. Quả vậy, họ sẽ không rao giảng một ý tưởng, nhưng là làm chứng cho một nhân vật.
Trước khi được sai đi rao giảng, họ phải “ở” với Đức Giêsu đã,[22] bằng cách thiết lập một tương quan bản vị với ngài. Trên cơ sở này, việc rao giảng Tin mừng không gì khác hơn là việc công bố những gì họ cảm nhận và là một lời mời gọi đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Đức Kitô.[23]
Các Tông đồ được sai đến những ai ? Trong Tin Mừng, Đức Giêsu dường như giới hạn sứ mệnh của ngài chỉ cho dân Irael mà thôi : “Tôi đã được sai đến chỉ cho những con chiên lạc nhà Israel.”[24] Tương tự như thế, dường như ngài giới hạn sứ mệnh ngài trao phó cho Nhóm Mười Hai : Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai, truyền cho họ : “Đừng đến Dân Ngoại, và đừng đi vào các thành thuộc người Samari, nhưng hãy đi đến những con chiên lạc nhà Israel”.[25]
Ngày nay người ta có thể dùng đầu óc hiện đại để phê phán là những lời lẽ ấy, cho thấy nhân vật Nagiarét kia dường như thiếu một tầm nhìn phổ quát. Nhưng thực ra, những lời đó nên được hiểu trong ánh sáng của mối tương quan đặc biệt của ngài với Israel, cộng đoàn của Giao Ước, trong sự liên tục của lịch sử cứu độ. Theo lòng mong đợi đấng Thiên Sai, những lời hứa Thiên Chúa gửi đến trực tiếp cho Israel sẽ được hoàn thành khi chính Thiên Chúa quy tụ dân Người qua Đấng Được Tuyển Chọn như là vị mục tử chăn dắt đoàn chiên : “Ta sẽ cứu đoàn chiên của Ta, chúng sẽ không còn làm mồi bị săn bắt nữa… Ta sẽ đặt trên chúng một mục tử, Đavit tôi tớ Ta, và người sẽ chăm sóc chúng ; người sẽ chăm sóc chúng và là mục tử của chúng. Còn Ta, Đức Chúa, sẽ là Thiên Chúa của chúng, và tôi tớ Đavit ta sẽ là hoàng tử giữa chúng.”[26]
Đức Giêsu là vị mục tử cánh chung, quy tụ những con chiên lạc nhà Israel và tiếp tục đi tìm kiếm chúng, bởi lẽ ngài biết và yêu mến chúng.[27] Qua việc “quy tụ chúng lại” Nước Thiên Chúa được loan báo cho muôn dân tộc : “Ta sẽ thiết lập vinh quang của ta giữa các dân nước và mọi dân nước sẽ nhìn thấy phán quyết ta đã thực hiện, và ta sẽ đặt tay ta trên chúng.[28] Và Đức Giêsu đi theo chính lời chỉ dẫn tiên tri này. Bước đầu tiên của ngài là “quy tụ lại” dân Israel, ngõ hầu muôn dân được mời gọi quy tụ hiệp thông với Đức Chúa sẽ thấy và sẽ tin.
Như thế, Nhóm Mười Hai được thông dự vào cùng sứ mệnh của Đức Giêsu và cộng tác với Vị Mục Tử thời cuối cùng này. Các ngài cũng đi tìm những con chiên lạc nhà Israel, nghĩa là, rao giảng cho dân tộc của lời hứa mà sự quy tụ dân tộc ấy là dấu chỉ cứu độ cho muôn dân tộc, khởi đầu việc phổ quát hoá Giao Ước.
Như thế, thay vì đối nghịch lại việc mở rộng hành động Thiên Sai của nhân vật Nagiaret, việc giới hạn ban đầu sứ mệnh của ngài và của Nhóm Mười vào dân Irael mà thôi lại trở thành dấu chỉ mang tính tiên tri hữu hiệu hơn nữa. Sau cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, dấu chỉ này trở nên rõ rệt : tính chất phổ quát của sứ mệnh Tông Đồ đã được minh nhiên hoá. Đức Kitô sai các Tông Đồ tới “hết mọi loại thọ tạo”[29] tới “mọi dân nước,”[30] và cho tới “tận cùng trái đất.”[31]
Và sứ mệnh được tiếp tục. Lệnh truyền của Chúa Kitô quy tụ các dân tộc lại trong sự hiệp nhất tình yêu với ngài còn được tiếp diễn. Đây là niềm hy vọng của chúng ta và cũng là trọng trách của chúng ta : đóng góp vào tính phổ quát này, vào sự duy nhất chân thực này qua sự phong phú của các nền văn hoá, trong sự hiệp thông với Đức Chúa chân thật của chúng ta, Đức Giêsu Kitô.
II. “HIỆP THÔNG LÀ MỘT HỒNG ÂN”[32]
Qua sứ vụ tông đồ, Giáo Hội, một cộng đoàn được Con Thiên Chúa làm người quy tụ lại, sẽ tiếp diễn qua dòng thời gian, xây dựng và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Đức Kitô và trong Thánh Thần mà mọi người được kêu gọi vào, và trong đó họ có thể nghiệm thấy ơn cứu độ được Chúa Cha ban cho.
Thực vậy, như Đức Giáo Hoàng Clement, đấng kế vị thứ ba của Phêrô, khẳng định trong cuối thế kỷ thứ nhất, Nhóm Mười Hai đã nỗ lực chuẫn bị những người kế thừa,[33] ngõ hầu sứ mệnh uỷ thác cho họ sẽ được tiếp tục sau khi họ qua đời. Được tổ chức chặt chẽ dưới sự hướng dẫn của các vị Mục Tử hợp pháp, Giáo Hội như thế tiếp tục qua các thời đại, sống trong thế giới như là một mầu nhiệp hiệp thông, trong đó, Sự Hiệp Thông của Ba Ngôi Thiên Chúa được phản ánh theo một mức độ nào đó.
Thánh Tông Đồ Phaolô đã quy chiếu đến cội nguồn Ba Ngôi tối thượng này khi ngài chúc cho các Kitô hữu của ngài : “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em.”[34]
Có lẽ vọng lại lời nguyện thờ phượng của Giáo Hội mới được khai sinh, những lời này nhấn mạnh rằng hồng ân nhưng không của Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô đã được thực hiện và được diễn tả thành sự thông hiệp Chúa Thánh Thần đem đến.
Dựa trên sự song đối chặt chẽ giữa ba sở hữu từ mà bản văn liệt ra : (ân sủng của Chúa Giêsu Kitô… tình yêu của Chúa Cha… và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần), lối giải thích trên trình bầy “sự thông hiệp” như là một hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, hoa trái tình yêu Chúa Cha ban cho và là ân sủng Chúa Giêsu ban tặng.
Hơn nữa, được đánh dấu bằng việc nhấn mạnh đến sự hiệp thông huynh đệ, bối cảnh trực tiếp này hướng dẫn chúng ta nhìn nhận “koinonia”[35] của Chúa Thánh Thần không chỉ là sự “thông dự” vào sự sống thần linh hơn kém riêng lẻ của từng cá nhân, nhưng theo đúng luận lý, là sự “thông hiệp” giữa các tín hữu mà chính Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong tư cách là đấng xây dựng và là tác nhân chính yếu.[36]
Ta có thể nói được rằng ân sủng, tình yêu và sự thông hiệp lần lượt quy chiếu về Đức Kitô, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, là những khía cạnh khác biệt trong cùng một hành động Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Hành động này tạo nên Giáo Hội và làm nên Giáo Hội -như thánh Cypiranô thế kỷ thứ ba quả quyết – “một dân tộc được làm cho hiệp nhất từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[37]
Ý tưởng hiệp thông như sự thông dự vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa được soi sáng hơn nữa trong Tin Mừng Thánh Gioan. Trong Tin Mừng này, sự hiệp thông tình yêu liên kết Chúa Con với Chúa Cha và với con người vừa là mẫu mực vừa là nguồn mạch của sự hiệp thông huynh đệ phải hiệp nhất các môn đệ lại với nhau : “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”[38]; “để họ được nên một như chúng ta là một.”[39] Như thế, đó là sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa Ba Ngôi và sự hiệp thông của con người với nhau.
Trong thời gian lữ hành trên trần thế, người môn đệ đã thông dự vào sự hiệp thông với Chúa Con trong đời sống thần linh của ngài và hiệp thông với Chúa Cha : “sự thông hiệp của chúng ta là với Chúa Cha và với Con của ngài, Đức Giêsu Kitô”.[40]
Sự sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau là mục tiêu đích thực của việc loan báo Tin mừng, là mục tiêu của việc hoán cải trở thành Kitô hữu : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho anh em, ngõ hầu anh em được hiệp thông với chúng tôi.”[41]
Như thế, sự hiệp thông kép với Thiên Chúa và với nhau không thể tách rời nhau. Ở đâu mà sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bị phá huỷ, thì cội rễ và nguồn mạch sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau cũng bị phá huỷ. Và ở đâu chúng ta không sống hiệp thông giữa chúng ta với nhau, sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ không phải là sống thực, như chúng ta đã nghe dậy.
Chúng ta hãy đi thêm một bước nữa. Là hoa trái của Chúa Thánh Thần, sự Hiệp Thông được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh Thể[42] và được diễn tả thành mối tương giao huynh đệ như là một sự thông dự trước vào thế giới tương lai. Trong Thánh Thể, Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta ; ngài hiệp nhất chúng ta với ngài, với Cha ngài, với Chúa Thánh Thần và chúng ta với nhau. Mạng lưới hiệp nhất bao trùm thế giới đây là sự thông dự trước thế giới tương lai trong thời gian của chúng ta.
Chính trong cách thức ấy, vì lẽ đó là sự thông dự trước vào thế giới tương lai, sự hiệp thông cũng lại là một hồng ân mang theo những hệ quả rất thiết thực. Nó nâng chúng ta lên khỏi cảnh đơn độc, khép kín trong chính mình và làm cho chúng ta thông dự vào tình yêu hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.
Chúng ta thật dễ hiểu hồng ân này là vĩ đại như thế nào khi chúng ta nghĩ đến sự phân xé và những xung khắc tác động trên những mối tương quan giữa các cá nhân, đoàn thể và toàn bộ các dân tộc. Và nếu như hồng ân hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần này không hiện hữu, thì sự phân xé nhân loại là điều không thể tránh được.
“Hiệp thông” đích thực là Tin Mừng, là liều thuốc chữa được Chúa Kitô ban cho chúng ta để đấu tranh chống lại sự đơn độc vốn đe doạ mọi con người hôm nay, là hồng ân quý giá làm cho chúng ta cảm thấy mình được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương, trong sự hiệp nhất của Đoàn Dân được ngài quy tụ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi ; đó là ánh sáng làm cho Giáo Hội toả sáng như luồng sáng được toả lên nơi các dân tộc. “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau.”[43]
Như vậy, dẫu có mọi yếu đuối phàm nhân in trên dung mạo lịch sử của mình, Giáo Hội được biểu tỏ như là kết quả kỳ diệu của tình yêu, được làm cho hiện hữu để mang Chúa Kitô lại cho mọi người thực sự muốn khao khát gặp gỡ ngài cho đến tận cùng trái đất. Và trong Giáo Hội, Chúa Kitô luôn hiện diện trong thời đại chúng ta. Kinh Thánh không phải là cái gì thuộc về quá khứ. Chúa Kitô không nói trong quá khứ nhưng là nói trong hiện tại, ngài nói cho chúng ta ngày hôm nay, ngài soi sáng chúng ta, ngài chỉ cho chúng ta con đường sự sống, ngài ban cho chúng ta sự hiệp thông và do đấy, ngài chuẩn bị và mở lòng chúng ta đón nhận bình an.
“GIỮ GÌN HỒNG ÂN”[44]
Khi suy tư về Giáo Hội mới được khai sinh này, chúng ta có thể khám phá ra hai khía cạnh : thánh Irênê thành Lyon, một thánh tử đạo và nhà thần học vĩ đại cuối thế kỷ thứ hai, người đầu tiên xây dựng một nền thần học hệ thống theo một mức độ nào đó, đã cực kỳ nhấn mạnh khía cạnh thứ nhất. Thánh Irênê viết : “Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Thánh Thần Thiên Chúa ; ở đâu có Thánh Thần Thiên Chúa, ở đó có Giáo Hội và mọi ân sủng ; vì Thần Khí là chân lý.”[45]
Như thế, có một mối liên kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Chúa Thánh Thần xây dựng Giáo Hội và ban cho Giáo Hội chân lý ; ngài đổ tràn tình yêu vào lòng các tín hữu như Thánh Phaolô nói.[46]
Và rồi còn có khía cạnh thứ hai nữa. Mối liên kết sâu xa với Thần Khí không cất đi nhân tính của chúng ta với tất cả những yếu đuối của nó. Vì thế, ngay từ đầu, cộng đoàn các môn đệ đã biết đến không những là niềm vui của Chúa Thánh Thần, ân sủng sự thật và tình yêu, nhưng còn biết đến những thử thách gây ra trước tiên do những bất đồng về các chân lý đức tin, mà hậu quả là làm thương tổn đến sự hiệp thông. Như sự thông hiệp đã có ngay từ ban đầu và vẫn còn tiếp tục cho tới cuối cùng,[47] thì cũng thế, sự chia rẽ bất hạnh thay cũng đã diễn ra ngay từ ban đầu. Chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên khi thấy ngày nay vẫn có sự chia rẽ như thế. Thánh Gioan nói trong Thư Thứ Nhất : “Họ xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng họ không phải là người của chúng ta, vì nếu là người của chúng ta, họ đã ở lại với chúng ta.”[48]
Như vậy, trong các biến cố của thế giới, nhưng cũng trong sự yếu đuối của Giáo Hội, luôn luôn có nguy cơ đánh mất đức tin, và rồi, đánh mất tình yêu và tình huynh đệ. Hệ quả là, bổn phận chuyên biệt của những ai tin vào Giáo Hội tình yêu và muốn sống trong Giáo Hội là cũng phải nhìn nhận mối nguy hiểm này và chấp nhận rằng không còn có thể có hiệp thông được với những ai đã xa lìa giáo lý cứu độ.[49]
Việc Giáo Hội mới được khai sinh ý thức rất rõ những mối căng thẳng có thể xẩy ra trong kinh nghiệm hiệp thông được Lá Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan cho thấy rõ : trong Tân Ước, không có lời lẽ nào được nói lên rất mạnh mẽ như thế về thực tại và bổn phận phải yêu thương huynh đệ giữa các Kitô hữu, nhưng cũng cùng lời lẽ ấy đã nói đến sự nghiêm trọng thê thảm đối với những kẻ đối nghịch Giáo Hội vốn trước kia đã là thành viên của cộng đoàn nhưng nay không còn thuộc về cộng đoàn nữa.
Giáo Hội tình yêu cũng là Giáo Hội của chân lý, được hiểu trước tiên như là sự trung thành với Tin Mừng được Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ ngài.
III. TRUYỀN THỐNG :
SỰ HIỆP THÔNG QUA DÒNG THỜI GIAN[50]
Cho tới đây, chúng ta đã hiểu rằng hiệp thông trong Giáo Hội được Chúa Thánh Thần khơi dậy và nâng đỡ, và được sứ vụ tông đồ duy trì và thăng tiến. Và sự hiệp thông này, mà chúng ta gọi là “Giáo Hội” không những được trải rộng cho tới mọi tín hữu trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng còn bao quát toàn bộ các thời đại và mọi thế hệ. Như thế, chúng ta có một sự phổ quát kép : phổ quát đồng thời–chúng ta được hiệp nhất với các tín hữu ở mọi phần trên thế giới–và cũng có một sự phổ quát xuyên thời, nghĩa là : toàn bộ trong thời đại chúng ta và mọi tín hữu thuộc quá khứ và tương lai đều cùng với chúng ta làm nên một sự hiệp thông vĩ đại.
Chúa Thánh Thần xuất hiện cho chúng ta như là Đấng Bảo Đảm cho sự hiện diện chủ động của mầu nhiệm này trong lịch sử. Ngài là Đấng bảo đảm cho có được sự hiệp thông này xuyên qua muôn thế kỷ. Nhờ Đấng Bảo Trợ, sự hiệp thông này là điều luôn có thể được cho mọi thế hệ tiếp sau để họ có cùng một kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh mà cộng đoàn các tông đồ đã sống vào thời kỳ đầu của Giáo Hội, vì kinh nghiệm ấy đã được truyền lại và thực hiện lại trong đức tin, sự thờ phượng và hiệp thông của Dân Thiên Chúa đang lữ hành trong thời gian.
Và vì thế, ngày hôm nay chúng ta đang sống cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh không như cái gì đó thuộc về quá khứ, nhưng là trong sự hiệp thông hiện tại của đức tin, phụng vụ và đời sống Giáo Hội. Truyền Thống Tông Đồ của Giáo Hội hệ tại ở việc lưu truyền những sự phong phú của ơn cứu rỗi, mà nhờ quyền năng của Thần Khí, đã làm cho cộng đoàn Giáo Hội trở thành sự thực hiện bền vững sự hiệp thông ban đầu ấy.
Sự hiệp thông ấy được gọi là “ban đầu” bởi lẽ nó đã được sinh ra từ chứng tá của các Tông đồ và của cộng đoàn các môn đệ vào thời kỳ ban đầu. Nó đã được lưu truyền lại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong các bản văn Tân Ước và trong đời sống bí tích, trong đời sống đức tin. Và Giáo Hội liên tục quy chiếu đến chứng tá ấy – tức Truyền Thống, xét như là một toàn thể, là thực tại luôn được cập nhật về hồng ân của Chúa Giêsu – như là nền tảng và luật lệ của mình, qua việc kế thừa không dứt đoạn của sứ vụ tông đồ. Hơn nữa, trong cuộc đời lịch sử của mình Đức Giêsu đã giới hạn sứ mệnh của mình nơi nhà Israel, nhưng đã nói rõ là hồng ân này không chỉ dành riêng cho Dân Israel mà là cho hết mọi người trong thế giới và cho mọi thời đại.
Và rồi Đấng Phục Sinh đã minh nhiên uỷ thác cho các Tông Đồ[51] nhiệm vụ làm cho mọi dân nước thành môn đệ. Ngài bảo đảm là ngài sẽ hiện diện và trợ giúp họ cho đến ngày tận thế.[52]
Hơn nữa, ơn cứu rỗi phổ quát này đòi hỏi rằng Lễ Tưởng Niệm Vượt qua phải được liên tục cử hành trong lịch sử cho đến khi Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.[53] Ai sẽ mang lại sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu qua sứ vụ các Tông Đồ–những người lãnh đạo của dân Israel cánh chung[54]-và qua toàn bộ đời sống của Dân Giao Ước mới ? Câu trả lời rất rõ ràng là : Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ – theo khuôn Tin Mừng Luca -cho thấy rất rõ sự thấu nhập này giữa Thần Khí, những người được Chúa Kitô sai đi và cộng đoàn các ngài tập họp lại.
Nhờ tác động của Đấng Bảo Trợ, các Tông Đồ và những người kế vị các ngài có thể thực hiện trong dòng thời gian sứ mệnh đã lãnh nhận từ Đấng Phục Sinh. “Chúng con là chứng nhân của những việc này. Phần thầy, thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa.”[55]
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bây giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.”[56] Ban đầu tưởng chừng như là không thể tin được, song lời hứa này đã trở thành sự thật trong thời các Tông Đồ : “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”[57] Vì vậy, chính Thần Khí, qua việc đặt tay và cầu nguyện của các Tông Đồ, thánh hiến và sai phái các nhà truyền bá Tin Mừng mới khác (chẳng hạn, trong Cv 13,3 và Tim 4,14). Ta cũng nên lưu ý là trong một số đoạn văn, Phaolô được nói là bổ nhiệm các trưởng lão trong mọi Giáo hội,[58] ở chỗ khác lại nói rằng chính Thánh Thần đã làm cho họ nên người chăn giữ đoàn chiên.[59] Như thế, hành động của Chúa Thánh Thần và hành động của Phaolô đan quyện chặt chẽ với nhau.
Vào lúc phải lấy những quyết định quan trọng cho đời sống Giáo Hội, Thánh Thần hiện diện để hướng dẫn Giáo Hội. Sự hiện diện để hướng dẫn này của Chúa Thánh Thần được cảm nghiệm đặc biệt là sâu sắc trong Công đồng Giêrusalem, trong đó, trong lời kết luận vang vọng lại quả quyết này : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”[60] ; Giáo Hội tăng trưởng và tiến bước “trong niềm kính sợ Chúa và được Chúa Thánh Thần nâng đỡ.”[61] Việc thực hiện vững bền sự hiện diện chủ động của Chúa Giêsu trong Dân của ngài, được Chúa Thánh Thần thực hiện và được diễn tả trong Giáo Hội qua sứ vụ các Tông Đồ và tình hiệp thông huynh đệ chính là điều mà từ ngữ “Truyền Thống” muốn nói đến theo nghĩa thần học : đó không chỉ là việc lưu truyền vật thể những gì đã được ban cho vào buổi đầu cho các Tông Đồ, nhưng là sự hiện diện hữu hiệu của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, là Đấng đồng hành và hướng dẫn trong Thánh Thần cộng đoàn ngài đã quy tụ. Truyền Thống là sự hiệp thông của các tín hữu với các vị Mục Tử hợp pháp qua dòng lịch sử, một sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng, bảo đảm có sự liên kết giữa kinh nghiệm đức tin của các tông đồ, được sống trong cộng đoàn ban đầu của các môn đệ, và kinh nghiệm hiện nay về Đức Kitô trong Giáo Hội của ngài.
Nói cách khác, Truyền thống là sự tiếp diễn thực tiễn Giáo Hội, Đền Thánh của Chúa Cha, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và gắn kết lại với nhau bằng hòn đá góc là Đức Kitô, qua tác động ban sự sống của Thần Khí : “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thề công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.”[62]
Nhờ TruyềnThống, được sứ vụ Tông Đồ và những người kế vị các ngài, nước sự sống chẩy từ cạnh sườn Chúa Kitô và máu cứu độ của ngài đến với con người mọi thời đại. Như thế, Truyền Thống là sự hiện diện bền vững của Đấng Cứu Thế đến gặp gỡ chúng ta, cứu độ chúng ta và thánh hoá chúng ta trong Thần Khí, nhờ sứ vụ của Giáo Hội ngài, nhằm tôn vinh Chúa Cha.
Vì thế, kết luận và tóm lại, chúng ta có thể nói rằng Truyền Thống không là việc thông truyền sự việc hay lời văn, một tập họp của những điều đã chết xưa. Truyền thống là dòng sông sống động nối kết chúng ta với cội nguồn, dòng sông sống động trong đó cội nguồn luôn hiện diện, là dòng sông vĩ đại dẫn chúng ta đến cánh cửa vĩnh cửu. Và vì là như thế, trong dòng sông sống động này, lời của Chúa Kitô không ngừng được vang lên : “Thầy sẽ ở cùng với anh em cho tới ngày tận thế.[63]
TRUYỀN THỐNG TÔNG ĐỒ CỦA GIÁO HỘI[64]
Truyền Thống các Tông Đồ không là một sưu tập những sự vật hay lời nói như thể một hộp chứa đựng những gì bất động. Truyền Thống là dòng sống chứa sự sống mới tuôn chảy từ cội nguồn, từ Đức Kitô cho tới chúng ta, và làm cho chúng ta được thông dự vào lịch sử của Thiên Chúa với nhân loại.
Về việc này, Công đồng Vatican II chỉ ra rằng Truyền Thống tiên quyết ngay từ đầu có tính tông truyền :
Thiên Chúa nhân lành đã ấn định là những gì ngài đã một lần mạc khải để cứu rỗi muôn dân phải được tồn tại nguyên vẹn qua mọi thời đại, và phải được truyền lại cho mọi thế hệ.
Vì thế, Chúa Kitô, tột đỉnh của toàn bộ Mạc Khải của Thiên Chúa tối cao (x. 2Cr 1,20 ; 3,16 – 4,6) đã truyền cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng… và thông truyền các hồng ân của Thiên Chúa cho mọi con người. Tin Mừng này sẽ là nguồn mạch toàn thể chân lý cứu độ và nếp sống luân lý.[65]
Công đồng còn ghi nhận thêm là việc này đã được trung thành thực hiện bởi “các Tông Đồ. Các ngài truyền lại qua lời rao giảng, qua gương sáng và qua các định chế các ngài thiết lập, những gì các ngài đã lãnh nhận-hoặc từ môi miệng Chúa Kitô, hoặc qua cách sống và việc làm của ngài, hoặc do các ngài đã học biết nhờ sự thôi thúc của Chúa ThánhThần.”[66]
Công đồng còn nói thêm rằng có những người “cùng với các Tông Đồ, dưới sự soi dẫn của cùng một Chúa Thánh thần, đã ghi chép sứ điệp cứu rỗi này.”[67] Và như thế, lãnh đạo Israel cánh chung, Nhóm Mười Hai, tức con số các chi tộc của Dân Được Tuyển Chọn, các Tông Đồ tiếp tục “cuộc quy tụ” đã được Chúa Kitô khởi sự và làm như thế trước tiên và trên hết là trung thành truyền lại hồng ân đã lãnh nhận, Tin Mừng về Nước đã đến cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô.
Con số của các ngài không chỉ diễn tả sự tiếp nối với cội nguồn thánh, dân Israel với mười hai chi tộc, nhưng còn là đích điểm phổ quát của sứ vụ các ngài, đem lại ơn cứu rỗi cho đến tận cùng trái đất. Ta có thể hiểu được điều này qua giá trị biểu tượng mà các con số có trong thế giới Sêmit : số mười hai đến từ số ba, một con số hoàn hảo, nhân với số bốn, là số nói tới bốn phương chính của thế giới, tức là toàn thể thế giới.
Được sinh ra từ việc loan báo Tin Mừng, cộng đoàn nhìn nhận rằng mình được kêu gọi qua lời của những con người đầu tiên kinh nghiệm được Chúa Kitô và được ngài sai đi. Cộng đoàn ấy biết rằng họ có thể cậy dựa vào sự hướng dẫn của Nhóm Mười Hai, cũng như là sự hướng dẫn của những người dần dần liên kết với các vị trong tư cách là những người kế vị các ngài trong sứ vụ của Lời và trong việc phục vụ sự hiệp thông. Hệ quả là, cộng đoàn cảm thấy buộc phải lưu truyền cho những người khác “Tin Mừng” về sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô và Mầu Nhiệm Vượt Qua của ngài, được thực hiện trong Thần Khí. Một số đoạn văn trong các thư thánh Phaolô đã làm nổi bật và minh nhiên điều này : “tôi truyền cho anh em… những gì tôi cũng đã lãnh nhận”[68] Điều này thực là quan trọng. Như ta đã rõ, thánh Phaolô được Chúa Kitô trực tiếp kêu gọi ngay từ đầu, là một Tông Đồ thực thụ, nhưng đối với ngài, trung thành với những gì ngài lãnh nhận cũng hết sức là quan trọng. Ngài không muốn “sáng tác” một thứ “Kitô giáo mới” theo kiểu Phaolô. Vì thế, ngài nhấn mạnh, “tôi đã truyền lại cho anh em những gì tôi cũng đã lãnh nhận.” Ngài truyền lại hồng ân ban đầu và chân lý cứu độ đến từ Chúa Kitô.
Và rồi, vào cuối đời, ngài viết cho Timôthê : “Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho con, con hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.”[69]
Điều này cũng đã được minh chứng mạnh mẽ qua chứng từ cổ xưa về đức tin Kitô giáo như Tertulianô đã viết vào khoảng năm 200 :
(Các Tông Đồ) sau khi làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô qua suốt miền Giuđêa và thành lập các Giáo Hội (ở nơi đó), tiếp đó, các ngài đã đi khắp thế giới và rao giảng cùng một giáo lý đức tin cho các dân nước. Rồi cũng cùng một cách thức, các ngài thành lập Giáo Hội ở mọi thành phố, từ đó mọi Giáo Hội khác, từng Giáo Hội một, nhận được truyền thống đức tin và hạt giống giáo lý, và ngày ngày vẫn được nhận tiếp, để họ có thể trở thành các Giáo Hội. Quả vậy, dựa trên việc đó họ mới có thể coi họ là thuộc tông truyền, tức được sinh ra từ Giáo Hội của các Tông Đồ.[70]
Công đồng Vatican II bình giải : “Những gì đã được các Tông Đồ truyền lại bao gồm tất cả những gì giúp cho Dân Chúa sống cuộc đời thánh thiện và gia tăng đức tin. Như thế, qua giáo lý,đời sống và việc thờ phượng, Giáo Hội tiếp diễn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả những gì làm nên chính Giáo hội, tất cả những gì mình tin”.[71] Giáo Hội truyền lại tất cả những gì mình là và mình tin, lưu truyền lại qua việc thờ phượng, đời sống và giáo lý.
Như thế, chính Truyền Thống là Tin Mừng sống động, được các Tông Đồ loan báo toàn vẹn dựa trên sự sung mãn của cái kinh nghiệm độc đáo không thể lập lại được : qua hoạt động của các ngài, đức tin được thông truyền cho người khác, và truyền lại đến cả chúng ta nữa, cho đến tận thế. Vì thế, Truyền Thống là lịch sử của Thần Khí hành động tronglịch sử Giáo Hội qua trung gian các Tông Đồ và những người kế vị các ngài, trung thành tiếp tục kinh nghiệm của cội nguồn.
Đó là điều mà Thánh Clêment thành Roma nói vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất :
Các Tông Đồ đã rao giảng cho chúng ta Tin Mừng từ Chúa Giêsu Kitô ; Đức Giêsu Kitô được Thiên Chúa sai đến. Vì thế, Đức Kitô được Thiên Chúa sai đi, còn các Tông Đồ được Đức Kitô sai đi.
Vậy, thể theo ý muốn của Thiên Chúa, cả hai việc uỷ nhiệm này được thực hiện theo một trật tự, … Các Tông Đồ của chúng ta cũng biết được qua Đức Giêsu Chúa chúng ta, là sẽ có sự tranh chấp về chức vụ giám mục.
Vì lẽ đó, khi nhận được sự hiểu biết trọn vẹn về điều này, các ngài đã bổ nhiệm những vị [thừa tác viên] đã nhắc đến ở trên, và sau đó đã huấn thị cho các vị là khi các vị qua đi, các vị sẽ bổ nhiệm những người khác kế thừa các vị trong sứ vụ.[72]
Mối dây phục vụ này đã được tiếp tục cho đến ngày hôm nay ; nó sẽ còn được tiếp tục cho đến tận thế. Quả vậy, mệnh lệnh Đức Giêsu uỷ thác cho các Tông Đồ đã được các ngài truyền lại cho những người kế vị. Vượt quá kinh nghiệm bản thân tiếp xúc với Đức Kitô, độc nhất và không thể lập lại được, các Tông Đồ truyền lại cho những người kế vị các ngài mệnh lệnh trọng thể các ngài đã lãnh nhận từ vị Tôn Sư là hãy đi vào thế giới. “Tông Đồ” chính xác là đến từ chữ Hy lạp apostéllein, nghĩa là “sai đi”.
Mệnh lệnh cho các Tông Đồ – như bản văn Mathêu cho thấy[73]-bao hàm việc phục vụ có tính chất chăn dắt (“Vì thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân nước thành môn đệ…”) phụng vụ (“hãy rửa tội cho họ”), và ngôn sứ (“dậy dỗ họ giữ tất cả những gì Thầy truyền cho anh em”) được bảo đảm qua sự hiện diện gần gũi của Chúa Kitô, cho đến ngày tận thế (“này đây, Thầy sẽ luôn ở cùng với anh em cho đến ngày tận thế”).
Như thế, tuy khác với các Tông Đồ, chúng ta cũng có được kinh nghiệm bản thân về sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh.
Vì thế, qua sứ vụ các Tông Đồ, chính Chúa Kitô đi tới với những ai được kêu gọi tin. Khoảng cách qua các thế kỷ được vượt thắng và Đấng Phục Sinh hiến ban chính mình sống động vì chúng ta, trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay.
Đây là niềm vui vĩ đại của chúng ta. Trong dòng sông sống động của Truyền Thống, Đức Kitô không phải là cách xa 2.000 trước đây, nhưng ngày thực sự đang hiện diện giữa chúng ta và ban cho chúng ta Chân Lý. Ngài ban cho chúng ta ánh sáng để làm cho chúng ta được sống và tìm thấy được con đường hướng tới tương lai.
IV. GIÁM MỤC : “NGƯỜI CHĂM SÓC”[74]
Chúng ta đã suy niệm về Truyền Thống trong Giáo Hội và đã thấy đó là sự hiện diện vững bền của lời và sự sống của Đức Giêsu ở giữa dân ngài. Nhưng để hiện diện, lời ấy cần có con người, cần chứng nhân.
Vì thế mà ta có được sự hỗ tương như sau : một mặt, lời cần có con người, mặt khác, con người, chứng nhân buộc phải gắn kết với lời đã được uỷ thác cho mình và mình không được sáng tác. Sự hỗ tương giữa nội dung- Lời Chúa, sự sống của Chúa Kitô – và người tiếp tục công cuộc này chính là đặc trưng của cơ cấu trong Giáo Hội. Chúng ta hôm nay hãy suy niệm về khía cạnh con người này của Giáo Hội.
Như ta đã thấy, Chúa Kitô thành lập Giáo Hội bằng cách kêu gọi Nhóm Mười Hai, đại diện cho Dân Thiên Chúa trong tương lai. Trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, sau khi ngài lên trời, Nhóm Mười Hai bổ sung con số của mình bằng cách chỉ định Matthias thay thế cho Giuđa, qua đó, các ngài tiếp tục mời gọi những người khác tham gia vào phận sự đã uỷ thác cho các ngài để các vị có thể tiếp tục sứ vụ của các ngài.
Chính Chúa Phục Sinh đã kêu gọi Phaolô,[75] nhưng Phaolô đã so sánh Tin Mừng của mình với Tin Mừng của Nhóm Mười Hai,[76] dẫu rằng ngài đã được chính Chúa Kitô kêu gọi làm một Tông Đồ và lo sao có thể truyền lại những gì ngài đã lãnh nhận. [77] Khi phân bổ các trách vụ, ngài đã liên kết với Các Tông Đồ cùng với những người khác, chẳng hạn như Barnabas.[78]
Như việc trở thành Tông Đồ bắt đầu bằng việc được Chúa Phục Sinh kêu gọi và sai đi thế nào, thì việc mời gọi và sai đi sau này cũng được thực hiện, qua quyền năng của Thần Khí, bởi những người đã được truyền chức trong tác vụ tông đồ. Và như thế, tác vụ này, được thế hệ thứ hai biết đến là tác vụ giám mục, đã được tiếp tục.
Có lẽ là hữu ích khi ta hiểu chữ “giám mục” nghĩa là gì. Chữ đó đến từ tiếng Hy Lạp “episcopos”. Từ này có nghĩa là một người có cái nhìn từ trên cao, nhìn bằng trái tim của mình. Đó là danh xưng mà Thánh Phêrô đã gọi Chúa Giêsu trong Lá Thư Thứ Nhất của mình : Giám mục,[79] “Giám Mục và Người Gìn Giữ linh hồn anh em.”[80]
Và theo hình ảnh mới này này về Chúa Kitô, là vị Giám Mục, Người Gìn Giữ, Mục Tử các linh hồn đầu tiên, những người kế vị các Tông Đồ sau này được gọi là Giám Mục, “episcopoi”. Vai trò Giám Mục được uỷ thác cho các vị. Vai trò chuyên biệt của Giám Mục đã dần dần chuyển biến, khi so với thời kỳ ban đầu, cho tới khi nó mặc lấy hình thức được thánh Inhaxiô Antiôkia chứng thực vào đầu thế kỷ thứ hai[81]là chức vụ ba cấp : Giám mục, Linh Mục và Phó Tế.
Việc phát triển này được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn. Ngài là Đấng trợ giúp Giáo Hội phân định những hình thức chân thực của việc Kế Nhiệm các Tông Đồ, và được xác định rõ ràng hơn qua nhiều kinh nghiệm và các hình thức đặc sủng và phục vụ khác nhau hiện diện trong các cộng đoàn tiên khởi.
Như thế, được trình bày như là sự tiếp nối tác vụ Tông Đồ, việc kế nhiệm vai trò Giám Mục bảo đảm lưu tồn Truyền Thống các Tông Đồ, lời và sự sống, đã được Chúa Kitô uỷ thác cho chúng ta. Mối liên kết giữa Cộng đoàn các Giám Mục với cộng đoàn nguyên thuỷ của các Tông Đồ được hiểu trước tiên là qua sự tiếp nối trong lịch sử.
Như ta đã thấy, trước hết là Matthias, rồi đến Phaolô, rồi Barnabas gia nhập Nhóm Mười Hai, và rồi những người khác, cho đến khi, vào thế hệ thứ hai và thứ ba, tác vụ Giám Mục được hình thành.
Vì thế, tính tiếp nối được diễn tả trong mối dây liên tục trong lịch sử. Và trong sự liên tục kế nhiệm ấy ta có được sự bảo đảm vững bền trong Cộng Đoàn Giáo Hội, Cộng Đoàn các Tông Đồ, là Chúa Kitô đã quy tụ lại quanh ngài.
Tuy nhiên, như chúng ta thấy trước hết trong tính liên tục lịch sử, tính liên tục này cũng phải được hiểu theo nghĩa thiêng liêng, bởi lẽ Việc Kế Nhiệm các Tông Đồ trong tác vụ được coi là nơi ưu tuyển cho hành động và việc thông truyền của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta bắt gặp những xác tín này được vang vọng trong các bút tích như bản văn của thánh Irênê thành Lyon vào hậu bán thế kỷ thứ hai như sau :
Trong mọi Giáo Hội, ai muốn nhìn thấy chân lý, thì đều có thể chiêm ngắm rõ ràng truyền thống các Tông Đồ được tỏ hiện cho toàn thế giới ; và chúng ta có thể đếm được những ai đã được các Tông Đồ đặt làm Giám Mục trong Giáo Hội và… sự kế nhiệm những vị này cho đến thời của chúng ta… [Các Tông Đồ] mong muốn rằng những người mà họ đã để lại như là những người kế vị, phải rất trọn hảo và không có gì đáng trách trong tất cả mọi sự. Các ngài uỷ thác vị thế cai quản của mình cho những người này. Và nếu những vị này thi hành nhiệm vụ của mình một cách chân thực, thì sự phát triển sẽ là vĩ đại, nhưng nếu họ sa ngã, thì thảm hoạ thật là khủng khiếp.[82]
Quy chiếu về mạng lưới Kế Nhiệm các Tông Đồ như là bảo đảm cho sự hiện diện vững bền của lời Chúa Kitô, Irênê tập trung vào Giáo Hội, “Giáo Hội vĩ đại nhất, cổ xưa nhất và ai nấy đều biết là Giáo Hội được thành lập và tổ chức bởi hai vị Tông Đồ vinh hiển nhất, Phêrô và Phaolô,”[83] và nhấn mạnh đến Truyền Thống đức tin trong Giáo Hội đã đến với chúng ta từ các Tông Đồ xuyên qua sự kế nhiệm của các Giám Mục.
Như thế, đối với Irênê và Giáo Hội phổ quát, việc Kế Nhiệm chức Giám Mục trong Giáo Hội Roma trở thành dấu chỉ, tiêu chuẩn và sự bảo đảm việc lưu truyền đức tin của các tông đồ một cách không dứt đoạn.
Quả là điều cần thiết là mọi Giáo Hội phải đồng thuận với Giáo Hội đây, do uy tín trổi vượt của Giáo hội này (propter potiorem principalitatem) – nghĩa là, các tín hữu khắp mọi nơi – xét như Truyền Thống các Tông đồ đã được duy trì liên tục…[84]
Vì thế, được kiểm chứng dựa trên cơ sở là sự hiệp thông với vị Kế Nhiệm trong Giáo Hội Rôma, việc Kế Nhiệm các Tông Đồ là tiêu chuẩn cho tính trường tồn của các Giáo Hội đặc thù trong Truyền Thống cùng chung một đức tin tông đồ, mà ngay từ đầu đã truyền đến chúng ta qua kênh thông truyền này :
Theo trật tự này, và nhờ việc kế nhiệm này mà Truyền Thống Giáo Hội từ các Tông Đồ và việc rao giảng chân lý được truyền tới chúng ta. Có cả một lô chứng từ là chỉ có cùng một đức tin ban lại sự sống, đã được duy trì trong Giáo Hội từ thời các Tông Đồ cho đến ngày nay, và đã được truyền lại cho chúng ta trong chân lý.[85]
Theo chứng từ của Giáo Hội cổ xưa này, tính tông đồ của sự hiệp thông Giáo Hội hệ tại ở việc trung thành với giáo huấn và thực hành của các Tông đồ, qua đó, mối dây liên kết lịch sử và thiêng liêng của Giáo Hội với Chúa Kitô được bảo đảm. Việc Kế Nhiệm Tông Đồ trong tác vụ giám mục là phương thế bảo đảm việc chuyển giao trung thành chứng từ của các Tông Đồ.
Điều các Tông Đồ biểu hiện trong mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội ban đầu thì cũng được biểu hiện như thế qua việc kế nhiệm tác vụ trong mối tương quan giữa Giáo Hội sơ khai và Giáo Hội ngày nay. Đây không chỉ là một sự tiếp diễn vật thể ; đúng hơn, đây là khí cụ trong lịch sử mà Thần Khí sử dụng để làm cho Chúa Giêsu, Đầu của Dân ngài, được hiện diện qua những ai được truyền chức cho tác vụ nhờ việc đặt tay và lời cầu nguyện của các Giám Mục.
Do đấy, qua việc Kế Nhiệm Tông Đồ, chính Đức Kitô đến với chúng ta : qua lời dậy của các Tông Đồ và những người kế vị các ngài, chính Đức Kitô nói cho chúng ta ; qua bàn tay của các vị, chính ngài hành động trong các bí tích ; trong cái nhìn của các vị, chính ngài nhìn đến, ôm ấp chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình được yêu thương và đón nhận vào Trái Tim của Chúa. Và ngày nay cũng như ngay từ buổi đầu, chính Đức Kitô là vị “Mục Tử và Đấng Gìn Giữ linh hồn chúng ta,”[86] Đấng chúng ta đi theo với lòng tín thác, tri ân và niềm vui thật sâu xa.
[1] Pope Benedict XVI, The Origins of the Church, (Our Sunday Visitor, Inc, USA, 2007)
[2] Mk 1 :17 ; Mt 4 :19.
[3] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Novo Millenio Ineunte, s. 16.
[4] x. Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, s. 1.
[5] x. Mt 15 :24.
[6] Chủ biên chú thích : Harnack giảng một loạt bài về “Yếu Tính của Kitô Giáo” tại Đại học Berlin trong khoá mùa Đông 1899-1899.
[7] x. Adolf von Harnack, Giảng Khoá về Yếu Tính của Kitô Giáo, Bài Thứ Ba, tr. 100.
[8] Mc 2 :13-16 ; x. Mt 10 :1-4 ; Lc 6 :12-16.
[9] x. Mc 6 :7-13 ; Mt 10 :5-8 ; Lc 9 :1-6 ; 6 :13.
[10] x. Ga 20 :23.
[11] Đức Bênêđictô XVI, Triều Yết chung, ngày 22 tháng 3 năm 2006.
[12] Ep 2 :20.
[13] Kh 21 :14.
[14] Mc 1 :16-20
[15] Mt 4 :18-22
[16] x. Mc 1 :17 ; Mt 4 :19
[17] Lc 5 :1-11
[18] x. Ga 1 :36
[19] Ga 1 :38
[20] Ga 1 :38
[21] Ga 1 :39
[22] Mc 3 :14
[23] x. 1 Ga 1 :1-3
[24] Mt 15 :24
[25] Mt 10 : 5
[26] Ed 34 :22-24.
[27] x. Lc 15 :4-7 ; Mt 18 :12-14 ; Ga 10 :11
[28] Ed 39 :21
[29] Mc 16 :15
[30] Mt 28 :19 ; Lc 24 :47
[31] Cv 1 :8
[32] Đức Bênêđictô XVI, Triều Yết Chung, ngày 29 tháng 3 năm 2009.
[33] x. 1 Clement 42 :4
[34] 2 Cr 13 :14
[35] Koinonia nghĩa là “hiệp thông”
[36] x. Pl 2 :1
[37] Thánh Cyprianô, De Orat. Dom. 23 ; PL 4, 535 ; trích dẫn trong Lumen Gentium, s. 4
[38] Ga 15 :12 ; x. 13 :34
[39] Ga 17 :22
[40] 1 Ga 1 :3
[41] 1 Ga 1 :3
[42] x. 1 Cr 1 : 16-17
[43] 1 Ga 1 :6
[44] Đức Bênêđictô XVI, 5 tháng 4, 2006
[45] Th. Irênê, Adversus Haereses, III, 24 ; PG 7, 966
[46] x. Rm 5 :5
[47] X 1 Ga 1 : 1
[48] 1 Ga 2 :19
[49] X 2 Ga 9 :11
[50] Đức Bênêđictô XVI, 26 tháng 4 năm 2006.
[51] x. Lc 6 :13
[52] Mt 28 :19
[53] x. 1 Cr 11 :26
[54] x. Mt 19 :28
[55] Lc 24 :48
[56] Cv 1 :8
[57] Cv 5 :32
[58] x. Cv 14 :23
[59] x. Cv 20 :28
[60] Cv 15 :28
[61] Cv 9 :31
[62] Eph 2 :19-22
[63] Mt 28 :20
[64] Đức Bênêđictô XVI, Triều Yết Chung, ngày 3 tháng 5 năm 2006
[65] Sđd.
[66] Sđd.
[67] Sđd.
[68] 1 Cr 15 :3
[69] 2 Tm 1 :14
[70] Tertuliano, De Praescriptione Haereticorum, 20 ; PL 2,32
[71] Công đồng Vatican II, Dei Verbum, s 8
[72] Clement thành Roma, Ad Corinthios, 42 : PG 1, 292, 296
[73] Mt 28 :19
[74] Đức Bênêđictô XVI, Triều Yết Chung, ngày 10 tháng 5 năm 2006. Nguyên bản : Having a “Vision from on High”
[75] x. Gl 1 :1
[76] Sđd., 1 :18
[77] x. 1 Cr 11 :23 ; 15 :3-4
[78] x. Gl 2 :6
[79] Cv.
[80] 1Pr 2 :25
[81] Inhaxiô Antiôkia, x. Ad Magnesiso, 6,1 : PG 5, 668
[82] Inhaxiot Lyon, Adversus Haereses, III, 3,1 ; PG 7, 848
[83] Sđd.
[84] Sđd., III, 3,2 : PG 7, 848.
[85] Sđd. III, 3,3 : PG 7, 851
[86] 1Pr 2 :25