GIÁO HỘI THEO ĐỨC JOSEPH RATZINGER :
GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước sdb
Công đồng Vatican II là một cột mốc rất quan trọng cho toàn thể lịch sử Giáo Hội và là đã đem lại nhiều thay đổi trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội hậu bán thế kỷ 20. Một trong những nhân vật đã có những đóng góp nhiều ngay từ buổi đầu họp Công đồng Vatican II (1963), cho tới những năm tháng áp dụng Công đồng và cho đến ngày hôm nay, với tất cả những thăng trầm của Giáo Hội Công Giáo, chính là Đức Joseph Ratzinger, đương kim Giáo Hoàng với tước hiệu là Bênêđictô XVI. Sự đóng góp của ngài đã diễn ra trong tư cách là cố vấn thần học tháp tùng Đức Hồng Y Frings của Tổng Giáo phận Cologne nước Đức tham dự Công đồng, vị giáo sư thần học của Đại học Bonn, Munster, Tubingen, Regensburg, Tổng Giám mục Munich, thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế của Tòa Thánh, Chủ tịch Thánh bộ Đức tin và là thành viên của các thánh bộ quan trọng trong Giáo triều Rôma : Phụng tự, Giám mục, Giáo dục, Hội đồng Đối thoại Liên Tôn… Và hiện nay, trong cương vị lãnh đạo toàn thể Giáo Hội Công Giáo Rôma, ngài đang dẫn dắt Giáo Hội đi trong viễn kiến của Công đồng Vatican II trong những thập niên đầu của Thiên niên kỷ thứ III với những dấu ấn rất đặc biệt.
Để hiểu được đường hướng ngài sẽ dẫn dắt Giáo Hội trong thập niên này, chúng ta hãy trở lại những năm tháng ngài đóng góp vào việc dẫn dắt Giáo Hội trong những vai trò trước khi làm Giáo Hoàng. Chúng ta sẽ nhìn đến sự đóng góp của ngài, trước hết như là vị lương y định ra căn nguyên dẫn đến một số khủng hoảng của Giáo Hội tại Phương Tây, với hệ quả là nhiều Kitô hữu đã hiểu sai và áp dụng sai Công đồng Vatican II (I). Vì vậy, ngài đã trình bày cách hiểu đúng đắn Giáo Hội của Chúa Kitô theo Công đồng Vatican II ra sao (II). Và cuối cùng, chúng ta sẽ xem nhận định của Đức Ratzinger về thần học giải phóng như là thách đố và lời mời gọi Giáo Hội canh tân (III).
Nguồn liệu của chúng ta là từ những chứng từ ngài viết về Công đồng, những bài viết, sách và các trả lời cho các cuộc phỏng vấn.[1] Tư liệu rất nhiều và chúng ta không có tham vọng đào sâu hết sự hiểu biết sâu xa của ngài và tầm nhìn của ngài về Giáo Hội. Trong bài này, chúng ta chỉ xin tạm lượt qua những điểm chính yếu thường được nhắc đi nhắc lại của Ngài về Giáo hội học.
I. VỊ LƯƠNG Y
Khi triệu tập Công đồng Vatican II (1959-1962), Đức Gioan XXIII đã đưa ra một chương trình tổng thể rất lớn, làm chấn động toàn thể Giáo Hội Công giáo thời bấy giờ : Đức tin công giáo, không thay đổi trong nội dung nhưng nên được loan báo cho thế giới ngày nay trong một cách thức, lối diễn tả mới mẻ. Là một trong những thần học gia trẻ và đầy năng lực, Joseph Ratzinger đã được tham dự Công đồng trong tư cách là chuyên viên thần học. Được đào tạo trong phong trào canh tân thần học dưới tên gọi Nouvelle Théologie, một phong trào tìm cách canh tân Giáo Hội bằng việc trở về cội nguồn, Ratzinger đã cùng với Karl Rahner, Yves Congar, Chenu làm nên những trụ cột tư vấn cho các vị chủ chăn trong tất cả những đề tài được bàn thảo trong Công đồng. Kế hoạch đầu tiên của Ủy ban chuẩn bị Công đồng với những sự sắp xếp nhân sự trong các Ủy ban cũng như các lược đồ (đề tài làm việc) đã bị bác bỏ ngay từ những ngày đầu họp Công đồng. Một trong những vị lên tiếng mạnh mẽ nhất là Đức Hồng Y Frings. Vì mắt ngài kém, hầu chắc những bản văn và những góp ý đã được viết ra bởi Ratzinger, một giáo sư thần học trẻ mong muốn có những sự canh tân nơi Công đồng. Chúng ta nhận ra sự đóng góp của ngài về Giáo Hội qua những can thiệp, những nhận định của ngài về Mạc Khải, về Phụng Vụ và về Giáo Hội.[2] Nói một cách tổng quát, Ratzinger mong muốn có một sự canh tân Giáo Hội bằng cách trở về nguồn mạch sâu xa của Giáo Hội đã được sống động qua truyền thống.
Quả thực, Công đồng Vatican II đã thổi một luồng gió canh tân trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, hai thập niên sau Công đồng, Giáo Hội đã phải chứng kiến những khủng hoảng nói được là rất trầm trọng. Con số tín hữu vẫn tiếp tục gia tăng nhưng rất là chậm. Trong khi đó, nhiều phong trào mang danh Công Giáo đã hình thành và lôi kéo nhiều tín hữu rời xa Giáo Hội. Số người đi tham dự thánh lễ sa sút hẳn tại Giáo Hội Âu Châu. Các nhà thờ trống vắng. Con số ứng sinh linh mục, tu sĩ giảm sút thấy rõ. Cùng lúc đó, hàng ngũ tu sĩ linh mục thập niên sau Công đồng xin xuất tu để chọn một bậc sống khác không phải là ít. Sự phân cực (cấp tiến và bảo thủ ngày càng gay gắt).[3] Những khủng hoảng hiện nay “không phải là vấn đề lớn nhất [khi so với buổi đầu lịch sử Giáo Hội], nhưng là một vấn đề “đang tấn công tận gốc rễ.”[4]
A. Định bệnh
Trong vai trò giáo sư, giám mục, và là Chủ tịch Thánh bộ Giáo lý đức tin, Đức Ratzinger đã nhận ra rất sớm những đe dọa đem lại sự khủng hoảng cho thế giới và cho Giáo Hội. Ngài đã nhận ra là có những trào lưu tư tưởng dẫn đến một sự hiểu sai về Giáo Hội của Chúa Kitô. Sự hiểu sai này đã dần dần thấm vào tư tưởng và đưa tới những hành động, bên ngoài có vẻ là để xây dựng Giáo Hội, để canh tân Giáo Hội của Chúa Kitô, nhưng thực ra đang làm sói mòn Tòa Nhà Giáo Hội mà Chúa Kitô đã dựng xây. Thực tại Giáo Hội không bị loại bỏ hay khước từ một cách công khai, nhưng ý nghĩa đích thực của Giáo Hội đã dần dần bị hiểu sai và rồi những “thí nghiệm” nhằm canh tân Giáo Hội được cỗ võ, song kết quả có thể mường tượng thấy đó là một Giáo Hội có thể rất khác với Giáo Hội Chúa Kitô đã thành lập và đã được Giáo Hội duy trì và phát triển qua gần hai ngàn năm.
Như là vị lương y định ra những mầm mống của cơn khủng hoảng về Giáo Hội này, Đức Ratzinger ngay từ khi còn họp Công đồng và là giáo sư thần học tại các đại học, đã “bắt bệnh” ra được những triệu chứng và những cội rễ của sự hiểu sai đó nơi những trào lưu tư tưởng của thời đại vốn đe dọa sự hiện hữu của Giáo Hội. Bài giảng vào Dịp Lễ An Táng Đức Gioan Phaolô II đã trình bày tổng quát tình trạng này :
Chúng ta đã chứng kiến thấy trong những thập niên qua bao nhiêu luồng học thuyết, bao nhiêu trào lưu ý thức hệ, bao nhiêu cách thức suy tư… Con thuyền suy nghĩ nhỏ bé của nhiều Kitô hữu đã bị đánh đập dồn dập bởi những đợt sóng học thuyết – bị quẳng từ cực đoan này sang cực đoan khác : từ chủ nghĩa xã hội chiều ngang cho tới chủ trương tự do thái quá, đến độ thác loạn ; từ chủ trương tập thể cho đến chủ trương cá nhân cực đoan ; từ chủ trương vô thần cho đến chủ trương thần bí mơ hồ trong tôn giáo ; từ chủ thuyết bất khả tri cho đến trào lưu tổng hợp đủ thứ về tôn giáo… Mỗi ngày lại có những giáo phái mới được hình thành và điều Thánh Phaolô nói về sự gian xảo của con người đã thành sự thật ; sự gian xảo ấy đã khôn khéo lôi kéo người ta rơi vào lầm lạc (x. Ep 4,14). Sống đức tin vững chãi, dựa trên Kinh Tin Kính của các Tông Đồ lại bị coi là cuồng tín. Trong khi đó, chủ thuyết duy tương đối, để cho mình bị đánh dạt từ bên này sang bên kia, “bị mọi luồng gió giáo thuyết lung lạc”, lại được coi là thái độ duy nhất người ta chấp nhận theo tiêu chuẩn ngày nay. Chúng ta đang đi tới một thời đại độc tài của chủ thuyết duy tương đối này, khi con người không nhìn nhận bất kỳ điều gì là chắc chắn và coi cái tôi của mình là mục tiêu tối thượng.
Và rồi hiện tượng trần tục hoá và phi Kitô giáo đã dần dần lan tràn nơi các quốc gia Tây Âu đã phát triển. Và theo ngài, đó là do thế giới ngày nay đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi 4 trào lưu như sau :
1. Trào lưu tôn sùng khoa học và khoa học lịch sử
Con người ngày nay, và trong thế giới mà các Kitô hữu cùng chung sống, đã phải chịu ảnh hưởng, sống trong một trào lưu chấp nhận một cách không hề phê phán khoa học, chấp nhận tiếng nói cuối cùng là các kết luận của khoa học, nhất là khoa học lịch sử trong những gì liên quan đến con người. Để có thể nhận biết điều gì, người ta nại tới khoa học, những nghiên cứu của các khoa học gia. Và chỉ những gì khoa học kết luận thì mới là chân lý. Những gì mà khoa học không kiểm nghiệm được thì không còn là đúng nữa. Con người thời đại hầu như có một sự tôn sùng hay tôn thờ khoa học cách này hay cách khác qua những kiểu nói hay suy nghĩ : “Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng…”. Muốn hiểu biết con người thì phải nại tới những nghiên cứu của khoa học. Khoa học chiếm lĩnh suy nghĩ và hành động của con người đến độ gần như đó là một thứ tôn giáo. Cách tiếp cận theo khoa học được coi là cách tiếp cận đúng đắn nhất. Còn những cách tiếp cận khác, chẳng hạn như thơ văn, tôn giáo, trong đó có những cảm thức về huyền nhiệm thì bị coi là những cảm tình chủ quan, không có giá trị về mặt thực tại. Cũng thế, để tìm biết về quá khứ, người ta nại tới những thành quả nghiên cứu của khoa học lịch sử. Dường như lịch sử là nơi duy nhất mà ta có thể tìm ra được những dữ kiện để kiểm chứng.
Khi áp dụng điều này cho Kinh Thánh, người ta có cả một khoa học chú giải theo trường phái phê bình lịch sử. Đức Ratzinger rất nhậy bén về Lời Chúa được chứa đựng trong Kinh Thánh. Ngài rất rành những phương pháp của khoa chú giải. Thế nhưng, ngài chống lại một thứ chú giải gọi là mang danh khoa học hiện đang xâm nhập vào Mầu nhiệm Lời Chúa. Kinh Thánh không còn là Lời đem lại Sự Sống và Ánh Sáng soi dẫn cuộc đời của Giáo Hội và con người, nhưng lại là nạn nhân để cho các vị được mệnh danh là “chuyên viên Kinh Thánh” mổ xẻ. Việc các chuyên viên mổ xẻ Kinh Thánh và đưa ra mọi thứ giải thích – mà rất nhiều khi là trái ngược nhau – quả là một tai hại cho Giáo Hội, và nhất là xâm phạm đến đức tin đơn thành của các tín hữu. Các tín hữu nghe đủ mọi thứ cắt nghĩa về Kinh Thánh, về Phúc Âm mà nhiều khi được tôn sùng như là những “phát hiện” của các nhà chú giải. Và thế là đức tin của người tín hữu đâm ra hồ đồ.[5] Những lối đọc, cắt nghĩa và hiểu Kinh Thánh tách rời ra khỏi đức tin của Giáo Hội và lối hiểu của Truyền Thống chính là điều mà Đức Ratzinger đã dầy công viết sách, giảng dậy chống lại. Như ngài đã tuyên bố : Kinh Thánh là cuốn sách của Giáo Hội và phải được đọc và hiểu trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Chỉ có như thế, người tín hữu mới được hiệp thông với Lời Chúa. Người tín hữu không cần phải chờ đợi các nhà chú giải tranh cãi và đi đến kết luận rồi mới có thể lĩnh hội Lời Chúa !
2. Khuynh hướng chống lại siêu hình
và thay bằng Praxis
Khởi đi từ thời Cận Đại, một trào lưu chống lại siêu hình đã dần dần thống lĩnh tư duy của người Tây Phương và Giáo Hội không miễn nhiễm khuynh hướng này. Đó cũng là người chị em của khuynh hướng tôn sùng khoa học thực nghiệm nói trên. Khuynh hướng này cho rằng con người không thể nào nhận thức được chân lý tự thân được nữa. Không có cái chân lý ngoại tại nào để con người hiểu biết, và để lòng trí con người tuân phục. Thay cho siêu hình, con người chủ trương Praxis, tức bằng việc làm. Praxis chính là nôi của chân lý.[6] Cái đúng là khi cái đó thi hành được, thực hiện được. Không thể tuyên bố điều gì là chân lý, nếu chúng ta không thực hiện được điều đó. Orthopraxis [Thực Hành đúng] mới chứng minh được Orthodoxy [Giáo Thuyết đúng] !
Nói như thế thì chính con người là kẻ tác tạo, làm nên chân lý. Chân lý không có do thần linh nào tạo ra cả mà là chính con người. Chính vì do con người chế tác ra chân lý, nên không thể có một chân lý nào gọi là phổ quát (áp dụng cho hết mọi người) mà chỉ là những chân lý thuộc chủ thể và chỉ có đương sự mới xác nhận mà thôi. Từ đó mà nẩy sinh ra trào lưu duy tương đối [relativism]. Trào lưu này cho rằng mọi chân lý đều là tương đối (relative) theo nghĩa là nó đúng cho người này, nhưng chưa chắc là đúng cho người khác, vì mỗi người có mỗi quan điểm khác nhau, đứng từ những góc độ khác nhau, không ai có thể bao quát hết thực tại, vì thế, cơ sở chân lý chính là bản thân ta. Và rồi trào lưu này cổ võ một thứ “khoan dung” [tolerance], theo nghĩa mỗi người phải “tôn trọng” cái nhìn của người khác.[7]
Trong một lối suy nghĩ thực dụng như thế, Thiên Chúa Chân Lý không còn là nguồn mạch của chân lý, và Giáo Hội, xét như là người được uỷ thác gìn giữ và truyền bá chân lý bị nhìn như là “một tổ chức” cố chấp, giáo điều, không “khoan dung” trước những lập trường, lối sống khác. Và cũng vì thế, Thiên Chúa, và Giáo Hội nữa, cũng chỉ là “sản phẩm” sáng tạo của con người. Từ đó, người tín hữu “có quyền” không vâng nghe theo những gì Giáo Hội dậy dỗ, bất quá, chỉ dành cho Giáo Hội một vị trí như là một tổ chức phát biểu “một ý kiến ở giữa các ý kiến khác”. Mỗi người có quyền tổ chức đời sống cá nhân và tập thể của mình theo như mình muốn hay theo như sự đồng thuận của nhóm mình với nhau.
3. Sự pha trộn
giữa Kinh Thánh và Chính Trị, Xã Hội học
Công đồng Vatican II mở ra cánh cửa với thế giới và từ đó, thần học được khuyến khích phải lưu tâm tới những tiến bộ của khoa học nhân văn để hiểu biết con người hơn và để công cuộc rao giảng tin mừng được hữu hiệu hơn. Thế nhưng, cả một trào lưu tư tưởng mang tính ý thức hệ đã xâm nhập vào tư duy của người tín hữu, của các thần học gia. Người ta đã trộn lẫn Kinh Thánh với chính trị, với xã hội học. Và thế là đức tin đơn thành của người tín hữu bị hồ đồ. Kinh Thánh bị “bắt cóc” và đưa vào trong các kế hoạch hoạt động xã hội. Chẳng hạn, khoa chú giải để ý đến những truyền thống hình thành nên bản văn Kinh Thánh, Sáng Thế Ký chẳng hạn, để rồi người giáo dân đơn thành bị “dội bom” bằng biết bao nhiêu lý thuyết : đoạn này là do truyền thống Yavit, đoạn kia do truyền thống Tư Tế… Những chương đầu của Sáng Thế Ký chỉ là huyền thoại [myth]. Kết quả là người ta không còn bắt gặp sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa trong Kinh Thánh được nữa !
Quả thực, sứ điệp của Thiên Chúa qua Kinh Thánh để con người phải hoán cải đã không được lắng nghe và chỉ dừng lại ở những tranh luận về truyền thống này hay truyền thống khác, giải thích những đoạn văn theo kiểu duy lý, để đánh mất đi tính mầu nhiệm cứu rỗi và lời mời gọi hoán cải của con người. Kinh Thánh không còn đáng tin nữa !
Nhưng hơn thế nữa, thay vì lắng nghe sứ điệp để hoán cải, nhiều nhóm Kitô hữu đã “sử dụng” Kinh Thánh để cổ võ cho một kế hoạch xã hội, một chương trình công tác thiện nguyện nào đó. Họ nghĩ rằng cứ vạch ra một chương trình, quản lý cho tốt thì rồi sẽ có kết quả. Thế nhưng Kinh Thánh lại dậy ta một lối suy nghĩ và hành xử khác. Điều quan trọng không phải là ta làm gì mà là Thiên Chúa muốn ta làm gì. Nếu không hoán cải, ta không thể nào đạt tới thế giới như Thiên Chúa mong muốn. Một Giáo Hội không hoán cải nhưng chỉ dựa vào những chương trình nghị sự quản lý và chạy theo những yêu cầu của thế giới thì rất sớm mất đi căn tính của mình. Hoán cải luôn luôn là con đường hẹp. Thích ứng theo thế giới lại là con đường rộng thênh thang, nhưng đó là con đường làm cho Giáo Hội mất đi căn tính sâu xa của mình.
4. Ảnh hưởng tràn lan
của tư tưởng duy thực nghiệm của Âu Mỹ
Trong thế kỷ 20, con người của trời Âu Mỹ đã chìm ngập trong lối tư duy thực nghiệm, gạt bỏ chiều kích thiêng liêng, để rồi rơi vào tình trạng mà ta gọi là tục hoá [secularization]. Thiên Chúa, Giáo Hội không còn là điểm quy chiếu cho suy tư và hành xử của con người nữa. Người ta chỉ còn nhấn mạnh đến chiều ngang, tình liên đới giữa người với người. Ý thức công bằng được nhấn mạnh, nhưng một khi gạt bỏ chiều kích tinh thần, ngay cả sự trợ giúp liên đới đó trở thành gánh nặng cho người, con người càng lệ thuộc hơn nữa vào những sự trợ giúp đó. Những tiến bộ con người tách ra khỏi chiều kích tinh thần chỉ làm cho con người càng trở nên “ít người” hơn. Cơm bánh viện trợ trở thành những hòn đá khô cứng.
Đến đây, chúng ta phải tự hỏi liệu Đức Ratzinger có phải người chống lại trào lưu tiến bộ của loài người hay không ? Có phải là người chống lại khoa học hay chăng ? Thưa là không. Việc ngài chống lại khoa học khi khoa học tách ra khỏi chiều kích tinh thần của con người, khỏi đời sống thiêng liêng. Đức Ratzinger đã khẳng định điều đó rấr rõ rệt trong những bài thuyết giảng về tình hình Âu Châu trước đe doạ bị cắt đứt ra khỏi cội nguồn Kitô giáo.
Chính những trào lưu trên đã dần dần tấn công vào toà nhà Giáo Hội đã được xây dựng lâu đời trên vùng đất Âu châu, sói mòn toà nhà này, tấn công vào giáo thuyết của Giáo Hội và vào hàng lãnh đạo của Giáo Hội.
B. Giải thích sai Công đồng Vatican II
Hẳn chắc những trào lưu tư tưởng này đã có ảnh hưởng đến Giáo hội và cách ta hiểu về Giáo Hội. Đức Ratzinger sớm nhận ra những đe doạ đó, khi những trào lưu ấy đã tác động trên việc cắt nghĩa Công đồng Vatican II qua những sai lạc sau :
1. Đối chọi văn bản và tinh thần
Công đồng Vatican II đã thổi một luồng gió hứng khởi cho những ai đã có kinh nghiệm biến cố Công đồng. Nhân danh Công đồng, một loạt canh tân đổi mới đã diễn ra. Nhưng Đức Ratzinger không hài lòng với tất cả những sự thay đổi đang diễn ra này. Theo ngài, dường như có một lối suy nghĩ nào đó không hoàn toàn chính đáng. Những người chủ trương những thay đổi trong đời sống Giáo Hội qua nhiều chiều kích thường nại tới “Tinh thần Công đồng”. Người ta có khuynh hướng bảo vệ lập trường của mình bằng cách nại tới “tinh thần”, theo nghĩa tinh thần thì tốt hơn là “văn tự”. Nhưng theo Đức Ratzinger, nhiều khi việc nại tới “tinh thần Vatican” lại “nghịch với chính Vatican”. Thực vậy, khi nại tới tinh thần, người ta có vẻ coi như cái gì sau Vatican II (đổi mới) là tốt đẹp, còn cái gì trước Vatican II đều là cũ kỹ, cần phải loại bỏ. Lối suy nghĩa đó, theo Đức Ratzinger, có vẻ đặt toàn bộ Giáo Hội khởi đầu bằng số không với Vatican II [1965], còn Giáo Hội trước đó không là gì cả. Nhưng thực ra không phải như thế ! Tinh thần Vatican II ở đâu nếu không phải là nằm trong các văn kiện của Công đồng ? Ta không thể tìm thấy những đổi mới nhân danh Công đồng, nhìn đến các khủng hoảng và khó khăn xẩy ra sau Công đồng Vatican II đã đổ thừa cho Vatican II.[8] Theo Đức Ratzinger, việc đó cũng không chính đáng. Khủng hoảng đến là do việc giải thích và áp dụng sai lạc Công đồng. Vì thế, phải học hỏi kỹ Công đồng, các văn kiện Công đồng và đừng nói “tinh thần Vatican II” chung chung, mà phải xem chỗ nào Công đồng đã quả quyết điều đó. Thực ra, Vatican II đã tổng hợp một cách thật mới mẻ Giáo Lý truyền thống của Giáo Hội. Các văn kiện cho thấy có một sự hài hoà, rất sáng sủa, một sự phát triển lối diễn tả giáo lý của Giáo Hội, đem lại một sức nhiệt tình thật mới mẻ. Ở đây, không thể có chọn lựa tinh thần và văn bản (theo nghĩa là chữ chết). Nếu chỉ chọn tinh thần mà bỏ qua các văn kiện và huấn thị của Vatican thì giáo huấn của Vatican sẽ bị trôi nổi và sẽ là nạn nhân của những người chủ trương “thí nghiệm các đổi mới.” Rất nhiều lối giải thích đã đi theo con đường đó. Chẳng hạn như khi giải thích về Dân Thiên Chúa, người ta đã quá nhấn mạnh đến Dân Thiên Chúa để rồi đối chọi “Dân” với “hàng lãnh đạo” [giáo phẩm]. Hoặc một ví dụ khác là sự đổi mới phụng vụ. Hiến chế Phụng Vụ của Vatican II không phải là cho phép mọi sự “chế tác” phụng vụ mà nhiều người đã chứng kiến sau Công đồng, đến độ người ta không còn cảm thấy đây là Lễ Hy Tế của Chúa Kitô nữa !
2. Đối chọi giữa tiền và hậu Vatican II
Theo trào lưu “tự do” sáng chế như thế, người ta đã đối chọi những gì sau Vatican II với những gì trước đó (Vatican I, Trento, …). Theo đó, có một sự đoạn tuyệt với quá khứ ! Không những thế, người ta còn nói tới “phải vượt qua Vatican II thôi, để đi tới Vatican III” ![9] Trong khi đó, nhóm bảo thủ (nếu có thể nói được là như thế) đã coi Vatican II đã không trung thành với Vatican I, Trento. Các thành viên Giáo Hội dường như phải đứng trước sự lựa chọn : trước hay là sau Vatican II ?
Thế nhưng theo Đức Ratzinger, đó là một sự áp đặt lựa chọn sai lầm. Chúng ta phải đọc lại lịch sử của Giáo Hội, đọc kỹ các văn kiện Vatican II trước khi nói đến việc trước hay là sau Vatican II. Theo Đức Razinger, Giáo Hội không khởi đầu lại từ thế kỷ 16, vất bỏ cả 1500 năm (như anh em Tin Lành chủ trương) hay khởi đầu lại từ Công đồng Vatican II (như những nhóm cấp tiến muốn thúc đẩy). Giáo Hội luôn có sự tiếp nối chứ không đứt đoạn. Trong Giáo Hội, những yếu tố then chốt thuộc về yếu tính vẫn mãi mãi còn đó : quyền bính phục vụ, các quyết nghị của Công đồng Trentô và Vatican I vẫn còn đó. Chỉ có một Giáo Hội sống động qua dòng lịch sử chứ không phải là Giáo Hội trước và Giáo Hội sau để mình chọn lựa. Nguyên trích dẫn các văn kiện của Trento và Vatican I không thôi đã là 250 lần !
II. HIỂU GIÁO HỘI
THEO GIÁO HUẤN CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Đức Ratzinger rất nhiều lần đã giảng thuyết, viết sách và các bài báo để tìm cách giúp cho mọi người hiểu cho đúng về Giáo Hội học theo giáo huấn của Công đồng Vatican II. Các giải thích của Ngài rất độc đáo và rất sáng tạo, cách riêng, những chú giải đó luôn được đưa ra trong một bối cảnh mà người ta đã lạm dụng Vatican II để phục vụ cho những ý đồ chính trị hay cho các ý thức hệ.
Đặc biệt, Đức Ratzinger trở về chính những văn kiện của Giáo Hội để hiểu Giáo Hội nói về mình như thế nào. Một trong những văn kiện ngài thường xuyên quy chiếu đến là văn kiện nói về bản chất của Giáo Hội : Hiến Chế về Giáo Hội. Ngài làm nổi bật những hình ảnh về Giáo Hội mà Công đồng đã nhấn mạnh : Thân Mình Chúa Kitô, Dân Thiên Chúa và Giáo Hội là sự hiệp thông.
1. Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô
Trước hết, ngài mời gọi mọi người hãy đọc câu mở đầu của văn kiện được đặt tên là Anh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium). Nhưng Anh Sáng Muôn Dân đây là chính Chúa Kitô chứ không phải là Giáo Hội ! Chúa Giêsu phải là ánh sáng soi chiếu cho toàn thế giới. Như thế, trước khi nói về Giáo Hội thì ta phải nói về Chúa Giêsu Kitô, không thể nào khác hơn được.[10] Hay nói cách khác, Giáo Hội không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu. Chính vì thế, khi nói về Giáo Hội, thì khung suy nghĩ của chúng ta trước hết phải đi từ bên trong, phải nhìn đến sự hiệp thông giữa Giáo Hội với Chúa Kitô :
Giáo Hội sống từ sự kiện này là Chúa Kitô hiện diện trong cõi lòng chúng ta và chính ở nơi đó mà Chúa Kitô hình thành Giáo Hội. Đó là lý do tại sao để nói về Giáo Hội thì trước tiên phải nói về Chúa Kitô, chứ không phải là về Giáo Hội. Giáo Hội sẽ là tốt đẹp bao lâu Giáo Hội hết sức tập trung vào Chúa Kitô . . . [11]
Giáo Hội được “hình thành chủ yếu là qua đời sống cầu nguyện, qua những hành vi của đức tin, cậy, mến.[12] Giáo Hội không được thay cho Chúa Kitô. Chỉ khi nào sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, thì Giáo Hội mới là Giáo Hội được. Một hình ảnh rất thánh kinh đã diễn tả sự kết hiệp rất mật thiết này : Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô. Việc tái khám phá hình ảnh Thân Mình để diễn tả sự liên kết mật thiết giữa Giáo Hội và Chúa Kitô là cả một phản ứng ngược lại với cái nhìn duy cơ cấu, duy tổ chức và duy ngoại tại của thần học tự do Tin Lành thế kỷ 19 và của thần học Công giáo nhằm chống lại Tin Lành kể từ thời Trentô. Đức Ratzinger xác tín rằng :
Quan niệm [Thân Mình Chúa Kitô] này còn hàm ý rằng : còn có một cái gì đó ; Chúa Kitô đã làm nên Thân Mình cho chính Ngài. Nếu ta muốn tìm thấy Ngài và biến Ngài thành của ta, ta được trực tiếp mời gọi trở thành một thành viên khiêm tốn, trọn vẹn và đầy đủ của Thân Mình Ngài trong thế giới này, thì ta cũng sẽ được như thế trong cõi vĩnh cửu.[13]
Vì vậy, đây chính là ý muốn của Chúa Kitô, muốn con người được khách quan tham dự vào Sự Sống của Ngài. Và đây chính là bí quyết của tính cộng đoàn của Giáo hội. Chúng ta là Giáo Hội [we are Church].[14] Đúng thế, nhưng không một nhóm lẻ loi tách riêng nào với cộng đoàn Giáo Hội phổ quát (là Thân Mình Chúa Kitô) được phép coi mình là Giáo Hội. Muốn là Giáo Hội thì phải thì phải thuộc về Thân Mình Chúa Kitô và thuộc về một cách toàn vẹn. Lịch sử Giáo Hội bị phân rẽ đã cho thấy Thân Mình Chúa Kitô đã bị xúc phạm đến chừng nào và bài học lịch sử đó vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay khi mà tính chất cộng đoàn của Giáo Hội dễ bị lèo lái để trở thành những nhóm riêng lẻ đối chọi lại với nhau. Quả vậy, theo Đức Ratzinger :
Tính chất cộng đoàn của Giáo Hội nhất thiết phải kéo theo đặc tính “chúng ta”. Giáo Hội không phải là cái gì xa rời chúng ta, chính chúng ta làm nên Giáo Hội. Không ai có thể nói “Tôi là Giáo Hội,” nhưng chính mỗi người chúng ta có thể và phải nói “chúng ta là Giáo Hội.” “Chúng ta” đây không đại diện cho bất kỳ một nhóm tách rời nào, nhưng là một đoàn thể hiện diện trong toàn bộ cộng đoàn của tất cả thành viên của Chúa Kitô, dù họ đang sống hay đã qua đời. Đó là cách mà một nhóm có thể tuyên bố một cách chân chính : “Chúng ta là Giáo Hội.” Giáo Hội chính là đây, nơi cái “chúng ta” vượt qua mọi biên cương xã hội và chính trị, vượt qua cả biên giới trời và đất nữa. Chúng ta là Giáo Hội. Điều này làm nên một sự đồng trách nhiệm cũng như là khả năng để mỗi người cộng tác với nhau.
Đức Ratzinger còn liên kết Giáo Hội Học nhấn mạnh Thân Mình Chúa Kitô với Giáo Hội Học xây dựng trên Thánh Thể. Thực vậy, muốn hiểu Giáo Hội cho đúng đắn thì phải liên kết với Giáo Hội đã được Chúa Giêsu Kitô thành lập. Theo giải thích của Đức Ratzinger, Giáo Hội được thành lập trong Bữa Tiệc Ly [mà đương nhiên, Bữa Tiệc Ly không thể nào tách rời cuộc Khổ Nạn, Lễ Hy Sinh trên Thập Giá và Sự Phục Sinh]. Trong khi dự Bữa Tiệc Vượt Qua với các môn đệ, Chúa Giêsu Kitô đã “vượt qua” những ý nghĩa của Bữa Tiệc Kỷ niệm Biến Cố Vượt Biển Đỏ của Dân Do Thái để đem lại những ý nghĩa mới mẻ, hoàn thành Giao Ước. Thân Mình Chúa Kitô được trao nộp chính là điểm quy chiếu của Giáo Hội và Thân Mình đó được hình thành bởi Chúa Kitô như các giáo phụ đã suy diễn rất đẹp đẽ : Từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô, Giáo Hội được khai sinh ! Cả hai khẳng định (thành lập Giáo Hội trong Bữa Tiệc Ly và Giáo Hội được khai sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu được quy chiếu vào nhau) :
Bữa Tiệc Ly là khởi đầu của Giáo Hội chỉ là [cách nhìn] từ một quan điểm khác mà thôi. Lối nói này có nghĩa là Thánh Thể liên kết tất cả mọi con người lại với Chúa Kitô, chứ không phải chỉ liên kết chúng ta mà thôi. Như thế, Thánh Thể làm nên “Giáo Hội”. Cùng lúc đó, lối nói này diễn tả bản chất của Giáo Hội : Giáo Hội hiện diện trong các cộng đoàn Thánh Thể. Thánh Lễ Giáo Hội cử hành chính là cái làm nên Giáo Hội, bởi lẽ tự yếu tính, Thánh Lễ (Missa : được sai phái), là việc phục vụ Thiên Chúa và vì thế, là việc phục vụ con người, việc biến cải toàn thế giới.[15]
Vậy, nói thế nào đi nữa, thì Thánh Thể cũng chính là Bản chất của Giáo Hội theo nghĩa khi cử hành Thánh Thể, thì một mối tương giao độc nhất vô nhị đang được diễn ra trên toàn thế giới. Bât cứ khi nào Hy Lễ Thánh Thể được cử hành, thì Chúa Kitô hiện diện và Ngài không hề bị chia cắt ra thành từng thành phần. Cũng thế, lúc bấy giờ, toàn thể Giáo Hội hiện diện. Dù đó là một cộng đoàn Giáo hội địa phương xa xôi trong vùng sâu vùng xa hay tại tỉnh thành đông đảo, cũng chỉ là Một Cộng đoàn Giáo hội được Lời Chúa kêu gọi đến dâng Hy Lễ Tạ Ơn. Chúa Kitô trao ban Ngài một cách trọn vẹn và Giáo Hội cũng là Một trong Thân Mình của Chúa Kitô. Khi nào Giáo Hội cử hành Thánh Thể, thì tuy Giáo Hội bao gồm nhiều thành viên, nhưng tất cả chỉ làm nên một.
Vấn đề là sự hiệp thông nên một trọn vẹn này có cần phải diễn tả ra bên ngoài hay không ? Chủ trương của Chính Thống Giáo lẫn Tin Lành chủ trương sự hiệp nhất ngoại tại không phải là thiết yếu vì không thêm gì cho Chúa Kitô ; bất quá, sự hiệp thông ấy chỉ làm nên sự đẹp đẽ của Giáo Hội cũng như sức mạnh của truyền giáo ! Nhưng Giáo Hội Công Giáo không hiểu như thế. Tính duy nhất của Giáo Hội phổ quát và địa phương là cái gì thuộc về bản chất của Giáo Hội. “Chúa Kitô khắp mọi nơi là một, vì thế, tôi chỉ có thể có được Vị Chúa duy nhất này trong sự hiệp nhất với Ngài, trong sự hiệp nhất với tất cả những ai làm nên Thân Mình Ngài, và những ai nhờ Thánh Thể sẽ trở nên Thân Mình Ngài.”[16] Giáo Hội là Công Giáo tức là “sự hiệp thông với các tín hữu ở mọi nơi và mọi thời… Công giáo tính biểu thị một ân sủng đến từ bên trong và cùng lúc đó là một dấu chỉ hữu hình về ân sủng của Chúa Kitô.”[17]
Một ghi nhận rất chính xác của Đức Ratzinger khi vạch ra sự sai lầm của những nhóm người tự coi mình là Giáo Hội Chúa Kitô. Ngài nhấn mạnh khẳng định của Lumen Gentium khi định nghĩa về Giáo Hội :
Giáo Hội này của Chúa Kitô thực sự hiện diện trong tất cả những cộng đoàn địa phương hợp pháp, bao gồm các tín hữu hiệp nhất với các vị chủ chăn, các cộng đoàn ấy được gọi là các giáo hội. Qua chính tính cách địa phương của mình, những cộng đoàn này là Dân Mới của Thiên Chúa, trong Thánh Thần và hết lòng tín thác (1 Th 1,5).[18]
Qua vậy, không ai có quyền tự mình làm nên Giáo Hội. Đó là một cộng đoàn, nhưng phải là một cộng đoàn “hợp pháp”. Hợp pháp ở đây được hiểu là “hiệp nhất với chủ chăn”. Nói cách khác, bản chất của Giáo Hội là “nhận lãnh” chứ không phải là do mình “làm ra”. Tương tự như đức tin là do sự nhận lãnh chứ không thể do mình “chế tác” hay “tưởng tượng ra”, ta không thể làm nên Giáo Hội nhưng là nhận lãnh Giáo Hội nơi Giáo Hội thực sự hiện diện : Cộng đoàn bí tích của Thân Mình Chúa Kitô chuyển động trong dòng lịch sử. Giáo Hội địa phương phải được hiểu trong Giáo Hội dựng xây trên Thánh Thể là thế !
Thế nhưng, trong thực tế, qua dòng lịch sử, Giáo Hội của Chúa Kitô đã bị phân rẽ ! Giáo hội học Thân Mình Chúa Kitô có vẻ hạn hẹp (hoặc là thuộc về, hoặc là không, không có không gian lựa chọn nào khác). Chính vì thế, Giáo Hội còn được hiểu như là Dân Thiên Chúa.
2. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa
Đức Ratzinger đã nhiều lần “bút chiến” trình bày cho chúng ta thấy lịch sử của khái niệm Dân Thiên Chúa đã được đưa vào trong văn kiện Công đồng (chương thứ 2 Hiến chế Giáo Hội). Bắt nguồn từ việc nhận ra những giới hạn của khái niệm Thân Mình Chúa Kitô, kể từ thập niên 1930, thần học ở Đức quốc đã đề nghị sử dụng hình ảnh “Dân Thiên Chúa”. Cùng với hình ảnh Thân Mình Chúa Kitô rất hay để nói về sự hiệp nhất với Chúa Kitô và với nhau, hình ảnh Dân Thiên Chúa đã được sử dụng để diễn tả mối tương quan giữa các Kitô hữu Công giáo và không Công giáo, giữa Kitô hữu và những người không phải là Kitô hữu. Trường hợp thứ nhất là “sự hiệp thông” [tuy chưa trọn vẹn] và trường hợp thứ hai là “quy hướng về”.
Quả thực, theo Đức Ratzinger, Công đồng đã đưa khái niệm “Dân Thiên Chúa” như là chiếc cầu nối trong lãnh vực đại kết. Anh em Tin Lành và Chính Thống Giáo hơi dị ứng trước hình ảnh Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô theo nghĩa là dễ có việc tự đồng hoá Giáo Hội với Chúa Kitô và điều đó hẳn không thể nào chấp nhận được trong đức tin của anh em Tin Lành [Giáo Hội tôn sùng chính mình và biến mình thành bất khả sai lầm]. Giáo Hội không là Đức Kitô ! Giáo hội thánh thiện nhưng cũng bao gồm các tội nhân, luôn cần được thanh luyện và canh tân ![19] Như thế, khái niệm Dân Thiên Chúa đang còn lữ hành, chưa đạt tới đích điểm quả là thích hợp !
Tính chất lữ hành trong lịch sử cũng được diễn tả qua khái niệm này : “Giáo Hội lữ hành vốn sẽ không là mình trọn vẹn cho đến khi các nẻo đường thời gian đã được qua đi và được trổ hoa kết trái trong tay Thiên Chúa.” Thêm vào đó, tính chất hiệp nhất giữa mọi khác biệt, như hiệp nhất giữa các dân tộc, giữa các tác vụ và việc phục vụ. Đây quả là một khái niệm có sức tổng hợp các chiều kích khác nhau : một lịch sử duy nhất của Thiên Chúa gặp gỡ và cứu chuộc con người ở mọi nơi mọi thời ; tính chất năng động, tính cách cánh chung hướng về cùng đích chưa đạt tới ; tính tạm thời và phân hoá của Giáo Hội vốn luôn cần phải được canh tân, cũng như sự hiệp nhất giữa các thành viên làm nên Cộng đoàn Giáo Hội…
Tuy nhiên, rất sớm, Đức Ratzinger đã nhận ra khái niệm rất phong phú này đã bị [ngữ tặc !] chiếm đoạt để đưa sang một lãnh vực khác, tức là lãnh vực chính trị. Thần học giải phóng ra đời ở Châu Mỹ La tinh vào thập niên 1970 đã dùng khái niệm “Dân” để đối lại với “Chủ Nhân” tức những người thống trị và đối chọi Dân Thiên Chúa với hàng giáo phẩm. Thế nhưng, khái niệm Dân Thiên Chúa trong Thánh Kinh không phải là để chuyển tải ý nghĩa giáo dân đối lại với hàng giáo phẩm mà là miêu tả mối tương quan giữa Dân và Thiên Chúa, mối liên kết giữa Thiên Chúa và những ai được xác định là Dân Thiên Chúa (“Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi ?”). Vì thế, đó là mối tương quan chiều dọc chứ không phải là chiều ngang. Hay nói khác đi, Dân Thiên Chúa không hiện hữu cho mình, mà là khí cụ Thiên Chúa sử dụng để quy tụ con người lại với Ngài. Đức Ratzinger xác quyết : một Giáo Hội chỉ hiện hữu cho mình là vô dụng.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, Đức Ratzinger đã bắt bệnh của loại thần học này. Người ta ít nói về Thiên Chúa mà chỉ nói về Dân. Như thế, cuộc khủng hoảng của quan niệm về Dân này thực ra bộc lộ ra sự khủng hoảng về chính Thiên Chúa. Một khi chúng ta đã gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, tất cả những gì ta nói về con người rồi ra sẽ chỉ là những tương quan đấu tranh về quyền lực. Đức Ratzinger khẳng định : “Loại đấu đá đó hẳn là đã quá đầy dẫy trong thế gian và Giáo Hội không cần phải đi vào loại đấu trường ấy !”
3. Giáo Hội Hiệp Thông
Hai mươi năm sau Công đồng Vatican II, một Thượng Hội Đồng được triệu tập để đánh giá thành quả áp dụng Công đồng. Đức Ratzinger vui sướng khi thấy những sự ồn ào về Dân Thiên Chúa hiểu theo chiều ngang đã dần dần lắng đọng lại và các nghị phụ chú tâm vào điểm then chốt hơn. Các nghị phụ nhấn mạnh đến sự hiệp thông. Giáo Hội chính là cộng đoàn của hiệp thông. Như đã được trình bày nhiều lần trước đây, Đức Ratzinger cho rằng hiệp thông là một tặng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại. Đó là một sự hiệp thông chiều dọc, và sự hiệp thông giữa người với người, tức sự hiệp thông chiều ngang, phải được sinh ra, nuôi dưỡng và phát triển từ nguồn mạch đó. Sứ mệnh của Giáo Hội là chuyển tải sự hiệp thông ấy như lời mạnh mẽ của thánh Gioan mà Công đồng và Đức Ratzinger vui mừng xác nhận : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho anh em, ngõ hầu anh em được hiệp thông [communio] với chúng tôi ; và sự hiệp thông của chúng tôi là với Chúa Cha, và Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô. Và chúng tôi viết điều này là để niềm vui của chúng ta được nên sung mãn.” (1Ga 1,3). Theo Đức Ratzinger giải thích, sự hiệp thông đem đến “niềm vui sung mãn” này chắc chắn quy chiếu đến Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông ấy gắn kết với chiều kích Kitô, cứu chuộc và giáo hội thật rõ rệt : “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ?” (1Cr 10,16). Và như thế, giáo hội học về hiệp thông lại rất gần với giáo hội học dựa trên Thánh Thể :
Trong Thánh Thể, hiện diện trong bánh và rượu, Đức Kitô lại trao ban chính Ngài, xây dựng Giáo Hội là Thân Mình Ngài và qua Thân Mình Phục Sinh của mình, Ngài hiệp nhất chúng ta lại với Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất và với nhau.[20]
Thế nhưng, như đã xẩy ra với khái niệm Dân Thiên Chúa, khái niệm “hiệp thông” cũng đã bị tước đoạt và đưa sang một bối cảnh khác. Một số nhà thần học lèo lái sang chiều kích hàng ngang, chỉ nói tới mối tương quan hiệp thông giữa con người với nhau, giữa giáo hội địa phương và giáo hội phổ quát và tìm cách xác định lãnh vực thẩm quyền mỗi bên. Thế là mọi trao đổi về hiệp thông lại nhấn mạnh đến sự “bình đẳng” theo một nghĩa hạn hẹp là “bình đẳng về quyền” ! Một thần học đọc theo lăng kính như thế là một loại thần học đã bị ý thức hệ lèo lái. Phân cách và đối chọi các phe để rồi đưa đến việc phủ nhận vai trò của hàng giáo phẩm, của giám mục, linh mục… thì đó không còn là thần học nữa. Đức Ratzinger quả quyết, ta không được phép giải thích hình ảnh Dân Thiên Chúa theo kiểu đó.
Năm 1992, Bộ Giáo lý Đức tin gửi một lá thư cho các Giám mục Giáo Hội Công Giáo để giải thích thật rõ khía cạnh “hiệp thông” này và làm sáng tỏ tương quan giữa Giáo hội đặc thù và Giáo hội phổ quát. Một lần nữa, một số thần học gia phê phán lá thư đó như đã từng thích phê phán các văn kiện ban hành từ Rôma. Các vị đã đọc theo lăng kính quyền bính và không chấp nhận “Giáo hội phổ quát là thực thể có trước mọi Giáo hội địa phương về mặt hữu thể và thời gian”.[21] Đức Ratzinger bình luận rằng những người phê phán đó không hiểu rõ nền tảng Thánh Kinh, truyền thống Do Thái và giáo huấn của các giáo phụ. Những lối hiểu phê phán đó đã gạt bỏ Giáo hội học của các giáo phụ đã đành, mà còn gạt bỏ cả Giáo hội học của Tân Ước lẫn cách thức Cựu Ước hiểu về Dân Israel. Giáo Hội không phải là cái gì tuỳ phụ, chỉ mới được thành lập đây. Ẩn dụ “cả hai nên một xương một thịt” hay “hình ảnh vị Hôn Thê”, “Thân Mình của Chúa Kitô” cho thấy Chúa Kitô và Giáo Hội là “hai trở nên một”, một “Thân mình” để rồi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự. Giáo hội phổ quát – tức Giáo hội duy nhất, Thân Mình duy nhất, Hôn Thê duy nhất – phải có trước những biểu hiện thường nghiệm, cụ thể của các Giáo hội địa phương đa dạng.
Cũng thế, không được đưa lăng kính quyền lực phe nhóm để đọc văn kiện Giáo Hội. Hiến cChế về Giáo Hội còn tiếp tục với chương thứ 4 về Người Giáo Dân và chương thứ 5 về ơn gọi nên thánh của tất cả mọi Kitô hữu, chương 6 về ơn gọi tu trì và chiều kích cánh chung của Giáo Hội. Một lần nữa, tính chất nội tại của Giáo Hội được nhấn mạnh : sự thánh thiện, lòng vâng phục Ý Chúa. Chúng ta là những con người yếu đuối, cho nên phải luôn canh tân để nên thánh. Nhưng thánh thiện còn vĩ đại hơn là sự tốt lành về mặt luân lý. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người, giữa con người với Thiên Chúa ; đó chính là “lều tạm” được cắm giữa chúng ta” (x. Ga 1,14). Hướng đến thánh thiện là mục tiêu của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để trở thành nơi Thiên Chúa lưu ngụ trong thế giới. Trong Giáo Hội không phải việc chiếm chỗ trên hay dưới.
Một lần nữa, Hiến Chế về Giáo Hội kết thúc bằng chương 8 nói về Đức Maria. Giáo Hội không phải là một học thuyết, cũng không là một tổ chức xã hội, một cơ quan nào đó, nhưng là ai đó. Và Maria chính là mẫu mực. “Chúng ta không chế tác ra Giáo Hội, nhưng chúng ta phải là Giáo Hội.”
III. THẦN HỌC GIẢI PHÓNG :
THÁCH ĐỐ VÀ LỜI MỜI GỌI [22]
Một trong những việc mà Đức Ratzinger phải tra tay vào làm sáng tỏ ngõ hầu Giáo Hội không rơi vào những trào lưu chạy theo thời, là việc Ngài phân tích những sai trái của nền thần học giải phóng vốn đã một thời sôi nổi trong Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh và sau đó lan sang Giáo Hội tại Á Châu và Phi Châu. Trước tiên, ngài vạch ra những giả định của nền thần học này và từ đó ngài sẽ phê phán, cho thấy tại làm sao nền thần học này không những không giải thích được giáo lý Công Giáo mà còn có nguy cơ làm biến chất Giáo Hội.
A. Những giả định của thần học giải phóng
Đối với Đức Ratzinger, Giáo Hội phải nghiêm túc nhìn vào thực trạng nghèo khổ và bị áp bức đã mang tính chất cơ cấu và quá phổ biến, không chỉ giới hạn ở một vài nhóm người mà là cả một tầng lớp dân chúng trong một xã hội hoặc cả một dân tộc trong một lục địa. Giáo Hội phải lắng nghe tiếng kêu than của họ cũng như phải có trách nhiệm trước thực trạng này theo đúng như sứ mệnh mà Giáo Hội đã được kêu gọi : dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa con người với nhau (LG). Giáo Hội phải góp phần vào việc nâng cao phẩm giá con người và giải thoát con người một cách tận căn nhất để họ có thể sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Thần học giải phóng ra đời sau Công đồng Vatican II tại Châu Mỹ La tinh đã có nguyện vọng góp phần vào sứ mệnh ấy. Tuy nhiên, loại thần học giải phóng mà ngài muốn phê phán đây là những loại thần học đã chấp nhận lối giải thích và giải pháp của trào lưu duy xã hội chiều ngang cách này hay cách khác. Và ngài coi những loại thần học đó đem lại một sự đe doạ căn bản cho đức tin của Giáo Hội ; đe doạ bởi lẽ những loại thần học ấy cũng chứa đựng một vài chân lý nào đó nên đem lại nhiều cám dỗ hơn cho các Kitô hữu. Thần học giải phóng đã xuất hiện trong những giả định sau :
1. Tình trạng thần học sau Vatican
a. Thần học do Praxis :
Có một cái nhìn cho rằng truyền thống thần học từ trước đến nay đã không còn thích hợp nữa, vì thể cần phải có một chiều hướng thần học và tu đức hoàn toàn mới, được tìm kiếm trực tiếp từ Kinh Thánh và các dấu chỉ thời đại.
b. Trào lưu đi với thời đại :
Trở về với thế giới, chứ không rút lui khỏi thế giới, hãy có trách nhiệm với đời. Trào lưu này đi đôi với việc chấp nhận và tin tưởng vào những tiến bộ khoa học nhân văn, sử dụng khoa học như là một thứ Tin Mừng mới mà không nhận ra giới hạn cũng như những vấn đề của chúng. Tâm lý học, xã hội học và lối giải thích duy xã hội chiều ngang dường như được coi là có thẩm quyền về khoa học, đã được “cộng đồng khoa học xác nhận” và vì thế sẽ đóng vai trò chủ chốt, có tiếng nói cuối cùng trong suy nghĩ và hành động của người Kitô hữu.
c. Chiều hướng phê phán truyền thống.
Đến từ việc trào lưu chú giải Kinh Thánh theo nghĩa giải huyền thoại (của Bultmann và trường phái của ông), người ta chủ trương đoạn tuyện với những gì mà truyền thống Giáo Hội dậy và giải thích trước dây, và khuyến khích xây dựng những lối giải thích mới.
2. Con người truy tầm ý nghĩa cuộc đời
qua duy lịch sử chiều ngang
Bầu khí thần học sau Vatican II lại đi kèm với tình trạng tư duy con người thời đại đang thay đổi. Sau Thế chiến II, con người Tây Phương đã rơi vào khủng hoảng về tinh thần. Con người không còn tin vào truyền thống tôn giáo nhưng lại không tìm ra được ý nghĩa cuộc đời để thay thế. Triết học hiện sinh không đưa lại câu trả lời. Trong tình huống đó, duy vật lịch sử chiều ngang đã đem lại lời hứa hẹn, một sự thúc đẩy về luân lý, dấn thân thay đổi thực trạng thế giới. Và người trẻ đã được hấp dẫn rất nhiều trong sự trống vắng ý nghĩa mà họ đang trải qua. Trào lưu mới về giải phóng dựa trên cơ sở của các phân tích và giải pháp duy lịch sử chiều ngang tin rằng mình có thể đáp trả được những thách đố luân lý về sự nghèo khổ trong thế giới cũng như thực hiện được các ước vọng về công bằng bác ái của Kinh Thánh.
3. Thách đố của tình trạng nghèo khó và sự áp bức :
Tình trạng nghèo khó và áp bức mang tính chất quá phổ biến và quá cơ cấu mà trước đến nay chưa được để ý cho đủ. Cuộc vùng lên của giới khốn cùng đòi hỏi Giáo Hội phải có những đáp ứng cụ thể.
B. Bình luận
Chắc chắn rằng các giải pháp thần học giải phóng đưa ra là khác nhau tuỳ theo khu vực và được mệnh danh như là thần học chính trị, thần học cách mạng… Dù có khác nhau trong nhiều điểm, nhưng các loại thần học này có một số nét tương đồng như sau mà Đức Ratzinger đã vạch ra và phê phán :
1. Chú giải Kinh Thánh theo duy lịch sử biện chứng :
Lối chú giải Kinh thánh này đến từ lối giải thích khử huyền thoại của Bultmann, theo đó, Đức Giêsu lịch sử phải được tách ra khỏi Đức Kitô của niềm tin. Do khoa lịch sử hiện đại, thì Đức Kitô của truyền thống Giáo Hội thuộc về một thế giới khác với Đức Giêsu của lịch sử. Và từ đó, ta có quyền giải thích Chúa Kitô theo những khuôn suy nghĩ khác. Các khẳng định về Chúa Kitô trong lịch sử đã không còn giá trị nữa cho con người thời đại (tân thời). Huấn quyền của Giáo Hội cũng bị gạt sang một bên, không còn được giữ vai trò tiếng nói cuối cùng trong việc công bố chân tính của Đức Kitô.
Chân trời giải thích đã thay đổi qua khoa chú giải, thì dung mạo của Đức Giêsu cũng phải được giải thích lại. Ta phải giải thích lại dung mạo đó sao cho phù hợp với con người thời đại.
2. Thực tại tôn giáo bị chính trị hoá
Theo những người chủ trương thần học giải phóng đó, thời đại hiện nay đang bị phân rẽ hoặc theo chủ trương tư bản hoặc theo chủ trương của Marxismus. Kinh Thánh đã cung cấp cho chìa khoá để giải thích sự phân rẽ và đấu tranh đó : Người nghèo của Thiên Chúa. Người nghèo đấu tranh lại người giầu và Thiên Chúa đứng về phía người nghèo khổ. Cuộc đấu tranh đó mang tính giai cấp và Giáo Hội không được chọn lập trường trung lập. Và nếu Giáo Hội có can thiệp trước những lối giải thích sai lệch ấy, Giáo Hội bị mang tiếng là đi với những người giầu có, giới bóc lột và như thế là chống lại những người nghèo khổ, chống lại chính Đức Giêsu là người đã chọn rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát những ai đang bị cầm tù.
3. Khái niệm Dân Thiên Chúa
đã bị tách ra khỏi nguyên cảnh
Sự đối chọi giữa người dân và giới bóc lột, giữa người nghèo và giới thẩm quyền trong Giáo Hội chắc chắn sẽ xung khắc, và chủ thể để chú giải Kinh Thánh không phải là Huấn Quyền mà chính là cộng đoàn : Cộng đoàn đọc Kinh Thánh theo kinh nghiệm hiện tại của mình và áp dụng Kinh Thánh vào cuộc sống hiện tại (tức Praxis). Hàng giáo phẩm nào không đi với “nhân dân” có nghĩa là đứng về phe áp bức. Dân Chúa được sử dụng để đối lại với phẩm trật. Và cũng vì thế, ai muốn đứng về phe Dân Chúa thì phải chọn lập trường chống lại giáo hội của hàng giáo phẩm.
4. Lịch Sử Cứu Độ thành Lịch sử chính trị
Cũng thế, lịch sử cứu rỗi qua đó cuộc đấu tranh thiện ác đã được vượt thắng bởi sự phục sinh của Đức Kitô và đang hướng đến ngày Ngài lại đến đã được biến thành lịch sử cuộc đấu tranh giữa giai cấp nghèo khổ và giai cấp giầu có. Chính lịch sử mới giải thích Kinh Thánh. Vì thế, không có chân lý nào bó buộc vĩnh viễn. Những giáo huấn của Giáo Hội về đức tin và luân lý bị coi là phản nghịch sự tiến bộ của loại người.
Đức tin vào Thiên Chúa bị biến thành niềm tin vào sự tiến bộ của con người và cố gắng trung thành góp phần vào sự tiến bộ ấy. Nói khác đi, đó là sự trung thành với lịch sử. Áp dụng vào Chúa Kitô, biểu thức đức tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là con người đã được “viết lại” như sau : Đức Giêsu là Chúa, nhưng Thiên Chúa duy nhất và chân thật như thế là Đấng đã tỏ mình ra trong lịch sử và là hòn đá vấp phạm nơi Đức Giêsu, và nơi người nghèo khổ là những người nối dài sự hiện diện của Ngài. Theo chủ trương đó, giáo lý chính thống phải tuyên xưng cả hai điều này. Đức Cậy trở thành “hy vọng vào tương lai” qua sự dấn thân vào lịch sử cuộc đấu tranh không khoan nhượng của giai cấp quần chúng (dân) và giai cấp thống trị. Và Đức ái trở thành “chọn lựa người nghèo”, tức là đi với quần chúng đối lại giai cấp bên trên. Thần học giải phóng buộc phải chọn lựa, không chấp nhận lập trường gọi là “trung lập” và coi đó là lối giải thích Thánh Kinh đúng đắn hơn cả.[23]
Ngoài ra, thực tại nền tảng Chúa Giêsu rao giảng là Nước Thiên Chúa được giải thích theo hành động : hoạt động trong thực tại lịch sử để biến thế giới thành Nước Thiên Chúa. Cuộc Xuất Hành trong Cựu Ước, Mầu Nhiệm Thánh Thể được cử hành như cuộc giải phóng theo nghĩa Praxis. Ơn cứu độ được hiểu như là giải phóng [khỏi áp bức chính trị & kinh tế]. Và chân lý nằm ở chỗ Praxis chứ không phải lý thuyết xuông.
Đức Ratzinger bình luận : quả thực, trong khoảng thời gian trước và sau Công đồng, giáo huấn tu đức đã nói nhiều đến việc phải vượt thắng nhị nguyên hồn xác, vật chất & thiêng liêng, siêu nhiên và tự nhiên. Nhưng một khi loại bỏ tính lưỡng diện này, thì chỉ còn có lịch sử trần thế đây và thực tại chính trị kinh tế mà thôi. Như vậy, con người thế chỗ cho Thiên Chúa để dựng xây thành đô trần thế này. Thần học giải phóng nhằm đưa ra một nhãn giới toàn diện giải thích mọi thực tại mang theo “hơi hướng” của Kitô giáo. Rốt cuộc nếu không khéo, nếu không vạch ra cho rõ biên giới, thì Kitô giáo trở thành khí cụ trong tay của lực lượng gọi là cải cách của thời thế. Không trách mà các nhà thần học và cả linh mục, tu sĩ say mê với lối chú giải này.
Đức Ratzinger gọi đó là một khủng hoảng của thần học và theo ngài, ta chỉ có thể vượt thắng được khủng hoảng này nếu chúng ta làm thế nào để luận lý của đức tin trở thành đầy thuyết phục, nghĩa là đức tin đem lại một câu trả lời còn tốt hơn. Và vì vậy, ta phải động viên toàn bộ tư duy, trải nghiệm sống của đức tin, lý giải và kể cả những hành động. Đây là nhiệm vụ của toàn thể Giáo Hội, mỗi người theo bổn phận Kitô hữu của mình.
Cũng theo ngài, rõ ràng qua khủng hoảng này, chúng ta chứng kiến được một sự thiếu hoán cải trong Giáo Hội, thiếu một đức tin thật tận căn. Chỉ có gia tăng hoán cải và đức tin, ta mới có được tầm nhìn của Thiên Chúa và nhờ đó, các mục tử lấy được những quyết định đáp trả được những vấn nạn gây ra từ đó.
KẾT LUẬN
Để trả lời cho câu hỏi Giáo Hội là gì, và ta phải làm gì để Giáo Hội ngày càng trở nên Giáo Hội hơn, Đức Ratzinger quả quyết cho chúng ta : Giáo Hội không phải là của chúng ta mà là của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, việc canh tân Giáo Hội không phải là cứ nhằm ở những sinh hoạt bên ngoài, lo thay đổi những cơ cấu, những thể chế, những biện pháp. Năng động lực của Giáo Hội chính là đời sống đức tin, đời sống bí tích. Cuộc canh tân thực sự phải khởi đi từ bên trong lòng Giáo Hội chứ không phải là những chế tác bên ngoài. Mà cuộc canh tân như thế không thể nào diễn ra được nếu như cái tôi của mình lấn át đi Chúa Kitô. Làm thế nào để việc ta tự xoá mình đi càng nhiều càng tốt, và việc ta thuộc về Chúa Kitô càng ngày càng hiển hiện hơn. Giáo Hội cần thiết cho nhân loại đó là vì Giáo Hội là khí cụ chuyển ơn thánh hoá, là do sự thánh thiện của Giáo Hội chứ không phải do tài quản trị. Nếu như thế, đó phải là một Giáo Hội được bắt nguồn và được xây dựng trên Thánh Thể, trên Hy Lễ Tự Hiến của Chúa Kitô và để Hy Lễ ấy chuyển hoán từng thành phân Dân Chúa thành Thân Mình của Chúa Kitô.
Tài liệu tham khảo
– Cardinal Joseph Ratzinger. Le Sel de la Terre. Paris : Le Cerf, 1997. Bản Dịch : Muối Cho Đời. Kitô giáo và Giáo Hội Công Giáo Trước Ngưỡng Cửa của Ngàn Năm Thứ Ba. Thời Sự Tôn Giáo.
– Nichol, Aidan O.P. The Theology of Joseph Ratzinger. Great Britain : Billling & Sons Limited, 1988
– Rubert Shortt. Benedict XVI. London : Hodder & Studghton, 2005. [Một tập sách “phê phán” nhưng cũng chứa đựng nhiều chất liệu tích cực về Đức Ratzinger].
– Wikipedia : (Bách Khoa Tự Điển trên Internet chứa đựng rất nhiều chỉ dẫn các trang Web về Bút Tích của Đức Ratzinger và những bài bình luận).
– Ratzinger, Cardinal Josef. Liberation Theology. Personal Notes, 1984.
– Benedict XVI, Close& Up Personal, Seminar. Manila : Don Bosco Center of Studies, 2007. DVD Format : gồm ba bài tham luận về Kitô học, Thánh Thể-Phụng Vụ và Giáo Hội theo Đức Ratzinger.
– Pope Benedict XVI, The Origins of the Church, (Our Sunday Visitor, Inc, USA, 2007)
[1] X. Tài liệu tham khảo cuối bài viết.
[2] Ratzinger, Joseph. Milestone : Memoirs, 1927-1977 (San Francisco : Ignatius Press, 1998).
[3] Hồng Y J Ratzinger. Muối Cho Đời, 159.
[4] Sđd., 189.
[5] Báo Times đã có lần đăng bài báo của “chuyên gia Kinh Thánh” Crossan, cho rằng xác của Đức Giêsu đã bị chó “xơi” mất trong thung lũng Gehenna. Những nhà chú giải theo Jesus Seminar cho rằng toàn bộ Phúc Am chỉ là sự “sáng tạo” của nhóm môn đệ đầu tiên, không hề có căn cứ lịch sử nào. Họ cho in cả bộ Năm (5) cuốn Phúc Am, trong đó có cả cuốn Ngoại Thư Tin Mừng Thomas (mà Truyền Thống Công Giáo vẫn coi là ngoại thư do ảnh hưởng của Ngộ Giáo).
[6] “Don”t tell me, show me” : đây là tiêu chuẩn để nhận biết chân lý, xem chân lý có tạo nên được cái gì khác biệt hay không.
[7] Đức Ratzinger đã nhiều lần vạch cho thấy thái độ gọi là “khoan dung” đó, bất chấp chân lý khách quan đã dần dần trở thành một thứ độc tài, không chấp nhận ai đó có chủ trương chân lý phải là phổ quát, không lệ thuộc vào cá nhân ta.
[8] Vụ Đức Giám mục Lefèbre và Huynh Đoàn Pio X.
[9] Sđd., 296.
[10] Trong một bài giảng, Đức Ratzinger đã thuật lại câu chuyện cuộc bàn luận về Giáo hội trong Công đồng Vatican II thật sôi nổi cho đến lúc một nghị phụ phát biểu rằng cho đến lúc ấy, các vị chỉ bàn đến Giáo Hội mà chưa nói về Thiên Chúa, về Chúa Kitô ! Quả là một nhận định đúng lúc khiến mọi người phải thinh lặng suy nghĩ.
[11] Josef Ratzinger, The Ecclesiology of Vatican II [Giáo Hội Học Theo Công Đồng Vatican II], Bài Thuyết Trình tại Hội Nghị Giáo Phận Aversa, Italia, 2001.
[12] Sđd.
[13] Sđd.
[14] Đức Ratzinger liên hệ điểm này với phong trào “We Are Church”, tổ chức vận động và đi thu nhận chữ ký phản đối Roma và đề nghị những thay đổi quyết liệt : cho nữ giới làm linh mục ; linh mục được kết hôn ; cho phép ngừa thai, ly dị, bầu cử giám mục, linh mục quản xứ v. v. . Tại hai quốc gia này, trong vòng khoảng 3 tháng. phong trào đã thu nhận được 500.000 chữ ký trong vòng khoảng 3 tháng. Tại Hoa Kỳ, sau 6 tháng và gia hạn thêm 1 năm, phong trào thu nhận hơn kém 15.000 chữ ký (trong số 66.000.000 người Công Giáo !). Phong trào “We Are Church” tuyên bố đã thất bại tại Giáo Hội Hoa Kỳ và than phiền : Giáo Hội Hoa Kỳ bảo thủ !
[15] Sđd.
[16] Sđd.
[17] Sđd.
[18] Sđd.
[19] Ratzinger giải thích “sự thánh thiện” ở đây là nói đến sức mạnh tự cội nguồn của Giáo Hội có thể làm cho các thành viên Giáo Hội nên thánh ! (x. Josef Ratzinger, Đức Tin Kitô Giá Hôm Qua và Hôm Nay, Nd. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm, Đàlạt : CV Minh Hoà, 2009)
[20] Sđd.
[21] Sđd.
[22] Cardinal Josef Ratzinger, Liberation Theology, [ Personal Notes], bài viết trước khi Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành Huấn thị về Thần Học Giải Phóng năm 1984.
[23] Dĩ nhiên, Giáo Hội phục vụ người nghèo và Thiên Chúa quả là đấng lắng nghe người nghèo. Nhưng giải thích “người nghèo” theo nghĩa xã hội chiều ngang đó và đồng hoá người nghèo trong Kinh Thánh với nhóm đấu tranh quyền lực quả là điều không đúng. Xin xem Thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô CVI, Thiên Chúa là Tình Yêu, phần II.