Tu sĩ Giuse Vũ Văn Dũng
Mục lục
I. Giải thích Ơn gọi và Sứ vụ của tôi:
II. Giải thích Tôi là gì theo ý nghĩa khoa học và triết học
1. Tôi là ai theo nghĩa khoa học
2. Tôi là ai theo giải thích của các triết học Hy-lạp Cổ đại?
2.1 Con người (Tôi) dưới cái nhìn của các triết gia thời Cổ Đại
2.2 Cái tôi con người dưới cái nhìn của các nhà triết học Hiện Sinh
2.3 Ơn gọi và sứ vụ trong Thánh Kinh
4.1 Tôi hiện hữu nhờ Thiên Chúa
Tiếp cận với bản chất con người mình chỉ có thể bắt đầu khi tôi nghiêm túc đối đầu với câu hỏi này: “Tôi là ai ?”. Dù đơn giản và nghe rất quen thuộc nhưng câu hỏi này không dễ trả lời. Có thể vì câu trả lời không thể tìm ra chỉ trong một lúc ngồi suy nghĩ như đi tìm đáp án của bài toán. Đây là câu hỏi phải được đặt ra theo từng định kỳ trải dài trong cuộc sống của tôi. Hay nói chính xác hơn, đó là một câu hỏi cần phải được sống, được trải nghiệm bởi chính bản thân tôi hơn là lý thuyết suông.
Nhưng dù khó khăn, câu hỏi này cần phải được đặt ra và tôi buộc phải có câu trả lời, nếu tôi muốn làm cho đời tôi có một ý nghĩa. Vì chỉ khi nào “định tính” và “định nghĩa” được con người mình, tôi mới bắt đầu sử đụng được con người tôi, cuộc đời tôi, và hướng nó theo những viễn ảnh và mục tiêu tôi mong muốn.
Vậy ơn gọi và sứ vụ của tôi là gì nếu không phải là sống trọn vẹn ngôi vị cá biệt của tôi, sống cái tôi của tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sống lẻ loi một mình hay sống theo lối chủ nghĩa cá nhân, bất cần mọi tương quan. Tôi sống bản thân tôi, đồng thời tôi cũng phải sống tương quan với vạn thể, với tha nhận và cả với Thượng Đế. Cái tôi của tôi tồn tại trong sự hài hoà các mối tương quan, hài hoà chứ không hoà tan. Nội dung về đề tài này tôi chỉ xin được giới hạn trong những đề mục cụ thể sau.
I. Giải thích Ơn gọi và Sứ vụ của tôi:
Ơn gọi và sứ vụ là gì? Đã có rất nhiều định nghĩa cũng như cách hiểu và giải thích về hai cụm từ này.
Khi nói đến ơn gọi, trước tiên nên lưu ý vài từ ngữ tương đương trong tiếng Việt. Khi muốn ra vẻ trịnh trọng thì người ta dùng tiếng ơn thiên triệu, khi muốn thân tình thì người ta nói nghe tiếng Chúa gọi; còn khi nói đến ơn gọi là chúng ta muốn đề cao khía cạnh hồng ân: đó là ơn Chúa ban. Tất cả những từ này tương đương với một danh từ trong tiếng Latinh Avocatio, theo nghĩa đen có nghĩa là: sự kêu gọi, tiếng gọi[1].
Hay theo một nghĩa khác, ơn gọi là ơn Chúa gọi con người tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài. Khái niệm ơn gọi có nguồn gốc từ Thánh Kinh. Khi Thên Chúa gọi ai thì Ngài trao cho người ấy một sứ mệnh. Tuy nhiên, ơn gọi riêng của mỗi người, mỗi dân tộc đều được bao hàm trong ơn gọi chung của cả nhân loại là trở thành Dân Thiên Chúa, dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ Đức Ki-tô, trong Chúa Thánh Thánh Thần[2].
Trong tiếng Latinh “mitto” và từ phân từ missum. Ý nghĩa của nó là “sai đi” hoặc “được sai đi”. Điều phù hợp cho sứ vụ là “được sai đi”. Việc “được sai đi” này đáp ứng một ủy nhiệm, một công tác trao cho một người để thi hành. Cũng như khi chính quyền sai quân đội thực hiện những công tác nhất định trong thời bình hoặc thời chiến, người ta nói rằng họ đang thực hiện một “sứ mệnh quân sự”; khi các quyền bính của một đại học là những người ủy nhiệm một công tác cho ai, chúng ta gọi đó là sứ mệnh khoa học hoặc văn hóa. Khi một tu hội là người sai phái, chúng ta nói đến “một sứ vụ tu trì”.[3]
Con người là gì? Theo vài triết gia, con người là “động vật có lý trí” (animal rationale), hoặc “cây sậy biết tư duy” (theo Pascal). Sách GLCG gọi con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, một hạn từ đọc thấy từ trình thuật về việc tạo dựng con người ở sách Sáng thế: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1, 27) và được lặp lại nhiều lần trong Kinh thánh: “Khi ông A-đam được một trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông, và đặt tên là Sết. 4 Sau khi sinh ông Sết, ông A-đam sống tám trăm năm và sinh ra con trai con gái. (St 5, 3); “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”. (Kn 2, 23-24); “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất. Người đã ban cho nó một số ngày và một khoảng thời gian, cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó. Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muông chim cầm thú. (Hc 17,1-4).
II. Giải thích Tôi là gì theo ý nghĩa khoa học và triết học
Câu hỏi này được nêu lên không nguyên chỉ vì muốn đi tìm bản chất siêu hình hoặc cấu tạo vật lý của con người tôi, nhưng còn gắn với nhiều vấn đề hiện sinh, bàn về ý nghĩa cuộc sống. Thực vậy, có lẽ các triết gia bên Đông phương không mấy băn khoăn tìm hiểu bản tính con người; nhưng những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc đều ám tàng trong giáo lý căn bản của Phật giáo và Khổng giáo. Thực vậy, mối quan tâm chính yếu của đức Phật là khám phá nguyên nhân của các nỗi khổ đè nặng trên thân phận con người: sinh, lão, bệnh, tử. Khổng giáo thì dạy cho con người biết “nên người” nhờ duy trì những mối tương quan tốt đẹp đối với Trời, với tha nhân, với bản thân. Bên Tây phương, các triết gia chuyên nghiệp đã sớm biên soạn những khảo luận bàn về con người, với những lối tiếp cận khác nhau và những câu trả lời nhiều khi tương phản.
1. Tôi là ai theo nghĩa khoa học
Càng đi sâu tìm hiểu về thân phận của tôi? Tôi là ai tôi sinh ra ở đời này để làm gì? Câu hỏi này tưởng như chỉ có mình tôi đặt ra cho chính mình. Tôi cứ ngỡ chỉ có mình tôi trăn trở với câu hỏi của mình. Nhưng không, câu hỏi này cũng đã được đặt ra từ trước tôi lâu rồi. Nó cũng là nỗi trăn trở của bao học giả, cũng như các nhà khoa học. Dưới đây là một đoạn mà tác giả trong khi nghiên cứu khoa học đã đặt ra vấn đề cho mình khi nghiên cứu câu hỏi Tôi là ai?
Thân thể con người – một cơ thể được cấu tạo phức tạp. Trong cơ thể có đủ các bộ phận mà nhờ chúng, có thể suy nghĩ, nói năng, đi lại bằng hai chân, chế tạo ra những đồ vật khác nhau bằng hai tay, sử dụng được ưu thế thị giác có hình khối, màu sắc. Trong thiên nhiên không có một loài sinh vật nào khác mà lại có trách nhiệm với sự tồn tại của mình không những về sự thích nghi thể chất với môi trường sống, mà còn đối với những thành tựu trong trình độ phát triển về vật chất[4].
Tôi là ai? Không có một người biết suy nghĩ nào mà không đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình, dù chỉ một lần. Tại sao tôi có tầm vóc cao lớn như thế này, màu mắt như thế này, tính cách như thế này? Bố tôi không cao lắm, mẹ – thấp người, ông nội và bà nội – cũng thế. Màu mắt của bố mẹ, ông bà tôi đều khác tôi. Cũng có thể tôi giống với cụ thổ theo truyền thuyết – một trưởng đội cô-dắc, sống vào thế kỷ XVI, là người sáng lập nên cái làng quê thân yêu mà một nửa làng cũng mang tên họ như tôi? Các câu hỏi ngày càng đi mãi mãi, đi sâu mãi vào quá khứ…
Ngày xưa, các vị tổ tiên của tôi không nhiều lắm. Một nghìn năm trước đây, trên hành tinh này, họ còn ít hơn cả số dân trên đất nước chúng ta hiện nay. Còn nếu đi xa hơn nữa về quá khứ cách đây hai triệu năm, thì hình dạng tổ tiên của tôi sẽ biết đổi đi. Họ không có hình dạng con người, ý thức của họ còn mơ hồ. Còn tiếng nói, nếu họ nói được, cũng là tiếng nguyên thủy. Quần áo, nếu họ có, là những bộ da lông chưa qua chế biến. Cũng có thể là họ chưa biết dùng lửa, họ ăn những con thằn lằn, những con rắn còn sống nguyên… Đấy, những tổ tiên của tôi.
Tôi là ai? Tôi – tất cả những người như họ, bởi vì một câu trả lời đúng đắn sẽ phải dựa vào sự di truyền và tiến hóa. Và câu trả lời ấy sẽ giúp tôi hình dung ra họ hàng thân thuộc của tôi với toàn thể loài người, với tất cả các sinh vật sống. nếu tôi tìm được câu trả lời, thì có thể tôi nhận ra tại sao tôi có được một bộ óc lớn mà nhờ nó tôi có thể viết sách xây dựng các thành phố, bay vào vũ trụ, mà cái chính là biết nói và suy ngẫm về nguồn cội của mình.
Những người sống trước tôi đã cố gắng giải đoán về bí mật về nguồn gốc của mình. Có thể là đã lâu lắm rồi, từ ngày đầu tiên tồn tại của mình, vấn đề tộc phả của con người đã dậy con người. Vô vàn huyền thoại còn lưu truyền đến chúng ta, dưới dạng những chuyện cổ tích dân gian Nga, cũng như dưới dạng những truyền thuyết thần thoại của các dân tộc khác, có chủ đề cố gắng giải thích đất nước và con người xuất hiện như thế nào. Tất cả những huyền thoại ấy đều tuyệt đẹp và thú vị nhưng tuyệt đối.. không đáng tin cậy
2. Tôi là ai theo giải thích của các triết học Hy-lạp Cổ đại?
2.1 Con người (Tôi) dưới cái nhìn của các triết gia thời Cổ Đại
Khi bàn về con người, các triết gia từ thời cận đại cho đến thời trung đại luôn là điều khó nói nhất. Và cũng tốn nhiều công sức khi giải thích một vấn đề liên quan đến con người.
Nơi hai triết gia Plato và Aristote, chúng ta tìm thấy những khảo luận hệ thống và mạch lạc về con người, hay nói đúng hơn, về linh hồn. Thực vậy, theo ông Plato (427-347), linh hồn mới thật là cái tinh hoa của con người. Linh hồn là thành phần của thế giới ý tưởng (thế giới tinh thần). Linh hồn mang tính bất tử. Linh hồn trở nên hoàn thiện tùy theo mức độ thoát ly khỏi thế giới vật chất.[5]
Aristote triết gia thời cổ đại thì cho rằng thế giới này là Thế giới các mô thể bản thể. Ông cho rằng không có Giường linh tượng nhưng chỉ có mô thể giường, cũng không có Chó linh tượng, nhưng chỉ có mô thể chó.
Vậy theo Aristote “Mô thể là gì”? Ông cho rằng vạn vật đều có 04 nguyên nhân: (nguyên nhân mô thể, nguyên nhân chất thể, nguyên nhân tác thành, và nguyên nhân cứu cánh). Trong đó hai nguyên nhân được nói đến nhiều hơn là mô thể và chất thể. Và khi bàn về con người Aristote cho rằng Con người có chung nhau một mô thể duy nhất là Người, và chúng ta chỉ khác nhau vì chúng ta có những thân thể khác nhau. Trong viễn tượng này, Aristote viết: “Chỉ phần anh linh nhất trong con người, tức trí năng tác động, có bất tử tính mà thôi”. Và cái bất tử đó là gì? Nó là của chung hay của riêng trong mỗi con người? Con người sẽ bất tử, hay là chúng ta mỗi người đều bất tử? Thánh Tô-ma, một đồ đệ của Aristote đã trả lời cho câu hỏi đó rằng: “Mỗi người chúng ta đều bất tử”.
Nguyên nhân mô thể là cái làm cho vật gì là cái mà nó là: ví dụ mô thể giường làm cho đồ gỗ cũng như đồ sắt, đồ tre kia được gọi là giường, chứ không thể gọi là ghế, là bàn.
Đối với Descartes một triết gia thời đại mới đã viết trong bài suy nhiệm với nhan đề “Về bản tính tâm linh con người và về sự ta dễ biết nó hơn về thân xác”. Descartes đã tìm ra chân lý số một rằng: “Tôi đã chắc rằng không có gì hết trong thế giới, không có trời, không có đất, không có tinh thần, không có vật thể. Nhưng như vậy tôi không hiện hữu chăng? Tất nhiên tôi hiện hữu, nếu tôi chắc tâm hoặc ít ra tôi đã suy tưởng một cái gì”[6]. Và đối với Descartes ông khẳng định điều gì là có thực, ông hoài nghi tất cả: “Tôi chắc chắn rằng tôi là kẻ hoài nghi không có trời đất và vạn vật, thì tôi có vì tôi là chủ thể của hành vi hoài nghi đó”.[7]
Tôi là gì? Descartes viết: “Trước đây tôi đã tưởng tôi là gì? Tự nhiên tôi đã tưởng tôi là một con người. Nhưng người là gì?… Tôi tự coi mình như có một bộ mặt, những bàn tay, những cánh tay và tất cả bộ máy bằng xương và bằng thịt, và tôi gọi bộ máy này là thân thể”.[8]
Khi ông chứng minh nguồn gốc sự hiện hữu bản ngã tôi. Ông bắt đầu bằng câu: “Tôi muốn đi xa hơn: tôi muốn xét xem nếu không có Thượng đế, thì tôi là kẻ có ý tưởng về Ngài tôi có thể hiện hữu chăng. Tôi tự hỏi: Do ai tôi có hiện hữu? Có lẽ do chính mình tôi? Hoặc cha mẹ tôi? Hoặc do những nguyên nhân không toàn hảo bằng Thượng đế? Descartes đã khẳng định: “Tôi hiện hữu do chính mình tôi? Nói theo danh từ triết học; Tôi là một tư hữu, tức hiện hữu bởi chính mình chăng? Descartes vừa khẳng định về sự hiện hữu của mình, thì ông lại lập tức đặt ra nhiều câu hỏi khác rằng: “Tôi có do cha mẹ mà có chăng” Cha mẹ có phải là nguyên nhân túc lý sự hiện hữu của tôi chăng? Và Descartes tự trả lời cho mình: “Cha mẹ tôi không thể là nguyên nhân sự hiện hữu của tôi xét như là một sự vật suy tưởng và có trong mình ý tưởng về Thượng đế.[9]
Để kết thúc cho phần chứng minh của triết gia Descartes về cái tôi, sự hiện hữu của con người. Descartes đã viết “tôi là sự vật suy tưởng, đến nỗi ông nghĩ nếu tôi thôi tư tưởng thì tôi cũng hết hiện hữu luôn”. Đó là nhận định của Descartes về sự hiện hữu cái tôi của mình.
Heidegger, cũng như Hegle, rất yêu thích vở kịch Antigone của Sophocles, nhất “dự phóng thi ca về con người”. Trong lời thơ đầu tiên ấy của dàn đồng ca thứ nhất. Và câu hỏi thứ tư nổi tiếng của Kant: “Con người là gì”, “Tôi phải làm gì” và “Tôi được phép hy vọng gì”.[10]
Theo tiếng Đức tiếng mẹ đẻ của Heidegger, có hai từ chỉ “con người”: Chữ Mann, giống như chữ Latinh: vir và tiếng Hy-lạp: anèr, có nghĩa “người đàn ông” trái nghĩa với “đàn bà”; Chữ Mensch, giống như homo trong La tinh và anthròpos trong tiếng Hy lạp có nghĩa là con người, nghĩa là kể cả đàn ông và đàn bà.[11]
Cũng theo Heidegger, lối vào cái Tôi căn nguyên nhất không phải là việc quan sát đối tượng hóa mà là kinh nghiệm về hành xử của tôi đối với sự hiện hữu của riêng tôi như là nét cơ bản của mọi “thuộc tính” tạo nên cái Tôi của tôi. Cái Tôi chỉ có thể “có các thuộc tính” và “là các thuộc tính”, khi nó quan hệ với sự hiện hữu của nó, với sự “có mặt ở đó”[12].
Với Husserl khi bàn về cái tôi, sự tồn tại của một con người thì ông cho rằng con người là cái gì được “cấu tạo” nên trong một chuỗi những tác vụ của ý thức thông qua cái Ngã – siêu nghiệm (transzendentales Ego).[13]
Khi bàn về tính ý hướng cách thức có mặt ở đó của cái tôi Heidegger và Husserl đều cho rằng. Khi tôi biết tôi hiện hữu không thể tách rời với việc tôi là gì thì đồng thời tôi cũng biết rằng tôi chỉ có thể hiện hữu khi tôi hướng về một đối tượng nào đó ở chung quanh tôi. Sự hiện hữu là một đặc điểm bản chất của tôi, nhưng tôi chỉ có thể hiện hữu khi tôi hành xử với mọi cái tồn tại khác. Tôi quan hệ với sự hiện hữu của tôi, nhưng tôi không phải là một “chủ thể” cô lập đối diện với một “khách thể” cũng cô lập, và tính ý hướng cũng không phải là một mối quan hệ thần bí giữa một chủ thể và một khách thể được hiểu chặt chẽ như thể có thể tồn tại độc lập với nhau. Vì lẽ cái Tôi chỉ có thể tồn tại nếu nó hiện hữu “ở đó”, nên cái Tôi – luôn đi ra khỏi chính mình và hướng đến mọi cái tồn tại khác.[14]
2.2 Cái tôi con người dưới cái nhìn của các nhà triết học Hiện Sinh
Phải nói ngay rằng triết học hiện sinh là triết học về ý nghĩa cuộc nhân sinh, và nói tắt là triết học về con người. Và Emmanuel Mounier đã nêu cao lập trường của hiện sinh như sau: “Bất cứ khuynh hướng nào trong triết học hiện sinh đều là triết học về con người, trước khi là triết học về vũ trụ. Theo Thiên Chúa giáo hay không, triết học hiện sinh đều mang nặng tính chất bi đát của kinh nghiệm con người về định mệnh cuả mình”[15]. Triết học hiện sinh không bàn về những chuyện xa xôi về những lẽ huyền vi của tạo hóa như triết học cổ đại, hay tìm những nguyên nhân nơi xuất phát điểm của con người. Triết hiện sinh đặc biệt quan tâm đến thân phận của con người, ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Không có gì tha thiết với con người bằng chính con người. Nội dung của triết học hiện sinh là con người, con người có xương có thịt đang sinh hoạt hàng ngày trong xã hội. Không phải là con người với một chữ C lớn, nghĩa là không phải con người phổ quát của Aristote. Con người ở đây là tôi, là anh, là chúng ta hết thảy và từng người một. Là con người sinh hoạt, tôi là một chủ thể, và tôi là một nhân vị tự do. Đây là hai đề tài chủ yếu của triết hiện sinh.
Đã có rất nhiều những tư tưởng khi nhận định về con người trong triết học hiện sinh, những tư tưởng này đưa ra nhằm giải thoát con người khỏi những đau khổ, vượt lên chính mình và tìm được hạnh phúc. Kierkegaard ông tổ của triết hiện sinh trung thực thì cho rằng: để đưa con người về với cuộc đời và bản thân mình, con người cần trải qua ba giai đoạn sau:
– Giai đoạn hiếu mỹ.
– Giai đoạn đạo hạnh.
– Giai đoạn tôn giáo.
Trong ba giai đoạn trên giai đoạn tôn giáo có vai trò quan trọng nhất đối với con người. Trong tác phẩm “Kinh hãi và run sợ” Kierkegaard ông đã đưa một bộ mặt mới trong nền triết học. Kierkegaard nói rằng: “Tôn giáo là chỗ giải thoát con người khỏi những cái thiển cận và tầm thường của luân lý duy nhiên; chính tôn giáo và nền luân lý tôn giáo sẽ mở con đường siêu việt để dẫn con người đến chỗ tiếp xúc thân mật với Thượng đế”.[16] Để tiếp cận với Thượng đế con người phải nhờ vào đức tin, vì chỉ có nhờ vào đức tin con người mới nói chuyện cha con với Thượng đế. Nối lại tương quan riêng với Ngài. Làm được điều này thì con người mới bước vào trạng thái được thông cảm đặc biệt. Cũng trong tác phẩm này, Kierkegaard đã luôn nhắc đi nhắc lại rằng: “Đức tin là đam mê cao nhất của con người”[17]. Là đam mê cao nhất, bởi vì đức tin giúp con người vượt qua cái tầm thường để vươn lên tới tuyệt đối, vượt qua cái đại chúng để vươn tới độc đáo. Tóm lại qua Kierkegaard và đặc biệt trong triết học của ông, con người được thức tỉnh giấc mơ duy lý và khoa học. Con người tự nhận thức chân thành tất cả mọi giá trị đích thực của hiện sinh, từ những giá trị thực nghiệm đến những giá trị siêu việt.
Cũng trong tư tưởng hiện sinh, lại nổi lên một cái tên mới trong làng triết học hiện sinh, một triết gia vô thần. Và khi nhắc tới ông, người ta lại hiện lên một nhân vật mới siêu việt, một con người hùng, con người siêu nhân. Ông nổi tiếng với câu nói “Thượng đế đã chết rồi: phải giết chết Thượng đế thì con người hùng, tức con người siêu nhân mới có cơ hội xuất hiện”.[18] Câu nói này chính là của Nietzche, một triết gia vô thần. Ông đặt tôn giáo ra ngoài hệ thống triết học của ông. Ông đặt mình làm trung tâm và làm quan điểm nhìn xã hội. Ý chí hùng cường là ý chí thống trị: không thống trị bằng võ lực hoặc bằng mưu mô, nhưng bằng cách đặt cho vạn vật những giá trị mới, những giá trị hoàn toàn do Nietzche đặt ra. Nietzche đã gào hét lên rằng: “Thù địch của tôi là ai? Đó là bọn người muốn bỏ bê tất cả mọi sự và không muốn kiến tạo lấy mình. Chúng là những kẻ nói rằng: ‘Tất cả mọi sự đều vô ích’ và chúng không biết tạo lấy những giá trị cho mình”.[19] Và để kiến tạo một lớp người tự do, biết tự chủ và tự mình đặt lấy những giá trị cho mình, Nietzche đã nêu cao tôn chỉ: “Hãy luôn trở nên chính anh, hãy là ông chủ và là nhà điêu khắc để tạo nên chính mình anh”. Hay nói cách khác rằng: “Anh hãy dám là anh đi, đừng là con người mà người ta nghĩ về anh hoặc con người mà anh cho rằng người ta nghĩ anh phải trở nên thế”[20].
Cũng như Kierkegaard, Nietzche cũng muốn con người vượt qua cái thông thường. Đối với Nietzche cái chi tầm thường thì không xứng với người người hùng của ông. Người hùng của ông là con người hoàn toàn tự chủ, không lệ thuộc vào những thói tục do luân lý cổ truyền tạo nên để nô lệ hóa con người. Con người siêu nhân mà Nietzche xây dựng ở đây là con người luôn vươn lên và là con người đã tự giác. Con người hiện sinh là con người phải biết xấu hổ mỗi khi nhìn vào mình: dầu cho mình đã tiến đến đâu, mình phải bảo rằng như thế chưa ra gì hết, mình vẫn phải vươn lên mãi. Đó là con người trong triết hiện sinh của Nietzche. Khi tìm hiểu về tư tưởng của Nietzche, tôi có cảm nhận rằng tôi đã tìm thấy cho tôi một liều thuốc bổ cho tầm hồn, nếu tôi muốn vươn lên, muốn sống trọn vẹn ý nghĩa tôi là ai!
2.3 Ơn gọi và sứ vụ trong Thánh Kinh
2.3.1 Những ơn gọi và sứ vụ trong Cựu ước.
Các tường thuật ơn gọi được kể vào số những bài Thánh Kinh gây nhiều ấn tượng nhất. Khi Thiên Chúa gọi Môi-sen nơi bụi gai bốc cháy.
Trong Cựu ước mỗi lần Thiên Chúa gọi ai đều nhằm trao phó một sứ mệnh: Thiên Chúa gọi chính là để sai đi; Khi Thiên Chúa gọi Abraham: “ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Moi-sen: “Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập. “Ngươi hãy đi triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en và nói với họ: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-xa-ác, của Gia-cóp, đã hiện ra với tôi và phán: Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập.” (Xh 3, 10. 16). Hay với tiên tri Amos: “Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta.” (Am 7, 15). Tiên tri Isaia: “Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra” (Is 6, 9). Với tiên tri Giê-rê-mi-a: “ĐỨC CHÚA phán với tôi: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gr 1, 7)… Ngài lặp lại cùng một mệnh lệnh: Hãy đi! Ơn gọi là lời mời Thiên Chúa nói với một người Ngài chọn và ủy thác cho họ một công việc đặc biệt trong ý định cứu rỗi và trong vận mệnh dân tộc Ngài. Do đó trước khi gọi ai, Thiên Chúa đã tuyển chọn. Ngài muốn họ thực hiện ý định Ngài sau khi gọi. Tuy nhiên ơn gọi cũng bổ túc vào sự tuyển chọn và sứ mệnh một lời mời cá nhân. Lời mời gọi đó được nhắm đến lương tâm sâu thẳm nhất của đương sự và làm đảo lộn cuộc sống không những trong hoàn cảnh bên ngoài mà đến cả nội tâm, biến đổi họ thành một người khác[21].
Khía cạnh cá nhân này của ơn gọi được diễn tả trong bản văn: thường chúng ta nghe Thiên Chúa kêu tên người Ngài gọi “Sau các việc đó, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi ; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn, ” (, St 15, 1), Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông: “Áp-ra-ham !” Ông thưa: ‘Dạ, con đây !’”(St 22, 1); ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa: “Dạ, tôi đây !” (Xh 3, 4); Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: “Giê-rê-mi-a, ngươi thấy gì ?” Tôi thưa: “Tôi thấy một nhánh ‘cây canh thức’.” (Ger 1, 11); Và ĐỨC CHÚA hỏi tôi: “Ngươi thấy gì, A-mốt ?” Tôi đáp: “Thưa, dây dọi.” Chúa Thượng tôi phán: “Đây Ta sẽ căng dây dọi ở giữa Ít-ra-en dân Ta, và Ta sẽ không còn tha thứ cho chúng nữa”. (Am 7, 8). Đôi khi để làm nổi bật hơn sự chiếm hữu của Ngài và việc thay đổi cuộc sống mà ơn gọi ám chỉ, Thiên Chúa đặt cho người được chọn một “tên mới” “Khi ông Áp-ram được chín mươi chín tuổi, ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và phán: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo” (St 17, 1); “Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” (St 32, 29). Và Thiên Chúa chờ đợi họ và đáp trả lời mời gọi, ưng thuận cách ý thức, với lòng tin và vâng phục . Đôi lúc đương sự ưng thuận cách ý thức, với lòng tin và vâng phục. Đôi lúc đương sự ưng thuận ngay: “Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran” (St 12, 4); “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán:“Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?” Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6, 8). Nhưng thường con người sợ hãi và cố gắng lẩn tránh “Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.” (Xh 4, 10); “Nhưng tôi thưa: “Ôi ! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” (Gr 1, 6); Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. (Gr 20, 7)
Lời mời gọi này không được gửi đến tất cả những kẻ Thiên Chúa chọn làm dụng cụ của Ngài: ví dụ các vua, mặc dù được sức dầu, nhưng họ vẫn không nghe một lời mời gọi như thế, và chính Samuel loan báo điều ấy cho Sao-lê: “Ông Sa-mu-en lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Sa-un, rồi hôn ông và nói: Chẳng phải ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?” (ISm 10, 1) và vua Đa-vit: “Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi ! Chính nó đó!”.
2.3.2 Ơn gọi của các Môn đệ và của Ki-tô hữu
Dù chính mình không nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su lại nhiều lần kêu gọi kẻ khác theo Người. Tiếng gọi là phương tiện nhờ đó Người thu hợp Nhóm mười hai: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người” (Mc 3, 13). Đối với những người khác, Người cũng mời gọi họ cách tương tự: “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10, 21); Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi !” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 59-62). Tất cả công cuộc rao giảng của Người đều hàm chứa một tiếng gọi: Tiếng gọi theo Người trong con đường mới mà chỉ mình Người biết được: “Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24); “Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa hay do tôi tự mình giảng dạy” (Ga 7, 17). Sở dĩ có nhiều người được gọi, nhưng ít kẻ được chọn, chính vì là lời mời gọi vào Vương Quốc là một tiếng gọi riêng biệt mà một số người vẫn giả điếc làm ngơ.
Ơn gọi Ki-tô hữu phát xuất từ Thần Khí và chỉ có một Thần Khí làm sống động toàn Thân Thể Đức Ki-tô, nên trong ơn gọi duy nhất này có nhiều ân huệ… nhiều thừa tác vụ… và công việc khác nhau… Nhưng giữa những đoàn sủng khác nhau, chỉ có một Thân Thể duy nhất và một Thần Khí duy nhất: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người; Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cor 12 1-6 , 12-13).
Trước hết và trên hết, tôi là một nhân vị, một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và do đó vô nhị. Cho nên không ai thay thế tôi được, chuyện của tôi là chuyện của tôi. Tôi là tôi chứ không phải là một cái bóng của ai khác. Tôi đón nhận những sự việc, những biến cố, những tác động trên bề mặt của sự kiện như một người chủ thể, nghĩa là như một khả năng phản ứng có tính cách chủ động. Nói một cách nào đó, tôi khổng thể để sự việc quyết định đời tôi, để cho thế giới bên ngoài quyết định đời tôi mà tôi phải đón nhận, xử lý nó và xoay sở làm sao cho nó phù hợp theo cái nhịp của tôi: “thế giới ảnh hưởng vào tôi, tôi suy tư và khám phá ra cái tôi suy tư” (Descart). Trên đường hướng đó phải có những giá trị, không phải là giá trị của sự vật mà là giá trị của tôi gán cho sự vật: “Tôi gán giá trị cho thế giới chứ không phải thế giới áp đặt lên tôi” (Bê-nê-ric-đíc). Như vậy, ơn gọi làm người của tôi không phải như bèo dạt nước cuốn đi đâu thì trôi đi đó, mà tôi có khả năng đánh giá tôi, tôi hình thành những giá trị từ bản thân tôi. Tôi hình thành được lập trường và có khả năng tự đánh giá sự kiện là tốt hay xấu. Khả năng đó trưởng thành tới mức tôi tự chủ cuộc đời mình như một chủ thể trước thế giới bên ngoài. Có như vậy, tôi mới có thể sống trọn cuộc đời của tôi được. Kinh Thánh cho thấy người Biệt phái nhạy cảm quá mức trong mối tương quan với người khác. Đó là mối tương quan đe dọa, tức là tôi phải làm sao để người ta đánh giá tốt cho tôi, tôi phải làm sao để người ta khen ngợi tôi. Đe dọa đến cách nào đó thì nó nảy sinh giả hình. Nên tự chủ là điều cần thiết. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng phải có khả năng cảm nhận, đối thoại và đánh giá.
Tôi có một cuộc đời riêng và có cứu cánh tại thân. Tôi được Chúa dựng nên vì cá vị tôi và tôi sống trọn cá vị này. Có cứu cánh tại thân nên tôi không được biến thành mục đích phương tiện cho ai cả. Có cứu cánh tại thân nên tôi được quyền sáng tạo cuộc đời tôi, sáng tạo cái giá trị cho cuộc đời tôi và thực hiện bản thân tôi. Cuộc đời của tôi là một cuộc sáng tạo nghệ thuật. tôi sống cuộc đời như một nghệ thuật, tức là liên đới với người khác, nhưng không rập khuôn. Không phải là “không có mợ, chợ vẫn đông”, vì không có cái “mợ” nào thay thế hoàn hảo cái “mợ” tôi. Không vậy mà khi mất một con chiên, Chúa Giêsu phải đi tìm đúng con chiên đó về, không một con chiên nào thay thế được con chiên đã mất. Tôi là độc đáo, là tuyệt đối, nên cớ chi tôi lại phải so sánh tôi với người khác vì càng so sánh càng có khuynh hướng đúc khuân?
Sống cá vị hoàn hảo, tôi có tự do sáng tạo cho bản thân mình. Tất nhiên, tôi phải sống như thế nào, không phải gắng lập dị mà ta bớt đi cái lo về sự đánh giá của người khác. Tôi có lý trí và tình yêu. Đó là những khả năng tinh thần làm cho tôi được tự do, có quyền và có trách nhiệm về chính hành vi của mình. Mỗi lần tôi dám tự quyết về đời mình, tôi dám là tôi, dám chấp nhận mình và sống như chính mình chứ không phải sống dựa, sống hùa, sống ké, sống đoàn lũ… thì nhân cách của tôi thực sự thăng tiến hơn.
Giáo hội mời gọi tôi sống đúng ngôi vị của mình vì Giáo hội nhìn nhận mỗi người trong chính cái gì là riêng tư độc sáng bất khả thay thế: người thì là nam, người thì là nữ, người là Do thái, người là Hy Lạp, người là tông đồ, người là ngôn sứ, người là giám mục hay linh mục, người là tu sĩ, người là giáo dân… nhưng mỗi người đều nhận được Thần Khí như nhau: chính Thần Khí Chúa Ki-tô hiệp nhất mọi người trong sự tôn trọng khác biệt, và làm cho sự khác biệt đó trở nên nguyên nhân của sự phong phú. Một Phê-rô khác hẳn với Phao-lô, một Gio-an khác hẳn với Mat-thêu; nhưng chính sự khác biệt đó đã làm cho Giáo hội được phong phú.
Ngoại trừ những con người để cho cuộc đời đưa đẩy “tới đâu hay tới đó”, thì mọi người sinh ra này ai cũng có một mục đích để sống và tiến tới. Hay nói khác đi là mọi người ai cũng có ước mơ và mong đạt được ước mơ của mình.
Người ta nói con người không còn ước mơ là con người đã chết. Theo Heidegger: “Con người có cơ cấu là dự phóng, nói đúng ra bản chất con người là ‘luôn luôn bị ném về phía trước’. Bản thể con người không ở trong con người nhưng ở trước mặt nó”. Dự phóng luôn luôn thể hiện rồi lại dự phóng mãi thêm và chết là chấm dứt mọi dự phóng. Điều này nói lên quy luật muôn thuở của con người là khao khát tìm về vô hạn, vĩnh cửu.
Do đó, nếu tôi đặt giá trị của mình ở nơi những gì hữu hạn, dễ hư nát, nay còn mai mất, thì lúc ấy, chính những điều đó sẽ là ụ cản lối bước của tôi. Chẳng hạn, khi ước mơ của tôi chỉ là có thể được nhiều tiền, hay học cho hết trường này lớp nọ, hoặc cố leo cho tới chức bậc cao nhất trong thiên hạ đi chăng nữa và rồi tôi chỉ dừng lại ở đây với nguyên nghĩa của nó, thì tôi đang biến chính bản thân tôi thành sự vật. Thật đúng với tư tưởng của Heidegger: “Người nào chỉ biết nhìn vạn vật dưới hình thức dụng cụ, sẽ vướng vào dụng cụ đó và rồi sẽ trở thành sự vật như những dụng cụ”. Tiền bạc, vật chất chỉ là phương tiện giúp tôi sống tốt hơn, thuận lợi hơn, nhưng không phải là cứu cánh, là lý tưởng của tôi. Người mà có lắm tiền, học rộng biết nhiều, tài ba không thiếu, nhưng thiếu tấm lòng thử hỏi trên đời có chuyện gì người ấy không dám làm.
Do vậy, ơn gọi và sứ vụ cuộc đời không chỉ ở những thành công con người đạt được, cũng như không hẳn ở những sự vật mà con người sở hữu nó mà giá trị đích thực của cuộc sống con người là vượt lên trên những sự vật kia.
Dẫu biết rằng cuộc đời có gian lao, vất vả nhưng tôi có thể vượt qua nếu tôi luôn mang trong mình một lý tưởng và lý tưởng ấy là nguồn sống của tôi, là yêu sách tuyệt đối tôi đặt ra cho đời mình. Sống trên đời cần phải có lý tưởng, đó là hiện thể tính của con người và đó cũng là lời mời gọi siêu việt và huyền nhiệm mà tôi cần đáp trả để gặp được chính bản thân. Đó là cái nguồn sống, nơi đó, tôi hút lấy ý hướng triết lý của cuộc đời. Nếu không có nguồn là sức mạnh chính để tạo nên hành trình dài thì không có tính chất chiến lược, đụng đâu giải quyết đó, sống lây lất. Tôi cần khám phá ra cái nguồn của tôi và tôi phải vun đắp nó lên.
Khi vật được hiện hữu trên trần thế thì có sự tương quan với nhau, hay là có lực vạn vật hấp dẫn. Một hòn đá, một nắm đất, một giọt nước, một mầm cây,… đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, thậm chí liên hệ để sinh tồn. Cây bám rễ sâu trong đất, hút khoáng chất, dưỡng chất từ đất để sống. Và ngược lại, câu cũng làm cho đất có sức sống, giữ cho đất không khô, không bị xói mòn, lá cây rụng xuống làm cho đất thêm phì nhiêu. Vùng đất nào không còn cây cối dần dần sẽ bị biến thành sa mạc. Còn với không gian, cây mọc lên mạnh mẽ giữa bầu trời nhờ hấp thụ ánh sáng, không khí từ bầu trời trong xanh. Mặt khác, cây cũng làm cho bầu trời thêm đẹp, thêm mát và thêm trong lành. Vạn thể không chỉ tương tác với nhau mà còn tương tác với con người, hay nói cách khác, con người có mối tương quan với vạn thể. Ta hiểu rằng không ai có thể sống cho ra sống mà không có cần đến vạn thể. Bản thân tôi cũng được lớn lên trong mối tương quan ấy.
Cũng theo suy tư của Zeta Tudor về đời sống chung, chúng ta sống mối hiệp thông theo nhiều cấp độ: hiện hữu, sự sống, tồn tại và thiêng liêng. Turdo tin rằng câu nói thúc vị của Victor Hugo “động vật thì sống, con người mới tồn tại” càng được nâng cao khi quả quyết rằng mức độ là động vật, thì chúng ta sống; nhưng theo mức độ là những hữu thể tự do, thì ta tồn tại. Để có thể hiểu đúng thực tại nhân loại của ta, ta không được quên mất khía cạnh động vật học. Bất cứ cộng đoàn nhân lại nào cũng đều là một cộng đoàn những động vật. chúng ta không chỉ là thế, nhưng cũng có là thế. Phát hiện dấu vết của ta từ trái đất và vật chất vũ hoàn, ta tạo nên một cộng đoàn các sự vật. Ta chia sẻ tiết nhịp hiện hữu với mọi vật chất, tiết nhịp sinh động với mọi thụ tạo ta đang sống, và tiết nhịp tồn tại với mọi hữu thể tự do. Như vậy ta được kêu gọi đến hiệp thông hiện hữu, hiệp thông sự sống, hiệp thông tồn tại.[22]
Quả vậy, chính vạn thể góp phần làm nên bản thân tôi. Từ một sợi tóc trên đỉnh đầu tôi đến các phần khác nơi cơ thể của tôi cũng cần lấy từ vật chất vạn thể. Vạn thể làm nên tôi nên tôi không được phép chối từ nó. Nếu từ chối vạn thể thì cũng có nghĩa là từ chối chính bản thân mình. Vạn thể ở trong tôi và tôi ở trong vạn thể.
Vạn thể còn cho tôi một nguồn sống tinh thần, nghệ thuật. Từ lúc ông mặt trời ló rạng, đánh thức tôi dậy bước vào một ngày mới cho đến khi những tia nắng cuối trời còn sót lại của buổi chiều tà báo hiệu một buổi đêm; và thậm chí ngay cả màn đêm u tối nữa, ta đều cảm nhận được bao nguồn sống của vũ trụ. Tiếng chim hót líu lo trong ánh nắng mai, tiếng ve sầu trong buổi trưa hè, hay giọng buồn bã của chim bìm bịp kêu chiều, tiếng ếch kêu ồm ộp trong đêm mưa tầm tã, tiếng gió thổi những chiếc lá khô xào xạc, những đêm trăng hay đơn sơ như bông hoa dại ngoài đồng, đến tiếng sóng biển rì rào xa xa… tất cả đều cho ta làm nên giá trị nghệ thuật của cuộc đời.
Như vậy, vạn vật trong thế giới này đều đụng chạm đến từng thớ thịt, khơi gợi đến tâm linh của tôi. Nói cách khác, vạn thể chính là “nguồn suối” cho hữu thể ta được tắm gội, vẫy vùng và lớn lên.
Mối tương quan sinh tồn của tôi với mọi hữu thể đem lại cho tôi sự ổn định, căn tính và sự nhất quan. Khi nó không cân bằng với những cấp độ hiệp thông sự sống và hiệp thông tồn tại, thì cấp độ này dường như chỉ dẫn đến hụt hẫng, suy thoái trầm trọng, buông thả con người ta, đần độn tinh thần, ám ảnh và chỉ còn là máy móc. Chỉ nguyên hiệp thông hiện hữu sẽ làm suy giảm những xung năng sự sống của ta. Nhưng một khi được cân bằng với những dạng khác, thì cấp độ tương quan này giúp ta hòa quyện với vũ trụ.[23]
Nhu cầu sống tương quan với thiên nhiên, mà ta cảm nhận trong sâu thẳm nhất hữu thể ta, nổi lên từ thực tại hiện hữu này. Hiệp thông với trái đất, thân mật với môi trường, đồng hóa với thiên nhiên, tự hòa nhập vào vũ trụ… tất cả những điều này nói về hiệp thông hiện hữu, đem lại cho ta sự ổn định, giúp ta bén rễ trong thực tại và hòa nhập ta vào toàn tính của vũ trụ.[24]
Tôi không chỉ sống nhờ vạn vật, mà tôi còn phải biết bảo vệ vạn vật nữa. Sống thân hữu với những hữu thể ngoài con người thì không nhất thiết là tiêu cực. Nó không có nghĩa rằng tôi từ bỏ hoặc thu gọn dạng hiện hữu của mình. Nó có nghĩa rằng chúng ta là những thành viên của cộng đồng mọi thụ tạo sống động. Và trong cùng một cách ta muốn chúng tôn trọng đời sống của ta, thì dần dần ta cũng phải nhạy cảm với việc tôn trọng đời sống của chúng[25]. Kinh nghiệm cho thấy rằng con người thường phải trả giá đắt đối với những gì con người gây hại cho vạn thể, cho thế giới. Những miền vùng ngập lụt trong bão lũ, những vùng miền bị hạn hán là do hậu quả của những cuộc phá rừng, tàn phá môi sinh; thải chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí… gây biết bao bệnh tật cho con người, làm mỏng dần tầng ô-zôn, tầng khí bảo vệ sự sống của trái đất trước sự hủy diệt của tia cực tím mặt trời. Tôi tự hỏi, tôi có góp phần vào những việc đó không? Nếu tôi không có ý thức, đối xử với thiên nhiên một cách vô tội vạ thì tôi đang góp tay hủy diệt vạn vật, dù đó là những việc nhỏ bé tưởng chừng như vô hại song “tích tiểu thành đại”, chẳng hạn như không giữ vệ sinh chung, vứt rác bừa bãi, đặc biệt là những rác khó tiêu hủy. Không chỉ bản thân tôi mà góp chung nhiều người lại, dù “mỗi người chỉ một nắm, một chút” cũng đủ “đắm đò ông”. Như vậy, ơn gọi và sứ vụ của tôi còn được thể hiện ở khía cạnh sống hài hòa với vạn thể, nên một với vạn thể. Tôi sinh tồn và vạn thể cũng sinh tồn. Bảo vệ vạn thể thì cũng là bảo vệ bản thân tôi.
Đó là chiều hướng từ bản thân tôi với tha nhân và chiều hướng từ tha nhân đối với cá nhân tôi. Tự bản chất, tôi là một ngôi vị độc đáo riêng. Song ngôi vị độc đáo này không có nghĩa là tồn tại, một cách biệt lập mà là có mối tương quan với những ngôi vị khác, nói cách khác, ơn gọi của tôi là cần sống tương quan với tha nhân. Vì vậy, tôi không được ganh tị và cũng không được ích kỷ. Tôi đã nhận được ân sủng riêng để thực hiện sứ mệnh của mình, mà sứ mệnh của tôi chính là góp phần xây dựng cái toàn thể là cộng đoàn xã hội, hay nói cách thực tế, tôi trong gia đình hay trong xã hội đều phải thực hiện viên mãn những khả năng của mình để phục vụ cho gia đình, cho xã hội.
Tương quan sự sống mà không có tương quan tồn tại sẽ dẫn tôi đến việc động vật hóa, cô lập và xuống cấp. Tôi sống trong thân thể của mình, nhưng tôi chỉ bắt đầu tồn tại trong thực tại, được xem xét bởi người khác. Không có tương quan tồn tại, sự sống sẽ chết đi. Tôi ước mong tình yêu, sụ ấm áp, việc thừa nhận từ một mối tương quan, chứ không phải là một sự vật hay đồ vật. Cái liếc nhìn của người khác thừa nhận tôi giống như dưỡng khí cho linh hồn tôi, thứ khi tôi cần để nhớ.
Tôi chỉ là tôi trong tương quan hiện hữu với tha nhân hay nhân cách tôi chỉ được hình thành trong sự liên đới yêu thương với người khác. Một bài hát sinh hoạt mà hầu như ai cũng biết đã nói lên điều đó: “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi.. Thế giới này, không ai là một hòn đảo; vườn hoa này, không có loài hoa lạc loài”. Tôi cũng chỉ có thể thực hiện viên mãn hiện hữu của tôi bằng cách thực hiện nó trong tương quan với người khác. Tắt một lời, không ai có thể sống một mình, do đó không ai được sống cho mình, nhưng tất cả là sống với tha nhân và vì thế, cũng phải sống cho tha nhân, đó là sống mối tương quan bằng hữu, huynh đệ. Tôi đối với tha nhân và tha nhân đối với tôi, hai chiều hướng này thật cần thiết và hơn nữa không phải là đối nghịch nhau mà là bổ túc cho nhau. Một cộng đoàn mà tiêu diệt tính cách độc đáo của cá nhân là một cộng đoàn “bất nhân”, ngược lại, cá nhân bất cần cộng đoàn là cá nhân thác loạn, sa đà[26].
Kierkegaard đã từng nói: “Chỉ khi nhìn lại quá khứ, chúng ta mới hiểu được cuộc đời chúng ta.” Chỉ khi nào tôi nhìn lại những chặng đường đời tôi đã qua, tôi mới hiểu rõ được con người tôi hiện nay là ai, và cuộc đời tôi có ý nghĩa gì.
Cuộc sống hiện tại của tôi không hoàn toàn là do ngẫu nhiên. Cuộc đời của tôi hiện nay là sản phẩm của hằng loạt biến cố xảy ra mà tôi ý thức được hay không ý thức được. Có thể nói những biến cố này giống như các bảng chỉ đường hướng dẫn cuộc đời tôi: “đi thẳng lối này”, “lên cầu”, “quẹo trái” “quay chữ U”,… Tất cả các bảng dẫn đường này đã dẫn tôi đến tình trạng sống ngày nay.
Có lúc tôi nghĩ đến biết bao nhiêu khả năng khác có thể làm cho tôi trở nên như thế này hoặc sẽ trở nên như thế kia. Tôi hay nói: “giả như!” giả như chúng ta được sinh ra trong giới tính ngược lại… giả như chúng ta đi học ở những trường khác… giả như tôi gặp những con người đó… giả như chúng tôi chọn một nghề khác… Chỉ một thay đổi nhỏ trong một biến cố cuộc đời tôi cũng có thể kéo theo những thay đổi quan trọng khác. Và với thay đổi đó, có lẽ tôi đã không như bây giờ.
Qua kinh nghiệm của A-đam được sách Sáng Thế diễn tả cho thấy ý nghĩa đích thực của tình liên đới cảm thông trong cuộc sống con người: A-đam được đặt vào trong vườn địa đàng để làm chủ, để “đặt tên” cho muôn loài; nhưng ông không thỏa mãn với “quyền bính”, với “sự giàu có”, với “khả năng hiểu biết như vậy; ông cần có “người đối thoại tương xứng”, cần tìm được tương quan “bình đẳng” và liên vị với người khác. Chỉ khi gặp được E-va, ông mới thốt lên được niềm vui, nói lên sự thành đạt của một vận mạng con người: “và người đã nói: phen này nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi”. Điều này thể hiện thật hay trong từ “người ta”! Nó gồm “ta” và “người”. bởi trong “người ta” có một nửa là của người, một nửa là của ta. Hay nói cách khác “người ta” là trong người có ta, trong ta có người. Mình với ta tuy hai là một… Cho nên khi nói đến con người là nói đến sự liên đới.
Tuổi già là một suy giảm sinh lực của tôi cũng như suy giảm sự tồn tại của tôi. Nguyên nhân đầu tiên của chuyện đó là tăng thêm sự cô độc. “Tôi bắt đầu chết cùng với sự cô độc của mình”, Victor Hugo đã viết thế. Tồn tại có thể chết đi trước cả khi sự sống tan biến[27].
Khao khát được liên đới, được cảm thông hay đúng hơn, được sống hiệp thông là lập trường triết lý căn bản làm nên sứ vụ của cuộc sống. Khi tôi hết lòng tha thiết với ý nghĩa này, mọi nguồn mạch khác sẽ tìm thấy được sức mạnh vô địch và được định hướng một cách chắc chắn để có thể vùng vẫy trong khung trời bao la của mình. Ngược lại, mất đi mối hiệp thông này, cũng có nghĩa là cắt đứt mối tương giao đích thực. Tôi cần được gặp gỡ, không phải chỉ bằng lý trí với lý trí hay tinh thần với tinh thần, mà còn là hiện sinh với hiện sinh. Chỉ có sự cảm thông như thế mới làm cho con người tôi sống thực và sống sung mãn; vừa đồng thời rất tự do, vừa liên đới với người khác một cách tự do; vừa đồng thời nhận ra con người của mình, vừa nhận thấy giá trị “tuyệt đối” nơi tha nhân. Trong tương quan giữa tôi với người, bao giờ cũng phải biết cho và nhận, biết tỏ bày, biết lắng nghe và biết khám phá. Tha nhân không phải là một cục đất sét để tôi tha hồ nhào nắn, uốn nắn thế nào cũng được. Con người, mỗi người không bao giờ hoàn toàn là đối tượng, nhưng thiết yếu là một chủ thể.
Trong tương giao, cái tuyệt hảo nhất không phải là quyền lực, mà là yêu thương. Chỉ với tâm hồn với tình yêu thương, chân lý căn bản nhất mới được bộc lộ. Đó chính là sống cần có “một tấm lòng”, một tấm lòng chia sẻ yêu thương như lời bài hát nào của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; “Sống trên đời cần có một tấm lòng”. Do vậy, “sống với” là sống cảm thông, sống yêu thương, và lại yêu thương người cũng chính là yêu thương bản thân mình.
4.1 Tôi hiện hữu nhờ Thiên Chúa
Ngay trong những trang đầu của cuốn sách “Nhân Học Ki-tô” của Karl Rahner ông viết: “Con người là nhân vị và chủ thể. Một tương quan nhân vị với Thiên Chúa, lịch sử đối thoại cách chân thành về sự cứu rỗi giữa Thiên Chúa với con người, việc chấp nhận ơn cứu rỗi vĩnh cửu mang tính độc nhất và của riêng cá nhân, khái niệm về trách nhiệm trước Thiên Chúa và sự phán xét của Người, tất cả những khẳng định ấy thuộc về Ki-tô giáo. Để khẳng định vấn đề này phải được giả thích cách chính xác hơn, hàm ý về con người là gì? Nhân vị và chủ thể”.
“Con người là hữu thể siêu việt. Để minh chứng cho điều này ông đã giải thích như sau: Mặc dù sự hữu hạn của hệ thống con người, con người luôn luôn hiện diện với chính mình trong tính toàn thể của họ. Con người có thể đặt câu hỏi về mọi sự. Trong sự mở ra với moi sự và bất cứ sự gì, bất cứ điều gì có thể được bày tỏ, tối thiểu vẫn có thể là một câu hỏi cho con người. Thực tế, con người khẳng định khả năng của một chân trời thuần hữu hạn trong việc đặt ra những câu hỏi ấy, khả năng ấy đã vượt qua, và con người chứng tỏ mình là một hữu thể với một chân trời vô hạn. Con người là một hữu thể siêu việt bao lâu tất cả mọi tri thức và mọi hoạt động có ý thức của họ có nền tảng trong tiền tri thức của “hữu thể” như thế, trong một tri thức về vô hạn của thực tại có tính vô chủ đề, nhưng luôn luôn hiện diện[28].
Tôi, con người lệ thuộc. Mặc dù tôi là một chủ thể tính tự do, tôi kinh nghiệm những sự khác tôi. Tôi đang sử dụng tôi cách tùy ý, sự tùy ý nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Trước hết, tôi được cấu tạo như chủ thể siêu việt, tôi sống trong sự hiện diện của hữu thể như mầu nhiệm, một mầu nhiệm thường xuyên tỏ lộ chính mình và cùng lúc ấy, lại tiềm ẩn chính mình. Tôi, con người chịu điều kiện của thế giới và lịch sử. Tôi luôn kinh nghiệm, tôi vừa trong hoạt động giữa thế giới và vừa trong suy tư mang tính lý thuyết và khách quan như một người được ân ban trước một hoàn cảnh lịch sử trong thế giới sự vật và tha nhân. Tôi nhận được sự ân ban ấy mà chính tôi, tôi không có chọn lựa cho chính tôi, cho dù, trong và qua sự ân ban này, tôi khám phá ra và có ý thức về sự siêu việt.[29]
Mỗi lần tôi nhìn ngắm mình trong gương, tôi tự nhủ: “Phải có một Đấng quyền năng lắm đã tạo tác nên tôi?”! Những bộ phận nào là số hai trên cơ thể đều nằm ở hai bên, còn những bộ phận nào là số một thì đều nằm ở giữa… Thật cân xứng, dễ coi như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, nhưng cũng vô cùng độc đáo. Các bộ phận đều hết sức hữu dụng, từ đôi lông mày tưởng chừng như bé nhỏ nhưng lại rất hữu ích trong việc ngăn cản mồ hôi chảy vào mắt; hai lỗ mũi không quay lên để tránh nước mưa rơi hết vào mũi và chảy vào phổi, đến sự khéo léo của đôi bàn tay, khả năng “ghê gớm” của bộ não… Bao nhiêu điều huyền diệu trên con người tôi mà tôi không thể lý giải được hết. Chẳng lạ gì khi một người không Công giáo, nhà Nho Nguyễn Gia Tường nói: “Thượng Đế là nhà khoa học vĩ đại và toàn năng nhất. Con người làm được cái này cái kia vì Thượng Đế mặc khải cho một tí thôi”. Bản thân tôi, tôi luôn xác tín rằng chính Thượng Đế đã tạo nên tôi và cho tôi hiện hữu. Tôi sống là nhờ Ngài và trong sự an bài của Ngài.
Đối với tôi, khía cạnh thiêng liêng này là cấp độ hiệp thông huyền nhiệm nhất. Nó được diễn tả qua những ý tưởng, cảm nhận, giấc mơ, không tưởng và tính sáng tạo không ngừng. Hiệp thông ở cấp độ này chẳng bao giờ kín múc hết được, luôn đòi hỏi và cống hiến hiệp thông nhiều hơn, thậm chí sâu sắc hơn. Nó chẳng bao giờ được thỏa mãn. Nơi ta có một khao khát vô biên, không thể nguôi ngoai, khiến tôi cứ mãi là những kẻ ăn mày. Nỗi nhung nhớ này của tâm trí, về mọi sự, nuôi dưỡng nơi tôi một cuộc tìm kiếm không ngừng. Hiệp thông ở cấp độ này hết sức mãnh liệt[30].
Như trên đã trình bày, tôi sống tương quan với vạn thể và mang ơn vạn thể. Vậy lẽ nào tôi không mang ơn Đấng tạo thành vạn thể, cho vạn thể tồn tại sao? Tôi cám ơn vạn thể thì trước hết và trên hết phải cảm tạ Đấng làm nên vạn thể cho tôi. Vạn thể tuyệt vời như tôi đang thấy, đang ngắm… thì Đấng làm ra vạn thể lại không tuyệt vời hơn vạn thể sao! Quả thật, với Đấng làm ra vạn thể, tôi chỉ biết cúi đầu cảm tạ và ca tụng quyền năng và tình thương của Ngài: Ngài làm nên vạn thể cho tôi và Ngài tạo dựng nên tôi, cho tôi đôi mắt để ngắm nhìn cảnh đẹp, đôi tai để tôi nghe âm điệu diệu huyền của cuộc sống; cho tôi miệng để nói, để cười; cho mũi để ngửi hoa hương; cho tôi trí óc để suy nghĩ về ơn gọi và sứ vụ làm người của tôi; cho tôi trái tim để nghe lòng thổn thức trước các mối tương quan; cho tôi đôi tay, để làm nên cảnh đẹp và xây dựng đời đẹp; cho chân tôi bước, bước đến mối tương quan và bước dần về đường thiện hảo là chính Ngài, hiệp nhất với Ngài. Tương quan giữa tôi và Thượng Đế là tương quan giữa hữu hạn và vô hạn, mối tương quan đóng ấn cho khát vọng vô biên của tôi.
Do vậy, ơn gọi của tôi còn thể hiện trong tâm tình tri ân Thượng Đế và niềm vui hiệp nhất với Ngài.
Lời mời gọi khám phá và sống ơn gọi và sứ vụ của mình là lời mời gọi từ thẳm sâu trong tâm hồn. Lời mời gọi đó lôi kéo và dệt nên cuộc đời của tôi. Tôi cần phải trung thành, trân trọng sứ vụ của mình. Điều đó làm cho tôi hạnh phúc, bình an. Aristote cho rằng bản chất của hạnh phúc là hệ tại “hành động phù hợp với sứ vụ cao cả của con người”. Tôi chỉ đạt được hạnh phúc viên mãn khi thực hiện đầy đủ ơn gọi và sứ vụ làm người vì bản thân tôi được tạo nên và phát triển từ trong các mối tương quan. Như vậy là tôi đang quay về với một nền đạo học của triết lý Đông Phương sao cho thiên thời-địa lợi-nhân hòa.
Trong cuộc hành trình vào nội tâm để tiếp cận bản chất con người của tôi, điều đặt vấn đề mà tôi tự hỏi: “Thực sự tôi là ai?” Điều lạ lùng đó là nhiều lần tôi chỉ giới hạn việc định nghĩa mình trong những vai trò tôi đang đóng, những đức tính tôi đang có, hoặc những công việc tôi đang dấn thân làm. Nhưng tôi có phải là chính những vai trò, các tính năng, các công việc của tôi không? Nếu bỏ tất cả những thứ đó qua một bên, tôi thực sự thấy mình là ai?
Các nhãn hiệu tôi tự gán cho mình, hay được người khác gán cho, dù đó là những vai trò, các bổn phận, hoặc những đức tính, các việc làm, tất cả đều do tôi tiếp thu được từ bên ngoài. Chúng ta có thể không học được những thứ đó. Và thậm chí chúng ta có thể học được những cái mới hơn. Tôi cần phải đi sâu hơn đến với cái gì là căn bản nhất trong bản thể của mình. Tôi là một hữu thể được trang bị một tinh thần của con người, có nhiều tiềm năng, có khả năng trước hằng triệu khả thi. Và tôi hoàn toàn tự do để chọn lựa là con người đích thực của tôi như tôi mong muốn.
Vì vậy, khi rà soát lại những mô tả đã liệt kê, tôi không quên điểm sâu thẳm nhất, cơ bản nhất của con người tôi. Tôi không quên bản chất con người mình. Không đồng nhất con người tôi với những chức năng, những bổn phận, những đức tính, những công việc của mình. Và kết thúc bài tiểu luận này tôi xin mượn lời của Leo Buscaglia rằng: “Có thể nói rằng biểu hiện vĩ đại nhất của bạn đối với tình yêu thương là nói được câu này: tôi hiện hữu và tôi hiện hữu không phải chỉ riêng cho bản thân tôi nhưng cho hết mọi người.”
[1] Phan Tấn Thành, Hỏi đáp về ơn gọi, Rô-ma, 2006, tr.07.
[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 263.
[3] Jose Cristo Ray Garcia Partdes, Bản Việt ngữ Đời tu và sứ vụ, Đỗ Ngọc Bảo dịch, 2008, tr. 78.
[4] G. N Machusin, Bản Việt ngữ Nguồn gốc loài người, Phạm Thái Nguyên dịch, NXB. Khoa Học Kỹ Thuật Hà Nội, 1986, tr. 11.
[5] Samuel Enoch Stumpf, Bản Việt ngữ Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy dịch, NXB. Lao Động 2004, tr. 57.
[6] Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, NXB. Văn Học, 2005, tr. 115.
[7] Ibid., tr. 115.
[8] Ibid., tr. 120.
[9] Ibid., tr. 148.
[10] Lê Tôn Nghiêm, Đâu là căn nguyên tư tưởng, NXB. Văn Học, 2007, tr. 5.
[11] Ibid., tr. 6.
[12] Ibid., tr. 18.
[13] Ibid., tr.19.
[14] Ibid., tr.24.
[15] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, NXB. Văn Học, 2008, tr. 22-23.
[16] Ibid., tr. 99.
[17] Ibid., tr. 113.
[18] Ibid., tr. 134.
[19] Ibid., tr. 136.
[20] Ibid., tr.136-137.
[21] “Ơn Gọi”, Vocabulaire de Thesologie Biblique, Bản Việt ngữ Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Tập III, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh PIO X, 1974.
[22] José Cristo Rey Garcia Paredes, Bản Việt ngữ Đời tu hiệp thông và cộng đoàn, Đỗ Ngọc Bảo dịch, 2008, tr. 14.
[23] Ibid., tr. 15.
[24] Ibid., tr. 15-16.
[25] Ibid., tr. 16.
[26] Xc. Nguyễn Trọng Viễn OP, Triết học nhập môn, 1995, tr. 100-1001
[27] Ibid., tr. 18.
[28] Karl Rahner, Bản Việt ngữ Nhân học Ki-tô, Nguyễn Luật Khoa dịch, NXB Bách Khoa, 2010, tr. 65, 68.
[29] Xc. Karl Rahner, Bản Việt ngữ Nhân học Ki-tô, Nguyễn Luật Khoa dịch, NXB Bách Khoa, 2010, tr. 81
[30] Ibid., tr. 20.