ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2023
Các con thân mến,
Không khí của Mùa Giáng Sinh trong những ngày này đang nhộn nhịp với những trang hoàng rực rỡ. Lúc 5 giờ chiều ngày 09 tháng 12 vừa qua, tại Quảng trường Thánh Phêrô, khi tiếp kiến hai phái đoàn do Đức Hồng y Thống đốc thành Vatican tặng Cây thông và Hang đá máng cỏ năm nay cho Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng: “Đứng trước mỗi máng cỏ, cả những máng cỏ trong gia đình chúng ta, chúng ta nghĩ lại những gì xảy ra cách đây 2.000 năm tại Bêlem, và điều này phải thức tỉnh nơi chúng ta sự tưởng nhớ thinh lặng và kinh nguyện trong đời sống thường nhật huyên náo, với bao nhiêu hoạt động miệt mài. Thinh lặng để có thể lắng nghe điều Chúa Giêsu nói từ máng cỏ. Cầu nguyện để biểu lộ sự kinh ngạc biết ơn, sự dịu dàng, và có thể là cả nước mắt mà cảnh tượng hang đá máng cỏ gợi lên nơi chúng ta”. Từ những lời nhắn nhủ thật gần gũi này, cùng với các con bước vào Mùa Giáng Sinh năm nay, cha muốn chia sẻ một chút suy nghĩ về Mầu Nhiệm lớn lao này.
1. Giáng sinh trong những bức tranh.
Năm nay kỷ niệm 800 năm Thánh Phanxicô đã thiết kế máng cỏ đầu tiên. Ngài muốn mô tả lại khung cảnh Chúa Giáng Sinh làm người tại hang đá Bêlem, để nhắc nhở mọi người về mầu nhiệm trọng đại này. Chắc chắn rằng hình ảnh không phải là thực tại của mầu nhiệm, nhưng sự hiện hữu của máng cỏ Chúa Hài Đồng trong suốt tám thế kỷ qua đã không dừng lại ở việc trang trí, mà nó còn giúp cho người ta có được những cảm xúc đức tin cần thiết, để sống những tinh thần và thông điệp của mầu nhiệm ấy. Trong ý hướng đó, chúng ta cùng nhìn về sự kiện Chúa Giáng Sinh trong ba bức tranh tiêu biểu.
1.1. Không có chỗ trong nhà trọ
Phúc âm thuật lại là đang trên đường cùng với Thánh Giuse trở về quê khai sổ bộ theo lệnh của Hoàng Đế Au-gút-tô, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Không thể khác hơn được nữa, việc cần phải làm lúc này chính là tìm một quán trọ để trú ngụ qua đêm và cũng là một nơi căn bản để có thể ứng phó trong trường hợp bà Maria sinh con. Thế nhưng một câu chuyện đáng buồn xảy đến, chủ nhà trọ chối từ tất cả. Việc từ chối này đã đưa đến một kết quả mà cho đến hôm nay, khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài đồng, người ta vẫn luôn thắc mắc: tại sao một Thiên Chúa quyền năng lại giáng trần trong một nơi thương tâm và lạnh lẽo như thế? (x. Lc 2, 1 – 6). Nếu được biết trước về sự kiện này, thì đây sẽ là một bức tranh hoàn toàn trái ngược với những gì người ta có thể hình dung về cuộc giáng trần của Đấng Cứu Thế. Người đã được sinh ra trong những nghịch lý của con người chúng ta. Bởi vậy, khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng, các con đừng cố gắng tìm cách lý giải tại sao hay như thế nào, mà hãy liên kết bức tranh này với một lời cầu nguyện chân thành: Chúa đã chấp nhận sinh ra trong bần cùng túng thiếu, xin cho tất những ai đang lầm than khốn khó, cũng tìm được niềm an ủi và khích lệ trong tình thương của Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
1.2. Giờ của các mục đồng
Trong một thế giới cậy vào tài trí con người, ca tụng sự thông minh, đề cao nghiên cứu khoa học hơn là quy hướng về Thiên Chúa, mà cuối cùng chẳng đưa con người đến những điều tốt lành hơn, sự dữ đã và vẫn đang tồn tại, Luca thánh sử lập lại tuyên bố của tiên tri Isaia một chương trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18; x. Is 61, 1 – 2a). Chương trình cứu chuộc ấy, trong bức tranh của Mầu nhiệm Giáng Sinh, các mục đồng chính là những người đầu tiên được đón nhận. Những nông dân nầy không có máy kéo hiện đại, chẳng có công trình khoa học, không bằng cấp chuyên môn, họ chỉ có duy nhất một tấm lòng thành, một tấm lòng quy hướng về Chúa của mình. Bởi đó, khi nghe sứ thần loan báo, họ không cần suy nghĩ, cũng chẳng phải đắn đo, nhanh chóng đi đến nơi và thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Điều đáng khâm phục nơi những con người đơn sơ này, đó chính là khi ra về, “họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2, 20). Chúng ta hãy bắt chước các mục đồng trong bức tranh này, luôn biết ca tụng Chúa vì những ơn lành Người đã ban trong cuộc sống. Ước gì lời ca tụng ấy trở thành niềm vui Kitô hữu, luôn hiện diện và sẵn sàng lan tỏa đến những người chúng ta gặp gỡ.
1.3. Bò và Chiên bên trong hang đá
Những “nhân vật” nơi bức tranh thứ ba này, trong góc độ mỹ thuật, nó được nhìn như những vật trang trí cho hang đá Bêlem thêm sống động và phù hợp với bối cảnh mà phúc âm tường thuật về nơi Chúa sinh ra (x. Lc 2, 7). Nhưng khi nhìn ở góc độ đức tin, ta có thể nhận ra rằng: nếu như ngôi sao lạ kia, trong thinh lặng tuyệt đối của mình, đã trở nên dấu chỉ mạnh mẽ cho các nhà đạo sĩ tìm đến nơi hang đá Chúa Hài Đồng, thì sự hiện diện rất thinh lặng nơi hang đá này, những chú bò và chiên cừu đã góp phần làm cho tiếng hát của Thiên Thần được vang xa vào một thế giới đầy ồn ào náo nhiệt: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Lời ca tụng này cũng khẳng định với chúng ta rằng: Chúa Giáng sinh làm người cho cả thế giới chứ không dành riêng cho một cá nhân hay một tổ chức nào. Việc giáng sinh của Chúa Giêsu là quà tặng cho cuộc sống này, một cuộc sống của hòa bình và nhân ái. Không có Chúa hiện diện, thì không một chính phủ hay một nền triết học hoặc khoa học nào có thể mang lại được điều đó. Chúng ta cũng nhận ra một bài học rất nhân văn từ bức tranh này. Trong thế giới của tốc độ và tiếng ồn từ mọi phương diện, sự thinh lặng là một điều rất cần thiết để tạo sự quân bình cho cuộc sống. Noi gương Mẹ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19), chúng ta hãy dành cho Chúa một khoảng thinh lặng nào đó trong cầu nguyện và suy niệm trong lòng những biến cố đã xảy ra qua việc giáng sinh của Chúa Giêsu.
2. Giáng sinh trong Mầu nhiệm
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Đó là một mầu nhiệm lớn và quan trọng trong đức tin Kitô giáo. Nơi Mầu nhiệm này, chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa vĩnh cửu và là Con của Chúa Cha hằng hữu, bởi phép Chúa Thánh Thần đã được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, được sinh mà không phải được tạo thành, trở thành con người vì chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Kinh Tin kính Nicea). Mầu nhiệm đó, trước hết dẫn đưa tâm trí chúng ta sự vĩnh cửu từ muôn đời của Ngôi Lời bởi Chúa Cha: “Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (Tv 110, 3) và sau đó hướng sự chú ý của chúng ta trở lại thời điểm Đấng Vĩnh Cửu vượt qua ngưỡng cửa thời gian, bước vào không gian của trần thế, trở thành con người không phải bởi sự trợ giúp của tình phụ tử nhân loại, nhưng bằng cách mượn xác thịt của chúng ta từ một người phụ nữ tinh tuyền là Đức Maria, Mẹ Đồng trinh.
Đối lập với bóng đêm của sa ngã trong Vườn Địa Đàng, Mầu nhiệm Giáng sinh sẽ là bình minh của Ơn Cứu Chuộc, đặt nền tảng cho tinh thần dưỡng tử của chúng ta trong mối liên hệ mới với Thiên Chúa qua trung gian của Chúa Giêsu. Xác tín điều đó, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 457 viết “Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa : Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4, 10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4, 14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi”(1 Ga 3, 5)”. Sự giáng sinh này sẽ lấp đầy những khoảng trống của tuyệt vọng vì sa ngã, sẽ thành toàn cho niềm hy vọng về sự bất diệt trong hạnh phúc với Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Mặc dù không xuất hiện trong khung cảnh giáng sinh, nhưng dựa trên lời ca tiếng hát của muôn sứ thần trên bầu trời Bêlem mà Thánh sử Luca đã thuật lại, chúng ta tin rằng sự kiện giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã phát xuất từ cung lòng Chúa Cha : “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2, 7).
Các con thân mến,
Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta sẽ vui mừng kỷ niệm lần thứ 2023, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Chúng ta có thêm một cơ hội nữa để đứng trước Hang đá máng cỏ Chúa Hài Đồng, nhìn ngắm và cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều này đòi buộc chúng ta một niềm tin, vì đó là một mầu nhiệm, nghĩa là nó luôn vượt ra khỏi lý luận và trí óc con người. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 463 đã dạy: “Tin vào việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo. “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến, và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa”” (1 Ga 4, 2). Ước mong rằng, cùng với những bài học đạo đức nhỏ nơi các bức tranh mà cha đã liệt kê ở trên, các con hãy tin và thể hiện niềm tin vào mầu nhiệm tình thương này bằng những việc làm cụ thể bởi lòng yêu mến của mình dành cho một người khác.
Cũng qua những thuật ngữ được diễn tả này, với tất cả lòng yêu mến và chân thành, cha chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch cho tất cả các con, những học sinh, sinh viên Công giáo trên khắp mọi miền đất nước. Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu ban thêm niềm tin cho các con. Xin Người ban cho các con và toàn thể gia quyến mọi điều an lành và hạnh phúc.
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2023.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo