“Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.
Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 3, 13-20
“Ta là Ðấng tự hữu. Ðấng tự hữu sai tôi đến với anh em”.
Trích sách Xuất Hành.
(Khi nghe tiếng Thiên Chúa phán ra từ giữa bụi gai), Môsê thưa với Người rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ có hỏi con “Tên Người là gì”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Ðấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”.
Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ. Ngươi hãy đi họp các kỳ lão Israel lại và bảo họ rằng: Chúa là Thiên Chúa tổ phụ anh em, là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp hiện ra với tôi và phán rằng: Ta đã thăm viếng các ngươi, Ta đã thấy tất cả những sự ngược đãi đối với các ngươi trong đất Ai-cập, nên Ta nói rằng: Ta sẽ dẫn đưa các ngươi khỏi cảnh khốn khó ở Ai-cập, mà đem vào đất Canaan, Hêthê, Amorrha, Phêrêzê, Hêvê và Giêbusa, là đất chảy đầy sữa và mật.
“Chúng sẽ nghe lời ngươi. Vậy ngươi và các kỳ lão Israel hãy đi đến vua Ai-cập và tâu cùng vua rằng: Chúa là Thiên Chúa người Do-thái đã gọi chúng tôi. Chúng tôi phải đi ba ngày đàng lên nơi hoang địa, để tế lễ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.
“Nhưng Ta biết rằng vua Ai-cập sẽ không để cho các ngươi ra đi đâu, trừ khi ra tay hùng mạnh. Vì thế Ta sẽ giơ tay ra đánh phạt Ai-cập bằng những phép lạ mà Ta sẽ làm giữa họ. Khi đó, vua mới để cho các ngươi đi”.
Ðáp Ca: Tv 104, 1và 5. 8-9. 24-25. 26-27
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước
Hoặc đáp: Alleluia.
Xướng: Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người; hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ, và những điều miệng Người phán quyết. – Ðáp.
Xướng: Tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với Isaac. – Ðáp.
Xướng: Chúa đã khiến dân Người sinh sản rất đông, và làm cho họ uy dũng hơn cả quân thù. Người đã đổi lòng chúng để chúng ghét dân Người, và đối xử gian ngoan với các tôi tớ của Người. – Ðáp.
Xướng: Bấy giờ Người đã sai Môsê là tôi tớ của Người và Aaron mà Người đã chọn. Các ông thực hiện những phép lạ của Người giữa bọn chúng, và những điều kỳ diệu trong lãnh thổ họ Cam. – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) Is 26, 7-9. 12. 16-19
“Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và hãy nhảy mừng”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðường lối người công chính thì ngay thẳng, Chúa ban cho bằng phẳng đường nẻo của người công chính. Lạy Chúa, chúng con cậy trông Chúa trong đường xét xử của Chúa. Thánh danh và sự kính nhớ Chúa là sự ước mong của tâm hồn. Ban đêm hồn con khát khao Chúa, và sớm mai khi thức dậy, lòng trí con hướng về Chúa. Từ khi Chúa thực hiện việc xét xử ở trần gian, thì người dương thế học biết sự công chính.
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ơn bình an, vì mọi việc chúng con làm, đều do Chúa làm cho chúng con.
Lạy Chúa, trong cơn hoạn nạn, chúng con đã tìm kiếm Chúa, và trong khi Chúa sửa dạy, chúng con kêu van đến Chúa. Lạy Chúa, trước tôn nhan Chúa, chúng con khác nào như đàn bà mang thai sắp sinh, kêu la đau đớn. Chúng con cưu mang, chúng con đau đớn như phải sinh con.
Chúng con không mang lại sự cứu độ cho trần gian, và không còn người sinh ra trên trần gian. Người chết của Chúa sẽ được sống, các xác chết của con sẽ sống lại. Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và nhảy mừng, vì sương Chúa là sương ánh sáng, và trái đất sẽ làm tái sinh u tối.
Ðáp Ca: Tv 101, 13-14ab và 15. 16-18. 19-21
Ðáp: Từ trời cao xanh Chúa đã quan sát địa cầu (c. 20b).
Xướng: Phần Chúa, lạy Chúa, đời đời còn mãi và danh Ngài tồn tại đời nọ tới đời kia. Xin Ngài đứng lên, thương xót Sion, nay là thời để Ngài quan tâm phù trợ. Các bầy tôi ưa thích tường hoa móng đá, và ngậm ngùi thương đống gạch tro hoang tàn. – Ðáp.
Xướng: Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. – Ðáp.
Xướng: Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.
Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” – Alleluia.
Tin Mừng: Mt 11, 28-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
Chúa sẽ bổ sức cho
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
Suy niệm: Thân phận làm người luôn gắn liền với gánh nặng. Gánh nặng cuộc sống: của cơm áo gạo tiền, của bệnh tật tuổi tác. Gánh nặng trách nhiệm: cha mẹ có gánh nặng nuôi dạy con cái, đảo lại, con cái cũng có gánh nặng phụng dưỡng báo hiếu. Lắm khi gánh nặng dường như quá sức chịu đựng của mỗi người. Chúa Giê-su luôn chạnh lòng thương xót trước nỗi đau khổ đó của con người, nên Ngài mời gọi những ai “vất vả mang gánh nặng nề” hãy đến với Chúa và Ngài sẽ cho “nghỉ ngơi bồi dưỡng”. ‘Nơi chốn’ bạn có thể đến “nghỉ ngơi” chính là Thánh Tâm Chúa, ‘nơi’ đó bạn được ‘giảm tải’ gánh nặng, ‘xả’ được những căng thẳng do những khó khăn thử thách trong cuộc sống gây nên. Bạn còn cần được “bồi dưỡng” tâm linh nhờ nguồn lực là Thánh Thể Chúa, nhờ đó bạn được phục hồi năng lượng thiêng liêng cũng như được chữa lành các thương tích tâm hồn.
Mời Bạn: Đến với Chúa để “nghỉ ngơi bồi dưỡng” không phải là trút cho Ngài cái gánh nặng của cuộc sống mà là để nhận được sức mạnh của tình yêu Chúa, nhờ đó gánh nặng trở nên “êm ái nhẹ nhàng”. Không dừng lại ở đó, Ngài còn mời gọi bạn “mang lấy ách của Chúa”, là “vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” (Lc 9,23) để tham gia vào công trình cứu độ với Ngài.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên “nghỉ ngơi bên Chúa” bằng cách viếng Thánh Thể hoặc dành thời gian thinh lặng để tâm sự với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa đừng cất đau khổ khỏi đời con, nhưng cho con luôn bám chặt lấy Chúa trong mọi cơn đau khổ. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Lời kêu gọi thật ngọt ngào! Lời kêu gọi chất chứa mối đồng cảm sâu xa với tất cả những kiếp đời đen bạc, lầm than, thống khổ. Lời kêu gọi ấy đến từ trái tim Đức Giêsu, vị Mêsia đến thi hành sứ vụ chữa trị và giải phóng toàn diện. Dọc theo các trang Tin mừng, ta gặp một Giêsu luôn đồng hành với những con người bất hạnh: câm, điếc, đui, què, phong hủi, quỉ ám … Không chỉ là những khổ đau thân xác, còn trùng trùng những nỗi xót xa trong tâm hồn nữa: bà góa mất con, người phụ nữ ngoại tình, những người thu thuế… Gặp gỡ Đức Giêsu, tất cả được trả lại niềm vui, được trao ban tràn trề niềm hy vọng. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”… Tất cả, vâng, không trừ một người lầm than khốn khổ nào; bởi vì Đức Giêsu muốn ôm trọn, ôm hết những đắng cay của nhân loại vào trong trái tim Người.
Xã hội của chúng ta hôm nay là một xã hội phân hoá giàu nghèo. Người giàu thì tiền bạc thừa mứa, người nghèo thì rách nát, xác xơ. Và cả người giàu lẫn kẻ nghèo đều bị đè nặng bởi các áp lực căng thẳng. Ai cũng có những nỗi khổ của mình. Ngoài xã hội đã thế, mà trong các cộng đoàn Giáo Hội xem chừng vẫn thế. Chúng ta cần đến với Đức Giêsu để được “nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Đến với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ gặp được một ách êm ái và một gánh nhẹ nhàng. Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ. Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực bên ngoài phải giữ các luật lệ, nhưng nếu có tình yêu bên trong thì lại dễ làm theo sự thúc đẩy của luật lệ. Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Chúa Giêsu.
Mỗi ngày, dù ở đâu và làm gì, chúng ta cũng hãy dành ít phút thật chất lượng để sống thân mật với Đức Giêsu. Đời sống chúng ta đầy phong ba thử thách, xin Chúa xoa dịu những khổ đau và cho chúng ta biết vững tin vào Chúa.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 15 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu, biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình.
Muốn tránh mọi điều bất xứng, thì phải nghe theo lời các ngôn sứ của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách các Vua quyển I cho thấy: Con người nghe lời Chúa mà bịt mắt bưng tai là tự mình giết mình. Đó là bài học có thể rút ra từ cái chết của vua Akháp. Còn bổn phận của người nói lời Chúa là phải trung thành, không tìm cách làm vừa lòng người ta, cũng không tìm cách sửa đổi sứ điệp, hay nói cho nhẹ đi, vì bất cứ một thứ ý thức hệ nào đó của con người. Các ngươi chớ để cho mình bị lầm lạc vì các ngôn sứ đang ở giữa các ngươi, bởi vì chúng nhân danh Ta mà tuyên sấm điều dối trá cho các ngươi. Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.
Muốn tránh mọi điều bất xứng, thì phải tin để được đóng ấn Thánh Thần, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Thiên Chúa Cha đã ghi dấu trên bạn, Chúa Kitô đã tăng sức và ban Thần Khí làm bảo chứng trong lòng bạn… Một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta. Thiên Chúa đã xức dầu cho chúng ta, Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.
Muốn tránh mọi điều bất xứng, thì phải khao khát, khắc khoải tìm kiếm Chúa, để được Chúa đoái thương, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa, trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải… Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng, và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 101, vịnh gia cũng đã cho thấy: Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần. Điều này phải ghi lại cho đời sau được biết, dân hậu sinh phải ca tụng Chúa Trời. Vì Chúa đưa mắt từ tòa cao thánh điện, từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần, để nghe kẻ tù đày rên siết thở than và phóng thích những người mang án tử.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Bởi vì, áo Đức Kitô đã nên trắng như tuyết, khi Người cho thấy vinh quang Phục Sinh, qua biến cố Hiển Dung, cho nên, Chúa đã dùng ngôn sứ Isaia mà phán trước: Tội các ngươi dầu có đỏ như son, Ta cũng sẽ làm cho ra trắng như tuyết. Một khi đã mang trên mình tấm áo lãnh nhận trong phép Rửa tái sinh, Hội Thánh nói lên lời của người yêu trong sách Diễm Ca: Này các thiếu nữ Giêrusalem, da tôi đen nhưng nhan sắc mặn mà: Đen, vì Hội Thánh phải mang thân phận con người yếu đuối, nhưng, nhan sắc mặn mà, là nhờ ân sủng; Đen, vì Hội Thánh bao gồm những tội nhân, nhưng, nhan sắc mặn mà, là nhờ đức tin. “Ách” nặng nề sẽ trở nên “gánh” nhẹ nhàng, và ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, nhờ ân sủng Chúa ban và lòng tin của ta: được thể hiện qua thái độ hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Ước gì ta luôn biết cộng tác với ân sủng của Chúa, để tránh xa mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì xứng hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Hãy đến với Chúa
1. Chúa Giêsu kêu gọi những kẻ khổ cực lầm than đến với Ngài để được nâng đỡ giúp sức. Chúa Giêsu ở giữa con người, sống kiếp con người. Ngài cảm thông với tất cả những lao đao, khốn cùng của con người. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng. Hãy đến với Chúa là mạch tình yêu. Tình yêu ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng.
2. “Đang vất vả mang gánh nặng nề (Mt 11,28).
Gánh nặng nào đây ? Đó là lề luật thời Chúa Giêsu. Do thái giáo có lề luật phải giữ chi li hơn 600 điều mà Biệt phái đè nặng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng”chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu kêu gọi dân theo Ngài vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabat” đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
3. “Tất cả những ai đang vất vả… hãy đến” (Mt 11,28).
Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu cách tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc lá, hay tệ hơn nữa trong xì ke ma túy. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho mọi người Kitô hữu chúng ta một phương thế siêu nhiên để vượt qua những thử thách, buồn phiền để được an bình tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa :”Hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
– Đến với Chúa để học cách sống của Ngài.
– Đến với Chúa để sống như Ngài giảng dạy.
– Đến với Chúa để đón nhận tình thương của Chúa : vì Chúa là nguồn an ủi.
4. “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 114,29).
Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Rap-bi xưa quen dùng , hàm ý nhìn nhận ai là thầy.
Trường học của Chúa Giêsu, người theo học được mời gọi sống theo gương mẫu của Ngài : hiền lành và khiêm nhường, nghĩa là bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới giữa mọi người, đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và đàn áp.
Khi biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, nghĩa là không hận thù, không bạo động, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội (Trần Hữu Thành).
5. “Vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
Thực ra, trước Chúa Giêsu mấy trăm năm, nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương :”Nhu nhược thắng cương cường” : lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mới hiểu và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong “Tám mối phúc thật” :”Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
6. Truyện : Lạn Tương Như và Liêm Pha.
Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi… Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lình tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như :
– Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy ? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi, không ở nữa.
Tương Như nói :
– Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không ?
Bọn xá nhân đáp :
– Không.
Tương Như nói :
– Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư ? Nhưng ta nghĩ, Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng :
– Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.
Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng :”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng :”Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau (Nguyễn Duy Cần, Cái DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163).