Trong Thánh Kinh và Phụng vụ, từ “mầu nhiệm” có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ngôn ngữ thường ngày.
► Đâu là nguồn gốc của từ “mầu nhiệm”?
Từ “mầu nhiệm” xuất phát từ tiếng Hy Lạp “mustèrion”. Thuật ngữ này xuất hiện trong Thánh Kinh tiếng Hy Lạp nơi một số cuốn sách muộn về sau thuộc văn chương khải huyền và trào lưu khôn ngoan. Theo cuốn Từ vựng Thần học Thánh Kinh (1), “nó có nền là tiếng Aram, râz, có nghĩa là “một điều bí mật”, và tương ứng với từ sôd (“bí mật”) trong tiếng Do Thái cổ điển”.
Nhưng bí mật này không nhằm mục đích mờ ám hay che giấu. Đang khi, trong ngôn ngữ đời thường, từ “mầu nhiệm” ám chỉ một điều gì đó khó hiểu hoặc thậm chí không thể hiểu được, thì trong Thánh Kinh, từ này ám chỉ những bí nhiệm của Thiên Chúa phải được mặc khải. Đây là lý do tại sao Kitô giáo được phân biệt hoàn toàn với các trào lưu bí truyền và ngộ đạo vốn duy trì cách tiếp cận “huyền bí” đối với mầu nhiệm.
“Trong cách sử dụng theo Thánh Kinh, từ “mầu nhiệm” xuất hiện với một nét cánh chung rõ rệt: quả thật, đó là sự mặc khải về kế hoạch bí nhiệm của Thiên Chúa về việc thiết lập dứt khoát triều đại của Ngài “vào ngày tận thế”, sự mặc khải được thực hiện cho một số người được đặc ân thông qua những giấc mơ, những thị kiến hoặc qua sự trung gian của các thiên thần”, Cha Louis-Marie Chauvet, nhà thần học, linh mục giáo phận Pontoise, giải thích trong một bài báo đăng trên La Maison-Dieu (2), một tạp chí nghiên cứu phụng vụ và bí tích.
Như thế, trong Sách Đanien, “là một sách khải huyền, nghĩa là sự mặc khải về những “bí nhiệm” của Thiên Chúa, vua Babylon đã có một giấc mơ. Để hiểu được nó, ông đã tham khảo ý kiến của các pháp sư và thầy bói, nhưng họ không có khả năng soi sáng cho ông. Chỉ có cậu bé Đanien mới trả lời được: “Điều bí nhiệm mà đức vua hỏi thì các nhà thông thái, các pháp sư, các thầy phù thủy và các thầy bói không thể nào trình bày cho đức vua được. Nhưng có một Thiên Chúa là Đấng mặc khải những điều bí nhiệm, chính Người cho đức vua Nabucôđônôxo biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày tận thế” (Đn 2, 27-28).
► Nó tiến triển như thế nào trong Tân Ước?
Cha Louis-Marie Chauvet ghi nhận “28 lần xuất hiện thuật ngữ ‘mustèrion’ trong Tân Ước”, trong đó có 20 lần xuất hiện trong các tác phẩm của Thánh Phaolô. Ở đó chúng ta tìm thấy ý nghĩa của từ “mầu nhiệm” được gợi lên trong Sách Đanien và các sách khải huyền của người Do Thái.
Trong các Tin Mừng, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa không được mặc khải cho những người khôn ngoan và học thức, nhưng cho những người bé mọn nhận ra nơi con người Chúa Kitô Đấng mà các lời hứa được thực hiện: người què đi được, người mù được thấy. Vì thế, khi các môn đệ hỏi tại sao Ngài lại dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu trả lời: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn” (Mc 4, 11). Đối với họ, “đi vào mầu nhiệm không phải là vấn đề trí tuệ của con người; đó là một món quà của Thiên Chúa”, các tác giả của Từ vựng thần học Thánh Kinh chỉ rõ.
Các tác phẩm của thánh Phaolô, đặc biệt là các Thư gửi tín hữu Côlôsê và Êphêsô, sẽ đào sâu ý nghĩa của từ “mầu nhiệm” và dẫn đến việc mở rộng việc sử dụng nó. Cha Gilles Drouin, giám đốc Viện Phụng vụ Cao cấp tại Học viện Công giáo Paris, nhấn mạnh : “Nơi Thánh Phaolô, mầu nhiệm có một chiều kích ẩn giấu từ nguyên thủy, nhưng Chúa Kitô mặc khải, mang lại diện mạo cho mầu nhiệm Thiên Chúa. Đồng thời, sự phong phú của mầu nhiệm này vẫn không thể dò thấu được”. Chúa Kitô không chỉ mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, mà Thánh Phaolô còn khẳng định: “mầu nhiệm của Thiên Chúa, đó là Chúa Kitô” (Cl 2, 2).
Đó là lý do tại sao sứ mạng của ngài là loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Thánh Phaolô giải thích cho tín hữu Êphêsô : “Tôi thực sự là kẻ nhỏ bé nhất trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được nội dung của mầu nhiệm Thiên Chúa đã được ẩn kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật” (Êp 3, 8-9). “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ loan báo Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Êp 3, 2-6).
Thánh Phaolô cũng gán khái niệm “mầu nhiệm” cho mối quan hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh mà ngài mô tả bằng cách sử dụng ẩn dụ về đầu và thân thể. Từ đó, thuật ngữ “mầu nhiệm” được mở rộng sang các phạm trù khác trong đó có các Bí tích. Như thế, chúng ta nói về mầu nhiệm Nhập Thể để chỉ cách thức Thiên Chúa đã mặc khải mình qua việc nhập thể của Chúa Giêsu Kitô, về mầu nhiệm Thánh Thể để nói lên Bí tích Thánh Thể.
► Đâu là chỗ dành cho mầu nhiệm trong Phụng vụ Công giáo?
Trong những thế kỷ đầu tiên, từ “mầu nhiệm” mang một chiều kích phụng tự. Trong bài giảng về Lễ Thăng Thiên, thánh Lêô Cả đã nói: “Những gì thấy được nơi Đấng Cứu Độ của chúng ta đã chuyển vào các mầu nhiệm của Người”. Gilles Drouin giải thích : “Qua đó, ngài muốn nói rằng Chúa Kitô, Đấng nói, chạm vào, chữa lành, giờ đây làm điều đó qua các Bí tích. Mầu nhiệm mang một ý nghĩa bí tích mà chúng ta tìm thấy trong Sách lễ hiện hành”.
Nhưng có bao nhiêu tín hữu hiểu phụng vụ theo nghĩa về một mặc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô vốn được hiện tại hóa hôm nay? Nhà thần học nói thêm : “Bước vào mầu nhiệm Chúa Kitô, đó là được đón nhận vào mặc khải, được mặc khải biến đổi. Chắc chắn, mầu nhiệm luôn lớn lao hơn nhưng chúng ta phải cảnh giác với một lối nhận thức nhân học về mầu nhiệm – cũng như về sự linh thánh – vốn biến nó trở thành một điều gì đó hấp dẫn”. Đối với ông, nếu phụng vụ sử dụng mầu nhiệm theo nghĩa “huyền bí” thì nó sẽ trở thành ngoại đạo.
Người Kitô hữu phải luôn để cho cái nhìn của mình về mầu nhiệm được hoán cải. Điều này đòi hỏi một sự khai tâm nào đó, một diễn ngôn về các mầu nhiệm. Trong bài giảng 272, thánh Augustinô giải thích: “Các bí tích cho thấy một thực tại và làm cho hiểu một thực tại khác. (…) Nếu bạn muốn hiểu thân thể Chúa Kitô là gì, hãy lắng nghe Thánh Tông Đồ nói với các tín hữu: “Anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi người là chi thể của thân thể này” (1Cr 12, 27). Vì vậy, nếu chính anh em là thân thể Chúa Kitô và là các chi thể của Người, thì chính mầu nhiệm của anh em ở trên bàn tiệc của Chúa, và chính mầu nhiệm của anh em mà anh em lãnh nhận.” Để hiểu, hãy trở thành những gì bạn nhận được.
————————-————————————————
“Sự ngỡ ngàng thán phục trước Mầu Nhiệm Vượt Qua”
Trích từ Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô Desiderio desideravi về việc đào tạo phụng vụ Dân Thiên Chúa (số 25)
“Người ta nói rằng ý thức về mầu nhiệm đã bị loại bỏ khỏi việc cử hành. Sự ngỡ ngàng thán phục mà tôi đang nói đến không phải là một thứ kinh ngạc trước một thực tại mờ ám hay một nghi lễ bí ẩn, mà trái lại, đó là một sự ngỡ ngàng thán phục trước sự kiện rằng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta trong Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu (Êp 1, 3-14) mà hiệu quả của nó tiếp tục đến với chúng ta trong việc cử hành “các mầu nhiệm”, nghĩa là các Bí tích. (…) Nếu sự ngỡ ngàng thán phục là có thật, thì chúng ta tránh được nguy cơ không nhận thấy được sự khác biệt trong cách hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả trong sự gần gũi mà việc Nhập Thể mong muốn”.
————————————-
(1) Vocabulaire de théologie biblique (VTB), sous la direction de Xavier Léon-Dufour, Éd. du Cerf, 752 p., 53,90 €.
(2) La Liturgie comme « mystère ». Réflexions théologiques, questions pastorales, p. 71-87, dans La Maison-Dieu n. 305, septembre 2021, 224 p., 15 €.
—————————————————
Tý Linh
(theo Florence Chatel, nhật báo La Croix)