I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay với tất cả lòng yêu mến của chúng con để cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng, giúp chúng con hiểu Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và nhiệt thành thực thi ý Chúa.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần
II. DẪN VÀO BÀI HỌC:
-Tân ước gồm bao nhiêu cuốn? (27 cuốn).
-Em nào có thể nhắc lại cho lớp biết thứ tự các sách Tin Mừng, tác giả, thời gian biên soạn? (Matthêu: quãng năm 80; Mác-cô : 65-70; Lu-ca : quãng năm 80;và Gio-an : 80-90).
-Tuần trước chúng ta vừa tìm hiểu về “Tập Nhật ký của Hội thánh thuở ban đầu” hay còn gọi là sách gì? (Sách Công vụ Tông đồ), Thời gian viết? (năm 80).
Sau Sách Công vụ Tông đồ là 21 lá thư của các Tông đồ. Thứ tự các sách Tân ước như chúng ta có hiện nay không phải là thứ tự theo năm biên soạn, nhưng là thứ tự theo thể loại:
– Lịch sử: 4 Tin Mừng và Sách Công vụ Tông đồ.
– Giáo huấn : 14 thư Phao-lô và 7 thư chung.
– Tiên tri : Khải huyền.
Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu Các thư thánh Phao-lô và 7 thư chung (thư mục vụ)
Trước khi tìm hiểu bài học, anh (chị) mời các em lắng nghe một đoạn Lời Chúa trong thể loại sách giáo huấn này. Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: 1Pr 1, 6 – 9
Thinh lặng giây lát
IV. BÀI HỌC GIÁO LÝ:
1. Các thư thánh Phao-lô:
-Tác giả : Thánh Phao-lô
+ Bản thân: bản thân thánh Phao-lô là tiêu biểu cho sự gặp gỡ của ba nền văn hoá có ảnh hưởng đến việc phổ biến Ki-tô giáo : Văn hoá Do Thái, Hylạp và Rô-ma. Ngài sinh khoảng giữa năm 5 và năm 15, trong một gia đình Do Thái nhiệt thành. Ngài được hưởng một nền giáo dục Do Thái vững chắc ở Giê-ru-sa-lem, và trở thành biệt phái. Ngài nói thạo tiếng Hylạp và nhờ bề thế của gia đình, được làm công dân Rô-ma, một đặc ân quý giá lúc ấy.
+ Trở lại:Vào năm 38, đang khi săn đuổi các Ki-tô hữu, ngài bị một sức mạnh vô hình xô ngã. Ngài được ơn soi sáng và trở thành một trong những môn đệ nhiệt thành nhất của vị Ki-tô mà cho đến lúc ấy ngài ghét cay ghét đắng. Từ đó ngài hiến mình phục vụ Hội thánh và Tin Mừng (Cv 9).
+ Hành trình truyền giáo: Từ năm 44 đến năm 58, thánh Phao-lô thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo cả bằng đường bộ và đường biển, đi qua đảo Kýp-rô (Sýp), Tiểu Á, Ma-kê-đô-ni-a và Hy lạp. Cuộc hành trình thứ tư đưa ngài về Rô-ma và ngài bị giam ở đó hai năm. Những cuộc hành trình ấy đều đầy khó khăn và nguy hiểm (x. 2 Cr 11)
-Các thư của thánh Phao-lô: là những giáo huấn của Chúa Ki-tô được thánh Phao-lô áp dụng vào những nhu cầu của Hội thánh sơ khai và vào đời sống thường ngày của các Ki-tô hữu.
-Các thư thánh Phao-lô thường được chia làm 3 loại:
a. Các thư “lớn”:
Gồm 6 thư
Thư | Năm biên soạn | Nơi biên soạn |
1 và 2 Thê-xa-lô-ni-ca 1 Cô-rin-tô 2 Cô-rin-tô Ga-lat Rô-ma | 50 – 51 57 57 57 57 – 58 | Cô-rin-tô Ê-phê-xô Ma-kê-đô-ni-a. Ma-kê-đô-ni-a. Cô-rin-tô. |
Nội dung 6 thư trên xoay quanh các đề tài lớn như :
-Ơn công chính hoá (Rm 1,16-4,25; Gl 3, 23-29) :con người được nên công chính nhờ đức tin. Gương Tổ phụ Ap-ra-ham: “Ôâng Ap-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế ông được kể là người công chính”.
-Ngày quang lâm của Chúa Giê-su.
-Các vấn đề mà cuộc sống hằng ngày đặt ra cho các tân tòng và các Hội thánh mới được thành lập như: tự do Ki-tô giáo, thánh hoá thân thể, bác ái. Sống kết hợp với Chúa Ki-tô.
Cùng với thư Ga-lat, thư Rô-ma làm nổi bật mối tương quan giữa Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Ki-tô giáo là đích đến của niềm tin Cựu ước. Giao ước thời Mô-sê là giai đoạn chuẩn bị, phải nhường bước cho Giao ước mới và hoàn hảo trong Chúa Ki-tô. Từ nay, Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn mạch đem lại ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài.
b. Các thư viết trong tù:
Gồm 4 thư
Thư | Năm biên soạn | Nơi biên soạn |
Cô-lô-xê Ê-phê-xô Phi-lê-môn Phi-lip-phê | 60 60 60 khoảng 53 – 63 | Rô-ma Rô-ma Rô-ma Rô-ma? |
Nội dung 4 thư trên đề cập đến các vấn đề :
– Chúa Ki-tô là chủ vũ trụ và lịch sử (Ep 1,3-3,21; Cl 1,15-20)
. Mầu nhiệm Chúa Ki-tô.
. Mầu nhiệm Hội thánh.
– Đề phòng giáo lý sai lạc (Cl 2,4 –25; Pl 3).
– Lối sống của người Ki-tô hữu : sống kết hợp với Chúa Ki-tô qua đời sống cụ thể hằng ngày giữa cộng đoàn Ki-tô hữu, trong gia đình, ngoài xã hội. (Cl 3,1-4,6; Ep 4,1-6,20; Plm)
c. Các thư mục vụ: Gồm ba thư
Thư | Năm biên soạn | Nơi biên soạn |
Ti-tô 1 và 2 Ti-mô-thê | 63 – 66 66 | Rô-ma Rô-ma |
Nội dung cà ba thư trên đề cập đến những đức tính và bổn phận của những người đứng đầu Hội thánh :
-Đề phòng những lạc thuyết
-Những nguyên tắc lãnh đạo cộng đoàn.
d. Bố cục chung các thư :
Các thư thánh Phao-lô được bố cục tổng quát như sau:
1. Lời mở đầu:
-Tên người viết và nhận thư.
– Lời cầu nguyện, tạ ơn và chúc tụng.
2. Phần đạo lý:
Đề cập đến những đề tài giáo lý chính yếu cũng như những chỉ dẫn thực hành trong đời sống.
3. Lời chào kết thúc
2. Thư gửi tín hữu Do Thái.
Thư này gửi cho những Ki-tô hữu gốc Do Thái đang gặp thử thách, bị cám dỗ trở lại việc phụng tự của Cựu ước. Tác giả chứng minh rằng Đức Ki-tô là Vị Tư tế tối cao hoàn hảo, đã dâng hiến chính mình, chỉ một lần là đủ, để giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Nhờ kết hiệp với Đức Ki-tô, ta vượt qua được mọi thử thách, tiến về cõi phúc Thiên Chúa đã hứa ban.
3. Các thư chung:
Các thư chung, còn gọi là các thư Công giáo, gồm 7 lá thư mang tên các vị Tông đồ khác: Gia-cô-bê (1 thư), Phê-rô (2), Gio-an (3) và Giu-đa Ta-đê-ô (1). Mỗi thư có một nội dung riêng và nhấn mạnh một số nét đạo lý cụ thể. Tuy nhiên nói chung, các thư này đều nhằm an ủi những cộng đoàn đang gặp thử thách hoặc do bách hại, do chia rẽ hoặc do các lạc thuyết.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Các thư trong Tân ước là những bản văn được viết ra để đáp ứng những vấn đề cụ thể của Hội thánh thuở ban đầu. Tuy nhiên, đàng sau các lá thư là lời rao giảng sống động gửi đến các Ki-tô hữu của mọi thời đại. Vì thế, mỗi lần đọc bất cứ lá thư nào trong những lá thư của Tân ước, bạn hãy đọc với lòng khao khát lắng nghe và tự hỏi: “Qua đoạn này, Chúa đang nói với tôi về lãnh vực nào trong đời sống của tôi?” Chắc hẳn bạn sẽ nhận được những lời dạy dỗ đầy yêu thương của chính Chúa. |
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Ở bất cứ thời đại nào, Hội thánh cũng có những vấn đề cần được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn. Các thư trong Tân ước là lời giảng sống động gửi đến các Ki-tô hữu của mọi thời đại. Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Chúa cho chúng ta được biết yêu mến, khao khát lắng nghe Lời Chúa.
2. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, qua bài học hôm nay, chúng con biết rằng những lá thư trong Tân ước cũng chính là những lời dậy dỗ đầy yêu thương của chính Chúa. xin Chúa thương ban cho Hội thánh, giáo xứ, từng gia đình cũng như cho mỗi người chúng con luôn biết khao khát lắng nghe, chăm chỉ học hỏi Lời Chúa, để nhận ra được điều Chúa đang muốn dạy dỗ chúng con mà đem áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT:
Trò chơi : Thư gửi
– GLV : Thư gửi, thư gửi.
– TC : Gửi ai? Gửi ai?
– GLV : Gửi Hà (hiền hoà, hồi hộp, hóm hỉnh…)
Gửi Tuấn (thật thà, thanh thản, thơ thẩn…)
Gửi Nguyệt (nhẹ nhàng, nhõng nhẽo, nhí nhảnh…)
VII. BÀI TẬP:
Chia 3 cột trên bảng (3 tổ)
Từng em trong tổ lên ghi tên một thư trong Tân ước, rồi thay em khác lên ghi. Sau mấy phút, tổng kết lại xem tổ nào ghi được nhiều nhất
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Thiên Chúa luôn yêu thương dạy dỗ, dẫn dắt chúng ta qua Lời của Ngài
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
Mỗi ngày em quyết tâm đọc một đoạn các thư trong Tân ước và sống theo Lời Chúa dạy.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ chúa đã yêu thương hiện diện và dạy dỗ chúng con trong giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa giúp chúng con ngày càng yêu mến và thực hành Lời Chúa. Amen..
Đọc Kinh Sáng Danh