I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin Chúa đang hiện diện giữa chúng con đây. Xin cảm tạ tình yêu Chúa đã luôn yêu thương, nâng đỡ, săn sóc cuộc đời chúng con. Và giờ đây Chúa cho chúng con được cùng nhau chia sẻ niềm vui vì được làm con Chúa.
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp chúng con cảm nhận được niềm hạnh phúc mà Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
II. THẢO LUẬN:
1. Giải thích bài học:
Các em thân mến, ai trong chúng ta chắc cũng đã có kinh nghiệm về sự bình an, vui tươi, hạnh phúc khi được sống trong một mái ấm gia đình: mọi người yêu thương, hiệp nhất với nhau. Và chúng ta cũng biết rằng thật bất hạnh cho những ai đánh mất sự hiệp thông đó phải không các em?
Trong hai bài học vừa qua, chúng ta biết được rằng: Hội Thánh bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, khi sáng tạo vũ trụ, Chúa Cha đã muốn nâng con người lên hiệp thông với sự sống thần linh của Ngài. Nhưng sau khi Tổ tông loài người sa ngã, niềm hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau bị phá vỡ. Bởi vậy, Chúa Giê-su được sai đến, Ngài đã chết thay cho Dân và quy tụ con cái Thiên Chúa vào trong Hội Thánh Ngài. Và Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và gìn giữ Hội Thánh luôn duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.
Nơi trần gian này, Hội Thánh là dấu hiệu và dụng cụ để con người hiệp thông với nhau. Thật hạnh phúc cho chúng ta vì được sống trong gia đình của Chúa là Hội Thánh, được hiệp thông với Thiên Chúa và được hiệp thông với nhau. Thế nhưng chúng ta có biết gìn giữ và phát huy niềm vui ấy không? Mời các em cùng tìm hiểu.
a. Được làm người và làm con Thiên Chúa :
– Khi nào các em cảm thấy vui? (Mời một vài em chia sẻ)
Bình thường trong cuộc sống, chúng ta vui khi gặp những điều hợp ý muốn của mình, hay đạt được điều mình ước mơ.
Có người vui khi đạt được điều mình muốn dù điều đó có chính đáng hay không, hay cách đạt được điều mình muốn có chân chính hay không.
Có người vui vì kiếm được nhiều tiền, đạt được chức vị, bằng cấp cao…Họ lấy đó làm mực thước để đánh giá mình và đánh giá người khác. Nhiều người gian lận, tham ô để làm sao kiếm được thật nhiều tiền; nhiều người hối lộ, luồn lách để có được chức tước. Nhiều người quay cóp, gian dối để đỗ đạt. Cũng có người suốt đời chỉ biết vùi đầu vào công việc để sao cho có thật nhiều tiền. Họ quên rằng giá trị thật của họ không ở nơi những gì họ có, nhưng cốt ở chỗ họ là người thế nào.
Cha cũa ông Origène, một nhà thần học lỗi lạc thế kỷ thứ III, mỗi khi lại gần nôi con, ông quỳ xuống vái lạy và hôn ngực con. Với ai bỡ ngỡ, ông nói: “Con tôi đã được chịu phép Thánh tẩy, bây giờ nó là con Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi ngự trong nó, sao tôi không bái lạy. ”
Vâng, Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và vinh hiển đã dựng nên loài người – một vật yếu ớt giữa bao mãnh thú, nhỏ bé giữa vũ trụ nguy nga, giống hình ảnh của Ngài:
“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8,6)
Trước kia, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thì nay nhờ Chúa Ki-tô, con người còn được làm con Thiên Chúa.
Như vậy, tự bản chất, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa đã đáng kính trọng thì nay được làm con Thiên Chúa lại còn đáng kính trọng, vinh dự hơn nữa, khi người đó sống trong ân nghĩa, tự do và yêu thương
– Tóm ý: Được làm người đã là một niềm vui hết sức lớn, được làm con Thiên Chúa còn là một niềm vui lớn lao gấp bội.
b. Tự trọng và tự chủ:
Ta phải cảm tạ Thiên Chúa vô vàn vì Ngài đã ban cho ta phẩm giá con người, và hơn nữa, phẩm giá của người con Thiên Chúa. Các phẩm giá ấy không phải là những giá trị bất động nhưng có thể bị lu mờ đi khi ta chạy theo tội lỗi và có thể toả sáng thêm khi ta đáp lại ơn Chúa.
Có những người dường như không biết mình có một phẩm giá. Đúng hơn, họ không biết quý trọng phẩm giá mình, nên thường bán rẻ phẩm giá để chạy theo những giá trị kém xa con người: tiền tài, danh vọng, lạc thú…
Những người biết quý trọng phẩm giá của mình là những người có lòng tự trọng: họ thà bị thua lỗ, bị thiệt thòi, bị hiểu lầm hơn là làm những điều khiến phẩm giá bị hạ thấp.
Trong Cựu ước, sách 1 Ma-ca-bê, chương 1-2 có kể lại: ỡ đất It-ra-en, khoảng hai thế kỷ trước Chúa Giê-su, là một thời tao loạn, vô đạo và tàn ác. Đế quốc Hy-lạp xâm lăng và đô hộ đất It-ra-en, họ đem các thờ bái ngoại đạo và lối sống vô đạo du nhập vào đất thánh của Thiên Chúa. Thật đáng buồn vì có nhiều người It-ra-en đâm ra hư đốn, chối bỏ lương tâm và danh dự của người Dân thánh vì sợ hãi, sợ mất mạng, mất của cải…Cũng may, còn có nhiều người tỏ ra biết tự trọng, mạnh mẽ, can đảm, nhất định thà chết chứ không vi phạm Giao ước thánh với Thiên Chúa.
Trong số đó có ông Mat-ta-thy-a cùng với 5 con trai can đảm đứng lên chống lại. Ông tuyên bố:
– Cho dù tất cả các dân tộc trong Đế quốc của Hoàng đế đều tuân lệnh ông ấy, mà chối bỏ việc thờ bái của tổ tiên mình, tôi và con cái tôi, anh em tôi đây, cứ bước đi trong giao ước của tổ tiên chúng tôi đã thề nguyền với Thiên Chúa …
Ông Mat-tha-thy-a thật là một người đáng cho mọi người tôn trọng! Cũng như Trần Bình trọng Nước Nam ta, lúc ông khẳng khái tuyên bố:
“ Thà làm quỷ nước Nam,
Còn hơn làm Vua đất Bắc!”
Hoặc lời chí khí này của Trần Quốc Tuấn lúc thế giặc cực kỳ quẫn bách:
“Nếu Bệ hạ muốn đầu hàng,
hãy chặt đầu tôi trước đã!”
Những người ấy là những người trọng phẩm giá của mình, mà không hề tỏ ra kiêu ngạo hay tự ái rởm! Họ trung thành với Chúa, với Tổ quốc, quê hương. Không tham sống sợ chết, bán đạo, bán nước, bán nhân phẩm cầu vinh…
Trong xã hội nhiễu nhương ta đang sống, nhiều người đã bán rẻ phẩm giá chỉ vì nhu cầu sinh sống vật chất. Luân lý và đạo đức đã tuột dốc trầm trọng.
Để đứng vững trước những khiêu khích và lừa dối của điều xấu, để khỏi làm hoen ố phẩm giá của mình, ta cần biết tự chủ. Tự chủ là kiềm chế để không buông thả trong ý nghĩ, lời nói và hành động. Tự chủ cũng còn là tự đòi hỏi để dám hy sinh và cố gắng. Bạn có thể tập tự chủ từ những việc rất nhỏ nhặt, bình thường trong cuộc sống hằng ngày: bạn khát lắm nhưng chưa vội uống, bạn thèm lắm nhưng cứ thử nhịn không ăn, bạn muốn nói lắm nhưng giữ thinh lặng…Và những điều khác tương tự. Cố gắng một chút bạn sẽ thấy khả năng làm chủ của mình lớn hơn mình tưởng.
– Tóm ý: Tự trọng và tự chủ là những phương thế giúp ta cộng tác với ân huệ Chúa ban mà làm cho phẩm giá mình ngày càng toả sáng hơn.
c. Sống dưới con mắt Chúa :
Thánh vịnh 138 đã viết:
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
Biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét
Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả…”
Là người Ki-tô hữu, chúng ta biết rằng mọi nơi, mọi lúc, Thiên Chúa luôn âu yếm nhìn ta và nâng đỡ để ta biết tự trọng và tự chủ. Còn đối với những người chưa biết Chúa, chính tiếng nói lương tâm là ánh sáng và sức mạnh giúp họ biết tự trọng và tự chủ.
“Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,18)
Thiên Chúa ao ước cho chúng ta trở nên trọn lành như Ngài và ngài ban ơn giúp chúng ta vươn tới theo mẫu mực Ngài. Vì thế, chúng ta phải luôn quyết tâm làm cho phẩm giá mình được rực sáng. Trước mọi chọn lựa lớn nhỏ trong cuộc sống, trước tất cả những gì đang mời gọi, ta hãy tự hỏi: Điều này làm cho phẩm giá tôi thêm sáng ngời hay lụn bại đi? Chính câu hỏi ấy phải soi sáng cho mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của ta. Một ý nghĩ, lời nói, việc làm khiến phẩm giá ta được nâng cao lên thì ta theo đuổi. Nếu ngược lại thì ta quyết loại bỏ ngay. Thiên Chúa thấu suốt mọi tư tưởng của ta. Muốn thấy rõ hơn đâu là việc khiến phẩm giá bị tổn thương hay được chiếu sáng, ta cần thường xuyên cầu nguyện và sống với Chúa.
– Tóm ý: Càng sống với Chúa, càng mau mắn đáp lại các gợi ý của Ngài, ta càng cảm thấy niềm vui và sự bình an trong lòng thật sâu xa vì được làm người và làm con Thiên Chúa.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Là người Ki-tô hữu, niềm vui của chúng ta thật sâu xa và ý nghĩa vì không những chúng ta được làm người mà còn được làm con Thiên Chúa. Và để niềm vui đó được tồn tại và lớn lên mãi, chúng ta cần sống theo Lời Chúa dạy: “Hãy trở nên hoàn thiện như Cha trên trời”, bằng một đời sống tự trọng và tự chủ, luôn sống dưới cái nhìn của Chúa.
2. Các em học sinh thảo luận:
Câu hỏi thảo luận: Tại sao tội lỗi không đi đôi với phẩm giá con người ?
– Xem: Tội là gì?
. Là đánh mất phẩm giá của mình
. Xúc phạm đến phẩm giá tha nhân
– Xét: Tại sai ta phải sống đúng phẩm giá của mình?
. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa
. Được Chúa Giê-su trả giá bằng chính cái chết để cứu chuộc ta.
– Làm: Ta phải làm gì để giữ phẩm giá của mình?
– Siêng năng cầu nguyện
– Chăm chỉ học giáo lý, lắng nghe Lời Chúa để biết cách sống đúng ý Chúa
– Tự trọng và tự chủ: không làm những điều khiến phẩm giá mình bị hạ thấp; hy sinh tập làm chủ ý nghĩ, lời nói, hành động
– Luôn sống dưới con mắt Chúa.
III. DẪN VÀO LỜI CHÚA: (“Sống vui”, Chuyện kể Đông Tây 2, trg. 333)
Một vị giám mục nổi tiếng hiền hoà, vui vẻ, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết, Ngài đáp bí quyết đó là:
-Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng tôi phải đến đó. Tôi phó thác cuộc đời tôi trong tay Chúa, trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
-Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp, nên điều tôi tìm kiếm không phải là vật chất thế gian nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô.
-Thứ ba, tôi nhìn chung quanh để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi. Tôi tôn trọng người khác vì mỗi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa.
-Thứ tư, tôi học để biết hạnh phúc thật nằm ở đâu, mọi nỗ lực của tôi sẽ chấm dứt thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao!
Vì thế, tôi luôn sống vui và quả thực nguồn bình an của Thiên Chúa luôn ở với tôi.
Các em thân mến,
Thật hạnh phúc cho những ai luôn sống trong niềm vui và sự bình an của Chúa. Vị giám mục chúng ta vừa kể, ngài đã tìm thấy hạnh phúc thật là sống trong Chúa, bí quyết sống của ngài là luôn quy hướng về Chúa, đó cũng là cách sống mà thánh Phao-lô đã kêu gọi các tín hữu Phi-lip-phê mà chúng ta sẽ lắng nghe giờ đây. Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
IV. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Pl 4, 4 -9
Thinh lặng giây lát
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Là Ki-tô hữu, ta biết giá trị con người còn lớn lao hơn nhiều vì đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi làm con cái Ngài. Được làm người đã là một niềm vui hết sức lớn, được làm con Thiên Chúa còn là một niềm vui lớn lao gấp bội. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và dâng lời nguyện xin.
2. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, này chúng con thuộc đại gia đình của Chúa, xin Chúa dủ thương đoái nhìn và giúp chúng con hằng chế ngự thân xác, để tinh thần được phấn khởi và thiết tha tìm kiếm Chúa không ngừng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
VI. SINH HOẠT: Hát: Trường ca Đức Ki-tô
ĐK:-Cùng với Đức Ki-tô lữ hành vào cuộc đời
Cùng với Đức Ki-tô kêu mời hãy sống vui
Cùng với Đức Ki-tô chấp nhận nhiều thiệt thòi
Cùng với Đức Ki-tô tặng trao nụ cười tươi.
1- Đường trắng xoá cát đá, đoàn người đi bao ngày qua. Niềm tin như phôi pha trĩu nặng vai cây thập giá. Chiều đến sắp quị ngã, thì vực sâu như mở ra. Ngài đứng ngóng trông qua, kiên trì đón chờ ta.
VII. BÀI TẬP:
Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông ¨
1. Người biết quý trọng phẩm giá của mình là người :
a. Có lòng tự trọng và tự chủ. b. Ý thức mình là con Thiên Chúa
c. Luôn sống dưới con mắt Chúa d. Cả 3 câu a,b, c đúng. (câu d )
2. Em hãy kể 3 ví dụ cho thấy một người biết quý trọng phẩm giá của mình; và 3 ví dụ cho thấy một người bán rẻ phẩm giá của mình.
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
Phần thảo luận: LÀM
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa về giờ học giáo lý hôm nay, xin Chúa giúp chúng con thực hành điều quyết tâm để chúng con luôn sống trong niềm vui của những người con của Chúa. Amen.