XXIII
“MỘT KHI ĐƯỢC GIƯƠNG LÊN CAO
KHỎI MẶT ĐẤT, TÔI SẼ KÉO MỌI NGƯỜI
LÊN VỚI TÔI”
Biên niên sử của thời kỳ mô tả với nhiều chi tiết thời điểm tháp bút được dựng lên ở quảng trường Thánh- Phêrô, trước sự chứng kiến của ĐGH Sixtô V. Hàng năm vào ngày này, người Kitô hữu chúng ta sống lại thời điểm tháp bút được dựng lên giữa lòng Giáo Hội, cây chính của con thuyền thánh Phêrô đánh dấu tâm điểm của mọi sự: cây thánh giá.
Chúng ta cùng nhau suy niệm lời sau đây của Đức Kitô trên thánh giá: “Một khi được giương lên cao khỏi mắt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32) Đó là chìa khóa giúp đọc mầu nhiệm đã được chính Đức Giêsu ban trước cho chúng ta hoặc – cũng có giá trị như vậy cho chúng ta – được Thần Khí của Ngài linh hứng cho thánh sử Gioan viết ra lời đó.
Nhưng lời này chưa được nói xong thì đã cho thấy ngay ra một vấn nạn. Đã hai mươi thế kỷ trôi qua kể từ ngày này và, lạy Chúa, dường như Chúa chưa kéo mọi sự lên với Ngài. Phần đông nhân loại vẫn chưa được biết Ngài! Từ đó, lời kinh nhuốm ảo tưởng đôi khi nghe thấy nơi người tín hữu: “Chúng con chưa thấy Chúa kéo mọi người lên với Chúa, vì vậy, xin Chúa làm cho mau đến ngày Chúa sẽ thực sự kéo mọi người lên với Chúa.”
Nhưng chúng ta có chắc là đã nhìn rõ chưa? Điều Đức Giêsu nói không phải là một nguyện ước đạo đức còn phải chờ được thực hiện. Ngài đã luôn thực hiện từ lúc được đưa lên khỏi mặt đất. Ai có thể biết những con đường vô tận qua đó Đức Kitô chịu đóng đinh kéo mọi người lên với Ngài?
Một trong những con đường này là đau khổ của con người. “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta – Vere dolores nostros ipse portavit.” (Is 53,4) Sau khi Đức Kitô đã mang lấy và cứu chuộc sự đau khỗ ấy, chính nó trở thành bí tích phổ quát của ơn cứu độ theo cách của nó. Phổ quát, vì đau khổ không biết đến sự khác biệt giữa thế giới đệ nhất và thế giới đệ tam, giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu; người ta thấy nó ở khắp mọi nơi.
Đấng đã xuống trong nước sông Giođan, thánh hóa nước ấy cho mọi phép rửa tội trong tương lai, cũng đã xuống trong nước gian truân và cái chết, biến chúng thánh dụng cụ tiềm tàng của ơn cứu độ: “Ai chịu đau khổ trong thân xác thì đoạn tuyệt với tội lỗi.” (1Pr 4,1). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô viết trong Tông thư Salvifici doloris: “Đau khổ có nghĩa là thụ cảm cách đặc biệt, đặc biệt là mở ra cho hành động của những sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa hiến ban cho nhân loại trong Đức Kitô. […] Trong đau khổ cứu độ nhờ đó việc Cứu Chuộc thế gian được thực hiện, Đức Kitô đã mở ra ngay từ đầu và không ngừng mở ra cho mọi đau khổ của con người[1].” Một cách mầu nhiệm, mọi đau khổ, chứ không chỉ đau khổ của người tín hữu, hoàn tất cho “những gì còn thiếu cho cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô” (Cl 1,24).
Một phương tiện khác được Đức Kitô sử dụng để lôi kéo mọi sự đến với Ngài là lôi kéo… đến những người khác. Đến với người đói khát, đau yếu, tù tội, ngoại kiều, bị bách hại vì lẽ công chính, không được bảo vệ… “là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,49). Hơn nữa, con đường này không chỉ dành cho các tín hữu.
Công đồng quả quyết “Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh[2]”. Điều đó xẩy ra như thế nào thì tùy thuộc vào Thiên Chúa, nhưng sự kiện điều đó xẩy ra cũng tùy thuộc vào chúng ta, nếu chúng ta biết đọc những lời của Đức Kitô.
***
Giờ đây chúng ta bàn về vấn đề có tính thời sự nhất.
Phải chăng chúng ta có thể thừa nhận còn một con đường khác được Đức Kitô sử dụng để kéo mọi người lên với Ngài, nghĩa là qua những gì được nói và được sống có giá trị nơi các tôn giáo khác? Công đồng và Huấn quyền không khai trừ khả năng này và thần học đang lưu tâm nghiên cứu.
Mối bận tâm của thời điểm này là nhận ra sự tồn tại của các tôn giáo khác không chỉ trên thực tế trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, mà còn xét theo luật, để nhớ rằng các tôn giáo đó không chỉ được khoan dung, mà còn rõ ràng được Chúa muốn, như một biểu hiện của sự phong phú không thể diễn tả của ân sủng và ý muốn của Ngài là “mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Những người tiếp xúc trực tiếp với các tôn giáo lớn ngoài Kitô giáo làm chứng thực tế về những điều tốt đẹp mà hàng triệu người rút ra từ các tôn giáo đó cũng như về chiều sâu của đời sống tâm linh và kinh nguyện mà họ có được nơi dân của các tôn giáo đó.
Vẫn còn một điểm tế nhị, là xem liệu sự công nhận này có bắt buộc chúng ta phải tách các tôn giáo khác ra khỏi Đức Kitô nhập thể và mầu nhiệm vượt qua của Ngài không. Một số người nghĩ như vậy và cho các yếu tố tốt và thật chứa đựng trong các tôn giáo đó có liên quan với Ngôi Lời vĩnh cửu và Thần Khí của Thiên Chúa. Là những Ngôi trong Ba Ngôi – họ khẳng định với chúng ta – các Ngôi đó đã hoạt động trong thế giới trước khi Đức Kitô đến và còn tiếp tục làm việc sau khi Ngài phục sinh; không phụ thuộc vào mầu nhiệm Đức Kitô, nhưng song song, trong tương quan bổ sung chứ không tùy thuộc.
Nhưng chúng ta phải đặt ra câu hỏi: để công nhận nơi các tôn giáo khác một địa vị riêng và một sự tồn tại theo luật trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, có thực sự cần thiết phải tách chúng ra khỏi mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, hay ngược lại người ta có thể có được cùng một hiệu quả khi duy trì mối quan hệ của chúng? (Chúng ta hãy nhớ rằng dây liên kết với Đức Kitô của thập giá không triệt tiêu dây liên kết với Ngôi Lời vĩnh cửu. Cả hai được tóm tắt, không triệt tiêu lẫn nhau, không ở bên ngoài Giáo hội, cũng không ở bên trong. Ngay cả đối với các Kitô hữu, Đức Kitô là “con đường“, trong khi Ngôi Lời là “sự thật và sự sống” tức là mục tiêu).
Người ta quả quyết: “Một biến cố đặc biệt giới hạn trong thời gian và không gian, như trường hợp của Đức Kitô, không thể làm cạn kiệt những tiềm năng vô biên của Thiên Chúa và Lời của Người”. Đúng vậy, nhưng từ những tiềm năng này, Người có thể nhận ra tất cả những gì đủ để cứu một thế giới cũng đã hoàn thành cho Người. Nếu chúng ta tin rằng máu đổ ra trên thập giá là máu của một Thiên Chúa làm người, chúng ta sẽ không thấy quả quyết sau đây là phóng đại, tức “chỉ một giọt máu là đủ để cứu độ toàn thế giới – “Cuius una stilla salvum facere totum mundum quit ab omni scelere[3].”
***
Thế nên phải suy nghĩ cho kỹ trước khi đi một bước có tầm quan trọng khôn xiết. Triết gia thế kỷ vừa qua đã tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết. Chúng ta đã giết Ngài!” có lẽ khi tính đến những kết quả của một hành vi như thế, thì đã viết chính xác sau đó: “Chúng ta đã làm gì khi tách trái đất này ra khỏi mặt trời của nó? Từ nay, nó sẽ quay theo hướng nào? Khi xa mặt trời? Hướng sau, hướng bên cạnh, hướng trước, khắp nơi[4]?” Đừng lặp lại những sai lầm trên đây khi tách một phần lớn nhân loại ra khỏi mặt trời của nó là Đức Kitô.
Trong cuộc tranh luận với nhóm Giansêniô, Chúa bị đóng đinh thập giá với những cánh tay ôm sát gần như song song với thân thể trở thành “mốt”. Cánh tay sát như vậy chỉ dành rất ít không gian giữa chúng với thân thể. Điều đó có nghĩa là Đức Kitô đã không chết cho mọi người, nhưng chỉ chết cho một nhóm nhỏ những người được chọn và tiền định. Một sự xác tín đáng sợ khiến cho Giáo Hội phải khổ sở để loại bỏ. Đừng trở lại với kiều thập giá loại ấy. Hãy để cánh tay Chúa rộng mở để ôm lấy cả thế giới. Hãy giữ cho biến cố Canvê chiều kích vũ trụ của nó. Những gì diễn ra trên Gôngôtha ngày Thứ Sáu thánh đầu tiên mà chúng ta cử hành hàng năm ngày hôm nay thực sự là “một Thánh Lễ trên thế giới”.
Một điều chắc chắn và tất cả thần học Kitô giáo phải phát xuất từ đó: Đức Kitô đã hy sinh mạng sống vì yêu thương mọi người, để mọi người trở thành con cái của Chúa Cha và anh em với nhau. Không có phân biệt nào. Hiến tế cứu độ của Ngài – ít nhất khía cạnh này – chắc chắn là hiến tế phổ quát.
Không phải với Đức Kitô hay Giáo Hội mà người ta phạm một sai lầm lớn khi khai trừ một phần nhân loại, nhưng là chính nhân loại. Không thể bắt đầu từ quả quyết “Đức Kitô là đề xuất cứu độ tối cao, cuối cùng và chuẩn mực, được Thiên Chúa tạo ra cho thế giới”, mà đồng thời lại không nhận ra – với tư cách một Kitô hữu – đòi hỏi, quyền lợi của mọi người là dựa vào con đường này và hưởng nhờ sự cứu rỗi này.
Làm sao có thể tách những con đường cứu rỗi khác ra khỏi Đức Kitô mà không giảm chúng xuống thành các khu vực chuẩn bị và thứ cấp? Phải, Thiên Chúa sẽ thiên vị một số người và không cung cấp cho mọi người “những cơ hội giống nhau”. Hơn nữa, phải chăng các tôn giáo khác dễ nhận ra sự ưu việt của Kitô giáo hơn là sự độc đáo của nó? Phải chăng họ sẽ chấp nhận dễ dàng việc tùy thuộc vào Ngôi Lời vĩnh cửu và Chúa Thánh Thần của các Kitô hữu, nghĩa là tùy thuộc vào Ba Ngôi (một khái niệm quá xa lạ với họ) hơn là tùy thuộc vào Đức Kitô và mầu nhiệm vượt qua của Ngài?
***
Nhưng người ta có thể tự hỏi: “Có thật sự thực tế không khi tiếp tục tin vào sự hiện diện và ảnh hưởng mầu nhiệm của Đức Kitô trong các tôn giáo tồn tại từ lâu trước Ngài và, sau hai mươi thế kỷ, không thấy cần thiết phải đón nhận Tin Mừng của Ngài?” Trong Kinh Thánh có một sự kiện có thể cho phép chúng ta trả lời cho vấn nạn này: sự khiêm nhường của Thiên Chúa, việc Thiên Chúa ẩn mình. “Lạy Thiên Chúa của Israel, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình – Vere tu es Deus absconditus.” (Is 45,15).
Thiên Chúa khiêm nhường trong những gì Ngài tạo dựng. Ngài không dán nhãn hiệu trên mọi vật, như cách làm của con người. Không gì được viết về các thụ tạo cho biết chúng được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài để cho chính thụ tạo khám phá ra Ngài. Có điều gì đó đúng trong lời quả quyết của thi sĩ Holderlin: “Thiên Chúa tạo dựng thế giới giống như đại dương tạo nên các lục địa: bằng cách lui đi.” Con người phải mất bao nhiêu thời gian để nhận ra mình mắc nợ ai về sự hiện hữu của mình, nhận ra ai đã tạo cho nó trời và đất? Sẽ còn mất bao nhiêu thời gian nữa trước khi con người có thể nhận ra Ngài? Thiên Chúa có phải vì thế mà không là Đấng Tạo Dựng mọi loài? Có phải Ngài không còn dùng mặt trời của Ngài để sưởi ấm những ai biết Ngài cũng như những ai không biết Ngài?
Giống như vậy là sự Cứu Chuộc. Thiên Chúa khiêm nhường khi tạo dựng và khiêm nhường khi cứu chuộc. Đức Kitô quan tâm đến việc mọi người được cứu chuộc hơn là việc họ biết Ngài là Đấng cứu họ. Đức Kitô biến mình thành Latens deitas, thần tính ẩn giấu, cả trong Thánh Thể nữa[5]. Sự ngạc nhiên lớn nhất lúc đi từ đức tin tới hưởng kiến sẽ không phải là việc khám phá ra sự toàn năng của Thiên Chúa, nhưng là sự khiêm nhường của Ngài.
***
Ngày hôm nay lúc Thiên Chúa ẩn mình nhất trên thập giá, “chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin của chúng ta”, như bài đọc II khuyên nhủ (Dt 4,14). Và chúng ta hãy lại cùng với Gioan công bố: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1Ga 2,2)
Trong ba chương đầu của thư Rôma, sau khi đã mô tả tình cảnh tuyệt vọng của người Do Thái và Hy Lạp (tức là của tất cả nhân loại) làm mồi cho tội lỗi và cơn giận của Thiên Chúa, thì đến chương thứ ba, thánh Phaolô đã có sự can đảm lạ lùng này là quả quyết rằng từ đây tình cảnh này khác tận căn vì một người duy nhất mà “Thiên Chúa đã đặt làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3,25). Tại sao thánh Tông Đồ đã gọi Đức Kitô là “Ađam mới” (Rm 5,12-19) và tại sao Luca lại chuyển khởi đầu gia phả của Ngài từ Abraham lên Ađam (Lc 3,38), nếu không muốn khẳng định rằng Ngài không phải là nguyên mẫu mới của dân này hay dân nọ, mà là của toàn thể nhân loại?
“Một người đã chết thay cho mọi người” (2Cr 5,14); “Nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Sự can đảm của chúng ta ngày hôm nay tin vào đặc tính phổ quát ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô không là gì so với sự can đảm phải có lúc bấy giờ.
Một Thánh vịnh nói về Sion như sau: “Kìa xứ Philitinh, thành Tia cùng xứ Cút, tại đó, kẻ này người nọ đã sinh ra […] Chính Chúa sẽ ghi vảo sổ bộ các dân, kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó” (Tv 87,4-6). Mọi sự đều đã được thực hiện ở Canvê: tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó. Từ đó mà hơi thở phổ quát làm nên đặc trưng cho các nghi thức của Thứ Sáu Thánh. Trong “lời cầu nguyện phổ quát”, chúng ta sẽ cầu nguyện cho tất cả mọi người trên thế giới, vì tin rằng Đức Kitô đã chết cho mọi người.
Vậy lệnh truyền của Đức Giesu luôn trói buộc chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Mc 16,15) Việc truyền giáo cho dân ngoại vẫn rộng mở, nó sẽ không còn lý do để tồn tại nếu Phúc Âm không dành cho mỗi người trong số họ. Chúng ta chỉ cần chuyển từ một động lực tiêu cực sang một động lực tích cực. Đừng căn cứ quá nhiều vào suy nghĩ này là, người ta sẽ không được cứu nếu không biết Đức Kitô, nhưng đúng hơn, căn cứ vào mong muốn chia sẻ với tất cả mọi người món quà to lớn cho thế giới là Đức Kitô.
Đa nguyên tôn giáo không bao gồm việc coi tất cả các tôn giáo là “đúng” như nhau (điều sẽ là chủ nghĩa tương đối), nhưng công nhận cho mỗi người quyền coi tôn giáo của mình là đúng và truyền bá nó, với điều kiện bằng những phương tiện hòa bình, xứng đáng với một tôn giáo. “Cách hiền hòa và với sự kính trọng“, thư thứ nhất Phêrô khuyên các Kitô hữu như vậy. Chúng ta có thể thêm: theo tinh thần của hai cuộc gặp gỡ ở Assisi, tháng 10 năm 1986 và tháng 1 năm 2002.
Hơn nữa, điều khiến chúng ta quan tâm nhất, không phải là sự cứu rỗi của người không biết Đức Kitô, mà là sự cứu rỗi của người biết Ngài và sống như thể chưa bao giờ biết Ngài, khi quên đi phép rửa tội của mình. Thiên Chúa và mọi sự. Đối với những người này, Giáo Hội đưa ra lời mời khẩn cấp của mình ngày hôm nay: “Hãy hòa giải với Thiên Chúa“. Trong những vòng tay rộng mở này, hỡi người anh em xa xôi, cũng có một nơi dành cho anh em.
Chúng ta kết thúc bằng một lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin tiếp tục lôi kéo mọi người đến với Chúa, những người biết Chúa cũng như những người không biết Chúa. Xin cho Thần Khí Chúa tiếp tục đưa mọi người, như Chúa muốn, tiếp xúc với mầu nhiệm vượt qua về sự chết và sự sống lại của Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con! Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con!
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 263-271)
Lm Micae Trần Đình Quảng
[1] Gioan-Phaolô II, Tông thư Salvifici doloris, số 23-24.
[2] Gaudium et Spes, số 22,5.
[3] Thánh thi Adoro Te devote, 6.
[4] F. Nietzsche, Le gai savoir, éd. Flammarion, Paris 1997.
[5] Thánh thi Adoro Te devote