PHẦN HỌC SINH
Câu 1: H. Điều răn thứ tư dạy ta những gì?
- Điều răn thứ tư dạy ta sống đúng chức phận mình trong gia đình, trong Hội thánh và ngoài xã hội, mà trước hết là phải thảo kính cha mẹ cho tròn chữ hiếu.
Câu 2: H. Tại sao ta phải thảo kính cha mẹ?
- Ta phải thảo kính cha mẹ vì cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục ta, và thay quyền Chúa để săn sóc phần hồn, phần xác cho ta.
Câu 3: H. Thảo kính cha mẹ là gì?
- Là tỏ lòng biết ơn và yêu mến bằng cách vâng lời, giúp đỡ cha mẹ, yêu thương anh chị em và cố gắng nên người.
Câu 4: H. Tại sao phải vâng lời cha mẹ?
- Vì cha mẹ có trách nhiệm giáo dục ta nên người.
Câu 5: Phải vâng lời cha mẹ thế nào?
- Bao lâu còn sống với cha mẹ, ta phải vâng theo lời dạy bảo của cha mẹ. Khi đã trưởng thành, ta nên mau mắn đoán biết nững điều cha mẹ ao ước để làm vui lòng cha mẹ, và vui vẻ lắng nghe những lời cha mẹ nhủ khuyên.
Câu 6: H. Nếu cha mẹ ép uổng điều trái lương tâm, ta phải làm gì?
- Ta nên tìm cách giải bày để cha mẹ thông cảm.
Câu 7: H. Phải giúp đỡ cha mẹ thế nào?
- Phải luôn giúp đỡ cha mẹ phần hồn phần xác. Nhất là khi các ngài đau yếu, già cả, thiếu thốn, ta cần tận tâm tận lực phụng dưỡng, lo thuốc thang đầy đủ. Phải cầu nguyện cho các ngài và giúp các ngài lãnh các Bí tích dọn mình sống đời đời.
Câu 8: H. Khi cha mẹ qua đời, con cái phải làm gì?
- Khi cha mẹ qua đời, con cái phải lo an táng, cầu nguyện và xin lễ cho các ngài. Nếu các ngài có trối lại điều gì thì cần vâng lời noi giữ.
Câu 9: H. Cha mẹ có bổn phận gì đối với con cái?
- Cha mẹ có bổn phận nuôi dưỡng, thương yêu, dạy dỗ và làm gương sáng cho con cái noi theo về mặt nhân bản cũng như đức tin. Đồng thời phải hướng dẫn con cái trong việc lựa chọn nghề nghiệp và bậc sống của mình.
Câu 10: H. Anh chị em có bổn phận gì đối với nhau?
- Anh chị em trong gia đình phải biết kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
PHẦN GIÁO LÝ VIÊN
– Lời Chúa: Ep 6, 1-3.
– Ý chính: Thiên Chúa ban cho ta có mẹ có cha, cha mẹ nuôi nấng dưỡng dục ta, ta phải yêu mến, tôn kính vâng lời cha mẹ.
– Giáo cụ trực quan: – Tranh: Chúa Giêsu lên 12 tuổi (Số 58).
– Sách Chúa nói với trẻ em đoạn 51, trang 52.
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: nơi nào có hai ba người họp nhau cầu nguyện thì có Chúa ở giữa. Giờ đây, cả lớp chúng con quây quần bên nhau để học Lời Chúa. Xin Chúa hiện diện với chúng con, xin ban Thánh Thần tình yêu để Ngài nâng đỡ chúng con.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+Ôn bài cũ.
– Cùng một lúc có nhiều việc phải làm, vậy em nên làm việc gì trước? (Việc chính làm trước).
– Trước khi làm một việc em phải làm thế nào? (Chuẩn bị, cân nhắc kỹ lưỡng, và tìm những phương tiện để làm cho tốt).
– Khi làm xong công việc em phải làm gì? (Dọn dẹp tươm tất, không để bừa bãi).
+Kiểm tra quyết tâm.
Tuần qua, mỗi tối trước khi đi ngủ, các em có xét mình để xem mình có chu toàn bổn phận của mình không?
2/ Dẫn vào Lời Chúa.
Cuối thời Tây Hán, có ông Thái Thuận mồ côi cha từ bé, ông tôn kính và rất hiếu thảo với mẹ. Hồi ấy trong nước có loạn lạc, mùa màng không thể cấy cày, nên gây cảnh đói khát thảm thương. Ông Thuận phải đi hái quả dâu để thay thế những bữa cơm cho mẹ. Những trái dâu chín thẫm và những trái mới chín ông để riêng. Tên tướng giặc thấy thế liền hỏi:
– Vì sao còn bày vẽ thế?
Ông trả lời:
– Những trái chín tôi để cho mẹ tôi còn những trái đỏ chua chát kia là của tôi.
Nghe vậy, bọn giặc cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của ông bèn tặng ông gạo trắng, thịt trâu để đem về nuôi mẹ.
Các em thân mến ! Ông Thái Thuận là người chưa được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa mà còn có tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ tuyệt vời như thế, huống chi chúng ta là người môn đệ của Chúa Kitô. Vì thế, ta phải sống thế nào cho xứng hợp với Giáo lý của Người. Giáo lý của Chúa dậy ta sống hiếu thảo đối với cha mẹ như thế nào? Giờ đây mời các em cùng lắng nghe Lời Chúa dậy.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Ep 6, 1- 3.
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA.
1/ Dẫn giải Lời Chúa.
-Đoạn Lời Chúa các em vừa nghe, thánh Phaolô gửi cho Giáo đoàn nào? (Gửi cho tín hữu Ephêsô).
– Thánh Phaolô nói: Kẻ làm con đối với cha mẹ phải thế nào? (Phải vâng lời tôn kính cha mẹ, đó là đạo làm con).
– Ta phải vâng lời cha mẹ theo tinh thần của ai? (Theo tinh thần của Chúa Giêsu).
-Chúa Giêsu đã sống và chu toàn bổn phận làm con như thế nào?
Các em hãy nhìn vào bức tranh này. Bức tranh này tả lại cảnh Chúa Giêsu năm 12 tuổi đã theo Cha mẹ lên Đền thờ Giêrusalem và bị lạc.
*Chúa Giêsu đang đứng giữa những ai đây?
(Các bậc thầy về Kinh Thánh).
*Ngài ở giữa họ để làm gì? (Nghe và hỏi họ).
Sau 3 ngày tìm kiếm, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã thấy Ngài đang ở giữa các bậc thầy về Kinh thánh như thế, liền hỏi Chúa Giêsu tại sao lại làm như vậy, Chúa Giêsu trả lời làm sao? (Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?).
-Sau đó Chúa Giêsu trở về Nadarét và sống vâng phục cha mẹ. Mời các em mở “Sách Chúa nói với trẻ em” và cùng đọc đoạn 51, trang 52.
Qua bức tranh và đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã sống hiếu thảo với ai? (Với Cha trên trời, với cha mẹ trần gian của Ngài là Thánh Giuse và Mẹ Maria).
Chúng ta cùng tìm hiểu về giới răn thứ tư nói về việc thảo kính cha mẹ dưới đây.
2/ Giải thích câu hỏi thưa.
Câu 1: Điều răn thứ tư dậy ta những gì?
– Các em sống trong gia đình hay đi bụi đời? (Trong gia đình).
– Ai đứng đầu gia đình? (Cha mẹ).
– Điều răn thứ tư dậy ta phải đối xử với cha mẹ như thế nào? (Phải thảo kính cha mẹ).
Đọc chung câu 1.
Câu 2:Tại sao phải thảo kính cha mẹ?
-Ai sinh ra các em? (Cha mẹ).
-Ai nuôi các em khôn lớn, cho các em ăn học, dậy dỗ và thông truyền đức tin cho các em? (Cha mẹ).
-Để chu toàn việc sinh thành và dưỡng dục này cha mẹ các em có vất vả, cực nhọc không? (Có).
-Vậy công ơn Cha mẹ chúng ta có lớn không? (Có). Đúng, công ơn cha mẹ chúng ta rất lớn. Cha ông chúng ta đã nói:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Và chính Chúa cũng đã nói: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên phần đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã ban cho ngươi. ” (Xh 20, 12)
Đọc chung câu 2.
Câu 3: Thảo kính cha mẹ là gì?
-Thảo kính cha mẹ là gì? (Là tỏ lòng biết ơn và yêu mến cha mẹ).
-Bầy tỏ lòng biết ơn và yêu mến cha mẹ bằng cách nào? (Vâng lời, giúp đỡ cha mẹ, yêu thương anh chị em, cố gắng nên người).
Đọc chung câu 3.
Câu 4: Tại sao phải vâng lời cha mẹ?
Ngoài việc sinh ra chúng ta, lo cho chúng ta ăn mặc, học hành, cha mẹ còn có trách nhiệm giáo dục chúng ta nên người nên chúng ta phải vâng lời cha mẹ.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.
Các em có khi nào quan sát má làm cá chưa? Khi làm xong thường ướp muối cho cá khỏi ươn, vì muối có tác dụng bảo quản cá rất tốt, giữ cho thịt cá được tươi, khi ăn bảo đảm cho sức khoẻ.
Đối với con cái cũng thế, lời cha mẹ dạy bảo ví tựa như muối giúp cho chúng ta được lớn lên. Nếu người con biết vâng lời và làm theo lờiù các ngài dậy bảo, chắc chắn sẽ là người con tốt, có ích cho gia đình, cho xã hội. Còn nếu người con nào không biết vâng lời, không làm theo lời dậy dỗ của cha mẹ sẽ là đứa con hư hỏng làm hại cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội, như cá ươn không được ướp muối. Thế nên, ta phải vâng lời cha mẹ vì cha mẹ thay mặt Chúa để chăm sóc dậy dỗ ta phần xác cũng như phần hồn.
Đọc chung câu 4.
Câu 5: Phải vâng lời cha mẹ thế nào?
Bổn phận làm con chúng ta phải vâng lời cha mẹ vì cha mẹ là nguời sinh ra ta, dậy dỗ ta.
-Từ khi còn nhỏ tới khi khôn lớn, ta luôn ở với cha mẹ. Bao lâu còn sống với cha mẹ, ta phải tuân theo lời dậy bảo của cha mẹ mình.
– Chúng ta có ở với cha mẹ luôn mãi không? (Không). Chúng ta không ở với cha mẹ luôn mãi. Khi ta lớn khôn, trưởng thành, mỗi người một con đường, một lối đi. Nhìn vào gia đình của chúng ta, các em sẽ thấy điều đó: có những anh chị đi lập gia đình, cũng có những anh chị đi tu hay sống độc thân.
Khi đã trưởng thành, không còn sống bên cha mẹ nữa, ta phải đối xử với cha mẹ thế nào? Ta phải mau mắn đi bước trước đáp ứng những nhu cầu của cha mẹ và làm vui lòng các ngài. Hãy đón nhận nhừng lời khuyên răn hay những lời khiển trách của các Ngài. Nếu cần ta nên trao đổi với cha mẹ, để tình nghĩa gia đình được gắn bó keo sơn.
Đọc chung câu 5.
Câu 6: Nếu cha mẹ có ép uổng điều gì trái với lương tâm, ta phải làm gì?
Cha mẹ là những người thay mặt Chúa dậy dỗ, hướng dẫn ta. Thế nhưng, cha mẹ cũng chỉ là những con người yếu đuối bất toàn, vấp phải những sai lầm. Không phải lúc nào cha mẹ cũng nêu gương sáng, dậy bảo con những điều hay lẽ phải. Nên khi cha mẹ ép buộc ta làm điều gì trái với lương tâm, ta phải làm gì? Hãy khiêm tốn trình bày để cha mẹ có thể hiểu rõ vấn đề và cảm thông với ta hơn. Mặt khác, hãy cầu nguyện cho cha me, ï xin Chúa soi sáng hướng dẫn các ngài, không được cãi vã và có những hành vi bất kính, coi cha mẹ ngang hàng với ta.
Đọc chung câu 6.
Câu 7: Phụng dưỡng cha mẹ.
Lòng biết ơn Cha mẹ được thể hiện qua việc giúp đỡ các ngài.
-Ở tuổi các em chúng ta có thể giúp đỡ cha mẹ bằng cách nào? (Để các em tự trả lời).
Những việc các em vừa kể ra thật đúng và cần thiết, còn một việc nữa là các em phải luôn luôn cầu nguyện cho cha mẹ mình.
-Các em có nhớ cầu nguyện cho cha mẹ không? (Có).
Nếu các em chưa có thói quen cầu nguyện cho cha mẹ thì ngay từ hôm nay hãy bắt đầu tập và tập cho được thói quen cầu nguyện cho cha mẹ nhé !
Đọc chung câu 7.
Câu 8: Khi cha mẹ qua đời con cái phải làm gì?
Khi cha mẹ còn sống ta phải có lòng tôn kính, vâng lời, giúp đỡ. Còn:
-Khi cha mẹ đau yếu bệnh tật ta có phải chăm sóc, an ủi không? (Có).
-Khi cha mẹ qua đời ta có phải lo an táng, xin lễ cầu nguyện cho cha mẹ mình không? (Có).
-Nếu cha mẹ có trăn trối điều gì ta phải thực hiện không? (Có, ta phải lo thực hiện đúng ý của cha mẹ).
Đọc chung câu 8.
Câu 9: Cha mẹ có bổn phận gì với con cái?
Cha mẹ có bổn phận làm gương sáng cho con cái về các mặt như:
– Về nhân bản: là những đức tính làm người như khôn ngoan, công bằng, tiết độ …
– Về đức tin, đức cậy và đức mến.
– Giáo dục con cái theo tinh thần của Chúa: hãy làm điều tốt, xa tránh điều xấu.
– Giáo dục con cái về tinh thần.
Đọc chung câu 9.
Câu 10: Anh chị em có bổn phận gì đối với nhau?
Tục ngữ Việt Nam có câu “Anh em như thể tay chân”. Câu này có ý nói gì đây? (Câu này có ý nói là anh chị em trong gia đình phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, phải biết kính trên nhường dưới và hãy cầu nguyện cho nhau).
Đọc chung câu 10.
VI. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1/ Gợi tâm tình:
Sống hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận của những người làm con và cũng là giới luật Chúa truyền. Giờ đây chúng ta cùng nhau xin Chúa cho chúng ta luôn biết kính trọng, yêu mến và vâng lời cha mẹ.
2/ Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi xưa ở Na-da-rét, Chúa luôn yêu mến vâng lời cha mẹ, biết cách làm cho cha mẹ vui lòng, xin cho chúng con sống hiếu thảo và luôn ý thức rằng cha mẹ là những người thay mặt Chúa, nuôi dưỡng, dậy dỗ và yêu thương chúng con để chúng con cố gắng làm hài lòng cha mẹ. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Các em hãy ghi:
- câu thích hợp vào cột A (câu đúng)
- câu không thích hợp vào cột B (câu sai)
Cột A (thích hợp) | Cột B (không thích hợp) |
câu 2 | câu 1 |
1/ Tôi vâng lời cha mẹ trong mọi chuyện kể cả những việc trái với lương tâm.
2/ Cha mẹ rất yêu tôi, lo lắng cho tôi mọi chuyện, các ngài dậy tôi sống đức tin, dậy tôi cầu nguyện, tôi hết lòng yêu mến, tôn kính và luôn cầu nguyện cho cha mẹ.
VIII. QUYẾT TÂM
Cha mẹ là những người thay mặt Chúa, nuôi nấng dậy dỗ ta. Tuần này em quyết tâm cầu nguyện cho cha mẹ mỗi ngày.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, giờ đây chúng con ra về với tâm hồn hân hoan vui sướng, vì qua giờ học chúng con lãnh nhận biết bao ơn lành của Chúa, biết bao lời dậy dỗ đầy thân thương từ giáo lý của Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin giúp chúng con biết đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hàng ngày. Chúng con dâng điều quyết tâm cho Chúa, xin Chúa ban ơn để chúng con làm tốt điều quyết tâm này. Amen.
Đọc kinh Sáng danh.