PHẦN HỌC SINH
Câu 1: H. Ta có bổn phận gì đối với người trong gia tộc?
- Ta có bổn phận tỏ lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến, giúp đỡ và cầu nguyện cho mọi người trong gia tộc, còn sống cũng như đã qua đời.
Câu 2: H. Người công giáo tưởng nhớ công ơn tổ tiên bằng cách nào?
- Bằng cách cầu nguyện, dâng lễ và cũng có thể cúng lễ gia tiên theo truyền thống dân tộc.
Câu 3: H. Ngoài quan hệ huyết thống, ta còn mối thân tình nào khác nữa?
- Ta còn có quan hệ thân tình với những người đã giúp ta đón nhận đức tin. Ta cần có lòng tri ân đặc biệt đối với những người ấy.
PHẦN GIÁO LÝ VIÊN
– Lời Chúa: Mt 5, 43- 45.
– Ý chính: Hiếu thảo với ông bà cha mẹ, kính nhớ ông bà tổ tiên.
– Giáo cụ trực quan: Sách Chúa nói với trẻ em, trang 92 từ
“Anh em hãy vui mừng” tới “ở cùng tất cả anh chị em”.
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự xuống trên chúng con, xin nâng đỡ, hướng dẫn chúng con trong giờ học này.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA.
1/ Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+ Ôn bài cũ:
– Để tỏ lòng tôn kính, yêu mến và biết ơn cha mẹ ta phải làm thế nào? (Ta phải vâng lời, giúp đỡ cha mẹ).
-Cha mẹ thay mặt ai để chăm sóc dậy dỗ ta? (Thay mặt Chúa để chăm sóc dậy dỗ ta).
+ Kiểm tra quyết tâm: Trong tuần qua các em có cầu nguyện cho cha mẹ mình mỗi ngày không?
2/ Dẫn vào Lời Chúa.
Các em thân mến! Sau đây là một hồi ký của một linh mục ghi lại sinh hoạt gia tộc của Ngài, mời các em lắng nghe nhé!
Hồi ấy, tôi con nhỏ, khoảng 10 tuổi, như mọi đứa trẻ tôi mong tết đến, tết được mặc áo mới, được lì xì, thật là thú vị. Tết còn được ăn cỗ, ăn một bữa cỗ ngon lành, đủ thứ ngon vật lạ mà ngày thường không có, lại có cả bánh chưng xanh, dưa hành, giò, chả, ông tôi lại còn chế cả rượu đào, rượu cúc, uống vào ngọt lịm không say. Tết còn được về quê ngoại thăm họ hàng, những câu chào nhau, chúc mừng tíu tít, các cháu nhỏ như tôi được xoa đầu, các cháu nhỏ như tôi được mừng tuổi dăm ba xu “cho cháu ăn quà mau lớn”.
Nhưng trong dịp xuân, cái làm tôi nhớ mãi không quên được dù đã hơn 40 năm rồi. Cứ ngày mồng một tại nhà cha tôi, vì cha tôi là trưởng tộc, tất cả cô, bác, chú dì, anh em họ hàng từ khắp nơi đổ về. Sau Thánh Lễ ở nhà thờ về đến nhà trước hết là thắp nến trên bàn thờ, cả gia tộc cùng nhau đọc kinh thờ phượng Chúa, kính nhớ Đức Mẹ, dâng cả năm mới cho Chúa. Kinh nguyện xong cả gia tộc mời ông bà ngồi xuống hai chiếc ghế rồi ngồi xúm lại chúc tết. Anh cả tôi là cháu đích tôn, đại diễn đọc bài chúc tết. Dứt bài, pháo nổ vang, cỗ bàn được dọn ra, cùng ăn uống vui vẻ. ăn uống xong chúng tôi rủ nhau chạy ra phố chơi… thật là êm đềm.
Tưởng nhớ lại kỷ niệm xưa mà lòng tôi còn bùi ngùi nuối tiếc. Tình gia tộc thật là đậm đà. Chúng tôi được hun đúc trong tình gia tộc ấy lớn lên mỗi người một con đường một lối đi, còn tôi được ơn gọi làm Linh mục, nhưng tình gia tộc trong tôi không bao giờ phai… Nó là sức nâng đỡ cho tôi trong cuộc đời, là niềm an ủi cho tôi trong lúc buồn khổ. Suốt 40 năm đã qua có những người đã chết, nhưng những khuôn mặt ấy vẫn còn in hằn trong trí nhớ tôi, ấp ủ trong trái tim tôi.
Qua hồi ký của vị Linh mục đã kể, các em biết những gia đình do một vị tổ tiên sinh ra hợp thành một gia tộc. Lòng kính nhớ ông bà tổ tiên giúp nối kết tinh thần thân mật giữa những người trong một gia tộc, để thắt chặt tình yêu thương, cùng nhau nhắc nhau sống đẹp lòng Chúa. Vì Thiên Chúa chính là nguồn gốc của mọi gia tộc trên trời dưới đất. Mời các em cùng lắng nghe Lời Chúa trong thư của Thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Ê-phê-sô viết về Thiên Chúa là nguốn gốc của mọi tình gia tộc.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Ep 3, 14- 16.
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA.
1/ Dẫn giải Lời Chúa.
– Đoạn Lời Chúa các em vừa nghe trong thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu nào? (Tín hữu Êphêsô).
– Thánh Phaolô cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai? (Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Ngài tạo dựng nên tất cả mọi loài).
– Vậy nhờ ai ta có ông bà tổ tiên? (Nhờ Thiên Chúa).
– Càng biết ơn, hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên, ta càng phải biết ơn ai trước? (Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc. Ngài dựng nên ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng ta).
Mời các em mở Sách Chúa nói với trẻ em trang 92 chúng ta cùng đọc đoạn Lời Chúa từ “Anh em hãy vui mừng” tới “ở cùng tất cả anh chị em”.
Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về tình gia tộc ở phần bài học dưới đây.
2/ Giải thích câu hỏi thưa.
Câu 1: Ta có bổn phận gì đối với người trong gia tộc?
– Điều răn thứ 4 mở đầu cho điều răn yêu người dậy chúng ta yêu thương ai? – Thưa ta phải yêu thương những người gần gũi với chúng ta, đó là cha mẹ, anh chị em trong gia đình, rồi đến những người trong gia tộc cùng huyết thống với chúng ta. Ta phải kính trọng, yêu mến, giúp đỡ và cầu nguuyện cho người còn sống cũng như đã qua đời.
Đọc chung câu 1.
Câu 2: Người công giáo tưởng nhớ công ơn tổ tiên bằng cách nào?
-Các em đã lần nào dự đám cưới của người thân mình, ví dụ: anh, chị, cậu dì, chú cô…chưa?
-Trong khi tổ chức đám cưới, các em có thấy hai gia đình cô dâu, chú rể có nghi thức gì không? (Có, nghi thức kính nhớ ông bà tổ tiên, còn gọi là lễ gia tiên).
-Trong dịp tết nguyên đán, vào ngày mồng hai tết, người Việt nam dành để kính nhớ ai? (Kính nhớ ông bà tổ tiên).
Người Việt Nam chúng ta có thói quen tốt lành, là trong những dịp vui buồn đều nhớ tới ông bà tổ tiên. Việc làm thiết thực nhất là xin lễ, cầu nguyện cho các ngài, dâng việc lành phúc đức và còn làm bàn thờ tổ tiên, thắp nén nhang theo truyền thống dân tộc để cúng lễ gia tiên.
Đọc chung câu 2.
Câu 3: Ngoài quan hệ huyết thống, ta còn mối thân tình nào khác nữa?
-Ông bà tổ tiên thông truyền sự sống cho ta, ta cùng dòng máu với các ngài, đó là dòng máu tự nhiên. Ngoài ra ta còn sự sống siêu nhiên, đó là sự sống trong ân sủng, trong sự làm con Chúa. Do đó, ta còn quan hệ thân tình với những ai nữa? (Với những người đã sinh ra ta trong đức tin, giúp ta đón nhận Lời Chúa và sống làm con Chúa).
-Đó là những ai? (Đó là những Linh mục, cha mẹ đỡ đầu, anh chị Giáo Lý Viên… ta phải có lòng biết ơn đối với những người ấy).
Đọc chung câu 3.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1/ Gợi tâm tình.
Nhờ có cha mẹ, ông bà tổ tiên mới có chúng ta, trong tâm tình biết ơn yêu mến các em hãy thinh lặng hướng tâm hồn lên Chúa, xin Chúa gìn giữ, trợ giúp ông bà cha mẹ chúng ta. Nếu như các ngài đã qua đời, xin Chúa hãy xót thương tha thứ và sớm đem các ngài về hưởng nhan thánh Chúa.
2/ Lời nguyện:
Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ Cha đã ban cho chúng con có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Xin cho chúng con luôn yêu mến, kính trọng và nhớ ơn tổ tiên chúng con, để chúng con biết sống tốt, sống ngoan. Nhờ đó sẽ làm rạng rỡ cho gia tộc của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
VI. SINH HOẠT
Trò chơi: Tìm Gia Tộc.
- Quản trò phát cho mỗi em một miếng giấy nhỏ có ghi: gia tộc chó, mèo, gà, vịt, bò, … mỗi gia tộc từ 6 đến 8 em.
- Cách chơi: Khi nghe lệnh mỗi em đều kêu lên theo tiếng gia tộc của mình và tìm đến nhau. Gia tộc nào tìm đến với nhau sớm nhất và đầy đủ nhất là gia tộc đó thắng.
VII. BÀI TẬP
Tìm từ thích hợp sau đây để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa: dâng lễ, tỏ lòng biết ơn.
1/ Đối với những người trong gia tộc ta có bổn phận………………. yêu mến, cầu nguyện.
2/ Người công giáo kính nhớ tổ tiên ông bà bằng cách………………… và làm việc phúc đức cầu nguyện cho các Ngài.
VIII. QUYẾT TÂM
Để kính nhớ ông bà tổ tiên, tuần này em quyết tâm làm hai việc hy sinh dâng lên Chúa để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cô dì chú bác.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học vừa qua để chúng con cùng nhau học hỏi, nhờ đó mà mỗi ngày chúng con biết yêu mến và vun đắp cho tình gia tộc được thêm đậm đà thắm thiết. Chúng con cũng xin Chúa ban ơn để chúng con làm điều quyết tâm tuần này cho đẹp lòng Chúa. Amen.
Đọc kinh Sáng danh.