Bài Giảng Mùa Vọng Của ĐHY Raniero Cantalamessa
Hôm thứ Sáu 04/12, cũng như mọi năm, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo hoàng đã có một bài suy niệm dành cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma. Bài suy niệm tập trung vào những suy tư: chúng ta là người phàm và “chúng ta không có thành trì bền vững trên đời này” (Dt 13:14); cuộc sống đó không kết thúc bằng các chết, bởi vì đời sống vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta; chúng ta không một mình đương đầu với sóng gió trên con thuyền nhỏ của hành tinh chúng ta vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Chân lý đầu tiên trong ba chân lý này là đối tượng của kinh nghiệm, hai chân lý còn lại là niềm tin và hy vọng.
Ngọc Yến – Vatican News 06 tháng mười hai 2020
Mở đầu bài suy niệm, lấy ý tưởng trong một bài thơ của nhà thơ người Ý, Giuseppe Ungaretti, nói về thân phận con người như những chiếc lá trên cây vào mùa thu, Đức Hồng y nói: “Tại thời điểm này trong cuộc sống của chúng ta, toàn thể nhân loại đang cùng trải qua cảm giác bấp bênh và bất an do đại dịch virus corona. Như Thánh Grêgôriô Cả viết: đôi khi Chúa hướng dẫn chúng ta bằng lời nói, đôi khi Ngài làm như vậy bằng những sự kiện. Trong năm được đánh dấu bằng sự kiện lớn và đáng sợ của virus corona, chúng ta cố gắng rút ra từ đó giáo huấn mà mỗi người có thể thấy ích lợi cho đời sống thiêng liêng và cá nhân.
Những chân lý vĩnh cửu mà chúng ta muốn tập trung suy tư là: thứ nhất, chúng ta là người phàm và ‘chúng ta không có thành trì bền vững trên đời này’ (Dt 13:14); thứ hai, cuộc sống đó không kết thúc bằng các chết, bởi vì đời sống vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta; thứ ba, chúng ta không một mình đương đầu với sóng gió trên con thuyền nhỏ của hành tinh chúng ta vì ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’ (Ga 1,14). Chân lý đầu tiên trong ba chân lý này là đối tượng của kinh nghiệm, hai chân lý còn lại là niềm tin và hy vọng”.
“Memento mori!- Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết”
“Memento mori, Hãy nhớ bạn sẽ chết”. Đức Hồng y lấy phương châm của các tu sĩ Dòng Xitô Nhặt Phép để nói về cái chết theo hai cách khác nhau: dưới ánh sáng của việc loan báo Tin Mừng hoặc dưới ánh sáng của trí tuệ. Cách thứ nhất bao gồm việc loan báo Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết; sự chết không còn là một bức tường để mọi thứ đâm vào, nhưng là một cây cầu dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Cách thứ hai, dưới ánh sáng của trí tuệ hay hiện sinh bao gồm việc suy tư thực tế về cái chết mà con người có thể tiếp cận được, để từ đó rút ra những bài học ngõ hầu sống một cuộc sống tốt đẹp.
Con đường hiện sinh là cách tiếp cận cái chết trong Cựu Ước và đặc biệt là trong sách Khôn ngoan: “Xin dạy chúng con đếm ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”, như tác giả Thánh Vịnh cầu xin Chúa (Tv 90, 12). Cách nhìn về cái chết này không chỉ kết thúc với Cựu Ước, nhưng nó còn tiếp tục trong Tin Mừng của Chúa Kitô. Chúng ta hãy nhớ lời cảnh báo của Người: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13), câu kết của dụ ngôn người giàu có dự định xây kho thóc lớn hơn để tích trữ: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20), và một lần nữa Chúa Giêsu nói: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).
Truyền thống của Giáo hội đã làm cho giáo huấn này trở thành giáo huấn của chính mình. Các Giáo phụ sa mạc nuôi dưỡng suy nghĩ về cái chết đến nỗi họ đã biến nó thành một thực hành thường xuyên và bằng mọi cách giữ cho nó tồn tại.
Tại trường học của “Chị Chết”
Đức Hồng y cảnh báo về xã hội đương đại khi suy tư về cái chết: Trước sự tiến bộ của công nghệ và những thành tựu của khoa học, chúng ta có nguy cơ giống như người đàn ông trong dụ ngôn nói với chính mình: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12, 19). Tai ương hiện tại đã đến để nhắc nhở chúng ta rằng việc “hoạch định” và quyết định tương lai của chính mình, ngoài đức tin, rất ít phụ thuộc vào con người.
Chúng ta chịu sự quyến rũ của thế gian và của những thứ hữu hình, luôn bị cám dỗ “rập theo đời này” (Rm 12, 2). Không có điểm nào tốt hơn để đặt mình nhìn thế giới, bản thân và mọi sự kiện trong sự thật của chúng cho bằng cái chết. Sau đó, mọi thứ diễn ra đúng chỗ của nó.
Thế giới thường xuất hiện như một mớ hỗn độn không thể gỡ của những bất công và hỗn loạn. Mọi thứ dường như xảy ra một cách ngẫu nhiên mà không có bất kỳ sự nhất quán hay kế hoạch nào. Một loại tranh không có hình dạng, trong đó tất cả các yếu tố và màu sắc dường như được đặt ngẫu nhiên, như trong một số bức tranh hiện đại. Người ta thường chứng kiến sự ác chiến thắng và sự vô tội lại bị trừng phạt. Có một điểm để quan sát bức tranh khổng lồ này và hiểu được ý nghĩa của nó đó là “sự kết thúc”, tức là cái chết, ngay sau đó là sự phán xét của Thiên Chúa (Dt 9:27). Nhìn từ đây, mọi thứ đều đạt đúng giá trị của nó. Cái chết là dấu chấm hết cho mọi khác biệt và mọi bất công tồn tại giữa con người.
Suy nghĩ về cái chết ngăn cản chúng ta bám víu vào sự vật, và đừng đặt lòng mình vào những thứ trên trần gian này đến mức quên mất rằng “chúng ta không có thành trì bền vững trên trái đất này” (Dt 13, 14). Như một Thánh Vịnh đã nói, “vì khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần” (Tv 49, 18).
Anh em hãy tỉnh thức
Đức Hồng y nhấn mạnh: Quả thực, Chị Chết là một người chị và một nhà sư phạm tốt. Người Chị này dạy chúng ta nhiều điều, nếu chúng ta biết cách lắng nghe một cách ngoan ngoãn. Giáo hội không ngần ngại gửi chúng ta đến trường học này. Trong phụng vụ thứ Tư Lễ Tro, có một điệp ca với những âm điệu mạnh mẽ: “Chúng ta hãy sửa đổi cho tốt hơn những gì chúng ta đã làm sai do thiếu hiểu biết. Cầu mong giờ chết không xảy đến bất ngờ, khi đó chúng ta tìm kiếm thời gian để sám hối cũng không tìm được nữa”.
Từ điểm này, vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng dẫn bài suy niệm đến một lĩnh vực khác đó là lĩnh vực truyền giáo. Đức Hồng y nói: Suy nghĩ về cái chết gần như là vũ khí duy nhất mà chúng ta còn lại để lay chuyển một xã hội xa hoa khỏi sự ngớ ngẩn của nó, giống như trường hợp của người Do Thái chọn được giải thoát khỏi Ai Cập: “Nó đã ăn và no thỏa … và đã từ bỏ Thiên Chúa, Đấng đã làm ra nó” (Dnl 32,15).
Trong một thời điểm tế nhị của lịch sử dân được chọn, Thiên Chúa đã nói với ngôn sứ Isaia: “Hãy hô lên”. Ngôn sứ thưa : “Phải hô lên điều gì?” “Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua” (Is 40, 6-7). Tôi tin rằng hôm nay Thiên Chúa cũng ra lệnh này cho các ngôn sứ của Người và Thiên Chúa làm như vậy vì Người yêu thương con cái của Người và không muốn chúng “như đoàn vật nhốt trong âm phủ và chính tử thần canh giữ chăn nuôi” (Tv 49, 15).
Câu hỏi về ý nghĩa sự sống và cái chết đã có một nhiệm vụ đáng kể trong công cuộc loan báo Tin Mừng ban đầu của châu Âu và không loại trừ khả năng nó có thể thực hiện một nhiệm vụ tương tự trong nỗ lực tái truyền giảng Tin Mừng hiện nay. Thực tế, kể từ đó đến nay nếu có một điều không thay đổi thì đó là điều này: con người phải chết. Đấng đáng kính Beda thuật lại cách Kitô giáo đi vào miền bắc nước Anh, vượt qua sự phản kháng của ngoại giáo. Nhà vua đã triệu tập đại hội đồng của vương quốc để quyết định vấn đề có nên cho các nhà truyền giáo Kitô vào hay không. Đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau, và một nhà quý tộc đứng lên nói: Cuộc sống của con người có thể mô tả như sau: “Vào mùa đông. Khi nhà vua ngồi ăn tối với mọi người. Ở giữa phòng có một ngọn lửa sưởi ấm căn phòng, trong khi bên ngoài cơn bão mùa đông với mưa và tuyết hoành hành. Một con chim sẻ đột nhiên đến cung điện; nó đi vào từ một khe hở và thoát ra rất nhanh từ phía đối diện. Khi ở bên trong, nó được che chở khỏi cái lạnh mùa đông, nhưng sau một lúc chú chim lại rơi vào bóng tối từ nơi nó đến và biến mất khỏi tầm nhìn.” Đấng đáng kính Beda kết luận: “Đây là cuộc sống của chúng ta! Chúng ta không biết những gì trước đó và những gì sẽ xảy ra sau đó… Nếu học thuyết mới này có thể nói cho chúng ta biết điều gì đó chắc chắn hơn về cuộc sống, thì tôi tin rằng chúng ta phải lắng nghe nó.”
Ngợi khen Ngài Lạy Chúa, vì Chị Chết thể xác
Đức Hồng y đưa ra hiệu quả của việc thấm nhuần bài học trên: Bằng cách này, chúng ta không phục hồi nỗi sợ về cái chết. Thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Chúa Giêsu đến để giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,15). Chúa đến để giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi về cái chết chứ không phải làm gia tăng nỗi sợ. Tuy nhiên, chúng ta phải biết nỗi sợ hãi này để được giải thoát khỏi nó. Chúa Giêsu đến để dạy về nỗi sợ cái chết đời đời cho những ai không biết gì ngoài nỗi sợ cái chết thể xác.
Đức Hồng y khẳng định: Cái chết đời đời! “Cái chết thứ hai”, như sách Khải huyền gọi (Kh 20, 6) là điều duy nhất thực sự xứng đáng với tên gọi là cái chết, bởi vì nó không phải là một chặng trải qua, một cuộc Vượt Qua, mà là một đích đến khủng khiếp. Chính Thánh Tông đồ Phaolô nói: “Tử thần có độc là vì tội lỗi” (1Cr 15, 56). Điều khiến cho cái chết có sức mạnh đáng sợ nhất đối với các tín hữu và làm cho họ sợ hãi chính là tội lỗi.
Đức Hồng y đưa ra lời khuyên: Tham dự Bí tích Thánh Thể là cách chân thật nhất, đúng nhất và hữu hiệu nhất để chúng ta “chuẩn bị” cái chết. Trong việc cử hành Thánh Thể, chúng ta cũng cử hành cái chết của chúng ta và dâng nó, ngày qua ngày, lên Chúa Cha. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể dâng lên Cha lời thưa “xin vâng”, với những gì đang chờ đợi chúng ta, trước cái chết mà Người sẽ muốn cho chúng ta. Trong đó chúng ta “làm một di chúc”: chúng ta quyết định trao cuộc sống cho ai và chết vì ai.
Sự thật là chúng ta được sinh ra để có thể chết; cái chết không chỉ là hết mà còn là mục đích của cuộc đời. Tuy nhiên, điều này không xuất hiện như một sự lên án, trái lại nó dường như là một đặc ân. Thánh Gregory Nissa nói “Đức Kitô được sinh ra để có thể chết”, nghĩa là để có thể hiến mạng sống cứu chuộc mọi người. Chúng ta cũng đã đón nhận sự sống như một món quà để có một cái gì đó độc đáo, quý giá, xứng đáng với Chúa, đến lượt mình, chúng ta có thể dâng Người như một món quà và như một của lễ. Chúng ta có thể nghĩ đến công dụng đẹp đẽ nào hơn đối với cuộc sống ngoài việc biến nó thành một món quà, vì tình yêu, cho Đấng Tạo Hóa, Đấng đã ban tặng nó cho chúng ta vì tình yêu? Chúng ta có thể tự mình đọc những lời được linh mục đọc trong Thánh lễ, khi dâng bánh và rượu: “Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con sự sống này, chúng con dâng lên Chúa để trở nên một hy lễ sống động, thánh thiện đẹp lòng Chúa” (Rm 12,1).
Với tất cả những điều này, chúng ta không loại bỏ suy nghĩ về cái chết với nọc độc của nó – là khả năng làm chúng ta đau khổ mà chính Chúa Giêsu cũng muốn trải qua ở vườn Ghếtsêmanê. Tuy nhiên, ít ra chúng ta cũng chuẩn bị sẵn sàng hơn để chấp nhận sứ điệp an ủi đến với chúng ta từ đức tin và phụng vụ công bố trong Thánh lễ cầu cho các linh hồn: “Vì, lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”.