Vào lúc 5 giờ chiều thứ Sáu ngày 29.03.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Theo truyền thống, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, OFM. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng sẽ giảng trong buổi cử hành Phụng vụ này. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức Hồng y:
NĂM 2024: “KHI CÁC ÔNG GIƯƠNG CAO CON NGƯỜI LÊN, BẤY GIỜ CÁC ÔNG SẼ BIẾT RẰNG TA LÀ”
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng TA LÀ” (Ga 8,28). Đây là lời Chúa Giêsu công bố vào lúc kết thúc cuộc tranh cãi gay gắt với những người chống đối Người. Có một sự tiến bộ vượt bậc so với câu “Ta Là” được Chúa Giêsu tuyên bố trước đó trong Tin Mừng Gioan. Chúa Giêsu không còn nói: “TA LÀ” cái này hay cái kia: Bánh trường sinh, ánh sáng thế gian, sự sống lại và là sự sống, v.v… nhưng chỉ đơn giản nói “Ta là” mà không cần xác định thêm. Điều này mang lại cho lời tuyên bố của Người một chiều kích mang tính tuyệt đối, và siêu hình. Lời này cố ý gợi lại những lời trong sách Xuất Hành (Xh 3,14) và sách ngôn sứ Isaia (Is 43,10-12), trong đó Thiên Chúa tuyên bố chính thần tính của Ngài “TA LÀ”.
Tính mới lạ gây kinh ngạc của lời khẳng định này trên miệng Đức Kitô chỉ được khám phá nếu chúng ta chú ý đến điều xảy ra trước lời tự khẳng định của Đức Kitô: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng TA LÀ”. Như muốn nói: Ta là Đấng nào – và do đó, Thiên Chúa là Đấng nào – sẽ chỉ được biểu lộ trên thập giá. (Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, cụm từ “được giương cao” ám chỉ biến cố thập giá!)
Chúng ta đang phải đối diện với sự đảo ngược hoàn toàn quan niệm của con người về Thiên Chúa và một phần quan niệm của Cựu Ước. Chúa Giêsu không đến để điều chỉnh và hoàn thiện quan niệm mà con người có về Thiên Chúa, nhưng theo một nghĩa nào đó, để phá vỡ quan niệm ấy và mạc khải dung nhan đích thực của Thiên Chúa. Đây là điều mà Thánh Phaolô là người đầu tiên hiểu được, khi ngài viết:
Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin.Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1 Cr 1,21-24).
Hiểu theo cách này, lời của Đức Kitô mang một ý nghĩa phổ quát, thách thức những ai đọc Lời này, trong mọi thời đại và hoàn cảnh, kể cả thời đại chúng ta. Thật vậy, sự đảo ngược quan niệm về Thiên Chúa luôn cần được đổi mới. Tiếc thay, trong tiềm thức của mình, chúng ta vẫn mang theo quan niệm về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đến để thay đổi. Chúng ta có thể nói về một Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn là tinh thần, Đấng tối cao, v.v., nhưng làm sao chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong sự huỷ diệt của cái chết trên thập giá? Tất nhiên, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng đó là loại quyền năng nào? Đối diện với loài người, Thiên Chúa thấy mình không có bất kỳ năng lực nào, Ngài không chỉ không có sức mạnh để cưỡng bức mà ngay cả sức mạnh để phòng vệ cũng không. Thiên Chúa không thể can thiệp bằng quyền lực để áp đặt mình lên con người. Ngài không thể thể làm gì khác hơn là tôn trọng, tới mức vô hạn, quyền tự do lựa chọn của con người.
Và như vậy, Chúa Cha mạc khải khuôn mặt đích thực về sự toàn năng của Ngài nơi Con của Ngài, Đấng quỳ gối trước các môn đệ để rửa chân cho các ông; nơi Đấng hạ mình đến mức bất lực tột độ trên thập giá, đồng thời tiếp tục yêu thương và tha thứ mà không lên án bất cứ ai. Sự toàn năng của Thiên Chúa là sự toàn năng của tình yêu không có khả năng tự vệ.
Cần rất ít quyền năng để thể hiện bản thân. Nhưng cần rất nhiều sức mạnh để đặt mình sang một bên và xóa bỏ chính mình. Thiên Chúa chính là sức mạnh vô tận của sự xóa bỏ chính mình này! Exinanivit semetipsum: Ngài đã hoàn toàn huỷ mình ra không (Pl 2,7). Đối với “ước muốn có quyền lực” của chúng ta, Thiên Chúa đã làm ngược lại với sự bất lực tự nguyện của Ngài.
Thật là một bài học cho chúng ta, những người ít nhiều gì luôn có chủ ý thích phô trương. Thật là một bài học đặc biệt dành cho những kẻ có quyền lực trên trái đất! Hoặc ít nhất là đối với những người quyền thế thậm chí không hề nghĩ đến việc phục vụ mà chỉ nghĩ đến quyền lực vì quyền lực; những kẻ mà – như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng – là những kẻ “thống trị dân” và hơn nữa, “tự xưng là ân nhân” (x. Mt 20,25; Lc 22,25).
* * *
Nhưng chẳng phải chiến thắng của Đức Kitô trong sự phục sinh của Người đã đảo lộn tầm nhìn này, và tái khẳng định sự toàn năng vô địch của Thiên Chúa sao? Đúng vậy, nhưng theo một nghĩa rất khác so với những gì chúng ta thường nghĩ. Rất khác so với những “cuộc khải hoàn” được cử hành khi hoàng đế trở về sau các cuộc chiến thắng, dọc theo con phố mà ngày nay ở Roma vẫn được gọi là Via Trionfale.
Chắc chắn đã có một chiến thắng trong trường hợp của Đức Kitô, và là một chiến thắng vừa mang tính dứt khoát vừa không thể bị đảo ngược! Nhưng chiến thắng này được thể hiện như thế nào? Sự sống lại diễn ra một cách mầu nhiệm, không có nhân chứng. Cái chết của Chúa Giêsu – như chúng ta vừa nghe trong bài Thương Khó – đã được một đám đông chứng kiến, cùng với sự tham gia của các nhà chức trách tôn giáo và chính trị cao nhất. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu chỉ hiện ra với một số môn đệ, ngoài tầm chú ý của mọi người.
Khi làm như thế, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: sau khi chịu đau khổ, chúng ta đừng mong đợi một chiến thắng hữu hình bên ngoài, giống như kiểu vinh quang trần thế. Chiến thắng được ban cho một cách vô hình và ở cấp độ cao hơn vô cùng bởi vì đó là chiến thắng vĩnh cửu! Các vị tử đạo trong quá khứ và hiện tại là những ví dụ điển hình về điều này.
Đấng Phục Sinh tỏ mình ra qua những lần hiện ra, vốn đủ để mang lại một nền tảng đức tin rất vững chắc cho những ai ngay từ đầu đã không khước từ để tin. Nhưng đó không phải là hành động trả thù nhằm hạ nhục đối phương. Chúa Giêsu không hiện ra giữa họ để chứng minh rằng họ sai hoặc để chế nhạo sự tức giận trong bất lực của họ. Do đó, bất kỳ sự trả thù nào cũng sẽ không phù hợp với tình yêu mà Đức Kitô muốn minh chứng trong cuộc khổ nạn của Người.
Chúa Giêsu cư xử khiêm tốn trong vinh quang phục sinh cũng như trong sự huỷ diệt của cái chết của Người trên Đồi Canvê. Mối quan tâm của Chúa Giêsu phục sinh không phải là để làm cho kẻ thù của Người bối rối, mà là lên đường và trấn an các môn đệ của Người đang thất vọng, và trước các ông, là đến với những phụ nữ, vốn là những người chưa bao giờ ngừng tin vào Người.
* * *
Trước đây, chúng ta thường nói về “sự chiến thắng của Giáo hội Thánh thiện”. Mọi người cầu nguyện cũng như sẵn lòng ghi nhớ những thành tựu và lý do mang tính lịch sử của chiến thắng này. Nhưng chúng ta đã nghĩ đến loại chiến thắng nào? Hôm nay chúng ta nhận ra kiểu chiến thắng đó khác với chiến thắng của Chúa Giêsu biết bao. Nhưng chúng ta đừng phán xét quá khứ, vì luôn có nguy cơ trở thành bất công khi chúng ta phán xét quá khứ từ nhãn quan của hiện tại.
Đúng hơn, chúng ta hãy chấp nhận lời mời mà Chúa Giêsu gửi đến thế giới từ trên thập giá của Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Điều này dường như bị coi là một sự mỉa mai và nhạo báng! Vì một người không có hòn đá để gối đầu, một người bị chính dân mình ruồng bỏ, bị kết án tử hình, một người mà “ai thấy cũng che mặt không nhìn” (x. Is 53,3), lại dám ngỏ với toàn thể nhân loại, ở mọi nơi và mọi thời rằng: “Tất cả hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”
Hãy đến với Ta, hỡi những ai già nua, bệnh tật và cô đơn, hỡi những ai bị thế giới bỏ rơi để cho chết trong cảnh nghèo đói, hoặc trong cảnh bom đạn; hỡi những ai đang bị mòn mỏi trong nhà tù vì niềm tin vào Ta, hoặc vì đấu tranh cho tự do của mình, hỡi những phụ nữ, nạn nhân của bạo lực. Tóm lại, tất cả mọi người, không loại trừ ai: Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng! Chẳng phải Ta đã hứa rằng: “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32) đó sao?
“Nhưng liệu Ngài có thể cho chúng tôi sự nghỉ ngơi bồi dưỡng nào, hỡi người của thập giá, chẳng phải chính Ngài còn bị bỏ rơi và mệt mỏi hơn những người mà Ngài muốn an ủi sao?” “Đúng vậy, hãy đến với Ta, vì TA LÀ! Ta là Thiên Chúa! Ta đã không thừa nhận quan niệm của các ngươi về sự toàn năng, nhưng Ta vẫn giữ nguyên sự toàn năng của mình, đó là sự toàn năng của tình yêu. Vì có lời chép rằng “sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sự mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25). Ta có thể an ủi và cho các ngươi sự nghỉ ngơi mà không làm mất đi sự mệt mỏi, lao nhọc trên thế giới này. Hãy hỏi những người đã trải nghiệm điều đó!.
Vâng, Lạy Chúa chịu đóng đinh, với tâm hồn tràn đầy lòng biết ơn, vào ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa, cùng với tông đồ Phaolô, chúng con mạnh mẽ tuyên xưng rằng:
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? […] Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: slmedia.org (29. 03. 2024)
Nguồn: WHĐGMVN- 08/04/2024