Bài thuyết trình của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trình bày hôm 12 tháng 9, 2006 cho các nhà khoa học tại đại học Regensburg
Đây là toàn văn bài thuyết trình của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trình bày hôm 12 tháng 9, 2006 cho các nhà khoa học tại đại học Regensburg. Bài thuyết trình đề cập đến tương quan giữa lí trí và đức tin đồng thời mổ xẻ ba giai đoạn trong tiến trình giải trừ ảnh hưởng văn hoá Hi Lạp trong đức tin Kitô giáo.
Đức Tin, Lí Trí và Đại Học
Hồi tưởng và Suy Tư
Thưa quý Bà quý Ông thân mến,
Thật là một kinh nghiệm xúc động cho tôi khi một lần nữa lại được đứng trên bục giảng của trường đại học này để thuyết trình. Tôi hồi tưởng lại những năm trước đây khi, sau một thời gian thật tốt đẹp tại Viện cao học Freising, tôi bắt đầu giảng dạy tại Đại Học Bonn này. Đó là vào năm 1959, trong những ngày tháng tại ngôi trường cũ gồm các giáo sư chuyên khoa. Nhiều giáo sư không có cả trợ giáo lẫn thư kí riêng, nhưng bù lại đã có nhiều tiếp xúc trực tiếp giữa chúng tôi với sinh viên và giữa các giáo sư với nhau. Chúng tôi thường gặp gỡ nhau trong phòng họp của ban giảng huấn. Ở đó đã diễn ra những cuộc trao đổi sống động giữa các nhà sử học, các triết gia, các nhà ngữ học, và dĩ nhiên là giữa hai phân khoa thần học.
Mỗi học kì có một buổi “dies academicus – ngày học thuật” trong đó các giáo sư từ mỗi phân khoa đứng trước các sinh viên của toàn trường đại học thể hiện một kinh nghiệm thật sự về “universitas”: Một thực tại theo đó bất kể sự chuyên biệt hoá cuả chúng tôi, mà đôi lúc tạo ra những khó khăn khi trao đổi với nhau, chúng tôi cố gắng hình thành một tập thể trong khi đào sâu mọi thứ trên căn bản của một lí trí duy nhất với những khía cạnh khác nhau của nó, và trên căn bản của trách nhiệm chung về sự sử dụng lí trí cách đúng đắn – Đó là một kinh nghiệm sống động.
Trường đại học này cũng rất tự hào về hai phân khoa thần học. Rõ ràng là qua việc suy xét tính chất hợp lí của đức tin, hai phân khoa đã tiến hành một công trình là phần thiết yếu của “toàn bộ ” ‘universitas scientarium’, ngay cả nếu như không phải mọi người đều có thể chia sẻ đức tin mà các thần học gia tìm cách chứng minh rằng nó thuộc về lí trí phổ quát. Tương quan nội tại giữa lí trí với vũ trụ chẳng hề gây phiền hà cho ai ngay cả khi có ai đó tường thuật là một đồng nghiệp của chúng tôi tuyên bố rằng cái trường này thật kỳ lạ: nó có tới hai phân khoa dành cho một điều không hiện hữu là Thiên Chúa. Dẫu phải đối diện với chủ thuyết hoài nghi triệt để như thế, vẫn cần thiết và hợp lí để nêu ra câu hỏi về Thiên Chúa qua việc sử dụng lí trí, và tiến hành điều đó trong bối cảnh của truyền thống đức tin Kitô giáo: Điều này vẫn chưa được thảo luận trong toàn trường đại học.
Tôi đã hồi tưởng lại tất cả điều này khi vừa mới đọc một ấn bản của giáo sư Theodore Khoury (Muenster) về phần đối thoại diễn ra – có lẽ vào năm 1391 trong các trại lính mùa đông gần Ankara – giữa hoàng đế uyên thâm của Byzatine là Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư về chủ đề Kitô Giáo và Hồi Giáo, đồng thời về chân tính của cả hai tôn giáo.
Có lễ chính hoàng đế đã đề xướng cuộc thảo luận này, diễn ra trong thời kì Constantinople bị vây hãm từ năm 1394 cho đến 1402, và điều này giải thích tại sao lập luận của ông được trình bày chi tiết hơn là những lí lẽ do học giả người Ba Tư đưa ra. Cuộc đối thoại đã bàn rộng về các cấu trúc của đức tin chứa đựng trong Thánh Kinh và trong Kinh Koran, và đề cập một cách đặc biệt đến hình ảnh của Thiên Chúa và của con người, và thường quy chiếu vào tương quan của “ba Bộ Luật”: Cựu Ước, Tân Ước và Kinh Koran.Trong bài thuyết trình này tôi chỉ muốn trình bày một khía cạnh duy nhất – tự nó có lẽ là ngoài lề của cuộc đối thoại nêu trên, nhưng trong bối cảnh của vấn đề “đức tin và lí trí”, tôi thấy là lí thú và có thể dùng phần dẫn nhập cho những suy tư của tôi về vấn đề này.Trong đoạn đối thoại thứ bảy, do giáo sư Khoury biên soạn (‘dialexis’ – một cuộc tranh luận dài), vị hoàng đế đã đề cập đến chủ đề djihâd (thánh chiến). Hoàng đế biết chắc rằng đoạn sura 2:256 viết là: “Không có sự cưỡng buộc trong vấn đề đức tin”. Đó là một trong những đoạn sura của thế kỉ đầu khi Mohammed chưa có quyền hành trong tay và đang bị đe doạ đến tính mạng. Nhưng hiển nhiên hoàng đế cũng biết đến những huấn thị, được khai triển sau đó và được ghi vào Kinh Koran, liên quan đến thánh chiến.Không đi vào những chi tiết, chẳng hạn sự phân biệt đối xử giữa những người tuân giữ “Sách Thánh” và “những kẻ vô đạo”, hoàng đế đã hướng người đối thoại với mình một cách bất ngờ về câu hỏi trọng tâm liên quan đến tương quan giữa tôn giáo và bạo lực nói chung, với những lời sau: “Hãy chỉ cho tôi thấy Mohammed đã mang lại điều gì mới, và ở đó anh chỉ thấy toàn là sự dữ và phi nhân, chẳng hạn như lệnh truyền của ông ta là phải dùng gươm giáo để truyền bá niềm tin ông ta rao giảng”.
Hoàng đế vẫn tiếp tục giải thích chi tiết về những lí do tại sao việc truyền bá đức tin bằng bạo lực là điều vô nghĩa líù. Bạo lực mâu thuẫn với bản tính Thiên Chúa và bản chất của tâm hồn. “Thiên Chúa không hài lòng trước máu me, và không hành xử hợp lí(‘sunlogô’) là đi ngược với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra bởi linh hồn chứ không phải bởi xác thịt. Vậy những ai muốn dẫn dắt người ta đến với đức tin cần có khả năng ăn nói thuyết phục và suy luận chuẩn xác, không được dùng đến bạo lực và những đe doạ…Để chinh phục một linh hồn có lí trí, ta không được “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, dùng vũ khí các loại, hay dùng những phương thế đe doạ sự chết chóc cho con người…”.
Tuyên bố có tính chất quyết định trong lập luận chống lại việc cưỡng bách cải đạo được phát biểu như sau: Không hành động phù hợp với lí trí là mâu thuẫn với bản tính của Thiên Chúa. Giáo sư Theodore Khoury nhận xét rằng: Đối với hoàng đế, “một người Byzantine, được giáo dục trong nền triết học Hi Lạp, khẳng định này là hiển nhiên. Nhưng đối với giáo huấn Hồi Giáo, Thượng Đế là tuyệt đối siêu việt. Ý chí của Người không bị trói buộc bởi các phạm trù của chúng ta, ngay cả trong phạm vi lí trí.” Ở đây, Khoury trích dẫn một tác phẩm của một học giả về Hồi Giáo người Pháp, ông R. Arnaldez, người đã chỉ ra rằng Ibn Hazn đã đi xa đến nỗi cho rằng “Thiên Chúa không bị ràng buộc cả với chính những lời của Người, và không có gì khả dĩ buộc Thiên Chúa phải mặc khải chân lí cho chúng ta. Và nếu mà Chúa muốn thế, ắt chúng ta đã phải thờ các tà thần.”
Liên quan đến việc hiểu biết về Thiên Chúa và qua đó là sự thực hành tôn giáo cụ thể, chúng ta đối diện với một nghịch lí mà ngày nay đang trực tiếp thách thức chúng ta. Liệu xác tín cho rằng hành động mâu thuẫn với bản tính Thiên Chúa có phải chỉ là một ý tưởng theo văn hoá Hi Lạp, hay đó luôn là một chân lí tự thân là đúng?
Tôi nghĩ rằng ở đây chúng ta có thể thấy sự hoà quyện sâu xa giữa điều gì là Hi Lạp theo nghĩa đẹp nhất của từ đó và đức tin vào Thiên Chúa theo Kinh Thánh. Lấy lại câu đầu của Sách Khởi Nguyên, Thánh Gioan bắt đầu lời tựa cuốn Phúc Âm của ngài bằng những lời sau: “Từ khởi đầu đã có Logos”.
Đây chính là từ mà vị hoàng đế đã dùng: Thiên Chúa hành động với logos. Logos có nghĩa cả lí trí và Lời – một thứ lí trí sáng tạo và có khả năng tự cho mình tham dự vào, nhưng đích thị vẫn là lí trí. Thánh Gioan đã dùng từ ngữ cuối cùng này để trình bày khái niệm Thánh Kinh về Thiên Chúa, và chính từ này mở ra mọi nẻo đường tìm về đức tin theo Kinh Thánh, thường là khó khăn và ẩn khuất, nhưng tìm thấy đỉnh cao và sự hợp nhất giữa chúng. Tự khởi đầu đã có Logos, và Logos là Thiên Chúa, thánh sử đã cho biết như thế. Sự gặp gỡ giữa sứ điệp Thánh Kinh và tư duy Hi Lạp không phải diễn ra tình cờ.
Thị kiến của Thánh Phaolô, người đã thấy những nẻo đường đến Châu Á bị chặn lại và trong một giấc mơ đã thấy một người Macêđônia cầu khẩn với ngài: “Hãy đến Macêđônia và giúp chúng tôi!”(x. Cv 16, 6-10) – có thể diễn giải như một sự thu tóm tất cả nhu cầu bức thiết là làm sao dung hợp đức tin và những vấn đề Hi Lạp.
Thực tế là sự dung hợp này đã diễn ra trước đó lâu rồi. Danh xưng mầu nhiệm Thiên Chúa, được mặc khải từ trong bụi gai đang cháy, một danh xưng tách biệt Thiên Chúa khỏi tất cả các thần khác với những tên tuổi đa dạng của nó, chỉ để xướng tên Người là Đấng Hằng Hữu, đã đưa ra một thách đố cho ý niệm thần thoại, vốn không phải không có sự tương đồng nội tại với toan tính của Socrate muốn xoá bỏ, vượt qua thần thoại. Trong Cựu Ước, tiến trình khởi đầu là bụi gai đang cháy đạt đến một mức trưởng thành mới trong thời Lưu Đày, khi Thiên Chúa của Israel giờ đây bị tước mất quê hương và phụng tự, được tuyên xưng là Thiên Chúa của trời và đất, và được mô tả trong một công thức nguyên thuỷ vọng lại những lời phát ra từ bụi gai đang cháy “Ta là.”
Thể thức tuyên xưng mới về Thiên Chúa như thế giờ đây được kèm theo một sự khai sáng, biểu lộ rất hiệu qủa trong việc chê bỏ các thần, chúng chỉ là sản phẩm của bàn tay con người (x. Tv115). Vì thế, bất chấp sự đối đầu quyết liệt với nhà cầm quyền theo văn hoá Hi Lạp, những kẻ muốn áp đặt tục lệ và tà giáo Hi Lạp, đức tin Thánh Kinh trong giai đoạn Hi Lạp đã gặp gỡ những nét tinh tuý cuả tư duy Hi Lạp ở một mức độ rất sâu đưa đến kết quả là tạo nên một sự phong phú hỗ tương, có thể thấy rõ nét nhất trong hình thức văn chương khôn ngoan về sau.
Ngày nay, chúng ta biết rằng bản dịch Cựu Ước sang tiếng Hi Lạp được hoàn thành tại Alexandria – bản Septuagint – không chỉ đơn giản là bản dịch Cựu Ước từ tiếng Hip-ri: Đó là một chứng cứ độc lập bằng văn bản và là một bước nổi bật và quan trọng về lịch sử Mặc Khải, nhờ nó mà cuộc gặp gỡ giữa đức tin và văn hoá Hi Lạp này trở thành yếu tố quyết định cho sự khai sinh và mở rộng Kitô giáo. Từ phạm vi sâu xa, một cuộc gặp gỡ giữa đức tin và lí trí, một cuộc gặp gỡ giữa sự khai sáng chính thực và tôn giáo đã diễn ra nơi đây. Từ chính bản chất đức tin Công Giáo, và đồng thời, từ cốt lõi tư duy Hi Lạp mà giờ đây đức tin đã kết tụ lại nơi con người hoàng đế Manuel II để ông có thể tuyên bố: Không hành động “theo Logos” là mâu thuẫn với bản tính Thiên Chúa.
Với tất cả sự trung thực, khi nhìn vào cuối thời kì Trung Cổ, chúng ta thấy đã có những khuynh hướng thần học chủ trương tách rời sự dung hợp giữa tinh thần Hi Lạp và học thuyết Kitô. Đối lập với thuyết gọi là duy trí của Thánh Augustinô và Thánh Tôma, đã nảy sinh ra thuyết duy ý chí của Duns Scotus, là thuyết mà chung cuộc đã dẫn tới khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể biết “voluntas ordinata” (ý muốn ngoại hướng) của Thiên Chúa. Ngoài phạm vi này, đó là lãnh vực tự do của Thiên Chúa, trong đó Ngườøi cũng có thể làm những điều trái ngược với những gì ngài đã thực sự làm.
Điều này khơi lên những lập trường gần với những điều do Ibn Hazn đưa ra, và có cơ tạo phác ra hình ảnh một Thiên Chúa độc đoán, một Thiên Chúa không bị ràng buộc ngay cả với chân lí và sự thiện. Sự siêu việt và sự dị biệt của Người quá cao vời đến nỗi lí trí của chúng ta, cảm thức của chúng ta về điều gì là đúng, điều gì là thiện hảo không còn phản ảnh đúng đắn về Thiên Chúa nữa, Đấng mà những khả thể sâu nhiệm nhất, qua các quyết định thật sự của Người, vẫn mãi mãi là bất khả thấu đạt và luôn bị khuất lấp. Đối nghịch lại với lập trường này, đức tin của Giáo Hội luôn luôn xác quyết rằng giữa Thiên Chúa và chúng ta, giữa thần trí tác tạo đời đời của Người và lí trí thụ tạo của chúng ta luôn có một sự tương đồngï thật sựï, trong đó tuy sự tương dị dẫu luôn vượt xa vô hạn sự tương đồng, lại không loại bỏ sự tương đồng và ngôn ngữ của nó (x. Công đồng Lateranô IV). Thiên Chúa không trở nên thần thiêng hơn khi chúng ta đẩy Người xa khỏi chúng ta trong thuyết duy ý chí thuần tuý; đúng hơn, một Thiên Chúa đích thực là vị Thiên Chúa đã tự tỏ mình trong Logos, và Người đã hành động và tiếp tục hành động vì yêu thương chúng ta. Chắc chắn, tình yêu “vượt qúa” sự hiểu biết và do đó đòi hỏi phải cảm nhận hơn là chỉ suy nghĩ đơn thuần (x. Ep 3, 19); tuy nhiên đó vẫn là tình yêu của Thiên Chúa – Logos; Do vậy, sự tôn thờ Thiên Chúa của Kitô giáo là “logiké latreía” – sự thờ phượng kết hợp với Lời vĩnh cửu và với lí trí của chúng ta (x. Rm 12, 1).
Sự dung hợp nội tại giữa đức tin và triết học Hi Lạp là một biến cố có tầm quan trọng quyết định không chỉ liên quan đến lịch sử tôn giáo, nhưng còn là lịch sử thế giới – đó là một biến cố cũng liên quan đến chúng ta cho tới tận hôm nay. Khi khảo sát sự giao thoa này, người ta không ngạc nhiên khi Kitô giáo dù có khởi điểm và những phát triển đáng kể tại phương Đông, thì cuối cùng đã chịu ảnh hưởng tư duy Hi Lạp một cách quyết định tại Châu Âu. Chúng ta cũng có thể diễn tả điều này đảo ngược lại như sau: Sự giao thoa này, với sự bổ sung tiếp nối gia sản Rôma, đã hình thành Châu Âu và giữ mãi nền móng cho điều được gọi một cách chính danh là Châu Âu.
Luận đề cho rằng di sản Hi Lạp sau khi đã được thanh lọc có phê phán thuộc về một phần hoàn chỉnh của đức tin Kitô giáo đã phải đối diện với sự hô hào đòi giải trừ Hi Lạp hoá Kitô giáo – một cuộc vạân động ngày càng thống lãnh các cuộc tranh luận thần học từ khi bắt đầu thời hiện đại. Nếu quan sát kĩ hơn, ta có thể thấy ba giai đoạn trong tiến trình giải trừ văn hoá Hi Lạp. Mặc dù tách biệt về những động cơ và mục tiêu, chúng lại liên kết chặt chẽ với nhau.
Giai đoạn giải trừ văn hoá Hi Lạp lần thứ nhất xuất hiện với những định đề nền tảng của phong trào Cải Cách vào thế kỉ 16. Những nhà cải cách bị đặt trong một hoàn cảnh phải đối diện với truyền thống thần học kinh viện, vốn hoàn toàn hệ thống hoá đức tin dưới những xác quyết của triết học, đến nỗi có thể nói đó là một xác quyết xa lạ với đức tin, một tư tưởng không xuất phát từ đức tin. Hệ quả là đức tin không còn biểu hiện như một Lời sống động mang tính lịch sử, nhưng như một yếu tố trong một hệ thống triết học chủ đạo.
Mặt khác, nguyên tắc “sola scriptura” (chỉ dựa vào Kinh Thánh) muốn tìm lại đức tin trong hình thức uyên nguyên của nó, như khởi thuỷ được tìm thấy trong Thánh Kinh. Siêu hình học xuất hiện như một tiền đề xuất phát từ một nguồn mạch khác mà từ đó đức tin phải được giải phóng để một lần nữa trở nên chính nó cách hoàn chỉnh hơn. Khi Kant khẳng định rằng ông cần đặt tư duy sang một bên để có chỗ cho đức tin, ông thực hiện chương trình này theo một đường hướng cực đoan mà các nhà Cải Cách chưa từng dự đoán nổi. Như vậy ông đã cắm chặt đức tin vào líù trí thực dụng đơn thuần, phủ nhận khả năng của líù trí có thể tiếp cận thực tại như một tổng thể.
Thần học tự do vào thế kỉ 19 và 20 mở ra giai đoạn hai trong tiến trình giải trừ Hi Lạp hoá, với đại diện nổi bật là Adolf von Harnack. Khi tôi còn là sinh viên, và trong những năm đầu giảng dạy của mình, tiến trình này ảnh hưởng mạnh đến cả thần học Công Giáo. Khởi thuỷ, đó là sự phân biện của Pascal về Thiên Chúa của các triết gia và Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Trong bài thuyết trình đầu tiên của tôi tại Bonn vào năm 1959, tôi đã cố đề cập đến vấn đề này.
Tôi sẽ không lặp lại ở đây những gì tôi đã nói trong dịp đó nhưng tôi muốn ít nhất là tóm tắt đưa ra sự khác biệt giữa giai đoạn mới lần thứ hai của tiến trình giải trừ Hi Lạp hóa này với giai đoạn thứ nhất. Ý tưởng trọng tâm của Harnack là thuần tuý quay lại con người của Chúa Giêsu cũng như sứ điệp nguyên thuỷ của Người, có trước mọi tiến trình thần học hoá và dĩ nhiên cả tiến trình Hi Lạp hoá: sứ điệp nguyên thuỷ này tiêu biểu tột đỉnh thật sự cho sự phát triển tôn giáo nhân loại. Chúa Giêsu được coi như đã đặt một dấu chấm hết cho nền thờ phượng đề cao luân líù. Cuối cùng Người được giới thiệu như cha đẻ của một sứ điệp luân líù nhân đạo.
Mục tiêu chính yếu là đưa Kitô Giáo quay trở lại sự hội nhập với líù trí hiện đại, nghĩa là đưa nó ra khỏi những yếu tố ngoại vi triết học hay thần học, chẳng hạn đức tin vào thần tính của Chúa Kitô hoặc vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo nghĩa này, thần học được coi như khoa chú giải Tân Ước theo phương pháp phê bình lịch sử và có một vị thế trong trường đại học: Thần học, đối với Harnack, chủ yếu là lịch sử và do đó là khoa học đúng nghĩa. Việc đề cập đến Chúa Giêsu được coi là sự diễn tả líù trí thực tiễn và do đó có thể chiếm một chỗ xứng đáng trong đại học.
Đằng sau cách nghĩ này tiềm ẩn một sự tự hạn chế của chính lí trí hiện đại, như được thấy diễn tả cách cổ điển trong “Phê Bình” của Kant, nhưng lúc này đây còn được diễn tả triệt để hơn bởi ảnh hưởng của các ngành khoa học tự nhiên. Có thể nói vắt tắt, khái niệm hiện đại về líù trí dựa trên một sự tổng hợp giữa học thuyết Platon (học thuyết Descartes) và thuyết duy nghiệm, một thứ tổng hợp được củng cố bởi những thành qủa của kĩ thuật .
Một mặt nó giả định cấu trúc toán học của vật chất, lí tính nội tại của nó, là điều khiến ta có thể hiểu được cách thức vật chất vận động để sử dụng nó cho có hiệu quả: giả thuyết nền tảng này có thể coi là một yếu tố Platon trong sự lí hội tự nhiên thời hiện đại. Mặt khác, khả năng của tự nhiên có thể được khai thác cho những mục đích của chúng ta và, ở đây chỉ có sự khẳng định hoặc phủ định thông qua thí nghiệm mới đem lại một sự xác thực tối hậu. Trọng lực có thể nghiêng về phía này hay phía khác tuỳ theo những hoàn cảnh. Một triết gia đề cao thuyết thực chứng như J. Monod đã tự mình công nhận chịu ảnh hưởng bởi Platon, cũng có nghĩa là bởi Descartes.
Điều này dẫn đến hai nguyên tắc thiết yếu cho vấn đề chúng ta vừa nêu ra. Trước hết, chỉ có xác thực tính xuất phát do sự giao hội của các yếu tố toán học và thực nghiệm mới được coi là khoa học. Bất cứ ngành nghiên cứu nào muốn được gọi là khoa học thì cần phải thoả mãn tiêu chuẩn này. Thành ra, các môn khoa học nhân văn như lịch sử, tâm lí, xã hội và triết học phải cố gắng thích ứng theo nguyên tắc này của khoa học. Điểm thứ hai, rất quan trọng cho suy tư của chúng ta, là tự bản chất của nó phương pháp này loại bỏ vấn đề Thiên Chúa, làm cho vấn đề này có vẻ như một vấn đề không thuộc phạm vi khoa học hay tiền – khoa học. Hệ quả là chúng ta giới hạn phạm vi của khoa học và lí trí, là điều đáng phải đặt vấn đề.
Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau. Trước hết cần phải nhận định rằng từ quan điểm này bất cứ cố gắng nào nhằm bảo lưu ý kiến cho thần học là khoa học cuối cùng sẽ giản lược Kitô Giáo thành một mảnh vụn của chính nó. Nhưng chúng ta phải nói thêm rằng: chính con người cuối cùng bị giản lược, vì những vấn nạn hiện sinh đặc thù về nguồn gốc và vận mệnh của chúng ta, những câu hỏi đặt ra bởi tôn giáo và đạo đức học, lại không có chỗ đứng trong tầm mắt của lí trí tổng hợp được định nghĩa như là “khoa học”, và như thế bị xếp vào phạm vi chủ quan.
Từ đó chủ thể dựa trên cơ sở kinh nghiệm của mình để quyết định điều gì là khả tín trong những vấn đề của tôn giáo, và “lương tâm” chủ quan trở thành quan toà duy nhất cho những vấn đề đạo đức. Theo chiều hướng này, đạo đức học và tôn giáo mất đi năng lực để tạo lập một cộng đồng xã hội và trở thành một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Đây là một tình trạng nguy hiểm cho sự sinh tồn của nhân loại, chúng ta thấy rõ điều đó qua những hình thức bệnh hoạn về tôn giáo và líù trí mà hẳn nhiên phải nảy sinh một khi líù trí bị thu giảm đến mức tôn giáo và đạo đức không còn liên quan gì đến nó nữa. Những nỗ lực nhằm xây dựng một nền đạo đức khởi đi từ những quy luật của tiến hoá hoặc từ tâm lí học và xã hội học cuối cùng chỉ đem đến bất cập.
Trước khi rút ra kết luận về tất cả những gì đang được trình bày, tôi muốn vắn tắt đề cập đến giai đoạn thứ ba trong tiến trình giải trừ Hi Lạp hoá, vốn đang diễn ra. Nhìn vào sự giao thoa giữa các nền văn hoá, ngày nay người ta thường nói rằng sự tổng hợp đạt được với văn hoá Hi Lạp thời Giáo Hội sơ khai chỉ là một sự hội nhập văn hoá sơ khởi, không nên áp đặt vào các nền văn hoá khác. Tiến trình thứ ba này đòi quyền được khoanh lại tiến trình hội nhập văn hoá sơ khởi để quay lại với sứ điệp nguyên thuỷ của Tân Ước hầu tháp nhập nó vào những môi trường đặc thù một cách tinh khôi. Luận thuyết này không những sai lầm; nó còn tỏ ra quá lố và thiếu chính xác. Tân Ước được viết bằng tiếng Hi Lạp và bản thân nó mang dấu ấn tinh thần Hi Lạp, vốn đã chín mùi ngay khi Cựu Ước phát triển.
Thực sự là có những tầng bậc trong những bước tiến thời Giáo Hội sơ khai mà không cần phải được tháp nhập vào mọi nền văn hoá. Tuy nhiên, những chọn lựa nền tảng bao gồm tương quan giữa đức tin và việc sử dụng lí trí thì đó chính là một phần của đức tin; chúng phát triển song hành với chính bản chất của đức tin.
Và đến đây tôi xin kết luận. Nỗ lực của tôi chỉ phác nên những nét chấm phá nhằm phê phán lí trí hiện đại tự bên trong, không phải là chuyện quay ngược kim đồng hồ để quay lại thời kỳ trước Khai Sáng (Aufklärung) và phủ nhận tri thức của thời hiện đại. Những khía cạnh tích cực của thời hiện đại được nhìn nhận một cách không do dự: Chúng ta biết ơn những khả năng diệu kì mở ra cho nhân loại và cho sự tiến bộ của loài người mà chúng ta đã nhận được. Hơn thế nữa, đạo lí của khoa học là ý chí tuân phục chân líù, và như thế, nó chứa đựng một thái độ nền tảng thuộc về một trong những chọn lựa căn bản của Kitô Giáo.
Ý hướng của tôi không phải là sự triệt hạ hay lời phê phán tiêu cực, nhưng mở rộng khái niệm về líù trí và việc ứng dụng của nó. Trong khi chúng ta vui mừng với những triển vọng mới mở ra cho nhân loại, chúng ta cũng thấy những nguy hiểm đang nảy sinh từ những khả năng này và chúng ta phải tự hỏi làm cách nào để chế ngự được chúng. Chúng ta sẽ thành công trong việc đó nếu như lí trí và đức tin đồng hành trên một con đường mới, nếu chúng ta vượt thắng giới hạn tự áp đặt lí trí vào phạm vi những gì thực nghiệm, cũng như nếu chúng ta một lần nữa mở rộng hơn những chân trời bao la của líù trí. Theo nghĩa này, thần học có một chỗ xứng đáng trong đại học và trong cuộc đối thoại rộng rãi của các nghành khoa học, không chỉ như một nghành khoa học lịch sử hay một trong các môn khoa học nhân văn, nhưng đích xác như thần học, như một sự truy tầm lí tính của đức tin.
Chỉ như thế chúng ta mới có thể thực hiện được cuộc đối thoại thật sự giữa các nền văn hoá và tôn giáo hiện nay đang đốc thúc chúng ta. Trong thế giới Tây Phương, nhiều người cho rằng chỉ có lí trí thực chứng và các hình thức triết học dựa trên đó mới có giá trị phổ quát. Tuy nhiên, những nền văn hoá đậm truyền thống tôn giáo đều xem việc loại trừ sự thánh thiêng ra khỏi tính phổ quát của líù trí là một sự khinh miệt đối với những xác tín sâu xa nhất của họ.
Một liù trí giả điếc trước Thiên Chúa và hạ thấp tôn giáo vào phạm vi của loại văn hoá phụ hệ thì không thể bước vào cuộc đối thoại văn hoá. Đồng thời, như tôi đã cố gắng chứng minh, lí trí khoa học hiện đại, với những yếu tố nền tảng Platon , chứa đựng bên trong chính nó một vấn nạn hướng ra ngoài nó và vượt quá những khả năng phương pháp luận của nó. Lí trí khoa học hiện đại buộc phải chấp nhận cấu trúc hợp lí của vật chất như một dữ kiện và, sự liên hệ giữa tinh thần chúng ta với những cấu trúc hữu lí đang bao trùm tự nhiên, một dữ kiện để đặt cơ sở phương pháp luận của nó.
Tuy nhiên ‘ tại sao nó phải như thế ‘ là một vấn nạn thực sự và là điều phải được kiểm chứng bởi các nghành khoa học tự nhiên với những mức độ khác nhau và với những hình thái tư duy khác nhau – triết học và thần học. Đối với triết học, và một cách nào đó, cả thần học, việc chú ý lắng nghe những kinh nghiệm và nhận thức phong phú của các truyền thống tôn giáo nhân loại, cách riêng của Kitô Giáo, là một nguồn tri thức, vànếu bỏ qua nó sẽ là một hạn chế không thể chấp nhận được trong việc lắng nghe và tìm câu đáp trả .
Ở đây tôi nhớ đến điều mà Socrates đã nói với Phaedo. Trong những lần đối thoại triết học, qúa nhiều ý kiến triết học sai lầm đã được đưa ra, vì thế Socrates nói: “Thật dễ hiểu nếu có ai đó bực mình trước những quan niệm sai lầm đến mức cho tới chết cũng chán ghét và miệt thị tất cả những bàn luận về hiện sinh – nhưng nếu làm thế anh ta sẽ phải chịu thiệt thòi nặng và đánh mất đi sự thật về cuộc đời mình.”
Xã hội Tây Phương từ lâu đã bị đe doạvề việc chối bỏ những vấn đề nền tảng của lí trí và chắc chắn sẽ còn găïp nhiều hiểm hoạ hơn. Can đảm phát huy lí trí, không phủ nhận vai trò tối thượng của lí trí – đó là chương trình mà một nền thần học dựa trên Kinh Thánh phải kíp thời đảm nhận và đưa vào trong những cuộc hội thảo hiện thời. “Không hành động theo lí trí (theo Logos) là mâu thuẫn với bản tính Thiên Chúa”, Manuel II đáp trả người Ba Tư đối thoại với mình ngay khi ông xác định nhãn quan Kitô giáo của mình về hình ảnh Thiên Chúa. Chính trong Logos cao trọng này, trong chiều kích lí trí mênh mông này chúng ta mời gọi những người đối thoại với chúng ta tiến vào cuộc đối thoại về văn hoá. Đạo Học chi đạo tại minh minh trí.
Lm. Giuse Ngô Quang Trung
dịch theo bản tiếng Anh