Anh em linh mục và các bạn rất thân mến !
Nhân dịp lễ trọng kínhThánh Tâm Chúa Giêsu sắp đến, ngày 7.6.2013, trong đó chúng ta sẽ cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc Thánh Hóa các Linh Mục, tôi thân ái chào toàn thể anh em và mỗi người trong anh em và tôi cám ơn Chúa về ân huệ khôn tả của Ngài về thiên chức linh mục và về lòng trung tín với tình yêu của Chúa Kitô.
Nếu quả thật lời mời gọi của Chúa “hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (x. Ga 15,9) có giá trị đối với tất cả những ai chịu phép Rửa, thì ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nó càng vang vọng cách mạnh mẽ hơn nữa trong chúng ta là những linh mục. Như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta dịp khai mạc Năm Linh Mục, khi trích dẫn Cha Sở thánh thiện xứ Ars, “linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu” (x. Bài giảng dịp cử hành Kinh Chiều Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, 19.6.2009). Từ Trái Tim này – và chúng ta không bao giờ được quên – đã vọt lên ân huệ thừa tác vụ linh mục.
Chúng ta đã cảm nghiệm rằng sự kiện “ở lại trong tình yêu của Thầy” thúc đẩy chúng ta cách mạnh mẽ hướng đến sự thánh thiện. Một sự thánh thiện – chúng ta biết rõ điều đó – vốn không hệ tại trong việc thực hiện những hành động phi thường nhưng trong sự kiện cho phép Chúa Kitô hành động trong chúng ta và noi theo các thái độ, tư tưởng và những hành xử của Ngài. Sự thánh thiện của chúng ta được đo lường theo tầm vóc mà Chúa Kitô đạt tới trong chúng ta, theo cách thức mà, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta uốn nắn toàn thể cuộc sống của chúng ta theo Ngài.
Chúng ta, những linh mục, chúng ta đã được thánh hiến và được sai đi để hiện tại hóa sứ vụ cứu độ của Con Thiên Chúa nhập thể. Chức năng của chúng ta là cần thiết cho Giáo Hội và cho thế giới và đòi hỏi chúng ta hoàn toàn trung tín với Chúa Kitô và không ngừng kết hiệp với Ngài. Như thế, khi khiêm tốn phục vụ, chúng ta là những người dẫn đưa đến sự thánh thiện các tín hữu vốn đã được giao phó cho thừa tác vụ của chúng ta. Bằng cách này, sẽ nảy sinh trong đời sống chúng ta ước muốn mà chính Chúa Giêsu đã diễn tả trong lời nguyện tư tế, sau khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể : “Con cầu xin cho họ ; con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những người Cha đã ban cho Con, vì họ thuộc về Cha […] Con không cầu xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng giữ gìn họ khỏi Ác Thần […] Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật, […] và vì họ Con xin thánh hiến chính mình con, để chính họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,9.15.17.19).
Trong Năm Đức Tin
Những suy tư này càng đặc biệt nổi bật trong khuôn khổ cử hành Năm Đức Tin – được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI loan báo qua Tự Sắc Porta Fidei (11/10/2011) – đã khởi đầu ngày 11/10/2012, ngày kỷ niệm 50 khai mạc Công đồng Vatican II, và sẽ được kết thúc vào ngày 24/11 sắp đến, nhằm ngày kính trọng thể Chúa Giêsu-Kitô Vua Vũ Trụ. Giáo Hội phải đồng hành với các vị mục tử của mình để dẫn dắt con người ra khỏi “sa mạc” hướng đến sự hiệp thông với Con Thiên Chúa, Đấng là Sự Sống cho thế gian (x. Ga 6,33).
Trong viễn ảnh này, Bộ Giáo Sĩ gởi thư này cho tất cả các linh mục trên thế giới để giúp đỡ tất cả các linh mục, nhưng mỗi người cách cá nhân, làm sống lại sự dấn thân của mình sống biến cố ân sủng trong đó các ngài được kêu gọi, cách riêng giúp các ngài trở nên những tác nhân và linh hoạt viên để tái khám phá đức tin trong sự toàn vẹn và trong sự lôi cuốn của nó, từ đó ý thức rằng việc tân Phúc Âm hóa có định hướng là thông truyền đức tin Kitô hữu trong tính đơn sơ đích thực của nó.
Trong Tông thư Porta Fidei, Đức Thánh Cha đã giải thích những tâm tình của các linh mục của nhiều nước: “Đang khi trong quá khứ người ta có thể nhận ra một kiểu cách văn hóa thống nhất, được nhìn nhận cách rộng rãi trong sự quy chiếu đến các nội dung đức tin và các giá trị được đức tin gợi hứng, thì ngày nay dường như không còn như thế nữa trong các phạm vi to lớn của xã hội, do cuộc khủng hoảng đức tin sâu rộng vốn đã chạm đến nhiều người” (số 2).
Việc cử hành Năm Đức Tin được xem như là một cơ hội thuận lợi cho việc tân Phúc Âm hóa, một cơ hội vượt quá cám dỗ nản chí và là cơ hội để cho sức lực của chúng ta được triển nở hơn nữa dưới sự thúc đẩy và dẫn dắt của Đấng kế vị thánh Phêrô. Có đức tin chủ yếu có nghĩa xác tín rằng Chúa Kitô, Đấng chiến thắng cái chết trong thân xác mình, cũng làm cho những ai tin vào Ngài đều có khả năng chia sẻ số phận vinh quang này và làm thỏa mãn khát vọng, vốn ở trong tâm hồn của mỗi người, đến một cuộc sống và niềm vui hoàn hảo và vĩnh cửu. Bởi thế “sự phục sinh của Chúa Kitô là sự xác tín lớn lao nhất của chúng ta ; đó là kho tàng cao quý nhất ! Làm sao không chia sẻ kho tàng này, sự xác tín này, với những người khác ? Nó không chỉ có đó vì chúng ta, nhưng để chúng ta thông truyền nó, trao ban nó cho người khác, chia sẻ nó với người khác. Đó chính là chứng tá của chúng ta” (Đức Phanxicô, Tiếp kiến chung, 3.4.2013).
Với tư cách là linh mục, chúng ta phải chuẩn bị dẫn dắt các tín hữu khác, giúp đỡ đức tin của họ trưởng thành hơn. Chúng ta cảm thấy rằng chính chúng ta, những người đầu tiên, phải mở rộng tâm hồn chúng ta hơn. Chúng ta hãy nhớ những lời nói của Thầy vào ngày cuối cùng của ngày lễ Lều, ở Giêrusalem : “Chúa Giêsu đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng : Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống !, như Thánh Kinh đã nói : “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Ngài đã nói về Thánh Thần mà những ai tin vào Ngài sẽ lãnh nhận ; thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thánh Thần, vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 37-39). Những dòng nước hằng sống cũng có thể tuôn chảy từ linh mục, một Chúa Kitô khác, trong chừng mực ngài tin tưởng uống lấy những lời của Chúa Kitô và đồng thời mở ra cho tác động của Chúa Thánh Thần. Sau cùng, không chỉ việc thánh hóa dân chúng đã được giao phó cho ngài nhưng còn cả lòng tự hào về căn tính của mình sẽ tùy thuộc vào “sự mở ra” của ngài để trở nên dấu chỉ và dụng cụ của ân sủng Thiên Chúa : “Linh mục nào ít ra khỏi chính mình, xức dầu cách dè sẻn – tôi không nói “không bao giờ” vì, ơn Chúa, các tín hữu “đánh cắp” sự xức dầu từ chúng ta -, sẽ mất đi điều tốt nhất từ dân của chúng ta, những gì có khả năng khơi lên phần sâu xa nhất nơi tâm hồn của người linh mục. Ai không ra khỏi chính mình, thì thay vì là người trung gian, sẽ dần dần biến thành người môi giới, thành người quản lý. Hết thảy chúng ta đều biết sự khác nhau : người môi giới và người quản lý “đã được thưởng công rồi”, và vì họ đã không trả giá bằng chính con người hay con tim của họ, nên họ cũng không còn nhận được một sự biết ơn trìu mến đến từ con tim. Chính từ đó nảy sinh sự bất mãn nơi một số linh mục mà cuối cùng trở nên buồn rầu, trở nên những linh mục buồn rầu và biến thành một kiểu người sưu tập đồ cổ và hàng mới thay vì trở thành những mục tử được thấm nhập bởi “hương vị của đoàn chiên” – tôi xin quý cha điều này : hãy trở thành những mục tử với ‘hương vị của đoàn chiên’, ước gì hương thơm này được cảm nếm ; thay vì trở thành những mục tử ở giữa đoàn chiên, và những vị chài lưới người” (Đức Phanxicô, Bài giảng Thánh Lễ Dầu, 28.3.2013).
Thông truyền đức tin
Chúa Kitô đã giao phó cho các Tông đồ và Giáo Hội sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Thánh Phaolô đã cảm nhận Tin Mừng như là “một sức mạnh của Thiên Chúa vì phần rỗi của mọi tín hữu” (Rm 1, 16). Chính Chúa Giêsu-Kitô là Phúc Âm, là “Tin Mừng” (x. 1Cr 1, 24). Nhiệm vụ của chúng ta là trở nên những người mang sức mạnh của Tin Mừng vô bờ bến của Thiên Chúa, được biểu lộ trong Chúa Kitô. Lời đáp trả cho Mạc Khải rộng lượng của Thiên Chúa là đức tin, hoa trái của ân sủng trong tâm hồn chúng ta, vốn đòi hỏi cởi mở tâm hồn con người. “Vì thế, chỉ khi tin mà đức tin lớn lên và được củng cố ; không có khả năng nào khác để có được sự xác tín về cuộc sống của mình nếu không liên lỉ phó thác trong tay của một tình yêu luôn được cảm nghiệm lớn lao hơn bởi vì nguồn gốc của nó là ở nơi Thiên Chúa” (Porta Fidei, số 7). Ước gì sau những năm sống thừa tác vụ linh mục vốn đã bao hàm những hoa trái và những khó khăn, linh mục có thể nói với thánh Phaolô : “Tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô !” (Rm 15, 19 ; 1Cr 15, 1-11 ; etc.).
Cộng tác với Chúa Kitô vào công trình thông truyền đức tin, đó là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu được thực hiện xuyên qua sự cộng tác đặc trưng của các tín hữu có chức thánh và các tín hữu giáo dân trong Hội Thánh. Bổn phận thích đáng này bao hàm hai khía cạnh được liên kết cách sâu xa : khía cạnh thứ nhất, sự gắn bó với Chúa Kitô, tức là gặp gỡ Ngài cách cá nhân, bước theo Ngài, có tương quan tình bạn với Ngài, tin vào Ngài. Trong khung cảnh văn hóa ngày nay, đặc biệt quan trọng chứng tá bằng đời sống – điều kiện cho tính đích thực và khả tín – vốn giúp khám phá làm thế nào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa làm cho Lời Ngài trở nên hữu hiệu. Chúng ta không được quên rằng các tín hữu tìm kiếm nơi linh mục con người của Thiên Chúa và Lời của Ngài, Lòng Thương Xót của Ngài và Bánh Hằng Sống.
Khía cạnh thứ hai của đặc tính truyền giáo trong việc thông truyền đức tin hệ tại việc vui tươi đón nhận những lời của Chúa Kitô, những chân lý mà chúng dạy chúng ta, những nội dung của Mạc Khải. Trong viễn ảnh này, việc trình bày có sắp xếp và tổ chức giáo lý Công giáo, bén rễ trong Lời Thiên Chúa và Truyền Thống lâu đời và sống động của Giáo Hội, sẽ là một dụng cụ nền tảng.
Cách riêng, chúng ta phải dấn thân sống và làm cho sống Năm Đức Tin như là một cơ hội quan phòng để hiểu, như Đức Gioan-Phaolô II nói, rằng các bản văn gia sản được các Nghị Phụ để lại “sẽ không mất gì cả”, “cả về giá trị lẫn sự trong sáng của chúng”. Và, Đức Thánh Cha nói tiếp, “điều cần thiết là chúng được đọc theo cách thích hợp, chúng được biết và được hấp thụ, như những bản văn có chất lượng và chuẩn mực của Huấn Quyền, ở trong Truyền Thống của Giáo Hội. […] Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy bổn phận chỉ rõ Công đồng như là ân sủng lớn lao mà Giáo Hội nhận được ở thế kỷ 20 : Công đồng mang lại cho chúng ta một la bàn đáng tin cậy để định hướng chúng ta trên con đường của thế kỷ đang bắt đầu” (Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte, 6.1.2001, 57 : AAS 93 [2001], 308, số 5).
Những nội dung đức tin
Đối với các tín hữu, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo – mà Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường năm 1985 mong muốn để biến nó thành dụng cụ phục vụ cho việc dạy giáo lý và toàn thể hàng Giám mục đã cộng tác vào việc thực hiện – minh họa sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin.
Sách Giáo Lý là hoa trái đích thực của Công đồng chung Vatican II và làm cho thừa tác vụ mục tử trở nên dễ dàng hơn : các bài giảng hấp dẫn, sắc sảo, có chiều sâu, vững chắc ; các lớp giáo lý và đào tạo thần học cho người trưởng thành ; chuẩn bị các giáo lý viên, đào tạo các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội, cách riêng trong các chủng viện.
Bản chú thích chỉ dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin (6.1.2012) mang lại một loạt những sáng kiến cho phép sống thời gian ân sủng này trong sự kết hiệp chặt chẽ với Đức Thánh Cha và Giám mục đoàn : những cuộc hành hương của các tín hữu đến Tòa thánh Phêrô, Đất Thánh, các Đền Thánh Đức Mẹ, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Rio de Janeiro sắp tới – vào tháng Bảy ; các cuộc hội nghị chuyên đề, các cuộc đại hội, tập họp, cả trên bình diện quốc tế, và, cách riêng, những người tái khám phá giáo huấn của Công đồng Vatican II ; việc tổ chức các nhóm tín hữu để đọc và cùng nhau đào sâu Sách Giáo Lý với sự dấn thân truyền bá nó.
Trong bầu khí chủ nghĩa tương đối hiện nay, xem ra thích hợp để nhấn mạnh việc hiểu biết những nội dung giáo lý Công giáo đích thực quan trọng là thế nào, sự hiểu biết không thể tách rời với việc gặp gỡ các chứng nhân có sức lôi cuốn của đức tin. Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu ở Giêrusalem “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
Theo nghĩa này, Năm Đức Tin là một cơ hội đặc biệt thích hợp để đón nhận cách chăm chú hơn các bài giảng, các bài giáo lý, các bài nói chuyện và các bài tham luận khác của Đức Thánh Cha. Đối với nhiều tín hữu, sẵn có các bài giảng và các bài nói chuyện của các buổi tiếp kiến sẽ là một sự trợ giúp to lớn để thông truyền đức tin cho người khác.
Nó hệ tại những chân lý mà chúng ta sống, như thánh Augustin nói, khi, trong một bài giảng về “Redditio symboli” (về việc “Tuyên xưng tín biểu của các Tông đồ”), ngài mô tả giáo huấn của Kinh Tin Kính : “Chúng tôi đã trao cho anh chị em Kinh Tin Kinh để học hỏi và anh chị em đã đọc nó nhưng anh chị em phải luôn giữ nó trong tâm trí, lặp lại nó trên giường ngủ, suy niệm nó ở những nơi công cộng, đừng quên nó khi ăn uống, và ngay cả khi anh chị em ngủ, anh chị em phải để mắt đến nó bằng tâm hồn của anh chị em” (Augustin d’Hippone, Bài giảng 215, về Redditio symboli).
Trong Porta Fidei, một lộ trình được vạch ra vốn có mục đích giúp hiểu cách sâu xa hơn các nội dung của đức tin và hành vi qua đó chúng ta tự do phó thác cho Thiên Chúa : hành vi qua đó chúng ta tin và các nội dung mà chúng ta đồng thuận đều được ghi dấu bằng một sự thống nhất sâu xa (x. số 10).
Lớn lên trong đức tin
Vì thế, Năm Đức Tin là một lời mời gọi hoán cải trở về với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới, một lời mời gọi lớn lên trong đức tin như là nhân đức đối thần. Trong đoạn mở đầu cho cuốn thứ nhất “Chúa Giêsu thành Nazareth”, Đức Thánh Cha nói rằng sự kiện trình bày Chúa Giêsu như là một khuôn mặt của quá khứ mà cách nào đó chúng ta chỉ biết rất ít về Ngài, sẽ có những hậu quả tiêu cực : “Một hoàn cảnh như thế thật là bi kịch cho đức tin, vì điểm tựa đích thực mà tất cả tùy thuộc vào – tình bằng hữu thân mật với Chúa Giêsu – vẫn không chắc chắn” (tr. 8).
Thật đáng để suy niệm nhiều lần về những lời này : “điểm tựa đích thực mà tất cả tùy thuộc vào – tình bằng hữu thân mật với Chúa Giêsu”. Đó là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô. Cuộc gặp gỡ của mỗi người trong chúng ta và của mỗi một anh chị em của chúng ta trong đức tin, mà chúng ta phục vụ bằng thừa tác vụ của chúng ta.
Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu như các môn đệ đầu tiên – Anrê, Phêrô, Gioan – như người phụ nữ Samaritanô hay như Nicôđêmô ; đón tiếp Ngài vào nhà mình như Maria ; lắng nghe Ngài bằng việc đọc đi đọc lại Tin Mừng ; với ân sủng của Chúa Thánh Thần, đó là con đường chắc chắn để lớn lên trong đức tin. Như vị Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã viết : “Đức tin là con đường qua đó chân lý của Thiên Chúa đi vào tâm hồn” (Insegnamenti, IV, p. 919).
Chúa Giêsu mời gọi cảm nhận rằng chúng ta là con cái và là bạn hữu của Thiên Chúa : “Thầy gọi các con là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy đã học biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy ; nhưng chính Thầy đã chọn các con và cắt đặt các con để các con đi và sinh nhiều hoa trái và để hoa trái các con tồn tại ; như thế tất cả những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 15, 15-16).
Các phương tiện để lớn lên trong đức tin. Bí tích Thánh Thể
Chúa Giêsu mời gọi cầu nguyện với lòng tin tưởng hoàn toàn, cầu nguyện với những lời của “Kinh Lạy Cha”. Ngài đề nghị với mọi người trong diễn từ Bát Phúc một mục đích mà, trước mắt người đời, dường như là một sự điên rồ : “Vậy các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”. Để thực thi một nền sư phạm tốt về sự thánh thiện, có khả năng thích ứng với các hoàn cảnh và với nhịp sống của mỗi người, chúng ta phải là những người bạn của Thiên Chúa, những con người cầu nguyện.
Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta học biết mang thập giá, thập giá này được mở ra cho toàn thế giới vì phần rỗi của nó mà, như Chúa đã mạc khải cho Anania, cũng sẽ kèm theo sứ mạng của Saul, vừa mới trở lại : “Hãy đi, vì người này là khí cụ mà Ta chọn để mang danh Ta cho dân ngoại, các vua chúa và con cái Israël. Quả thế, chính Ta, Ta sẽ cho người đó thấy tất cả những gì người ấy sẽ phải chịu vì danh Ta” (Cv 9, 15-16). Và với các tín hữu Ga-lát, thánh Phaolô sẽ trình bày tổng hợp này về cuộc sống của mình : “Tôi chịu đóng đinh với Công Giáo ; và nếu tôi sống, thì đó không còn là tôi nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi. Cuộc sống của tôi hiện nay trong thân xác, tôi sống nó trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi và hiến mạng sống vì tôi” (Gl 2, 19-20).
Mầu nhiệm hy tế của thập giá được hiện tại hóa trong Bí tích Thánh Thể. Việc cử hành phụng vụ thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đã hiến dâng mạng sống làm hy lễ vì chúng ta và biến đổi chúng ta trong Ngài. “Quả thé, do bởi bản chất, phụng vụ có tính hữu hiệu sư phạm riêng của nó để dẫn đưa các tín hữu đến sự hiểu biết mầu nhiệm được cử hành. Luôn luôn về vấn đề này, trong truyền thống cổ xưa nhất của Giáo Hội, con đường đào tạo người Kitô hữu, vốn không chểnh mảng việc hiểu biết hữu cơ nội dung của đức tin, đã luôn bào hàm một đặc tính khai tâm trong đó cuộc gặp gỡ sống động và có sức thuyết phục với Chúa Kitô, được rao giảng bởi các chứng nhân đích thực, là có tính quyết định. Theo nghĩa này, người dẫn đưa đến các mầu nhiệm trước hết là chứng nhân” (Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, 22-II-2007, số 64). Do đó, ta không ngạc nhiên khi trong Bản chú thích chỉ dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin, người ta gợi ý tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ và, cách riêng, trong Thánh Lễ, ở đó đức tin của Giáo Hội được tuyên xưng, cử hành và củng cố (x. số IV,2). Nếu phụng vụ Thánh Thể được cử hành với một đức tin mạnh mẽ và với lòng sùng kình, thì những hoa trái là chắc chắn.
Bí tích của Lòng Thương Xót tha thứ
Nếu Thánh Thể là Bí tích xây dựng hình ảnh của Con Thiên Chúa trong chúng ta, thì Giao Hòa là Bí tích giúp chúng ta cảm nghiệm sức mạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn giải thoát con người khỏi tội lỗi và ban cho con người thưởng nếm vẻ đẹp của việc trở về với Thiên Chúa là người Cha đích thực, Đấng yêu thương mỗi một con cái của Ngài. Vì thế, thừa tác viên thánh phải xác tín cách cá nhân rằng “chỉ khi cư xử như con cái của Thiên Chúa, không nản lòng vì những sa ngã của chúng ta, vì tội lỗi của chúng ta, chỉ khi cảm thấy mình được Ngài yêu thương, thì cuộc sống của chúng ta mới sẽ được đổi mới, được khích lệ bởi sự thanh thản và niềm vui. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta !” (Đức Phanxicô, Tiếp kiến chung, ngày 10.4.2013).
Chính linh mục phải là bí tích về sự hiện diện đầy lòng thương xót này trong thế giới : “Chúa Giêsu không có nhà vì nhà của Ngài, đó là những con người, đó là chúng ta, sứ mạng của Ngài là mở ra cho mọi người cánh cửa của Thiên Chúa, là sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa” (idem., Tiếp kiến chung, ngày 27.3.2013). Chính vì thế chúng ta không thể chạy trốn ân huệ siêu nhiên tuyệt vời này, cũng không thể phân phát nó mà không có cùng những tâm tình như Đấng đã yêu thương các tội nhân cho đến chết trên thập giá. Trong Bí tích này, Chúa Cha ban cho chúng ta một cơ hội độc nhất để trở nên, – không chỉ về mặt thiêng liêng, nhưng chính chúng ta, với nhân tính của chúng ta -, bàn tay dịu dàng mà, như người Samaritanô Nhân Hậu, đổ dầu xoa dịu trên những vết thương của tâm hồn (x. Lc 10, 34). Chúng ta cảm nhận những lời này của Đức Thánh Cha như thuộc về chúng ta : “Một Kitô hữu khép kín nơi chính mình, che giấu tất cả những gì Chúa đã ban cho mình là một Kitô hữu…người ấy không phải là Kitô hữu ! Đó là một Kitô hữu không tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho mình ! Điều đó nói với chúng ta rằng việc chờ đợi sự trở lại của Chúa là thời gian hành động – chúng ta đang sống trong thời gian hành động – thời gian vốn dùng cho có ích những ân huệ của Thiên Chúa không phải cho chính chúng ta, nhưng cho Ngài, cho Giáo Hội, cho tha nhân, thời gian vốn luôn tìm cách làm gia tăng sự thiện trên thế giới. […] Anh chị em thân mến, hình dung cuộc Phán xét cuối cùng không bao giờ được làm cho chúng ta sợ ; trái lại, điều đó thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn giây phút hiện tại. Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian này cách đầy lòng thương xót và kiên nhẫn, để chúng ta học biết mỗi ngày nhận ra Ngài nơi người nghèo và người bé mọn, để chúng ta hết lòng vì sự thiện và chúng ta tỉnh thức trong đời sống cầu nguyện và yêu thương. Ước gì, vào lúc kết thúc cuộc sống của chúng ta và lịch sử, Chúa có thể nhận thấy chúng ta như là những tôi tớ tốt lành và trung tín” (idem., Tiếp kiến chung, ngày 24.4.2013).
Do đó, Bí tích Hòa Giải cũng là Bí tích của niềm vui: “Khi nó còn ở đằng xa, cha của nó đã nhận thấy nó và đã chạnh lòng thương ; ông chạy đến ôm nó hồi lâu và hôn lấy hôn để. Lúc đó đứa con nói : ‘Thưa cha, con đã phạm tội chống lại Trời và với cha, con không còn đáng được gọi là con của cha nữa’. Nhưng người cha đã nói với các đầy tớ : ‘Mau, hãy mang áo đẹp nhất lại đây và hãy mặc cho nó, hãy đeo nhẫn vào ngón tay nó và mang giày vào chân nó. Hãy bắt bê béo làm thịt, chúng ta hãy ăn mừng vì con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy !’ Và họ bắt đầu ăn mừng”. Mỗi khi chúng ta xưng tội, chúng ta tìm được niềm vui sống với Thiên Chúa, vì chúng ta đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Ngài, và có lẽ rất thường, mọi lần chúng ta đều thổ lộ cho Chúa những lỗi lầm của chúng ta do sự hững hờ và sự xoàng xĩnh. Như thế, đức tin của con người tội lỗi của chúng ta, những người tội lỗi yêu mến Chúa Giêsu và biết mình được Ngài yêu mến, sẽ được củng cố : “Khi ai đó được triệu tập đến với vị thẩm phán hay trải qua vụ kiện, thì điều đầu tiên mà người ấy sẽ làm, đó là tìm kiếm một luật sư để biện hộ cho mình. Chúng ta, chúng ta có một vị luật sư luôn bảo vệ chúng ta, Ngài luôn bảo vệ chúng ta khỏi những đe dọa của ma quỷ, Ngài bảo vệ chúng ta khỏi chính mình, khỏi tội lỗi chúng ta ! Anh chị em rất thân mến, chúng ta có vị luật sư này : chúng ta không sợ đi đến với Ngài để xin tha thứ, để xin Ngài chúc lành, để xin lòng thương xót ! Ngài luôn tha thứ cho chúng ta, Ngài là luật sư của chúng ta : Ngài luôn biện hộ cho chúng ta ! Đừng quên điều đó !” (idem., Tiếp kiến chung, ngày 17.4.2013).
Trong chầu Thánh Thể, cùng với thánh Tôma Aquinô, chúng ta có thể nói với Chúa Kitô đang hiện diện trong Mình Thánh :
Plagas sicut Thomas non intúeor
Deum tamen meum Te confiteor
Fac me tibi semper magis crédere
In Te spem habére, Te dilígere.
(Những thương tích của Chúa, như thánh Tôma, con không thấy được
Thế nhưng, lạy Thiên Chúa của con, Chúa có đó, con tuyên xưng Chúa
Xin cho con luôn tin vào Chúa hơn nữa,
Con đặt niềm hy vọng của con vào Chúa, con yêu mến Chúa.)
Và, khi Chúa Giêsu ở trong bàn tay của chúng ta, cùng với thánh Tôma Tông đồ, chúng ta cũng có thể lặp lại với tâm hồn linh mục của chúng ta : Dominus meus et Deus meus ! (Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !)
“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em !” (Lc 1, 45). Chính bằng những lời này mà bà Êlisabeth đã chào Đức Maria. Chúng ta hãy chạy đến với Đấng là Mẹ của các linh mục và là Đấng đã đi trước chúng ta trên con đường đức tin, để mỗi người trong chúng ta lớn lên trong niềm tin vào Con Thiên Chúa của Mẹ và như thế mang lại cho thế giới Sự Sống và Ánh Sáng, sức nóng, của Trái Tim Rất Thánh của Chúa Giêsu.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (7.6.2013)
Hồng y Mauro Piacenza
Tổng trưởng
+ Celso Morga Iruzubieta
Thư ký
Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp. (xuanbichvietnam.net) Tháng Năm 25th, 2013.
Xem thêm bài Thánh thi “Adoro te devote” của thánh Tôma Aquinô dưới đây:
Adóro te devóte, látens Déitas,
Quæ sub his figúris, vere látitas:
Tibi se cor meum totum súbjicit,
Quia, te contémplans, totum déficit.
Je t’adore dévotement, Dieu caché
Qui sous ces apparences vraiment prends corps,
À Toi, mon cœur tout entier se soumet
Parce qu’à te contempler, tout entier il s’abandonne.
Visus, tactus, gustus, in te fállitur,
Sed audítu solo tuto créditur:
Credo quidquid díxit Dei Fílius;
Nil hoc verbo veritátis vérius.
La vue, le goût, le toucher, en toi font ici défaut,
Mais t’écouter seulement fonde la certitude de foi.
Je crois tout ce qu’a dit le Fils de Dieu,
Il n’est rien de plus vrai que cette Parole de vérité.
In cruce latébat sola Déitas,
At hic látet simul et humánitas:
Ambo támen crédens átque cónfitens,
Peto quod petívit latro pœnitens.
Sur la croix, se cachait ta seule divinité,
Mais ici, en même temps, se cache aussi ton humanité.
Toutes les deux, cependant, je les crois et les confesse,
Je demande ce qu’a demandé le larron pénitent.
Plagas, sicut Thomas, non intúeor,
Deum támen meum te confíteor.
Fac me tibi sémper mágis crédere,
In te spem habére, te dilígere.
Tes plaies, tel Thomas, moi je ne les vois pas,
Mon Dieu, cependant, tu l’es, je le confesse,
Fais que, toujours davantage, en toi je croie,
Je place mon espérance, je t’aime.
O memoriále mortis Dómini,
Panis vivus, vitam præstans hómini,
Præsta meæ menti de te vívere,
Et te illi semper dulce sápere.
O mémorial de la mort du Seigneur,
Pain vivant qui procure la vie à l’homme,
Procure à mon esprit de vivre de toi
Et de toujours savourer ta douceur.
Pie pellicáne, Jesu Dómine,
Me immúndum munda tuo sánguine,
Cujus una stilla salvum fácere,
Totum mundum quit ab ómni scélere.
Pieux pélican, Jésus mon Seigneur,
Moi qui suis impur, purifie-moi par ton sang
Dont une seule goutte aurait suffi à sauver
Le monde entier de toute faute.
Jesu, quem velátum nunc aspício,
Oro fíat illud, quod tam sítio:
Ut, te reveláta cernens fácie,
Visu sim beátus tuæ glóriæ. Amen.
Jésus, que sous un voile, à présent, je regarde,
Je t’en prie, que se réalise ce dont j’ai tant soif,
Te contempler, la face dévoilée,
Que je sois bienheureux, à la vue de ta gloire.