(Hình: Irmhild B I Shutterstock I Montage Canva)
BỘ TRUYỀN THÔNG:
9 CÁCH ĐỂ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRỞ NÊN HỮU HIỆU HƠN
Mathilde De Robien
“Hướng tới sự hiện diện trọn vẹn: Một Suy tư Mục vụ về Sự Tương tác với Truyền thông xã hội” là chủ đề của tài liệu do Bộ Truyền thông công bố hôm 29.05.2023 nhằm đưa ra một suy tư về việc Kitô hữu sử dụng truyền thông xã hội với hình mẫu là Người Samari nhân hậu trong Tin Mừng.
Người Samari nhân hậu – một người tốt lành đã “chạnh lòng thương” khi nhìn thấy một người kia bị bọn cướp bỏ mặc nửa sống nửa chết dọc đường, sau khi bị thầy Tư tế và thầy Lêvi bỏ qua (Lc 10, 25-37) — có thể ảnh hưởng cáchtích cực đến hành vi của chúng ta trên mạng xã hội. Mặc dù chúng ta không còn nói về con đường đến Jericho nữa mà nói về “xa lộ kỹ thuật số” như Facebook, TikTok và Instagram, nhưng thách đố trong việc tiếp cận với người thân cận của chúng ta thì vẫn không thay đổi.
“Câu chuyện dụ ngôn này có thể truyền cảm hứng cho các mối tương quan trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ” gợi hứng cho bản văn được ký bởi ông Paolo Ruffini, Tổng trưởng, và Đức ông Lucio A. Ruiz, Tổng Thư ký của Bộ truyền thông.
Tài liệu dài 20 trang mời chúng ta suy tư làm thế nào để “sống trong thế giới kỹ thuật số như là ‘những người thân cận yêu thương’, những người thực sự hiệndiện và quan tâm đến nhau”.
Được phát hành bằng 5 ngôn ngữ, Bản văn hướng đến tất cả những ai dùng Internet.
“Tất cả chúng ta cần suy xét “ảnh hưởng” của mình một cách nghiêm túc. Không chỉ có những người có ảnh hưởng vĩ mô với lượng khán giả lớn mà còn có những người có ảnh hưởng vi mô. Mỗi Kitô hữu là một người có ảnh hưởng vi mô.”
Kết quả là một thái độ Kitô, giống như thái độ của Người Samari nhân hậu, mà mọi người có thể áp dụng khi đăng, thích hoặc bình luận về một bài đăng trên mạng xã hội.
1. TỰ VẤN XEM NGƯỜI THÂN CẬN CỦA BẠN LÀ AI TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Giống như dụ ngôn người Samari nhân hậu mời gọi chúng ta trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”, tài liệu thúc giục chúng ta tự vấn xem ai là người thân cận của chúng ta trên mạng xã hội.
“Dọc theo ‘xa lộ kỹ thuật số’, nhiều người bị tổn thương bởi sự chia rẽ và thù hận. Chúng ta không thể làm ngơ. Chúng ta không thể chỉ là những người qua đường lặng lẽ”.
Nhận ra “người thân cận” kỹ thuật số có nghĩa là “nhận ra rằng cuộc sống của mỗi người đều liên quan đến chúng ta”. Điều này còn đi xa hơn việc lướt qua một nguồn cung cấp tin tức hoặc thích một bức ảnh, vốn không cho phép chúng ta “tiếp cận trực tiếp với nỗi đau, nỗi sợ hãi và niềm vui của người khác cũng như sự phức tạp trong trải nghiệm cá nhân của họ”.
Tài liệu kết luận:
“Trở thành người thân cận trên mạng xã hội, có nghĩa là hiện diện trong câu chuyện của người khác, đặc biệt là của những người đang đau khổ”.
2. THẬN TRỌNG VỚI SỰ CÔ LẬP VÀ THỜ Ơ
(Hình: Dean Drobot | Shutterstock)
Những thuật toán mạng xã hội có khả năng kết nối người dùng theo các đặc tính, thị hiếu, sở thích cụ thể của họ… Nhược điểm là chúng tạo ra cộng đồng gồm những người giống nhau, ngăn cản người ta “thực sự gặp gỡ ‘người khác’, những người khác với mình”.
Nguy cơ là những nhóm như vậy có thể dẫn đến sự thờ ơ với người khác, giống như sự thờ ơ của thầy Tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn. Nhưng “rút lui vào sự cô lập của quyền lợi riêng của mình không thể là cách để khôi phục lại niềm hy vọng. Trái lại, con đường phía trước là vun trồng một “nền văn hóa gặp gỡ”, vốn thúc đẩy tình bằng hữu và hòa bình giữa những con người khác nhau”.
Có một đòi hỏi cấp thiết là phải hình dung ra một cách thế khác trong việcsử dụng mạng xã hội, đó là “vượt ra khỏi những giới hạn của chính mình,bước ra khỏi nhóm của những người “giống nhau” để gặp gỡ những người khác“.
3. LẮNG NGHE VÀ CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Lắng nghe là bước đầu tiên để tiếp cận với người khác.
“Giao tiếp hữu hiệu bắt đầu bằng việc lắng nghe và nhận ra rằng có một người khác đang ở trước mặt tôi. Lắng nghe và nhận thức nhằm thúc đẩy sự gặp gỡ và vượt qua những trở ngại hiện có, kể cả trở ngại của sự thờ ơ. Lắng nghe theo cách này là một bước thiết yếu trong việc tương tác với người khác”.
Tuy nhiên, không có cuộc đối thoại nào giữa người bị thương và người Samarinhân hậu. Do đó, vấn đề là lắng nghe bằng “đôi tai của trái tim”, nghĩa là mở lòng ra với người khác bằng cả con người mình. Chính sự cởi mở của con tim như thế làm cho sự gần gũi trở nên khả thi.
Người Samari nhân hậu không xem người đàn ông bị cướp đánh như một “người khác”, nhưng như một người cần được giúp đỡ.
“Ông thấy chạnh lòng thương, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác; và đã hy sinh bản thân, thời gian và nguồn lực của mình để lắng nghe và đồng hành với người mà ông gặp”.
Đây là thái độ mà tấm gương của Người Samari Nhân hậu mời gọi tất cả những ai dùng Internet. Ông mời gọi chúng ta đi bước trước và nhìn thấy giá trị và phẩm giá nơi mọi người.
4. THAM GIA VÀO CÁC CỘNG ĐỒNG THÚC ĐẨY “SỰ GẦN GŨI KỸ THUẬT SỐ”
Người Samari nhân hậu, quan tâm và cởi mở để gặp gỡ người bị thương, động lòng trắc ẩn để hành động và chăm sóc họ. Ông sơ cứu vết thương cho nạn nhân rồi đưa vào nhà trọ để đảm bảo việc tiếp tục chăm sóc.
“Tương tự như vậy, ước muốn làm cho mạng xã hội thành một không gian thân thuộc và nhân văn hơn của chúng ta phải được chuyển thành thái độ cụ thể và hành vi sáng tạo”.
Chia sẻ ý tưởng là cần thiết, nhưng chỉ có ý tưởng mà thôi thì không hiệu quả; ý tưởng cần trở nên “thiết thân”. Người Samari
“không giới hạn mình trong cảm giác thương hại; cũng không dừng lại ở việc băng bó vết thương cho một người xa lạ. Nhưng đi xa hơn, ông đưa người bị thương đến một quán trọ và sắp xếp để tiếp tục chăm sóc anh ta”.
Làm sao để chúng ta thể hiện điều này trong bối cảnh kỹ thuật số? Tài liệu đưa ra ví dụ về “các cộng đồng chăm sóc” cùng nhau hỗ trợ người kháctrong trường hợp ốm đau hoặc mất người thân, hoặc các cộng đồng giúp đỡ ai đó gặp khó khăn về tài chính hoặc cung cấp hỗ trợ xã hội và tâm lý.
5. ĐIỀU TIẾT THỜI GIAN NGẮT KẾT NỐI
Tài liệu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải dành thời gian thinh lặng, tránh xa điện thoại, để ưu tiên cho các mối tương quan với những người thân yêu và phát triển đời sống nội tâm.
“Không có sự thinh lặng và không gian để suy tư một cách chậm rãi, sâu sắc và có chủ đích, chúng ta có nguy cơ mất đi không chỉ khả năng nhận thức mà còn cả chiều sâu của những tương tác của chúng ta, với người khác và với Thiên Chúa”.
“‘Sự thinh lặng’ trong trường hợp này có thể được so sánh với việc ‘cai nghiện kỹ thuật số’, không chỉ đơn giản là kiêng khem, mà là một cách thức để tương tác sâu xa hơn với Thiên Chúa và với người khác”.
6. TRUYỀN ĐẠT SỰ THẬT
Bộ mời gọi chúng ta thận trọng trên các mạng xã hội và dành thời gian để phân định tin giả.
“Để truyền đạt sự thật, trước tiên chúng ta phải đảm bảo rằng mình đang truyền tải thông tin trung thực; không chỉ trong việc tạo nội dung mà còn trong việc chia sẻ nội dung. Chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta là một nguồn đáng tin”.
Hơn nữa, tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung tích cực, và chất lượng.
“Để truyền đạt điều tốt đẹp, chúng ta cần nội dung chất lượng, thông tin hướng đến sự hữu ích chứ không phải gây hại; thúc đẩy hành động tích cực, chứ không lãng phí thời gian vào những cuộc thảo luận vô bổ”.
7. KỂ CHUYỆN THAY VÌ TRANH LUẬN
Đối với Bộ, một câu chuyện thì tốt hơn là một cuộc tranh luận dài dòng. Giống như Chúa Giêsu, Đấng đã kể những câu chuyện dụ ngôn, kể chuyện cho phép chúng ta phản hồi một cách trọn vẹn và tích cực.
Các câu chuyện “cung cấp ngữ cảnh giao tiếp hoàn chỉnh hơn so với các bài đăng hoặc tweet bị cắt ngắn. […] ‘Hiện thân’ hơn là một cuộc tranh luận thuần túy và phức tạp hơn những phản ứng hời hợt và cảm tính thường gặp trên các nền tảng kỹ thuật số, những câu chuyện giúp khôi phục các mối tương quangiữa con người với nhau bằng cách cung cấp cho mọi người cơ hội kể những câu chuyện của chính họ hoặc chia sẻ những câu chuyện đã biến đổi họ”.
8. PHẢN ÁNH CHỨ KHÔNG PHẢN KHÁNG
(Hình: GaudiLab | Shutterstock)
Bộ cảnh báo về việc đưa ra nội dung “có thể gây hiểu lầm, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, kích động xung đột và khoét sâu định kiến”. Ngoài việc thận trọng một cách đúng đắn trước khi đăng nội dung, chúng ta cũng nên áp dụng phong cách Kitô trên mạng xã hội. “Phong cách Kitô cần là phản ánh chứ không phản kháng trên phương tiện truyền thông xã hội”.
“Kitô hữu chúng ta nên được biết đến là người sẵn sàng lắng nghe, phân địnhtrước khi hành động, đối xử tôn trọng với mọi người, trả lời bằng một câu hỏi thay vì phán xét, giữ im lặng thay vì khuấy động cuộc tranh cãi và ‘mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận’” (Gc 1, 19). Đây là một lộ trình đích thực.
9. LÀM CHỨNG CHO NIỀM VUI CHÚA BAN TẶNG CHO CHÚNG TA
“Chúng ta không hiện diện trên mạng xã hội để ‘bán sản phẩm’. Chúng takhông quảng cáo, nhưng thông truyền sự sống, một sự sống được ban tặng cho chúng ta trong Đức Kitô”.
Cho nên, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để làm chứng, và tham gia mạng xã hội là một cách thức để trở thành môn đệ thừa sai trực tuyến. “Đức tin trước hết có nghĩa là làm chứng cho niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta”.
Theo nghĩa này, người có tầm ảnh hưởng đầu tiên là Đức Trinh Nữ Maria.
“Việc sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta và làm điều đó cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pr 3, 15) là một dấu chỉ của lòng biết ơn. Đó là phản ứng của một người, nhờ lòng biết ơn, trở nên ngoan nguỳ với Thần Khí và do đó được tự do. Đây là trường hợp của Đức Maria, người không hề muốn hoặc cố gắng nhưng lại đã trở thành người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử”.
Niềm vui được chia sẻ này có thể khơi dậy sự tò mò hoặc thắc mắc nơi người khác. Đó là tất cả những gì Chúa đòi hỏi ở chúng ta.
“Theo logic của Phúc âm, tất cả những gì chúng ta phải làm là khơi lênmột câu hỏi để đánh thức cuộc tìm kiếm. Phần còn lại là công trình ẩn giấu của Thiên Chúa”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (03.06.2023)