Ngày 08/05/2025, trường Khiếm thính Ánh Sao rộn rã tiếng cười với biết bao lời chúc mừng dành cho quý Soeurs và các em khiếm thính, bởi vì hôm nay là ngày kỷ niệm 25 năm thành lập trường. 25 năm, nếu so với những ngôi trường khác thì thật nhỏ bé, nhưng nếu nhìn lại thì cũng đủ để nói lên hai tiếng Tạ Ơn Thiên Chúa thật dài, thật lâu và nói lên tiếng tri ân thật sâu đậm đối với tất cả mọi người.
Trường Khiếm thính Ánh Sao được sinh ra và lớn lên trong sự hoài bão và ưu tư của Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, khi đó là Giám mục Giáo phận Đà Lạt. Ngài đã tạo mọi điều kiện cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt được đào tạo về chuyên môn tại Trung tâm giáo dục Trẻ Khuyết Tật Thuận An – Bình Dương. Những năm đầu tiên (1999-2000), vì chưa có cơ sở nên phải mượn tạm hai phòng khách của Hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Lúc đó, lớp học không chỉ có các em khiếm thính, mà còn mở rộng cho cả những em chậm phát triển, thiểu năng…
Cũng trong thời gian này, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Cha cố Giuse Vũ Đình Tân quyết định xây dựng trường học cho các em khiếm thính tại khu đất số 403 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát, trước đây là nơi sinh hoạt của các Thầy Giảng, sau đó trở thành phòng khám đa khoa của khu vực Lộc Phát dưới sự điều hành của các Cha nguyên quản xứ Thánh Tâm (Cha cố Phêrô Hoàng Ngọc Dao và Cha cố Giuse Vũ Đình Tân). Khi ngôi trường được xây xong, các em khiếm thính được chuyển từ cơ sở Hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt về đây với tên gọi ban đầu “ Trường tư thục Khiếm Thính Tình Thương”.
Theo thời gian, ngôi trường đã chuyển mình với tên gọi mới như hiện nay “Trường tư thục Khiếm Thính Ánh Sao”, trường đã phát triển cả về cơ sở vật chất, nhân sự điều hành, số lượng học sinh, chương trình giáo dục, cũng như tạo việc làm cho các em khi ra trường. Cụ thể như sau:
– Học văn hóa: Các em khiếm thính học nghe – nói lồng ghép với chương trình mầm non và học hết tiểu học. Nhà trường hướng các em đến việc học hòa nhập với các trẻ cùng trang lứa nếu trẻ học nghe nói tốt…
– Giáo dục đức tin: Các em học chương trình Giáo lý căn bản Kitô giáo (Bí tích Hòa giải, Bí tích Thêm sức) và giáo lý hôn nhân (nếu cần hỗ trợ), các em biết đọc kinh và cầu nguyện mỗi ngày
– Giáo dục nhân bản: Giáo dục cho các em kỹ năng sống cần thiết trong giao tế và cuộc sống (biết cảm ơn, chào hỏi, lễ phép, trung thực, quan tâm giúp đỡ người khác…)
– Hướng nghiệp: Các em học hết lớp 4 sẽ được các soeurs cho học nghề phù hợp với khả năng và địa phương, để giúp các em sau khi ra trường có thể nuôi sống bản thân và hòa nhập cuộc sống. Hiện nay các em ra trường đang làm các ngành nghề: may, vi tính, cắt tóc …
– Hoạt động khác: Ngoài các hoạt động nêu trên, các em còn tham gia các hoạt động lễ hội (Trung thu, 20/11, Giáng sinh, Năm mới, Tổng kết năm học…), tham quan – giao lưu… để giúp các em có thêm kiến thức và kỹ năng sống.
Nguyện xin Thiên Chúa xuống muôn hồng ân trên quý soeurs cũng như các em khiếm thính, ngõ hầu quý soeurs tiếp tục vai trò giáo dục và các em ngày càng lớn lên trong mọi chiều kích.
Hoàng Kim – Kim Long