CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN
Thực tập làm việc tông đồ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 10:1-9)
Để đáp ứng nhu cầu rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su không thể chỉ dừng lại ở Nhóm Mười Hai, nhưng Người phải mở rộng hoạt động truyền giáo bằng cách huấn luyện thêm những cộng sự viên. Giới thiệu về công việc này, thánh sử Lu-ca đã viết vắn tắt như sau: “Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. Qua lời giới thiệu trên, chúng ta nhận ra sứ mệnh và vai trò của các môn đệ, không phải chỉ bảy mươi hai người thời ấy, mà cả chúng ta nữa là các môn đệ ngày nay của Chúa.
Chúa Giê-su chỉ định môn đệ và sai họ đi. Hành vi này của Chúa vẫn dựa trên cùng một khuôn mẫu: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Gio-an 20:21;17:18). Mục đích của việc sai đi là đến nói cho nhân loại biết lời của Chúa Cha, tức là chân lý Thiên Chúa đã yêu thương họ đến nỗi sai Con Một tới cứu độ họ. Ai đón nhận Con Một thì sẽ được trở nên con Thiên Chúa. Do đó, việc Chúa Giê-su sai các môn đệ đi trước đến những nơi Người sẽ tới là để chuẩn bị cho những người ở đó sẵn sàng đón nhận Người. Chúa Giê-su cho chúng ta thấy cả một thế giới rộng lớn đang chờ đợi được đón nhận Người cũng như lời giảng của Người. Thế giới này thực sự là cánh đồng lúa chín vàng. Dĩ nhiên Thiên Chúa có thể một mình gặt lúa và đưa về kho lẫm, nhưng Người muốn chúng ta được tham gia vào công cuộc cứu độ của Người. Không chỉ có Nhóm Mười Hai tông đồ mới là thợ gặt, nhưng còn thêm bảy mươi hai môn đệ khác. Con số bảy mươi hai không chỉ có ý nghĩa thông số, mà ý nghĩa chính là tượng trưng, nói lên rằng sứ mệnh làm “thợ gặt” là sứ mệnh của mọi thành phần trong Giáo Hội Chúa Ki-tô. Như vậy, người giáo dân không thể viện cớ rằng việc rao giảng Tin Mừng dành riêng cho các giáo sĩ hay tu sĩ, nên họ có thể rũ trách nhiệm!
Việc rao giảng Tin Mừng dù là của giáo sĩ hay của giáo dân thì cũng mang những nguyên tắc chung để làm sao việc rao giảng ấy được hữu hiệu. Những huấn dụ Chúa Giê-su ban cho các môn đệ ngày xưa vẫn được áp dụng cho chúng ta hôm nay. Tất cả những gì có thể làm cản trở việc rao giảng Tin Mừng đều phải được gạt bỏ, để chúng ta không bị ràng buộc và chú tâm vào công việc loan báo sứ điệp “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đây là cốt lõi của sứ mệnh, còn những việc khác như làm phép lạ, chữa lành…, tất cả chỉ là những điều chính Thiên Chúa thực hiện để hỗ trợ chúng ta trong hoạt động loan báo Tin Mừng mà thôi.
Bảy mươi hai môn đệ đã được đào tạo và được sai đi, dù là lần đầu tiên đi vào cánh đồng truyền giáo. Sau chuyến đi đầy thử thách và mang tính cách thực tập, họ trở về để báo cáo kết quả với Chúa Giê-su. Họ rất vui, “hớn hở” khoe thành tích với Chúa. Dĩ nhiên Chúa Giê-su cũng vui, nhưng Người cảnh giác họ đừng vội say men… chiến thắng, mà “hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Thành tích xem ra là của họ, nhưng Đấng làm cho sinh hoa trái là Đấng đã ghi tên họ trên trời. Cho nên rao giảng Tin Mừng là một hồng ân Chúa ban cho chúng ta để được cộng tác với Người trong công trình cứu độ.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng việc truyền giáo không phải dành riêng cho một thành phần trong Giáo Hội, nhưng là cho tất cả chúng ta. Được rửa tội, làm con cái Chúa và môn đệ của Chúa Giê-su là chúng ta lãnh sứ mệnh truyền giáo rồi. Trong Năm Đức tin, Giáo Hội nhấn mạnh đến những hoạt động của Tân Truyền giáo, nhằm “tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin” (Cửa Đức tin, 7). Chúng ta ngước mắt nhìn ra cánh đồng truyền giáo: lúa chín vàng, bao nhiêu người đang khao khát khám phá niềm vui đức tin và mong tìm lại được lòng hăng say nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Có khi nào chúng ta tự hỏi: Tôi giúp được gì để những người kia tìm lại được đức tin đã mất hoặc khô cằn của họ? Để thắp lên trong tâm hồn họ lòng nhiệt thành tông đồ thúc giục họ tham gia vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi