MỘT ĐỊNH NGHĨA SỐNG ĐỘNG VỀ NGƯỜI THÂN CẬN
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 10:25-37)
Định nghĩa rõ ràng nhất không phải là sử dụng từ ngữ trừu tượng, nhưng là dùng một câu chuyện thực tế. Người thông luật muốn xin Chúa Giê-su định nghĩa “ai là người thân cận của tôi”. Chúa Giê-su đã kể một câu chuyện sống động và có thể thường xảy ra: câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu. Ngày nay, hễ ai biểu lộ lòng thương xót khi cứu giúp người khác thì người ta gọi người ấy là “người Sa-ma-ri nhân hậu”!
Qua câu chuyện Chúa Giê-su kể, chúng ta có thể ghi lại những nét chính mô tả người thân cận. Người thân cận đích thực phải là người gạt bỏ mọi kỳ thị chủng tộc, văn hóa, ngay cả tôn giáo nữa. Người Sa-ma-ri trong câu chuyện không quan tâm tìm hiểu xem người gặp nạn có phải là người Sa-ma-ri đồng bào với mình hay không. Ông ta sống theo sự nhân đạo, “động lòng thương” đối với bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ. Ông ta đã nhìn nhận người bị nạn cũng là người thân cận của mình, nên không quản ngại làm hết sức mình để giúp đỡ họ. Chính lòng thương và nhân đạo này đã đưa ông ta tới những hành động quảng đại để đáp ứng nhu cầu của người bị rơi vào tay kẻ cướp.
Người thân cận đích thực là người thể hiện lòng thương xót qua hành động. Người Sa-ma-ri dám “lại gần” người bị thương chứ không “tránh qua bên kia” giống như thầy tư tế và thầy Lê-vi đã làm. Ông cũng không sợ bị ô uế khi phải chạm vào máu lúc băng bó cho nạn nhân. Ông còn biểu lộ qua những hành vi quảng đại, quảng đại thời giờ để đưa nạn nhân về quán trọ và dành cả ngày hôm ấy săn sóc nạn nhân; quảng đại tiền bạc để trả công cho chủ quán giúp mình săn sóc nạn nhân và bất kể tốn kém bao nhiêu. Rõ ràng ông bận công việc gì đó quan trọng nên không thể ở lại lâu hơn. Nhưng ông không hành động nửa vời, mà hứa là khi trở về ông sẽ lại đích thân chăm sóc nạn nhân.
Chúa Giê-su đã đưa ra hình ảnh thật rõ ràng mô tả thế nào là một người thân cận. Chúa muốn cho người thông luật tự mình ý thức nói lên định nghĩa ai là người thân cận, khi ông trả lời Chúa: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”. Sự tương phản giữa người Sa-ma-ri với thầy tư tế và thầy Lê-vi quả thực là một gáo nước lạnh tạt vào mặt những kẻ sống câu nệ vào Lề Luật đến nỗi chối bỏ luôn cả những hành động bác ái vị tha. Rõ ràng thầy tư tế và thầy Lê-vi không phải là người thân cận vì họ không có lòng thương xót. Nếu họ không phải là người thân cận đối với người khác thì chắc chắn cũng không phải là người thân cận đối với Thiên Chúa, “Đấng giàu lòng thương xót”! Người thân cận không phải là một danh hiệu vô nghĩa, nhưng phải là người “đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp”. Tỏ ra lòng thương xót đích thực và thực thi lòng thương xót bằng những hành động quảng đại.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Khi bảo người thông luật “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”, Chúa Giê-su đã thực sự đặt hy vọng nơi ông. Người biết ông đã được trả lời câu hỏi không những rõ ràng, mà còn đầy thách đố và khích lệ là hãy sống như con cái của Cha trên trời là Đấng giàu lòng thương xót. Câu chuyện Tin Mừng không cho chúng ta biết liệu người thông luật này có “làm như vậy”, tức là có làm người thân cận đích thực hay không. Nhưng đó cũng là kết luận mà mỗi người chúng ta phải thực hiện bằng cách tỏ ra là người thân cận đối với anh chị em chung quanh chúng ta.
Có biết bao “nạn nhân” sống lay lất bên cạnh chúng ta. Nhiều khi những nạn nhân ấy ở ngay trong gia đình hoặc xứ đạo chúng ta: một bà vợ âm thầm chịu đau khổ đủ chuyện, một đứa con cần được nâng đỡ khích lệ. Có những “nạn nhân” bị cướp đi quyền sống xứng đáng làm người, nạn nhân của bất công xã hội, của kỳ thị đủ thứ, của nghèo đói…
Để tỏ ra là người thân cận đích thực, chúng ta hãy có trái tim của Cha chúng ta, Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta đừng nại lý do này nọ để “tránh qua bên kia” và không đưa mắt nhận ra nhu cầu của anh chị em. Chúa đã không quản ngại đến gần chúng ta là những nạn nhân của tội lỗi. Người muốn chúng ta quan tâm đến anh chị em!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi