SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXI – 2001
Lời Chúa hôm nay đề cập đến một vấn đề nhiều lần trong cuộc sống người tín hữu đã lo lắng và muốn có một giải đáp thật rõ ràng : vấn đề “phải chăng chỉ có ít người được cứu độ ?”. Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi, nhưng Ngài hướng chúng ta suy nghĩ theo một hướng khác “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Vấn đề không phải là ít hay nhiều người được cứu độ, vấn đề ấy là của Thiên Chúa, vấn đề của chúng ta là “phải vào” và “ngả đường nào đưa ta vào”.
Chúa thấy một thực tế nhiều khi thật đau thương “Nhiều người tìm vào mà không vào được”. Không ít người “đã từng ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy giữa các công trường” của họ. Cũng như nhiều tín hữu hôm nay có thể nói với Ngài như thế. Nhưng cuối cùng họ cũng chỉ nghe được một câu trả lời nghiệt ngã “Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới”. Tuy nhiên Ngài cũng nói tới một thực tế ngược lại “Người ta từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc nước Thiên Chúa”. Và Đức Giêsu đã nói tới những con người đã vào Nước Thiên Chúa : Abraham, Isaac, Giacob và các tiên tri để mời gọi mọi người hãy “cố gắng vào qua cửa hẹp”, mà chính bản thân Ngài cũng đang tiến vào. Thực vậy, Thánh Sử Luca khi nói tới hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu là nói tới cuộc Vượt Qua của Người. Hành trình trở nên nhỏ bé, trở nên như không… Cũng chính Ngài đã chẳng từng tuyên bố “Ta là cửa chuồng chiên” đó sao ? Cửa duy nhất cho chiên đi qua để được nuôi sống. Những lời Tin Mừng ấy chẳng thúc bách chúng ta cởi bỏ lối sống đạo trong những hình thức lễ hội để chia sẻ với Đức Giêsu một lối sống khiêm hạ và tự hủy để hoàn tất mọi ý muốn của Thiên Chúa đó sao ? Đức Giêsu vẫn thường vào các hội đường mỗi ngày thứ bảy, và không bao giờ vắng mặt ở Đền Thờ Giêrusalem trong những dịp lễ của người Do Thái, nhưng Tin Mừng cho thấy ngay trong chính các Hội Đường và cả trong đền thánh Giêrusalem, Đức Giêsu luôn là hiện thân của Một Thiên Chúa đến gặp gỡ và nuôi dưỡng dân Ngài. Chính thái độ này gây nên những căng thẳng, mâu thuẫn giữa Ngài và các lãnh đạo Hội Đường. Isaia đã chẳng nói về Thiên Chúa rằng “Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ” đó sao ? Và “Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới, đứng vững trước mặt Ta thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi, sẽ vững bền như vậy”. Hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu, hành trình đi vào “Nơi Cực Thánh” của Ngài chính là hành trình hiến mạng sống mình để quy tụ con cái Thiên Chúa khắp nơi về một mối, hành trình trở nên tấm bánh bị bẻ ra cho một thế giới mới được khai sinh. Nói theo thánh Phaolô đó là hành trình “nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời”, hành trình đi “bạt cho thẳng đường đi, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành”. Như thế đời sống đạo chân thật chính là như Isaia nói trở nên “một dấu lạ”, người “rao giảng cho các dân biết vinh quang” của Thiên Chúa, nó mang 2 chiều kích không thể tách rời “chiều kích Thiên Chúa” và “chiều kích huynh đệ”.
Chúng ta cũng còn phải lưu ý một khía cạnh khác của Tin Mừng “Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại”, đây là chiều kích thời gian. Nhiều người kitô hữu không nhận ra được tính cách cấp bách và tức thời của mọi đòi hỏi của Tin Mừng. Họ sống như là còn quá nhiều năm tháng ! Thật khác với Đức Giêsu, Ngài đã từng khẳng định “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy luôn băn khoăn thao thức cho đến khi sự việc ấy được hoàn tất”. Và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ Tin Mừng, chúng ta luôn thấy các Thánh Ký đã nhìn và đã trình bày mọi biến cố đời sống Đức Giêsu trong viễn tượng của cuộc Khổ Nạn Phục Sinh của Người. Như thế thời gian của Đức Giêsu luôn luôn là thời gian của hành trình về Giêrusalem. Giáo Hội thấu hiểu tính cấp bách và tức thời ấy, nên Giáo Hội cũng đã dành một nỗ lực đặc biệt để Thánh Hóa Thời Gian mà Phụng Vụ các giờ kinh là một thực hành kiên trì điển hình.
Quả thật cửa vào Nước Trời tuy là cửa hẹp, và phải lập tức bước vào, nhưng Lời Chúa cũng cho thấy chính Đức Giêsu đã đi trước và mở cửa ấy cho hết những ai tin cậy và bước theo Ngài. Chính trong Thánh Lễ này, khi trao ban Mình và Máu Ngài cho ta, chính là Ngài giúp Ta đi qua cửa hẹp ấy để vào cánh đồng sự sống. Chúng ta hãy tin tưởng và đến với Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên