“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.
Bài Ðọc I: Is 52, 7-10
“Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!
Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!
Xướng: Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.
Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6
“Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. – Alleluia.
Tin Mừng: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.
Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.
Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Hoặc đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
SUY NIỆM
A/ 5 Phút Lời Chúa
B/ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
“Ngôi Lời đã làm người”
Có lần, khi dẫn các vị khách không cùng tôn giáo đi thăm hang đá Giáng Sinh, có vị đã hỏi ý nghĩa của dòng chữ ghi trên hang đá “Ngôi Lời đã làm người”, tôi thấy thật khó để giải thích một điều cốt lõi của Đức tin Kitô giáo. Quả vậy, mầu nhiệm Nhập thể không thể diễn đạt trong vài câu từ. Ngay cả đối với các Kitô hữu, tín điều này là một huyền nhiệm mà lý trí hữu hạn của con người phải im lặng cung kính tôn thờ trước quyền năng cao cả và tình thương vô bờ của Thiên Chúa Tối cao.
“Ngôi Lời đã làm người”, Tác giả Tin Mừng thứ bốn khẳng định với chúng ta như thế. Ông đã khởi đầu tác phẩm của mình bằng cách đi tìm nguồn gốc của Ngôi Lời thiên linh. Ngôi Lời ấy đã hiện hữu từ muôn thuở. Ngôi Lời vừa giống Chúa Cha, lại vừa khác với Ngài. Ngôi Lời giống Chúa Cha vì Ngôi Lời là Thiên Chúa, Ngôi Lời khác với Chúa Cha vì “Người vẫn hướng về Thiên Chúa”. Sự tương tự và khác biệt chỉ có thể hiện hữu do quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Gioan muốn chứng minh: Đức Giêsu Kitô thành Nagiarét là Thiên Chúa thật, và cũng là người thật. Như trên đã nói, lý trí con người hữu hạn, suy bao nhiêu cũng không thể hiểu được mầu nhiệm Nhập Thể, tức là sự kiện Thiên Chúa và con người nên một nơi Đức Giêsu. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Đức Giêsu đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Lời tuyên xưng ấy nói lên sự tương tự huyền nhiệm này.
“Ngôi Lời đã làm người”, để làm gì? Thưa, để chiếu sáng thế gian. Đức Giêsu là ánh sáng trần gian. Chính Người đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Sứ mạng của Đức Giêsu là soi sáng trần gian, giúp con người nhận ra Chân lý, và nhờ đó họ được sống đời đời. Ánh sáng của Chúa Giêsu là cuộc đời và giáo huấn của Người. Ai đến với Người, thì không còn phải đau khổ, vì họ được an ủi và tìm thấy bình an. Lịch sử Kitô giáo hai ngàn năm qua đã chứng minh điều đó. Bất cứ ai đến với Đức Giêsu, đều được Người đón nhận. Sự kiện lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm theo truyền thống từ xa xưa, cũng nhằm khẳng định Đức Giêsu là ánh sáng bừng lên trong đêm tối cuộc đời.
“Ngôi Lời đã làm người” trong hoàn cảnh nào? Tác giả Tin Mừng thứ bốn viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Thánh Gioan muốn nói đến những người khước từ Chúa Giêsu. Sự khước từ ấy thể hiện qua việc Thánh Giuse và Đức Trinh nữ Maria gõ cửa nhiều quán trọ, mà không tìm được một chốn trú ngụ qua đêm. Những chủ quán thời đó có thể khước từ vì thấy hai ông bà nghèo nàn, mà bà thì lại sắp sinh con. Chính vì sự khước từ này mà Ngôi Lời đã phải khởi đầu hành trình trần thế trong khung cảnh nghèo nàn tột bậc. Đó là hang đá, nơi dùng cho chiên bò trú ngụ qua đêm để tránh sương lạnh mùa đông buốt giá. Trải dài suốt lịch sử, có rất nhiều người đón nhận Chúa Giêsu và thực thi giáo huấn của Người. Tuy vậy, cũng có nhiều người khước từ Chúa. Những người đón tiếp Chúa vì đã nhận ra nơi Người con đường Chân lý và ý nghĩa cuộc đời. Những người khước từ Người vì thấy nơi Người những ràng buộc kìm hãm mọi đam mê của họ. Theo Đức Giêsu phải chấp nhận bỏ mình. Bởi lẽ, Đức Giêsu đã đi trên con đường thập giá và đã chết trên thập giá. Kitô hữu là người nên giống Chúa Kitô trong cuộc sống, thì cũng phải nên giống Người trong mầu nhiệm thập giá. Cũng tác giả Tin Mừng thứ bốn đã khẳng định: “Những ai đón nhận, tức là tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (c 12).
“Ngôi Lời đã làm người” dạy ta điều gì? Thiên Chúa cao cả đã hạ mình trở nên Hài Nhi bé nhỏ, sinh ra bởi một người phụ nữ. Đó là sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể dạy chúng ta, muốn nên thánh, trước hết phải là con người theo đúng nghĩa, tức là con người với đầy đủ những đức tính nhân bản. Có những người chưa làm người đã đòi làm thánh, vì vậy họ sống trong ảo tưởng, lang thang vô định mà chẳng thấy bình an. Noi gương Đức Giêsu, chúng ta sống khiêm nhường trước mặt Chúa và đối với anh chị em mình, vì “ai hạ mình xuống sẽ được Chúa nâng lên”.
“Ngôi Lời đã làm người”, và hôm nay Người đang ở giữa chúng ta. Hang đá máng cỏ chỉ là phác hoạ sự kiện lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm. Khi mừng lễ Giáng sinh, mỗi tín hữu hãy nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương ấy. Và, cũng như Gioan Tiền hô, mỗi chúng ta cũng hãy trở nên nhân chứng của Ánh Sáng ngàn đời, đêm Chúa đến với anh chị em chúng ta, những người đang khát khao Chân lý và đang tìm ý nghĩa cuộc đời.
C/ Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
A. Phân tích (Hạt giống…)
Các chuyên viên Thánh Kinh đã gọi đoạn này là quyển Tin Mừng Thứ Tư tóm lược vì chứa đựng dưới dạng súc tích tất cả những chủ đề chính của tác phẩm như: Chúa Giêsu là Lời, Sự Sống, Sự Sáng, Làm chứng, Sự thật…
1. Đức Giêsu là “Lời” của Thiên Chúa, tiền hữu và hằng hữu (cc 1-2)
2. Ngài là Đấng Tạo hóa (c 3a)
3. Ngài là sự sống và sự sáng (cc 3b-5)
4. Gioan Tiền hô là người làm chứng cho Chúa Giêsu (cc 6-8)
5. Chúa Giêsu là sự thật (c 9)
6. Ngài đến ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có. Nhưng thế gian đã không nhận Ngài (c 10-18)
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. “Lời đã trở thành nhục thể”. Trong những thế kỷ đầu, có những lạc thuyết không chấp nhận việc Thiên Chúa nhập thể vì cho rằng thể xác là xấu xa không đáng cho Thiên Chúa nhập vào. Nhưng Con Thiên Chúa đã thực sự nhập thể, chứng tỏ thân xác chúng ta không xấu xa, chứng tỏ lòng Ngài quá thương chúng ta, và còn cho biết từ nay Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta qua thực tại nhân tính với tất cả những yếu đuối hèn hạ của nó. Hệ luận của mầu nhiệm nhập thể này là từ nay ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi gặp gỡ con người, ta có thể yêu mến Thiên Chúa khi yêu mến con người…
2. “Ánh sáng chiếu trong bóng tối và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng”: Nói một cách triết lý, Tối chỉ là thiếu Sáng, cho nên khi nào Sáng đến thì Tối phải tan. Chỉ một ngọn nến nhỏ được đưa vào một gian phòng mênh mông cũng đủ đuổi bóng tối ra khỏi gian phòng. Suy rộng ra, Ác chỉ là thiếu Thiện, cho nên Ác không thể nào thắng Thiện, ngược lại Thiện thắng Ác là điều tất yếu. Ngôi Hai đã nhập thế và nhập thể, ai đón nhận Ngài vào lòng mình thì chắc chắn sẽ đẩy lùi bóng tối và sự ác khỏi lòng mình. Bởi thế, trong quyển sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Gioan Phaolô II luôn lặp đi lặp lại lời kêu gọi đầy lạc quan: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.
3. Một đêm kia, trên một đường phố vắng vẻ, Bóng Tối ngồi co ro, buồn bã. Từ một xó nọ loé lên một Tia Sáng, rất nhỏ và rất yếu, nhưng là một tia sáng, phát ra từ một cây nến nhỏ mà ai đó đã cắm ở đấy. Một người khách đi qua nhìn thấy cây nến nhỏ và nói:
– Sao mi lại chiếu sáng trong cái xó kẹt này ? Thiếu gì chỗ khác, mi đến đó mà chiếu sáng thì sẽ hữu ích hơn nhiều.
– Tại sao hả, cây nến trả lời. Tôi chiếu sáng bởi vì tôi là cây nến. Tôi có chiếu sáng thì tôi mới là cây nến. Vả lại tôi chiếu sáng đâu phải chỉ để cho người ta thấy mà còn để cho tôi vui, vui vì được làm Tia sáng, vui vì được chiếu sáng.
Bóng Tối nghe thế rất bực bội. Nó nhào tới phủ lên Tia sáng mong làm cho Tia sáng bị tắt. Nhưng chẳng những Tia sáng không tắt, trái lại Bóng Tối còn bị rách nát ra. (Willi Hoffsuemmer).