CHÚA NHẬT 28 QUANH NĂM
(Mát-thêu 22: 1-14)
Những dụ ngôn “vườn nho” đã cho ta một ý niệm rõ ràng về việc Thiên Chúa thiết lập Nước Trời, Triều Đại của Đấng Cứu Thế, và Người quảng đại mời gọi mọi người không trừ ai hãy tham dự vào Nước ấy. Để nói lên việc đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Chúa Giê-su nói dụ ngôn tiệc cưới. Câu truyện có một kết thúc khác thường khiến cho các học giả Kinh Thánh nghĩ rằng kết thúc này được thánh Mát-thêu lấy từ một câu truyện nào đó và ráp lại thành một câu truyện, nhằm diễn tả hai điều: phần thứ nhất của câu truyện (câu 1-10) nói về việc Chúa gọi Ít-ra-en và Dân ngoại vào Nước Trời, và phần thứ hai (câu 11-14) nói về việc đáp ứng của mỗi người trước lời mời gọi ấy. Vậy ta cứ để qua một bên những điểm xem ra không thích hợp với lối suy nghĩ thường tình, để có thể nhận ra được sứ điệp thực sự câu truyện muốn nói.
a) Thiên Chúa khai mở Triều Đại cứu thế cho nhân loại
Triều Đại Thiên Chúa hay Nước Trời được Chúa Giê-su mô tả bằng những hình ảnh khác nhau như vườn nho, mẻ lưới cá, tiệc cưới… Hôm nay, có lẽ ta cảm nghiệm được vẻ trịnh trọng của Chúa Giê-su khi Người mở đầu câu truyện dụ ngôn tiệc cưới bằng những lời sau đây: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Chắc chắn Người ám chỉ Chúa Cha là vua và Người là con. Mỗi khi nói về những gì Chúa Cha làm, bao giờ Chúa Giê-su cũng nói với một vẻ trịnh trọng, tôn kính và tâm tình cảm tạ. Ta có thể lấy sự kiện Chúa giảng tại hội đường Na-da-rét làm thí dụ.
Chúa Giê-su vào trong hội đường và tuyên đọc đoạn Sách Thánh ngôn sứ I-sai-a 61:1-2. Thánh Lu-ca đã kể lại bầu khí trịnh trọng này như sau: “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe’. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4:20-22). Chúa Giê-su công bố công việc của Chúa Cha bắt đầu được thực hiện và vai trò của Người trong kế hoạch nhiệm mầu của Chúa Cha. Đây là một Tin Vui cho nhân loại.
Khi kể dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giê-su đã mô tả thái độ quảng đại và ân cần của nhà vua giống hệt như thái độ của gia chủ vườn nho chăm sóc lo lắng cho những người thợ thất nghiệp. Ưu tư duy nhất của nhà vua là phải làm sao cho tiệc cưới thật linh đình, một điểm độc đáo để nói lên lòng quảng đại của ông. Trước hết, nhà vua quảng đại với chính con mình. Ông đã không ngại bỏ ra một số tiền lớn để chi phí, miễn sao con mình được vui. Ông cũng quảng đại cả với những người không đáng đến dự tiệc. Có thuở nào mời khách đến dự tiệc cưới mà lại sai các đầy tớ “đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”? Chỉ người điên khùng mới làm chuyện đó. Thế mà Chúa Giê-su áp dụng hình ảnh ấy cho Chúa Cha, Đấng “đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình” làm giá chuộc tội họ. Không ai hiểu được lý lẽ của con tim Thiên Chúa!
Chắc chắn phải là một tiệc cưới linh đình, vì Thiên Chúa muốn khai trương một triều đại mới của Người. Triều đại cũ đã đến hồi bế tắc, không thể tiếp tục thực thi được kế hoạch yêu thương của Người nữa. Vẫn còn trở ngại trong quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và khoảng cách không nối liền được. Cho nên Thiên Chúa đã sai Con Một đến để khai thông, mở ra một con đường mới dẫn con người đến với Thiên Chúa. Ta hiểu được ý nghĩa thâm sâu của lời Chúa Giê-su: Ta là đường, sự thật và sự sống. Người ta tưng bừng khánh thành một xa lộ mới và dân chúng thật vui vì từ nay họ không phải chạy vòng nữa. Cũng vậy, hôm nay, Thiên Chúa mở hội tiệc cưới giữa Con Một Người với nhân loại, bắt đầu cho một triều đại tràn đầy ân sủng (grace upon grace).
b) “Tại sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”
Chắc chắn thánh Mát-thêu không có ý để ta tranh luận về điểm xem ra thật vô lý này. Đang ở ngoài đường rồi đột xuất được mời đến dự tiệc cưới thì làm sao có y phục lễ cưới được! Dụ ngôn không phải là câu truyện có lý hay vô lý, mà là câu truyện được dùng như phương tiện để chuyên chở một hay nhiều sứ điệp. Vậy thánh sử muốn ta đi vào sứ điệp của đoạn kết này, là việc mang y phục lễ cưới tượng trưng cho tác phong của khách dự tiệc, hoặc nói khác đi, tượng trưng cho lối sống của Ki-tô hữu, những người đã được Thiên Chúa quy tụ trong Giáo Hội Chúa Ki-tô.
Qua những bí tích khai tâm, ta đã trở nên con cái Chúa, công dân của Triều Đại Thiên Chúa và làm chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Trong Giáo Hội, ta đã được lãnh nhận ân sủng qua bí tích và cầu nguyện, cũng như có đủ mọi phương tiện và hướng dẫn để sống như con cái thực của Thiên Chúa. Do đó, trong giờ Chúa đến phán xét ta, giống như khi nhà vua bước vào phòng tiệc, ta không thể viện lý là không có thì giờ mặc y phục lễ cưới. Nhưng cũng như người không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn, ta sẽ phải “câm miệng không nói được gì”.
Có lẽ Chúa Giê-su cũng nêu lên một thực tại đáng buồn, là “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”. Chắc chắn không thiếu gì những người đã được rửa tội, được làm con cái Chúa ngay sau khi mới sinh, nhưng lại không mang y phục lễ cưới, không sống đức tin Công giáo mà họ đã lãnh nhận. Chứng thư rửa tội không phải là cái giấy thông hành bảo đảm cho ta vào Thiên đàng, mà chỉ đánh dấu một lời gọi, mời gọi ta hãy “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nếu mang danh là người Công giáo mà không sống như người Công giáo thực, thì họ cũng không hơn gì những người đã được mời dự tiệc cưới nhưng không đến, tức là người Pha-ri-sêu và kinh sư. Do đó, Chúa Giê-su đã dặn dò ta: “Thầy bảo cho anh em biết: nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20).
Phụng vụ Lời Chúa của những Chúa Nhật cuối năm phụng vụ muốn ta hướng dần về ngày cánh chung và mời gọi ta chuẩn bị cho ngày Chúa Ki-tô lại đến. Ta được hồng phúc làm con cái Chúa và được Chúa ban cho một môi trường sống là Giáo Hội Chúa Ki-tô để phát triển con người mới của ta theo gương mẫu Chúa Ki-tô. Tiệc cưới ở đời này là đời sống được ân nghĩa với Chúa sẽ đưa ta vào tiệc cưới vĩnh cửu bên cạnh Đức Vua và Con của Người.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi đã được gia nhập Giáo Hội, tức là được diễm phúc sống trong “Triều Đại Thiên Chúa”. Vậy tôi có đón nhận hồng ân cao cả này với thái độ ân cần và biết ơn không? Hay tôi giống như một trong những loại người từ chối không đến dự tiệc cưới?
Chúa muốn nói gì với tôi khi Người bảo: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”?
Tiệc cưới tôi tham dự hằng ngày hoặc mỗi Chúa Nhật là Thánh lễ, đòi hỏi tôi phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng. Tôi đã chuẩn bị thế nào?
Cầu nguyện
“Lạy Cha từ ái,
cảm tạ Cha đã ban cho chúng con
ơn nhận biết và tin vào Đức Giê-su Con Cha,
và được lớn lên trong lòng Giáo Hội…
Cha muốn chúng con noi gương Đức Giê-su
chu toàn thánh ý Cha trong cuộc sống.
Xin cho chúng con mỗi ngày
biết múc lấy ánh sáng và sức mạnh
từ những phút giây trầm lặng bên Cha,
gặp gỡ Đức Giê-su và nhìn lại chính mình.
Cha đã cho chúng con trí tuệ và quả tim
để góp phần xây dựng một thế giới
ấm no và chan chứa tình người.
Xin cho chúng con biết say mê học tập,
biết đưa ánh sáng đức tin vào chuyên môn
và biến tri thức khoa học thành lời tôn vinh Cha không ngừng.
Cuối cùng, xin Cha nâng đỡ tình bạn giữa chúng con
để chúng con hiệp thông với nhau
trong mọi nỗi vui buồn của cuộc sống.
Ước gì sau một đời yêu thương và phục vụ,
chúng con lại được cùng sống bên Cha
và bên nhau trong Nước Trời. A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 76)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
7-10-2005