CHÚA NHẬT 28 QUANH NĂM, C (2004)
(Lu-ca 17: 11-19)
Chúa gọi ta làm môn đệ Người, nhưng trong những điều kiện nào? Tuy mỗi người một hoàn cảnh riêng biệt, một tài năng khác nhau, nhưng có điểm nào là mẫu số chung cho tất cả mọi người không? Được Chúa gọi làm môn đệ không phải là vì ta xứng đáng, nhưng là ân huệ Chúa ban cho mỗi người (Ga 15:16). Do đó, ta luôn luôn phải cảm tạ Chúa về ân huệ đó. Đề tài làm môn đệ Chúa dường như vẫn được tiếp tục qua bài Tin Mừng hôm nay với câu truyện Chúa Giê-su chữa mười người phong hủi trên đường Người đi lên Giê-ru-sa-lem. Họ xuất thân từ hai dân tộc khác nhau, nhưng cùng chung sống với nhau trong trạng thái bệnh tật thể xác. Họ đều được Chúa Giê-su chữa lành, nhưng lại chỉ có một người biết cảm tạ hồng ân Người ban cho mình.
a) Chúa gọi ta làm môn đệ Người ngay trong chính thân phận yếu đuối và tội lỗi của ta
Trong Tin Mừng Lu-ca, đường từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem là con đường Thầy Giê-su kêu gọi và đào tạo các môn đệ. Qua những việc Người làm và những lời giảng dạy, Chúa đã cho ta thấy tất cả những chiều kích khác nhau của việc làm môn đệ, từ những điều kiện phải có như dứt bỏ mọi sự và hoàn toàn tin vào Người cho đến sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, bách hại và cả đến cái chết để làm chứng cho Người. Chương trình đào tạo môn đệ của Chúa được thực hiện qua những giai đoạn tiêu biểu: từ Ga-li-lê, họ được Chúa kêu gọi bỏ lại mọi sự để theo Người (Mc 1:16-20); từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem, họ được lắng nghe lời giảng, chiêm ngưỡng Chúa biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa qua những phép lạ, chứng kiến lối sống Ki-tô đối với những người nghèo khổ và bị xã hội khinh miệt, nhất là để họ quyết tâm gắn bó với Chúa và chuẩn bị kết hiệp với Người trong cuộc Thương Khó sắp tới; tại Giê-ru-sa-lem, họ phải chia sẻ những đau khổ của Người và hoàn toàn trút bỏ con người cũ để được mặc lấy con người phục sinh của Chúa, trở thành một người sẵn sàng lên đường thi hành sứ mệnh được sai đi giống như Người đã được Chúa Cha sai đi (Mt 28:19; Mc 16:15).
Với mẫu mực ấy, Chúa Giê-su hôm nay cũng gọi ta làm môn đệ Người, ngay trong hoàn cảnh sống và điều kiện cá nhân của ta. Mười người phong hủi (chín người Do-thái và một người ngoại bang) đón đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem để được gặp Người. Danh tiếng Người đã lôi kéo họ đến. Trong hoàn cảnh khốn khổ bệnh tật thể xác, họ quên đi tất cả những cách biệt về chủng tộc để chia sẻ với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Không còn là Sa-ma-ri hoặc Ga-li-lê nữa. Họ có chung một khắc khoải ưu tư, một nỗi đau khổ và một thân phận giống nhau: mắc bệnh phong hủi. Gặp được Chúa, họ tôn vinh Chúa là Thầy: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Hình ảnh này biểu tượng cho tình trạng chung của mọi người được kêu gọi làm môn đệ Chúa. Bệnh phong hủi là hình ảnh thân phận tội lỗi của con người. Nhưng Chúa lại mời gọi ta hãy nhìn nhận Người là Thầy (đây là trường hợp duy nhất Tin Mừng Lu-ca kể lại những người không phải là môn đệ Chúa Giê-su đã gọi Người bằng tước hiệu “Thầy”). Do đó, ta bắt đầu học làm môn đệ Chúa ngay từ thân phận tội lỗi của mình. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa, là ý của Chúa Giê-su: “Tôi muốn, anh hãy sạch đi!” (Mc 1:41). Từ nay, hành trình làm môn đệ sẽ cải hóa con người của ta, làm tan biến đi những vết cùi hủi tội lỗi để lại trên hình ảnh ta và dần dần trả lại cho ta hình ảnh đích thực của con người Thiên Chúa đã dựng nên trước khi tổ tông loài người phạm tội.
b) Được chữa lành là khởi đầu cho hành trình làm môn đệ
Theo luật Do-thái, người bị bệnh phong hủi hoặc da liễu sau khi được sạch thì phải đi trình diện vị tư tế nơi mình sống và được nhận trở lại vào cộng đồng. Chúa Giê-su truyền lệnh cho họ đi làm như thế và đang khi đi họ được khỏi bệnh. Việc chữa lành đã được thực hiện là nhờ họ vâng lời Chúa Giê-su và là dấu chỉ để họ nhận biết Người thực sự là Đấng nào để họ tin vào Người. Rõ ràng qua việc chữa lành họ đã được mời gọi đến với Chúa, không phải vì tình trạng bệnh tật thể chất mà vì tình trạng bệnh tật thiêng liêng. Họ được cứu thể xác, nhưng họ cần phải được cứu cả phần hồn nữa. Được cứu phần hồn sẽ được thể hiện dần dần trong hành trình làm môn đệ Chúa. Cho nên họ cần phải trở lại với Chúa Giê-su để tiếp tục cuộc cứu chữa thứ hai.
Trong số mười người được khỏi, chỉ có một người ngoại bang trở lại tạ ơn Chúa. Tạ ơn không chỉ có nghĩa là nói một vài lời xã giao theo thói đời, nhưng là nhận biết và tuyên xưng Chúa Giê-su là ai. Lời tuyên xưng “lạy Thầy” người phong hủi được chữa lành nói lúc đầu có lẽ chỉ là do nghe người khác nói. Giờ đây, anh ta không nói bằng lời xưng hô tầm thường nữa, mà đích thân nói bằng cử chỉ sấp mình thờ lạy Chúa, một cử chỉ dành cho thụ tạo thờ lạy Thiên Chúa.
Được gọi làm môn đệ luôn luôn là một ân huệ Chúa ban. Do đó, người môn đệ biểu lộ lòng biết ơn bằng cách cố gắng sống ơn gọi của mình, nhìn lên Thầy Giê-su như gương mẫu để noi theo lối sống của Người và nhất là để được kết hiệp với Người, vì duy nơi Người ta mới có ơn cứu rỗi.
c) Con đường làm môn đệ Chúa hôm qua và hôm nay
Làm môn đệ Chúa là ơn gọi không bao giờ thay đổi mọi thời mọi nơi. Ơn gọi ấy khởi đầu từ tình trạng tội lỗi của con người và đưa chúng ta qua một tiến trình Ki-tô hóa, tức là mỗi ngày một trở nên giống như Chúa Ki-tô hơn. Chúa nói với người phong hủi được chữa lành: “Đứng dậy, về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” Chắc chắn anh ta sẽ làm theo lời Chúa dạy, giống như anh đã nghe lời Chúa, đi trình diện với các tư tế mặc dù anh không phải là người Do-thái. Anh sẽ đứng lên với con người mới. Anh sẽ về với môi trường sống quen thuộc của anh, với làng xóm, với gia đình, để làm chứng cho Đấng đã thương chữa lành và gọi anh làm môn đệ Người. Hôm nay, Chúa Giê-su cũng nói với ta cùng những lời nói ấy, để ta biết quảng đại đáp lại lời gọi của Người và sống làm môn đệ của Người ở tại đây và trong lúc này.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi đã có lần thoái thác không muốn làm môn đệ Chúa. Lý do nào khiến tôi ngần ngại đáp lại lời gọi của Chúa?
Cảm tạ Chúa là điều dĩ nhiên, vì tôi đã lãnh nhận biết bao ơn lành hồn xác Người ban. Nhưng tôi có hay cảm tạ Chúa vì Người đã cho tôi được làm con cái Người không? Tại sao tôi hay quên điều này? Làm thế nào để tôi dễ nhớ?
Làm môn đệ Chúa Ki-tô là mặc lấy lối sống của Người. Tôi sẽ làm gì để sống giống như Chúa mỗi ngày một hơn?
Cầu nguyện:
“Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Si-mon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Si-mon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 79)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi