THÁNH LỄ CẦU CHO VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
Bài đọc 1 : Is. 60, 1 – 6
“Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Bài trích sách tiên tri Isaia.
Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, Vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi : tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới,và các con gái của ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi sẽ trở nên rực rỡ,tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên.Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi,nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi.Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi,những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Êpha.Tất cả những ai từ Saba đi tới. họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.Đó là lời Chúa.
Đáp ca : Tv. 97, 1, 2- 3ab, 3c- 4, 5- 6
Câu đáp : Chúa đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân.
Bài đọc 2 : 1Tim 2, 1 – 8
“Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi”
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi cho Timôthêô.
Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơncho mọi người : cho vua chúa và tất cả các bậc vị vọng, để chúng ta được sống bình yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý. Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông Đồ (cha nói thật chớ không nói dối), và làm Thầy dạy Dân Ngoại trong đức tin và chân lý.Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.Đó là lời Chúa.
Alleluia, alleluia
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người; tất cả ai tin vào Người, sẽ được sống đời đời.
Alleluia.
Phúc Âm : Joan 17, 11b. 17- 23
“Như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian”
Bài trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng :“Lạy Cha chí thánh,xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con,để chúng được nên một như Ta.Xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật : lời Cha là chân lý.Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hóa, để cả chúng cũng được thánh hóa trong chân lý.Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một.Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con”.Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM
Nhân ngày Truyền Giáo thứ 75 kể từ khi được Đức Thánh Cha Piô XI thiết lập 14/04/1926, những bài đọc được đề nghị trên đây, có thể giúp chúng ta nhìn lại một giai đoạn lịch sử, và cũng hướng chúng ta vào tương lai từ ngay chính hiện tại của mình. Một hiện tại có quá nhiều lo âu và đen tối.
Lịch sử truyền giáo nơi các dân tộc cho dù có thể được nhìn và nhận định dưới những nhãn quan đôi khi rất mâu thuẫn và nghịch lý, nhưng trong một chừng mực nào đó vẫn là như Isaia đã nói từ 2600 năm trước, đó là sự rực sáng của Dân Chúa với bao ân huệ Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ xuống cho Dân Người. Và muôn dân nước được lôi cuốn tiến về Ánh Sáng ấy để khám phá ra định mệnh cao quý của chính mình và nhận được sự trợ giúp vô biên để đạt tới cùng đích trong hạnh phúc. Chúng ta có thể đọc thấy nơi Isaia vinh quang rực rỡû của Dân Chúa, nhưng đồng thời cũng thấy được trách nhiệm vô cùng lớn lao của Dân Chúa đối với hạnh phúc của toàn nhân loại. Hai khía cạnh này không thể tách biệt trong sứ vụ và hoạt động Truyền Giáo. Vì vinh quang mà Isaia đã nhìn thấy đó chính là Người Con theo Lời Hứa cho Israel, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của loài người. Và chính trong Người chúng ta khám phá ra một sự ràng buộc hữu cơ với mọi người : vì Người đã đồng hóa mình “với các anh em nhỏ nhất của Người”.
Nói theo Đức Thánh Cha trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2001 “Tôi ghi nhớ trong tim tôi, gương mặt của nhân loại mà tôi có thể chiêm ngưỡng, trong các cuộc hành hương của tôi, chính dung nhan Chúa Kitô phản ảnh trong gương mặt những người nghèo, và những người đau khổ, dung nhan Chúa Kitô sáng chói trong những hạng người sống như “con chiên không kẻ chăn”. Tất cả người nam, và tất cả người nữ đều có quyền được dạy cho biết “nhiều điều”.
Nếu nhìn công việc truyền giáo là như thế, chúng ta hiểu được tại sao Người Truyền Giáo đầu tiên, Đức Giêsu Kitô, cũng như người được tôn vinh là Tông Đồ dân ngoại, đã khởi sự, đã thực hiện, đã hoàn tất công việc truyền giáo của mình trong “Lời Nguyện Tạ Ơn” như thư gửi Timôtê và bài Tin Mừng khẳng định. Đức Thánh Cha viết “Trước sự minh nhiên của tính mỏng giòn, và bất lực của chúng ta, con người bị cám dỗ giải tán họ, đó cũng là cơn cám dỗ của người tông đồ. Ngược lại, chính lúc đó, khi nhìn ngắm gương mặt của Đấng Đáng yêu, mỗi người phải nghe lại lời của Chúa Giêsu “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. Như vậy cùng một lúc, người ta kinh nghiệm sự yếu kém của con người, và ân sủng của Chúa. Ý thức về sự mỏng giòn tất yếu, được ghi khắc nơi chúng ta cách thâm sâu, chúng ta cảm thấy nhu cầu cảm tạ ơn Thiên Chúa, vì những gì Người đã thực hiện qua chúng ta, và vì những gì người sẽ thực hiện qua ân sủng của Người.”
Mục đích của công cuộc truyền giáo đã được chính Đức Giêsu diễn tả trong Lời Nguyện Tế Hiến của Người một cách thật chí tình và mãnh liệt “để chúng nên một như Chúng Ta là một” , một mục đích hoàn toàn là ÂN SỦNG THUẦN KHIẾT, không thể đạt tới cách nào khác hơn là “hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn” như thánh Tông Đồ dạy. Mục đích ấy còn đòi hỏi như là hành động cốt yếu và duy nhất của hết mọi người loan báo Tin Mừng : đó là “tự hiến thánh mình”. Đức Thánh Cha cũng đã viết “Qua cách sống này, họ cao rao “ân sủng của Chúa không cùng”. Thường cái “không cùng” này đi tới chỗ đổ máu : nhiều người đã là những “nhân chứng đức tin” trong thế kỷ qua….”
Nhìn trong thời điểm hôm nay, giờ đây nhân loại đang phải nghe trong máu đổ thịt rơi khắp nơi những đòi hỏi cho công lý, cho sự thật, cho tự do, cho hòa bình của bao thứ người tự cho mình cái danh nghĩa là những sứ giả duy nhất… chúng ta mới thấy lời chứng của Đức Tin, lời chứng của Sứ Giả Tin Mừng xuất phát từ chính “Sự Hiến Thánh bản thân mình” trong lời nguyện tế hiến như Đức Kitô mới là câu trả lời duy nhất đem lại niềm hy vọng cho chúng ta.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên