CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Lãnh nhận sứ mệnh Chúa trao
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 21:1-19)
Chúng ta đã có dịp nghe các thánh sử tường thuật việc Chúa gọi các môn đệ. Lời kêu gọi của Chúa là “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người”. Tuy nhiên với câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đặc biệt trao sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Người cho ông Phê-rô và sự kiện được lồng trong một khung cảnh cảm động và vô cùng ý nghĩa. Mỗi Ki-tô hữu có một sứ mệnh đặc biệt trong Giáo Hội. Vì thế, khi suy niệm việc Chúa trao sứ mệnh cho Phê-rô, chúng ta cũng không quên suy nghĩ về chính sứ mệnh của mình.
Trước hết, việc trao sứ mệnh là do Chúa Ki-tô Phục sinh, khác với việc Chúa kêu gọi môn đệ lúc Người khởi đầu sứ vụ. Thay vì mô tả sứ mệnh bằng việc giải thích thì Chúa lại dùng một sự kiện cụ thể là mẻ lưới cá lạ lùng. Sau những lần các môn đệ chứng kiến Chúa Phục sinh hiện ra tại Giê-ru-sa-lem, các ông đã trở về Ga-li-lê, vì theo lời thiên thần nói với các bà đã đến viếng mộ Chúa, là “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông, ở đó các ông sẽ được thấy Người” (Mát-thêu 28:7). Trong những ngày chờ đợi tại Ga-li-lê, các ông không biết làm gì nên rủ nhau đi đánh cá. Thế là bảy môn đệ “lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả”! Kết quả sứ mệnh Chúa trao không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta đâu.
Rồi chúng ta thấy có sự can thiệp của Chúa Giê-su. Vào ban sáng, Người hiện ra, đứng trên bờ hồ, nhưng các ông không nhận ra Người. Chúa ra lệnh thả lưới bên phải mạn thuyền. Bên trái hay bên phải thì khác gì nhau! Nhưng đó là lệnh của Chúa. Sứ mệnh cũng có những điều xem ra vô lý đối với chúng ta, mà lại hữu lý đối với Chúa. Quan trọng là lời hứa của Chúa. Nếu Người đã bảo “thì sẽ bắt được cá” là thế nào chúng ta cũng bắt được cá. Người chỉ đòi hỏi chúng ta thả lưới, rồi kéo lưới lên, mà lại còn “không sao kéo lên nổi”. Chúa không khi nào trao một sứ mệnh vô hiệu cả, bởi vì trong việc thi hành sứ mệnh ấy, Người luôn hiện diện. “Chúa đó!” Người môn đệ được Chúa thương mến đã nhận ra sự hiện diện của Người trước tiên. Tình yêu đích thực luôn giúp chúng ta nhận biết người mình yêu mến.
Tiếp đến là bữa tiệc giống như Bữa Tiệc Ly. Thánh Thể là môi trường để người thi hành sứ mệnh kết hiệp với Đấng trao ban sứ mệnh. Tình yêu chăm sóc của Chúa Phục sinh đối với môn đệ được biểu lộ qua hình ảnh thân thương: Chúa đã dọn sẵn “than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Một đêm làm việc vô hiệu, rồi kéo mẻ cá lạ vào bờ, chắc các ông đã mệt rồi. Cũng vậy, khi chúng ta mệt mỏi trong sứ vụ, Chúa sẽ chăm sóc chúng ta như Người đã chăm sóc môn đệ Người.
Tình yêu đòi phải được đáp lại bằng tình yêu. Việc Chúa đòi ông Phê-rô tuyên xưng tình yêu là một gương mẫu cho tất cả chúng ta, những người được Chúa yêu thương và trao ban sứ mệnh. Sứ mệnh và tình yêu không thể tách rời. Trao sứ mệnh vì yêu. Nhận và thi hành sứ mệnh cũng vì yêu. Có thực sự yêu thì mới chấp nhận phục vụ. Còn không yêu thì đâu khác gì những kẻ có quyền hành của thế gian này (Mác-cô 10:42-45).
Một lời kêu gọi cuối cùng khi Chúa trao ban sứ mệnh cho chúng ta, đó là “Hãy theo Thầy”. Để thi hành sứ mệnh Chúa trao, chúng ta không thể đi theo con đường riêng, nhưng là theo Chúa. Theo Chúa để biết rõ kế hoạch của Người. Theo Chúa để noi gương phục vụ và hành xử của Người. Theo Chúa để yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sứ mệnh của tôi là gì? Có thể đó vẫn còn là thắc mắc của nhiều người chúng ta. Sứ mệnh thường nằm ngay trong bậc sống và lối sống hằng ngày của chúng ta. Có sứ mệnh của giáo hoàng thì cũng có sứ mệnh của người giáo dân. Có sứ mệnh của cha mẹ, con cái, chủ nhân, thợ thuyền… Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thi hành sứ mệnh ấy sao cho hiệu quả hay không. Những bài học về sứ mệnh chúng ta học được qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay đều có thể áp dụng vào cuộc sống mỗi người. Nhưng xem ra điều quan trọng là chúng ta hãy nhận ra “Chúa đó!” và nghe rõ tiếng Người gọi “Hãy theo Thầy”!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi