CUỘC SỐNG MAI HẬU
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 20,27-38
Giáo lý của Chúa Giêsu dạy có sự sống lại. Tuy nhiên vào thời của Ngài, hai nhóm: nhóm Pharisêu và nhóm Sađucêô luôn đối nghịch nhau về quan điểm, lập trường. Nhóm Pharisêu là nhóm bảo thử, nhóm Sađucêô là nhóm cấp tiến không tin vào sự sống lại. Như thế họ đối nghịch với Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài dạy. Nhóm Sađucêô hầu hết là giới giáo sĩ, giới lãnh đạo về mặt tôn giáo. Họ liên hệ với Chính quyền để hưởng lợi cá nhân.
Nhóm Sađucêô cho rằng chết là hết, ở đời phải tự do hưởng thụ. Sống cứ buông thả, cứ chơi bời và không cần gì phải lập công tích đức. Do đó, để đánh lừa dư luận, để gây khó dễ cho Chúa và để gây hỏa mù, gây niềm tin cho quần chúng, họ đã tự bầy ra một câu chuyện để gây thắc mắc, xin Chúa giải quyết cho họ. Họ dựa vào một điều luật của Môsê gọi là luật Lévirat để phịa ra một câu chuyện giả tưởng, buồn cười nhưng làm cho người khác có thể hiểu lầm. Theo luật Lévirát khi trong gia đình có một người anh em chết tuyệt tự, thì người em phải lấy chị dâu hoặc em dâu làm vợ, để nối dõi tông đường. Và họ hỏi Chúa như thế nếu có bảy anh em chết thì khi sống lại “ người đàn bà góa bụa ấy là vợ của ai ? “. Câu chuyện giả tưởng, không có thật này lại là dịp, là cơ hội để Chúa Giêsu giải thích cho mọi người về sự sống lại.
Ở đây, chúng ta quan tâm đến hai điểm giáo lý căn bản. Điểm thứ nhất: cuộc sống mai sau là cuộc sống của Thiên Chúa. Con người được sống trước Thánh Nhan Chúa, ca tụng Chúa như các thiên thần. Điểm thứ hai, cuộc sống sau này, cuộc sống mai sau là một cuộc sống hoàn toàn linh thiêng, cuộc sống Phục sinh nghĩa là cuộc sống hoàn toàn được đổi mới, cuộc sống linh thiêng như các thiên thần, cuộc sống như Chúa Phục sinh. Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại vì chính Ngài đã Phục sinh như lời Ngài đã nói trước. Chúa Giêsu xác quyết người sống lại sẽ giống như các thiên thần. Người sống lại ở Thiên Đàng không còn lấy vợ lấy chồng vì họ không còn sống thân xác như trước khi chết. Để trả lời cho các tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã viết như sau :” cũng vậy về sự kiện kẻ chết sống lại : gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng “ ( 1 Co 15, 42 ).
Để giải thích cho một số người đặt Môsê như một vị ngôn sứ cao cả, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề và hỏi họ . Thánh Kinh đã cho thấy gì ? Khi Thiên Chúa hiện ra với Ông Môsê trong bụi gai bốc cháy nhưng không tiêu hao, Ngài đã phán :” Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp “. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, chứ Ta đâu có phải Thiên Chúa của kẻ chết. Nhóm đó và nhiều người đã im lặng không nói được gì.
Các bài đọc, đặc biệt là bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hay rằng :” Kẻ chết sẽ sống lại “.Chết không phải là hết.Cuộc sống ở trần gian chỉ là tạm bợ. Chết là đi vào cõi trường sinh, đi vào một cuộc sống mới. Như Chúa chết là để sống lại. Vậy, chúng ta là Kitô hữu, chúng ta chết là để sống lại. Chúng ta tin Ông bà Cha mẹ, những người thân yêu hay chính chúng ta chết là để sống lại. Đây là niềm tin, là niềm cậy trông, niềm hy vọng vì chết là bước vào cõi sống.
Xin mượn lời của Luc Fritz để kết luận bài chia sẻ này :” …Bước vào thế giới của Thiên Chúa là đi vào một chiều kích khác.Chiều kích ấy đã thay đổi các điểm mốc : cái chết không còn nữa.Trong đó, thế giới của con người không bị phủ nhận, nhưng nó mang một chiều sâu, một sức sống mới.Sự Phục sinh của Đức kitô củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào sự phục sinh của chính ta. Sự Phục sinh là sự sống viên mãn.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Nhóm Pharisêu là nhóm nào ?
2.Bè Sađucêô có tin sự sống lại ?
3.Chúa Giêsu đã trả lời thế nào với các nhóm ?
4.Chúng ta phải làm gì để củng cố niềm tin vào sự Phục sinh ?
5.Sự sống mai sau sẽ thế nào ?