CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KI-TÔ VUA
Tình yêu cứu độ của Vua Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 23:35-43)
Chúng ta có thể thắc mắc tại sao Phụng vụ Lời Chúa lại sử dụng đoạn Tin Mừng này để nói lên vương quyền của Chúa Ki-tô. Hình ảnh Chúa Giê-su như một tội nhân bị đóng đinh vào thập giá trong giờ hấp hối không thể nào là một vị vua được, mặc dù phía trên đầu Người có bản án viết vội: “Đây là vua người Do-thái”. Trong lúc này, người ấy không thể làm được gì cho mình huống chi cho kẻ khác. Chân tay thì bị đóng chặt vào cây gỗ. Sức lực sắp tàn, lại còn phải chống chọi với những đau đớn và cố lấy hơi thở… Nhưng nếu đọc bản văn Lu-ca, chúng ta thấy một từ được lập đi lập lại nhiều lần, đó là “cứu”. Đây chính là sứ mệnh của vị Vua đang bị treo trên thập giá và là lý do Giáo Hội chọn bài đọc này cho lễ Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ.
Trước hết chúng ta hãy ở trong khung cảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá. Thập giá không phải là cung điện huy hoàng của vua chúa trần gian, nhưng là “điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Co-rin-tô 1:23). Đấng chịu đóng đinh trên thập giá ấy không nhận được những lời chúc tụng tung hô, nhưng là những lời nhạo báng. Các nhà lãnh đạo Do-thái thách thức Chúa Giê-su có dám chứng minh mình là Đấng Ki-tô hay không. Còn đám lính Rô-ma thì giễu cợt rằng Người là “vua dân Do-thái” mà lại phải chịu nhục hình. Một trong hai tên gian phi, dù sắp chết nhưng cũng không tiếc lời xỉ vả Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Khi nhục mạ Chúa Giê-su trên thập giá, ai ai cũng lập đi lập lại những lời “hãy cứu mình, hãy cứu người khác, hãy cứu chúng tôi”. Mọi người ồn ào nhập cuộc lăng mạ Chúa Giê-su.
Tuy nhiên có một người không toa rập với đám người nhục mạ Chúa, đó là người gian phi sám hối cùng chịu đóng đinh với Chúa. Trong khi chịu cực hình, anh vẫn yên lặng chiêm ngưỡng Đấng “đâu có làm điều gì trái” ở bên cạnh anh. Ánh sáng đức tin giúp anh nhận biết Người. Đám đông nhục mạ Chúa Giê-su chỉ hiểu ý nghĩa của việc “cứu” là giữ được sự sống đời này. Còn anh, anh đã hiểu được ý nghĩa của việc cứu linh hồn. Vì thế anh đã khẩn khoản cầu xin Chúa: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Đây quả thực là một lời tuyên xưng hùng hồn Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ và là Vua vũ trụ. Đúng thế, thánh danh Giê-su có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”; còn Nước Thiên Đàng chính là Vương Quốc của Vua Giê-su vậy. Thánh Phao-lô đã giúp chúng ta xác tín hơn về mối liên hệ giữa hành vi cứu độ của Chúa Giê-su với vương quyền của Chúa, khi ngài khẳng định với tín hữu Cô-lô-xê: “Người (Chúa Cha) đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (bài đọc 2). Sau cùng, thánh Phao-lô không quên lập lại công nghiệp của Vua Giê-su trên thập giá: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”. Nói khác đi, thánh Phao-lô đã tuyên xưng “Chúa Giê-su là Vua vũ trụ”!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trước thực tại Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh vào thập giá, có những người nhạo cười và không chấp nhận “Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, nhưng cũng có những người đã tin rằng mình “được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su…, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và giải thoát anh em” (1 Cô-rin-tô 1:24, 25). Vua Giê-su đã bỏ ngai trên trời, xuống trần gian để cứu chúng ta. Chúa cứu chúng ta khi đưa chúng ta trở lại làm con cái Thiên Chúa. Chúa cứu chúng ta khi Người chiến thắng tội lỗi và sự chết để bảo đảm sự sống đời đời của chúng ta. Chúa cứu chúng ta khi chúng ta phải đương đầu với cám dỗ của ma quỷ, với những khó khăn để giữ vững đức tin, với những lao nhọc khi cùng anh chị em xây dựng Giáo Hội, vương quốc của Chúa ở trần gian. Tất cả ý nghĩa cứu độ trong sứ mệnh làm vua của Chúa Giê-su đều nằm gọn trong lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Hôm nay cũng là ngày bế mạc Năm thánh ngoại thường kính lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy vui mừng cùng toàn thể Giáo Hội lập lại lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rô-ma: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mác-cô 15:39). Đồng thời chúng ta hãy đáp lời thánh Phao-lô kêu gọi: Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi