CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Phục sinh không chỉ đem lại sự sống mới mà là một lối sống mới
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 43:16-21; Pl 3:8-14; Ga 8:1-11)
Mục đích của mùa Chay là chuẩn bị tâm hồn chúng ta để lãnh nhận sự sống mới Chúa Ki-tô đem lại. Tuy nhiên mục đích không chỉ dừng ở đấy, nhưng đưa chúng ta đi xa hơn nữa, là tiếp tục phát huy sự sống ấy bằng một đường lối theo gương sống của Chúa Ki-tô, hoặc nói theo ngôn từ của thánh Phao-lô, là được “nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”. Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật trước đã trình bày sự sống mới ấy, còn các bài đọc hôm nay thì nói đến cách thức làm sao thể hiện được sự sống mới. Qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa sẽ chỉ dạy cho dân Ít-ra-en một lối sống mới sau khi họ kết thúc thời lưu đày. Bài đọc 2 giới thiệu với chúng ta lối sống thay đổi hoàn toàn của thánh Phao-lô, một kẻ bách hại Ki-tô hữu trở thành tông đồ dân ngoại. Đặc biệt hơn cả, bài Tin Mừng kể lại câu chuyện Chúa Giê-su đã cứu thoát người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi bị ném đá chết và Chúa đã mở ra cho chị một lối sống mới.
Đang trong thời dân Ít-ra-en sống lưu đày, Thiên Chúa loan báo qua ngôn sứ I-sai-a rằng Người sắp làm một việc mới: không những giải thoát dân khỏi kiếp lưu đày, mà Người còn chuẩn bị cho họ một lối sống mới. Phải nói rằng lịch sử dân Chúa là cả một hành trình dân Ít-ra-en thể hiện lối sống tương quan với Thiên Chúa qua những biến cố xảy đến cho họ. Các biến cố này đã được Thiên Chúa sử dụng để “làm một việc mới” cho Ít-ra-en, không những để đưa họ ra khỏi tình huống khổ đau lưu đày, mà nhất là để họ khám phá và tin tưởng vào một Thiên Chúa lúc nào cũng yêu thương quan tâm đến họ. Đặc điểm của tình yêu là khả năng sáng tạo những cách biểu lộ tình yêu. Thiên Chúa yêu thương dân Người nên tìm đủ phương cách để tỏ ra tình yêu ấy. Nào là Người tuyển chọn tổ phụ Áp-ra-ham để làm cha một dân tộc tin vào Người. Phương cách vĩ đại nhất, đó là Thiên Chúa đã cứu dân Người khỏi bàn tay áp bức của người Ai-cập. Qua mọi biến cố xảy ra trong những giai đoạn này, người ta đều có thể nhận ra lối sống của dân Chúa mỗi ngày một cải thiện hơn: từ đa thần tiến tới độc thần, từ việc giải phóng khỏi ách nô lệ đến việc giải thoát khỏi ảnh hưởng tội lỗi, rồi từ hình ảnh Thiên Chúa như ông thần hoặc một nhà làm luật khắt khe trở thành một người Cha nhân hậu. Hôm nay ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta thấy một việc mới nữa Thiên Chúa làm cho Ít-ra-en: Người đã ban cho họ một lối sống mới, không chỉ là “một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng” của Biển Đỏ dẫn tới tự do, mà còn là “một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Đúng thế, Thiên Chúa đã mở ra cho ta một “con đường thiêng liêng” là chính Chúa Ki-tô, Đấng đã phán: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Con đường này giúp ta phát triển con người tâm linh đạt tới mức sung mãn của Chúa Ki-tô.
Lối sống thứ hai được trình bày trong bài đọc 2 là chính kinh nghiệm của thánh Phao-lô. Lối sống của ngài đã thay đổi hoàn toàn, để ngài có thể tự hào: “Tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô”. Đúng vậy, ngài đã vất lại sau lưng niềm hãnh diện của một Pha-ri-sêu gương mẫu, ngay cả niềm hy vọng được nên công chính nhờ giữ trọn Lề Luật, để đổi lấy niềm tin vào Chúa Ki-tô. Dù là dĩ vãng oai hùng của “chặng đường đã qua” làm kẻ bách hại Ki-tô hữu, thì Phao-lô cũng quên đi “để lao mình về phía trước”, tiến tới cùng đích là Chúa Giê-su Ki-tô. Tóm lại, với lối sống mới, Phao-lô đã “nên đồng hình đồng dạng” hết mức với Chúa Ki-tô rồi! Từ nay, lối sống của Phao-lô sẽ là “với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21), hoặc “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2:20).
Tuy nhiên câu chuyện thay đổi lối sống cảm động nhất, đó là chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình bị nhóm Pha-ri-sêu lôi ra ném đá. Chỉ một câu nói của Chúa Giê-su đã đủ làm khí giới giải tán đám người hung hãn cầm đá trong tay và sẵn sàng giết chết một đồng bào “tội lỗi” của họ! “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Đúng là vô chiêu thắng hữu chiêu! Nhưng quan trọng hơn cả hành vi giải thoát người phụ nữ này, Chúa Giê-su còn mở ra cho chị một hướng đi mới, đó là “Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Câu chuyện đưa tới một kết thúc đẹp, nhưng đẹp như thế nào? Chúng ta có thể viết tiếp câu chuyện. Chắc chắn người phụ nữ này không quên được ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa. Nhất định chị sẽ nhớ hoài thanh âm của Chúa Giê-su: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!” Thực sự chị sẽ ghi lại mãi mãi trong tâm hồn lời Chúa dặn dò: “Từ nay, đừng phạm tội nữa!”
Sống sứ điệp Lời Chúa
Suy niệm câu chuyện Tin Mừng hôm nay, tôi không khi nào quên nghĩ tới những bức tượng đặt ngoài hoa viên nhà thờ kiếng (The Crystal Cathedral) tại Garden Grove, CA. Nhà thờ đã được giáo phận Orange County mua lại để làm nhà thờ chính tòa. Các bức tượng diễn lại câu chuyện xét xử người phụ nữ ngoại tình đều mang những đường nét độc đáo, nhất là hình ảnh người phụ nữ. Nàng đứng hướng về chân trời mới. Sau lưng nàng có Chúa Giê-su như bức tường thành che chở khỏi đám Pha-ri-sêu. Nàng đang trong tư thế tiến tới chân trời mới. “Từ nay, đừng phạm tội nữa!” như âm thanh nhắc nhở chúng ta!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi