TƯƠNG LAI ĐẦY HỨA HẸN.
Chúa Nhật 6C Phục sinh.
Nhiều nỗi lo sợ đang đe dọa nhân loại. Không có gì bảo đảm cho cuộc sống đầy những bấp bênh này ! Con người cảm thấy bơ vơ và bất lực trước sức mạnh áp đảo của vũ trụ. Làm sao tìm thấy sự bình an đích thực bảo đảm cho cuộc sống ? Đức Giêsu sẽ mạc khải tất cả sự thật về nguồn mạch vàsức mạnh đem lại sự bình an cho chúng ta.
BIỆT LY.
Giờ phút biệt ly trong vòng thân mật và cảm động giữa thày trò Đức Giêsu. Chính “ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariôt, nói với Đức Giêsu : ‘Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?’” (Ga 14:22) Chính trong vòng thân mật đó, Đức Giêsu sẽ mạc khải tương quan sâu xa nhất giữa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy rõ bản chất tương quan giữa Người và các môn đệ cũng như tất cả những bảo đảm vững chắc cho một tương lai đầy ân sủng và bình an.
Bảo đảm vững chắc đó có thể tìm thấy trong “tài nguyên phong phú do hình thức và bản chất chương Ga 14 cung cấp cho đời sống và đức tin Giáo hội đương thời. Hình thức cho ta một ngôn từ vững tin vào niềm hi vọng đáp trả nỗi sợ hãi con người. Bản chất, tức là sự hiện diện của Thiên Chúa không chịu nhường bước trước bất cứ ưu sầu nào, có thể cho giáo hội sức mạnh và niềm hi vọng mới để sống xứng đáng là dân Thiên Chúa.” (NIB 1995:754) Quả thực, Đức Giêsu đã lên tiếng trấn an môn đệ trước giây phút chia tay : “Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14:27) Lý do vì “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14:27) Bình an của Thầy chan hòa niềm vui. “Bình an là một hồng ân nằm ngay trung tâm những niềm hi vọng cánh chung Ítraen (ví dụ, Is 52:7; 54:10; Ed 37:26-28; Dr 9:10) và ngày nay có thể đạt tới trong Đức Giêsu,” (NIB 1995:754) nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.
Bình an còn được bảo đảm nhờ Lời Chúa ngày càng in sâu vào lòng môn đệ. Quả thực, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14:26) Càng hiểu thấu Lời Chúa, càng thấy vững lòng trước những thử thách. Vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đừng con đi” (Tv 119:105) giữa cảnh giông tố và tăm tối trần gian. Sở dĩ Lời Chúa trở thành sức mạnh vô biên vì có một nguồn gốc rất sâu xa. Thật vậy, “lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” (Ga 14:24) Lời phát ra từ một thượng trí vô cùng khôn ngoan, làm sao không bảo đảm cho ta có một cuộc sống bình an và hạnh phúc ? Làm sao những lời ngon ngọt trần gian có thể sánh ví với Lời Hằng sống ? Lời Chúa không phải như gió thoảng bay. Nhưng cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hợp lực xây dựng nên Lời Chúa. Chúa Cha là nguyên ủy phát sinh Lời. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho các môn đệ hiểu thấu và thực hành Lời Chúa. Đức Giêsu là người phát ngôn của Chúa Cha. Nhưng để kêu gọi con người chú tâm đến việc tuân giữ Lời, Người đã trực tiếp đề cập với môn đệ : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (Ga 14:23) Tất cả tùy thuộc tự do con người, một tự do dẫn tới định mệnh ! Thiên Chúa không muốn thúc ép ai, dù điều đó rõ ràng có lợi cho con người. Nhưng nếu con người nhất quyết dấn thân vào con đường tình yêu với Thiên Chúa, họ sẽ đi một bước thật dài trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc.
Quả thực hạnh phúc là cứu cánh đời người. Không tìm được hạnh phúc, con người sẽ đánh mất ý nghĩa cuộc sống và mọi giá trị sẽ băng hoại. Trái lại, khi tìm được hạnh phúc, con tim sẽ chan chứa niềm vui. Khi nào con người tìm được hạnh phúc, nếu không phải là lúc yêu và được yêu. Chính khi chúng ta yêu mến Đức Giêsu là lúc chúng ta được Chúa Cha yêu mến (x. Ga 14 23) Con tim sẽ rực cháy lửa tình yêu và sẽ trở thành nơi trú ngụ của Thiên Chúa : “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14:23) Con tim tuy nhỏ bé, nhưng đã trở thành mái ấm của cả Ba Ngôi. Còn hạnh phúc nào tuyệt vời hơn ! Khi đã trở thành nơi trao đổi tình yêu với Thiên Chúa, chính con tim sẽ đập nhịp đập của con tim Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ sinh hoạt và yêu thương nhau trong con tim nhỏ bé đó. Thế là một cuộc trao đổi lạ lùng diễn ra tận nơi sâu thẳm nhất trong con người. Từ đó hạnh phúc trào dâng và niềm vui bùng vỡ.
Niềm vui dâng cao nhất khi tới giờ Đức Giêsu từ biệt trần gian để về cùng Chúa Cha. Cuộc từ giã đó chắc chắn sẽ gây đau khổ cho các môn đệ, vì các ông không tưởng tượng nổi có ngày thầy trò xa nhau vĩnh viễn sớm như thế. Nhưng Đức Giêsu không muốn các ông bị bức tường vật chất cản trở không cho nhìn xa hơn. Bởi thế, Người hướng các ông đến một chân trời mới lạ, một tương lai huy hoàng : “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.” (Ga 14:28) Cao trọng hơn vì Chúa Cha đã sai Thầy đến cứu độ trần gian. Sứ mệnh đã hoàn thành vẻ vang nhờ sự suy phục tuyệt đối mệnh lệnh Chúa Cha. Bởi vậy, giờ đây về với Chúa Cha là Người trở về điểm xuất phát. Đúng hơn, Người lên lãnh nhận triều thiên vinh quang và quyền lực tuyệt đối trên khắp vũ trụ. Người sẽ được rước vào một kinh thành đầy ánh sáng, một nơi “có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” (Kh 21:23) Ngày vinh quang đó Người đã nóng lòng chờ đợi từ lâu. Không trở lại với Chúa Cha, sứ mệnh của Người chưa hoàn tất. Nếu yêu mến Chúa thực sự, các môn đệ cũng phải chia sẻ niềm vui lớn lao đó với Thầy chí thánh. Vui mừng vì từ bên hữu ngai Thiên Chúa, Đức Giêsu sẽ sai Thánh Linh đến làm cho trí khôn các tràn ngập sự khôn ngoan và hiểu biết cần thiết để tiếp tục sứ mệnh cứu độ trần gian. Nhờ đó các ông nhìn thấy rõ vấn đề cấp thiết của nhân loại và chiều kích lớn lao của hồng ân Thiên Chúa. Hơn nữa, Thánh Linh còn đốt cháy tâm can để các ông có đủ can đảm tuyên xưng danh Chúa trước muôn dân và ra đi đến tận cùng bờ cõi trái đất.
Giáo hội đã được khai sinh trong ngọn lửa Thánh Linh và trong lúc “Đức Giêsu muốn cho các môn đệ vượt trên khoảnh khắc hiện tại để phóng tầm nhìn vào tương lai dựa trên nền tảng vững chắc là sự phục sinh và hồng ân Thánh Linh. Người hiến cho họ một cái nhìn về tương lai dệt bằng những lời Thiên Chúa hứa, một tương lai đầy ắp sự hiện diện của Thiên Chúa – qua tình yêu của họ đối với nhau và qua việc Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Thánh Linh cư ngụ trong tâm hồn họ.” (NIB 1995:753) Tất cả đều tùy thuộc đức tin vào Thiên Chúa. Đức tin khiến ta cảm nghiệm tình yêu Ba Ngôi vô cùng sống động và phong phú trong tâm hồn những người đi vào tương quan với Đức Giêsu qua những lời “của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” (Ga 14:24)
SỨC SỐNG GIÁO HỘI.
Chính lời Chúa đã đem lại sức sống cho Giáo hội sơ khai và Thánh Linh đã giữ cho Giáo hội luôn hiệp nhất. Ngay từ đầu Giáo hội đã trải qua một thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi. Thực vậy, chẳng biết căn cứ vào đâu, “những người từ miền Giuđê đến Antiôkhia dạy anh em rằng : ‘Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ.’” (Cv 15:1) Nếu không có Thánh Linh hướng dẫn, chắc chắn Giáo hội đã bị chia đôi ngay từ đầu. Nhưng nhờ Thánh Linh, tất cả đã “đồng tâm nhất trí” (Cv 15:25) qua một công thức lừng danh : “Thánh Linh và chúng tôi đã quyết định.” (Cv 15:28) Những quyết định của Giáo hội tiên khởi đã là khuôn mẫu cho đường lối Giáo hội mai sau. Chính Thánh Linh đã giúp Giáo hội vượt qua những thử thách và mâu thuẫn đe dọa đến sự sống còn của Giáo hội.
Không những thế, Thánh Linh còn luôn gợi lên những sáng kiến và thúc đẩy những đổi mới trong Giáo hội. Gần đây nhất, Công đồng Vatican II đãchứng tỏ cho mọi người thấy Thánh Linh vẫn còn hoạt động trong Giáo hội. Chiều hướng mới đã mở ra để Giáo hội nhìn vào thế giới và thế giới nhìn vào Giáo hội. Những tương quan muôn mặt đã đem lại nhiều hứa hẹn cho sự hiệp nhất giữa những người cùng tin Chúa Kitô. Cả thế giới ngày càng hiểu Giáo hội hơn trong chiều hướng mới này. Những người thiện chí cũng tìm được những phương thức mới hợp tác với Giáo hội trong việc xóa bỏ bất công và nghèo đói trên thế giới. Các tôn giáo bạn đã có thể cầu nguyện chung với Giáo hội trong chiều hướng đối thoại liên tôn.
Nhưng trên hết là cuộc đối thoại đại kết giữa các giáo hội Kitô. Việc hiệp nhất Giáo hội không thể là kết quả sau những tranh cãi về giáo lý. Không thể tìm ra sự thật qua những cuộc tranh cãi đó. Trái lại, “lòng yêu mến sự thật phải là chiều kích sâu xa nhất trong cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô hữu hoàn toàn mà mọi người đang mong đợi.” (ĐGH Gioan Phaolô II, L’Osservatore Romano, 2/5/2001) Cuộc tranh cãi không bắt nguồn từ lòng yêu sự thật, nhưng từ lòng tự ái và thành kiến lịch sử sẽ chỉ khơi sâu thêm khoảng cách giữa các giáo hội. Thực tế, “trên hết, nhờ ơn Chúa giúp, việc đại kết lớn nhất về sự thánh thiện chắc chắn sẽ đem lại những kết quả dồi dào.” (Tông thư Novo millennio ineunte, L’Osservatore Romano, 2/5/2001) Bởi vậy, Chúa luôn kêu mời chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Chúa để tất cả được hun nóng và tan chảy trong khuôn mẫu tuyệt vời là Đức Giêsu. Chúng ta chỉ có thể hiệp nhất khi lắng nghe và “giữ lời Thầy.” (Ga 14:23) Lời Thầy luôn thúc đẩy chúng ta thương yêu nhau. “Tình yêu không vênh vang, không tự đắc, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:4,7) Trong cuộc viếng thăm Hi lạp đầu tháng 5/2001, ĐGH Gioan Phaolô II đã dõi theo bước chân thánh Phaolô để thể hiện tình yêu thương đó đối với những anh em cùng một niềm tin. Chính thái độ khiêm cung thú nhận tội lỗi Giáo hội Công giáo “đã xô đổ những rào cản tâm lý không cho các nhà lãnh đạo Chính thống dấn thân vào cuộc đối thoại đại kết”, và “mở đường cho cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Giáo hội Chính thống Hi lạp.” (Lm Georges Cottier, O.P, CWNews 17/5/2001) Sở dĩ có được tiếng nói chân thành và can đảm đó, vì ĐGH ý thức “đối thoại đại kết có thể là một cơ hội để hiểu biết nhau hơn và trao đổi những hồng ân thiêng liêng.” (L’Osservatore Romano 2/5/2001)
Nhưng trong bầu khí căng thẳng tại Hi lạp vừa rồi, nếu Đức Thánh Cha đã hôn đất, tại sao Người không cúi xuống rửa và hôn chân vì Thượng phụ Chính thống Giáo để tỏ lòng sám hối ăn năn và lòng mến yêu Giáo hội anh em ? Làm như thế, Người chỉ “làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:15) mà thôi. Hơn nữa, có làm như thế, Người mới thực thi mệnh lệnh của Chúa : “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13:14) Đó chỉ là một biểu tượng tình yêu, nhưng lại là một hành động vô cùng cần thiết và ý nghĩa. Nếu một cử chỉ khiêm cung đó đã xảy ra, chắc chắn cả thế giới sẽõ rúng động !
Một tương lai đang mở ra cho Giáo hội và nhân loại. Niềm hi vọng tràn ngập vì lời Thiên Chúa hứa lấp đầy con tim bằng một tình yêu mãnh liệt của Chúa Cha và Chúa Con. Khối óc căng ra tới chiều kích vô biên, vì Thánh Thần “sẽ dạy dỗ anh em mọi điều.” (Ga 14:26) Không còn sợ hãi và lo âu. Trái lại bình an sẽ bao phủ khắp nơi khi người môn đệ “vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha.” (Ga 14:28) để làm cho lời hứa bình an thành sự thật. Tất cả đều nhằm giúp “anh em tin,” (Ga 14:29) và “yêu mến Thầy,” (Ga 14:23) để có thể “giữ lời Thầy,” (Ga 14:23) và đi vào tương quan sâu xa với Thiên Chúa : “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14:23) Không còn tổ ấm nào ấm hơn ! Trong tổ ấm đó, con người tránh được mọi phong ba bão táp và hướng thẳng về một tương lai “chói lọi vinh quang Thiên Chúa.” (Kh 21:11)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP