Lễ Chúa Thăng Thiên
(Lu-ca 24: 46-53)
Ta có khuynh hướng coi lễ Chúa Thăng Thiên là một biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su tại trần gian. Điều đó đúng vì biến cố ấy là một trong những biến cố nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hơn cả một biến cố, việc Chúa Giê-su lên trời sau khi sống lại còn là một sứ mệnh, sứ mệnh đưa nhân loại về cùng Chúa Cha. Do đó, ta không chỉ chiêm ngưỡng Chúa lên trời như việc hoàn tất sứ mệnh của Người ở trần gian, mà còn suy nghĩ về sứ mệnh lên trời của Giáo Hội, một tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giê-su và con đường Người thiết lập để đưa nhân loại lên cùng Thiên Chúa.
1) “Người rời khỏi các ông và được rước lên trời”
Khung cảnh biến cố Chúa lên trời xảy ra gần Bê-ta-ni-a và được thánh sử Lu-ca mô tả như một buổi cử hành phụng vụ. Chúa Giê-su nhắc lại về sứ mệnh của Người đã được nói đến trong Kinh Thánh, rồi truyền cho các Tông Đồ đi rao giảng và làm chứng nhân cho Người. Chúa chúc lành cho các ông. Còn các ông thì bái lạy Người, cử chỉ tôn sùng Chúa Giê-su là Đức Chúa.
Bốn mươi ngày sau khi sống lại từ kẻ chết, Chúa Giê-su đã hiện diện với các Tông Đồ qua thân xác phục sinh của Người. Trong các lần hiện ra, Chúa thường nhắc nhở các ông nhớ lại những lời Kinh Thánh nói về Người để các ông hiểu và xác tín ý nghĩa tại sao Người đến trần gian, giảng dạy, chịu tử nạn và sống lại. Giờ đây các ông đã biết khá rõ Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô như thế nào và sứ mệnh của Người là gì. Các ông chỉ còn chờ Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần được sai đến giúp các ông nắm được “sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13). Đây sẽ là chuẩn bị cuối cùng để các Tông Đồ sẵn sàng ra đi rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô và Tin Mừng cứu độ của Người.
Đã đến lúc Chúa Phục Sinh kết thúc việc hiện ra với các Tông Đồ và trở về với Đấng đã sai Người đi. Thánh sử ghi lại một hình ảnh đầy uy nghi: “Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời”. Thật khác hẳn với khi Người từ trời đến với nhân loại. Khi ấy, Người nhận một thiếu nữ đơn sơ khiêm nhượng làm mẹ (Lc 1:30-31) và tại một thành phố chẳng có cái gì hay đẹp (Ga 1:46), sinh ra trong cảnh nghèo cùng cực (Lc 2:7). Cung cách Người đến với ta trong nghèo nàn và trở về với Chúa Cha trong vinh quang diễn tả thân phận của những kẻ được Thiên Chúa cứu độ, từ tình trạng nghèo nàn bụi đất của con người tiến lên chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đó là cuộc xuất hành của ta từ trần gian về nhà Cha, tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô là Trưởng Tử nhân loại mới. Với tư cách là con đầu lòng của nhân loại mới, Chúa Ki-tô đi trước để dọn chỗ cho ta. “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3). Như vậy ta mới hiểu được việc lên trời của Chúa Giê-su là giai đoạn kết thúc công cuộc cứu độ loài người và là bảo đảm cho số phận tương lai của ta.
2) “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”
Đã nhiều lần Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải làm chứng nhân cho Người và cho Tin Mừng (Mt 10:18; 24:14). Họ đã tận mắt nhìn thấy những điều Chúa làm, cách Chúa sống và đối xử với tha nhân. Chính tai họ đã nghe tiếng Người, nghe những lời giảng đơn sơ nhưng vô cùng thâm thúy, nghe những lời ca ngợi từ rất nhiều người nói về Chúa. Nhất là họ đã được tiếp xúc hằng ngày với Người, cảm nghiệm được tình yêu Người dành cho họ. Có biết bao điều họ có thể làm chứng về Người. Thánh Gio-an Tông Đồ quả thực chẳng nói phóng đại: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21:25).
Trong bối cảnh Chúa lên trời vinh hiển, Người dạy các Tông Đồ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24:46-47). Nội dung việc rao giảng là nói về Đấng Ki-tô và sứ mệnh của Người. Cao điểm sứ mệnh của Người là “phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Các Tông Đồ đã nghe Chúa tiên báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Thế mà khi gian nan xảy ra cho Chúa, họ đã cao chạy xa bay, bỏ Thầy mà trốn hết. Giờ đây trước khi lên trời, Chúa truyền cho họ phải làm chứng nhân cho cái chết và sự sống lại của Người, dù họ có phải chịu bách hại vì việc làm chứng ấy. Nhưng từ nay họ sẽ đủ can đảm và nghị lực để làm công việc ấy vì “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” tức là Thánh Thần xuống trên họ trong ngày lễ Ngũ tuần (Cv 1:8; 2:3).
Thế nào là chứng nhân của cuộc Thương Khó và Phục Sinh? Thực không ai hiểu ý nghĩa này thấu đáo hơn thánh Phao-lô Tông Đồ. Ngài cho ta câu trả lời qua lời nhắn nhủ người môn đệ yêu dấu Ti-mô-thê: “Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ… Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời. Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2:8-12).
3) Sứ mệnh xuất hành của Giáo Hội
Chúa Giê-su là Đầu của Giáo Hội để thâu hợp mọi phần tử nhân loại về một mối (recapitulation), làm thành một cuộc Vượt Qua Mới tiến về quê trời. Người trao cho Giáo Hội sứ mệnh tiếp tục công việc thâu hợp ấy qua việc rao giảng. Trong Tin Mừng Lu-ca, Giê-ru-sa-lem là khởi điểm cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su để về với Chúa Cha. “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9:51). Do đó, Người cũng truyền cho các Tông Đồ và Giáo Hội phải lấy Giê-ru-sa-lem như điểm xuất phát rao giảng Tin Mừng cứu độ. Theo lời Chúa dạy, các ông đã “ở lại trong thành” để chờ lãnh nhận “quyền năng từ trời ban xuống” là Thánh Thần, trước khi ra đi mời gọi người ta “sám hối để được ơn tha tội” như ta thấy được kể lại trong sách Công vụ Tông Đồ.
Sứ mệnh truyền giáo là sứ mệnh chung cho mọi Ki-tô hữu. Ta đã được Chúa Ki-tô quy tụ và lãnh nhận quyền năng Thánh Thần để tham gia vào cuộc xuất hành của Giáo Hội. Ta không đi một mình, nhưng dưới sự lãnh đạo của Mô-sê Mới là Chúa Ki-tô và cùng với anh chị em khắp nơi. Ta cũng không đi một cách thụ động hoặc vô ý thức, nhưng biết mình đang đi về đâu và phải làm gì trong cuộc xuất hành ấy. Lời Đức Ki-tô là châm ngôn trong cuộc hành trình: Chính anh em là chứng nhân của những điều này, nghĩa là chứng nhân cho cuộc tử nạn và sống lại của Người.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Có khi nào tôi suy nghĩ về ý nghĩa của việc Chúa lên trời gắn liền với số phận được cứu độ của tôi không? Biến cố lên trời của Chúa có giúp tôi luôn luôn lạc quan và hy vọng không?
Chúa Giê-su nói với tôi: Con là chứng nhân của những điều này. Vậy tôi sẽ làm chứng điều gì về Chúa thích hợp nhất và rõ ràng nhất qua cuộc sống của tôi hiện nay?
Lời thánh Phao-lô (2 Tm 2:12) sẽ giúp tôi sống kiên nhẫn trong cuộc sống khó khăn của tôi như thế nào?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 83)
Lm. Đaminh Trần đình Nhi