Lễ Chúa Giêsu Lên Trời – Thứ Năm, Ngày 26 tháng 5, 2022
Lm. Adrian McCaffery O.P.
Các bài đọc: Acts 1:1-11 • Ps 47:2–3, 6–7, 8–9 • Eph 1:17–23 or Heb 9:24–28; 10:19–23 • Lk 24:46–53
bible.usccb.org/bible/readings/052622-ascension.cfm
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta Người sẽ trở lại. Trong Bài Đọc I, chúng ta vừa nghe, “Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời.” Giống như Cuộc Thương Khó và Cái Chết của Chúa đã đi trước sự Phục sinh, thì việc Chúa Lên Trời cũng đi trước ngày Người đến lần thứ hai, tức Ngày Đức Kytô trở lại.
Nhưng chúng ta có đi trước ngày đó không? Là Kytô hữu từ hơn hai ngàn năm qua, chúng ta đang sống như thế trong thời đại của Chúa Thánh Thần, thời đại của Đấng Bảo Trợ. Trong mọi cảnh huống, chúng ta có hướng tâm tư về cuộc Quang Lâm của Đức Kytô đủ chưa? Cuộc Quang Lâm của Người có thường hướng dẫn những suy nghĩ của chúng ta đầy đủ không? Bởi vì Hội Thánh đang đi trước, đã đi trước và tiếp tục đi trước cuộc Quang Lâm của Đức Kytô, đang mong mỏi cuộc Quang Lâm ấy, đang phấn đấu vì cuộc Quang Lâm ấy. Mọi việc tốt lành của chúng ta đều nhắm tới cuộc Quang Lâm ấy. Nếu Kytô giáo không có cuộc Quang Lâm của Đức Kytô thì không còn là Kytô giáo nữa; và lúc đó nó chỉ là một lời hứa rỗng tuếch. Thời đại của Thánh Thần sẽ vô nghĩa nếu Thời đại ấy không hướng tới việc Chúa đến lần thứ hai.
Có những người chỉ trích Kytô giáo, chỉ trích ý tưởng về tôn giáo, hoặc chỉ trích các giáo lý về sự sống đời sau, họ cho rằng Giáo hội quá chú trọng vào thế giới khác. Một phần nào sự chỉ trích ấy cũng đúng; bởi vì chúng ta, những Kytô hữu, đôi khi quá vội coi thế gian này và những rắc rối của nó là vô nghĩa. Thế gian trở thành một nơi tạm bợ vô giá trị, một nơi nửa vời; nên chúng ta đối xử khắc nghiệt với thế gian, coi thế gian như một thứ hàng hóa và không màng nghĩ gì hơn thế nữa. Thật là sai lầm khi nhìn thế giới chúng ta như vậy; thật là sai lầm khi nghĩ về Kytô giáo như vậy. Thời đại này, giờ này, nơi này, – tất cả đều hợp lại làm thành cái Bây Giờ. Và cái Bây Giờ đi trước cuộc Quang Lâm của Đức Kytô, chuẩn bị cho cuộc Quang Lâm ấy, khao khát cuộc Quang Lâm ấy. Mọi thời đại của thế gian này đã đi trước cuộc Trở lại của Đức Kytô như vậy, cho nên coi thường giáo lý thánh thiện tức là coi thường lời hứa của Chúa Kytô, là coi thường việc Người sẽ Hoàn tất lời hứa.
Việc Chúa trở lại không phải là một thứ ẩn dụ, tựa như Thập giá cũng chẳng phải là một thứ ẩn dụ. Nhưng đó là một biến cố lịch sử người ta đang chờ xảy đến; thay vì nhìn vào quá khứ để chờ đợi biến cố này, chúng ta hãy nhìn về tương lai. Chúng ta chờ đợi Chúa lại đến như người Do Thái đã bao năm chờ đợi Đấng Cứu Độ. Trong thời đại này của Giáo hội, chúng ta đã quên hoặc bị cám dỗ quên đi tính khẩn trương của Kytô giáo, điều mà tổ tiên chúng ta, các tín hữu tiên khởi, đã cảm nhận một cách sâu sắc. Các học giả Kinh Thánh bảo chúng ta rằng các tín hữu ban đầu đều mong đợi Chúa Kytô sẽ trở lại ngay khi họ còn đang sống; thậm chí họ còn nghĩ mình sẽ không bao giờ phải chết; vì họ cho rằng Chúa Kytô sẽ đến trước khi họ chết. Còn khuynh hướng cho rằng Chúa Kytô sẽ không trở lại mau chóng như người ta tưởng đã mang lại một cảm nghiệm mới, đó là thái độ tự mãn – hoặc dửng dưng, hoặc khinh thường đối với sự trở lại của Chúa Kytô.
Ngày nay chúng ta cũng bị cám dỗ bởi thái độ tự mãn này, mà quên đi tính khẩn trương của Kytô giáo. Cho dù có ý thức rằng chúng ta không biết được ngày hay giờ nào Chúa Trở lại, thì chúng ta cũng không nên coi thường tính khẩn trương mà hai ngàn năm trước đây Chúa Kytô đã dạy các môn đệ Người phải cảm nhận. Sự khẩn trương này vô cùng quan trọng đối với cảm nghiệm của Kytô hữu. Điều ấy không dạy chúng ta hy vọng một cách hão huyền; tức là hy vọng vào một điều gì đó đã không xảy ra đang khi thời gian trôi đi. Trái lại, tính khẩn trương dạy chúng ta hãy sống trong cái Bây Giờ đã được hòa nhập với cái Quá Khứ, một cái Bây Giờ đã được kết hôn với Quá Khứ, một cái Bây Giờ đã được Quá Khứ định hướng và được quy về cuộc Trở lại của Chúa.
Vậy tính khẩn trương mà Chúa Kytô đã dạy mang ý nghĩa gì với chúng ta? Hãy mang đầy hy vọng và dũng cảm; nhiệt tâm đối với việc Chúa Kytô sẽ Hoàn tất lời hứa, hăng say đón nhận mọi điều tốt lành đang đến. Nếu tính khẩn trương ấy có khơi dậy trong chúng ta những ý nghĩ về sự buồn thảm hoặc trừng phạt, thì chúng ta biết đó không phải là cuộc Quang Lâm của Chúa mà chúng ta đang tìm kiếm, nhưng là một điều gì khác. Ở đây trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta có cơ hội để trân trọng một trong những chân lý sâu xa nhất của đức tin Kytô Giáo: đó là Sự trở lại của Chúa Kytô, là việc Hoàn tất lời Người đã hứa, là mọi điều tốt lành đang đến. Thật vậy: “Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.
Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp
Nguồn: https://www.hprweb.com/