“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Bài Ðọc I: Br 5, 1-9
“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.
Trích sách Tiên tri Barúc.
Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa. Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc II: Pl 1, 4-6. 8-11
“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Ðức Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô.
Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô, anh em được Ðức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 3,1-6
“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
B/ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
“Hãy dọn đường cho Chúa”
Mỗi năm khi Mùa Vọng về, hình ảnh ông Gioan Tẩy giả lại xuất hiện trong phụng vụ. Ông là con của Bà Elisabét, đã nhảy mừng khi còn là hài nhi trong lòng mẹ, khi Đức Trinh nữ Maria viếng thăm. Ông là vị Tiền hô đến dọn đường cho Chúa Cứu thế. Gioan là mẫu mực về sự khiêm tốn, can đảm và trung thành. Ông nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. So sánh với Chúa Giêsu, ông nhận mình giống như người phù rể. Người phù rể hân hoan trước niềm vui của chú rể. Là người giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, ông hạnh phúc khi thấy người ta tuôn đến cùng Chúa và đón nhận giáo huấn của Người. Dù chỉ là tiếng kêu trong sa mạc hoang vu, Gioan Tẩy giả vẫn kiên trung trong sứ mạng dọn đường. Ông kêu gọi “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng”. Mọi người nghe Gioan Tẩy giả đều hiểu nội dung của lời kêu gọi này, đó là sửa soạn tâm hồn và ăn năn sám hối để đón chào Đấng Thiên Sai. Kết quả là từng đoàn người đông đảo khiêm tốn đến với ông và chịu dìm mình trong dòng nước sông Giođan để được ơn tha tội.
Hành trình Đức tin của người tín hữu chính là cuộc tìm kiếm và gặp gỡ với Chúa. Đây là một hành trình lâu dài, liên lỉ và có nhiều chướng ngại. Để theo Chúa và trung tín với Ngài, chúng ta luôn phải can đảm vượt qua những chướng ngại đó. Như những vận động viên chuyên tâm khổ luyện để đạt được vòng nguyệt quế dành cho người chiến thắng, người Kitô hữu phải luôn chiến đấu trong trận chiến thiêng liêng để thuộc trọn về Chúa. Ông Gioan dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả những cố gắng hoàn thiện bản thân: lấp đầy lũng sâu, bạt thấp núi đồi, nắn thẳng quanh co uẩn khúc. Kinh nghiệm cho thấy, người ta có thể dễ dàng chiến thắng trong trận chiến với kẻ thù, nhưng lại ngã gục trước cám dỗ của cái tôi ích kỷ và đầy tham vọng. Cuộc chiến đấu để thanh luyện chính mình là một cuộc chiến đấu dai dẳng, đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh.
Mùa Vọng vừa mời gọi chúng ta nhìn lại mình, vừa nhắc chúng ta hãy nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Những cố gắng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và thực thi bác ái sẽ giúp chúng ta bạt núi kiêu ngạo, lấp thung lũng hèn nhát. Cuộc sống hôm nay có nhiều cám dỗ, quá nhiều khuynh hướng khác nhau, lôi kéo chúng ta đi lạc đường. Những bon chen bận rộn của cuộc đời dễ làm chúng ta đắp những quả đồi, hoặc khoét sâu khoảng cách đối với anh chị em. Khi can đảm dẹp bỏ mọi chướng ngại trong tâm hồn, chúng ta sẽ được “nhìn” thấy Chúa và vinh quang của Ngài. Lúc đó, Chúa sẽ là tất cả của đời sống chúng ta, và chúng ta sẽ chỉ nhìn lên Ngài như định hướng tuyệt hảo duy nhất của cuộc đời.
Lễ Giáng Sinh là ngày lễ của niềm vui, bởi có hạnh phúc nào lớn lao cho bằng được Thiên Chúa hiện diện. Ngôn sứ Barúc đã khẳng định điều đó (Bài đọc I). Ông kêu gọi mọi người hãy thay áo tang chế khổ nhục bằng áo choàng công chính. Vị Ngôn sứ được chiêm ngưỡng một khung cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem trong tương lai. Muôn dân nước cũng tuôn đổ về thành phố có tên gọi “hòa bình” này để tôn thờ và ca tụng Chúa. “Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của Người”. Đó là thời Chúa tỏ mình ra. Khi đó, vũ trụ này sẽ không còn đau khổ, nhưng sự bình an và hạnh phúc sẽ như đại dương bao trùm tất cả. Cùng chung một ý tưởng với Gioan Tẩy giả sau này, Ngôn sứ Barúc cũng kêu gọi mọi người hãy lấp đầy thung lũng, hạ thấp núi cao để có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện. Lời của vị ngôn sứ đã mang đến cho Israen niềm hy vọng tràn trề, để rồi giữa trăm bề đau khổ, Dân Chúa vẫn vững tin rằng, Đấng Thiên Sai sẽ đến.
Như thánh Gioan Tẩy giả, mỗi người tín hữu cũng được mời gọi trở nên những sứ giả của niềm vui, giữa cuộc đời còn phủ đầy bóng tối và tràn lan bạo lực. Bí tích Thanh tẩy trao cho chúng ta ba chức năng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Nhờ ba chức năng này, người tín hữu trở nên những “tiền hô” loan báo và chứng minh cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống, dù bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong niềm hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta đang cử hành Thượng Hội đồng Giám mục thế giới ở cấp giáo phận. Đức Thánh Cha muốn lắng nghe những ý kiến của Dân Chúa từ khắp các châu lục, để đưa ra những định hướng mục vụ phù hợp với bối cảnh thế giới hôm nay. Là phần tử của Giáo Hội, chúng ta hãy cảm thức với Giáo Hội, chia sẻ niềm vui và những ưu tư trăn trở của Giáo Hội, với ước vọng làm cho Đức Giêsu được nhận biết và tôn vinh. Chúa Giêsu vẫn đang đến với chúng ta. Người kiên nhẫn gõ cửa tâm hồn chúng ta. Có những người nhiệt thành đón tiếp Chúa với con tim nồng ấm, có những người lại từ chối Người với tâm hồn giá băng. Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh: những ai thành tâm đón Chúa sẽ tìm thấy tâm hồn bình an và sẽ trở nên hoàn thiện. Đức Thán Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” như sau: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta” (số 3). Đức Giêsu đã đến trần gian, và giáo huấn của Người làm thay đổi cuộc sống của những ai chân thành đón tiếp Người. Nơi khác, vị Giáo Hoàng người Achentina cũng khẳng định: “Chúa Giêsu chính là Chân Lý: Chân Lý “đã trở thành nhục thể”, đã đến giữa chúng ta để chúng ta biết Chân Lý ấy. Không thể nắm bắt Chân Lý như nắm bắt một sự vật. Chân Lý phải được gặp gỡ. Đó không phải là một vật sở hữu, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị”.
Kính thưa Quý vị và Anh Chị Em
Lời mời gọi bạt núi san đồi vẫn vang lên hằng năm. Tuy vậy, nơi đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn, vẫn còn đó những khuyết điểm lỗi lầm. Trong mối tương quan hằng ngày, người ta vẫn tiếp tục xây những bức tường chia rẽ, vẫn đào những thung lũng hận thù và xây những núi đồi của kiêu ngạo. Lời Chúa khích lệ chúng ta không nên thất vọng, vì chúng ta có nguồn trợ lực thiêng liêng đến từ Đấng Tối cao. Chúa Giêsu đã từ bỏ mọi sự để hủy mình ra không, trở nên một trẻ thơ nơi hang đá khó nghèo. Người đã trở nên nghèo để chúng ta được giàu có; Người đã trở nên yếu ớt để chúng ta được mạnh mẽ; Người đã đón nhận thập giá để chúng ta được vinh quang. Vì thế, ơn gọi của chúng ta là cố gắng “sống cho tinh tuyền, không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm, nhờ đó chúng ta mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính”, như thánh Phaolô nhắn nhủ giáo dân Philiphê (Bài đọc II).
Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã viết: “Thiên Chúa không ở đâu xa cả. Ngài không phải là một đấng nào đó không thể mường tượng được, nhưng Ngài ở bên ta. Ngài đã trở nên một với ta, đụng vào ta, đón nhận ta, cũng như ta đụng chạm được Ngài và có thể đón nhận Ngài” (Thiên Chúa và Trần thế, Tr 227). Vâng, Đấng Emanuel, Thiên Chúa ở với ta, đó chính là nét mới mẻ của Kitô giáo. Đó cũng là thông điệp của Mùa Giáng Sinh đang đến gần.
C/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng chuẩn bị cho người tín hữu tâm tình chờ đón Chúa đến. Giáo Hội mời gọi người Ki-tô hữu tìm lại ý nghĩa của việc Chúa đến qua những bản văn Kinh Thánh.
Br 5: 1-9
Bài Đọc I, trích từ một bản văn rất muộn thời, mô phỏng lại những đề tài về cảnh giam cầm tại Ba-by-lon và cuộc hồi hương trở về. Thiên Chúa sẽ đích thân đến cứu dân Người và dọn sẵn một con đường để dẫn họ trở về thành thánh Giê-ru-sa-lem.
Pl 1: 4-11
Bài Đọc II được trích từ thư gởi tín hữu Phi-líp-phê, trong đó thánh Phao-lô kêu mời người Ki-tô hữu hãy thăng tiến trên con đường thánh thiện và mở rộng lòng mình trước ân sủng để sống trong tâm thế sẵn sàng chờ đón ngày Đức Ki-tô trở lại.
Lc 3: 1-6
Tin Mừng tường thuật bước khởi đầu sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả. Vị Tiền Hô khuyên bảo mọi người hãy sống trong tâm thế sẵn sàng đón chào Đức Ki-tô sắp ngự đến.
BÀI ĐỌC I (Br 5: 1-9)
Ông Ba-rúc là “bạn tâm giao” và là “thư ký” của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, nhưng không là tác giả của sách mang tên ông. Sách Ba-rúc này được viết rất muộn thời, chắc chắn từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Sách này thật sự là một tuyển tập: những phần khác nhau của sách không do cùng một tác giả và cũng không thuộc cùng niên biểu.
1. Bối cảnh
Dù thế nào, sách Ba-rúc đưa chúng ta trở về thời kỳ trào lưu ngôn sứ vắng bóng từ lâu, người ta lấy lại những bản văn cũ, suy niệm chúng và thích ứng chúng (như chúng ta đã đọc bản văn của Giê-rê-mi-a được sửa đổi ở Chúa Nhật I Mùa Vọng). Người ta cố gắng hiện tại hóa sứ điệp khi đặt nó dưới sự bảo trợ của một nhân vật quá khứ nổi tiếng. Tác giả của sách Ba-rúc cũng theo một cách thức như vậy (thể loại văn chương này được gọi là “trào lưu ngôn sứ ẩn danh”).
Tác giả chọn cảnh giam cầm tại Ba-by-lon làm khung cảnh lịch sử, bằng cách tưởng tượng ông Ba-rúc ở giữa những người lưu đày, để báo trước cho họ biết họ sắp được trở về quê cha đất tổ và kêu mời Giê-ru-sa-lem hân hoan vui mừng. Thật ra, ông Ba-rúc cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không bị phát lưu sang Ba-by-lon. Những đề tài, hình ảnh, ngôn từ được mượn ở I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vị ngôn sứ an ủi những người lưu đày, cũng như ở I-sai-a đệ tam (Is 56-66), vị ngôn sứ của thời kỳ những người lưu đày được hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem.
2. Sấm ngôn
Rất dễ nhận ra đoạn văn Ba-rúc này mô phỏng vài bản văn của I-sai-a đệ nhị (Is 40-55) và I-sai-a đệ tam (Is 56-66), ở đó chúng ta gặp thấy cũng một lời mời gọi thành thánh Giê-ru-sa-lem hãy vui lên như thế: “Hỡi Xi-on, thức dậy, thức dậy đi, hãy biểu dương sức mạnh! Hỡi thành thansah Giê-ru-sa-lem, hãy mặc lễ phục huy hoàng! Vì từ nay kể không cắt bì cũng như người ô uế sẽ không còn bước vào thánh điện nữa. Hỡi Giê-ru-sa-lem bị tù đày, hãy giũ bụi, đứng lên! Nào thiếu nữ Xi-on bị tù đày, hãy mở tung xích xiềng buộc cổ!” (Is 52: 1-2).“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông” (Is 60: 1-4).
Và cũng ở đó chúng ta cũng gặp thấy chính thành thánh Giê-ru-sa-lem hân hoan vui mừng như vậy: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi đức chính trực công minh, như chú rễ chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61: 10).
Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã sánh ví rồi cuộc hồi hương của những người lưu đày với cuộc Xuất Hành mới ở đó Thiên Chúa còn thực hiện những điều kỳ diệu cho dân Ngài: “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40: 4), “trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương” (Is 41: 19).
3. Những danh hiệu biểu tượng
Những danh hiệu mà tác giả sách Ba-rúc gán cho Giê-ru-sa-lem như “Bình-an-xây-dựng-trên-công-chính” hay “Vinh-quang-phát-xuất-từ-lòng-kính-sợ-Thiên-Chúa”, được định vị vào hàng những danh hiệu thuộc trào lưu ngôn sứ: ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã trao cho Giê-ru-sa-lem danh hiệu “Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta” (Gr 33: 16); ngôn sứ I-sai-a đệ tam gọi thành thánh là “Xi-on-của-Đức-Thánh-Ít-ra-en” (Is 60: 14) hay “Thành-không-bị-bỏ-rơi” (Is 62: 12), …
Bù lại, việc Thiên Chúa được gọi là “Đấng Vĩnh Hằng” là một nét mới và đặc thù của sách Ba-rúc. Danh hiệu này được lập đi lập lại đến bảy lần trong toàn bộ bài thơ; đây là một ví dụ độc nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Qua đó tác giả nhấn mạnh: tất cả những gì Thiên Chúa làm đều “vĩnh hằng”: “mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi”, “Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi…”.
4. Hiện tại hóa sứ điệp
Vấn đề tất yếu được nêu lên: tại sao có sự mô phỏng này? Tại sao mô phỏng theo cách thức này? Tại sao “loan báo” cuộc hồi hương vốn đã xảy ra bốn trăm năm trước đó? Tại sao thánh thánh Giê-ru-sa-lem lại được tán dương nhiều thế kỷ sau này? Phải đọc ẩn dụ này như thế nào để gặp lại độ nhạy bén của những người đương thời mà tác phẩm được gởi đến?
Thay vì đọc và nghĩ đến “những người Do thái lưu đày”, chúng ta nên đọc và nghĩ đến “những người Do thái tha hương”, điều này giúp chúng ta giải đáp được một phần điều bí ẩn này. Đây là những cộng đoàn Do thái Hải Ngoại gởi gắm những tâm tư nguyện vọng của mình vào nơi sách Ba-rúc. Bị phân tán trong thế giới Hy-La và trong miền Trung Đông, sống xa thành thánh Giê-ru-sa-lem, các cộng đồng này cảm thấy mình như “những kẻ lưu đày”; tuy xa mặt nhưng không cách lòng: mọi tâm tư tình cảm của họ đều hướng về Thành Thánh; họ hiệp nhất với Thành Thánh qua lời cầu nguyện (phần thứ nhất của sách Ba-rúc), qua việc thực hành Lề Luật, tức sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (phần thứ hai của sách) và qua niềm hy vọng (phần thứ ba, từ đó đoạn trích dẫn của chúng ta).
5. Giê-ru-sa-lem thời Mê-si-a
Bản văn được đọc lại trong viễn cảnh này: bài thơ ngợi tán dương thánh thánh Giê-ru-sa-lem thời Mê-si-a. “Ánh vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa” sẽ được biểu lộ trong Thành Thánh. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ là Thành Đô Bình An vì được xây dựng trên sự công chính, tức là sự thánh thiện của Thiên Chúa; Thành Thánh sẽ rạng ngời vinh quang của Thiên Chúa, do “lòng kính sợ Thiên Chúa”. Chính “Lời Đấng Thánh” sẽ quy tụ mọi con cái Thiên Chúa. Kỷ nguyên Mê-si-a này sẽ là Triều Đại chứa chan niềm vui, tràn ngập ánh sáng “của lòng từ bi và sự công chính của Người”.
Người Do thái đã đọc lại bài thánh thi này vào năm 63 trước Công Nguyên, để lấy lại can đảm sau khi tướng Rô-ma là Pom-pê đánh chiếm Giê-ru-sa-lem; họ cũng đã đọc lại bài thánh thi trong nước mắt vào ngày kỷ niệm các đạo binh của tướng Ti-tô phá hủy Đền Thờ thành bình địa vào năm 70; như vậy họ khẳng định niềm hy vọng muôn đời bất biến của họ.
Người Ki-tô hữu đọc bản văn này bởi vì họ hiểu được tầm quan trọng mang tính ngôn sứ của bài thơ này: Thiên Chúa sắp viếng thăm dân Ngài “để dân Ngài tiến bước bình an dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người”.
BÀI ĐỌC II (Ph 1: 4-6, 8-11)
Thánh Phao-lô sáng lập cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên ở thành Phi-líp-phê thuộc miền Ma-kê-đô-ni-a, trên vùng đất Châu Âu vào năm 49-50, khi thánh nhân dự tính thực hiện một cuộc mạo hiểm lớn: vượt qua biển Ê-gi-ê để loan báo Tin Mừng cho một lục địa khác.
1. Bối cảnh
Thành Phi-líp-phê được đặt tên theo vua Phi-líp-phê II, thân phụ của A-lê-xan-đê đại đế. Sau khi đã sáp nhập miền này vào năm 360 trước Công Nguyên, vị đại đế Hy lạp này đã tái thiết và phát triển thành phố. Vào năm 42 trước Công Nguyên, hai tướng Rô-ma, Mác-cô An-tô-ni-ô và Ốt-ta-vi-a-nô (Âu-gút-tô), đã đánh bại Bru-tô và Ca-xi-ô, và đã thiết lập một khu cho các cựu chiến binh thuộc các binh đoàn chiến thắng. Vào thời thánh Phao-lô, thành phố đã trở thành một đô thị Rô-ma, có những quan tổng trấn Rô-ma cai trị và được cấu trúc theo kiểu thành thị Rô-ma.
Vào năm 56 hay 57, thánh Phao-lô có dịp gởi một bức thư cho các Ki-tô hữu Phi-líp-phê. Đối với thánh nhân đó là một niềm vui, vì ngài rất quý mến giáo đoàn này, vả lại họ đã chứng tỏ tấm lòng trung thành đến cảm động. Thánh nhân đã hai lần chấp nhận sự hỗ trợ vật chất của các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu này, trong khi ngài từ chối bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía các cộng đoàn Ki-tô hữu khác. Thư thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê bộc lộ lòng quý mến của thánh nhân đối với giáo đoàn này mà không có bất kỳ hậu ý trách cứ cũng như vấn đề đạo lý; bức thư này cũng là bức thư hấp dẫn nhất.
Phụng Vụ chọn đoạn văn hôm nay vì nó gợi lên ngày Đức Giê-su trở lại và cách thức người Ki-tô hữu chuẩn bị chờ đón. Đoạn văn này gồm có hai phần, chứa đựng một suy tư thần học có tầm mức lớn lao theo hình thức tạ ơn và khuyến dụ.
2. Công trình của Đức Giê-su
Trước hết, thánh Phao-lô nói lên niềm vui và lòng biết ơn của mình đối với các tín hữu Phi-líp-phê vì họ nhiệt tâm đối với Tin Mừng và góp phần vào sứ mạng tông đồ của ngài; thánh nhân nhận ra đó là công việc tốt lành của Thiên Chúa ở nơi họ. Viễn cảnh này vẫn là một quan điểm thường hằng của thánh nhân: chúng ta không thể tự mình thánh hóa chính mình bằng sức riêng của mình, như vậy thánh Phao-lô khẳng định “quyền ưu tiên của ân sủng”.
Tuy thế, người Ki-tô hữu phải luôn luôn sống trong tâm thế sẵn sàng, đó là điều tất yếu. Thánh nhân cũng gởi đến các tín hữu Phi-líp-phê những khuyên nhủ khẩn thiết bằng những lời lẽ trìu mến.
3. Sự cộng tác của con người
Sau khi bày tỏ niềm vui, thánh Phao-lô nói lên tâm tình của mình: thánh nhân nhắc các tín hữu Phi-líp-phê nhớ đến tấm lòng của ngài đối với họ: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi, là tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giê-su Ki tô”. Từ ngữ Hy lạp diễn tả “tình thương của Đức Ki-tô” theo nghĩa rất mạnh; nó gợi lên “tình phụ tử”; Đức Ki-tô đã sinh ra họ trong đức tin qua sứ vụ của vị tông đồ của Ngài; vị tông đồ yêu thương họ bằng tình yêu có nguồn gốc ở nơi tình yêu của Đức Ki tô.
Qua lời khẩn nguyện dâng lên Thiên Chúa, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê hãy kiên tâm bền chí: động lực thăng tiến tinh thần của họ cốt ở nơi tình yêu, vừa lòng mến đối với Thiên Chúa vừa đức ái đối với nhau. Chính nhờ tình yêu này mà họ đạt được “ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên”. Thánh Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phân định: “nhận ra cái gì là tốt hơn” mà thánh nhân thường lập lại ở đây. Sự phân định này là một khía cạnh của đức khôn ngoan Ki-tô giáo, đổi mới thật sự lòng trí con người.
4. Ngày của Đức Ki-tô
Trong đoạn văn này, thánh Phao-lô hai lần nhắc đến “ngày của Đức Ki-tô”. Như hai thư gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thư gởi tín hữu Phi-líp-phê làm chứng rằng các thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên nao nức mong chờ ngày Quang Lâm của Đức Giê-su Ki-tô sắp đến gần. Vào ngày đó, những người Ki-tô hữu phải được tinh tuyền và không làm gì đáng trách, sinh nhiều hoa trái dồi dào từ đời sống công chính nhờ Đức Ki-tô (từ ngữ công chính theo nghĩa Kinh Thánh là sống cuộc sống đạo hạnh phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa). Chúng ta gặp lại ở đây Thần Học về ân sủng. Đây là phương thức quen thuộc của thánh Phao-lô, thánh nhân thích lập lại ở phần cuối lời khẳng định ban đầu.
Tất cả cuộc sống Ki-tô hữu này, được định vị trong Đức Ki-tô, nhằm một mục đích tối hậu là “tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa”. Đây là cứu cánh của con người.
TIN MỪNG (Lc 3: 1-6)
Thánh Lu-ca giới thiệu sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả với lời mào đầu long trọng (3: 1-2), qua đó thánh ký định vị biến cố này vào trong lịch sử thế giới khi trích dẫn hoàng đế Rô-ma. Điều này cho thấy thánh Lu-ca quan tâm đến lịch sử, tuy nhiên thánh ký cũng muốn nói rằng lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, loan báo kỷ nguyên cứu độ, liên quan đến hết mọi người. Chính cũng vì lý do này, khi viện dẫn Is 40, thánh Lu-ca tuân theo truyền thống Mc 1: 3 và Mt 3: 3; tuy nhiên, thánh Lu-ca đem đến một điều mới mẽ khi trích dẫn trọn vẹn sấm ngôn của I-sai-a, vì sấm ngôn này chấm dứt với những từ: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Qua câu này, thánh Lu-ca khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ mà Is 40: 6 đã loan báo, cũng như thánh Lu-ca đã nói trước ở 2: 30-31: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.
1. Bối cảnh lịch sử (3: 1-2a)
Lời mào đầu giới thiệu sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả trước quần chúng một cách long trọng trong bối cảnh lịch sử thế giới qua đế quốc Rô-ma; lịch sử trong và ngoài miền đất Pa-lét-tin qua ba tiểu vương, các con của vua Hê-rô-đê Cả; cũng như lịch sử dân thánh qua hai vị thượng tế vào thời đó.
– “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô”: Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô xem ra từ ngày 1 tháng 10 năm 27 đến ngày 30 tháng 7 năm 28. “Thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê”, tổng trấn Phi-la-tô đại diện chính quyền Rô-ma. Kể từ năm thứ sáu Công Nguyên, miền Giu-đa không còn có chính quyền bản địa nữa; vào năm này chính quyền Rô-ma đã truất quyền vua Ác-khê-lao, con và người kế vị vua Hê-rô-đê Cả, và nắm quyền trực tiếp trên miền Giu-đê, miền thường gây ra những cuộc bạo động. Như vậy miền Giu-đê có một thể chế đặc biệt. Chúng ta biết điều đó trong cuộc xét xử Đức Giê-su.
– “Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê”: Miền Ga-li-lê vẫn duy trì chính quyền bản địa do tiểu vương Hê-rô-đê, biệt hiệu An-ti-pát, con Hê-rô-đê Cả. Chính vị tiểu vương này đã giết Gioan Tẩy Giả và Đức Giê-su bị điệu đến trước ông.
– “Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít”: Tiểu vương Phi-líp-phê, cũng là con của Hê-rô-đê Cả, cai trị lãnh địa đông bắc biển hồ Ti-bê-ri-a. Ông là vị tiểu vương ôn hòa, không nhiệt thành lắm với Do thái giáo, thậm chí ưu đãi những việc thờ cúng ngoại giáo.
– “Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên”: Miền A-bi-lên là một lãnh địa nhỏ bé được định vị ở Anti-Liban, phía tây Đa-mát. Tiểu vương Ly-xa-ni-a rất ít được biết đến. Vì thế người ta có thể tự hỏi trong danh sách của thánh Lu-ca vị tiểu vương này đóng vai trò gì. Đế quốc Rô-ma cho ba người con của Hê-rô-đê Cả làm tiểu vương ba lãnh địa, hai trong đất Pa-lét-tin và một ở ngoài đất Pa-lét-tin. Thật hợp lý khi kể thêm tiêu vương Ly-xa-ni-a cho đủ số ba người con của Hê-rô-đê Cả. Nhưng lý do thật sự xem ra còn sâu xa hơn. Rõ ràng ý định của thánh Lu-ca là muốn thông tri cho đọc giả hiểu rằng “biến cố Gioan Tẩy Giả” vượt quá bên ngoài ranh giới miền đất Pa-lét-tin.
– “Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế”: Sau khi nói đến thế quyền, thánh Lu-ca đề cập đến giáo quyền: Kha-nan, vị thượng tế mãn nhiệm, và Cai-pha, người con rể, vị thượng tế đương nhiệm. Kha-nan được nêu tên, vì thế lực của ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Theo thánh Gioan, sau khi bị bắt, Đức Giê-su bị điệu trước tiên đến thượng tế Kha-nan, sau đó mới đến thượng tế Cai-pha.
Đối diện với thế quyền và giáo quyền này, thánh Lu-ca đưa vào một nhà khổ hạnh sống ẩn dật trong hoang địa, ông Gioan, con ông Da-ca-ri-a. Chính nơi nhân vật khiêm hạ này mà Lời Chúa được gởi đến.
2. Sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả (3: 2b)
“Có Lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gioan trong hoang địa”. Thánh Lu-ca mượn văn phong Kinh Thánh để mô tả ơn gọi ngôn sứ như Hs 1: 1 hay Gr 11: 1. Như vậy thánh ký ghi nhận rằng ông Gioan Tẩy Giả là một vị ngôn sứ, ông nói với tư cách một vị ngôn sứ. Sự kiện này lại càng gây chú ý hơn nữa vì từ năm trăm năm qua đã không có một ngôn sứ nào xuất hiện.
Ông Gioan xuất thân từ gia đình tư tế; cha ông, ông Da-ca-ri-a, là tư tế phụng sự đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ấy vậy, chức vụ tư tế của dân Ít-ra-en là cha truyền con nối. Ông Gioan khước từ chức vụ và danh dự này; được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ông vào sống ẩn mình “trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc 1: 80).
Hoang địa này là sa mạc Giu-đê, dưới chân những ngọn đồi khô cằn, trong miền này được định vị giữa thành Giê-ri-cô và địa danh Qum-ran, có dòng sông Gio-đan đổ nước vào Biển Chết. Để thi hành sứ vụ của mình, ông Gioan Tẩy Giả tiếp cận với dân cư quanh vùng: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan”.
3. Phép rửa tỏ lòng sám hối (3: 3)
Phép rửa mà Gioan Tẩy Giả đề xướng không nhằm mục đích nào khác ngoài việc tỏ lòng sám hối. Các vị lãnh đạo Do thái giáo đòi buộc các dự tòng muốn gia nhập vào cộng đồng Ít-ra-en phải chịu phép rửa cùng với phép cắt bì. Các nghi thức thanh tẩy thì rất nhiều; thậm chí người Do thái thời hậu lưu đày vì lòng sốt sáng đã thêm một số lượng lớn; nghi thức thanh tẩy được thực thi hằng ngày và đa dạng tại các tu sĩ Qum-ran. Nhưng phép rửa mà Gioan đề xướng là một nghi thức duy nhất, bất khả lập lại, cũng không thuần túy chỉ là nghi thức. Thanh tẩy của thánh nhân là dấu hiệu thanh tẩy nội tâm, chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, nhưng tự nó chưa có quyền ban ơn tha thứ này.
4. Ơn cứu độ phổ quát (3: 4-6)
Cả bốn tác giả Tin Mừng đều trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a đệ nhị hứa với những người lưu đày ở Ba-by-lon, họ sẽ sớm được hồi hương. Thiên Chúa sẽ sai phái một sứ giả “trong sa mạc, mở một con đường cho Đức Chúa” (Is 40: 3-5), vì chính Thiên Chúa sẽ dẫn đường cho dân Ngài trở về Giê-ru-sa-lem.
Cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm đều đã thấy ở nơi vị sứ giả này dung mạo của ông Gioan Tẩy Giả khi hiện tại hóa bản văn của I-sai-a vào trong hoàn cảnh hiện nay của mình: thay vì “Trong sa mạc, mở một con đường cho Đức Chúa”, thì lại “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”, bởi vì Gioan Tẩy Giả thi hành sứ vụ dọn đường cho Đức Chúa ở trong hoang địa. Tuy nhiên, chỉ duy thánh Lu-ca trích dẫn trọn vẹn sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a, nhưng thánh ký chủ ý thay đổi một chút câu cuối: thay vì “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy”, thánh ký viết: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Thật ra vinh quang của Đức Chúa được bày tỏ ở nơi quyền năng rực rỡ của Ngài, Đấng, sau một thời gian dài xem ra không đoái hoài đến dân Ngài, ra tay giải thoát dân Ngài khỏi cảnh giam cầm tại Ba-by-lon, tiên trưng một cuộc giải thoát khác, chính xác hơn, giải thoát khỏi mọi giam cầm của tội lỗi.
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN
A. DẪN NHẬP.
Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng Giáo Hội dạy chúng ta hãy trông đợi chúa đến. Chúa sẽ đến với chúng ta trong ngày kết thúc vũ trụ hay ngày kết thúc của đời mình. Trong ngày đó, chúng ta đừng sợ, hãy đứng dậy và ngẩng cao đầu lên vì ơn cứu rỗi của chúng ta đã gần đến.
Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng hôm nay, thêm một bước nữa, Giáo hội dạy chúng ta hãy dọn đường để đón tiếp Chúa. Trông đợi và dọn đường là hai sự việc móc nối với nhau, để việc Chúa đến sẽ gây một chú ý đặc biệt nơi chúng ta.
Ra vào phải có cửa, qua lại phải có đường là lẽ cố nhiên. Nhưng đối với Chúa đường lối Ngài đến với chúng ta có điều hơi khác. Chúa đến với chúng ta bằng con đường thiêng liêng, hay nói cách khác, con đường Chúa đến phải là con đường lòng của chúng ta. Tiên tri Barúc cũng như Gioan Tiền hô đều nhắc lại lời Kinh thánh dạy chúng ta cách dọn đường cho Chúa: “ Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gồ nỗng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa”. Và “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Br 5,1-9.
Đối với cộng đoàn Do thái tha phương, Giêrusalem tượng trưng cho thành đô lý tưởng, nơi qui tụ những người lưu lạc khắp nơi dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
Tuy còn sống trong cảnh lưu đầy xa quê hương, tiên tri Barúc, thư ký của tiên tri Giêrêmia, đã loan báo tin mừng cho dân và phác họa ra một quang cảnh chứa chan hy vọng và phấn khởi : đã đến lúc Thiên Chúa chấm dứt cảnh lưu đầy đau thương, để đưa dân trở về quê hương trong danh dự và vinh quang:”Con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về, chúng hớn hở vui mừng, chúng được kiệu vinh quang rực rỡ khác chi một ngai vàng”.
Thiên Chúa sẽ thay đổi số phận Israel. Do đó, Israel sẽ là dân mới có thành Giêrusalem mới. Thật ra quang cảnh này chỉ thành hiện thực trong nước Chúa Kitô thôi.
+ Bài đọc 2 : Pl 1,4-6.8-11.
Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Phlilipphê nhiều điều tương tự như ngài đã viết cho tín hữu Thessalonica tuần trước. Ngài khen ngợi lòng quảng đại của tín hữu Philipphê, đồng thời cũng nhắc nhở cho họ hãy tỏ ra xứng đáng đón tiếp Đức Kitô
vào ngày Người trở lại. Ngài khuyên họ hãy gia tăng tình bác ái, sống tinh tuyền và đừng để có gì đáng trách:”Tôi cũng xin cho anh chị em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm”(Pl 1,10).
Vì thế, cả đời người Kitô hữu là ngóng đợi ngày Chúa quang lâm. Cả đời người Kitô hữu là chuẩn bị, là dọn dường cho Chúa đến. Đấy chính là những điều mà Giáo hội mượn lời thánh Tông đồ để khuyên chúng ta.
+ Bài Tin mừng : Lc 3,1- 6
Khi nhắc lại cho chúng ta hoàn cảnh lịch sử trong đó Đức Giêsu giáng sinh, thánh Luca cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử, một Đấng Cứu thế phổ quát mà Thiên Chúa hứa ban từ xưa và dân Israel đã chờ đợi qua muôn thế hệ, đã đến. Thánh Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền hô dọn đường cho Ngài.
Thánh Gioan phải mượn lời tiên tri Isaia mà lớn tiếng rao giảng và kêu gọi mọi người tỏ lòng sám hối bằng cách chấp nhận được rửa trong dòng sông Giođan để đợi chờ Chúa Cứu thế, vì Ngài sắp xuất hiện.
Sứ mạng mà Gioan phải thực hiện là “Hãy dọn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi; mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho bằng”. Chúng ta phải sống theo lời thánh Gioan khuyên bảo, để có thể đón Đấng Cứu thế đến với chúng ta hôm nay.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Hãy dọn đường cho Chúa đến.
I. NHU CẦU DỌN ĐƯỜNG.
Trên thế giới ngày nay có rất nhiều con đường để di chuyển, vừa dài, vừa rộng lại đẹp đẽ tối tân, để giúp cho việc di chuyển được nhanh chóng, tiết kiệm được thời giờ và tiền của. Nhưng từ những con đường rộng rãi thênh thang ấy cũng cần có những con đường nhỏ để dẫn tới từng ngôi nhà. Nhà nào mà không có đường vào ? Vì thế, trước khi xây nhà, người ta phải tính chuyện mở con đường vào nhà trước, nếu không có đường vào, không ai xây nhà cả.
Sách có chữ rằng :”Thùy năng xuất tất do hộ, nhi bất hành tất do đạo” : ai ra vào phải qua cửa, cũng như đi lại tất phải có đường. Có đường đi là một điều cần, không có đường đi thì việc di chuyển bị bế tắc. Đường đi thì có muôn ngàn lối và cần phải sửa sang cho việc di chuyển được dễ dàng. Chúng ta cũng đã có con đường đến với Chúa và Chúa đến với chúng ta, nhưng con đường đó nhiều khi bị bỏ hoang, gây khó khăn cho việc di chuyển nên cần phải sửa sang lại cho việc di chuyển được dễ dàng.
Chúa nhật tuần trước chúng ta đã nghe Giáo hội dạy phải ngửa mặt lên để mong chờ Chúa. Chúa nhật hôm nay Giáo hội lại dạy chúng ta phải dọn đường để đón tiếp Ngài. Mong chờ và dọn đường là hai sự việc móc nối với nhau, để việc Chúa đến gây một sự chú ý đặc biệt nơi chúng ta. Bài Tin mừng hôm nay hô hào chúng ta dọn đường cho Chúa, tất nhiên dạy chúng ta phải dọn lòng để đón rước Chúa:”Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi : Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
- Dọn đường cho vua chúa đến.
Gioan là sứ giả được Thiên Chúa sai đến hô hào cho dân chúng dọn đường cho Chúa đến. Sau một thời gian tôi luyện bằng đời sống khắc khổ trong sa mạc, ông đã xuất hiện với một sứ điệp quả quyết từ Thiên Chúa lôi cuốn quần chúng đông đảo đến thung lũng Giođan, để nghe giảng đạo và tiếp nhận lễ rửa như một dấu hiệu và dấu chứng cho lòng ăn năn. Bản chất của chức vụ ông là làm ứng nghiệm lời báo trước của tiên tri Isaia “Tiếng kêu trong hoang địa”, người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu thế đến.
Sự chuẩn bị này có tính cách Đông phương, khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào trong vương quốc mình thì sai một vị quan đi trước để hô hào dân chúng sửa sang đường sá. Chỗ trũng phải lấp đầy, chỗ cao phải bạt xuống, đường quanh co phải nắn lại cho thẳng, đường gồ ghề phải sửa cho êm. Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Kitô, những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch, phải sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Luca đã kết thúc câu trích Isaia rằng:”Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” để phù hợp với tính cách phổ thông của Tin mừng.
- Lời kêu gọi vẫn còn tính thời sự.
Đức Giêsu đã đến trần gian thực hiện công cuộc cứu độ loài người từ 2000 năm nay rồi. Vậy phải chăng lời loan báo của Gioan Tẩy giả đã trở thành quá cũ kỹ với tín hữu chúng ta ngày hôm nay chăng ? Vâng, quả thực Đức Kitô đã đến và làm mọi sự để cứu độ con người và lẽ ra với sự hy sinh tuyệt vời của Ngài, nhân loại đã được giải thoát mọi tội lỗi để sống trong yêu thương và hạnh phúc. Thế nhưng, chính sự tôn trọng phẩm giá, tự do và ý thức của con người nên Thiên Chúa đã không dùng bất cứ một hình thức cưỡng chế nào để bắt con người phải chấp nhận chân lý của Ngài. Nên thực tế là sự lầm lạc, tội lỗi và đau khổ vẫn còn tồn tại.
Gioan Tẩy giả đến rao giảng sự thống hối bằng việc chịu phép rửa để xin ơn tha tội. Chịu phép rửa là nói lên quyết tâm sám hối, thay đổi cuộc sống. Sám hối hay hoán cải mà chúng ta nói ở đây (Metanoia : sự trở lại) là một sự quay trở lại với Thiên Chúa. Nếu hoán cải chỉ là một sự thay đổi luân lý hay xã hội, thì cuộc sống Kitô hữu có lẽ chỉ là một thứ nhân bản như những học thuyết khác, có khi lại còn không hoàn hảo bằng những học thuyết đó. Nhưng đúng ra là ta “quay trở lại với Chúa” cùng với những hậu quả luân lý và xã hội : chống lại tính ích kỷ, bất công, khuynh hướng duy vật thực dụng, sự nô lệ lạc thú và tiền bạc, nếp sống thiếu trong sạch, tính lười biếng. Thái độ chế ngự kẻ khác (Quesson).
II. NHỮNG CON ĐƯỜN
- Những con đường tinh thần.
Thánh Gioan không nhọc công hô hào sửa đường cho vua chúa – việc đó thuộc về xã hội – mà muốn chúng ta chú trọng vào con đường thiêng liêng : những con đường ấy ở ngay trong lòng chúng ta, những con đường ấy bị bom đạm của tội lỗi làm hư hỏng, đã trở nên con đường kinh hoàng mà thánh Matcô đã mô tả:”Từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”(Mc 7,21-22).
Người Pharisêu và Saducêu cho rằng chỉ cần giữ Lề luật là đủ, là hết bổn phận với Thiên Chúa. Gioan khẳng định rằng điều cần thiết là cần phải có sự đổi mới tâm hồn:”Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp hố sâu (tội lỗi), hãy bạt núi đồi, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”.
Dọn đường có nghĩa là sám hối canh tân. Muốn sám hối cần phải biết mình, biết những sở trường sở đoản của mình. Một mình mình biết, một mình mình hay là một điều tốt, nhưng chưa đủ, còn cần những lời của người khác thức tỉnh, con người mới thoát ra khỏi cảnh u mê lầm lạc. Lời thánh Gioan là những nhắc nhở mà Giáo hội muốn chúng ta thực hiện trong Mùa Vọng này.
Truyện : Tô Tần và vua nước Sở.
Đời Chiến quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.
Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay.
Vua Sở bảo :
– Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quí như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao ?
Tô Tần thưa :
Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao ?
Vua Sở khẩn khoản nói :
– Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi.
Một nước mà vật giá đắt đỏ :”Củi quế gạo châu”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tơ Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ơng liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữ (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm C, tr 13).
Đọc xong câu truyện nhà du thuyết Tô Tần với vua nước Sở, chúng ta cũng phải suy nghĩ về hoàn cảnh của chúng ta : có cái gì nhắc nhở chúng ta trong dịp mừng lễ Giáng sinh không ? Mỗi lần Mùa Vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc nhở chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy giả:”Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho phẳng để Người đi”(Lc 3,4).
2. Những con đường phải sửa.
Nghe theo lời kêu gọi của thánh Gioan, chúng ta hãy dùng Mùa Vọng này như là bầu khí thuận tiện để sám hối và quay về với Chúa bằng cách :
a) Hãy lấp đầy những hố sâu.
Hố sâu hay lũng sâu bao giờ cũng tượng trưng cho hố thẳm của mọi nguy hiểm, mọi bất trắc. Hố sâu tượng trưng cho túi tham vô đáy của con người. Vì gian tham, con người có thể thực hiện được mọi tội ác để vơ vét. Tưởng rằng càng vơ vét nhiều, mình càng giầu, càng đầy. Nhưng oái oăm thay, mình lại càng thấy cuộc đời trống rỗng. Hành động “lấp đầy” theo nghĩa siêu nhiên ở đây là lấp đầy những hố thẳm mênh mông (những khát vọng vô biên) của con người bằng đạo đức, bằng công chính, bằng chính Thiên Chúa, là Đấng Cội nguồn sự sống, là chính Chân, Thiện, Mỹ.
Truyện : Lòng tham vô đáy.
Người Trung hoa có câu truyện ngụ ngôn nói lên được cái dục vọng thầm kín của con người muôn thuở :
Một người bị giam ở địa ngục, sắp được đi đầu thai. Anh ta tâu với Diêm Vương rằng :
– Như quả thật Đại Vương muốn cho tôi trở về dương thế, thì xin cho tôi được mấy đặc ân.
Diêm Vương hỏi :
– Ngươi xin điều chi ?
Anh ta đáp :
– Tôi xin đầu thai làm con một vị tể tướng, làm cha một vị trạng nguyên. Tôi xin được một ngôi nhà ở giữa một khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có cây trái đủ thứ. Tôi xin có một người vợ tuyệt sắc, nhiều tì thiếp diễm lệ, tất cả đều chung tình ngoan ngoãn chiều chuộng tơi. Tôi xin được châu báu chất đầy phòng, lúa thóc đầy lẫm, tiền bạc đầy rương. Tôi xin được làm một vị quan công khanh, suốt đời vinh hoa phú quí, sống lâu trăm tuổi. Chỉ bấy nhiêu thôi.
Diêm Vương đáp :
– Trần thế mà có được người như vậy, thì ta đây đã đầu thai thế cho ngươi rồi.
(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên, tr 100-102)
b) Hãy bạt núi đồi xuống.
Đồi núi đây là tính kiêu ngạo. Chúng ta thường nghe câu : “Tam sơn tứ hải nhất phần điền”, nhưng đọc Thánh kinh không nghe nói Chúa đã dựng nên đồi núi lúc nào cả. Có người đốn : có lẽ đồi núi đã mọc lên sau ngày nguyên tổ Adong Evà phạm tội kiêu ngạo , do đó kiêu ngạo lại là của gia truyền.
Con người mãi mãi chỉ là tạo vật, không phải là “Chúa”. Phải biết mình là con người bất toàn như người ta nói :”Nhân vô thập toàn” nên phải ý thức sự bất toàn và giới hạn của mình, hay đúng hơn, “biết mình để đừng tự cao tự đại, để cải quá tự tân”.
Truyện : Giỏi gì đâu.
Trần-nghiêu-Tử làm quan tiết độ sứ đời Tống, là người tài bắn, thiên hạ khen phục, Nghiêu Tử cũng lấy làm kiêu căng tự đắc.
Nghiêu Tử thường bắn ở trong vườn nhà mình. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy Nghiêu Tử bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé đứng xem. Ông lão thấy Nghiêu Tử bắn 10 phát trúng 7, 8 thì hơi gật gù và mỉm miệng cười.
Nghiêu Tử thấy thế, gọi vào bảo :
– Nhà ngươi cũng biết bắn chứ ? Người cười ta bắn không được phải không ?
Ông lão đáp :
– Giỏi gì đâu, chẳng qua là quen tay đấy thôi.
Nghiêu Tử giận, nói :
– A, nhà ngươi dám khinh ta không bắn giỏi có phải không ?
Ông lão bán dầu đáp :
– Khinh hay không ngài cứ xem, tôi rót dầu đây thì biết !
Nói xong, ông lão lấy ngay cái bầu đặt xuống đất, trên miệng bầu để một đồng tiền rồi từ từ rót dầu qua lỗ mà không nhiễu một tí dầu nào ra lỗ đồng tiền cả.
Rót đoạn, ông lão ngẩng mặt lên Trần nghiêu Tử :
– Như tôi đây cũng chẳng giỏi gì đâu, chỉ quen tay đĩ thôi.
Nghiêu Tử cười, khen phải và từ đó không lên mặt là tay bắn giỏi nữa.
(Thái Bạch, Đông tây kim cổ tinh hoa, 1971, tr 84-85)
c) Đường con queo phải uốn cho thẳng.
Cong queo đây là thiếu ngay thẳng. Nhiều người suốt đời đã sống bằng mưu mô, bằng thủ đoạn, chỉ cốt mưu lợi cho mình, bất chấp tội phúc và sự thiệt hại cho người khác.
Đường quanh co đây còn có thể là gian dối, tính tự phụ, kiêu căng, thích khoe khoang, coi mình hơn kẻ khác, coi khinh người ta. Vì thế, phải tập sống lương thiện, sống hồn nhiên tự tại theo “nhân chi sơ tính bản thiện” như trẻ thơ (x. Mt 18,3) mới có thể vào Nước trời.
Truyện : Bán cam thối.
Lưu Cơ một danh sĩ nước Tầu về đời nhà Minh có viết một bài văn kể lại câu chuyện sau đây. Chuyện kể rằng :
Ở Hàng Châu (bây giờ là tỉnh Chiết giang) có người bán các thứ hoa quả, anh ta để dành cam rất khéo, để lâu không ủng, vỏ vẫn đỏ tươi, trông đẹp như vàng ngọc. Anh đem ra chợ bán rất đắt người người tranh nhau mua.
Ta thấy vậy, cũng lại mua một quả đem về. Nhưng bóc ra thì hơi xông lên mũi như xác bông nát. Vì thế, ta phải ra chợ tìm người bán cam, trách rằng :
– Anh bán cam cho người ta để làm cúng lễ, để đãi khách khứa, hay là chỉ làm cho chống bề ngồi để đánh lừa người ta. Tệ thật, sao anh làm người mà giả dối như vậy ?
Người bán cam cười đáp :
– Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, thiên hạ mua chẳng ai nói gì chi nhiều. Ông ơi, người đời giả dối nhiều, há phải một mình thằng tôi đâu. Sao ông trách tôi mà không nghĩ. Kìa người đeo hổ phù ngồi da cọp, hùng dũng trông thật đáng quan võ, nhưng xét sự thật được bằng Tôn Tẫn, Ngô Khởi hay không ? Người đội mũ cao, thắt đai dài, đường hoàng ra vẻ quan văn lắm, nhưng xét sự thật hỏi được như Y Doãn, Cao Dao hay không ? Than ôi, giặc giã không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ mục nát không biết sửa, ngồi rồi ăn lương không biết xấu. Thế mà lúc ở công đường ăn của quí, uống rượu ngon, đi xe ngựa, trông thật oai vệ, thật vô cùng hách dịch. Đó bề ngồi chẳng như vàng như ngọc mà trong như bông nát là gì ? Sao ông không xét những người ấy lại chỉ chú ý vào quả cam của tôi.
Ta nghe nói, nín lặng không trả lời sao được, và nghĩ người ấy có giọng khôi hài nên có cảm tưởng :
– Dễ chừng anh ta ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới nhân chuyện bán cam để dạy mình đây chăng ? (Thái Bạch, Đông tây cổ kim tinh hoa, tr 194-195).
d) Đường lồi lõm san cho bằng.
Đường lồi lõm đây là những tính xấu như cáu kỉnh, nóng nảy, nhẹ dạ, gây gỗ, nghi kỵ, ghen tương, cố chấp, vị kỷ, giận hờn, bất hòa. Phải nỗ lực chỉnh đốn và sửa sang lại những chỗ “lồi lõm”. Chính là những tính mê nết xấu lớn nhỏ, những sỏi đá làm cho lời Chúa không thể đâm chồi nảy lộc và đâm rễ sâu vào trong tâm hồn.
III. MÙA VỌNG VÀ VIỆC DỌN ĐƯỜNG.
Đây là giờ phút phải lựa chọn và quyết định, phải đắm mình vào tầm sâu của nội tâm sám hối, để tính toán việc loại bỏ đi những chướng ngại cản đường Chúa tới giải phóng.
Cái đáng ăn thua là được trở thành một thọ tạo mới, trở nên những con người đã được tôi luyện và can trường…
Vậy để cho Thiên Chúa có thể đi đến được, ta hãy khai mở những con đường thênh thang của tâm hồn rộng mở và chan hòa yêu thương, hãy đạp đổ những bức tường cách ngăn kỳ thị và phân biệt chủng tộc, hãy cất đi những rào chắn của tư lợi nhỏ nhen, hãy đập tan những xiềng xích bất công và bất bình đẳng mà người ta đang la ó đả đảo, hãy để cho lưỡi gươm Lời Chúa được thảnh thơi tung hoành, hãy thức dậy và đứng thẳng người lên (Fiches dominicales, C, tr 11).
- Dọn đường mừng lễ Giáng sinh
Hôm nay bước vào tuần lễ thứ hai của Mùa Vọng, phần đông thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, các cửa tiệm tràn ngập những thiệp Giáng sinh, cây thông Giáng sinh, bao nhiêu quà Giáng sinh, món ăn, quần áo, đồ chơi Giáng sinh. Ở Việt nam chúng ta tuy còn nghèo khó nhưng bầu khí Giáng sinh đã tới, mọi người đang nô nức mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, nhạc Giáng sinh đã vang rộn khắp nơi, lòng người đã thấy rạo rực.
Nhưng phải dọn mừng lễ Giáng sinh thế nào cho xứng đáng, đúng theo Tin mừng của Chúa hôm nay mà thánh Gioan đã hhô hào :”Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Con đường lòng của chúng ta đã tốt chưa ? Và lòng chúng ta đã trở nên thửa đất mầu mỡ để đón ơn Chúa chưa ? Hay lòng chúng ta lại trở nên một sa mạc cằn cỗi ?
Nếu biết biến sa mạc thành đất tốt, có sự sống, con người phải mất sức, mất của, và chấp nhận nhiều khó khăn. Cũng vậy, dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thắm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thực sự để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu… để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống phục vụ hơn, vị tha hơn…
Chỉ khi nào dám chối từ những rườm rà chung quanh mình, con người ta mới dám mong ước thuộc về Thiên Chúa. Thái độ sám hối tận căn ấy, mới là sám hối đúng nghĩa. Điều đó không dễ chút nào, vì nó làm ta đau đớn, xót xa, mất mát. Chỉ có sám hối trọn vẹn mới sống đúng nghĩa hai chữ “dọn đường”. Chúa cần một thái độ dọn đường một cách tự nguyện, dứt khoát như thế, để Ngài đi vào tâm hồn, và tâm hồn có chỗ chứa đựng ơn thánh của Ngài. Khi tâm hồn có Chúa, tâm hồn không còn là sa mạc và cũng chẳng hề sợ sa mạc hóa, nếu biết giữ mãi ơn Chúa trong tâm hồn mình bằng một đời sống tốt lành, vươn lên trong sự thánh thiện (JKN).
- Dọn đường chờ đợi Chúa đến
Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến, Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài, nhưng Ngài cũng âm thầm đến gọi chúng ta ra về với Ngài. Cũng có thể nói Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn chúng ta đến giờ chết. Đó là thời gian để chúng ta hồi tâm và chuẩn bị. Đây là thời gian để tự vấn chính mình : chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Chúa Giêsu vào giờ chết không ? Lúc này chúng ta đã sẵn sàng chưa ?
Truyện : Sẵn sàng về với Chúa.
Vài năm trước đây, tạp chí This Week có thuật lại câu chuyện cảm động về một cậu bé 17 tuổi người Ha Lan đã từng trốn khỏi trại tập trung Đức quốc xã, nhưng đã bị bắt lại và bị kết án tử hình. Ngay trước khi bị hành hình, cậu đã gửi cho bố cậu lá thư sau đây. Xin trích lại :”Bố thân yêu, thật khó khăn lắm con mới viết được cho bố lá thư này, nhưng con vẫn phải cho bố hay rằng con đã bị tòa án quân sự kết tội tử hình. Xin bố đọc lá thư này một mình và khéo léo bảo cho mẹ biết dùm con… Chẳng bao lâu nữa, lúc đúng 5 giờ, điều đó sẽ xẩy đến cho con… chỉ một chốc thôi thế là con sẽ về với Chúa. Nói cho cùng đấy có phải là cuộc chuyển tiếp đáng kinh hãi không ?…Con cảm thấy rõ ràng rằng mình đang ở gần bên Chúa, con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết… Con nghĩ rằng con còn đỡ đau khổ hơn bố nhiều, vì con biết rằng mình đã xưng hết tội lỗi, và hiện tâm hồn con hoàn toàn thanh thản… Ký tên : “Kless”.
- Dọn đường còn là làm chứng cho Chúa
Mừng lễ Giáng sinh là chúng ta kỷ niệm việc Chúa đã xuống trần và sẽ còn đến nữa. Chúng ta có trách nhiệm làm cho người biết Chúa để cùng mừng lễ Giáng sinh. Nếu thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng cho Chúa bằng lời nói, bằng việc làm và bằng chính đời sống của Ngài. Ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta phải làm chứng cho Chúa trong môi trường của chúng ta. Nhưng muốn cho lời chứng hay bằng chứng của chúng ta có hiệu quả, trước hết chúng ta phải có đời sống xứng đáng, đoạn tuyệt với tội lỗi và những tính mê nết xấu và thể hiện một đời sống bác ái yêu thương. Đó là những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh.