CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
(Lu-ca 24:35-48)
Những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh không những nhằm mục đích chứng minh Chúa đã sống lại thật hoặc để củng cố đức tin của các môn đệ, mà còn để chuẩn bị họ thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Người, tức là rao giảng Đức Ki-tô và Tin Mừng cứu độ. Làm sao ta có thể làm công việc rao giảng này nếu ta chưa thực sự biết và yêu mến Người, cũng như chưa hiểu rõ giáo lý của Người? Những phản ứng của các môn đệ đối với cuộc hiện ra của Chúa và những lời chỉ bảo cuối cùng của Người đã cho ta một cái nhìn thật đầy đủ về việc chuẩn bị cho sứ vụ làm chứng nhân.
a) “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: ‘Bình an cho anh em’”
Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ mà không báo trước. Chẳng lạ gì khi thấy các ông “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”! Điều đáng ghi nhớ nhất ở đây là phong cách nhân hậu của Chúa. Người hiểu rõ tâm trạng của môn đệ, nên không nặng lời trách mắng, trái lại, Người xử sự như một vị bác sĩ tâm lý hết lòng yêu mến chăm sóc bệnh nhân (một đặc nét của Tin Mừng Lu-ca). Người sẽ chữa lành những bệnh nhân đang mắc bệnh “hoảng hốt, ngờ vực trong lòng”.
Trước hết, Chúa Giê-su kéo môn đệ trở về với thực tại. Thực tại là sự hiện diện của chính Người, sự hiện diện bằng xương bằng thịt mà họ đã cảm nghiệm trước khi Người chịu chết. Người đưa họ ra khỏi cơn hoảng hốt và ảo tưởng bằng cách bảo họ sử dụng giác quan của họ. Họ hãy nhìn tay chân Người mang dấu đinh của cực hình thập giá. Họ hãy lấy tay rờ xem những dấu đinh biểu tượng cho tình yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu.
Tới đây, tình trạng các bệnh nhân đã khá hơn, nhưng họ “vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng”. Để chữa dứt chứng bệnh, Chúa Giê-su đã sử dụng một phương thuốc tuyệt vời: đưa họ về với thực tại mối quan hệ thân thương với Người, tức là việc họ được cùng ăn uống với Người. Trước đây, trên đường truyền giáo, thầy trò đã cùng chịu cực khổ, chia sẻ miếng ăn thức uống, hoặc những lần họ được no nê nhờ phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Nhất là trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã bẻ bánh thiết lập Bí Tích Thánh Thể, dùng việc ăn uống để thầy trò được kết hiệp với nhau cách nhiệm mầu. Vậy họ đưa cho Người một miếng cá nướng và Người ăn trước mặt họ để nhắc nhở họ về mối quan hệ với Người. Những bữa ăn với Chúa Phục Sinh đã ghi ấn tượng thật sâu xa trong tâm hồn Phê-rô, đến nỗi mãi sau này ông vẫn còn nhớ và dùng làm chứng cớ trong bài giảng tại nhà ông Co-nê-li-ô để quả quyết Chúa sống lại (Cv 10:41).
Có lẽ bài học nhận biết Chúa Phục Sinh của các môn đệ phản ảnh tâm trạng của nhiều người môn đệ mọi thời. Những triệu chứng “kinh hồn bạt vía, hoảng hốt, ngờ vực chưa tin và ngỡ ngàng” đều có nơi những ai gặp gỡ Chúa Giê-su. Những triệu chứng ấy nói lên mức độ hiểu biết, yêu mến và quyết tâm theo Chúa nơi ta còn quá yếu ớt. Do đó, muốn dấn thân thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh, ta cần phải để cho Người chữa trị cho tuyệt căn. Ta chỉ cần sử dụng những phương thuốc Người đã đề nghị: chiêm ngưỡng Người, “nếm thử và nhìn xem cho biết Người tốt lành dường nào”, nhất là qua bữa tiệc Thánh Thể sống mối quan hệ mật thiết với Người.
b) “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”
Muốn biết Đấng Ki-tô là ai thì phải tìm đến Kinh Thánh, như thánh Giê-rô-ni-mô đã quả quyết: Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô. Các môn đệ Chúa cần phải biết Đấng Ki-tô của Kinh Thánh chứ không phải Đấng Ki-tô theo tham vọng của các ông đã vẽ vời ra. Đấng Ki-tô theo Kinh Thánh là Đấng “phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”, chứ không phải một hoàng đế có tả hữu văn võ ứng chầu. Không phải là các ông không đọc hoặc nghe Kinh Thánh. Nhưng để đọc mà hiểu được lời Kinh Thánh muốn nói về Chúa Giê-su thì cần phải có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Quan thái giám người Ê-thi-óp phải thú nhận: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?” (Cv 8:31). Hoặc hai môn đệ trên đường Em-mau đã cảm nghiệm được việc Chúa mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh như thế nào: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:32). Để thực sự “hiểu” Kinh Thánh, cần phải có một “bước nhảy vọt đức tin” (leap of faith) để ta không còn bám víu vào những bằng chứng, nhưng là lòng mến thiết tha đối với Đấng Kinh Thánh đã nói đến. Chỉ có Chúa mới giúp ta thực hiện được bước nhảy vọt ấy.
Chúa Giê-su không chỉ mở trí để ta hiểu Người là Đấng Ki-tô nào, nhưng Người còn mở lòng để ta biết nhận Người làm Chúa và Thiên Chúa của ta nữa (Ga 20:28). Bởi vì nếu chỉ là biết về Đấng Ki-tô, thì ta đâu cần phải làm gì thêm nữa, cũng giống như ta biết về một nhân vật lịch sử thôi. Nhưng một khi đã nhận Người trong mối quan hệ là Chúa và Thiên Chúa của ta như ông Tô-ma đã tuyên xưng, thì ta có bổn phận phải sống mối quan hệ ấy, tức là thi hành những gì Chúa và Thiên Chúa của ta muốn ta làm.
Vậy Đấng Ki-tô Phục Sinh muốn ta làm gì? Người nói: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”. Nhân danh Người mà rao giảng có nghĩa là ta theo đúng khuôn mẫu của Người và tiếp nối công việc rao giảng của Người. Lời giảng của Người được tóm tắt trong một điệp khúc ngắn gọn: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
c) “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”
Lãnh nhận sứ mệnh rao giảng, có lẽ ta sẽ thắc mắc hỏi ta phải rao giảng như thế nào. Chúa Giê-su cho ta câu trả lời về cách rao giảng: làm chứng nhân. Ta sẽ là chứng nhân cho niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Ta sẽ cho mọi người chung quanh biết ta đã được chữa lành khỏi chứng bệnh hoảng hốt và thiếu lòng tin nơi Chúa. Ta sẽ chia sẻ với người khác những gì ta lãnh nhận khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Ki-tô, nhìn nếm để biết Chúa nhân lành như thế nào. Ta sẽ nói cho mọi người biết mình đã được cùng ăn uống với Người trong các bữa tiệc Thánh Thể. Nhất là ta sẽ giúp cho người khác biết thế nào là sống theo lối sống của Chúa Ki-tô. Đó là những điều Chúa muốn ta phải sống trong chính cuộc sống của ta trước và giúp cho người khác nhận thấy được qua đời sống của ta.
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Cũng như Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ trong khi các ông “đang nói”, Người có xuất hiện với tôi trong đời sống hằng ngày không? Trong những hoàn cảnh nào và tôi đã phản ứng ra sao?
Với những giác quan đức tin, tôi có cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong đời tôi không? Tôi nhìn thấy tay chân Chúa bị thương tích nơi những người nào chung quanh tôi?
Tôi hãy xét lại sứ mệnh rao giảng Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh của tôi. Tôi có thực sự là chứng nhân cho Người giữa xã hội hôm nay không?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa”
– Mẹ Têrêxa Calcutta
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 68)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi27-4-2006