“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a
“Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.
Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.
Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5
“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Tin Mừng: Mc 7, 31-37
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc 7,37)
Suy niệm: Một số học giả nhận xét dân ta có tinh thần tôn giáo cao độ nhưng đồng thời cũng pha lẫn óc thực dụng. Điều đó được thể hiện qua nét tâm lý thường tình: mỗi khi có những “sự cố, vấn đề” đụng chạm đến cuộc sống như bị bệnh hoạn tật nguyền chẳng hạn, thì “hữu sự vái tứ phương”, thầy thuốc nào cũng chạy chữa, thần phật nào cũng cúng vái, đền chùa nào cũng khấn xin.
Dân Do Thái cũng mang tâm trạng đó: có ai đau ốm tật nguyền đều đem đến Chúa Giêsu mong được chữa lành. Phúc âm Mác-cô ghi lại tâm trạng “kinh ngạc” kèm theo lời tán tụng: “Ngài làm việc mọi việc đều tốt đẹp” như một lời vang vọng từ sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp.” Hiểu được điều này chúng ta mới nhận thấy Chúa Giê-su chứng tỏ thần tính của mình khi Ngài thực thi sứ vụ cứu thế như một cuộc sáng tạo mới: Ngài không chỉ chữa lành thân xác, cứu giúp những nhu cầu thể chất mà còn phục hồi con người toàn diện và biến đổi họ thành con người mới trong Nước Thánh Tẩy.
Mời Bạn: Hãy nhìn lên thập giá để tìm gặp “Đấng chữa lành”, nơi đó, chúng ta gặp được Đức Ki-tô, Đấng có khả năng chữa lành những thương tích, đặc biệt là những thương tích do tội lỗi gây ra là tiêu huỷ nơi chúng ta cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tiếp tục “những việc tốt đẹp của Thiên Chúa” bằng việc phục vụ nhằm nâng cao phẩm giá con người nhất là nơi người nghèo, bị bỏ rơi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con góp phần bày tỏ vinh quang của Chúa qua những công việc bác ái yêu thương của chúng con với anh em đồng loại.
B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIII này cho chúng ta thoáng thấy những dấu chỉ về cuộc biến đổi của những người được cứu độ.
Is 35: 4-7
Ngôn sứ I-sai-a loan báo rằng Thiên Chúa sắp can thiệp để giải phóng họ khỏi cảnh lưu đày ở Ba-by-lon. Những dấu chỉ báo trước ơn cứu độ của Ngài, đó là giải phóng con người khỏi những quyền lực sự dữ.
Gc 2: 1-5
Thánh Gia-cô-bê nhắc nhở rằng trong cộng đoàn của những người đã đón nhận ơn cứu độ, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa người giàu và người nghèo, bởi vì Thiên Chúa dành chỗ ưu tiên cho người nghèo.
Mc 7: 31-37
Thánh Mác-cô tường thuật việc Đức Giê-su chữa lành một người vừa câm vừa điếc ở miền Thập Tỉnh, việc chữa lành này là giáo huấn về dấu chỉ thời Mê-si-a, thời cứu độ của Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC I (Is 35: 4-7)
Bản văn này được đưa vào trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhất (ch. 1-39), một trong những ngôn sứ thời tiền lưu đày, thuộc thế kỷ VIII TCN. Nhưng rõ ràng giọng văn lại là của vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (40-55), một trong những ngôn sứ thời lưu đày với một viễn cảnh đặc thù của ông: ngày cứu thoát những người lưu đày ở Ba-by-lon sắp đến rồi.
1. Ngày cứu thoát sắp đền gần rồi
Vị ngôn sứ mời gọi những người lưu đày: “Hãy can đảm lên, đừng sợ!”, vì sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục cho dân Ngài, ngày Thiên Chúa cứu thoát họ khỏi những kẻ áp bức họ. Và ông trưng dẫn hai dấu chỉ của thời cứu thoát này: những bệnh hoạn tật nguyền thể lý sẽ biến mất và sa mạc sẽ không còn vùng đất khô cằn nữa, vì trên con đường hồi hương trở về (từ Ba-by-lon đến Giê-ru-sa-lem, phải băng qua sa mạc Sy-ri) Thiên Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu: “kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” và “miền nóng bỏng biến thành hồ ao, đất khô khan có suối nước dâng trào”.
Chắc chắn những hình ảnh này là lối nói ngoa dụ để diễn tả niềm hân hoan của những người lưu đày mong ước được gặp lại cố hương. Nhưng sâu xa hơn, những hình ảnh này diễn tả một thực tại tinh thần. Thiên Chúa đã bày tỏ lòng xót thương; Ngài đã không còn nhớ đến những tội lỗi của dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ, theo cách nào đó Ngài làm mới lại Giao Ước của Ngài với họ.
2. Cứu thoát khỏi những quyền lực sự ác
Những người mù sẽ được sáng mắt để thấy được ý nghĩa sâu xa của biến cố; những người điếc nghe được những tin vui và những người què sẽ vui mừng hớn hở. Trong một đoạn văn trước đó theo cùng văn mạch, chúng ta đọc thấy: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát khỏi cảnh mù lòa tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Ít-ra-en, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng” (Is 29: 18-19). Chúng ta có thể xác định thêm nữa: vào thời này, cũng như vào thời Đức Giê-su, những tật nguyền thể lý được coi như những hình phạt vì tội lỗi (Ga 9: 1-3); vì thế, nếu những người mù được mở đôi mắt để thấy, nếu những người điếc được mở đôi tai để nghe, chính vì những nguyên nhân gây nên những đau khổ của họ đã biến mất: những tội lỗi của họ đã được tha thứ.
Rõ ràng, sấm ngôn mang chiều kích Mê-si-a: “Chính Người sẽ đến cứu anh em”, nghĩa là, Ngài bày tỏ lòng xót thương và ban ơn tha thứ tội lỗi của thế giới. Việc chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền thể lý là tiên báo việc chữa lành những đau khổ tinh thần. Khi Gioan Tẩy Giả băn khoăn muốn biết phải chăng Đức Giê-su thật sự là Đấng Mê-si-a, Đức Giê-su trả lời cho ông qua những người được thánh nhân sai đến: “Các ông cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được…” (Mt 11: 4). Đây là những dấu chỉ thời Mê-si-a mà các ngôn sứ đã báo trước. Tin Mừng hôm nay khẳng định lời loan báo này.
BÀI ĐỌC II (Gc 2: 1-5)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Gia-cô-bê. Bản văn là kim chỉ nam thực hành những nhân đức, trong đó đức khó nghèo chiếm một chỗ quan trọng.
1. Thái độ phản chứng đối với những giá trị Tin Mừng
Có sự phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo trong buổi hội họp cộng đoàn Ki-tô hữu, vì thế thánh nhân đã lên án nghiêm khắc thái độ phản chứng đối với những giá trị Tin Mừng này. Cách tiếp đón ân cần vồn vã và khúm núm đối với những người giàu và cách chào đón khinh thường đối với những người nghèo lại trở nên kỳ chướng hơn nữa khi những người Ki-tô hữu họp nhau lại để cầu nguyện và chúc tụng “Đức Giê-su Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang”.
2. Tình huynh đệ Ki-tô hữu
Thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh rằng tình huynh đệ Ki-tô hữu phải cho thấy không có bất kỳ cách đối xử thiên tư nào. Xem ra trong cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do thái mà thánh nhân ngỏ lời có một sự phân biệt đáng kể giữa những người nghèo và những người giàu, những người hèn mọn và những người có địa vị trong xã hội. Chúng ta phải nhắc những người giàu nhớ chỗ danh dự mà Thiên Chúa đã ban cho những người nghèo trong ý định của Ngài. Phù hợp với truyền thống Kinh Thánh liên quan đến “những người nghèo của Đức Chúa”, thánh Gia-cô-bê ca ngợi tấm lòng rộng mở và tràn đầy niềm tin của những người nghèo: người nghèo thì “giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc”.
TIN MỪNG (Mc 7: 31-37)
Đức Giê-su rảo khắp vùng đất dân ngoại để thi hành sứ mạng của mình: “Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh”. Chúa Giê-su vừa mới chữa lành đứa con gái người phụ nữ dân ngoại (7: 24-30), giờ đây Ngài sắp thi ân giáng phúc cho một dân ngoại khác, người vừa câm vừa điếc. Thánh Mác-cô là tác giả duy nhất trong bốn thánh ký thuật lại việc chữa lành người câm điếc này. Cuộc hành trình qua lãnh địa rộng lớn của dân ngoại có thể do ý định của thánh Mác-cô như tham dự trước sứ mạng của Giáo Hội cho dân ngoại.
1. Tác nhân chính của việc chữa lành
Thánh Mác-cô đã dàn dựng hoạt cảnh chữa lành này khá đặc biệt: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Vào thời Đức Giê-su, người ta cho là nước miếng có hiệu lực chữa lành, đặc biệt hơn đối với mắt, như một trong những bản văn của sử gia La-tin, Tacite, làm chứng điều này (Tacite, Histoire, IV, 8, 1.). Đức Giê-su cũng sẽ dùng cách thức này trong việc chữa lành người mù ở Bết-xai-đa (Ga 9: 6). Đang ở giữa vùng đất dân ngoại, Chúa Giê-su đã thích ứng lối chữa bệnh rất phổ biến này vào môi trường của họ. Loại chữa bệnh này được gặp thấy đầy dẫy trong các giai thoại ở vùng đất dân ngoại thời đó, nên các độc giả đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vì họ biết các tập tục của những người đương thời với họ.
Tuy nhiên, tác nhân chính của việc chữa lành chính là “lời của Đức Giê-su” mà thánh Mác-cô trích dẫn bằng tiếng A-ram “Ép-pha-ta” nghĩa là “hãy mở ra”. Ở giữa bản văn Hy ngữ, thánh ký đã gìn giữ những lời A-ram của Chúa Giê-su như câu chuyện phục sinh con gái của ông Gia-ia: “Ta-li-tha-khum”, nghĩa là: “Này cô bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!” (5: 41). Đừng thấy ở nơi chi tiết này ý muốn gây nên một điều kỳ lạ đến sửng sốt, nhưng đúng hơn nỗi bận lòng về tính xác thực: chính những lời này của Đức Giê-su chứ không gì khác, đã có hiệu lực chữa lành và phục sinh người chết.
Người ta có thể nghĩ rằng việc Đức Giê-su chữa lành người câm điếc này có kèm theo lời cầu nguyện: “Người ngước mắt lên trời” chỉ cho thấy tác động của lời cầu nguyện. Sau này, Đức Giê-su chữa lành một em bé bị quỷ ám bằng cầu nguyện, mà trước đó, các môn đệ đã không thể vì thiếu cầu nguyện (Mc 9: 28-29).
2. Ý nghĩa cử chỉ của Đức Giê-su
Dù thế nào, chúng ta cũng thắc mắc những cử chỉ này của Đức Giê-su có ý nghĩa gì, khi kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông và chỉ có các môn đệ Ngài là những chứng nhân. Lời giải thích chắc chắn được gặp thấy ở nơi toàn cảnh của các chương 6, 7 và 8 của Tin Mừng Mác-cô. Kể từ phép lạ bánh hóa nhiều, thánh ký nêu bật tâm trí quá ngu muội của các môn đệ: “Các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (6: 52). Đức Giê-su quở trách sự mù lòa và câm điếc của các ông trước sứ điệp của Thầy mình: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8: 18).
Đúng là những lời quở trách này được thốt lên vào thời điểm phân cách hai việc chữa lành: việc chữa lành người vừa câm vừa điếc ở đây và chữa lành một người mù ở Bết-xai-đa sau này (8: 22-26). Hai việc chữa này được thuật lại gần giống nhau. Trong cả hai trường hợp, Đức Giê-su cách ly bệnh nhân, và trong cả hai trường hợp, việc chữa lành không ngay lập tức (việc chữa lành anh mù ở Bết-xai-đa được thực hiện qua hai giai đoạn). Cuối cùng, trong cả hai trường hợp, thánh ký đều cho thấy chỉ có các môn đệ là những chứng nhân.
Chúng ta không thể nào không hiểu rằng cử chỉ này là một dấu chỉ được diễn tả bằng hành động như hành động biểu tượng của các ngôn sứ kèm theo những lời cảnh báo của họ: như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đập vỡ tan từng mãnh một bình gốm trước cổng thành Giê-ru-sa-lem để loan báo cuộc tàn phá thành thánh Giê-ru-sa-lem sắp đến gần rồi, hay như ngôn sứ Ê-dê-ki-en thực hiện dáng điệu của một người bị phát lưu trong nhiều ngày liền để loan báo cho đồng bào của mình số phận đang chờ đợi họ. Cũng theo một cách như vậy, Đức Giê-su đã cho các môn đệ thấy họ đã chậm hiểu như thế nào, Ngài muốn họ biết rằng Ngài đã đổ hết công sức như thế nào để họ hiểu sứ điệp và con người của Ngài. Rõ ràng, lệnh truyền “Hãy mở ra” được ngỏ lời trực tiếp đến từng môn đệ của Ngài, họ là những người vừa câm vừa điếc.
3. Không được tiết lộ cho ai biết
Lẽ ra sau khi bệnh nhân được chữa lành, trình thuật có thể chấm dứt ở đây. Tuy nhiên, một lần nữa, Chúa Giê-su truyền cho những người chứng kiến phải giữ kín chuyện này, không được tiết lộ cho ai biết, như trước kia Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho người phong hủi được chữa lành (1: 44) và cho gia đình của cô bé được sống lại (5: 43). Trong sách Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô thường nhấn mạnh lệnh cấm này mà các nhà chuyên môn gọi là “Bí Mật Đấng Thiên Sai”. Trong tất cả các trường hợp ấy, Đấng Mê-si-a đã biểu lộ quyền năng Nước Thiên Chúa nơi bản thân Ngài. Tuy nhiên Ngài không muốn công bố sứ mệnh Mê-si-a trước kỳ hạn, bởi vì người ta có thể hiểu sai tư cách “Mê-si-a” của Ngài. Tước hiệu này Ngài chỉ nhận được cách thỏa đáng qua lời tuyên xưng đầy ý thức của Phê-rô nhân danh các môn đệ: “Thầy là Đức Ki-tô”(8: 30). Và tước hiệu ấy sẽ chỉ nhận được ý nghĩa trọn vẹn ở nơi cuộc Tử Nạn của Ngài qua lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng ngoại giáo: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (15: 39).
4. Phản ứng của dân chúng
“Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra”: Như vậy, ngay lúc này đây, thánh Mác-cô lại cho thấy rõ là lệnh truyền giữ im lặng của Chúa Giê-su đã bị người ta cố tình vi phạm. Sở dĩ như thế là vì trong khi Mác-cô ghi lại trình thuật này, Tin Mừng Chúa Ki-tô Cứu Thế đã loan ra đến tận các vùng dân ngoại, đến tận cả Rô-ma. Giờ đây quả thực tốt đẹp biết bao khi Tin Mừng ấy đã được “rao truyền” ở giữa lòng thế giới.
Lời phát biểu của đám đông: “Ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được” ám chỉ đến sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a (Bài Đọc I), như vậy, sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm nơi sứ vụ của Chúa Giê-su, Ngài là Đấng phải đến để cứu thoát con người khỏi quyền lực sự dữ. Cuối cùng, thánh Mác-cô còn muốn trình bày ở đây phản ứng của quần chúng ngoại giáo bằng một lời tuyên xưng đức tin rất mãnh liệt. Họ dùng những lời của ngôn sứ I-sai-a để chúc tụng Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su thực sự mời gọi các bạn hữu của Ngài – kể cả Mác-cô cũng như các độc giả của ông – mở rộng tấm lòng mà đón nhận lời nói và hành động của Ngài, đồng thời can đảm “rao truyền” lời nói và hành động của Ngài cho thế giới.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
NGƯỜI CHỮA HỌ KHỎI CÂM ĐIẾC
+++
A. DẪN NHẬP
Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Đức Giêsu muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.
Người bị câm điếc thiêng liêng là những nngười không biết mở tai ra mà đón nhận Lời Chúa mà cũng không biết mở miệng ra mà tôn vinh danh Chúa. Những người bị câm điếc thể lý thì ai cũng biết kể cả đương sự, còn những người bị câm điếc thiêng liêng thì không ai biết và ngay chính đương sự nhiều khi cũng không biết. Đó là những người thiếu đức tin, họ sống trong mù tối không biết gì đến Lời Chúa.
Chúng ta cầu xin Chúa mở tai và mở miệng lưỡi linh hồn chúng ta để biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Đồng thời cũng biết đón nhận và chia sẻ cho người khác trong sự quảng đại, hy sinh và tình thương mến chân thành. Chúng ta hãy kêu lên:”Lạy Chúa, xin làm cho con nghe được, và xin làm cho con nói được”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : Is 35,4-7a
Dân Do thái đang phải sống kiếp lưu đầy khổ sở tại Babylon, nhiều lúc nản lòng vì tương lai còn mù mịt. Nhưng thời gian thử thách sắp kết thúc. Isaia loan báo tin vui cho họ bằng những hình ảnh của miền Đông phương nhằm khơi dậy niềm hy vọng của họ.
Những hình hình cụ thể như người điếc nghe được, người què đi được, người câm nói được nhắc nhở cho họ biết : những khả năng tự nhiên ấy của họ đã bị tước đoạt, nay Thiên Chúa phục hồi cho họ để cho họ có thể nghe và nói được trong tình trạng tự do.
Những hình ảnh tiên báo của tiên tri Isaia cho người Do thái sẽ được thực hiện đầy đủ do Đức Giêsu Kitô trong bài Tin mừng hôm nay.
+ Bài đọc 2 : Gc 2,1-5
Một số cộng đoàn Kitô hữu thời đó có thói quen dành chỗ ưu tiên cho người giầu mà lại bỏ quên người nghèo. Thánh Giacôbê phản ứng mạnh mẽ vì thói quen ấy đi ngược với tinh thần của Đức Kitô. Phẩm giá của người nghèo bị chà đạp, trong khi chính họ là những người được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn.
Tính thiên vị luôn gây phẫn uất và chia rẽ. Đây là một quan niệm sai lầm vì dưới cái nhìn của đức tin sự giầu có đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa bằng kho tàng ân sủng tràn đầy nơi các tín hữu.
+ Bài Tin mừng : Mc 7,31-37
Bài Tin mừng thuật lại chuyện Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa câm (ngọng) tại vùng đất dân ngoại. Khi kể lại câu chuyện này, thánh Marcô lấy lại đề tài cổ điển móc nối sự câm điếc với sự thiếu đức tin và việc chữa lành bệnh với thời Thiên sai.
Phép lạ này có giá trị biểu trưng. Thay vì chỉ cần ý muốn để chữa bệnh một cách đơn giản, Đức Giêsu lại dùng những hành động có vẻ lạ kỳ như lấy ngón tay thấm nước miếng và chạm đến lưỡi của người bệnh. Những hành động ấy có ý thêm đức tin cho người bệnh và sau này trong bí tích Rửa tội theo lễ nghi cũ, Linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người thụ tẩy mà đọc “Epphata” : hãy mở ra.
Người điếc và ngọng trong Tin mừng hôm nay tiêu biểu cho tất cả mọi người điếc câm thiêng liêng mà Đức Giêsu sẽ chữa cho khỏi những nết xấu và tội lỗi. Giáo hội cũng muốn dùng bài Tin mừng hôm nay để nhắc nhở cho các tín hữu phải biết lắng nghe tiếng Chúa và phổ biến Lời Chúa cho người khác.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Những ai bị câm điếc ?
I. BỆNH CÂM ĐIẾC THỂ LÝ
1. Một ân ban của Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài ban cho họ có linh hồn và thân xác. Thân xác con người là một sinh vật hoàn hảo nhất, có đầy đủ ngũ quan. Trong ngũ quan ấy, ta thấy tai và miệng là hai cơ quan rất quan trọng dùng để nghe và nói.
Ai không nghe được hoặc nghe không rõ thì thường trở thành trò cười cho người khác, bởi vì không hiểu đúng ý của người nói, cho nên trả lời hoặc phản ứng thường sai lệch. Người ta gọi những người ấy thuộc hạng “Ông nói gà bà nói vịt”(Tục ngữ) . Bởi vậy, người khiếm thính thường rút lui vào sự im lặng và cô đơn.
Nó là khả năng giúp con người giao tiếp và là phương tiện chủ yếu được dùng trong giao tiếp hằng ngày. Người kém khả năng này cũng dễ thành trò cười cho thiên hạ. Vì vậy nghe được và nói được là hồng ân rất lớn Chúa ban cho con người. Chúng ta phải sử dụng hai khả năng ấy cho phù hợp với thánh ý Chúa.
2. Nguyên nhân bệnh câm điếc thể lý.
Thường thường những người mới sinh ra đã bị câm thì cũng bị điếc. Người bị câm và điếc thiệt thòi rất nhiều và mất nhiều hạnh phúc trong cuộc đời. Ngoài trường hợp câm điếc bẩm sinh, người ta có thể bị câm điếc vì một bệnh tật hay một tai nạn nào đó.
Theo một vài trường hợp thì điếc còn khó chịu hơn đui. Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông khi có người tức tối hét vào tai, cố nói cho người ấy nghe, người ấy càng cảm thấy thất vọng hơn. Vì thế mới có lời kinh của người điếc :
“Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người làm phiền người khác. Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc. Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín”(William Barclay).
3. Tâm lý người bị câm điếc.
Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bầy hay diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm. Không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.
Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.
4. Đức Giêsu chữa người câm điếc.
Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh : Ta muốn ngươi được khỏi bệnh ! Đức Giêsu lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên :”Epphata” : Hãy mở ra !
Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng : đó là những kết quả anh mong đợi.
Phép lạ không chú trọng chữa lành thể chất của anh chàng vừa câm vừa điếc. Đúng hơn phép lạ chú trọng đến việc mở tai cho người ấy để anh ta có thể nghe Lời Chúa, và cởi trói cái lưỡi của anh để anh có thể tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Một người có thể nghe tốt, nhưng lại không nghe lời Chúa. Một người có thể nói sõi nhưng không thể tuyên xưng đức tin.
II. BỆNH CÂM ĐIẾC THIÊNG LIÊNG
Khi chữa bệnh cho người câm điếc, Đức Giêsu nhằm đem lại cho người ấy khả năng nghe và nói được, nhưng Ngài còn muốn đi xa hơn, nghĩa là chữa bệnh câm điếc tinh thần hay thiêng liêng của con người. Câm và điếc thể chất thì ai cũng biết, còn bệnh câm điếc thiêng liêng thì chỉ có Chúa biết, và đôi khi đương sự cũng biết. Chúng ta cần bàn tới bệnh câm điếc thiêng liêng mà ai trong chúng ta cũng mắc phải không nhiều thì ít.
Nhiều người rất thính tai thể chất, nhưng lại điếc về tinh thần hay tâm linh. Họ rất thính tai khi nghe những gì liên quan tới danh vọng, tiền tài, sắc dục… nhưng lại trở nên giống như điếc khi nghe những điều hay lẽ phải, những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần hay tâm linh, giúp họ sống yêu thương nhiều hơn. Nhiều người nói năng rất hoạt bát về đủ mọi đề tài… nhưng lại hành xử như người câm, hoặc cảm thấy rất ngượng nghịu, mắc cỡ khi phải nói lên lời hay lẽ phải, những lời chân thành yêu thương, những lời làm mát lòng người khác, những lời đem lại bình an, hòa thuận, những lời giúp mọi người hiểu ra đường ngay lẽ thật.
III. ĐỂ KHỎI BỊ CÂM ĐIẾC
1. Bài học cho chúng ta.
Đức Giêsu làm phép lạ này như đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi và phán :”Epphata” nghĩa là hãy mở ra tức thì tai anh mở ra, lưỡi anh được tháo gỡ và nói được, cũng là bài học cho các môn đệ và chúng ta. Người môn đệ Chúa phải là người cởi mở, vừa đón nhận, vừa thông truyền Lời Chúa. Phải mở tai để nghe Lời Chúa và mở miệng để tuyên xưng đức tin, như lời tiên tri Isaia từng nói :”Đức Giavê đã cho tôi lưỡi của môn sinh, để tôi biết nâng đỡ người cùng khổ. Và sáng sáng, Người lay tỉnh tai tôi cho tôi biết nghe như những môn sinh”(Is 50,4).
2. Biết lắng nghe và chia sẻ.
Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Đức Giêsu đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.
Truyện : Bức tường Bá Linh.
Ngày 13/08/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người : cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ vơi nhau, nước Đức được thống nhất, thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 175).
Chúa ban cho người câm điếc có thể nghe được và nói được để anh có thể dùng hai khả năng ấy để chia sẻ với mọi người. Đây là hai ân ban của Chúa. Chúng ta cũng phải dùng ân ban ấy cho đúng, bởi vì trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có cái lưỡi tốt nhưng không biết nói những lời đáng nói. Cho nên chúng ta cần phải được Chúa chữa trị để biết chia sẻ cho nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta lại cố tình tạo ra sự câm điếc khi chúng ta không bao giờ biết đến anh em, chỉ biết sống ích kỷ, co cụm lại nơi bản thân mình, không để ý đến ai. Do đó, chúng ta trở nên cố chấp trước những lời khuyên bảo của người khác để làm những điều xằng bậy mà không biết hổ thẹn. Những người như thế Được người đời tặng cho cái danh hiệu là :”Điếc không sợ súng”. Câu tục ngữ ấy có nghĩa là vì ngu dốt, thiếu kinh nghiệm không hiểu biết nên chủ quan làm liều làm bừa bãi, không sợ sai lầm nguy hiểm.
Chúa cũng ban cho chúng ta cái lưỡi tốt để nói năng, chúng ta cũng phải biết dùng nó để chia sẻ với nhau vì lời nói là phương tiện chia sẻ với nhau hữu hiệu, có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Dùng lưỡi mà chia sẻ với nhau là một điều tốt, nhưng phải chia sẻ với nhau một cách thành thực chứ không dối trá, bởi vì người ta nói :”Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, (Tục ngữ) có nghĩa là lưỡi không có xương nên uốn lắt léo thế nào cũng được. Nghĩa bóng của câu này thường được dùng để chỉ người ăn nói trước sau bất nhất, lúc thế này, lúc thế khác.
Ngoài ra, những người ác độc có những lời lẽ rất ngon lành, tốt đẹp nhưng lại hàm ý nghĩa xấu trong đó.Vì thế người ta nói :”Lưỡi mềm độc quá đuôi ong”(Tục ngữ), có nghĩa là lưỡi mềm là lưỡi không cứng rắn như đá, không sắc nhọn như dao, lý ưng không có gì đáng sợ vì không làm đau đớn thương tổn được người ta. Aáy vậy mà lưỡi độc quá đuôi ong, châm vào thịt đau buốt và sưng vù lên. Lưỡi nói xấu ai thì người ấy mất bạn bè, mất danh giá; lưỡi vu khống ai thì người ấy bị tù tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 152).
Trái lại, khi chia sẻ với nhau hãy cố gắng dùng những lời lẽ tốt đẹp mà cư xử với nhau, đem lại cho nhau một niềm vui như người đời thường khuyên :
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
3. Xin Chúa ban thêm đức tin.
Khi Đức Giêsu chữa anh điếc nói ngọng này, Ngài khêu gợi đức tin nơi anh. Chắc chắn là anh ta kém đức tin vì Đức Giêsu phải đem anh riêng ra làm những cử chỉ khêu gợi lên trong lòng anh đức tin rất cần thiết để ban ơn khỏi bệnh cho anh. Khi đức tin đã nhóm lên trong lòng, Ngài mới làm phép lạ cho anh khỏi bệnh. Điểm chúng ta muốn nói là sở dĩ anh kém đức tin vì anh điếc, không nghe được Lời Chúa. Ngày nay nhiều thanh thiếu niên kém đức tin hoặc đã mất đức tin vì anh điếc hay giả điếc, không nghe Lời Chúa.
Đa số chúng ta đều cho rằng mù thì tệ hại hơn điếc. Thế nhưng cô Helen Keller vừa bị mù lẫn điếc thì cho rằng bị điếc còn khốn hơn bị mù nhiều. Nếu chúng ta bị điếc không nghe được, thì quả là phần lớn những cánh cửa trong cuộc đời ta đã bị khép chặt lại , chẳng hạn : mở rađiô thì chả hiểu gì, xem truyền hình thì cũng chả thú vị gì mà còn phát chán, và hầu như không thể trò chuyện với ai được cả. Vì thế, sau một thời gian chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.
Bài Tin mừng hôm nay khuyên chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu để Ngài mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài đặt ngón tay của Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta. Nói cụ thể hơn, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm lại những gì chúng ta có thói quen hay làm, tức là bỏ ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện, để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho người câm điếc ấy, nghĩa là Tin mừng mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc của chúng ta.
Truyện : Thánh Giêrônimô
Hồi ấy, Giêrônimô (342-420) là một văn hào lỗi lạc về văn chương cổ điển và không biết gì về Thiên Chúa. Ngài say mê đọc các tác phẩm của Cicéron. Một hôm, ngài nghe tiếng Chúa hỏi :
– Giêrônimô, con là môn đệ của ai ?
– Thưa, con là môn đệ của Chúa.
– Không phải, con là môn đệ của Cicéron.
Từ đó, Giêrônimô giác ngộ và quyết chí học hỏi Lời Chúa. Ngài được ơn Epphata. Ngài qua thánh địa vào ẩn tu trong hang đá Belem để phiên dịch Thánh Kinh, để suy niệm Lời Chúa, sống trong khung cảnh Chúa đã sống. Ngài đã nói :”Ai không hiểu biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu”. Bản dịch Vulgata (Phổ thông) của Ngài đã được công đồng Triđentinô (thế kỷ 16) nhìn nhận là phù hợp với đức tin và được coi là bản dịch chính thức của Hội thánh.