Hãy mở ra
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 7:31-37)
Nghe và nói là hai phương tiện cần thiết để chúng ta giao tiếp, nhận và phát đi mọi thông tin hoặc sứ điệp. Nếu chúng ta bị điếc hay bị câm, hoặc cả hai, thì những trở ngại trong việc giao tiếp sẽ làm chúng ta vô cùng khó chịu. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể tưởng tượng người điếc và ngọng vui mừng như thế nào sau khi được Chúa chữa lành. Anh vui mừng đến nỗi quên luôn cả lời Chúa căn dặn anh không được nói cho ai biết về việc chữa lành, nhưng “Người càng cấm, họ càng đồn ra”. Tuy nhiên quan trọng hơn, phép lạ chữa lành này mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt về căn bệnh điếc và ngọng của tâm hồn chúng ta.
Thiên Chúa dựng nên con người có miệng nói tai nghe là để họ sống mối tương quan với nhau, nhưng cũng để họ sống mối tương quan với chính Người. Thực vậy, Chúa đã tạo dựng con người và muôn vật bằng Lời khi Người phán “Hãy có trời, đất, con người, loài vật…” Hơn thế nữa, Chúa còn phán dạy qua Lề Luật, các ngôn sứ, nhất là qua Chúa Giê-su, để con người biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa. Đáp lại, con người cũng dùng lời nói để dâng lên Chúa lời chúc tụng, cảm tạ, cầu khẩn và xin Người tha thứ lỗi lầm. Tuy nhiên trong lịch sử dân Chúa, biết bao lần Chúa đã phán dạy, nhưng họ không muốn lắng nghe. Thậm chí Ít-ra-en còn giết hại những vị ngôn sứ mang sứ điệp của Chúa đến cho họ nữa. Rồi họ đã ngậm miệng không muốn ca tụng Chúa khi họ thờ phượng các thần ngoại thay vì thờ phượng Người. Đó là bệnh điếc và ngọng của cả một dân tộc.
Hình ảnh người điếc và ngọng trong câu chuyện Tin Mừng có thể là chính hình ảnh của nhân loại nói chung, hoặc của dân Chúa, hoặc đặc biệt của mỗi người chúng ta. Khi căn bệnh điếc và ngọng đã trở nên trầm kha thì mối tương quan giữa chúng ta với Chúa đang đi vào bế tắc. Đối với từng cá nhân mắc chứng bệnh điếc và ngọng, Chúa có cách chữa trị độc đáo như chúng ta thấy bài Tin Mừng kể lại. Người sẽ “kéo riêng chúng ta ra khỏi đám đông”, ra khỏi những ồn ào của thế gian để chúng ta dễ dàng hoàn toàn ở trong sự hiện diện với Người. Người sẽ dùng ngón tay quyền năng để thông lỗ tai tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta nghe được những lời yêu thương kêu gọi chúng ta hãy gắn bó với Người. Người sẽ bôi nước bọt có sức mạnh chữa lành để tháo gỡ mọi ràng buộc tội lỗi đã làm cho chúng ta không thể mở miệng nói với Chúa và anh chị em. Người sẽ “ngước mắt lên trời” cầu nguyện cho chúng ta được trở lại sống trong tình thân mật với Người. Sau cùng, Người bảo chúng ta: “Hãy mở ra!” Mở tâm hồn để Người ngự vào. Mở tai để nghe lời dịu ngọt của Người. Mở mắt để bước theo Người. Tóm lại là Người mời gọi chúng ta sống trọn vẹn trong sự thông hiệp đầy tràn yêu thương với Người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Khi cử hành Bí tích Rửa tội cho một em nhỏ, vị linh mục chạm vào tai và miệng em, nhắn nhủ em hãy lắng nghe lời Chúa và rao giảng Tin Mừng. Nhưng có lẽ chúng ta đã quên mất cử chỉ ý nghĩa ấy rồi. Tệ hơn nữa, chúng ta ít nhiều cũng mang chứng bệnh điếc và ngọng. Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh là Lời Chúa. Vậy mà Kinh Thánh đối với nhiều người vẫn còn là xa lạ! Chúa nói với chúng ta qua việc giảng dạy của Giáo Hội, việc chia sẻ lời Chúa trong Thánh lễ, lời khuyên của bề trên hoặc cha mẹ, lời nhắc nhở của bạn bè… Vậy mà ít khi chúng ta coi những tiếng nói ấy là quan trọng! Chúng ta trở nên ngọng ngịu hoặc câm như hến là vì sợ bị mất quyền lợi và tổn thương nên không dám nói lên sự thật xây dựng hoặc bênh vực cho lẽ phải. Có nhiều bậc cha mẹ mắc bệnh câm khi không dám mở miệng sửa dạy con cái.
Lời “Ép-pha-ta – Hãy mở ra” của Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta ý thức về mối tương quan yêu thương với Người. Trên thập giá, Người đã mở trái tim của Người để cho giọt máu và nước cuối cùng minh chứng Người yêu chúng ta. Người chỉ mong đợi chúng ta cũng biết mở lòng để đón nhận lời Người và mở miệng để tuyên xưng Người là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” và mở lòng đón nhận anh chị em nữa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi