15
LẠY CHÚA TỂ HOÀN VŨ,
CON TẠ ƠN NGÀI!
Thường ra, khi phân tích người có tôn giáo, phương thức tiến hành cơ bản giống như phương thức tiến hành đối với Thiên Chúa: người ta không muốn bàn về thực tại, nhưng là về ý tưởng; về những khuôn đúc của người có tôn giáo, chứ không phải về các tu sĩ, nam hay nữ, bằng xương bằng thịt, những người đã được biết đến, được lắng nghe hoặc ít nhất người ta đã đọc những tác phẩm của họ. Người được người ta nói đến và đưa ra phán xét không phải là một người có tôn giáo trong lịch sử, đã thực sự sống, nhưng là một sản phẩm trong phòng thí nghiệm. Và thường là một bức tranh biếm họa về một người có tôn giáo. Hoặc người ta sẽ dừng lại ở những trường hợp mà chính đức tin coi chúng như một hình thức bệnh lý tôn giáo, hoặc như một tính giả tôn giáo (pseudo-religiosité).
Đối với tôn giáo và đức tin, các khoa học thế tục đôi khi chấp nhận một thái độ hoàn toàn giống với thái độ mà các khoa học ấy trách cứ tôn giáo đã thể hiện đối với khoa học, trong những thế kỷ qua. Để đánh giá các kết luận của khoa học, họ cáo buộc tôn giáo (và với lý do chính đáng) đã không dựa trên các quan sát trực tiếp, các kiểm tra và thí nghiệm, nhưng dựa trên các ý tưởng tiên định có tính cách trừu tượng và suy diễn, hoặc trên thẩm quyền không ai tranh cãi của một số bậc thầy vĩ đại trong quá khứ, chẳng hạn Aristote. Thực ra đây lại không phải là thái độ của một khoa tâm lý học nào đó, khi ngày nay bàn về những vấn đề liên quan đến đức tin hay sao? Phải chăng nó lại không dựa trên những quan sát trực tiếp, không phán xét đức tin từ bên trong mà từ bên ngoài, không phải theo những gì kinh nghiệm trực tiếp sẽ dạy cho nó, mà theo những gì nó quan sát ở nơi khác, hoặc bằng cách dẫn chứng uy tín của một vài tên tuổi lớn, như Freud chẳng hạn?
Do đó, khoa học ngày nay xử sự đối với tôn giáo như tôn giáo đôi khi đã xử sự trong quá khứ đối với khoa học, chẳng hạn trong trường hợp Galileo. Trong bất cứ nghiên cứu nào, ngày nay khắp nơi đều áp dụng nguyên tắc thí nghiệm như một tiêu chí để xác minh sự thật của một thực tại hay một hiện tượng. Ngoại trừ đức tin. Tốt hơn, dường như để nói về tôn giáo một cách nghiêm túc và khoa học, điều kiện tiên quyết không phải là có kinh nghiệm cá nhân về nó, cách nào đó miễn nhiễm với nó, tức “không bị lây nhiễm”. Chính xác giống như bệnh điên: bởi vì rõ ràng người cuối cùng có thể nói một cách nghiêm túc và khoa học về bệnh điên, là chính người điên.
Câu trả lời của Kitô giáo trước thách đố này chỉ có thể dựa vào một lời kêu gọi khẩn cấp đối với sự sống, đối với những con người thật và cụ thể, đối với lịch sử các tâm hồn, chứ không chỉ đối với lịch sử các tư tưởng. Thông thường, ngay cả khi không nhận ra điều đó, người ta vẫn sai lầm khi chấp nhận giả định mang tính ý thức hệ của những người không có tín ngưỡng, tức là người ta có thể khám phá ra bản chất của tôn giáo hoặc đức tin dựa trên những định nghĩa và ý tưởng, và như vậy là trên lãnh vực trừu tượng. Những người chiến đấu mạnh nhất chống lại sự trừu tượng đến mức biến nó thành chính mục đích và một tước hiệu độc đáo cho triết học của mình, là những người, sau đó, đã không ngừng thực hành nó một cách có hệ thống liên quan đến tôn giáo. Khi là chuyện tuyên bố ủng hộ hay chống lại tính xác thực của cuộc sống của những người theo đạo, tôi coi là trừu tượng tất cả những gì không liên quan đến việc kiểm tra trực tiếp về nội dung và diễn tiến cuộc sống của họ, về ý thức của họ liên quan đến bản thân họ, về ảnh hưởng của họ đối với môi trường và kết quả cuối cùng của cuộc đời họ, mà không quên phẩm chất, thời lượng và phạm vi ảnh hưởng của họ theo thời gian. Tóm lại, tôi kêu gọi một sự khách quan thực tế và lịch sử: phải đứng vững trong đường lối này. Một Giáo Phụ ở sa mạc nói: “Người ta luôn có thể đưa ra một lời nói chống lại một lời nói khác và một học thuyết chống lại một học thuyết khác; nhưng người ta có thể lấy gì chống lại một cuộc sống?”
Một nhân vật khác “trở về từ Sinai” giúp chúng ta đo lường khoảng cách giữa ý tưởng về con người có tôn giáo mà các cha đẻ của thuyết vô thần dùng làm kim chỉ nam cho công việc của họ, và người có tôn giáo thực sự. Thánh Symêon, Nhà Thần Học Mới, sống vào năm 1000. Ngài được coi là hình mẫu tiêu biểu nhất của sự thánh thiện Đông phương, ngang với thánh Phanxicô Assisi bên Kitô giáo Tây phương (Như vậy, chúng ta thực sự hít thở không khí của Thiên Chúa hằng sống “bằng hai lá phổi của Giáo Hội, Giáo Hội Đông phương và Giáo Hội Tây phương). Một số hoàn cảnh của cuộc sống buộc Symêon phải tự mình mô tả cuộc hành trình tâm linh của mình, do đó, lời chứng của ngài có giá trị đặc biệt có ý nghĩa.
Sau một thời gian sống theo tinh thần thế tục, ngài đã gặp được Thiên Chúa. Trong một bức tranh gây ấn tượng, ngài mô tả những hiệu quả của cuộc gặp gỡ này. Ngài viết: “Một người mà trái tim nhiễm độc, bị một tình cảm nội tâm dữ dội tấn công và hành hạ, lại sẽ quan tâm đến những vết thương nhỏ trên thân xác, hoặc sẽ lo lắng cho chúng, người đó là ai vậy? Nỗi âu lo và đau đớn không chịu nổi trong lòng khiến ông ta quên đi những vết thương trên thân xác… Ông sẽ không quay mặt nghiêm khắc với kẻ đã nguyền rủa mình…, sẽ không lo lắng về cơ nghiệp hay sự giầu có của mình, sẽ để mặc tài sản của mình cho bất cứ ai muốn cướp đoạt nó. Ông sẽ không quan tâm đến bất cứ điều gì, thậm chí không nghĩ đến nó, vì sự lo lắng của tâm hồn khiến ông coi mọi sự chỉ là hư không. Bất cứ người nào, chính trực hay không, thậm chí mọi thụ tạo dưới bầu trời, đối với ông, dường như có phúc và đáng được quý trọng… Chỉ riêng ông thấy mình không xứng đáng hiện hữu và hít thở, vì vô số tội lỗi của ông, thấy mình bị bóng tối, ngu muội và đớn đau vô tận bao phủ…” Đó là những gì ý thức về tội lỗi gây ra, “chất độc” này ăn mòn từ bên trong con người ông.
Đây chẳng phải là một xác nhận tuyệt vời về phân tích của triết gia vô thần đối với con người có tôn giáo sao, khi ông nói: “Thiên Chúa sinh ra ở đâu, thì ở đó con người phải chết!”? Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Chúng ta hãy lắng nghe phần còn lại của câu chuyện mà Symêon viết ở ngôi thứ ba. Người đàn ông bị bỏ rơi này, một mình kêu lên Thiên Chúa nỗi thất vọng của mình: “Lạy Chúa, Chúa thấy công trình tay Chúa làm ra suy vi tới đâu… Con không biết Chúa; con nghe nói về Chúa mà rùng mình. Làm gì đây? Con không biết! Con không có lý do thoái thác trước mặt Chúa.” Dần dần, vị đắng tan biến, chuyển thành “sự êm dịu của rượu ngọt”; một niềm vui mới lạ chưa từng thấy nảy mầm trong lòng người đó, niềm vui và sự dịu ngọt khiến anh ta “nôn ra chất độc của rồng…” Khi đó cuộc sống của anh “tràn đầy hoan lạc”; niềm vui trong lòng anh coi thường sự chết và âm phủ, mọi điều ác và hiểm nguy”. Anh vui mừng “gấp ngàn lần những ông vua thống trị trái đất, hơn tất cả những người mạnh khỏe, có vẻ đẹp thể hình và giàu có vô hạn”.
Rồi anh bắt đầu một hoạt động mãnh liệt biến đổi nội tâm sẽ tiếp tục suốt cuộc đời anh. Đôi lúc, sau khi đã được đưa lên trời – anh không thể nói là với thân xác hay không – anh trở lại cuộc sống hàng ngày bình thường như thể không có gì xảy ra với anh và anh vẫn còn kinh hãi vì sự lầm than của mình. Đôi khi anh bật khóc vì những đau khổ của người khác và của mình. Cuối cùng, đến ngày anh nghe thấy tiếng nói của Đức Kitô và thấy mình đang ở trước mặt Ngài. “Thưa Thầy, con là ai?… Con đã làm gì mà Thầy phán xét con xứng đáng hưởng những sự lành ấy? Thầy đã đưa con tới những dịu ngọt nào?” Tiếng của Thần Khí đáp lại: “Chừng nào ngươi không được giải thoát khỏi xác thịt, ngươi sẽ không thể thưởng thức niềm vui trọn vẹn và hoàn toàn.” Anh đưa ra câu hỏi mới: “Vậy có gì lớn hơn hoặc nổi bật hơn cái mà con đã có?”. Thì được trả lời: “Ngươi thực bủn xỉn khi hài lòng với những sự lành này, so với những sự lành tương lai, chúng tương đương với thiên đường được vẽ trên giấy đang cầm ở tay: thiên đường này kém hơn thiên đường thật bao nhiêu, thì vinh quang tương lai cao hơn những gì ngươi thấy bây giờ bấy nhiêu và không so sánh được.”
Về cuối đời, anh ta sẽ hát một bài thánh thi vô tận để tạ ơn: “Con cảm tạ Chúa, con tôn thờ Chúa, con phủ phục trước nhan Chúa, lạy Chúa tể vũ trụ… vì Chúa đã làm cho con biết bao nhiêu điều; Chúa đã làm cho con được vẻ vang; Chúa đã tôn vinh con; Chúa đã đáp ứng mọi yêu cầu của con… Chúa đã đưa con từ hư vô tới chỗ hiện hữu… Chúa đã cho con được tự do… Chúa đã thanh tẩy trí khôn con; Chúa đã làm cho linh hồn con biết nhìn xa trông rộng[1]…”
Kết quả của cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa không phải là cái chết mà là sự sống mới trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực trí thức. Một sự sống quá viên mãn, phong phú, đến nỗi biết bao nhiêu thế hệ Kitô hữu, đặc biệt ở Đông phương, đã kín múc ở đó và ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục kín múc rất nhiều. Một kinh nghiệm đã vượt qua thử thách khó khăn nhất, đó là kinh nghiệm về thời gian, về sự thay đổi của các văn hóa và thị hiếu. Kết quả của cuộc phiêu lưu tôn giáo chắc chắn không phải là sự bần cùng hóa hay bị gạt ra bên lề cuộc sống, cũng không phải là sự thu hẹp các chân trời, mà trái lại là sự triển nở công khai nhất của tất cả hữu thể.
Những chứng từ này được nêu lên trong cuộc đời của các thánh chỉ là xác nhận giáo huấn của Kinh Thánh. Bình giải tước hiệu “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và của Giacóp”, Đức Giêsu xác định rằng “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). Thiên Chúa hằng sống là điều kiện để con người cũng được sống. Thánh Irênê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa[2].” Không có sự cạnh tranh nào, không có sự xung khắc nào giữa hai bên, nhưng là sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính chất sinh tử. Thiên Chúa của Kinh Thánh không muốn con người phải chết, cũng không muốn “hy tế đổ máu”, nhưng muốn cho “con người thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11). Đức Giêsu nói: “Tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Trước những cuộc đời như của Pascal, của thánh Symêon và của vô số những Kitô hữu khác, là những người vui mừng và hát lên: “Vui! Vui! Thật vui!”, [phương tiện bảo vệ duy nhất còn lại cho người vô thần là nghi ngờ về niềm vui này]. Thánh Bênađô đã viết rằng một khi dấn thân vào con đường hoàn toàn tự chủ liên quan tới Thiên Chúa, con người “thích khẳng định sự độc lập của mình đối với Thiên Chúa, ngay cả khi phải trả giá bằng sự bất hạnh của mình, hơn là được hạnh phúc trong sự vâng phục Thiên Chúa[3].” Ở đây, chúng ta nhận ra một khía cạnh thuộc “thảm kịch của chủ nghĩa nhân bản vô thần”: buộc phải lựa chọn giữa hạnh phúc và tự do, là tù nhân của một khái niệm tự do, mà, tự bản chất, dẫn đến bất hạnh.
Trước khoa thần bí, sự hoài nghi đã mang một hình thức tinh vi và lừa lọc. Người ta nói rằng việc mô tả các trạng thái thần bí nhắc nhớ rất gần gũi các trạng thái yêu đương; những gì các nhà thần bí mô tả về tình yêu Thiên Chúa thực sự rất gần với những biểu hiện của tình yêu con người! Cuộc hôn nhân thần bí của họ với Thiên Chúa lại không phải là một sự “thần bí hóa”, một sự thăng hoa hay một sự thay thế cho hôn nhân tự nhiên sao? Đây là câu trả lời của tôi: tại sao, đúng hơn, không xem xét giả thuyết ngược lại và cho rằng hôn nhân tự nhiên chỉ là bắt chước, trong khi hôn nhân thần bí mới là thực tế? Không phải là chính đáng hơn khi coi sự kết hợp tính dục là một biểu tượng, một dụ ngôn và như nhắm tới “sự viên mãn” khác mà các nhà thần bí đã nếm thử trước sao? Còn hơn thế nữa vì phải chăng sự kết hợp tính dục rõ ràng mang trong mình những dấu hiệu của sự không trọn vẹn, bấp bênh và khát vọng về một thực tại vừa sâu sắc vừa khác biệt? Chúng ta được tạo ra không phải để sống trong một mối tương quan vĩnh cửu của đôi lứa nhưng là trong một mối tương quan vĩnh cửu với Thiên Chúa, với Đấng Tuyệt Đối. Không phải một nhà thần bí, cũng không phải một người của Giáo Hội, đã thốt ra câu nổi tiếng: “Tất cả những gì qua đi chỉ là dụ ngôn[4].”
Bản chất của hoài nghi và “tai ác” của nó nằm ở chỗ nó thoát khỏi mọi đối đầu và do đó mọi khả thể bị phản bác. Người ta có thể phản bác một lý do, một sự kiện, nhưng không thể phản bác một hoài nghi. Hoài nghi liên quan đến ý muốn hơn là đến lý trí. Nó gần gũi với bản chất của tội lỗi, là “tự ý.” Con rắn không lôi kéo Ađam và Evà đến chỗ phạm tội bằng cách đưa ra một lý do chống lại Thiên Chúa, nhưng bằng cách làm cho họ nghi ngờ Thiên Chúa.
Do đó người ta không thể loại bỏ sự hoài nghi bằng suy luận. Nhưng có lẽ không tốt nếu loại bỏ nó, vì chính nhờ nó mà tin trở thành một việc nghiêm trọng. Sự kiện có thể nghi ngờ bên trong hoặc bên ngoài chúng ta sẽ thanh tẩy đức tin và giữ cho người tin ăn ở khiêm nhường. Theo nghĩa này, con đuòng đi vào trong lịch sử thế giới của các triết gia vô thần, mà chúng ta đã nói hoặc sẽ nói sau này, đã không vô ích. Thật nghịch lý, họ đã phục vụ và vẫn phục vụ cho chính nghĩa của đức tin mà họ muốn tiêu diệt.
Lời kinh của vị thánh đã đồng hành với chúng ta trong chặng đường này của cuộc hành trình, chúng ta hãy coi đó là lời kinh của mình:
“Con cảm tạ Chúa, con tôn thờ Chúa, con phủ phục trước nhan Chúa, lạy Chúa tể vũ trụ… vì Chúa đã làm cho con biết bao nhiêu điều; Chúa đã làm cho con được vẻ vang; Chúa đã tôn vinh con; Chúa đã đáp ứng mọi yêu cầu của con… Chúa đã đưa con từ hư vô tới chỗ hiện hữu… Chúa đã cho con được tự do… Chúa đã thanh tẩy trí khôn con; Chúa đã làm cho linh hồn con biết nhìn xa trông rộng”.
[1] S. Syméon le Nouveau Théologien, Catéchèses XXIII & XXV-XXVI; x. SC 113,pp 15-23; et 305-351.
[2] Saint Irénée, Contre les hérésies, IV, 20, 7; trad. Rousseau, Cerf, Paris, p. 474.
[3] Saint Bernard, Sur les degrés d’humilité, X, 36; ed. Soleil Levant, Namur, 1958, p.62.
[4] J.W. Goethe, Faust, 2e partie, finale acte V, v,12104 sv.; Ed. Montaigne, Paris, 1933.