2
THIÊN CHÚA,
CẢM THỨC VỀ MỘT SỰ HIỆN DIỆN
Thiên Chúa hằng sống: nói về điều ấy theo nghĩa nào và định nghĩa nó như thế nào? Lúc đầu, tôi dự định trả lời câu hỏi này bằng cách vẽ phác sơ lược về Thiên Chúa hằng sống khởi đi từ Kinh Thánh. Rất nhanh chóng, tôi nhận thấy một công việc như vậy là ngốc nghếch. Muốn mô tả Thiên Chúa hằng sống, vẽ Ngài như một hình ảnh, ngay cả khởi đi từ Kinh Thánh, lại không có nguy cơ giản lược Thiên Chúa hằng sống vào một ý tưởng về Thiên Chúa hằng sống sao ?
Cũng vì lý do ấy, tôi đã không sắp đặt toàn bộ cuốn sách này với các tiêu đề và phụ đề. Dường như tôi thấy tốt hơn, là chấp nhận cách thức dùng các chương nhỏ nối tiếp nhau, không cần liên tục, giống như bao nhiêu bậc để đạt tới đỉnh núi Sinai của chúng ta. Như vậy tác phẩm sẽ không được thống nhất bằng một “luận lý”, mà bằng một “thực tại”, đó là chính Thiên Chúa hằng sống. Chính Ngài sẽ ấn định thứ tự các ý tưởng và suy tư, theo cách một cục nam châm thu hút và bố trí mạt sắt trong từ trường của nó.
Người ta có thể có một loại trực giác, một hình thức tri giác trực giác, một hình thức tiên cảm (pré-sentiment) về Thiên Chúa hằng sống, với tư cách một Thiên Chúa sống động. Người ta có thể khơi dậy niềm khát khao, hoài niệm về Ngài. Nhưng không đi xa hơn. Không thể nhốt cuộc sống vào trong một ý tưởng. Nơi Thiên Chúa, “suy nghĩ là sống, là hiện hữu, tất cả là một[1].” Điều này đủ để chứng minh rằng, tự nó, ở đỉnh cao nhất, không có đối kháng giữa ý tưởng và thực tại, giữa sống và nghĩ, và do đó giữa Thiên Chúa sống động và Thiên Chúa được nghĩ đến. Nhưng chỉ tìm thấy điều này nơi Thiên Chúa, chứ không phải nơi chúng ta; khi chính Thiên Chúa là Đấng hình thành một ý tưởng về Ngài, chứ không phải khi chính chúng ta là những người hình thành một ý tưởng về Thiên Chúa. Trong trường hợp trước, nghĩ và sống ở cùng một cấp độ; trong trường hợp sau, một không gian vô tận chia cách chúng.
Kết quả là người ta sẽ dễ dàng có cảm thức hoặc tri giác về Thiên Chúa hơn là có ý tưởng về Ngài; vì ý tưởng bao quanh con người, trong khi cảm thức mạc khải sự hiện diện của người ấy, mà vẫn bảo toàn tính toàn bộ và không xác định của người ấy. Theo nghĩa này, thánh Grêgôriô Nyssê nói về loại hình tri thức cao nhất về Thiên Chúa bằng cách trình bày nó như là “cảm thức về một sự hiện diện ở ngay bên[2]“.
Về điểm này, nói về “tri thức” hoặc “trực giác” hơn là về “cảm thức” hẳn là thích hợp. Dầu sao, cảm thức nói ở đây hoàn toàn không có gì chung với màu sắc lãng mạn hoặc mộ đạo của thuật ngữ. Thậm chí người ta có thể nhận ra phẩm chất của ý tưởng, như người ta ghi nhận nơi một số nhà tư tưởng “đam mê” suy nghĩ, một suy nghĩ bao hàm, thậm chí một cách hiện sinh, tất cả cuộc sống.
Một người nào đó có được tri giác thần bí phi thường nhất về Thiên Chúa trên thực tế sẽ giống như người có một ảo mộng mà, khi tỉnh dậy, vẫn giữ lại được một ấn tượng rõ ràng về nó, nhưng cho dù cố gắng thế nào đi nữa, tâm trí người đó vẫn không thể nhớ lại cả diễn tiến lẫn nội dung của giấc mơ. Sự êm dịu do giấc mơ đem lại, người đó chỉ giữ được nó sống động trong tâm khảm mà thôi[3].
Khoa hiện tượng học tôn giáo đã cho thấy rõ thần thánh thuộc một phạm trù tuyệt đối không giống với bất cứ phạm trù nào khác: “khoa này là đối tượng không phải để định nghĩa theo nghĩa chặt của thuật ngữ, nhưng chỉ là đối tượng để khảo sát. Người ta chỉ có thể tìm cách làm cho mọi người hiểu nó là gì, bằng cách cố gắng làm cho thính giả chú ý đến nó, cố gắng giúp cho người đó tìm ra trong đời sống nội tâm của mình điểm mà nó sẽ xuất hiện và vọt ra, khiến cho người đó nhất thiết phải ý thức về nó. Người ta có thể thêm vào phương pháp này cách chỉ ra những mối tương quan hoặc đối lập đặc trưng của nó với các hiện tượng xảy ra trong các lãnh vực khác được biết đến nhiều hơn của đời sống thiêng liêng… bằng cách cho thấy rõ đối tượng người ta nói đến không giống hệt nó, nhưng tương tự hoặc thậm chí đối nghịch với nó[4].”
Chỗ nào không thể có chút tương đồng, thì sự đối nghịch và tương phản, hơn là loại suy, thường được coi là con đường tốt nhất dẫn đến hiểu biết. Khi ấy áp dụng nguyên tắc theo đó “Thiên Chúa thích tự mạc khải mình trong cái ngược lại” (sub contraria specie).
Chính Kinh Thánh cũng luôn nói về Thiên Chúa bằng những hạn từ vô ngôn (apophatique), nghĩa là tiêu cực hoặc ám chỉ. “Mắt chưa được thấy, tai chưa được nghe, không bao giờ đi vào lòng người…”; hoặc bằng cách đặt câu hỏi: “Bạn có thể so sánh tôi với ai?“; “Ai đã từng là cố vấn cho Người?“; “Hỡi con người, ngươi là ai mà dám tranh cãi với Thiên Chúa?“; hay bằng những câu hô lên: “Thánh, thánh, thánh!“; “Thiên Chúa là Chúa thương xót và nhân từ!” “Ôi! sự phong phú, khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!”. Cuối cùng và thường thấy hơn vẫn là các hình ảnh và biểu tượng: Thiên Chúa là ánh sáng, sự sống, nước hằng sống, lửa, đá tảng.
Điều chúng ta có thể làm, ngay cả trước mặt Thiên Chúa hằng sống, là vượt ra khỏi “những điểm tựa yếu ớt mà con người đã vẽ trên bề mặt của chúng”, phá vỡ những vỏ sò nhỏ bé chứa đựng những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, những “chiếc lọ nhỏ bằng thạch cao” mà chúng ta nhốt Ngài trong đó, để hương thơm của Ngài lan tỏa và “tràn ngập khắp căn nhà”.
Thánh Augustinô là bậc thầy trong vấn đề này. Trong một diễn từ trước dân chúng (chứ không phải trong một khảo luận dành cho các học giả), thánh nhân đã kêu gọi những thính giả của mình: “Anh em hãy đập vỡ những ngẫu tượng trong tâm hồn anh em!” Những ngẫu tượng này không phải là những ngẫu tượng bên ngoài, bằng gỗ hay cẩm thạch, nhưng là những ngẫu tượng bên trong. Không phải là những ngẫu tượng của dân ngoại, nhưng là những ngẫu tượng của Kitô hữu. “Có người hình dung Thiên Chúa sáng tạo như một nghệ nhân vĩ đại, người đã tạo nên, bố trí, sắp đặt, tạo hình, chỉnh sửa: đó là một ngẫu tượng về Thiên Chúa! Người khác coi Ngài như một vị vua vĩ đại ngồi trên ngai: đó là một ngẫu tượng về Thiên Chúa[5]!”
Cũng chính thánh Augustinô đã đề xuất một loại phương pháp để nâng lòng trí chúng ta lên tới Thiên Chúa hằng sống, gồm việc lặp lại câu sau đây cho chính chúng ta, sau mỗi lần suy về Thiên Chúa: “Đó không phải là Thiên Chúa của tôi! Đó không phải là Thiên Chúa của tôi!” Hãy nghĩ tới đất, hãy nghĩ tới trời, hãy nghĩ tới các thiên thần, hoặc tới bất cứ hữu thể nào hay người nào; cuối cùng hãy nghĩ tới những gì bản thân bạn nghĩ về Thiên Chúa, và mỗi lần hãy lặp lại: “Đó không phải là Thiên Chúa của tôi! Đó không phải là Thiên Chúa của tôi! Tất cả những cái đó chẳng là gì cả!” Và tất cả các thụ tạo được hỏi về Thiên Chúa đều trả lời cho người hỏi họ: “Chúng tôi không phải là Thiên Chúa của bạn. Hãy tìm kiếm Ngài ở trên đầu chúng tôi[6]!” Chúng ta phải tin vào một Thiên Chúa, Đấng thậm chí vượt trên cả Thiên Chúa mà chúng ta tin!
Thiên Chúa hằng sống có một tài sản độc quyền: Ngài là toàn thể trong khi tất cả các hình ảnh thể hiện khác nhau về Ngài không phải là toàn thể mà chỉ là một phần, một mảnh. Giữa thời Trung cổ, đối mặt với những phân biệt tế vi về Thiên Chúa (bản tính và ngôi vị ; yếu tính và hiện hữu; những thuộc tính ; những toàn hảo…) được phương pháp “phân biệt” (distinctions) của thần học kinh viện giới thiệu, một người chiêm niệm đã hiểu được trở ngại nào đã xẩy ra cho linh hồn tìm kiếm Thiên Chúa trong toàn bộ tính và đơn giản tính của Ngài. Khi ấy ông đưa ra một lời kêu gọi có thể tóm tắt bằng những lời như sau: “Chính Thiên Chúa mà con muốn có… chính Ngài mà con tìm kiếm, không gì ngoài Ngài. Xin ban tất cả Ngài cho con. Con muốn tất cả Ngài[7]!”
Tuy nhiên, một câu hỏi không thể không nảy sinh: chúng ta đang nói về ai khi chúng ta nói lên từ “Thiên Chúa” mà không cần nét đặc tả nào khác? Khi mà trong Cựu Ước tác giả Thánh vịnh ca lên: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ” (Tv 63,2), thì chữ “Ngài” này ám chỉ ai? Ai trả lời ở đầu dây bên kia? “Ngài” này không chỉ đơn giản là Thiên Chúa-Cha, ngôi một Thiên Chúa, như thể ngôi này đã có hoặc có thể được nghĩ đến lúc nào đó mà không có hai ngôi kia. Cũng chắc chắn không phải là yếu tính thần linh vô định, như thể đầu tiên có một yếu tính thần linh, sau đó được đặc phân thành Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.
Thiên Chúa duy nhất, Đấng nói trong Kinh Thánh là: “Ta là“, chính là Chúa Cha sinh ra Chúa Con và cùng với Ngài (hoặc qua Ngài) mà thở ra Thần Khí, chia sẻ với các Ngài toàn thể thần tính của mình. Đó là Thiên Chúa hiệp thông tình yêu, nơi Ngài duy nhất và ba ngôi đến từ cùng một nguồn, từ cùng một hành vi, và tạo thành ba trong một, trong đó không thực tại nào trong hai – một và nhiều – có trước thực tại kia hoặc hiện hữu mà không có thực tại kia, không cấp nào trong hai vượt trội hơn cấp kia hoặc “sâu thẳm hơn” cấp kia.
Đó là “toàn bộ” mà chúng ta cần; chính với toàn bộ ấy mà cả chúng ta nữa, chúng ta muốn hiệp thông. Tựu trung, Thiên Chúa hằng sống của các Kitô hữu không ai khác hơn là Ba Ngôi hằng sống. Giáo lý về Ba Ngôi được chứa đựng như hạt mầm (in nuce) trong mạc khải về Thiên Chúa là Tình Yêu. Quả quyết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), cũng là muốn nói: Thiên Chúa là ba ngôi. Thánh Augustinô giải thích điều đó theo cách sau đây: mọi tình yêu đều bao hàm một người yêu, một người được yêu, và một tình yêu nối kết họ. Có thể đưa ra một cách giải thích hơi khác. Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta biết mọi tình yêu là yêu một ai đó hoặc một sự gì đó; không có thứ tình yêu “trống rỗng”, không có đối tượng. Vậy, Thiên Chúa, Ngài yêu ai để được định nghĩa là tình yêu? Con người ư? Nhưng trong trường hợp này, đó là một tình yêu chỉ có từ vài trăm triệu năm trước. Vũ trụ ư? Nhưng tình yêu này cũng chỉ có từ vài chục tỉ năm… Trước đó, Thiên Chúa yêu ai để được gọi là Tình Yêu?
Các nhà tư tưởng Hy Lạp và nói chung các triết học tôn giáo ở mọi thời đại, khi quan niệm Thiên Chúa trước hết như là “ý tưởng”, đã có thể trả lời rằng Thiên Chúa nghĩ tưởng về chính mình; rằng Ngài là “ý tưởng thuần túy”, “ý tưởng của ý tưởng”. Người ta không thể nghĩ thế khi nói rằng Thiên Chúa trước hết là tình yêu, vì “thuần túy yêu mình” sẽ là thuần túy ích kỷ, đây không phải là cách tôn vinh cao nhất dành cho tình yêu, nhưng là hoàn toàn phủ nhận nó. Đây là câu trả lời của mạc khải, được Giáo Hội làm rõ. Thiên Chúa là tình yêu từ muôn đời, ab aeterno, vì ngay cả trước khi có một đối tượng bên ngoài Ngài để yêu, Ngài đã có nơi mình Ngôi Lời, Chúa Con, Đấng mà Ngài yêu trong một tình yêu vô biên, nghĩa là “trong Chúa Thánh Thần”.
Tất nhiên, qua đó người ta không muốn nói “làm thế nào” mà duy nhất có thể đồng thời là ba ngôi (đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết, vì chỉ bắt gặp nơi Thiên Chúa) nhưng lời giải thích là đủ để giúp người ta nhận thấy, ít nhất do trực giác, “tại sao” nơi Thiên Chúa, một cũng phải là nhiều, thậm chí là ba : bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu!” Một Thiên Chúa là Tri Thức thuần túy, hoặc Luật thuần túy, hoặc Quyền Năng thuần túy, hẳn không cần phải là ba (điều này đúng ra lại làm cho mọi sự thêm phức tạp rất nhiều). Đối với một Thiên Chúa trên hết là Tình Yêu thì hoàn toàn khác, bởi vì “để nói về tình yêu, cần ít nhất hai người”. Cha de Lubac viết: “Thế giới phải biết rằng: mạc khải của Thiên Chúa Tình Yêu đã làm đảo lộn tất cả những gì nó đã quan niệm về thần tính[8].” Đối với cả các Kitô hữu, chỉ có một Thiên Chúa độc nhất, tuy vậy Ngài không là một Thiên Chúa cô độc.
Cùng với thánh Augustinô, người đã đồng hành với chúng ta trong chặng thứ hai này của cuộc hành trình, chúng ta hãy cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, niềm hy vọng duy nhất của con, xin nhậm lời con, kẻo vì mệt mỏi mà con không còn muốn tìm kiếm Chúa nữa, nhưng xin cho con luôn hăng say tìm kiếm khuôn mặt Chúa… Trước mặt Chúa là sức mạnh và sự yếu đuối của con: xin canh giữ sức mạnh của con, xin chữa lành sự yếu đuối của con… Chớ gì Chúa là Đấng con nhớ đến, là Đấng con hiểu, là Đấng con yêu[9]! “
[1] Thánh Augustinô, La Trinité, VI, x, 11; x. BA 1, 15, p. 497.
[2] Thánh Grêgôriô Nyssê, Sur le Cantique, XI, 5, 2; x. Migne, p. 224.
[3] Dante Alighieri, Paradis, XXXIII, vv, 59-63.
[4] R. Otto, Le sacré, 2, 2, trad. A Jundr, Paris, Payot, 1955, p. 21.
[5] Thánh Augustinô, Sermon 223 A, 5 (Miscellanea Agostiniana, Roma 1930, pp. 151).
[6] Thánh Augustinô, Sur le psaume 85, 12, x. Humeau, p. 229; Confessions, X, VI, 9 BA t. 14, p. 155.
[7] x. Anonyme anglais, Le nuage de l’inconnaissance, VII, trad. Notinger, Mame. 1925, p. 88.
[8] H. de Lubac, Histoire et Esprit, Paris, Aubier, 1950, ch. 5, p. 242 sv.
[9] Thánh Augustinô, La Trinité, XV, XXVIII, 51; x. BA t. 16, p. 565.