Chương Hai: Những Kinh Nghiệm Và Thách Đố Của Gia Đình
(Số 31-57)
31. Phúc lợi của gia đình mang tính quyết định đối với tương lai của thế giới và tương lai của Giáo Hội. Biết bao nhiêu cuộc nghiên cứu đã được thực hiện về hôn nhân và gia đình, các vấn đề và thách đố hiện tại của họ. Thật tốt cho chúng ta khi tập trung vào những thực tại cụ thể, bởi vì “lời mời gọi và những đòi hỏi của Thần Khí vang vọng trong các biến cố của lịch sử”, và ngang qua những biến cố này “Giáo Hội cũng có thể được hướng dẫn đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm không bao giờ cạn vơi của hôn nhân và gia đình”.(8) Ở đây tôi sẽ không nỗ lực để trình bày tất cả mọi điều có thể nói về gia đình ngày nay. Tuy nhiên, vì các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã xem xét hoàn cảnh của gia đình trên khắp toàn cầu, tôi coi đó thật phù hợp để xét đến một số những hiểu biết mục vụ của các Ngài, cùng với những bận tâm xuất phát từ kinh nghiệm của riêng tôi.
THỰC TẠI HIỆN NAY CỦA GIA ĐÌNH
32. “Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô chúng ta nhìn đến thực tại của gia đình ngày nay trong tất cả sự phức tạp của nó, với điểm sáng và điểm tối của nó… Những thay đổi về mặt nhân chủng và văn hoá trong thời đại của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống và mời gọi một cách tiếp cận mang tính phân tích và đa dạng”.9 Vài thập kỷ trước, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã ghi nhận rằng các gia đình đã vui hưởng sự tự do lớn lao hơn “ngang qua một sự phân phối bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận”; thực ra, “một sự nhấn mạnh quan trọng hơn về sự giao tiếp cá nhân giữa các đôi bạn sẽ giúp cho đời sống gia đình trở nên nhân bản hơn”, trong khi “cả xã hội ngày nay lẫn xã hội thời ấy mà chúng ta đang tiến bước cho phép một sự tồn tại không cần thiết của những hình thức và khuôn mẫu cũ hơn”.10 Cũng thật rõ ràng là “những khuynh hướng chính trong những thay đổi nhân chủng – văn hoá” đang dẫn “các cá nhân, trong đời sống mục vụ và gia đình, lãnh nhận ngày càng ít sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội hơn so với trong quá khứ”.(11)
33. Mặt khác, “người ta cần phải thực hiện việc suy xét bình đẳng đối với mối nguy đang gia tăng mà đại diện là một chủ nghĩa cá nhân cực đoan vốn làm suy yếu các mối liên kết gia đình và mang lấy kết cục là coi mỗi thành viên của gia đình như là một đơn vị độc lập, trong một số trường hợp dẫn đến ý tưởng rằng tính cách của một người được hình thành bởi cácước muốn của người ấy, vốn được coi là tuyệt đối”.(12) “Những căng thẳng được tạo ra bởi một nền văn hoá chủ nghĩa cá nhân thái quá, gây nguy hại đến sự nghiệp và thú vui, dẫn đến sự chịu đựng và thù nghịch trong các gia đình”.(13) Ở đây tôi cũng đề cập đến cả nhịp sống nhanh, căng thẳng và việc tổ chức xã hội và việc làm của thời đại, bởi vì tất cả những điều này đều là những yếu tố văn hoá ngăn chặn những quyết định mang tính vĩnh viễn. Chúng ta cũng đối diện với sự không chắc chắn và mơ hồ lan rộng. Chẳng hạn, chúng ta đánh giá một cách đúng đắn chủ nghĩa cá thể là chọn lựa cho một sự đúng đắn nhằm chống lại một sự giống nhau thuần tuý. Trong khi điều này có thể khích lệ sự tự nhiên và một sự sử dụng đúng đắn hơn các tài năng của con người, nếu như bị định hướng sai lệch, thì điều này có thể nuôi dưỡng thái độ hoài nghi, sợ dấn thân, qui ngã và kiêu ngạo. Tự do chọn lựa làm cho kế hoạch cuộc đời của chúng ta trở nên có thể và tận dụng tốt nhất năng lực của chúng ta. Nhưng nếu sự tự do này thiếu những mục tiêu cao cả hoặc kỷ luật cá nhân, thì nó sẽ suy thoái thành một sự mất khả năng để trao ban chính bản thân mình một cách đại lượng cho người khác. Thực ra, ở nhiều nước nơi mà con số các vụ kết hôn đang suy giảm thì người ta càng ngày càng chọn lựa sống một mình hay chỉ đơn giản là dành thời gian cho nhau mà không sống chung. Chúng ta cũng nói đến một sự bận tâm đáng khen ngợi đối với công lý; nhưng nếu bị hiểu sai, thì điều này có thể biến người công dân trở thành những khách hàng chỉ yêu thích việc cung cấp những dịch vụ.
34. Khi những yếu tố này ảnh hưởng lên sự hiểu biết của chúng ta về gia đình, thì gia đình sẽđi đến chỗ bị coi là một chặng ga, hữu ích khi thuận tiện, hoặc một hoàn cảnh mà trong đó các quyền có thể được xác định trong khi các mối quan hệ lại bị bỏ mặc cho những làn gió đổi thay của ước muốn cá nhân và những hoàn cảnh. Sau cùng, ngày nay thật dễ để lẫn lộn giữa sự tự do đúng đắn với ý tưởng là mỗi cá nhân có thể hành động tuỳ tiện, như thể không có sự thật, các giá trị và các nguyên tắc để mang lại sự hướng dẫn, và mọi thứ như thể là có thể và được phép. Lý tưởng về hôn nhân, được đánh dấu bởi một sự dấn thân cho sự độc nhất và ổn định, bị cuốn phăng sang một bên bất cứ khi nào lý tưởng này cho thấy không thuận tiện hoặc mỏi mệt. Nỗi sợ cô đơn và lòng muốn sự ổn định và sự trung thành tồn tại song song với một nỗi sợ gia tăng về việc gắn bó trong một mối quan hệ vốn có thể cản lối việc đạt được thành tựu của những mục tiêu cá nhân của một người.
35. Là những Kitô Hữu, chúng ta thật khó dừng lại việc cổ võ cho hôn nhân chỉ đơn thuần là tránh việc chống lại những nhạy cảm hiện tại, hoặc vì lòng muốn hợp thời hoặc một cảm giác về sự bất lực trong khi đối diện với những đổ vỡ về nhân bản và luân lý. Có lẽ chúng ta sẽ lấy đi khỏi thế giới những giá trị mà chúng ta có thể và phải mang lại. Đúng thật là chẳng có ý nghĩa gì trong việc chỉ chê bai những sự dữ của thời đại hôm nay, như thể là điều này có thể thay đổi mọi thứ. Cũng chẳng ích lợi gì khi áp đặt những luật lệ bằng quyền bính thuần tuý. Điều chúng ta cần là một nỗ lực có trách nhiệm và đại lượng hơn để đưa ra những lý do và những động lực để chọn lựa hôn nhân và gia đình, và bằng cách này giúp cho người nam và người nữ biết đáp trả cách tích cực hơn trước ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ.
36. Chúng ta cũng cần phải khiêm nhường và thực tế, nhận biết rằng đôi khi cách mà chúng ta thể hiện niềm tin Kitô Giáo của chúng ta và đối xử với những người khác đã giúp góp phần vào hoàn cảnh có vấn đề ngày nay. Chúng ta cần một liều lượng tự phê bình lành mạnh. Để rồi, chúng ta cũng giới thiệu hôn nhân theo một cách mang ý nghĩa hiệp nhất như thế, lời mời gọi của hôn nhân để lớn lên trong tình yêu và lý tưởng của nó về sự hỗ trợ lẫn nhau vốn đang bị làm cho lu mờ bởi một lập trường hầu như là đặc trưng về nghĩa vụ sinh sản. Chúng ta cũng đã không luôn mang lại một sự hướng dẫn cho các đôi bạn kết hôn trẻ, hiểu về thời gian biểu của họ, lối nghĩ của họ và các mối bận tâm cụ thể của họ. Đôi khi chúng ta cũng đưa ra một lý tưởng về hôn nhân quá trừu tượng và hầu như mang tính thần học giả tạo, quá xa rời khỏi những hoàn cảnh cụ thể và những khả năng thực tế của những gia đình thật. Sự lý tưởng hoá thái quá này, đặc biệt khi chúng ta đã thất bại trong việc khích lệ sự tín thác vào ân sủng của Thiên Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân trở nên hấp dẫn và được mong muốn nhiều hơn, mà khá là ngược lại.
37. Từ lâu chúng ta đã nghĩ rằng chỉ cần nhấn mạnh vào các vấn đề giáo lý, đạo đức sinh học và luân lý, mà không khích lệ việc mở ra cho ân sủng, là chúng ta đang mang lại sự hỗ trợ đầy đủ cho các gia đình, củng cố mối dây liên kết hôn nhân và mang lại ý nghĩa cho đời sống hôn nhân. Chúng ta thấy thật khó để giới thiệu hôn nhân như là một con đường năng động cho sự phát triển và thành toàn cá nhân hơn là một gánh nặng suốt đời. Chúng ta cũng thấy khó để có chỗ cho lương tâm của người tín hữu, là những người rất thường đáp trả cách tốt nhất mà họ có thể đối với Tin Mừng ngay trong những giới hạn của họ, và có khả năng thực thi sự biện phân của riêng họ trong các hoàn cảnh phức tạp. Chúng ta được mời gọi để đào luyện lương tâm, chứ không phải thay thế lương tâm.
38. Chúng ta phải tạ ơn là hầu hết mọi người đều đánh giá các mối quan hệ gia đình là vĩnh cửu và được ghi ấn bởi sự tôn trọng lẫn nhau. Họ tôn trọng những nỗ lực của Giáo Hội để mang lại sự hướng dẫn và tư vấn trong các lãnh vực có liên quan đến sự trưởng thành trong tình yêu, vượt thắng được mâu thuẫn và nuôi dạy con cái. Người người được chạm đến bởi sức mạnh của ân sủng được cảm nghiệm trong Bí Tích Hoà Giải và trong Bí Tích Thánh Thể, ân sủng giúp họ đối diện với những thách đố của hôn nhân và gia đình. Ở một số quốc gia,đặc biệt là ở nhiều nơi khác nhau của Châu Phi, chủ nghĩa tục hoá đã không làm suy yếu những giá trị truyền thống nhất định, và hôn nhân tạo nên một mối dây liên kết mạnh mẽ giữa hai gia đình lớn, với những cấu trúc đã được xác định rõ ràng đối với việc giải quyết các vấn đề và mâu thuẫn. Ngày nay, chúng ta cũng cảm tạ vì chứng tá của hôn nhân không chỉ cho thấy về mặt dài lâu, mà còn là sinh hoa trái và yêu thương. Tất cả những yếu tố này có thể gợi hứng một cách tiếp cận mục vụ tích cực và đón nhận có khả năng giúp các đôi bạn lớn lên trong sự trân trọng những đòi hỏi của Tin Mừng. Nhưng chúng ta thường ở phía tự vệ, lãng phí năng lượng mục vụ vào việc loại bỏ một thế giới suy đồi mà không năng động trong việc đưa ra những cách thế tìm kiếm hạnh phúc thật. Nhiều người cảm thấy rằng thông điệp của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình không phản chiếu cách rõ ràng lời giảng dạy và thái độ của Chúa Giêsu, Đấng đã đặt ra một lý tưởng đầy đòi hỏi nhưng chưa bao giờ lại không thể hiện lòng thương cảm và sự gần gũi với sự mỏng giòn của các cá nhân như người phụ nữ Sa-ma-ri hay người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
39. Điều này thật khó để cho rằng chúng ta ngừng cảnh báo trước một sự suy thoái văn hoá vốn thất bại trong việc cổ võ tình yêu hoặc sự tự trao ban chính bản thân. Sự tham vấn diễn ra trước khi có hai Thượng Hội Đồng vừa qua chỉ ra nhiều triệu chứng khác nhau của “một nền văn hoá tạm bợ”. Chẳng hạn, ở đây tôi nghĩ về tốc độ mà người ta dịch chuyển từ một mối quan hệ tình cảm này sang một mối quan hệ khác. Họ tin, cùng với làn sóng của các mạng lưới xã hội, tình yêu ấy có thể được kết nối hoặc bị ngắt kết ngối ngay lập tức theo ý người tiêu dùng, và mối quan hệ nhanh chóng “bị khoá” lại. Tôi cũng nghĩ đến những nỗi sợ có liên hệ đến sự cam kết mãi mãi, nỗi ám ảnh về thời gian rỗi, và những mối quan hệ đặtnặng chi phí và lợi ích vì muốn chữa trị nỗi cô đơn, mang lại sự bảo vệ, hoặc mang lại một vài dịch vụ nào đó. Chúng ta đối xử với các mối quan hệ tình cảm cùng một cách thế chúng ta đối xử với các vật thể vật chất và môi trường: mọi thứ đều có thể bỏ đi; mọi người sử dụng rồi bỏ đi, cầm lên rồi phá hỏng, khai thác rồi vắt kiệt tới giọt cuối cùng. Rồi, chia tay. Chứng tự yêu mình làm cho con người mất đi khả năng nhìn ra khỏi chính bản thân họ, vượt ra khỏi những ước muốn và nhu cầu của họ. Nhưng chẳng chóng thì chày, những người sử dụng người khác sẽ mang lấy kết cục là chính họ bị sử dụng, bị nhào nặn và bị loại bỏ bởi cùng một não trạng. Cũng thật xứng đáng để ghi nhận rằng những cuộc chia tay thường xảy ra giữa những người trưởng thành lớn tuổi hơn là những người đi tìm kiếm một kiểu “độc lập” và khước từ lý tưởng già đi cùng nhau, chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau.
40. “Trước mối nguy đơn giản thái quá, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hoá đang đặt áp lực người trẻ không nên bắt đầu một gia đình, bởi vì họ thiếu các khả năng cho tương lai. Nhưng cùng một nền văn hoá lại giới thiệu cho người khác với quá nhiều chọn lựa mà họ quá bị thuyết phục là không bắt đầu một gia đình”.(14) Ở một số nước, nhiều người trẻ “trì hoãn kết hôn vì các lý do kinh tế, công việc hay học tập. Một số người làm thế vì những lý do khác, chẳng hạn như sự ảnh hưởng của những ý thức hệ hạ thấp giá trị của hôn nhân và gia đình, mong muốn tránh khỏi những thất bại của những đôi khác, sợ một điều gì đó mà họ cho là quá quan trọng hay quá thánh thiêng, các cơ hội xã hội và các lợi ích kinh tế có liên hệ đến việc chỉ sống cùng nhau, một khái niệm yêu thuần mang tính cảm xúc và lãng mạn, nỗi sợ mất đi sự tự do và độc lập của họ, và sự khước từ một điều gì đó được coi là thuần tuý mang tính thể chế và quan liêu”.(15) Chúng ta cần tìm ra ngôn ngữđúng, những tranh luận và những hình thức làm chứng đúng đắn vốn có thể giúp chúng ta chạm đến tâm hồn của người trẻ, kêu gọi khả năng của họ đối với sự đại lượng, sự dấn thân, tình yêu và thậm chí cả anh hùng, và bằng cách này mời gọi họ mang lấy thách đố của hôn nhân bằng lòng nhiệt thành và can đảm.
41. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “các xu thế văn hoá trong thế giới ngày nay dường như không đặt giới hạn lên trên tình cảm của một người”; thực ra, “một tình cảm tự yêu mình, không ổn định hay thay đổi không luôn giúp cho một người đạt tới sự trưởng thành”. Các Nghị Phụ cũng bày tỏ một mối bận tâm về “sự lan rộng của phim ảnh khiêu dâm và việc thương mại hoá thân xác đan lan rộng hiện nay, cũng được nuôi dưỡng bởi việc sử dụng sai mục đích internet, hoặc về những “tình huống đáng khiển trách này nơi mà người ta bị buộc phải hành nghề mại dâm”. Trong bối cảnh này, “các đôi bạn thường không chắc chắn, do dự và nỗ lực để tìm cách phát triển. Nhiều người có khuynh hướng ở lại trong những giai đoạn đầu của đời sống tình cảm và tình dục của họ. Một cuộc khủng hoảng ở nơi một mối quan hệ của một đôi bạn tạo nên sự bất ổn cho gia đình và có thể, ngang qua sự chia tay và ly hôn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với người lớn, con cái và toàn thể xã hội, làm suy yếu các mối dây liên kết cá nhân và xã hội của gia đình”.(16) Các vấn đề về hôn nhân “thường được đối diện trong một sự vội vàng và không có can đảm để có lòngnhẫn nại và suy tư, để thực hiện những hy sinh và để tha thứ cho nhau. Những thất bại làm xuất hiện những mối quan hệ mới, những đôi bạn mới, những sự hiệp nhất dân sự mới, và những cuộc hôn nhân mới, tạo nên những hoàn cảnh gia đình vốn phức tạp và có vấn đề đối với đời sống Kitô Hữu”.(17)
42. Hơn thế nữa, “sự giảm sút về dân số, do bởi não trạng chống lại việc có con và được cổ võ bởi nền chính trị thế giới về sức khoẻ sinh sản, tạo nên không chỉ là một hoàn cảnh mà trong đó mối quan hệ giữa các thế hệ không còn được đảm bảo nữa mà còn mối nguy là, qua thời gian, sự suy giảm này sẽ dẫn đến sự khánh kiệt về kinh tế và một sự mất niềm hy vọng vào tương lai. Sự phát triển của công nghệ sinh học cũng đã có tác động lớn lên tỷ lệ sinh sản”.(18) Thêm vào điều này là những yếu tố khác như là “công nghiệp hoá, cách mạng tình dục, sợ dân số đông quá và các vấn đề kinh tế… Chủ nghĩa tiêu thụ cũng ngăn cản người ta khỏi việc có con, đơn giản là để họ có thể vẫn duy trì một sự tự do và lối sống nhấtđịnh”.(19) Lương tâm ngay chính của đôi bạn là những người đã đại lượng trong việc thông truyền sự sống có thể, vì những lý do nghiêm trọng đủ, dẫn họ đến chỗ giới hạn số lượng con cái, nhưng rõ ràng “là vì phẩm giá này của lương tâm, Giáo Hội mạnh mẽ chối bỏ sự can thiệp có tính cách ép buộc của Nhà Nước vào vấn đề ngừa thai, khử tinh trùng và ngay cả phá thai”.(20) Những biện pháp như thế là không thể chấp nhận được ngay cả ở những nơi có tỷ lệ sinh cao, kể cả ở những nơi với tỷ lệ sinh thấp một cách đáng ngại mà chúng ta vẫn thấy các chính trị gia khích lệ những biện pháp này. Như Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc đã từng nói, điều này là “hành động theo một cách vốn trái với bản thân và phớt lờ đi nghĩa vụ của một người”.(21)
43. Việc làm suy yếu đức tin và thực hành tôn giáo ở một số xã hội đã có sự tác động lên các gia đình, để mặc họ bị cô lập hơn trong những khó khăn của họ. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “một triệu chứng của sự nghèo lớn lao của nền văn hoá đương thời là sự cô đơn, khởi đi từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống con người và sự mỏng giòn của các mối quan hệ. Cũng có một cảm nhận chung về sự bất lực trong khi đối diện các thực tại văn hoá xã hội vốn thường mang lấy kết cục là nghiền nát các gia đình… Các gia đình thường cảm thấy bị bỏ rơi do bởi thiếu sự quan tâm và chú ý từ phía các tổ chức. Tác tộng tiêu cực trên trật tự xã hội là rõ ràng, như đã thấy trong cuộc khủng hoảng về nhân khẩu, trong sự khó khăn của việc dưỡng dục con cái, trong sự chần chừ để đón nhận một sự sống mới, trong khuynh hướng nhìn người già như một gánh nặng, và trong sự gia tăng về các vấn đề tình cảm và những sự bùng nổ của bạo lực. Nhà Nước có trách nhiệm để đưa ra lề luật và tạo ra công việc để đảm bảo tương lai của người trẻ và giúp họ nhận ra kế hoạch của họ trong việc hình thành một gia đình”.(22)
44. Việc thiếu nơi ở xứng với phẩm giá hoặc mua nhà ở thường dẫn đến việc trì hoãn các mối quan hệ nghiêm túc. Cần phải nhớ rằng “gia đình có quyền để có nhà ở hợp lệ, phù hợp cho đời sống gia đình và cân xứng với số lượng các thành viên, trong môi trường vật lý mang lại những tiện ích căn bản cho đời sống gia đình và cộng đoàn”.(23) Các gia đình và mái ấm đi song hành với nhau. Đièu này làm cho chúng ta thấy việc khẳng định về các quyền của gia đình chứ không phải quyền của các cá nhân là quan trọng thế nào. Gia đình là một tài sản mà xã hội không thể tồn tại nếu không có nó và nó cần phải được bảo vệ.(24) “Giáo Hội luôn luôn giữ vững sứ mạng về phần mình để cổ võ hôn nhân và gia đình và bảo vệ gia đình khỏi những ai tấn công gia đình”,(25) đặc biệt ngày nay, khi gia đình khiếm khi được chú ý đến trong các chương trình chính sự. Gia đình có quyền “để có thể dựa trên một chính sách gia đình đủ về phía các nhà cầm quyền công ở trong các lãnh vực pháp lý, kinh tế, xã hội và tài chính”.(26) Đôi khi gia đình phải chịu khổ cách khủng khiếp khi, phải đối diện với tình trạng bệnh tật của một người thân yêu, họ thiếu thốn dịch vụ y tế đầy đủ, hoặc vật lộn để tìm được một công việc có phẩm giá. “Các giới hạn kinh tế ngăn cản một gia đình trước nền giáo dục, các hoạt động văn hoá và tham gia vào đời sống xã hội. Bằng nhiều cách, tình hình kinh tế hiện tạiđang làm cho mọi người rút ra khỏi việc tham gia vào xã hội. Đặc biệt, các gia đình phải chịu khổ vì các vấn đề có liên hệ đến công việc, nơi mà người trẻ tìm thấy chỉ một vài cơ hội và các cơ hội việc làm là rất có tính chọn lọc và không đảm bảo. Ngày làm việc thì kéo dài và đôi khi chất chồng thêm gánh nặng bằng việc gia tăng thêm giờ làm ở xa gia đình. Tình hình này không giúp các thành viên của gia đình quây quần bên nhau hoặc cha mẹ với con cái của họ theo một cách để nuôi dưỡng các mối quan hệ của họ mỗi ngày”.(27)
45. “Một số lớn các trẻ em được sinh ra ngoài giá thú, nhiều trong số các trẻ em này sau đó lớn lên chỉ với một người cha hoặc mẹ hoặc ở trong một gia đình pha trộn hoặc tái hôn… Tình trạng khai thác tình dục trẻ em là một thực tại ô nhục và trái khuấy khác trong xã hội hiện nay. Các xã hội đang trải qua bạo lực do chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố hoặc sự hiện diện của tổ chức tội phạm đang chứng kiến sự suy đồi của gia đình, trên hết tất cả là ở các thành phố lớn, nơi mà, ở các vùng ngoại ô, cái gọi là hiện tượng “trẻ em đường phố’ đang gia tăng”.(28) Lạm dụng tình dục trẻ em trên hết là đáng ô nhục hơn khi nó diễn ra ở những nơi mà lẽ ra phải là sự an toàn nhất, đặc biệt là trong gia đình, nhà trường, cộng đoàn và các tổ chứcKitô Giáo.(29)
46. “Di dân là một dấu chỉ thời đại khác cần phải được đối diện và hiểu theo nghĩa những tác động tiêu cực của nó trên đời sống gia đình”.(30) Thượng Hội Đồng gần đây chú ý đến vấn đề này, ghi nhận rằng “bằng nhiều cách, di dân ảnh hưởng lên toàn bộ dân số ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Giáo Hội đã đóng góp một vai trò lớn trong lãnh vực này. Kiên vững và mở rộng việc làm chứng này cho Tin Mừng (x. Mt 25:35) đang thực sự khẩn thiết ngày nay hơn bao giờ hết… Tính di động của con người vốn đáp trả lại với sự dịch chuyển tự nhiên mang tính lịch sử của các dân tộc, có thể cho thấy là một sự phong phú đúng đắn cho cả các gia đình đang di cư và các quốc gia đón nhận họ. Hơn thế, việc di dân ép buộc của các gia đình, vốn là kết quả của tình hình chiến tranh, bách hại, nghèo nàn và bất công, và được đánh dấu bởi những thăng trầm của một cuộc hành trình vốn thường đặt cuộc sống vào tình trạng nguy hiểm, làm hoảng sợ và gây bất ổn cho các gia đình. Trong việc đồng hành với những người di dân, Giáo Hội cần một chương trình mục vụ cụ thể không chỉ nói với các giađình đang di dân mà còn cả với những thành viên gia đình vẫn đang ở lại phía sau. Hoạt động mục vụ này phải được áp dụng bằng sự tôn trọng dành cho các nền văn hoá của họ, cho việc đào luyện nhân bản và tôn giáo từ nơi mà họ đến và cho sự phong phú tinh thần của các nghi thức và truyền thống của họ, ngay cả qua các phương thế của một việc chăm sóc mục vụ cụ thể… Di dân đặc biệt là thảm kịch và có tính tàn phá đối với các gia đình và cá nhân khi nó diễn ra cách bất hợp pháp và được cổ võ bởi các mạng lưới buôn người quốc tế. Điều này là hoàn toàn đúng khi nó liên hệ đến phụ nữ hoặc trẻ em không được đồng hành là những người đang bị buộc phải trải qua một thời gian dài sống trong những phương tiện tạm bợ và các trại tị nạn, nơi vốn không thể bắt đầu một tiến trình hội nhập. Tình trạng cực nghèo và các hoàn cảnh khác của sự đổ vỡ gia đình đôi khi thậm chí dẫn các gia đình đến chỗ bán con cái mình để làm nghề mại dâm hoặc cho bọn kinh doanh nội tạng”.(3) “Việc bách hại các Kitô Hữu và các nhóm nhỏ về sắc tộc và tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông, là một thử thách lớn lao không chỉ cho Giáo HỘi mà còn cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Mọi nỗ lực cần phải được khích lệ, ngay cả một cách thực tế, để hỗ trợ các gia đình và các cộng đoàn Kitô Hữu tiếp tục duy trì ở quê hương bản địa của họ”.(32)
47. Các Nghị Phụ cũng dành một sự chú ý cho “các gia đình của những người với những nhu cầu đặc biệt nơi mà sự thử thách ngoài mong đợi với một tật nguyền có thể làm khuấy động sự yên bình, những ước muốn và mong đợi của gia đình… Các gia đình đang chấp nhận cách đầy yêu thương một thử thách khó khăn của một đứa con với những nhu cầu đặc biệt là đáng được nể phục cách đặc biệt. Họ mang lại cho Giáo Hội và xã hội một chứng tá trung thành vô giá đối với quà tặng sự sống. Trong những hoàn cảnh này, gia đình có thể khám phá, cùng với cộng đồng Kitô Hữu, những cách tiếp cận mới, những cách hành động mới, một cách hiểu và đồng hoá mới với người khác, bằng việc đón nhận và chăm sóc mầu nhiệm của sự mỏng giòn của đời sống con người. Người bị khuyết tật là một quà tặng đối với gia đình và là một cơ hội để trưởng thành trong tình yêu, sự trợ giúp và hiệp nhất với nhau… Nếu gia đình, dưới ánh sáng của đức tin, chấp nhận sự hiện diện của những người với những nhu cầu đặc biệt, thì họ sẽ có khả năng nhận ra và đảm bảo phẩm chất và giá trị của mọi sự sống con người, với những nhu cầu, quyền, và cơ hội đúng đắn của nó. Cách tiếp cận này sẽ cổ võ sự chăm sóc và phục vụ vì những người khuyết tật này và sẽ khích lệ người ta đến gần với họ và trao ban tình cảm ở mỗi giai đoạn của cuộc đời họ”.(33) Ở đây tôi nhấn mạnh rằng sự tận tuỵ và quan tâm được thể hiện cho những người di dân và những người có nhu cầu đặc biệt đều là một dấu chỉ của Thần Khí. Cả hai hoàn cảnh đều mang tính khuôn mẫu: họ phục vụ như là một lời chứng về sự dấn thân của chúng ta để thể hiện lòng thương xót trong việc đón tiếp người khác và giúp người bị tổn thương trở thành là một thành phần trọn vẹn của các cộng đoàn của chúng ta.
48. “Hầu hết các gia đình đã dành sự tôn trọng lớn lao cho người già, quây quần bên họ bằng tình cảm và coi họ như là một phúc lành. Một lời đặc biệt về sự trân trọng dành cho những tổ chức và các phong trào gia đình dấn thân để phục vụ người già, cả về mặt thiêng liêng và xã hội… Ở các xã hội công nghiệp hoá cao, nơi mà con số người già đang gia tăng ngay cả khi tỷ lệ sinh suy giảm, thì người gia có thể bị coi là một gánh nặng. Mặt khác, việc chăm sóc mà họ đòi hỏi thương đặt một sự căng thẳng trên những người thân yêu của họ”.(34) “Sự chăm sóc và quan tâm dành cho những giai đoạn của cuộc sống là quan trọng hơn cả ngày nay, khi mà xã hội hiện đại đang nỗ lực để loại bỏ mọi dấu vết của sự chết và việc chết. Người già vốn bị tổn thương và lệ thuộc đôi khi bị khai thác một cách bất công chỉ vì lợi ích kinh tế. Nhiều gia đình cho chúng ta thấy rằng việc tiếp cận với các giai đoạn của đời sống là có thể bằng việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm giác thành toàn của một người và sự tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa. Một số lượng lớn người gia đang được chăm sóc ở trong các tổ chức của Giáo Hội, nơi mà, họ có thể sống trong một bầu khí bình an và gia đình cả về mặt vật chất và tinh thần. An tử và trợ tử là những mối đe doạ nghiêm trọng đối với các gia đình trên thế giới; ở nhiều quốc gia, hai việc này đã được hợp pháp hoá.Giáo Hội, torng khi mạnh mẽ chống lại những thực hành này, cảm thấy cần phải hỗ trợ các gia đình đang chăm sóc người gìa và các thành viên tàn tật của mình”.(35)
49. Ở đây tôi cũng muốn đề cập đến hoàn cảnh của các gia đình đang sống trong sự nghèo nàn cực độ và những giới hạn lớn lao. Các vấn đề mà những gia đình nghèo đang phải đối diện thường là phải cố gắng hơn nữa.36 Chẳng hạn, nếu một người mẹ đơn thân phải nuôi một đứa con bằng chính sức mình và cần phải bỏ con một mình ở nhà trong khi cô đi làm việc, thì đứa trẻ có thể lớn lên phơi bày ra trước mọi kiểu hiểm nguy và trở ngại cho sự phát triển cá nhân. Trong những hoàn cảnh cần thiết khó khăn ấy, Giáo Hội phải đặc biệt quan tâm đến việc mang lại sự hiểu biết, ủi an và chấp nhận thay vì áp đặt một mớ các luật lệ vốn chỉ dẫn người ta đến chỗ cảm thấy bị kết án và bị bỏ rơi bởi Người Mẹ được kêu gọi thể hiệnlòng thương xót với họ. Thay vì mang lại sức mạnh chữa lành của ân sủng và ánh sáng củathông điệp Tin Mừng, một số người “lại truyền đạo” thông điệp ấy, biến thông điệp ấy thành“những viên đá chết chóc cần phải được ném vào người khác”.(37)
MỘT SỐ THÁCH ĐỐ
50. Những đáp trả được đưa ra trong hai cuộc tham vấn tiền thượng hội đồng đã nói về nhiều hoàn cảnh khác nhau và những thách đố mới mà những hoàn cảnh này gợi lên. Ngoài những hoàn cảnh đã được đề cập, nhiều câu trả lời nói đến những vấn đề mà các gia đình đang đối diện trong việc dưỡng dục con cái. Trong nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ trở về nhà trong tình trạng mệt nhoài, không muốn nói chuyện, và nhiều gia đình không còn thậm chí là dùng chung một bữa ăn với nhau nữa. Nhiều thứ giải trí xuất hiện, gồm cả việc nghiện truyền hình.Điều này làm cho mọi sự ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với các bậc cha mẹ để thông truyền đức tin cho con cái họ. Những câu trả lời khác nói đến tác động của sự căng thẳng cực độ trên các gia đình, dường như vốn thường có tác động xấu trên việc đảm bảo tương lai của họ hơn là vui hưởng hiện tại. Đây là một vấn đề mang tính văn hoá rộng hơn, bị tàn phá bởi những nỗi sợ về công việc ổn định, tài chính và tương lai của con cái.
51. Việc sử dụng thuốc gây nghiện cũng được đề cập như là một trong những tai hoạ của thời đại chúng ta, tạo nên nỗi khổ lớn lao và thậm chí gây đổ vỡ cho nhiều gia đình. Điều tương tự cũng đúng với tình trạng nghiện rượu, đánh bài và các hình thức nghiện ngập khác. Gia đình có thể là một nơi mà những điều này được ngăn ngừa và vượt thắng được, nhưng xã hội và các nền chính trị lại thất bại trong việc thấy rằng các gia đình đang đứng trước mối nguy “đánh mất khả năng hành động để giúp các thành viên của mình… Chúng ta thấy những tác động nghiêm trọng trên sự đổ vỡ này trong gia đình bị ly tán, người trẻ thì đi hoang còn người già thì bị bỏ mặc, con cái thì mồ côi cha mẹ, thanh thiếu niên và giới trẻ thì bị hoang mang bối rối và không được hỗ trợ”.(38) Như Hội Đồng Giám Mục Mexico đã cho thấy, bạo lực trong gia đình đang sản sinh ra những hình thức gây hấn xã hội mới, bởi vì “các mối quan hệ gia đình cũng có thể giải thích xu hướng trước một tính cách bạo lực. Đây thường là trường hợp đối với các gia đình thiếu sự giao tiếp, thái độ tự vệ thống lĩnh, các thành viên không còn hỗ trợ lẫn nhau, các hoạt động gia đình khích lệ sự tham gia bị vắng bóng, mối quan hệ cha mẹ và con cái được đánh dấu bởi sự thù nghịch. Bạo lực trong gia đình là mầm mống của sự ghen ghét và thù hận trong các mối quan hệ nền tảng nhất của con người”.(39)
52. Vì xã hội tự nhiên đặt nền tảng trên hôn nhân, nên không một ai có thể nghĩ rằng sự suy yếu của gia đình là có lợi cho toàn thể xã hội cả. Trái lại thì đúng hơn: nó cho thấy một mối nguy đối với sự phát triển trưởng thành của các cá nhân, việc nuôi dưỡng các giá trị cộng đồng và sự tiến bộ đạo đức của các thành phố và quốc gia. Có một sự thất bại để nhận ra rằng chỉ có sự hiệp nhất đặc biệt và bất khả phân ly giữa người nam và người nữ mới đóng một vai trò chính trong xã hội như là một sự dấn thân ổn định mang lại hoa trái trong sự sống mới. Chúng ta cần phải nhận biết nhiều hoàn cảnh khác nhau của gia đình có thể mang lại một sự bình ổn nhất định, nhưng thực ra, chẳng hạn, không được coi sự hiệp nhất đồng tínhlà ngang bằng với hôn nhân. Không một sự hiệp nhất nào tạm thời hay khép lại với sự thông truyền sự sống lại có thể đảm bảo cho tương lai của xã hội. Nhưng ngày nay ai đang nỗ lực để củng cố hôn nhân, để giúp các đôi bạn đã kết hôn vượt qua được những vấn đề của họ, hỗ trợ họ trong công việc nuôi dạy con cái và, nhìn chung, là khích lệ sự ổn định mối dây liên kết hôn nhân?
53. “Một số xã hội vẫn duy trì thực hiện tập tục đa hôn; ở những nơi khác, các cuộc hôn nhâncó dàn xếp đang là một việc thực hành lâu dài…Ở nhiều nơi, không chỉ là ở Phương Tây, việc thực hành sống chung với nhau trước hôn nhân là phổ biến, cũng như là một kiểu sống chung vốn hoàn toàn loại bỏ bất kì một ý định nào đối với việc kết hôn.(40) Ở nhiều nước khác, pháp luật tạo điều kiện cho nhiều sự thay thế đang gia tăng cho việc kết hôn, với kết quả là hôn nhân, với những nét đặc trưng của nó về sự đặc biệt, tính bất khả phân ly và việc mở ra cho sự sống, xuất hiện như là một chọn lựa lạc hậu và lỗi thời. Nhiều nước đang chứng kiến một tháo gỡ hợp pháp đối với gia đình, có xu hướng áp dụng những mô thức dựa trên gần như một cách đặc biệt quyền tự do của ý muốn cá nhân. Chắc chắn thật là hợp pháp và đúng đắng khi khước từ những hình thức cũ hơn của gia đình truyền thống được đánh dấu bởi chủ nghĩa toàn trị và thậm chí bạo lực, nhưng điều này không dẫn đến một sự phỉ báng về chính hôn nhân, mà là tái khám phá lại ý nghĩa đúng đắn của nó và sự đổi mới của nó. Sức mạnh của gia đình “hệ tại ở khả năng yêu thương và khả năng dạy cách yêu của nó. Vì bất chấpmọi vấn đề của một gia đình, nếu bắt đầu bằng tình yêu, thì gia đình vẫn có thể luôn phát triển”.(41)
54. Trong phàn rà soát tổng thể vắn gọn này, tôi muốn nhấn mạnh sự thật là, ngay cả khi những tiến bộ quan trọng đã được thực hiện trong việc nhìn nhận các quyền của phụ nữ và sự tham gia của họ vào trong đời sống chung, thì ở một số nước vẫn còn nhiều điều cần phải thực hiện để cổ võ những quyền này. Các tập tục không thể chấp nhận được vẫn còn cần phải loại bỏ. Tôi đặc biệt nghĩ đến việc đối xử bệnh hoạn đáng xấu hổ mà người phụ nữ đôi khi là đối tượng, bạo hành gia đình và nhiều hình thức nô lệ khác mà, ngoài việc thể hiện sức mạnh nam giới, đều là những hành động đê hèn của sự hèn hạ. Bạo lực về lời nói, thể lý và tình dục mà người phụ nữ phải hứng chịu trong một số cuộc hôn nhân là trái với bản chất rất tự nhiên của sự hiệp nhất vợ chồng. Tôi nghĩ đến việc cắt bỏ bộ phận sinh dục của người phụ nữ đáng khiển trách được thực hiện ở một số nền văn hoá, nhưng cũng nghĩ đến sự thiếu công việc bình đẳng có phẩm giá của họ và các vai trò đưa ra quyết định. Lịch sử bị đè nặng bởi những thái quá của nền văn hoá gia trưởng vốn coi phụ nữ là thấp kém, nhưng trong thời đại của chúng ta ngày nay, chúng ta không thể coi thường việc sử dụng các bà mẹ thay thế và “việc khai thác và thương mại hoá thân xác phụ nữ trong nền văn hoá truyền thông hiện đại”.(42) Có những người tin rằng nhiều vấn đề của thời đại đã xuất hiện vì việc giải phóng phụ nữ. Tuy nhiên, tranh luận này là không có giá trị, “tranh luận này là sai, không đúng, một hình thức của chủ nghĩa sùng bái nam giới”.(43) Phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ giúp cho chúng ta vui mừng khi nhìn thấy những hình thức cũ kĩ cảu việc phân biệt đối xử biến mất, và trong các gia đình có một sự hỗ tương ngày càng gia tăng. Nếu những hình thức nhất định của nữ quyền đã xuất hiện mà chúng ta cho là chưa đủ, thì dù gì chúng ta cũng phải thấy ở trong phong trào của phụ nữ sự hoạt động của Thần Khí cho một sự nhận biết rõ ràng hơn về phẩm giá và quyền phụ nữ.
55. Đàn ông “đóng một vai trò quyết định cách bình đẳng trong đời sống gia đình, đặc biệt là khi nói đến sự bảo vệ và hỗ trở vợ và con cái mình… Nhiều người đàn ông ý thức về tầm quan trọng của vai trò của họ trong gia đình và sống theo đúng tinh thần nam giới của họ. Sự thiếu vắng người cha ảnh hưởng cách nghiêm trọng lên đời sống gia đình và việc nuôi dạy con cái và sự gia nhập vào xã hội của chúng. Sự thiếu vắng này, có thể là về mặt thể lý, tình cảm, tâm lý và tinh thần, tước khỏi con cái về hình ảnh của một người cha”.(44)
56. Nhưng một thách đố khác được đặt ra bởi nhiều hình thức ý thức hệ khác nhau về giới vốn “chối bỏ sự khác biệt và sự hỗ tương về bản chất của một người đàn ông và người phụ nữ và tưởng tượng ra một xã khội không có những khác biệt về phái tính, do đó loại bỏ nền tảng nhân chủng của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và việc ban hành các đạo luật cổ võ một căn tính cá nhân và sự gần gũi tình cảm hoàn toàn tách ra khỏi sự khác biệt sinh học giữa phái nam và phái nữ. Kết quả là, căn tinh con người trở thành một chọn lựa của cá nhân, một điều cũng có thể thay đổi theo thời gian”.(45) Đây là một mối lo mà một số ý thức hệ kiểu này, vốn tìm kiếp đáp trả cho điều mà đôi khi là những động lực có thể hiểu được, biết cách để khẳng định chính nó như là tuyệt đối và chắc chắn, ngay cả việc quy định luôn cách nuôi dạy con cái. Cần phải nhấn mạnh rằng “tình dục mang tính sinh học và vai trò văn hoá-xã hội của phái tính có thể được phân biệt chứ không tách biệt”. (46) Mặt khác, “cuộc cách mạng công nghệ trong lãnh vực sinh sản con người đã giới thiệu một khả năng kiểm soát hoạt động sinh sản, làm cho nó độc lập khỏi mối quan hệ tính dục giữa một người nam và một người nữ. Theo đó, sự sống con người và quyền làm cha mẹ đã trở thành những thực tại mang tính khuôn mẫu và có thể tách biệt, chủ yếu theo các ý muốn của các cá nhân hay các cặp vợ chồng”.(47) Hiểu được sự yếu đuối và những phức tạp của đời sống là một chuyện, và chuyện khác là chấp nhận những ý thức thệ vốn đang nỗ lực để chia tách điều vốn là những khía cạnh của thực tại không thể tách rời. Chúng ta đừng rơi vào tội nỗ lực thay thế Đấng Tạo Hoá. Chúng ta là các thọ tạo, cứ không phải là quyền năng. Việc tạo dựng có trước chúng ta và chúng ta phải đón nhận như một quà tặng. Đồng thời, chúng ta được mời gọi để bảo vệ tính nhân loại của chúng ta, và điều này có nghĩa là, trước hết, chấp nhận nó và tôn trọng nó như nó đã được tạo dựng.
57. Tôi tạ ơn Thiên Chúa là nhiều gia đình, vốn không tự coi mình là hoàn hảo, đang sống trong yêu thương, chu toàn ơn gọi của họ và tiến bước, ngay cả khi họ nhiều lần sa ngã trênđường. Những suy tư của Thượng Hội Đồng cho chúng ta thấy rằng không có khuôn mẫu về một gia đình lý tưởng, nhưng hơn thế là một bức tranh ghéo đầy thách đố được tạo thành từ nhiều thực tại khác nhau, với tất cả niềm vui, niềm hy vọng và cả vấn đề của họ. Các hoàn cảnh làm cho chúng ta quan tâm là những thách đố. Chúng ta đừng để rơi vào tình trạng lãng phí năng lượng của chúng ta cho những u sâu xót xa, mà thay vào đó tìm kiếm những hình thức mới của sự sáng tạo truyền giáo. Trong mọi hoàn cảnh như nó là, “Giáo Hội ý thức về sự cần thiết phải đưa ra một lời của sự thật và hy vọng… Các giá trị quan trọng của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo đáp trả trước một lòng khao khát vốn là một phần và là một tổng hợp của sự hiện hữu con người”.(48) Nếu chúng ta thấy bất kì vấn đề nào, thì những vấn đề ấy phải là, như Hội Đồng Giám Mục Colombia đã nói, những lời mời gọi “để làm sống lại niềm hy vọng của chúng ta và làm cho nó trở thành một nguồn của tầm nhìn mang tính ngôn sứ, những hành động mang tính biến đổi và những hình thức sáng tạo của bác ái”.(49)
——————————-
8. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22/11/1981), 4: ASS 74 (1982), 84
9. Relatio Synodi 2014, 5.
10. Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Matrimonio y familia (6 July 1979), 3, 16, 23.
11. Relatio Finalis 2015, 5.
12. Relatio Synodi 2014, 5.
13. Relatio Finalis 2015, 8.
14. Diễn Văn Trước Quốc Hội Hoa Kỳ (24/09/2015): L’Osservatore Romano, 26/09/2015, tr.7.
15. Relatio Finalis 2015, 29
16. Relatio Synodi 2014, 10.
17. Đại Hội Khoáng Đại Lần Thứ III của Thượng Hội ĐồngGiám Mục, Thông Điệp, 18/10/2014
18. Relatio Synodi 2014, 10.
19. Relatio Finalis 2015, 7.
20. Ibid., 63.
21. Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc, Hướng Đến Một Nền Văn Hoá Sự Sống! (15/03/2007, 2.
22. Relatio Synodi 2014, 6.
23. Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Công Nghị về Quyền của Gia Đình (22/10/1983), Khoản 11.
24. X. Relatio Finalis 2015, 11-12.
25. Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Công Nghị về Quyền của Gia Đình (22/10/1983), Dẫn Nhập.
26. Ibid., 9.
27. Relatio Finalis 2015, 14.
28. Relatio Synodi 2014, 8.
29. x. Relatio Finalis 2015, 78
30. Relatio Synodi 2014, 8.
31. Relatio Finalis 2015, 23; x. Thông Điệp Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn vào ngày 17/01/2016 (12/09/2015), L’Osservatore Romano, 2 October 2015, tr. 8.
32. Relatio Finalis 2015, 24.
33. Ibid., 21.
34. Ibid., 17.
35. Ibid., 20.
36. x.Ibid., 15.
37. Diễn Văn Kết Thúc Phiên Họp Chung Lần Thứ 14 của Thượng Hội Đồng Giám Mục (24/10/2015): L’Osservatore Romano, 26-27/10/2015, tr. 13.
38. Hội Đồng Giám Mục Argentina, Navega mar adentro (31/05/2003), 42.
39. Hội Đồng Giám Mục Mexico, Que en Cristo Nuestra Paz Mexico tenga vida digna (15/01/2009), 67.
40. Relatio Finalis 2015, 25.
41. Ibid., 10.
42. Bài Giáo Lý (22/04/2015): L’Osservatore Romano, 23/04/2015, tr.7
43. Bài Giáo Lý (22/04/2015): L’Osservatore Romano, 23/04/2015, tr.8
44. Relatio Finalis 2015, 28.
45. Ibid., 8.
46. Ibid., 58.
47. Ibid., 33
48. Relatio Synodi 2014, 11.
49. Hội Đồng Giám Mục Colombia, A tiempos dificiles, colombianos nuevos (13/01/2003), 3.
Giuse Phạm Duy Cường – Dịch GiảThông Điệp Laudato Si”(Bản chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)