Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 46: VÀI ĐIỂM MỤC VỤ PHỤNG VỤ PHẦN HIỆP LỄ
I/ RƯỚC MÌNH THÁNH LẤY TỪ NHÀ TẠM
1) Như các linh mục buộc phải rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ cử hành, rất ước mong các tín hữu cũng rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ đang tham dự [hơn là rước Mình Thánh lấy từ nhà tạm]. Trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh (x. QCSL 283),[1] để nhờ các dấu chỉ ấy, họ thấy rõ hơn hiệp lễ là tham dự vào Hy lễ đang cử hành (x. PV 55; QCSL 85, 13; BTCĐ 89, 97- 98).[2] Thánh lễ là hợp lệ, nhưng không hợp pháp khi linh mục tiếp rước Bánh Thánh đã được truyền phép từ Thánh lễ khác trước đó, hoặc không tiếp rước Máu Thánh, trừ các trường hợp đặc biệt như bị bệnh tật hoặc phải kiêng rượu, với phép chuẩn đã được ban cho.[3] Lời khuyên trong thực hành là cố gắng “đừng mở nhà tạm ra cho tới khi tất cả các tín hữu đã rước lễ xong” (x. QCSL 163).[4] Lý do là vì:
a) Thứ nhất, nhà tạm dùng để lưu giữ Thánh Thể cách xứng hợp, hầu có sẵn Mình Thánh cho bệnh nhân và những người vắng mặt không thể dự lễ cũng như để các tín hữu đến kính viếng, tôn thờ Chúa ngự trong phép Thánh Thể (x. GLCG 1379);[5]
b) Thứ hai, rước lễ từ chính Mình Thánh vừa được truyền phép là cách thế tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn và đầy đủ hơn khi các tín hữu được thông hiệp, không những bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh nhận Thánh Thể nữa (x. PV 55; QCSL [1969], số 56; QCSL [2002], số 13; Eucharisticum Mysterium (1967), no. 31);
c) Thứ ba, hành động phải phản ánh những gì chúng ta tin là chúng ta đang hành động một cách biểu tượng. Nghĩa là chính tại bàn tiệc của Chúa (bữa ăn của Chúa) mà chúng ta “ăn” những gì ngài/chủ tế cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra và trao cho chúng ta. Chúng ta “ăn” tại bữa tiệc này lương thực của bữa ăn này. Nói cách khác, không nên tách rời hy tế của Thánh lễ khỏi rước lễ trong Thánh lễ, không nên tách rời hy tế với bí tích.[6]
2) Phải hết sức tránh chủ trương và thực hành truyền phép bánh quá nhiều trong một Thánh lễ, rồi cất Mình Thánh mới vào nhà tạm để cho rước lễ vào những Thánh lễ sau. Lưu ý rằng nhà tạm nếu có mở ra trong Thánh lễ thì không phải để lấy Mình Thánh cho rước lễ cho bằng là để: (1) cất Mình Thánh sau khi đã cho rước lễ bằng Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ đang cử hành (x. PV 55; QCSL 85, 13; BTCĐ 97-98); (2) hoặc là mở ra để thay mới Bánh Thánh trước giờ chầu Thánh Thể (cộng đoàn sẽ chầu Thánh Thể với Mình Thánh mới được truyền phép này); (3) hay chỉ là thay mới Mình Thánh với tần suất khoảng 15 ngày một lần (x. BGL 934§2).[7]
3) Dầu lý tưởng là các tín hữu rước Mình Thánh được truyền phép trong cùng một Thánh lễ họ tham dự. Tuy nhiên, sẽ luôn luôn có một số dịp mà các tín hữu sẽ phải rước Mình Thánh được truyền phép trong những Thánh lễ trước đó.[8] Trong trường hợp này, (1) một là chủ tế sẽ đi đến nhà tạm sau khi đã rước Máu Thánh; (2) hai là, đang khi cộng đoàn hát Agnus Dei hoặc lúc chủ tế đang chuẩn bị hiệp lễ, thì linh mục đồng tế/phó tế (chứ không phải thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ) tiến đến nhà tạm lấy Mình Thánh. Tới nơi, phó tế/linh mục đồng tế/chủ tế mở cửa nhà tạm mà không cần cúi mình, lấy bình thánh ra và mang đến bàn thờ. Hiện nay, trong Thánh lễ, nhiệm vụ lấy Mình Thánh từ nhà tạm chỉ được thực hiện bởi những người có chức thánh, các thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ không được lên mở cửa nhà tạm lấy Mình Thánh, ngoại trừ trường hợp những người có chức thánh (khác chủ tế) không hiện diện mà nhà tạm lại ở khá xa bàn thờ. Bên ngoài Thánh lễ, thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ được mở cửa nhà tạm lấy Mình Thánh khi cử hành nghi thức rước lễ mà không có linh mục, hoặc khi đưa Mình Thánh cho người bệnh (x. QCSL 162, 315).[9]
4) Để tỏ lòng cung kính và tôn thờ sự hiện diện của Chúa trong nhà tạm, thừa tác viên nên cúi mình/cúi sâu khi đóng hay mở nhà tạm. Tuy nhiên đang lúc Thánh lễ, nếu nhà tạm gần bàn thờ, không nên cúi mình khi mở cửa để lấy Mình Thánh vì lúc này Chúa Kitô đang hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh rượu. Chỉ cúi mình sau khi đã đặt bình thánh vào trong nhà tạm sau phần rước lễ và trước khi đóng cửa nhà tạm, lúc này phần hiệp lễ đã kết thúc.[10]
II/ RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH
1) Công đồng Triđentinô khẳng định rằng rước lễ một hình hay hai hình đều hợp pháp và không làm sút giảm giá trị của bí tích Thánh Thể, vì trong hình bánh hay hình rượu sau khi đã được truyền phép, vẫn có toàn thể Chúa Giêsu (DZ, Sch, no. 1729). Vậy, dù rước lễ dưới một hình, tín hữu cũng lãnh nhận trọn vẹn Chúa Kitô và lãnh nhận bí tích thực sự cũng như chẳng thiệt mất ơn nào cần thiết cho sự cứu độ (x. QCSL 282).
2) Ngoại trừ những gì được nói đến trong các sách nghi thức, được rước lễ dưới hai hình trong trường hợp: (1) các linh mục không thể cử hành Thánh lễ hay đồng tế; (2) phó tế và những người thi hành một phận vụ trong Thánh lễ; (3) các thành viên của cộng đoàn tu sĩ trong Thánh lễ tu viện hoặc trong “Thánh lễ cộng đoàn”, các chủng sinh, những người đang tĩnh tâm hoặc tham dự hội nghị về tu đức hay mục vụ (QCSL 283).
3) ĐGM giáo phận có thể ấn định những quy luật về rước lễ dưới hai hình cho giáo phận mình, mà ngay cả các nhà thờ của các dòng tu và các nhóm nhỏ cũng phải tuân giữ” (x. BGL 392§2, 838§1.4 và 841; QCSL 283; BTCĐ 101)
4) Tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình (BTCĐ 98). Ngoại trừ một số trường hợp rất đặc biệt, linh mục đồng tế rước lễ chỉ một hình là một lạm dụng nghiêm trọng.[11]
5) Trong Thánh lễ cưới, không những cho đôi tân hôn rước lễ dưới hai hình mà còn nên cho họ uống cùng một chén nữa, vì chén thánh có một ý nghĩa đặc biệt là tượng trưng cho sự hiệp nhất và thân mật khi người ta cùng uống chung một chén với nhau.[12]
6) Các tín hữu chỉ muốn rước Thánh Thể dưới một hình bánh mà thôi, thì cứ cho họ theo hình thức đó (x. QCSL 284). Nếu một người không thể rước Mình Thánh vì những lý do y tế hoặc những lý do khác, họ có thể rước Máu Thánh (x. BGL 925).
7) Có thể cho rước lễ dưới hai hình theo 4 cách thức: (1) chấm Mình Thánh trong Máu Thánh; (2) uống trực tiếp từ chén thánh; (3) bằng ống hút; (4) dùng thìa nhỏ. Tuy nhiên trong thực tế, người ta thường sử dụng 2 cách thức đầu:
a) Cách thứ nhất: chấm Mình Thánh trong Máu Thánh (QCSL 287) đòi hỏi bánh lễ hơi dày một chút, không quá mỏng hoặc quá nhỏ, để có thể cho rước lễ dễ dàng (QCSL 285b). Không cho phép người rước lễ tự chấm Mình Thánh vào chén thánh, cũng không được nhận trên tay Mình Thánh đã được chấm vào Máu Thánh Chúa Kitô (BTCĐ 104);
b) Cách thứ hai: cho thụ nhân uống Máu Thánh trực tiếp từ chén (QCSL 286) đòi hỏi chén thánh phải đủ lớn cho nhiều người rước, hoặc phải có nhiều chén thánh, nhưng đừng để Máu Thánh dư quá (QCSL 285a).
8) Khi cho rước lễ dưới hai hình, thì lưu ý những điểm sau:
a) Người cầm chén thánh (đứng bên trái linh mục, hơi nghiêng một chút về phía linh mục) thông thường là phó tế, nếu không có, thì một linh mục, hay một thầy giúp lễ đã được thiết lập (/người lãnh tác vụ giúp lễ), hoặc một thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, hoặc khi cần, một tín hữu, được trao nhiệm vụ tại chỗ;[13]
b) Có thể dùng một vật dụng vừa chứa được Máu Thánh [trong chén nhỏ đặt bên trong nó] vừa chứa được Mình Thánh, như vậy không cần phải có một thừa tác viên cầm chén thánh nữa;[14]
c) Máu Thánh còn dư lại phải được rước hết tại bàn thờ, do linh mục hoặc phó tế, hoặc do thầy giúp lễ (là người đã cầm chén thánh), rồi tiến hành tráng, lau và dọn chén thánh theo thường lệ (QCSL 284b). Nếu còn Mình Thánh thì đem đến nơi cất Mình Thánh. Trong khung cảnh buổi cử hành hy tế Thánh lễ, đây là nhiệm vụ [= cất Mình Thánh] của linh mục đồng tế/phó tế/chủ tế chứ không phải của thầy giúp lễ hoặc của thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh dù rằng thầy giúp lễ có thể tráng chén (x. QCSL 163; LNGM 165). Thừa tác viên cúi mình trước khi đóng cửa nhà tạm (x. QCSL 274).[15]
9) Chữ đỏ không yêu cầu các tư tế đứng lên hướng về nhà tạm đang khi Mình Thánh được đem cất vào nhà tạm bởi vì Hội Thánh chú ý đến hy tế của Thánh lễ và việc hiệp lễ của các tín hữu hơn là các hành động sùng kính.[16]
III/ THỪA TÁC VIÊN NGOẠI THƯỜNG TRAO MÌNH THÁNH
1) Nếu thực sự thiếu thừa tác viên có chức thánh cho rước lễ thì có thể bổ sung thêm bởi các thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa [thường xuyên/từng lần]. Điều này có nghĩa là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không đủ linh mục hay phó tế, hay dầu họ hiện diện nhưng lại bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi hay vì một lý do khác nghiêm trọng, hay khi số tín hữu đến rước lễ quá đông làm cho cử hành Thánh lễ có thể kéo dài quá mức (x. BTCĐ 88, 157-158; QCSL 162). Nên nhớ rằng: các linh mục và phó tế là các thừa tác viên thông thường để cho rước lễ, và họ có thể thực thi thừa tác này bất cứ lúc nào, ngay cả khi không tham dự Thánh lễ, bởi vì một trong các nhiệm vụ thông thường của một linh mục/phó tế là sẵn sàng cho rước lễ trong nhiều Thánh lễ, vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng.[17]
2) Các thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ và luôn luôn nhận các bình đựng Mình Máu Thánh để cho tín hữu rước từ tay chủ tế (x. QCSL 162) để tránh nhầm lẫn họ cũng là linh mục đồng tế cách nào đó khi “lấn sân” sang chức năng được dành riêng cho tư tế. Như vậy, họ phải nhận bình thánh chứ không tự mình lấy bình thánh từ bàn thờ (x. CHTL 206).[18]
3) Việc cất Mình Thánh trở lại nhà tạm không thuộc chức năng của các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh. Công việc này thường do chủ tế thi hành. Nhưng nếu có phó tế và các linh mục đồng tế hiện diện, những vị này có thể thi hành nhiệm vụ cất Mình Thánh vào nhà tạm.[19]
_______
Nguồn: WHĐGMVN – 04/09/2024
[1] Đó là những trường hợp sau: a) Các linh mục không có thể cử hành Thánh lễ hoặc đồng tế; b) Thầy phó tế và những người thi hành một phận vụ trong Thánh lễ; c) Các thành viên của các cộng đoàn trong Thánh lễ tu viện hoặc trong Thánh lễ gọi là “Thánh lễ cộng đoàn”, các chủng sinh, mọi người đang tĩnh tâm hoặc tham dự hội nghị về thiêng liêng và mục vụ. Giám mục giáo phận có thể mở rộng cho những hoàn cảnh khác trong giáo phận mình (QCSL 283).
[2] X. Kevin W. Irwin, Models of the Eucharist (New York/Mahwah: Paulist Press, 2005), 181-182; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 85.
[3] Edward McNamara, “What a Concelebrant Must Recite” (27 Feb. 2007 & 13 Mar. 2007), https://www.ewtn.com/catholicism/library/what-a-concelebrant-must-recite-4360.
[4] Thomas O’Loughlin, “Renewing the Liturgy: Six simple steps,” The Furrow, volume 66, number 5 (May 2015): 270.
[5] X. Nghi thức Rước lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, các số 5, 7-8.
[6] X. O’Loughlin, “Blessing and breaking: a dissonance of action and interpretation in the Eucharistic Prayers of the Roman Rite,” Anaphora 7/2 (2013): 53-66; J. Leben, Để sống Phụng vụ, 125; X. DeGrocco, no. 85; Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 664.
[7] Nghi thức Rước lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, no. 7; X. McNamara, “Renewing the Reserved Hosts” (05 July 2017), https://zenit.org/2017/07/05/liturgy-q-a-renewing-the-reserved-hosts/; “Reservation of Hosts” (10 Jan. 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/reservation-of-hosts-4835.
[8] McNamara, “Reservation of Hosts” (10 Jan. 2017).
[9] X. McNamara, “Hosts from the Tabernacle” (17 Feb. 2004 & 02 Mar. 2004), https://www.ewtn.com/catholicism/library/hosts-from-the-tabernacle-4410; “Genuflections and Ciboria” (25 Sep. 2012), https://www.ewtn.com/catholicism/library/genuflections-and-ciboria-4647; “Central Focus at Mass” (16 Aug. 2011 & 30 Aug. 2011), https://www.ewtn.com/catholicism/library/central-focus-at-mass-4589; “Extraordinary Ministers Limits” (5 Nov. 2019), https://www.ewtn.com/catholicism/library/extraordinary-ministers-limits-13897; “Trong trường hợp nào, linh mục bái gối trước nhà tạm khi lấy Bánh Thánh trong Thánh lễ?” (09/10/2012), dg. Nguyễn Trọng Đa, http://conggiao.info/trong-truong-hop-nao-linh-muc-bai-goi-truoc-nha-tam-khi-lay-banh-thanh-trong-thanh-le-d-11187; Turner, Let Us Pray, no. 667.
[10] X. McNamara, “Genuflections and Ciboria” (25 Sep. 2012); “Central Focus at Mass” (16 Aug. 2011 & 30 Aug. 2011).
[11] X. McNamara, “Both Species for Concelebrants” (22 Sep. 2015), https://www.ewtn.com/catholicism/library/both-species-for-concelebrants-4782.
[12] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 165.
[13] X. McNamara, “Intinction and Deacons” (29 Oct. 2019), https://www.ewtn.com/catholicism/library/intinction-and-deacons-13893.
[14] Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 339.
[15] X. McNamara, “Hosts from the Tabernacle” (17 Feb. 2004 & 02 Mar. 2004); McNamara, “When Returning Hosts to the Tabernacle” (07 April 2015 & 21 April 2015), https://www.ewtn.com/catholicism/library/when-returning-hosts-to-the-tabernacle-4762.
[16] X. Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: The Liturgical Press, 2021), Kindle, 99.
[17] X. McNamara, “Linh mục không dâng lễ có thể cho rước lễ chăng?” (04/12/2018), dg. Nguyễn Trọng Đa, https://dcvxuanloc.net/giai-dap-phung-vu-linh-muc-khong-dang-le-co-cho-ruoc-le-chang/.
[18] X. DeGrocco, no. 162.
[19] McNamara, “Hosts from the Tabernacle” (17 Feb. 2004 & 02 Mar. 2004).