Nguyên tác: Marc Sevin, La Lecture Sainte: Guide pour une lecture croyante de la Bible, Cahier No 1 Hors série. Prions en Eglise.
Chuyển ngữ: Tri Ân.
Chương ba : ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH QUA BA GIAI ĐOẠN
Đọc (Quan sát)
“Đọc đi đọc lại trang Kinh Thánh và làm nổi bật những yếu tố quan trọng. Tôi khuyên nên có cây bút chì và gạch dưới những lời ta chú ý, hoặc đánh dấu những động từ, chủ từ, những tâm tình được diễn tả hoặc những từ chủ chốt. Làm như thế, sự chú ý của chúng ta được kích thích. Trí hiểu, trí tưởng tượng và sự nhạy cảm hoạt động và một đoạn văn Tin Mừng ra như đã quá quen bỗng trở thành mới mẻ. Tôi đọc sách Tin Mừng nhiều năm lắm rồi thế nhưng mỗi lần đọc lại, tôi lại khám phá ra những khía cạnh mới. Công việc đầu tiên này có thể sẽ chiếm mất một số thời giờ nếu chúng ta mở lòng đón nhận Thần Khí…”
Suy niệm
“Suy niệm là nghĩ về những giá trị mà bản văn đưa ra. Ta đặt câu hỏi: bản văn nói với tôi điều gì? Trong đoạn văn này, có sứ điệp nào được coi là lời của Thiên Chúa hằng sống liên quan đến ngày hôm nay? Tôi được đức tin đã được diễn tả trong các hành động, các lời nói, các đề tài thúc đẩy như thế nào?
Cầu nguyện hay chiêm niệm
“Chiêm niệm là điều khó diễn tả, khó giải thích. Đó là ở lại trong bản văn với lòng yêu mến và vượt qua bản văn và sứ điệp tới chỗ chiêm ngưỡng Đấng đang nói trong mỗi trang Kinh Thánh: đó là Đức Giê-su, Con của Chúa Cha, Đấng ban cho chúng ta Thần Khí. Chiêm niệm là thờ lạy, ca ngợi, thinh lặng trước Đấng là đối tượng sau cùng của việc cầu nguyện của tôi, Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng chiến thắng tử thần, Đấng tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha và cho chúng ta niềm vui của Tin Mừng”.
Thực ra, ba thì này không phân biệt hẳn với nhau. Nhưng phân chia ra như thế là điều hữu ích đối với người đang muốn làm quen với việc đọc Kinh Thánh. Việc cầu nguyện của chúng ta là sợi dây nối kết ngày này với ngày kia. Và có thể trước một bản văn Kinh Thánh, chúng ta dừng lại ngày này nhiều hơn để suy niệm, còn ngày khác lại đi nhanh đến chỗ chiêm niệm.”
Trước khi trở lại mỗi giai đoạn trên rõ hơn, đây là một vài gợi ý để đi vào việc “đọc và suy niệm Kinh Thánh”.
Chuẩn bị
Ta có thể chuẩn bị bằng một giây lát thinh lặng cầu xin và ca ngợi để biết đọc với tinh thần đọc bản văn thánh. Ta muốn và ta xin cho mình được sẵn sàng lắng nghe chứng từ đức tin của những người đã tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống và đã diễn tả trong bản văn Kinh Thánh mà ta sắp suy niệm.
Thí dụ:
– “Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Con Thiên Chúa hằng sống và là người anh em của chúng con. Chúa là Lời đem lại ánh sáng. Xin dạy chúng con biết lắng nghe điều Chúa nói với chúng con trong Kinh Thánh, biết khám phá trong Sách Thánh dung nhan của Chúa”.
– “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến tâm hồn chúng con và ban cho chúng con ánh sáng của Ngài. Xin dạy chúng con biết khám phá ra Lời Thiên Chúa trong Sách Thánh”.
– “Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con Thần Khí của Chúa để chúng con hôm nay biết đón nhận và sống Lời của Chúa, để chúng con biết yêu mến Chúa và yêu mến Chúa Cha. Xin giúp chúng con biết phân biệt điều gì xuất phát từ Thần Khí của Chúa, điều gì là do tự chúng con”.
– Nếu chọn bản văn trong phụng vụ thánh lễ hằng ngày để đọc và suy niệm, có thể dùng câu tung hô trước bài Tin Mừng (Hallêluia. Hallêluia) của ngày hôm đó làm lời cầu nguyện.
Giai đoạn đọc (quan sát)
Sau khi cầu nguyện giây lát, đọc bản văn Kinh Thánh mình đã chọn. Đọc chậm và đọc lớn tiếng tùy có thể. Việc đọc lớn tiếng đáng giá vì nó giúp khám phá ra bản văn khác.
Rồi để cho mình được điều mình đọc lôi cuốn đi, không dừng lại ở những khó khăn. Đọc cho hết mà không nêu lên câu hỏi nào.
Đọc lại bản văn một lần thứ hai
Rồi thử trả lời những câu hỏi dưới đây. Vấn đề không phải là tìm “câu trả lời hay”. Các câu hỏi đơn giản nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý vào chính bản văn. Có thể giới hạn ở một hai câu hỏi cũng được.
– Điều nào là chính yếu cần giữ lại trong bài mình vừa đọc? Những từ nào? Những kiểu nói nào?…
– Các bản văn này do những người tin viết ra. Vậy những khía cạnh nào trong đức tin của họ có thể được diễn tả trong các bản văn này?
– Nếu đó là bản văn Cựu Ước, thì Đức Giê-su có thể đã cầu nguyện khi đọc bản văn này như thế nào?
– Nếu đó là bản văn Tân Ước thì bản văn này đã được viết ra sau Phục sinh để diễn tả lòng tin vào Chúa Giê-su như thế nào?
Giai đoạn suy niệm
Trong lúc suy niệm, ta xem điều mình vừa khám phá ra có thể chất vấn hoặc soi sáng đức tin như thế nào.
– Có những từ, những hình ảnh, những nhân vật của bản văn mà mình gặp thấy mình trong đó hay không? Bản văn này có liên hệ với những xác tín quan trọng của đức tin Ki-tô giáo hay không? Ở điểm nào?
– Hành trình đức tin của những người viết lên bản văn này có liên hệ với hành trình đức tin của ngày hôm nay hay không?
Giai đoạn chiêm niệm
Trong việc cầu nguyện chiêm niệm này, ta lấy lại những từ, những kiểu nói đã chú ý đặc biệt.
Thử nói với Chúa Giê-su điều mình đã suy niệm liên hệ hoặc khơi lên đức tin nơi mình như thế nào.
Có thể, nếu muốn, giữ cho mình một lời, một hình ảnh, một kiểu nói của bản văn để “suy đi gẫm lại” nhiều lần trong ngày.
Thí dụ
Cần theo diễn tiến vừa nêu trên một cách nhẹ nhàng linh động. Mỗi người phải canh tân, sửa đổi, bổ túc cho hợp với cách thực hành của mình. Những ví dụ sau đây không phải là bất di bất dịch. Những bản văn này có thể được trình bày cách khác cho những cách đọc và suy niệm khác. Kinh nghiệm tin rất phong phú đến độ có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau.
1. Ơn gọi của ngôn sứ Isaia (Is 6, 1-10)
Năm vua Út-di-gia băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu, mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô:”Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!
Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ tỏa khói mịt mù. Bấy giờ, tôi thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!”
Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội”. Bấy giờ, tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi”. Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành”.
Chuẩn bị
Cầu xin Chúa Thánh Thần: “Lạy Thần Khí của Thiên Chúa, xin giúp chúng con khám phá trong bản văn Kinh Thánh này chứng từ đức tin mà ngôn sứ I-sai-a muốn truyền đạt cho các thính giả của ông”.
Đọc (Quan sát)
Đọc thong thả và lớn tiếng bản văn Is 6,1-8. Đọc lại một lần nữa. Rồi ghi nhận những yếu tố trong bản văn đáng chú ý đặc biệt:
– “Đức Chúa”
Vị ngôn sứ ở trong Đền Thờ. Đức Chúa ngự trên ngai như một Đức Vua. Ngôn sứ I-sai-a chỉ thấy tà áo của Người, kiểu diễn tả có ý nói rằng con người không thể thấy Thiên Chúa hết được.
– “các thần Xê-ra-phim”
Các thần này là ai? Họ che mặt, che chân để tỏ thái độ trọng kính. Họ ca tụng “sự thánh thiện” của Thiên Chúa vũ hoàn. Họ theo lệnh của Thiên Chúa. Họ qui tụ thành triều đình thiên quốc.
– “vinh quang”
Cũng giống như các tà áo che phủ Đền Thờ, “vinh quang” này bao phủ toàn cõi địa cầu.
– “khói”
Bây giờ tối tăm (khói) bao phủ Đền Thờ. Sau ánh quang rạng rỡ, bây giờ là tối tăm. Một cách nói vừa có nghĩa là Thiên Chúa gần nhưng cũng xa.
– “khốn thân tôi!”
Vị ngôn sứ không thuộc về thế giới của Thiên Chúa, vì thế ông không thanh sạch, mà dân cũng thế. Vọng lại tiếng ca của các Xê-ra-phim, ngôn sứ I-sai-a nhìn nhận Thiên Chúa là Vua hoàn vũ. Ngôn sứ ô uế: ông không thuộc về thế giới “thánh” của Thiên Chúa.
– “một hòn than hồng”
Cử chỉ này nhằm thanh tẩy môi miệng của vị ngôn sứ. Vị ngôn sứ sẽ có thể trở thành phát ngôn viên của Thiên Chúa.
– “Ta sẽ sai ai đây?”
Bây giờ, tiếng của Đức Chúa can thiệp vào. Tất cả thị kiến trước đó chỉ là chuẩn bị cho lời này. Thiên Chúa đang tìm một sứ giả. Vị ngôn sứ thưa: “Dạ, con đây”.
– Phần cuối của bản văn lạ. Tại sao ngôn sứ I-sai-a lại phải làm cho lòng dân “ra chai đá”?
Suy niệm
Ngôn sứ I-sai-a được cảm nghiệm sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ông biết mình được Đức Chúa sai đến giữa dân của Người. Ông liên đới với dân. Thiên Chúa đã thanh tẩy môi miệng ông. Nhờ đó, ông có thể nói nhân danh chính Thiên Chúa. Kinh nghiệm về lòng tin vào Thiên Chúa chí thánh này soi sáng cả cuộc đời của ông. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác: ta không thấy Người được. Nhưng đồng thời, Người cũng là Đấng Thiên Chúa gần gũi, bởi vì Người muốn chia sẻ với dân của Người khi Người sai các sứ giả đến với dân. Ngôn sứ I-sai-a ý thức rõ mình đã được Thiên Chúa gọi để làm phát ngôn nhân của Người.
Thiên Chúa trao cho ngôn sứ I-sai-a nhiệm vụ làm cho lòng của dân ra nặng nề, chai đá để họ không hối cải và không được chữa lành. Thực ra, ngôn sứ đã thuật lại ơn gọi của mình dưới hình thức thi ca nhằm bắt các thính giả phải phản ứng, khiến cho họ đo lường sự xa cách giữa họ với Thiên Chúa, và để cho họ hối cải ăn năn mà được chữa lành.
Trong bài thơ này, ta gặp lại những xác tín Kinh Thánh lớn: Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa. Người vượt xa chúng ta vô cùng, nhưng đồng thời Người lại trở nên gần gũi. Người tự mình liên kết với một dân. Người lập giao ước với dân ấy. Vị ngôn sứ cuối cùng của Người, Ngôi Lời của Người, chính là Đức Giê-su, Con của Người. Chúng ta có hình ảnh nào về Thiên Chúa? Câu chuyện này có thể giúp chúng ta làm sống lại bài ca “Thánh! Thánh! Thánh!” phụng vụ Thánh lễ mỗi ngày đều vang lên.
Chiêm niệm
“Lạy Chúa là Thiên Chúa, Ngài là Đấng hoàn toàn khác, là Đấng ba lần thánh như vị ngôn sứ đã tung hô. Tự sức của chúng con , chúng con không thể nhận biết Ngài. Trước nhan Ngài, chúng con chỉ là thân cát bụi. Nhưng Ngài đã cho chúng con được nhận biết Ngài. Vũ trụ cho chúng con hình ảnh của vinh quang Ngài. Ngài gắn bó với một dân để dân ấy làm cho toàn thế giới được nhận biết Ngài. Ngài còn đích thân đến để nói với chúng con. Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và đã cư ngụ giữa chúng con. “Thánh! Thánh! Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa vũ trụ là Thánh. Trời đất đầy tràn vinh quang Ngài. Hosanna trên chốn trời cao. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa, Hosanna trên chốn trời cao”. Xin cho chúng con nên giống người ngôn sứ I-sai-a sẵn sàng mang thông điệp hạnh phúc của Ngài”.
2. Chữa lành ông Na-a-man người Xy-ri-a (2 V 5, 1-17)
Ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram, là người có thần thế và uy tín trước mặt chúa thượng của ông, vì Đức Chúa đã dùng ông mà ban chiến thắng cho A-ram. Nhưng ông lại mắc bệnh phong hủi. Khi những người A-ram đi càn quét, họ đã bắt được một cô bé từ đất Ít-ra-en đưa về. Nó giúp việc cho vợ ông Na-a-man. Nó nói với bà chủ: “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phong hủi!” Ông Na-a-man đến tường trình với chúa thượng của ông: “Một thiếu nữ xuất thân từ đất Ít-ra-en đã nói thế này.” Vua A-ram bảo: “Ngươi cứ lên đường và trẩy đi. Ta sẽ gửi thư cho vua Ít-ra-en.” Ông Na-a-man lên đường, mang theo ba trăm ký bạc, sáu mươi ký vàng và mười bộ quần áo để thay đổi. Ông trình thư lên vua Ít-ra-en. Thư viết: “Cùng với bức thư mà tôi gửi tới ngài đây, tôi sai Na-a-man, thuộc hạ của tôi, đến với ngài, để ngài chữa người này khỏi bệnh phong hủi.” Vua Ít-ra-en đọc thư xong thì xé áo mình ra và nói: “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phong hủi? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta.”
Vậy, khi ông Ê-li-sa người của Thiên Chúa, nghe biết là vua Ít-ra-en đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua: “Sao vua lại xé áo mình ra? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Ít-ra-en.” Ông Na-a-man đi đến cùng với cả xe và ngựa. Ông đứng trước cửa nhà ông Ê-li-sa. Ông Ê-li-sa sai sứ giả ra nói với ông: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch.” Ông Na-a-man nổi giận bỏ đi và nói: “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phong hủi mà chữa khỏi. Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao?” Ông quay lưng lại và tức tối ra đi. Bấy giờ, các tôi tớ của ông đến gần và nói: “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói “Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sách!” Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
Cùng với đoàn tùy tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.” Ông Ê-li-sa nói: “Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối.” Ông Na-a-man nói: “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.”
Đọc đi đọc lại câu chuyện trên. Trong khi đọc, cần để ý xem có những nhân vật nào. Các tôi tớ có một vai trò và giúp cho câu chuyện tiến triển. Cần để ý là bản văn so sánh các đất đai xứ sở với các con sông. Câu chuyện này là thánh. Không phải chỉ nhằm kể lại chuyện tướng Na-a-man được chữa lành bệnh, nhưng để nói một điều gì đó về Thiên Chúa, về lòng tin của những người đã viết nên câu chuyện này.
Đọc (Quan sát)
Trình thuật 2 V này thuật lại một câu chuyện được chữa lành bệnh. Nhờ sự can thiệp và nhờ các chỉ dẫn của ngôn sứ Ê-li-sa, đại tướng quân đội Xy-ri-a được sạch bệnh phong hủi.
Để ý kỹ bản văn hơn, ta thấy bản văn còn nói nhiều hơn nữa. Việc chữa lành giúp cho ông Na-a-man nhận biết Thiên Chúa của Ít-ra-en. Cho tới lúc tướng Na-a-man đến Ít-ra-en, ông không biết Đức Chúa ông phục vụ mà không biết là Đấng nào. Chỉ sau khi được sạch, ông mới có thể công bố lời tuyên xưng đức tin này: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en”. Hơn hẳn một việc được lành bệnh, đó là việc một người ngoại quốc trở về với Thiên Chúa.
Suy niệm
Câu chuyện ông Na-a-man được chữa lành trở thành một chứng từ đức tin về Thiên Chúa. Câu chuyện này được dùng để nói lại xác tín này của những người tin trong Kinh Thánh: trên toàn cõi đất, chỉ có một Thiên Chúa và đó là Thiên Chúa của Ít-ra-en.
Người ngoại quốc cần phải đến Ít-ra-en và dầm mình trong dòng sông Gio-đan. Nói cách khác, việc nhận biết Thiên Chúa độc nhất, Thiên Chúa của vũ hoàn, được thực hiện qua trung gian của Ít-ra-en. Theo nghĩa đó, toàn thể Ít-ra-en là ngôn sứ. Ít-ra-en là một dân tộc nhỏ bé, thế nhưng chính nhờ dân tộc ấy những người ngoại quốc có thể học để nhìn nhận và tuyên xưng Thiên Chúa. Đối diện với các dân tộc khác. Ít-ra-en ví được với cô gái tù nhân bé bỏng nắm giữ bí mật của việc chữa lành ông chủ cao sang và quyền thế của cô. Thiên Chúa tỏ mình cho dân tộc Ít-ra-en nhỏ bé từ nay trở đi có trách nhiệm làm cho người người trên toàn thế giới biết điều ấy. Thái độ kháng cự của vua Ít-ra-en cho thấy là dân này thường hay quên nhiệm vụ Thiên Chúa đã trao phó cho mình.
Chiêm niệm
Bản văn chúng ta vừa đọc và suy niệm, theo các sách Tin Mừng, đã khởi hứng cho thái độ của Đức Giê-su (x. Lc 4,27). Bản văn này cũng nuôi dưỡng lời cầu nguyện của chúng ta.
“Xin chúc tụng Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con. Ngài là Đấng hoàn toàn khác. Ngài là Đấng người ta không thể tưởng tượng được. Ngài đã muốn trở nên gần gũi mỗi người trong chúng con. Ngài đã nói qua các ngôn sứ. Ngài nhắc cho chúng con nhớ rằng không có ai là xa lạ trước nhan Ngài. Ngài đã nói qua vị ngôn sứ của Ngài là Đức Giê-su, Đấng đã đến cho hết thảy chúng con. Xin cho chúng con khiêm tốn đón nhận lời của Người”.
3. Thánh vịnh 1
Thánh vịnh 1 ngắn. Vị trí ở đầu tập sách Thánh vịnh cho thấy Thánh vịnh này có tầm mức quan trọng đặc biệt. Thánh vịnh này tạo đường nét cho toàn thể lời cầu nguyện của các Thánh vịnh.
Đọc (Quan sát)
Chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
Không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng.
Nhưng vui thú với lề luật Chúa,
Nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
Cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
Cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Ac nhân đâu được vậy,
Chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
Quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
Vì Chúa hằng che chở
Nẻo đường người công chính,
Còn đường lối ác nhân
Đưa tới chỗ diệt vong.
Suy gẫm
Người đã viết nên lời kinh nguyện này và tất cả những ai qua dòng thời gian đọc lời cầu nguyện này đều nói lên điều làm cho mình sống. Đối với họ, chỉ có một con đường đưa đến sự sống và hạnh phúc, đó là trung thành với Đức Chúa là Thiên Chúa, với Lề Luật của Người. Điều ấy đúng đối với dân của Thiên Chúa, với bất cứ cộng đoàn nào, với mỗi một người tín hữu.
Toàn thể các Thánh vịnh ghi dấu ấn bằng sự đối chọi lớn giữa những người công chính và những kẻ gian ác. Các Thánh vịnh vang dội tiếng kêu của những người có cảm tưởng là những kẻ gian ác bao giờ cũng được phần hơn và Thiên Chúa như cứ án binh bất động chẳng làm gì để cho tình trạng thay đổi. Phải chăng Thiên Chúa chấp nhận những hoàn cảnh nghèo khó, bất công và chiến tranh? Thánh vịnh đầu tiên trong bộ Thánh vịnh nhắc lại xác tín trọng tâm của Kinh Thánh: Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa cứu thoát và giải phóng. Những kẻ gian ác sẽ bị quét sạch. Những người tin cứ vững lòng và cứ tiếp tục để cho mình được Lề Luật của Chúa dẫn dắt. Mọi tiếng kêu trong các Thánh vịnh đều hòa theo Thánh vịnh thứ nhất này.