ĐỌC LỜI CHÚA VÀ PHƯƠNG PHÁP SUY NIỆM LỜI CHÚA
_Nguyễn Tất_
Đọc Lời Chúa theo nhóm
1. Bắt đầu buổi “Đọc Lời Chúa” bằng một vài nghi thức diễn tả lòng tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Lời Ngài, chẳng hạn như thắp một cây nến; kính cẩn mở sách Lời Chúa, thinh lặng.
2. Cầu xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho tất cả những người sắp nghe Lời Chúa. Việc cầu xin này làm liên tưởng đến lời nguyện của vị linh mục trong thánh lễ trước khi truyền phép, ngài “nài xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần, thánh hóa lễ vật để trở nên Mình và Máu Thánh đức Giêsu Kitô”.
3. Bốn giai đoạn của việc đọc Lời Chúa được rút từ Phúc Âm Mátthêu 7,7: “Hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ người ta sẽ mở cho”.
- Tìm kiếm khi đọc
- Gặp thấy khi suy niệm
- Gõ cửa khi cầu nguyện
- Vào được khi chiêm ngắm
Giai đoạn thứ năm là giai đoạn chuyển sang hành động, dấn thân sống Lời Chúa, sau khi đã gặp được Chúa.
I. Tìm kiếm trong khi đọc: Đọc Lời Chúa
Đọc lại ba lần bản văn Kinh thánh đã chọn: đọc chậm rãi, suy niệm và kính cẩn, bởi vì Lời Chúa nói qua miệng chúng ta. Tiếp đến, những người hiện diện, mỗi người lần lượt đọc lại chậm rãi một câu. Sau khi tất cả đọc xong, thì trở lại đọc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, thường thì dùng một điệp khúc, để buổi đọc Lời Chúa được diễn ra trong bầu khí cầu nguyện và lắng nghe. Đọc Lời Chúa là một buổi học hỏi Kinh thánh trong tinh thần chăm chú lắng nghe.
“Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con Thiên Chúa Hằng Sống, là Ngôi Lời của ánh sáng, xin hãy dạy con biết lắng nghe những gì Chúa phán bảo trong Kinh thánh và từ đó khám phá ra khuôn mặt của Chúa”.
II. Gặp thấy khi suy gẫm: Suy gẫm
Suy gẫm bằng cách: mỗi người hiện diện đọc lại một câu ngắn của bản văn, nhưng không thêm lời bàn. Làm như thế sẽ giúp nghiền ngẫm, lập đi lập lại Lời Chúa và ghi khắc Lời Chúa vào tâm lòng. Phương thức suy gẫm chung này giúp mỗi người biết lắng nghe tiếng vang của Lời Chúa nơi con tim của người khác. Chính Chúa Thánh Linh hướng dẫn và nhờ đó, việc suy gẫm cũng như việc làm vang dội lại Lời Chúa trong lòng Giáo hội, trở thành buổi hòa tấu chúc tụng dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Lời Ngài cho chúng ta.
Giai đoạn thứ hai này kết thúc bằng việc đọc thêm một đoạn văn Kinh thánh khác, hầu giúp những người hiện diện hiểu rõ hơn đoạn Kinh thánh được chọn để suy gẫm. Bởi vì chính Kinh thánh bàn luận về Kinh thánh. Làm như thế tức là chúng ta để cho Lời Chúa được ghi khắc vào lòng, bằng những lời Kinh thánh khác, như là những lời đến để giải thích, khẳng định và khai triển thêm cho Lời Chúa đã suy gẫm, hầu giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa.
“Lạy Chúa Giêsu là con Thiên Chúa Hằng Sống và là Lời Sống Động, xin hãy dạy con biết tiếp nhận và lãnh hội Phúc âm của Chúa để cho Phúc âm biến đổi con và làm cho tâm trí con trở nên hoàn toàn phù hợp với Tâm Trí và Thánh Ý Chúa”.
III. Gõ cửa khi cầu nguyện: Cầu nguyện
Chúa Cha nói với chúng ta qua Lời Chúa Giêsu: Chúng ta lắng nghe Lời Chúa bằng đôi tai của con tim. Giờ đây chúng ta đáp Lời Chúa bằng việc cầu nguyện. Nhưng chúng ta vẫn còn dùng Lời Chúa để đáp lại Lời Chúa. Cũng gần tương tự như trong thánh lễ, chúng ta dùng thánh vịnh chính là Lời Chúa để đáp lại Lời Chúa. Chúa Cha trao ban cho chúng ta Lời Ngài để chúng ta cầu nguyện. Vậy thì cách tốt nhất là chúng ta hãy dùng chính những Lời của bản văn suy gẫm để cầu nguyện. Chính ở điểm này mà việc đọc Lời Chúa có ý nghĩa. Và cũng chính nơi đây mà hãt giống Lời Chúa sinh hoa trái.
“Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin hãy dạy cho lòng con biết nói chuyện với Chúa Cha, Đấng mà Chúa vẫn chuyện vãn không ngừng trong Thánh Linh Chúa. Xin hãy xuyên thấu tim con bằng tình yêu nối kết Chúa với Chúa Cha và xin hãy trở thành trong con lời cầu nguyện liên tục”.
IV. Bước vào khi chiêm ngắm: Chiêm ngắm
Lời Chúa kêu mời Hiệp Thông, một hiệp thông giống như khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúng ta giữ thinh lặng một lúc lâu để ở lại trong sự hiện diện của Đấng đã nói với chúng ta bằng Lời của Ngài. Ở đây không có phương thức nào khác ngoài phương thức do Chúa Thánh Linh hướng dẫn nơi lòng của mỗi người, bởi vì chính Ngài mới là Vị Thần chân thật dạy cho chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào.
“Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con Thiên Chúa Hằng Sống, xin hãy đào sâu nơi lòng con một niềm khao khát tình yêu, lớn lao đến độ Thần Linh Chúa làm cho con được tham dự vào Thông Hiệp Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong Thinh Lặng có sức siêu thoát lời nói cùng mọi cảm tình”.
Phương pháp đơn giản để cùng nhau suy niệm Lời Chúa
Chia sẻ Lời Chúa là cùng nhau lắng nghe và sống Lời Thiên Chúa đang muốn ngỏ với chúng ta hôm nay.
Đã có nhiều phương pháp được đề nghị và áp dụng, nhằm giúp cho buổi chia sẻ tăng thêm hiệu quả, đáp ứng những mong mỏi và nhu cầu của những người họp nhau lại để chia sẻ Lời Thiên Chúa. Những phương pháp đó mang những sắc thái khác nhau tùy theo thành phần tham dự, giờ giấc, nơi chốn …
Phương pháp sau đây do Trung tâm Kinh thánh Gio-an Phao-lô II ở Vigan, Philippines, soạn thảo. Phương pháp này đã được một nhóm Kinh thánh cơ bản, cũng do Trung Tâm này tổ chức, phổ biến và, thực tế, đã gặt hái được thành quả tại nhiều nước.
Biết thêm một phương pháp đã được thể nghiệm ở những nơi khác có thể bổ khuyết hoặc canh tân phương pháp chúng ta đang sử dụng.
I. Dẫn nhập
1. Nhóm
Phương pháp này áp dụng cho một nhóm gồm từ 4 đến 6 người. Những người này đang muốn lắng nghe Lời Chúa trong bầu khí tin tưởng phó thác, chân thành và tôn kính, đồng thời muốn “đáp lại” lời Thiên Chúa mời gọi. Họ cũng muốn tham gia một cách tích cực hơn vào đời sống của cộng đoàn kitô hữu nhờ việc suy niệm Lời Thiên Chúa và chia sẻ đời sống với nhau.
2. Bầu khí gặp gỡ
– Thinh lặng là điều kiện không thể không có để suy niệm Kinh thánh. Vì thế phải tìm một địa điểm gặp gỡ có thể giúp thinh lặng.
– Buổi gặp gỡ không thể làm vội vàng. Phải thong thả. Kinh nghiệm cho thấy rằng: đối với một nhóm 5 người, cần 45-60 phút để có thể tiến hành phương pháp này.
– Tốt hơn nên ngồi thành vòng tròn, để mỗi người không chỉ có thể nghe mà còn có thể nhìn thấy người khác nữa.
– Ở giữa vòng tròn, nên đốt một ngọn nến, tượng trưng đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa, Ánh Sáng soi thế gian (Ga 1,9; 8,12; 12,46) cũng như tượng trưng cho việc Người đang hiện diện giữa những người họp nhau lại nhân danh Người (Mt 18,20).
3. Sinh động viên
Sinh động viên không nhất thiết phải là một nhà chuyên môn về chú giải Kinh thánh, vì nhiệm vụ của sinh động viên trong nhóm chia sẻ Lời Chúa không phải là truyền thông kiến thức, dù là kiến thức Kinh thánh.
Tốt hơn, đó là người biết hướng dẫn nhóm suy niệm bằng cách nêu lên những giai đoạn khác nhau trong phương pháp.
Có thể chính sinh động viên đọc lời nguyện mở đầu và kết thúc, hoặc nhờ một người nào khác làm. Sinh động viên có thể chỉ định một người nào đó đọc đoạn Kinh thánh đã chọn, nhưng đừng can thiệp vào việc chia sẻ.
4. Kinh thánh và đoạn Kinh thánh đã được chọn
Nếu có thể, mỗi người nên có một cuốn sách Kinh thánh cùng một ấn bản. Có thể chọn một trong ba bài đọc Kinh thánh trong phụng vụ Thánh Lễ Chúa Nhật.
5. Phương pháp
Phương pháp này xin đề nghị ba mẫu gặp gỡ để chia sẻ Lời Chúa. Nhóm sẽ quyết định với nhau lúc bắt đầu cuộc gặp gỡ xem mình theo mẫu nào.
II. Ba mẫu chia sẻ
1. Mẫu thứ nhất
– Cầu nguyện hoặc hát mở đầu
Lời cầu nguyện hoặc bài hát này giúp những người tham dự ý thức mình đang hiện diện trước nhan Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai, ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20).
Đây có thể là một lời nguyện xin, dựa vào lời Kinh thánh sau: “Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ Chúa đang nghe!” (1 Sm 3,10), hoặc lời Tin mừng: “Thày có những lời ban sự sống vĩnh cửu” (Ga 6,68).
Cũng có thể là một lời cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Người giúp chúng ta biết lắng nghe và giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì ngăn cản không cho chúng ta lắng nghe Lời Thiên Chúa. Ví dụ: “Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng tác sinh sự sống, xin Ngài đến trợ giúp chúng con!”
– Giai đoạn 1
Đọc đoạn văn Kinh thánh đã chọn để biết qua chữ trong BẢN VĂN (hoặc “chữ chết”).
a) Đọc đoạn văn đã chọn. Một người tham dự đọc lớn tiếng bản văn Kinh thánh. Những người khác lắng nghe, đồng thời thinh lặng theo dõi bản văn trong sách Kinh thánh.
b) Thinh lặng và đọc lại bản văn (chừng 3 phút). Mỗi người thinh lặng đọc lại bản văn và giữ lại cho mình một từ, hoặc một kiểu nói hoặc một động từ nào trong bản văn đã đánh động mình cách đặc biệt.
c) Chia sẻ. Mỗi người tham dự diễn tả trước những người khác từ ngữ, kiểu nói hoặc động từ mình đã giữ lại và chỉ cho thấy vị trí chính xác của từ ấy trong bản văn để những người khác có thể tìm. Đọc lớn tiếng câu trong đó có từ ngữ, kiểu nói… đó lên. Nhưng đừng cho biết tại sao mình chọn (có thể chỉ cần nói đơn giản rằng: “Tôi giữ lại cho mình lời này…” hoặc “Tôi chọn tất cả câu này”.
– Giai đoạn 2
Đi từ “chữ chết” sang “Lời sống” cho bản thân tôi (và qua tôi cũng đến với những người khác).
a) Đọc bản văn. Bản văn mình đã chọn được đọc lại lớn tiếng một lần nữa, nhưng do một người khác đọc. Mọi người trong nhóm thinh lặng lắng nghe hoặc có thể theo dõi trong sách Kinh thánh.
b) Thinh lặng và lắng nghe (chừng 5 phút). Mỗi người suy niệm riêng và tự đặt câu hỏi này: “Lạy Chúa, Chúa muốn nói với con điều gì, với riêng con, trong cuộc sống thường nhật của con ?”
c) Chia sẻ. Mỗi người chia sẻ cho người khác điều mình đã nhận thấy trong thâm tâm mình như là tiếng Thiên Chúa ngỏ riêng với mình. Muốn cho việc chia sẻ này vẫn thật sự ở cấp độ riêng tư, mỗi người nói như là của riêng mình (tôi, theo tôi, tâm tình của tôi…), chứ đừng nói chung chung (người ta, chúng ta …). Đây thuần túy vẫn là buổi chia sẻ, chứ không phải buổi hội thảo, giảng trong phụng vụ về ý nghĩa của bản văn hoặc khuyên nhủ phải sống thế này thế kia.
– Giai đoạn 3
LỜI CHÚA đòi CÂU TRẢ LỜI
a) Đọc bản văn đã chọn. Bản văn đã chọn để chia sẻ được đọc lên một lần thứ ba. Lần này, mỗi người cố gắng lắng nghe bản văn và có thể thinh lặng theo dõi bản văn trong sách Kinh thánh.
b) Thinh lặng và đáp lời, riêng cá nhân (chừng 5 phút). Trong thinh lặng, mỗi người cố gắng tìm lấy câu đáp lại Lời mà mình đã nhận thấy Thiên Chúa muốn nói với mình. Muốn cho câu trả lời được chân thực, cần phải có sự tương liên giữa Lời Thiên Chúa với câu đáp.
c) Chia sẻ. Mỗi người diễn tả lời đáp dưới hình thức cầu nguyện do mình soạn ra. Đọc lời nguyện ấy lớn tiếng để những người khác có thể hiệp thông bằng lời thưa “A-men”.
– Lời nguyện kết thúc
Một lời cầu nguyện ca tụng hoặc tạ ơn, một bài thánh thi hoặc Kinh Lạy Cha có thể là cách tốt nhất để kết thúc buổi cùng nhau suy niệm và chia sẻ Lời Chúa.
2. Mẫu thứ hai
Một lời đáp bằng hành động
- Cầu nguyện hoặc hát mở đầu
- Giai đoạn 1 : như trong mẫu thứ nhất
- Giai đoạn 2 : như trong mẫu thứ nhất
- Giai đoạn 3 : LỜI CHÚA đòi CÂU TRẢ LỜI
a) Đọc một đoạn văn đã chọn: như đã nói trong mẫu thứ nhất.b) Thinh lặng và đáp lại Lời Chúa riêng mỗi cá nhân.c) Chia sẻ câu trả lời riêng của mình đã có để hành động cụ thể. Mỗi người chia sẻ cho người khác lời mời gọi mình nghe được để đưa Lời Chúa ra hành động cụ thể trong cuộc đời mình như thế nào. Mỗi nhóm là một cộng đoàn (gia đình, dòng tu, trường học, đồng nghiệp trong một sở làm…) có thể cố gắng để đạt tới một câu trả lời chung để mọi người thấy mình phải sống câu trả lời này một cách cộng đoàn như thế nào.
- Lời nguyện kết thúc : như trong mẫu thứ nhất.
3. Mẫu thứ ba
Kết hợp mẫu thứ nhất với mẫu thứ hai
Lời Chúa để cầu nguyện hoặc Lời Chúa để hành động có thể được nối kết với nhau. Dĩ nhiên, như thế đòi phải có nhiều thời giờ hơn, bởi vì phải cùng nhau đi hết cả bốn giai đoạn. Nhưng bù lại, không nhất thiết phải đọc đi đọc lại bốn lần đoạn văn đã chọn, cũng như không cần phải có hai lần thinh lặng. Có thể đưa ngay quyết tâm hành động vào lời cầu nguyện đáp lại lời Chúa.
III. Giải thích phương pháp
1. Ba giai đoạn: Bản văn – Lời Chúa – Lời đáp
Bản văn là khách quan và đặt Lời Thiên Chúa trước mặt chúng ta. Thiên Chúa nói trước tiên. Người đi bước trước.
LỜI THIÊN CHÚA là Lời của riêng một ngôi vị ngỏ với một ngôi vị khác. Lời đó hướng đến tôi. Lời đó đụng chạm đến tôi, liên quan đến tôi.
Khi Thiên Chúa ngỏ lời với tôi, Lời của Người chờ đợi tôi có một LỜI ĐÁP. Như thế có cuộc đối thoại, đối thoại trong cầu nguyện và đối thoại trong cuộc sống.
2. Đọc lại cũng một bản văn nhưng ba lần
Không nên đánh giá thấp việc đọc chung lớn tiếng bản văn. Vì lý do đó, không nên giới hạn số lần đọc viện cớ mất thời giờ.
– Ta có thể lưu lại bản văn dễ dàng hơn
– Những người không biết đọc hay có những khó khăn khi đọc có thể cùng tham gia đọc bản văn.
– Dù rằng bản văn lưu lại, nhưng nhờ việc chia sẻ Lời Chúa dần dần sẽ giúp hiểu bản văn sâu sắc.
– Nhờ việc đọc cũng một bản văn nhưng ba lần giúp ghi lòng tạc dạ và những việc tham gia chia sẻ Lời Chúa cũng giúp lưu lại bản văn đó sát hơn.
Cuối cùng, nhờ việc đọc ba lần, chúng ta diễn tả niềm xác tín theo đó đức tin đến từ việc lắng nghe. Chính bản văn được linh hứng thì quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn những gì chúng ta nói về bản văn trong những chú thích.
3. Sự thinh lặng gồm có ba giai đoạn
Những phút thinh lặng này rất quan trọng giúp ta chia sẻ đoạn văn vừa đọc.
– Thời gian thinh lặng không phải là thời gian đợi chờ thụ động trước khi chia sẻ, nhưng là những khoảnh khắc hoạt động riêng mãnh liệt. Nếu việc suy gẫm Thánh kinh không khởi đi từ sự thinh lặng và không khởi đi từ cuộc gặp gỡ riêng với Lời trong yên lặng thì việc suy ngẫm đó dễ dàng trở thành buổi nói dóc.
– Chính sự thinh lặng và yên lặng giúp lắng nghe bản văn cách chăm chú; giúp lắng nghe những gì chuyển biến trong tâm hồn chúng ta và giúp lắng nghe những gì người khác có để đọc. Nên giữ thing lặng trong chốc lát sau khi chia sẻ Lời Chúa để giữ lại những gì đã đọc.
Thời gian dành cho việc thinh lặng không thể xác định chính xác được. Theo kinh nghiệm, các nhóm biết làm việc tốt với phương pháp này thường có những thời gian thinh lặng dài hơn.
Về vấn đề thinh lặng trong giai đoạn thứ hai
Khi chăm chú lắng nghe và nỗ lực lắng nghe những gì xảy đến trong tâm hồn, tôi nhận thấy điều gì đó đang biến chuyển. Được khuyến khích nhờ hai lần đọc bản văn Thánh kinh và bởi việc chia sẻ lần đầu trong nhóm, điều gì đó trong bản văn trở nên có ý nghĩa cụ thể cho tôi, hoặc tôi bắt gặp điều gì đó chính tôi đã sống, hoặc điều gì đó tôi có thể đặt trong mối liên lạc với cuộc sống cụ thể hôm nay hay ngày mai. Chính điều đó, tôi có thể so sánh như một con đường đến với Lời Thiên Chúa.
Về vấn đề thinh lặng trong giai đoạn thứ ba
Tôi nỗ lực thiết lập một sự tương xứng thực sự giữa Lời Chúa và những gì tôi sắp trả lời.
4. Việc chia sẻ gồm có ba giai đoạn
Việc chia sẻ là đích của việc đọc bản văn và của sự thinh lặng. Nhờ việc chia sẻ này mà việc chăm chú lắng nghe và sự đáp trả lại Lời Chúa không chỉ trở thành những việc làm rất cá nhân, nhưng trước hết, cũng còn trở thành những việc làm chung.
a. Giai đoạn thứ nhất
Trước khi gieo hạt giống hay trước khi trồng cây, người ta chuẩn bị đất (cày xới, nhặt cỏ) thì việc chia sẻ Lời Chúa cũng đòi hỏi phải tiếp cận bản văn với thái độ chăm chú hơn, lắng nghe và nỗ lực tìn hiểu bản văn hơn.
Nhiều bản văn Thánh kinh, nhất là những bản văn dùng trong phụng vụ trở nên gần gũi với chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã biết và chúng ta nắm vững những bản văn đó !
Nếu bây giờ ai đó nói rằng mình đã nhận thấy yếu tố này hay yếu tố khác trong bản văn, thì có lẽ tôi sẽ khám phá ra một điều gì đó mới mà tôi chưa từng thấy. Tôi tự đặt ra những vấn đề mới như thế và tự mình tiếp cận bản văn với một thái độ chăm chú hơn.
b. Giai đoạn thứ hai
Lời Thiên Chúa thì phong phú và sâu xa; Lời đó không thể được nghiên cứu hay chú giải bởi chỉ một cá nhân. Nhưng tất cả và từng người, chúng ta đều đóng góp những nỗ lực của chúng ta giúp tiếp cận Lời Thiên Chúa hơn. Chúng ta đều là những người lắng nghe Lời Chúa và những quan điểm khác nhau của chúng ta có thể bổ túc cho nhau.
Việc chia sẻ Lời Chúa dần dần giúp cho cộng đoàn thăng tiến và phát triển theo tinh thần của Lời Chúa.
c. Giai đoạn thứ ba
Cầu nguyện thực sự luôn hướng lên Thiên Chúa. Tốt hơn chúng ta nên cầu nguyện lớn tiếng để những người nghe có thể đáp lại: “Amen !” hoặc lớn tiếng hoặc âm thầm trong tâm hồn họ (1 Cr 14,16; 2 Cr 1,20).