ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC ĐỒNG HÀNH VỚI CON CÁI TRONG THẾ GIỚI INTERNET
Clara Minh Trang FMA
WHĐ (18.3.2023) – Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 45, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có đề cập đến sự bùng nổ truyền thông xuyên qua mạng lưới internet và việc các bạn trẻ đang sống sự thay đổi truyền thông này, với tất cả những lo âu, những mâu thuẫn và tính sáng tạo.
Ngày nay, dường như internet trở thành thế giới của người trẻ. Thanh thiếu niên sử dụng internet thành thạo hơn cha mẹ nhưng lại thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về cuộc sống. Vì thế các em cần được cha mẹ đồng hành trong việc phân định, giúp cho có khả năng định hướng khi thám hiểm trong rừng rậm của mạng lưới internet.
Những cơ hội và thách đố internet tạo ra trong cuộc sống của thanh thiếu niên
Văn kiện Giáo Hội và internet đã nhận định rằng: “Internet trao vào tay người trẻ ở một độ tuổi quá sớm cái khả năng vô hạn để làm điều tốt hay làm điều xấu, cho bản thân mình và cho người khác. Nó có thể giúp làm cho đời sống của chúng được phong phú thêm, vượt xa những gì mà các thế hệ trước dám mơ tưởng và làm cho chúng có khả năng giúp cho đời sống của người khác thêm phong phú. Nhưng nó cũng có thể dìm người trẻ vào trong chủ nghĩa tiêu thụ, trong cơn mê với những hình ảnh khiêu dâm và bạo lực, hay tình trạng cô lập bệnh hoạn.”[1]
Thật vậy, internet có thể cung cấp nguồn tài liệu để các bạn trẻ đào sâu những đề tài học hỏi, nghiên cứu, như thể bộ bách khoa tự điển vừa khổng lồ, vừa chi tiết. Dầu vậy, việc truy cập nhanh chóng đòi hỏi rút ngắn thời gian quyết định, khiến khó phân định điều gì hữu ích và đáng để tìm kiếm. Bên cạnh đó, nếu thiếu trưởng thành và khả năng phân định, việc tự do truy cập có thể đưa người trẻ vào các website mang những nội dung khiêu dâm, bạo lực, độc hại, dụ dỗ hoặc kích thích người trẻ làm những điều xấu gây thiệt hại cho chính mình, gia đình và xã hội.
Internet còn tạo điều kiện để thanh thiếu niên có thể giao lưu trao đổi thông tin, ý kiến, tài liệu, hình ảnh… với các bạn bè ở xa một cách dễ dàng và nhanh chóng ngang qua thư điện tử (email), chat, diễn đàn (forum), nhật ký trên mạng (blog), mạng xã hội (như MySpace, Facebook…)… Điều này đáp ứng một trong những nhu cầu sâu xa của người trẻ là kết bạn, diễn tả chính mình qua những dòng nhật ký hay viết thư qua mạng.
Tuy nhiên các thiếu niên và trẻ em cũng có thể gặp những nguy hiểm khi sử dụng chúng. Trong một tác phẩm của mình, Vincenzo Varagona[2] đã phân tích những nguy hiểm này. Nguy hiểm đầu tiên là sự nặc danh. Ai ở đằng sau địa chỉ email hay nickname ấy? Một người chân thật, muốn thông tri, muốn xây dựng một tương quan bằng hữu chân thành? Một người có ý xấu muốn lợi dụng sự ngây thơ của những đứa trẻ? Người ảo ẩn mình sau những cái tên hấp dẫn? Người lớn giả làm trẻ con?
Vì thế, các em có thể chẳng may tiếp xúc với những người nguy hiểm trên mạng, có thể bị lạm dụng, bị lừa gạt, trở thành nạn nhân của những tổ chức hoạt động bất chính sử dụng internet như phương tiện để thực hiện tội phạm. Những điều trước đây xảy ra trên đường phố thì bây giờ xảy ra trên mạng.
Ngoài ra, thanh thiếu niên còn sử dụng internet để vui chơi, giải trí như nghe nhạc, xem phim, chơi trò chơi điện tử trực tuyến (game online). Tuy trò chơi điện tử tạo thuận lợi kích thích não của người chơi nhờ những thông tin hình ảnh tức thời, nhưng ngồi quá lâu trước màn hình sẽ trở thành một cản trở cho các học sinh vì sau đó sẽ gặp khó khăn trước cơ chế của việc học tập theo truyền thống. Hơn nữa, những hình ảnh cử động liên tục và những màu sắc, ánh sáng, âm thanh trên màn hình thu hút sự chú ý tập trung theo dõi của người chơi, gây hại cho mắt và có thể dẫn đến stress vì não phải nhận quá nhiều kích thích.
Ngồi chơi điện tử lâu giờ không chỉ tác hại đến sức khỏe thể lý (thậm chí có thể dẫn đến đột tử nếu chơi liên tục trong một thời gian dài), mà còn làm mất đi thời gian dành cho những sinh hoạt vui chơi bổ ích ngoài trời, những sinh hoạt lành mạnh khác như thể thao hay các môn năng khiếu, là những hoạt động giúp người trẻ phát triển và tự tin. Bên cạnh đó, việc chơi điện tử nhiều giờ, nhất là khi thức khuya để chơi, sẽ làm cho các thiếu niên không còn thời gian học bài, uể oải trong học tập, và khi đến lớp thì mệt mỏi, lơ đãng…
Có những trò chơi mang tính giáo dục, cung cấp kiến thức về cuộc sống, phát triển khả năng ứng xử, giúp thư giãn với những trò giải trí vui nhộn vô hại, nhưng cũng có nhiều trò chơi mang nội dung bạo lực và thù hận. Điều này gây nguy hại nghiêm trọng vì nơi các thiếu niên và nhất là nơi các trẻ em, cấu trúc tâm lý vẫn chưa hình thành trọn vẹn nên rất có nguy cơ lẫn lộn giữa thực tế và kinh nghiệm ảo trên mạng. Thường những em đã quen giải quyết vấn đề trong trò chơi điện tử bằng bạo lực sẽ cho rằng đứng trước những khó khăn trong cuộc sống thật cũng sẽ giải quyết vấn đề trong cùng cách thức đó.
Không những thế, ai chơi nhiều trò chơi điện tử bạo lực sẽ trở nên quen với bạo lực thật. Những cảnh bạo lực trong các trò chơi này làm cho mất nhạy cảm, giảm thiểu cảm xúc trong việc phản ứng lại những hành động bạo lực thật. Sử dụng những trò chơi bạo lực nhiều có thể không chỉ trở nên bạo lực hơn mà còn hay gây hấn, tấn công, bất khoan nhượng và ít vị tha.
Bạo lực của trò chơi điện tử xóa đi ranh giới giữa tốt và xấu, làm lu mờ sự phân biệt giữa thật và giả. Các giá trị đạo đức của cuộc sống biến mất trong các cảnh của trò chơi điện tử, và như thế có nguy cơ bị chà đạp trong bối cảnh của đời sống thật. Trong trò chơi điện tử, người bạo lực hơn là người thắng cuộc, bạo lực và tội phạm thì lại được thưởng, và thanh thiếu niên có thể quen dần với điều đó. Nếu một thiếu niên bị lôi cuốn trong quá nhiều giờ vào những câu chuyện phiêu lưu không thực, bước vào các tình huống ly kỳ rồi sau đó có thể xóa bỏ làm lại mà không để lại hậu quả hay trách nhiệm gì, thì thiếu niên ấy có thể nghĩ rằng cuộc sống thực cũng như thế. Như trong một ván chơi, người ta có thể gây ra những thảm họa khủng khiếp, và chỉ cần một đồng tiền khác, người ta có thể làm lại từ đầu một cách dễ dàng.
Nhiều trò chơi điện tử còn cống hiến cho thanh thiếu niên quyền làm chủ sự sống và sự chết, có khả năng quyết định vận mệnh của kẻ khác. Nếu những người trẻ chuẩn bị bước vào đời, bước vào cuộc sống thật với tất cả những suy nghĩ trên thì quả là nguy hiểm và tai hại.
Phần lớn các nhân vật chính trong trò chơi điện tử là người và điều đó cho phép người chơi đồng hóa mình trong vai của nhân vật và thiết lập một tương quan chặt chẽ với nhân vật. Những anh hùng của các trò chơi điện tử thường thuộc về tầng lớp thượng lưu của xã hội, nơi đó giàu có và quyền lực liên kết chặt chẽ với nhau. Người chơi được trao cho khả năng đảm nhận những vai trò xã hội rất quan trọng và ảnh hưởng trên hành xử của những người khác. Còn lại phần nhỏ nhân vật trong trò chơi thuộc tầng lớp trung lưu và chỉ rất ít thuộc tầng lớp hạ lưu của xã hội, tuy nhiên họ không cam chịu hoàn cảnh không may của họ. Đích đến của trò chơi thường là chiến đấu để trở nên giàu có hoặc để chiếm hữu được, kể cả với sự lừa dối, một vị trí quan trọng và nổi bật hơn trong xã hội. Có những trò chơi mà nhân vật được thúc đẩy bởi ước muốn làm giàu bằng mọi giá. Giàu có và quyền lực có một tầm quan trọng lớn trong trò chơi điện tử: người giàu có và người quyền thế chiếm ưu thế và đánh bại người nghèo. Giàu có là chìa khóa của thành công và nổi tiếng. Tất cả những điều này tạo nên sự lệch lạc trong suy nghĩ của thanh thiếu niên.
Thường những em gặp thất bại trong cuộc sống dễ nghiện trò chơi trực tuyến vì trong đó thành công đến nhanh và dễ hơn ngoài đời thật nên các em tìm được sự bù đắp cho những gì không có được ở đời thường. Cũng vì lý do đó mà nhiều thiếu niên say mê trò chơi trực tuyến, bởi các em cảm thấy được tự do đi khắp nơi mình muốn mà không bị ai cấm cản.
Ngoài ra, trò chơi trực tuyến còn tạo điều kiện cho người chơi được hòa nhập vào một cộng đồng xã hội mới, vì tuy các nhân vật là ảo nhưng người điều khiển chúng thì không ảo. Các game thủ có thể vừa chơi vừa trò chuyện với nhau qua cửa sổ chat, có thể trao đổi mua bán đồ dùng, vũ khí của trò chơi và cả các nhân vật trong trò chơi nữa. Điều này cũng có thể dẫn đến nguy cơ kết bạn với những băng nhóm xấu, mua bán bằng tiền thật các vật dụng của trò chơi trực tuyến, rồi vì cần tiền mà đưa đến trộm cướp. Bên cạnh đó, nếu thanh thiếu niên dành quá nhiều thời giờ cho việc sống trong thế giới ảo thì tương quan với những người thân trong gia đình, những người mà các em gặp gỡ hằng ngày trong thế giới thật sẽ trở nên lạnh nhạt, các em không còn muốn tham gia vào những hoạt động xã hội lành mạnh, tự cô lập mình, để rồi cảm thấy cô đơn, buồn chán.
Internet là “một miền đất tuyệt vời của không gian ảo, nơi đó người ta được phép phát biểu tùy thích và quy luật duy nhất tại miền đất này là mỗi người được tự do làm gì tùy thích.”[3] Vì thế không tránh khỏi tình trạng những người xấu lợi dụng gây nguy hại cho thanh thiếu niên. Một trong những mối nguy hiểm đó là sự bạo hành trên mạng (cyberbullying), được thể hiện dưới những dạng thức sau:
– Khủng bố bằng tin nhắn: những tin nhắn quấy rối hoặc đe dọa liên tục được gửi đến cho nạn nhân.
– Đe dọa phát tán trên mạng những hình ảnh/ clip video quay/ chụp bằng điện thoại di động hiện đại những cảnh kín đáo, tế nhị làm cho nạn nhân phải xấu hổ, lo lắng.
– Khủng bố bằng những cuộc gọi, nhá máy. Thủ phạm thường dùng nhiều số khác nhau hoặc điện thoại ăn cắp để không bị phát hiện.
– Khủng bố bằng email. Thủ phạm sử dụng email của nạn nhân làm điều xấu nhằm đổ trách nhiệm lên người đó.
– Chửi bới nạn nhân trên chatroom.
– Gửi tin nhắn nhanh với nội dung không tốt.
– Khủng bố qua website bao gồm việc sử dụng những blog, website cá nhân, mạng xã hội hoặc bất kỳ một cơ hội nào trên không gian mạng.[4]
Tuy nhiên, có những trẻ em và thiếu niên dễ gặp các loại nguy hiểm khác nhau trên mạng hơn những em khác. Đó là:
– Những thiếu niên cô đơn, sống trong những hoàn cảnh cô lập về mặt xã hội, vì cha mẹ vắng mặt do bận rộn với công ăn việc làm, hay trong những hoàn cảnh cô lập về mặt tình cảm, vì các em không tìm thấy trong thế giới thật xung quanh mình một người nào sẵn lòng nói chuyện với các em, trong khi ở trên mạng có vô số “bạn” mà các em có thể trao đổi.
– Những thiếu niên buồn, là những em chưa trưởng thành, mà cũng không đủ tự tin, lại thiếu tin tưởng nơi người khác, nên không có khả năng để thiết lập và duy trì những tương quan xã hội. Việc có thể xuất hiện một cách nặc danh trên internet tạo điều kiện để các em dễ dàng khởi sự tạo tương quan với những người khác nhờ sự xa cách thể lý ban đầu giữa họ.
– Những thiếu niên nổi loạn, diễn tả thái độ khó chịu và thách thức của mình trên internet, khiến cho những người vốn có khuynh hướng vi phạm những luật lệ xã hội tìm đến làm quen trên mạng, ban đầu như một người bạn đồng cảm với sự nổi loạn này, nhưng sau đó dần dần lôi kéo người thiếu niên vào con đường tội phạm.[5]
Người trẻ ngày nay sống trong thế giới internet. Cha mẹ không thể nào cấm đoán con cái tiếp cận với internet được. Hơn nữa, sự nghiêm cấm cứng cỏi chỉ đẩy đến sự lén lút, càng cấm đoán thì càng kích thích làm. Thay vì ngăn cấm, cha mẹ nên giáo dục con trong việc sử dụng mạng, đồng hành với con, ở bên cạnh con để cùng nhau lượng định, đánh giá, cho con hiểu biết những giá trị nền tảng, những nguyên tắc căn bản, giúp con có khả năng phân định, chọn lựa, biết cách tự vệ…
Một vài lời khuyên trong việc đồng hành với con cái trên internet
Vincenzo Varagona có đưa ra một số lời khuyên sau đây:[6]
Trước hết, tìm cách để biết con cái mình sử dụng internet như thế nào, nhưng không quá nóng nảy hay khắt khe. Nếu có thể thì lướt mạng cùng con, như một trò chơi mà cha mẹ và con cái cùng tham gia, qua đó cha mẹ vừa thêm hiểu biết về internet, vừa chia sẻ cho con cái những kinh nghiệm khôn ngoan của mình.
Ngay từ đầu, cần đặt máy vi tính, nhất là máy vi tính kết nối internet, ở nơi mà cả nhà đều có thể sử dụng chung thay vì trong phòng riêng của con. Không ai có ý nghĩ đặt tủ lạnh trong phòng riêng của con, cũng thế, máy vi tính phải được xem như đồ dùng chung của cả gia đình chứ không phải của cá nhân, ít nhất là trong những năm đầu con cái sử dụng máy vi tính và internet.
Cũng nên giúp cho con biết rằng ngang qua chat và nhất là qua email, máy vi tính rất dễ bị nhiễm virus có thể dẫn đến hư hỏng nặng. Ngoài ra, khi tải các phần mềm miễn phí trên mạng về máy vi tính, cần lưu ý là những chương trình tải về miễn phí có thể chứa đựng những phần mềm độc hại làm hỏng máy, hoặc những phần mềm gián điệp gây nguy hại.
Cha mẹ đừng xem máy vi tính như người giữ em để trao phó con, trái lại phải qui định cho con cái về thời gian sử dụng máy vi tính và internet. Cần giúp con ý thức là nếu đang lướt mạng mà gặp những nội dung xấu thì không tải xuống, cũng không dừng lại xem. Làm sao để tạo cho con có khả năng biết phân định nội dung phù hợp.
Ngoài ra, cha mẹ có thể ngăn chặn việc truy cập vào một vài website, chẳng hạn như những website bạo lực hoặc khiêu dâm, nhờ sử dụng phần mềm bộ lọc internet. Nếu cài đặt chúng, cần nhớ kiểm tra định kỳ hoạt động của chúng và giữ bí mật từ khóa.
Nên giải thích cho con cái biết là chúng không bao giờ được cho người khác những thông tin chi tiết cá nhân như họ tên, tuổi tác, địa chỉ, số điện thoại, thu nhập của gia đình, tên trường, thời khóa biểu học ở trường, và kể cả hình ảnh có liên quan đến cá nhân, gia đình và sinh hoạt thường ngày mà không hỏi ý kiến của cha mẹ trước, cũng như không bao giờ được sử dụng thẻ tín dụng, hay cho ai trên internet số thẻ tín dụng mà không có phép của cha mẹ.
Bên cạnh đó, cần nói cho con cái biết là rất nguy hiểm nếu như điền vào các mẫu trên mạng và trước khi làm điều đó phải tham khảo ý kiến của người lớn. Cũng nên căn dặn con cái không được dùng chung password với người khác và không bao giờ cho ai, kể cả bạn thân, password của mình.
Nếu như cha mẹ vẫn thường dạy con những quy luật hành xử căn bản để tránh những điều không hay xảy ra trên đường đi hoặc trong giao tiếp đời thường, chẳng hạn như không nói chuyện với người lạ, không nhận quà từ người lạ, không để người lạ cho đi quá giang… thì cha mẹ cũng cần dạy con những nguyên tắc ứng xử cơ bản khi sử dụng internet, để tránh tiếp xúc với những người không mấy đáng tin hay với những tình huống nguy hiểm trong thế giới ảo.
Một trong những nguyên tắc đó là không bao giờ trả lời những thư điện tử thô tục hoặc gây hấn, luôn cư xử một cách có giáo dục với đối tác trên mạng và không sử dụng ngôn ngữ thô lỗ hoặc không thích hợp.
Khi nhận được một sứ điệp hay nhìn thấy những hình ảnh làm cho lúng túng hay bị quấy rầy, bối rối, lo âu, thì đừng trả lời. Nên ghi chú website đó, rồi bỏ nó ngay lập tức và nói cho cha mẹ biết.
Một nguyên tắc nữa là không bao giờ nhận lời gặp gỡ trong đời thật những người quen biết trên mạng. Cần cẩn thận đối với những người không quen biết mà con cái gặp trên mạng vì không phải tất cả mọi người đều đúng thật như họ tỏ ra. Do đó, nên thận trọng khi trao đổi, đừng vội tin tưởng những người quen biết trên internet.
Cần thông báo ngay cho cha mẹ biết những điều mà người lạ tỏ lộ trên internet như một bí mật hoặc khi có người cứ muốn liên hệ hay gặp mặt.
Nếu như cha mẹ vẫn thường muốn biết bạn bè của con cái mình, các bạn học của con ở trường, các bạn chơi thể thao với con, thì cha mẹ cũng phải cảm thấy cần biết những người bạn mà con mình tương quan trên mạng.
Việc đồng hành với con cái trên internet phải dẫn đến việc làm cho con được tự do và trách nhiệm đồng thời có khả năng phân định và chọn lựa khi sử dụng internet. Cha mẹ cần hiểu biết về internet cũng như có một thái độ quân bình đối với internet, không thành kiến hay kết án, không nghi ngờ nhưng thận trọng, và cùng phối hợp với nhà trường và cả giáo xứ nữa để giáo dục người trẻ sử dụng các phương tiện truyền thông sao cho những phương tiện này tăng thêm sự phong phú cho tiến trình phát triển toàn diện của người trẻ, giúp người trẻ làm chủ sự tiến bộ kỹ thuật chứ không để mình bị nhận chìm trong đó, và vẫn gìn giữ được nhân phẩm, tương quan liên vị và những giá trị tinh thần.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 64 (Tháng 3 & 4 năm 2011)
[1] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI, Giáo Hội và internet, số 11, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-giao-hoi-va-internet-45929
[2] VARAGONA Vincenzo, Pollicino nel bosco dei media. Come educare i bambini a un uso corretto dei mezzi di comunicazione, Milano, Paoline, 2007.
[3] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI, Đạo đức trong internet, số 8, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dao-duc-trong-internet-tai-lieu-cua-hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-45996
[4] Lê Minh Công – Phương Liên, Nghiện online. Những điều cha mẹ cần biết, T.P. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, 2010, 69-70.
[5] VARAGONA, Pollicino nel bosco dei media, 99-100.
[6] Ibidem, 101-103.