ĐỨC CẬY, EM GÁI NHỎ
1. Hai thành tố của đức cậy
“Thiên Chúa nói : đức tin mà Ta yêu nhất, chính là đức cậy. Đức tin không làm Ta ngạc nhiên, đức ái không làm Ta sửng sốt. Điều làm Ta sửng sốt, chính là đức cậy..” Bài thơ tuyệt diệu của Charles Péguy về đức cậy bắt đầu như thế.
Đức cậy (hoặc niềm hy vọng) gồm hai thành tố đi đôi với nhau, nhưng phân biệt nhau. Có một đức cậy khách quan chỉ những gì chúng ta hy vọng (tựu trung là sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu), và một đức cậy chủ quan chỉ hành vi hy vọng. Hành vi này là một sức đẩy về phía trước, một đà tiến bên trong, một sự mở rộng tâm hồn hướng về tương lai. Theo định nghĩa của một Giáo phụ, đức cậy là một “vận hành của tâm trí, với lòng yêu mến, hướng tới những gì nó hy vọng”.
Những bản văn Kinh thánh cho thấy khía cạnh chủ quan của đức cậy, mà chúng ta sắp bàn, không nói về hy vọng điều gì đó, nhưng hy vọng vào ai đó. Ai đó ở đây là Thiên Chúa hoặc Đức Kitô. Một trong những định nghĩa của Tân ước về các Kitô hữu là: “Họ là những người hy vọng vào Đức Kitô” (1 Cr 15,19 ; Ep 1,12). Chính Đức Kitô cũng được gọi là “niềm hy vọng của chúng ta” (cl 1,27 ; 1Tm 1,1), “nơi danh Người muôn dân đặt niềm hy vọng” (Mt 12,2 ; Rm 15,12).
Theo đường lối này, bản văn đẹp nhất trong Tân ước về đức cậy là bản văn của Phaolô: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15,13). Kiểu nói “Thiên Chúa là nguồn hy vọng” hoặc “Thiên Chúa của hy vọng” không chỉ có nghĩa Thiên Chúa đã hứa ban sự sống đời đời, giúp chúng ta đạt tới sự sống ấy, hoặc Thiên Chúa, mà chúng ta hy vọng một ngày kia sẽ chiếm hữu. Thiên Chúa của nguồn hy vọng còn là : Thiên Chúa cho phép chúng ta hy vọng ; Thiên Chúa giúp các tiên tri chờ đợi ; Thiên Chúa của lời hứa, Đấng hé mở tương lai, thúc đẩy dân Chúa hướng về phía trước ; Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi ngục tù thời gian, như đã giải thoát dân Người khỏi cảnh làm tôi cho Pharaô.
Niềm hy vọng này, hiểu như một hành vi và một tình trạng tâm hồn, một khả năng hướng tới tương lai, chính là một mầu nhiệm và một phép lạ, cũng nhiệm mầu và lạ lùng như khi một sự sống xuất hiện. Nó làm biến đổi những gì nó chạm tới. Nó tham dự rất gần gũi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Hậu quả của nó được mô tả trong đoạn văn Isaia sau đây: “Thanh niên thì mệt mỏi nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,30-31).
Sấm ngôn này là câu trả lời cho dân Chúa đang than thở: “Số mệnh của tôi ẩn giấu nơi Đức Chúa”. Thiên Chúa không hứa cất đi những lý do gây ra mệt mỏi nhọc nhằn, nhưng ban niềm hy vọng. Tình trạng thì vẫn vậy, nhưng niềm hy vọng thêm sức mạnh giúp ta vươn lên. Thiên Chúa ban sức mạnh cho ai nhọc nhằn, gia tăng sức mạnh cho người mệt mỏi, nhưng không cất đi sự mệt mỏi nhọc nhằn ấy. Sức mạnh ấy giống như đôi cánh. Có những con vật được ban cho đôi cánh, nhưng chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt, khi gặp nguy hiểm, còn bình thường chúng chỉ dùng đôi chân. Người thợ săn theo đuổi chúng, tìm cách lùa chúng tới hàng giậu hay một nơi đóng kín không có lối thoát. Lúc đó chúng mới giương cánh ra, bay đi nơi khác. Đức cậy cũng cho phép ta làm như vậy.
2. Giữ cho niềm hy vọng được sống động
Chúng ta vừa dựa vào lời Chúa để xem hy vọng có ý nghĩa như thế nào. Giờ đây sang khía cạnh thực tế : làm sao giữ cho niềm hy vọng đó được sống động, làm sao “trả lời cho những chất vấn” về niềm hy vọng của chúng ta, làm sao được “tràn trề hy vọng” nhờ Chúa Thánh Thần.
Thư Do thái so sánh đức cậy với chiếc neo: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Dt 6,19). Chắc chắn và bền vững, vì không cắm xuống đất nhưng cắm trên trời, không phải trong thời gian nhưng trong vĩnh cửu, “bên kia bức màn của cung thánh”. Đây là hình ảnh cổ điển của đức cậy. Tuy nhiên, còn có một hình ảnh khác, theo một nghĩa nào đó đối nghịch với hình ảnh trên đây. Đó là hình ảnh cánh buồm. Chiếc neo bảo đảm cho con tầu đứng vững trước phong ba, thì cánh buồm, trái lại, giúp cho con tầu tiến tới.
Đức cậy làm cả hai việc trên cho con tầu Giáo hội và con thuyền của đời sống cá nhân. Nó thực sự như một cánh buồm hứng lấy gió, âm thầm biến đổi gió thành lực đẩy đưa con tầu ra khơi hay cập bến. Cũng như cánh buồm trong tay một thủy thủ lành nghề, người này biết lợi dụng sức gió, bất cứ thổi theo hướng nào, thuận hay nghịch, để đưa con tầu tiến đi theo hướng mình muốn, thì đức cậy cũng vậy.
Trước hết, đức cậy giúp ta trên đường thánh hóa. Ai thực hành đức cậy thì chính nó sẽ trở thành nguyên lý của sự tiến bộ thiêng liêng. Quả thực, nó luôn ở bên cạnh ta, để khám phá ra những điều tốt có thể làm. Nó không cho phép ta sống hâm hẩm, bê trễ, hoặc mơ mộng và xây dựng cho mình những thế giới tưởng tượng.
Đức cậy là tất cả những gì cụ thể và thực tế. Nó dùng thời giờ cho ta thấy những công việc phải làm, những trách vụ phải chu toàn. Nếu tuyệt đối không có gì để làm trong một tình huống cụ thể, thì đó là tê liệt và thất vọng. Vì hướng tới vĩnh cửu, đức cậy luôn thấy có gì đó có thể làm, để cải thiện đời sống : làm việc hơn, vâng phục hơn, khiêm nhường hơn, hãm mình hơn…Khi bạn bị cám dỗ tự nhủ: “Không có gì để làm cả”, thì lúc ấy, đức cậy có mặt và nhắc bạn: “Cầu nguyện đi”. Nếu bạn bảo: “Tôi đã cầu nguyện rồi”, đức cậy sẽ nói: “Thì cầu nguyện nữa”.
Theo Tân ước, đức cậy có liên quan với nhẫn nại. Nhẫn nại ngược với bất nhẫn, vội vã, “ngay tức khắc”. Nhẫn nại là thuốc trị chán nản. Nó giúp ta duy trì sức mạnh ham muốn. Kinh thánh thường xuyên đưa ra ánh sáng chân lý này : gian truân không làm mất đi, nhưng mang lại đức cậy. “Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 3,4). Đức cậy cần gian truân như lửa cần gió để bùng lên. Những lý do để hy vọng, theo suy nghĩ của con người, phải lần lượt mất đi, nhường chỗ cho lý do duy nhất là Thiên Chúa.
Gian truân lấy đi mọi điểm tựa nơi con người, giúp họ chỉ trông cậy vào một mình Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về điều ngài viết: “Chúng tôi đã phải chịu đựng (nỗi gian truân) quá mức. quá sức chúng tôi, để chúng tôi không tin tưởng vào chính mình, mà vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết trỗi dậy. Chính Người đã cứu và sẽ còn cứu chúng tôi khỏi một cái chết như thế. Người là Đấng chúng tôi trông cậy, Người sẽ còn cứu chúng tôi nữa” (2Cr 1,9-10).
Gian truân đưa tới tình trạng này của trông cậy, là “hy vọng ngược với mọi hy vọng”, nghĩa là tiếp tục hy vọng mà chỉ dựa vào lời Thiên Chúa nói trước đây, cả khi lý do để hy vọng như người ta nghĩ, không còn nữa. Đó là niềm trông cậy của Abraham khi phải sát tế Isaac (x. Rm 1,18), của Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, một thập giá đã làm cho Mẹ trở thành “rất đáng cậy trông” hoặc “Đấng đáng trông cậy”, Mater spei (Kinh cầu Đức Bà).
3. Trả lời chất vấn về niềm hy vọng
Đức cậy hay niềm hy vọng có vai trò rất quan trọng trong việc Phúc âm hóa. Theo thư thứ nhất của thánh Phêrô, công cuộc truyền bá sứ điệp và rao giảng Tin mừng được trình bầy như một hình thức trả lời cho những chất vấn về niềm hy vọng, trả lời cách hiến hòa và kính trọng (x. 1Pr 3,15-16).
Đọc những trình thuật sau biến cố Phục sinh, người ta cảm nhận rõ Giáo hội được sinh ra từ đức cậy. Người ta không giải thích cách khác sự biến đổi tức khắc nơi các môn đệ, sự phấn khởi lộ ra trong những bản văn nói về nhân đức này. Như thánh Phêrô nói, biến cố Đức Kitô Phục sinh đã làm cho các ông “tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động” (1Pr 1,3), và chính với niềm hy vọng này mà các ông bắt đầu chinh phục thế giới.
Ngày nay, nếu muốn thực hiện công cuộc Phúc âm hóa mới, chúng ta cũng cần được “tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động”. Làm người ai cũng phải có hy vọng. Không ai làm gì mà không có hy vọng. Người ta đến nơi nào có thể hít thở bầu không khí hy vọng, và chạy trốn khỏi nơi không thấy có dấu hiệu hy vọng nào. Nếu muốn dân chúng đến với Thánh lễ Chúa nhật, phải cho họ thấy niềm hy vọng ở đó. Chính niềm hy vọng giúp cho những người trẻ có can đảm lập gia đình, hoặc theo đuổi một ơn gọi tu trì. Chính niềm hy vọng giúp họ rời xa ma túy, không đầu hàng thất vọng.
Chúng ta hôm nay sống trong một hoàn cảnh, có thể nói, có nhiều thuận lợi liên hệ đến đức cậy. Hãy nhớ lại điều đã xẩy ra cách đây chừng hơn một thế kỷ thôi. Những người như Feuerbach, Marx, Nietzsche, Freud tấn công trực diện chống lại đức cậy. Khi có dịp là họ không ngần ngại chỉ trích nhân đức này. Theo họ, sự sống vĩnh cửu, thế giới bên kia, hạnh phúc thiên đàng chỉ là phóng chiếu những ước muốn và nhu cầu mà con người không được thỏa mãn trong thế giới này. Những thực tại ảo tưởng đó như thuốc phiện mê hoặc dân chúng, ru ngủ con người, khiến người ta không còn dấn thân vào cuộc sống, đưa họ tới chỗ “phí phạm ở trên trời những kho tàng dành cho trái đất” (Hegel). Trong khi đó thì người Kitô hữu không biết tìm cách bảo vệ nội dung đức cậy, ngại nó về nó. Chúng ta hiểu vì sao, trong suốt một thời gian dài, dường như không hoặc ít có bài giảng nói về sự sống đời sau.
Tuy nhiên, sau khi tìm cách triệt hạ đức cậy, người mác xít vô thần lại sớm nhận ra rằng không thể sống mà không có hy vọng. Do đó, thay cho đức cậy Kitô giáo, họ phát minh ra “nguyên lý hy vọng”, đặt nơi con người, cho rằng một ngày kia sẽ đạt được ở trần gian này. Đó chính là một đức cậy bị tục hóa, cắt đứt khỏi Thiên Chúa và vĩnh cửu. Những người phát minh ra nguyên lý này còn tự hào là đã vượt qua và vượt trên đức cậy Kitô giáo, kế thừa hợp pháp đức cậy Kitô giáo. Chỉ có niềm hy vọng do họ phát minh là chân thật mà thôi.
Sự sụp đổ của các chế độ mác xít vô thần làm giảm đi các cuộc tấn công này. Nói cho cùng, nhiệm vụ cần thiết nhất giờ đây không phải là dùng triết học hay thần học bảo vệ và biện minh cho đức cậy, nhưng là loan báo nó cho một thế giới đã đánh mất ý nghĩa của hy vọng, và vì lẽ này, trở nên trì trệ về phương diện thiêng liêng. “Hãy lấy đi niềm hy vọng thì tất cả nhân loại sẽ tê liệt” (Tolle spem, torpet humanitas tota), một Giáo phụ đã viết như thế. Hãy lấy đi niềm hy vọng, thì tất cả nghệ thuật và nhân đức sẽ biến mất. Hãy lấy đi niềm hy vọng, thì mọi sự sẽ chết.
Trước một thế giới (thấy rõ hơn ở Việt nam) dường như sống ngày qua ngày, không còn những phấn khích và đà tiến hướng về tương lai, điều quan trọng là làm thế nào loan báo cho họ niềm hy vọng. Muốn thế thì chúng ta cũng phải có “tràn trề niềm hy vọng”. Niềm hy vọng thì hay lây, nên hãy tạo điều kiện cho nó lây từ ta sang người khác, và từ người khác sang người khác nữa, cũng như những bệnh hay lây truyền đi không phải do nghiên cứu, tranh luận hay giải thích, nhưng chỉ khi người ta có bệnh ấy. Trong Lễ Vọng Phục sinh, các Kitô hữu truyền cho nhau ngọn lửa lấy từ cây nến Phục sinh, truyền cho nhau ánh sáng Chúa Kitô, chúng ta cũng hãy truyền cho nhau ánh sáng của niềm hy vọng phát xuất từ Chúa Kitô, từ người này sang người kia, từ cha mẹ sang con cái, từ thầy dậy sang học viên…
Một trong những phương tiện làm lan tỏa niềm hy vọng là sống vui tươi và bình an. Thánh Phaolô nói: “Xin Thiên Chúa là nuồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin” (Rm 15,13). Niềm vui cho thấy sự hiện diện của hy vọng, như hương thơm cho biết có những bông hoa ở gần.
Một cách nữa làm cho hy vọng được sống động và lây lan là cách mà thánh Phaolô nói đến khi ngài bảo rằng “đức mến hy vọng tất cả” (1Cr 13,7). Hy vọng tất cả nhờ tình yêu, nghĩa là luôn cởi mở với mọi người, không trừ ai, có khả năng làm điều tốt, lúc nào cũng có thể làm điều gì đó tốt cho người khác, hơn nữa, còn giúp cho người đó tiến bộ hơn, mỗi ngày một tốt hơn. Đừng bỏ rơi người nào, đừng thất vọng về một người nào : người con đi lạc vẫn có thể trở về, một kẻ thù có thể lại trở thành bạn hữu, tình yêu lạnh nhạt giữa hai người có thể được sưởi ấm lại…Hãy hy vọng tất cả (Kierkegaard).
Điều thánh Phaolô nói về bác ái có giá trị cho cả Giáo hội. Giáo hội hy vọng tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Giáo hội không chỉ tố giác điều xấu có thể xẩy ra trong xã hội, giúp người ta đề phòng những điều xấu ấy. Nhưng Giáo hội còn có những hành động tích cực hơn, nhấn mạnh những điều tốt có thể làm và phải làm. Một giọt mật bẫy được nhiều ruồi hơn là một thùng giấm, thánh Phanxicô Salêsiô đã nói như vậy. Người ta đánh bẫy được nhiều linh hồn bằng một giọt hy vọng, hơn là bằng cả tấn những lời trách móc. Có lẽ chưa bao giờ thế giới tỏ ra sẵn sàng lắng nghe Giáo hội bằng những năm thời Công đồng Vatican II. Lý do chính, là vì Công đồng đem lại cho người ta niềm hy vọng.
Nhưng phải chăng hy vọng theo cách đó lại dễ đưa đến thất vọng ? Sự khôn ngoan của con người đã từng kinh nghiệm về điều đó, chờ đợi một đàng, xẩy ra một nẻo. Đây là điều đã xẩy ra ít nhiều với Vatican II.
Dầu sao, Công đồng cũng đã phát động niềm hy vọng lớn, và chúng ta cần phát động lại niềm hy vọng này. Thánh Tông đồ đã nói với các tín hữu Rôma là họ phải “trần trề hy vọng” (Rm 15,13). Giáo hội đã đem đến cho thế giới một món quà tốt nhất là niềm hy vọng, không phải hy vọng mau qua, thuần túy của con người, như hy vọng được khá hơn về kinh tế hay chính trị. Thực ra, dù có muốn, Giáo hội cũng không thể đáp lại nguyện vọng này, vì nó không thuộc thẩm quyền và sở trường của Giáo hội. Niềm hy vọng mà Giáo hội cung ứng cho con người là chân trời vĩnh cửu, được Đức Kitô và sự Phục sinh của Ngài bảo đảm. Niềm hy vọng này sẽ là nguồn mạch cho những hy vọng hợp pháp khác của nhân loại.
Ai thấy thầy thuốc đến thăm và khám bệnh cho một bệnh nhân đau nặng, và khi thầy thuốc về rồi, mà nói với người bệnh rằng : Về trường hợp của anh, thầy thuốc hy vọng nhiều đấy! thì một lời như vậy có giá trị hơn mọi phương thuốc. Con người ngày nay mắc đủ thứ tật bệnh thiêng liêng cũng cần được nghe chúng ta nói : Giáo hội vẫn hy vọng vào xã hội này.
4. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần
“Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng”. Quan trọng nhất trong câu trên hẳn là những chữ “quyền nặng của Thánh Thần”.
Đức cậy là thần đức không chỉ vì có Thiên Chúa là đối tượng và cùng đích, mà Ngài còn là nguồn gốc của nó. Cùng với đức tin và đức ái, đức cậy là một trong những hình thức hoạt động của Chúa Thánh Thần, khi Người đến với tâm hồn. Khi nói về bác ái, thánh Phaolô bảo rằng bác ái lan tỏa trong ta “nhờ Thánh Thần đã được ban cho ta”. Về đức tin và đức cậy, cũng vậy.
Chúa Thánh Thần giữ cho niềm hy vọng được sống động, giúp ta thực hành đức cậy, chứng thực với chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, và nếu là con, chúng ta là những người thừa tự (x. Rm 8,16-17). Chúa Thánh Thần là nền móng của đức cậy, nhờ Người mà hy vọng sẽ không thất vọng. “Trông cậy như thế chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (x. Rm 5,5).
Nền tảng lịch sử của đức cậy là Đức Kitô và Mầu nhiệm Vượt qua. Chính trên nền tảng này mà Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng sẽ đưa niềm hy vọng của chúng ta tới chỗ thành toàn, khi làm cho ta sống lại cùng với Đức Kitô, vì “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (x. Rm 8,11).
Giống như mọi sự khác, đức cậy cần trải qua một “phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5), để lại có được sức mạnh tỏa sáng, thoát khỏi những vướng mắc chung quanh do chúng ta tạo ra.
Trong Kinh thánh, chúng ta bắt gặp những khủng hoảng lớn về niềm hy vọng, khiến dân Chúa phải đau buồn mà kêu lên: “Hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời” (Êd 37,11). Đó là điều xẩy ra trong thời lưu đầy. Làm thế nào thắng được khủng hoảng này? Thiên Chúa cho nhà tiên tri nhìn thấy đống xương khô, và bảo ông kêu lên với thần khí: “Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh” (Ed 37,9). Lập tức, các bộ xương bắt đầu đứng lên làm thành một đạo quan đông vô kể. Niềm hy vọng hồi sinh mang hình hài của những người chết sống lại. Quả thực, sự sống lại của thân xác sẽ xẩy ra vào ngày tận thế, còn sự sống lại của tâm hồn phải xẩy ra mỗi ngày.
Kinh thánh cũng được đánh dấu bằng những lần niềm hy vọng bùng dậy. Một trong những lần bùng dậy được mô tả trong Thánh vịnh 130 : De profundis (Từ vực thẳm). Điều làm thay đổi tình hình chính là quyết định hay tiếng kêu : Tôi hết lòng trông cậy ở lời Người…Hồn tôi trông chờ Chúa…Trông cậy Chúa đi Israel hỡi.
*
Khởi đầu bài suy niệm, chúng ta đã trưng dẫn vài câu trong một bài thơ của Charles Péguy, liên quan tới đức cậy. Để kết thúc, chúng ta đưa ra ý tưởng của một bài thơ khác, cũng của thi sĩ trên và cũng liên quan tới đức cậy :
Péguy so sánh ba nhân đức đối thần với ba chị em gái, hai chị lớn và một em nhỏ. Cả ba dắt tay nhau bước đi, hai chị lớn đi hai bên, em gái nhỏ đi ở giữa. Em gái nhỏ này là đức cậy. Người ta cứ tưởng hai chị lớn dắt em gái nhỏ, kỳ thực em gái nhỏ lôi hai chị lớn. Không có đức cậy thì hai nhân đức kia chẳng là gì cả. Chính đức cậy nhỏ bé lôi kéo mọi sự.
Vậy hãy giữ cho đức cậy của chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta, được luôn sống động.
(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài thuyết trình cho giới trẻ ở Chartres, 7/12/2008)
Lm Micae Trần Đình Quảng