– Bạn đang chờ gì vậy ?
– Tôi dang chờ Đức Thánh cha .
– Điều đó quan trọng lắm sao ?
– Vâng, thật quan trọng, vì chúng tôi có thể gặp chúa Giêsu nơi ngài.
Lời của một thiếu nữ thuộc đoàn người trẻ Hồng Kông trong đại hội giới trẻ thế giới năm 1997 tại Paris (Pháp) đã nói lên sự mến mộ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong lòng giới trẻ. Họ tin tưởng vào ngài cũng như ngài đã tin tưởng nơi họ, như” Những tuần canh của rạng đông, những người thông báo sự ló dạng của mặt trời là Đức Kitô phục sinh”. Kể từ năm 1985, khi ngài công bố lập ngày giới trẻ thế giới (JMJ) 2 năm 1 lần : Rôma (1985), Buenos Aires (Argentine 1987), Santiago de Compostella ( Tây ban Nha 1989)…và nhiều điểm hẹn sau đó trên thế giới, để những người trẻ có thể gặp gỡ nhau, cùng ngài tôn vinh Thiên Chúa,cùng nói lên niềm hi vọng của nhân loại, rồi sẽ trở về nhà như “những chứng nhân không chút sợ hãi của Tin Mừng “. Ngài đã truyền cho họ sự dũng cảm, lòng nhiệt thành khi phải đối đầu với nền văn hóa sự chết như chiến tranh, bạo lực, nạn phá thai…để duy trì sự sống cho con người. Đến gần cuối đời, dù tuổi già bệnh tật, chiếc lưng còng với những bước chân chậm rãi của ngài như vẫn đi trước để dẫn dắt thế hệ trẻ trung theo sau vững bước trên con đường của Tin Mừng, giọng nói của ngài không còn vang lên hùng dũng nhưng giới trẻ vẫn như nghe tiếng ngài thôi thúc bước trên đường thánh giá để cùng Chúa cứu độ trần gian. Thật không lạ gì khi bao thanh niên thiếu nữ đã bật khóc khi nghe tin ngài ra đi, họ giống như Đức hồng y Sandri, có cảm tưởng “trở thành kẻ mồ côi ” lúc ngài tạm biệt họ để trở về nhà Cha, trên môi còn phảng phất nụ cười mến yêu và tin tưởng họ.
“Con người cư ngụ trong thế giới như một thi nhân” (Heidegger,Đức). Đức Gioan Phaolô II đã từng là thi sĩ và hấp dẫn giới trẻ với tâm hồn thi sĩ. Tuổi trẻ là tuổi mộng mơ, tuổi của những hoài bão, tuổi có những lời hứa đủ để chờ cơ hội thể hiện lòng trung tín và có những dự phóng đủ để bày tỏ nhiệt tình hành động của mình. Thế giới ngày càng nhỏ bé, nhưng với Tin Mừng, Đức Gioan Phaolô II đã mở cho tâm hồn con người những chân trời rộng lớn là nơi mà hoà bình và tình yêu có thể bao trùm mọi người. Giáo Hội, qua ngài, đã tự khai mở để hướng tới tương lai và dẫn đưa con người về cứu cánh đích thực, tránh xa chủ nghĩa “thế tục hoá” muốn thay thế niềm hi vọng Kitô giáo bằng sự giả dối đầy quyến rũ luôn mê hoặc con người. Những vần thơ, những tư tưởng của ngài đã đưa giới trẻ lên đỉnh cao, không phải của những ảo tưởng, mà là “Golgotha” của thời đại, để sẵn sàng chết và sống lại với vinh quang mà Chúa đã muốn dành cho nhân loại ; để như Đức Thánh Cha đã nói :”Khi các con nói vâng với Chúa Giêsu, các con có thể nói vâng với tất cả những lý tưởng cao thượng của mình “. Những ý tưởng phát sinh từ Lời Chúa và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa, như cuộc sống can đảm và cái chết bình thản của ngài đã chứng minh.
Tuổi trẻ cũng là tuổi hò reo, lên tiếng, ca hát, vui nhộn : người ta không quên hình ảnh của ngài khi vung cây gậy cầm tay theo phong thái “Charlot ” trong đại hội giới trẻ thế giới ở Manilla ( Philippines 1995 ), hình ảnh ngài múa tay nhịp theo tiếng hát của gần 1 triệu thanh niên trong đêm đại hội giới trẻ ở Paris (Pháp 1997). Ngài đã cùng với giới trẻ chứng minh rằng: người Kitô hữu thật không buồn rầu, rằng Thiên Chúa không chết như Nietzsche đã nói. Ngược lại, Đức Kitô đã phục sinh để đem niềm vui cho thế giới, Đấng đang sống trong tâm hồn trẻ trung của vị thủ lãnh Giáo Hội, của giới trẻ, của hàng tỷ tín đồ và bao người thành tâm thiện chí trên mặt đất này. Đức Gioan Phaolô II làm cho giới trẻ say mê không phải chỉ vì ngài khôi hài với họ, làm cho họ cười, mà còn vì ngài thực sự sống với niềm vui và lòng hăng say của họ, vì ngài cũng đã chia sẻ nỗi buồn và thao thức của họ trong tâm trạng an vui.
Và sau cùng, tuổi trẻ cũng là tuổi của hành động, của sự chân thật, cởi mở. Vào ngày 19 tháng 8 năm 2000 ở Rôma, chưa bao giờ Âu châu thấy được một sự tụ hội như thế: 2 triệu thanh niên nam nữ khắp nơi trên thế giới đổ về không phải chỉ để gặp gỡ, ca hát, cầu nguyện, chia sẻ với nhau, mà còn là để đáp lời mời gọi của Ngài, cùng dự tính hành động với ngài :”các con đừng cam chịu với một thế giới mà con người bị chết bởi thiếu ăn, mù chữ và thiếu việc làm. Các con hãy bảo vệ sự sống trong mọi lúc khi nó đang phát triển ở trần thế này. Các con hãy cố gắng với tất cả năng lực của mình để làm cho trái đất này trở thành nơi an cư hơn cho toàn nhân loại “. Trong đại hội năm đó, hơn 50.000 thanh niên nam nữ tìm đến toà giải tội mỗi ngày để thống hối những gì mình đã làm cho anh em bị thương tổn, với quyết tâm sẽ làm sao cho cuộc sống của mình và mọi người được tốt hơn trong tình yêu. Hình ảnh đức Gioan Phaolô II thống hối trong năm thánh” hồng ân cứu độ 2000″, với những lời xin lỗi của ngài sau này đã làm cho giới trẻ, cho thế giới, và cho cả những người không mấy thân thiện với Giáo Hội xúc động sâu sa. Yêu thương là can đảm lãnh trách nhiệm về di sản quá khứ hằng ngàn năm của Giáo hội với tất cả vẻ đẹp lẫn bóng mờ, là dám nhận những sai lầm nhân danh sự thánh thiện tinh tuyền của Giáo Hội dù sai lầm đó không phải do mình gây ra, là mau mắn hành động theo hướng tích cực để mây mù của hiểu lầm, nghi kỵ trong dĩ vãng được ngọn gió Thánh Thần xua đi tan biến. Giới trẻ yêu bầu trời trong sáng, yêu ngọn gió mát, yêu cánh cửa thoáng, yêu những gì cao thượng đánh động lòng người. Họ yêu luôn cả ngài, người dã chỉ cho họ thấy những điều mà họ từng mộ mến say mê.
Giờ đây ngài đã ra đi để về nhà Cha, trong sự tiếp đón của tất cả các thần thánh trên trời; Nhưng hình bóng ngài vẫn còn trong tâm hồn chúng ta, tư tưởng ngài vẫn đang dẫn dắt chúng ta. Quả như một nhóm thanh niên ý tụ tập với nhau trên công trường Thánh Phêrô cầu nguyện và hát vang với đàn guitare khi hay tin ngài vừa mới qua đời : “Ở lại với chúng con “. Ngài đang đi vào sự Phục Sinh như Đức Kitô năm xưa, để rồi chúng ta như những người môn đệ về làng Emmaus, thấy nơi ngài hình ảnh của Chúa phục sinh và lên tiếng:” Xin hãy ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều, cho dù hoàng hôn với tất cả những gì tăm tối của nhân gian có tạm thời buông xuống, chúng ta vẫn hân hoan tham dự nghi thức bẻ bánh, với Đức Kitô đã chịu nát tan, với Đức Gioan Phaolô II cả đời hi sinh cho Giáo Hội, trong niềm hi vọng vào một buổi bình minh huy hoàng của nhân loại chan hoà ánh sáng phục sinh và niềm vui vĩnh cửu .
Hồng Đức
04-04-2005